Theo dõi cuộc khảo cứu Văn hóa Óc Eo
Nhân một luận án khảo cổ học THEO DÕI CUỘC KHẢO CỨU VĂN HÓA ÓC EO Bài và ảnh Võ Quang Yến Hôm 18 tháng mười hai năm 2012 vừa qua, cô Béatrice Wisniewski bảo vệ ở Nhà Á Đông, 22, Đại lộ Président Wilson, Paris 16, một luận án tiến sĩ về khảo cổ học trong khuôn khổ Trường Cao cấp ...
Nhân một luận án khảo cổ học
THEO DÕI CUỘC KHẢO CỨU VĂN HÓA ÓC EO
Bài và ảnh Võ Quang Yến
Hôm 18 tháng mười hai năm 2012 vừa qua, cô Béatrice Wisniewski bảo vệ ở Nhà Á Đông, 22, Đại lộ Président Wilson, Paris 16, một luận án tiến sĩ về khảo cổ học trong khuôn khổ Trường Cao cấp Thực hành EPHE trên đề tài : Đồ gốm cổ điển Việt Nam trong nghìn năm thứ nhất kỷ nguyên ta. Từ sự phát hiện những lò nhiệt độ cao đến sự xuất hiện một cuộc sản xuất có tổ chức : khảo cứu khảo cổ. Chủ nhiệm đề tài là ông Pierre-Yves Manguin, Giám đốc nghiên cứu tại Trường Viễn đông Bác cổ EFEO.
Kỷ sư Pierre-Yves Manguin sinh năm 1945 ở Lisbonne (Portugal). Sau khi tốt nghiệp Truờng Viễn Đông sinh ngữ INALCO, tốt nghiệp trường Cao đẳng Thưc hành EPHE, năm 1977 ông bảo vệ luận án Tiến sĩ đệ tam cấp Đại học Paris IV, đồng thời đi học thêm dân tộc học và ngôn ngữ học ở Sorbonne. Năm 1970, ông được tuyển vào EFEO, gởi qua làm nhiều lần ở Indonexia. Giảng viên ở EPHE, ông điều khiển từ năm 2002 một se mi ne hằng tuần trên đề tài Khảo cổ học lịch sử mặt ngoài bờ biển Đông Nam Á. Thành viên sáng lập và Chủ tịch Phòng thí nghiệm Đông Nam Á và giới ngôn ngữ austronésien LASEMA ở Trung tâm Quôc gia Khảo cứu Khoa học CNRS, ông cũng là thành viên sáng lập và Chủ tịch Hội Khảo cứu về Đông Nam Á(Pháp), Chủ tịch Hội Khảo cổ Đông Nam Á (châu Âu), chịu trách nhiệm nhóm Đông Nam Á : Trao đổi, Tôn giáo, Nhà nước ở EFEO. Vào những năm 1965-1977, trong gần hai năm, ông tìm kiếm trong tài liệu lưu trữ Portugal châu Âu và châu Á những dữ kiện lịch sử bờ biển Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng, từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Kết quả được trình bày trong hai cuốn sách do EFEO xuất bản. Ông cũng còn thu lượm được một số tư liệu dồi dào chưa từng xuất bản về các đảo Đông Nam Á thế kỷ XVI dẫn đưòng ông lại sự nghiên cứu về những thành phố cảng và về lịch sử những kỹ thuật đóng tàu trong xã hội Mã Lai tiền cận đại.
Phòng bảo vệ luận án
Sau một thời gian nghiên cứu ở Sumatra từ 1980 đến 1996, ông được cử điều khiển chương trình Khảo sát khảo cổ học Đồng bằng sông Cửu Long. Chủ yếu chương trình nầy là khảo cứu về nước Phù Nam, từ thế kỷ I đến thế kỷ VII, trong một cuộc hợp tác giữa EFEO và viện Khoa học Xã hội Tp Hồ Chí Minh. Phù Nam, tức Fou Nan theo cách gọi của Trung Quốc, hay Bonam – b’iu nậm có nghĩa là ‘’núi’’ trong tiếng Môn-Khmer, hiện đại là phnom, cổđại là vnam (1). Năm 2002, sau sáu đợt khai quật hằng năm tại vị trí phức hệ Óc Eo ở làng Vọng Khê, tỉnh An Giang, chương trình khai quật tạm dừng để bước qua đợt khai thác những dữ liệu đã thu lượm được. Thật ra, từ năm 1944, Louis Malleret đã bắt đầu khai quật ở đây sau khi phát hiện những di vật có cấu tạo xưa trên thị trường cổ vật. Nằm giữa phía tây sông Cửu Long và vịnh Xiêm La, di chỉ Óc Eo rải rác giữa một miền đồng bằng ngập nước và hoành sơn Ba Thê, rộng khoảng 1100 ha. Vùng sình lầy hồi ấy nay trở thành một vựa lúa phù nhiêu. Ông Malleret đã phát hiện ra những đền đài bằng gạch và đá, nhiều di vật như đồ trang sức bằng vàng, bằng thiếc hay bằng đá quý, đồ gốm trang trí hoa lá, tiền vàng, tiền bạc, tượng Phật, tuợng Ấn giáo như Vishnu, Ganesh. Phần lớn những di vật nầy được lưu trữ ở viện Bảo tàng An Giang. Điều lạ lùng là sự hiển diện những đồng tiền La Mã, mang hình Antoine le Pieux hay Marc Aurèle, chứng minh cuộc trao đổi thương mãi đường biển đã vượt quá Mã Lai, Ấn Độ và đạt đến miền Ba Tư, La Mã xa xôi. Những khám phá nầy đưa Óc Eo lên hàng những địa điểm quan trọng nhất trong thời gian nghìn năm thứ nhất kỷ nguyên ta ở Đông Nam Á. Ngay sau đó những hình ảnh chụp từ máy bay cho thấy đô thị gồm có một bức tường vây quanh dài 2,5km với những cạnh mặt bằng không đồng đều, đứng dưới đất không thấy được. Chạy ngang đô thị nầy là những kênh xưa nối liền một bên với biển cả, bên kia với thành phố cũ Angkor Borei nước Cam Pu Chia, cách xa 90km. Chiến tranh không cho phép ông Malleret tiếp tục cuộc khai quật, tuy nhiên ông cho xuất bản giữa 1959 và 1963 một tác phẩm đồ sộ Khảo cổ đồng bằng sông Cửu Long. Trong cuốn sách nầy, ngoài bản tường trình cuộc khai quật, ông còn trình bày tất cả những kết quả lượm lặt được trong khoảng ba trăm địa điểm khác và vạch ra lịch sử của vùng.
Đồng bằng Óc Eo – Núi Ba Thê
Vùng Óc Eo-Thất Sơn-Angkor Borei
Bắt đầu từ 1979, những nhà khảo cổ Việt Nam tiếp tục cuộc khảo cứu nầy qua tên nền văn hóa Óc Eo, củng cố những kết quả của Malleret. Lần lượt những di tích được tìm ra ở Gò Công Trung (An Giang), Đồng Tháp, Vĩnh Hưng (Minh Hải), Bình Thạnh (Tây Ninh), những đồi cao su ở Long An, ngay cả Tp Hồ Chí Minh. Hai nhà nghiên cứu Võ Sĩ Khải và Lê Trung Khá, sau khi tìm thấy hai sọ cổ (cư dân của nền văn hóa Phù Nam) ở Gò Tháp (Đồng Tháp) và Óc Eo năm 1984, đã cho biết hai sọ cổ này mang những đặc điểm thường gặp ở số đông người Thượng hiện nay; và thường được xếp vào tiểu chủng hay loại hình nhân chủng Indonésien. Năm 1985, hai nhà khảo cổ Đinh Thị Nga và HồThị Thanh Bình khám phá ra cả một mảnh đất thiêng với 20 tháp và đền đài ở Cát Tiên miền thượng lưu sông Đồng Nai, mở rộng vùng văn hóa Óc Eo. Năm 1987 Lê Trung Khá phát hiện ở Bình Tả (xã Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), một di vật Bhavavarman (tên một hoàng thân Phù Nam) viết bằng chữ Phạn cổ,…Những khám phá nầy vạch trần một phần nào tiến triển của nền văn hóa Óc Eo qua những thời đại khác nhau, phát xuất từ những nguồn gốc khác nhau. Cát Tiên tồn tại đến thế kỷ VII thì bị Chân Lạp (Chen La, trở thành Cam Pu Chia ), nằm về phía nam Lâm Ấp (Lin Yi trở thành Champa), một chư hầu của Phù Nam thôn tính. Theo những văn bản Trung Quốc thì chính một phần Phù Nam đã bị Chân Lạp sáp nhập. Dù sao, chắc chắn Chân Lạp là một nước Khmer còn Phù Nam thì không. Chỉ qua những tài liệu Trung Quốc, nền văn hóa nầy đã được biết trước đây là di tích của một nước mang tên Phù Nam. Nước nầy chiếm toàn miền nam bán đảo Đông Dương, từ Miến Điện, Phi Luật Tân qua Nam Dương, miền nam Việt Nam rồi đến cả một phần bán đảo Thái Lan – Mã Lai, giữa hai thế kỷ I và VII. Sáng lập từ thuở tiền sử, Phù Nam chịu ảnh hưởng văn minh, đạo giáo, kiến trúc, chữ viết, ngay cả tư tưởng chính trị Ấn Độ bắt đầu từ các thế kỷ III, IV, đồng thời giao lưu buôn bán thường xuyên với nước láng giềng nầy. Rất có thể là kinh đô nước Phù Nam, Óc Eo, trở nên thịnh vượng nhờ vị trí trên đường thương mãi giữa bán đảo Thái Lan – Mã Lai một bên, Cửu Long -Trung Quốc bên kia. Hồi ấy tàu bè chưa di chuyển được đường xa mà chỉ chạy được từng chặng ngắn dọc bờ biển nên Óc Eo được xem như là một địa điểm chiến lược.
Hiện vật Gò Xoài – Viện Bảo tàng Long An : Hoa sen và Voi
Chương trình Khảo sát khảo cổ học Đồng bằng sông Cửu Long, do ông Manguin hợp tác với Tiến sĩ Đào Linh Côn ở Viện Khoa học Xã hội (Tp Hồ Chí Minh), được dựng lên để tìm hiểu quá trình tiến triển phức tạp nền văn hóa Óc Eo. Cần thiết nhất là thiết lập một niên đại chính xác, rõ ràng, dựa lên dữ kiện xác định ngày, tháng tuyệt đối. Kế đến là phải đo lường phần trao đổi thương mãi trước kia với Ấn Độ và Trung Quồc, xác định ảnh hưởng riêng biệt những nền văn hóa địa phương và Ấn Độ lên quá trình hình thành xứ sở đồng thời quá trình đô thị hóa. Những khảo cứu nầy cần phải định hướng làm sao để có thể phân tích quá trình cấu tạo không gian đô thị trong thời kỳ Phù Nam, tách riêng mặt kinh tế những trao đổi hàng hải và phần khai khẩn nông nghiệp. Đằng khác, cũng cần tìm hiểu sự biến đổi căn bản cảnh quan để có thể kiểm tra nền thủy văn học một vùng hằng năm thường bị ngập lụt qua cuộc đào kênh : khảo sát sự vận hành những kênh xưa có thể dẫn đến sự hiểu biết các cách dẫn nước, tưới nước, tiêu nước, dẫn lưu, các phương tiện vận tải. Từ những kết quả cuộc khai quật các địa điểm trên sườn núi Ba Thê và trong đồng bằng sông Cửu Long, đem so sánh với những cứ liệu những địa điểm ở Đông Nam Á, dựa lên cuộc khảo cứu địa tầng học (stratigraphie), với những xác định bằng C14, một bản niên đại đã được hình thành. Từ đây có thể xác định rõ ràng hệ thống loại hình các nhóm vị trí địa hình, đền đài cũng như những di vật đã thu lượm, đặc biệt những đồ gốm. Hệ quả đầu tiên quan trọng là góp phần chỉnh đốn những dữ liệu gom góp từ 1944 rất phong phú nhưng riêng biệt với bối cảnh khảo cổ. Thứ đến là sử dụng thêm những ảnh chụp từ máy bay những năm 1950, những dữ liệu nầy giúp xác định chính xác những vị trí, những cấu tạo di tích như thành luỹ đô thị, kênh đào,… Để hiểu biết sâu rộng môi sinh của vùng từ đấy cách sinh sống của dân cư, còn cần phải khảo cứu thêm mặt địa mạo học (géomorphologie) và phân tích các phấn hoa (palynologie),…Chương trình khảo cứu nầy là một cuộc hợp tác giữa các Viện Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (Tp Hồ Chí Minh), Phòng thí nghiệm Phân tích phấn hoa của Trung tâm Khảo cứu Tiền sử, Cổ đại, Trung cổ (CNRS-Sophia-Antipolis), Trung tâm Khảo cứu Địa chất học (CNRS-Viện Đại học Aix-Marseille) và Phân khoa Địa lý học Viện Đại học Liège.
Tượng Vishnu
Trong thời gian 12 thế kỷ (từ thế kỷ I đến thế kỳ XII), có thể xem 7 thế kỷ đầu là lịch sử Phù Nam, ăn khớp với thời gian chương trình khảo cứu nền văn hóa Óc Eo. Pierre-Yves Manguin (2) tạm thời tập hợp những vị trí khai quật thành ba kỳ khảo cổ chính : Kỳ I là phần trước lịch sử Phù Nam (từ thế kỷ I đến thế kỷ II/III) : sự chiếm đóng lần thứ nhất địa điểm Óc Eo. Vào lúc nầy vùng đồng bằng châu thổ đã hình thành, tuy ven biển cách xa khoảng 20km về phía tây nam chưa được biết rõ thấu đáo. Còn cần những kết quả phân tích trầm tích (sédimentologie), động vật học (faunistie), thực vật học (floristie) để xác định rõ ràng. Đây cũng là lúc dân cư lại ở những mô đất nhô ra khỏi nước trong đồng bằng và trên những sườn thấp núi Ba Thê : nhà sàn bằng gỗ, nhiều nhà lợp ngói bằng hay đất nung. Nhiều nhà nầy để lại những vật liệu để chế tạo đồ nữ trang như những cái khuôn bên trong còn lại kim loại đã được nấu chảy, lắm khi cả những đồ nữ trang chưa hoàn thành. Trang trí trên những viên gạch thường là thú vật như lân, sư tử hay rắn mang bành. Sự mai táng trong chum, rất thịnh hành ở Đông Nam Á vào thời tiền sử chậm hay thời sơ sử, còn được thông dụng. Cuộc trao đổi thương mãi với Ấn Độ và miền Đông Nam Á đã thành thường xuyên. Vào cuối kỳ nầy bắt đầu thấy những hào đào quanh vách tường đô thị. Sự vắng mặt những đền miếu tôn giáo, những hình tượng Bà la môn và Phật giáo biểu thị Phù Nam chưa chịu ảnh hưởng Ấn Độ. Cũng vào lúc nầy bắt đầu những công trình xây dựng mạng lưới thủy văn, đặc biệt kênh đào cắt ngang thành phố, nối liền với biển cả, sông Cửu Long và di tích Angkor Borei. Hệ quả là một phần đồng bằng tiêu nước, nhường chỗ ở cho dân cư, lấy hào thành làm chu vi đô thị. Những vết lúa chứng tỏ dân cư đã biết trồng và dùng trong kỹ nghệ đồ gốm làm gạch.
Tượng Phật
Tượng Surya
Kỳ II là phần sau lịch sử Phù Nam (từ thế kỷ IV đến thế kỷ VII). Trong thời kỳ nầy, nhà sàn rời mô đất dời về vùng đồng bằng ngập nước và trên các sườn núi Ba Thê, nhường chỗ cho những đền miếu Bà la môn và Phật giáo, biễu thị sự Ấn hóa trong vùng. Thương mãi tiếp tục phát triển qua Ấn Độ, Đông Nam Á và cả Trung Quốc bắt đầu tứ thế kỷ V. Kỳ III (từ thế kỷ VII đến thế kỷ XII) chứng kiến sự tàn lụi Phù Nam, một phần vì tàu bè có khả năng đi xa, không cần dừng lại ở Óc Eo, một phần không có nhiều hàng hóa để buôn bán. Thế vào là những hệ thống chính trị dẫn đến sự hình thành quốc gia khmer. Những khu nhà ở, đền miếu đạo giáo và tuồng như cả cuộc bồi đất hệ thống thủy lợi bị bỏ rơi. Cuộc xây dựng những đền miếu chỉ trên các sườn núi Ba Thê chỉ rõ mối liên lạc với chính thể Angkor. Châu thổ trở nên ngoại vi, trọng tâm toàn vùng xa dần bờ biển để tiến lại gần vị trí địa hình thành phố tương lai Angkor rất xa trong đất liền. Để dễ phối hợp những cứ liệu, nhiều bản đồ đã đuợc thiết lập trong một hệ thống thông tin Espace khmer ancien (Không gian Khmer cổ) tập trung ở EFEO : bản đồ khảo cổ di chỉ Óc Eo ; bản đồ môi sinh cổ ‘’tứ giác Long Xuyên’’ lấy Óc Eo làm trọng tâm, góp phần khảo cứu hệ thống cổ những kênh hào dẫn tới một mô hình thủy lợi hòng giải thích cách bố trí phức hệ ; bản đồ tất cả các vị trí trong thời kỳ Phù Nam (từ thế kỷ I đến thế kỷ XII) góp phần phân tích trong không gian những vị trí ấy với những tham biến niên đại, hệ thống loại hình, tôn giáo… Trong chương trình khảo cứu của Eric Bourdonneau, có mặt trong ban giám khảo, một bản đồ hệ thống thủy lợi cũ đồng bằng sông Cửu Long, bắt đầu từ những thế kỷ đầu tiên kỷ nguyên ta, biểu thị một trong những phương diện thực hiện một hệ thống thông tin địa lý đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ bản đồ nầy, đã phát hiện ra tầm rộng mật độ hệ thống thủy lợi cũ của châu thổ sông Cửu Long đến nay không dè, từ đấy phác thảo suy nghĩ đầu tiên về chức năng nông nghiệp của hệ thống.
Ngày 17 tháng giêng 2010, Giáo sư Phạm Đức Mạnh và các nhà cộng sự đã được tặng giải Trần Văn Giàu trên công tác khảo cứu về Những di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo ở tỉnh An Giang. Vì tài liệu về Óc Eo ngày càng phong phú, Giáo sư Phạm Đức Mạnh và các nhà nghiên cứu Phạm Thị Ngọc Thảo, Đỗ Ngọc Chiến, Nguyễn Công Chuyên trước phải lập thành hệ thống những dữ kiện sẵn có, sau xuống tận An Giang khảo sát tại chỗ ba lần, giữa 2006 và 2008. Họ chọn những địa điểm Gò Tư Trâm (Thoại Sơn), Gò Cây Tung (Tịnh Biên) là những nơi dòng sông rất quan trọng. Những di vật văn hóa tiêu biểu thời tiền sử và cổ sơ ở An Giang cần phải khảo sát sâu rộng để đi sâu vào văn hóa Óc Eo. Đáng để ý trong vị trí Thoại Sơn là những cái cuốc bằng đá ở bưng Đá Nổi, những cái rìu, vòng kiềng trong hang Núi Sập, những dụng cụ, đồ trang trí ở Ba Thê, xương súc vật, dụng cụ sản xuất ở Châu Đốc. Gò Cây Tung cống hiến nhiều đồ vật bằng đá, sành, kim loại cùng những sọ, răng, cốt động vật, cốt thực vật. Về mặt đạo giáo, đã được tìm ra một số lớn hình tuợng Phật giáo bằng gỗ hay bằng đá, hình tuợng Ấn giáo như Brahma, Shiva, Vishnu. Thợ kim hoàn Óc Eo rất khéo tay đã chạm trổ nhiều tượng trưng Bà la môn bằng vàng hay bằng bạc. Thợ khắc đá cống hiến những linga bằng đá đủ kích thước, những văn tự bằng chữ Phạn trên đá góp phần hiểu biết đời sống tinh thần và vật chất của người Phù Nam. Ngoài những vật liệu chế biến và dùng tại chỗ, chẳng hạn bếp cà ràng, vật dụng tiện lợi cư dân vùng sông nước, còn có rất nhiều hàng hóa, đá quí, đồ vật bàng vàng hay bằng bạc nhập cảng tỏ ra một nền thương mại phát đạt. Thường cuộc trao đổi hàng hóa tỷ lệ với cuộc sản xuất, trong trường hợp những đồ gốm, sản xuất càng nhiều khi năng suất các lò càng cao.
Béatrice Wisniewski
Công tác của cô Béartrice Wisniewski, song song với cuộc khai quật ở Tuần Châu, nhắm phát hiện nét đặc trưng của truyền thống đồ gốm Việt Nam trong nghìn năm thứ nhất kỷ nguyên ta. Vào thời điểm lịch sử đó, dấu vết ảnh hưởng Trung Quốc là một sự canh tân trọng đại kỹ thuật : cách dùng lò nhiệt độ cao để đun nóng vật liệu. Thành quả là những đồ gốm sản xuất mang những đặc tính mới phản ánh một đằng những tiên tiến của thủ công nghiệp, đằng kia sự xuất hiện một xã hội lai Trung-Việt với những nét đặc trưng không thấy ở các nước Đông Nam Á khác. Di tích những lò miền bắc Việt Nam tuy ít cũng chỉ rõ sự chiếm hữu tuần tự của những thợ gốm cuộc ứng dụng những lò nhiệt độ cao liên kết với cuộc sản xuất những ‘’đổ gốm men trong’’ (glaçure) đầu tiên. Kỹ thuật các nghệ nhân, trí sáng tạo, bàn tay khéo léo, kết hợp với cuộc cải tổ phương pháp sản xuất làm nền móng cho sự phát triển phong phú kỹ nghệ đồ gốm. Loại hình nghệ thuật dân gian sâu sắc nầy, gắn bó mật thiết với cuộc sống nhân dân, xuất hiện trong các nền văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn,… dẫn đường sau nầy đến ngành gốm sứ thời cực thịnh các triều đại Lý Trần thế kỷ XI-XIV. Luận án tiến sĩ của cô Béartrice Wisniewski (3) chiếu một tia sáng vào sự tìm hiểu văn hóa Óc Eo đồng thời là một ngọn đèn soi sáng nghệ thuật tiền sử Việt Nam. Luận án được chấm hạng Danh dự cao nhất “Mention très honorable avec félicitations du jury”.
Huế Xưa và Nay số 117 (5-6/2013)
Võ Quang Yến
(1) Tục truyền có một người tăng lữ Bà La Môn tên là Kaundinya (Hỗn Điền) từ Ấn Độ, bán đảo Mã Lai, hay các đảo phương nam lại, nằm mộng được trao một cung thần thông và dong buồm ra đi. Cập bến ở Cam Pu Chia, ông gặp thủ lĩnh là bà Liễu Diệp (Liu Yi). Bà chống cự nhưng không đối địch nỗi chiếc cung thần thông nên chịu quy phục. Hai người cưới nhau, thành lập vương triều đấu tiên nước Phù Nam, theo thư tịch cổ Trung Quốc tồn tại 150 năm Tiếp đến,tướng Phạm Man lên nối ngôi lập ra vương triều họ Phạm cho đến giữa thế kỷ IV thì quyền cai trị vào tay Ấn Độ. Giữa thế kỷ V, nhân sự suy yếu của Phù Nam, Chân Lạp tấn công chiếm lấy một phần lãnh thổ (tương đương với vùng đất Nam Bộ mà sau này Việt Nam chiếm được từ Chân Lạp vào đầu VII). Vua Chân Lạp hợp nhất lãnh thổ Phù Nam với Chân Lạp, nhà vua Phù Nam bỏ chạy, Phù Nam diệt vong.
(2) Pierre-Yves Manguin, – Recherches en cours dans le delta du Mékong : le site de Oc Eo, Bulletin de l’AEFEK n°1, Septembre 2006 Références : -Bourdonneau, E., « The ancient canal system of the Mekong Delta. A Preliminary Report », in A. Karlström & A. Källén (éd.), Fishbones and Glittering Emblems. Southeast Asian Archaeology 2002. Stockholm: Museum of Far Eastern Antiquities, 2004, sous presse. – Dao Linh Côn, « The Oc Eo burial group recently excavated at Go Thap (Dong Thap Province, Viêt Nam) », in P.-Y. Manguin (éd.), Southeast Asian Archaeology 1994 : Proceedings of the 5th International Conference of the European Association of Southeast Asian Archaeologists, Paris, October 1994. Hull: University of Hull, Centre of Southeast Asian Studies, vol. 1, p. 111-117. Khoo, C.M. James (ed.), Art & Archaeology of Fu nan, Pre-Khmer Kingdom of the Lower Mekong Valley. Bangkok : The Southeast Asian Ceramic Society, Orchid Press, 2003. – Lê Xuân Diêm, Dao Linh Côn et Vo Si Khai, Van hoa Oc Eo: nhung kham pha moi [La culture de Oc Eo : Quelques découvertes récentes]. Ha Nôi : Viên Khoa Hoc Xa Hoi tai Thanh Phô Hô Chi Minh, 1995. – Malleret, L., L’archéologie du Delta du Mékong. Paris : École française d’Extrême-Orient, 1959-63, 4 tomes en 7 vols. – Manguin, P.-Y. & Vo Si Khai, « Excavations at the Ba Thê / Oc Eo complex (Viêt Nam): A preliminary report on the 1998 campaign », in W. Lobo (éd.), Southeast Asian Archaeology 1998.- Hull/Berlin : University of Hull, Centre for Southeast Asian Studies / Ethonologisches Museum, Staatlich Museen zu Berlin, 2000, p. 107-122.
(3) Béatrice Wisniewski -Les fours à céramique du nord du Vietnam de la fin de l’occupation chinoise et du début de l’indépendence (VIIIe-XIe siècles), Maîtrise (2004), Université Paris-Sorbonne, Jury : Flora Blanchon et Pierre-Yves Manguin. Mention Très bien.
-La tradition céramique vietnamienne du premier milinénaire de nottre ère. De l’apparition des fours à haute température à l’émergence d’une production organisée : étude archéologique, Thèse de doctorat en archéologie (2012), EPHE, Paris, Jury : ZHAO Bing, BOURDONNEAU Eric, HARDY Andrew, PAPIN Philippe, POISSON Emmanuel, MANGUIN Pierre-Yves “Mention très honorable avec félicitations du jury”. Notre thèse a pour objectif d’identifier les traits distinctifs de la tradition céramique vietnamienne du premier millénaire de notre ère. Cette période historique particulière de la colonisation chinoise du Viêt Nam est marquée, dans le cadre de la céramologie, par une innovation technologique majeure : l’utilisation des fours à haute température pour la cuisson des objets. Il en résulte la production de pièces aux caractéristiques nouvelles reflétant aussi bien les avancées techniques de l’artisanat de la céramique que l’émergence d’une société métissée aux traits caractéristiques : la société sino-vietnamienne. Les sites de fours de la région Nord du Viêt Nam, bien que peu nombreux, se révèlent particulièrement actifs à une période où, en dehors de la Chine, aucun pays d’Extrême-Orient n’emploie la technologie des fours à haute température. Les signes de l’appropriation progressive par les potiers vietnamiens de l’usage de ces fours s’associent donc à la production des premières céramiques à glaçure sur le territoire. À la fin du millénaire, l’amorce de changements dans les pratiques allie l’augmentation visible des rendements des fours au développement de la production de céramiques à glaçure. Cette réaffirmation de la maîtrise technique des artisans s’accompagne d’une réorganisation de la production, préalable aux développements de la céramique des dynasties Lý et Trần. Les sources archéologiques incitent à replacer la tradition céramique vietnamienne dans un contexte plus large, celui d’un unique dialogue avec la Chine, et permettent de réaffirmer son inscription dans les réseaux d’échange régionaux et interrégionaux actifs de la grande économie marchande
Đọc thêm – Michael Vickery, (Hà Hữu Nga dịch) Phù Nam nhìn lại Giải cổ tác gia I, II, III, IV, V, Archaeological Highlights http://kattigara-echo.blogspot.com/2012/12/phu-nam-nhin-lai-giai-co-tac-gia-v.html – Arnaud Bernadette, Viêt-nam. 50 ans après, les fouilles françaises reprennent dans le delta du Mékong. Oc-éo, la cité perdue des rois khmers, Libération 1.05.1999 – Civilisation Oc Eo : une recherche recompensée par le prix Trần Văn Giàu, Le Vietnam, aujourd’hui (Hoàng Phương, Le Courrier du Vietnam) 17.01.2010 – Mang, La Culture d’Oc Êo est une liaison avec l’Occident depuis l’époque romaine, Vietnam, 14.12.2012 – Hồ sơ xếp hạng di tích, tư liệu Cục Di sản văn hóa, Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo – Ba Thê, Cục Di sản Văn hóa, 07.01.201 – Phù Nam Civilisation Văn hóa Óc Eo – Royaume du Phunan http://www.vietnammonpeysnatal.fr – Đăng Huỳnh, Thương nhớ cà ràng, http://www.vaocantho.com.vn 02.03.2013 (nguồn :http://www.diendan.org)