18/06/2018, 15:45

Cải cách chính trị ở Nhật Bản sau chiến tranh lạnh

Theo các nhà nghiên cứu Nhật Bản, có ít nhất 4 nguyên nhân chính yếu thúc đẩy Nhật Bản cải cách chính trị. Tiến trình này được bắt đầu vào mùa hè năm 1993, đó là; (1) bối cảnh quốc tế thay đổi; (2) chia rẽ trong Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (3); Bất bình về sự mục nát chính trị; (4) Thành ...

japan politic

Theo các nhà nghiên cứu Nhật Bản, có ít nhất 4 nguyên nhân chính yếu thúc đẩy Nhật Bản cải cách chính trị. Tiến trình này được bắt đầu vào mùa hè năm 1993, đó là; (1) bối cảnh quốc tế thay đổi; (2) chia rẽ trong Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (3); Bất bình về sự mục nát chính trị; (4) Thành lập Chính phủ Liên minh không phải Đảng Dân chủ Tự do.

Sau đây chúng ta tìm hiểu chi tiết vấn đề này.

1. Bối cảnh quốc tế thay đổi

Một nguyên nhân cơ bản của cuộc cải cách  chính trị ở Nhật Bản được thừa nhận là việc chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Cần phải thừa nhận rằng Chiến tranh Lạnh đã tạo ra hệ thống chính trị Nhật Bản năm 1955 khi đó xung đột chính trị hay liên kết đã được định rõ bởi sự hợp tác hay bất hợp tác giữa Đảng Dân chủ Tự do và Đảng Xã hội Nhật Bản. Do đó, việc kết thúc Chiến tranh Lạnh đã khiến cho hệ thống này bị tổn thương nghiêm trọng. Trước hết, sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết đã kéo theo chấm dứt sự đối đầu của hai hệ thống chính trị, làm giảm nhiệt của những xung đột tư tưởng giữa những người bảo thủ và những người tiến bộ tại Nhật Bản. Thứ hai, sự thất bại của Chủ nghĩa Cộng sản đã làm giảm sự hấp dẫn và sự tín nhiệm của phái tả truyền thống tại Nhật Bản. Vào những năm 1950, để thách thức về uy lực Phái tả đã khích động những người bảo thủ hợp nhất và thiết lập hệ thống một Đảng có ưu thế hơn.Tiếp đến, đó là sự suy yếu của phái thân tả trong nội bộ Đảng Dân chủ Tự do. Vì vậy, liên minh chính trị giữa các nhóm Đảng cầm quyền và Đảng đối lập trở nên lỏng lẻo hơn. Cuối cùng, sự xuất hiện các thách thức quốc tế mới đã khuấy động một số các vấn đề chính trị chủ chốt nhằm thay đổi hệ thống chính trị để Nhật Bản có thể đối phó với những thách thức bên ngoài này. Cuộc khủng hoảng Vịnh Ba tư năm 1990-1991 đã hướng Đảng Dân chủ Tự do tạo lập giả mạo một liên minh với Đảng Komeito và Đảng Xã hội Dân chủ (DSP) về việc tham gia của Nhật Bản vào các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc và các sự kiện sau đó như gìn giữ hoà bình ở Campuchia, cuộc chiến vùng vịnh lần thứ hai, sự kiện khủng bố 2001 tại Mỹ, chiến tranh Irắc,…cũng như những đóng góp tài chính của Nhật Bản cho các hoạt động quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc như chống sa mạc hoá, chống bão. Các hành động này đã làm suy yếu địa vị chính trị của hai Đảng phái tả truyền thống: Đảng Dân chủ Xã hội của Nhật Bản và Đảng Cộng sản Nhật Bản.

Mặc dù bối cảnh quốc tế mới đã lập cơ sở cho việc vẽ lại bản đồ chính trị Nhật Bản, nhưng các vấn đề bên trong như chia rẽ trong LDP mục nát chính trị và các chiến lược liên minh chính trị đã tạo cơ sở quan trọng thúc đẩy cải cách chính trị Nhật Bản.

2. Chia rẽ trong Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền

Phái Keiseikai hay Takeshita được coi là phái nổi trội và lớn nhất trong Đảng Dân chủ Tự do và bị chia rẽ do kết quả của cuộc đấu tranh quyền lực. Cuộc đấu tranh có tính chất bè phái trong LDP đã bị kích thích bởi việc từ chức của Shin Kanemaru với tư cách là Chủ tịch Keiseikai, Phó chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do, và là thành viên Nghị viện, dính líu tới một vụ bê bối trốn thuế. Sau khi bị thất bại trong cuộc chơi quyền lực này, Ichiro Ozawa đã thành lập phái riêng của mình dưới ngọn cờ của cuộc Cải cách hướng tới thế kỷ 21.  Ông  ủng hộ những thay đổi cơ cấu trong hệ thống chính trị của Nhật Bản và đã thăm dò khả năng liên minh với một số  Đảng đối lập. Mục tiêu cuối cùng của Ozawa là phá vỡ mô hình chính trị truyền thống của Nhật Bản. Khởi đầu sự nghiệp chính trị của mình, Ozawa đã được che chở bởi Kakuei Tanaka, người đứng đầu các hoạt động  bảo trợ chính trị. Khi quyền lực của Tanaka bị mất dần thì Ozawa được che chở bởi Shin Kanemaru – một người sử dụng quyền lực thông qua việc bảo trợ. Mục tiêu cải cách chính trị của Ozawa là nhằm giải thoát cho cơ cấu quyền lực chính trị Nhật Bản khỏi dính líu tới tiền bạc và tham nhũng để đối phó với những phản đối kịch liệt của công chúng. Đúng hơn là ông đã thấy được  nhu cầu cấp bách trong việc thay đổi hệ thống chính trị để Nhật Bản có thể đối phó một cách hiệu quả hơn với môi trường bên ngoài đang thay đổi. Với vị trí là Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do, trong suốt cuộc khủng hoảng Irắc – Kuwait, Ozawa đã thấy được sự bất lực của Nhật Bản trong việc giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả. Cuộc khủng hoảng đã huỷ hoại danh dự quốc gia của Nhật Bản và nguy cơ phải chịu  sự cô lập của quốc tế. Ông muốn nhìn thấy sự xuất hiện của hai Đảng ở Nhật Bản nhằm củng cố quyền hành pháp; sự phát triển của Nhật Bản giống như một nước “bình thường”,  có thể tự do triển khai các lực lượng quân sự ở nước ngoài cho mục đích phòng thủ chung cũng như tự vệ; và cuối cùng là việc sửa đổi lại Hiến pháp sau chiến tranh. Ngay sau khi thông qua nghị quyết không tin cậy chống lại Thủ tướng Miyazawa vào tháng 7 năm 1993, Ozawa và các cộng sự của mình đã thành lập Đảng Shinseito (Đảng Phục sinh). Có thể nói, đây là sự kiện nổi bật nhất đánh dấu sự chia rẽ sâu sắc trong LDP và đẩy hệ thống chính trị của Nhật Bản chuyển biến theo một mô hình mới, ở đó độc quyền chính trị đã bị phân rã.

3. Bất bình về sự mục nát chính trị

Bất bình  về sự mục nát chính trị cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy cải cách chính trị ở Nhật Bản. Điều này đã được phản ánh qua việc giảm mạnh sự ủng hộ đối với Đảng Dân chủ Tự do trong nhiều cuộc thăm dò dư luận quần chúng. Khi Thủ tướng Kiichi Miyazawa không ban hành luật cải cách chính trị, Ozawa đã hợp lực với các Đảng đối lập để thông qua một đề nghị không tin cậy chống lại Miyazawa trong Nghị viện. Mặc dù Đảng Dân chủ Tự do đã cố gắng duy trì sức mạnh ở Nghị viện trước khi bầu cử nhưng đã không giành được đa số phiếu trong cuộc tổng tuyển cử tháng 7 năm 1993. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là việc tăng đột ngột nhiều Đảng mới, khác nhau mà gốc rễ là từ  Đảng Dân chủ Tự do. Đây chính là hậu quả từ sự bất mãn của nhân dân với trật tự chính trị hiện thời. Đáng chú ý nhất là Nihon Shinto (Đảng Nhật Bản Mới hay JNP) dẫn đầu số thành viên Nghị viện quốc dân. Đảng này do quận trưởng Morihiro Hosokawa đứng đầu. Trong cuộc bầu cử Nghị viện hồi tháng 7 năm 1992, Đảng Nhật Bản mới đã giành được 8% số phiếu và đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách chính trị. Theo Đảng này, cải cách  sẽ giúp chấm dứt mục nát chính trị,  chính kiến tiền bạc, phân quyền hành chính và giúp người Nhật có mức sống trung bình dễ dàng “kiếm sống”. Đảng này bao gồm ba nhóm. Một nhóm gồm những người mà Hosokawa có mối quan hệ cá nhân, ủng hộ cuộc cải cách; Một nhóm nữa bao gồm các nhà hoạt động chính trị trẻ được đào tạo tại Matsushita Seikei Juku (Viện Kinh tế Chính trị Matsushita). Viện Matsushita do ông Konosuke Matsushita, cha đẻ ngành điện tử Matsushita thành lập.   Ông vốn dĩ là người không gắn bó việc kinh doanh truyền thống với các quan hệ chính trị. Tuy nhiên cuối cùng đã có những người không liên quan đến chính trị hoặc có ít hoặc không có liên quan trước đó với Hosokawa đã hoạt động dưới ngọn cờ cải cách Đảng Nhật Bản mới.

Đảng Cải lương mới Shinto Sakigake do Masayoshi Takemura lãnh đạo. Đảng này bao gồm các nhà chính trị Đảng Dân chủ Tự do trẻ tuổi ủng hộtích cực cho việc cải cách chính trị trong Đảng cầm quyền. Những người này cho rằng ,việc cải cách thực sự là không thể nếu không có sự chấm dứt hệ thống chính trị năm 1955. Nhóm này đã quyết định rời khỏi  Đảng Dân chủ Tự do ngay từ mùa xuân năm 1993. Không như phần lớn các nghị sĩ  của Đảng Nhật Bản mới, 13 thành viên Shinto Sakigate trong Hạ viện đã có kinh nghiệm điều hành văn phòng. Vào Hạ viện do cử tri tin bầu lên, họ là những nhân tố mới thúc đẩy cải cách chính trị Nhật Bản.

4. Thành lập một Chính phủ Liên minh bao gồm Đảng Dân chủ Tự do

Sau khi mất đa số ghế ở Nghị viện  trong các cuộc bầu cử vào tháng 7 năm 1993, về ‎l‎í thuyết Đảng Dân chủ Tự do vẫn có thể cầm quyền bằng việc lôi kéo các Đảng mới thành một Liên minh do Đảng Dân chủ Tự do lãnh đạo. Nhưng Ozawa và Đảng Shinseito của ông đã đi trước một bước. Ông đã lôi kéo cả Hosokawa của Đảng Nhật Bản mới và Takemura của Đảng Sakigake không tham gia Liên minh với Đảng Dân chủ Tự do bằng cách ủng hộ cả hai Đảng đối với các vị trí Thủ tướng và Bộ trưởng Nội các. Đồng thời, ông đã thảo luận với Komeito, Đảng Dân chủ Xã hội, và Liên minh Dân chủ Xã hội về thoả thuận cách mạng giữa các Đảng trong các chính sách cơ bản – đặc biệt trong phạm vi các vấn đề quốc tế. Bằng việc chấp nhận thoả thuận này, Đảng Dân chủ Xã hội của Nhật Bản đã công nhận điểm yếu về chính trị của mình và bắt đầu từ bỏ chính sách trung lập của Đảng này. Một phong trào đã dấy lên trong cuộc bầu cử Thượng viện năm 1989 và Hạ viện năm 1990 dưới sự lãnh đạo của Takako Doi’s, Đảng này đã chủ trương mở rộng cở sở của mình ra các công đoàn. Sự trớ trêu của cuộc bầu cử tháng 7 năm 1993 là, sau khi chịu sự thất bại tồi tệ nhất trong lịch sử, Đảng Dân chủ Xã hội đã trở thành một Đảng không tham gia Chính phủ lần đầu tiên kể từ năm 1948.

Xuất phát từ các quan điểm chưa đồng nhất giữa bảy Đảng Liên minh đã khiến cho việc thực thi quyền lực trở nên đặc biệt khó khăn. Một điều mà Liên minh này đạt được là cam kết xây dựng các hoạt động chính trị thống nhất, đặc biệt là chế độ bầu cử. Nhưng ngay sau khi các dự thảo cải cách chính trị chờ Nghị viện thông qua, các mối bất hoà trong liên minh đã xuất hiện([1]). Đầu tiên là sự bất hoà giữa Hosokawa và Takemura. Đảng Nhật Bản mới và Sakigate dự kiến hợp nhất, nhưng những khác biệt về chính sách và chiến lược chính trị đã ngăn cản sự hợp tác giữa Hosokawa và Takemura. Hosokawa quay trở lại ủng hộ tích cực hơn cho Chương trình Nghị sự của Ozawa về  hướng tới một hệ thống hai Đảng và  tăng thuế tiêu thụ. Sự thay đổi của Hosokawa đối với Ozawa đã hướng Takemura có  quan hệ chặt chẽ hơn với các đồng nghiệp trong Đảng Dân chủ Tự do trước đây – đặc biệt biệt là những người ủng hộ cải cách chính trị. Cuộc xung đột giữa Ozawa và Takemura đã vượt khỏi sự kiểm soát cá nhân, nhất là đối với những khác biệt trong chính sách và chiến lược. Trái ngược với mục tiêu của Ozawa về một hệ thống hai Đảng cầm quyền với quyền hành pháp mạnh mẽ, Takemura đã ủng hộ một hệ thống đa đảng ôn hoà và các Chính phủ Liên minh. Sự tương phản mạnh hơn là về chính sách đối ngoại. Ozawa cho rằng sự tham gia của Nhật Bản vào các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp quốc như là một bước đi đầu tiên hướng Nhật Bản trở thành một quốc gia “bình thường”. Tuy nhiên, mục đích của Takemura là Nhật Bản tham gia tích cực hơn vào các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp quốc, nhưng không mở rộng Lực lượng Phòng vệ ngoài nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc theo đúng nghĩa. Trong khi Ozawa muốn Nhật Bản trở thành “một người chơi tích cực” trên vũ đài an ninh quốc tế (bao gồm một ghế lâu dài trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc), Takemura chủ trương làm dịu bớt vai trò quân sự – chính trị của Nhật Bản trong các vấn đề quốc tế và nhấn mạnh tới các giải pháp phi quân sự nhằm thúc đẩy sự ổn định toàn cầu. Ông ủng hộ một cách miễn cưỡng Nhật Bản trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc và sửa đổi hiến pháp. Người ta nhận xét, ông muốn coi Nhật Bản là “một nước nhỏ”([2]). Tất nhiên điểm chung giữa Takemura và Ozawa là ủng hộ sự phân quyền hành và thực thi các chính sách có lợi cho người tiêu dùng.

Ngoài sự khác biệt giữa Ozawa và Takemura ra, Đảng Dân chủ Xã hội của Nhật Bản nhận thấy khó khăn hơn khi hợp tác với Shinseito của Ozawa. Vấn đề mở rộng thị trường gạo vào tháng 12 năm 1993 trong bối cảnh kết thúc Hiệp định Thuế quan và Mậu dịch (GATT) hướng tới WTO đã buộc Đảng Dân chủ Xã hội của Nhật Bản phải từ bỏ chính sách bảo hộ nghiêm ngặt của mình về thị trường gạo và điều đó đã làm cho sự gắn kết chính trị của các Đảng viên yếu đi. Tiếp theo, Ozawa hợp tác với Bộ Tài chính nhằm thúc ép Nội các Hosokawa kết hợp việc cắt giảm thuế thu nhập với tăng thuế tiêu thụ. Tuy nhiên, các biện pháp này khó thực hiện được do gặp phải sự chống đối lâu dài của Đảng Dân chủ Xã hội. Người ta cho rằng Ozawa  có động cơ chính trị sâu kín về việc  sắp đặt một kế hoạch chia rẽ trong nội bộ Đảng Dân chủ Xã hội của Nhật Bản, mà mục đích lớn của ông là thay đổi lại nền chính trị của các Đảng Nhật Bản. Ý định này trở nên rõ ràng hơn  sau khi Thủ tướng Hosokawa từ chức. Ozawa ủng hộ việc thành lập một nhóm Nghị viện như Kaishin (Đổi mới) bao gồm Shinseito, Komeito, Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Nhật Bản mới. Để đối phó lại Kaishin, Sakigate, Đảng Dân chủ Xã hội của Nhật Bản, và một vài thành viên ly khai từ Nihon Shinto đã thành lập một nhóm không chính thức riêng là Seiun (màu xanh).

Cuộc ly khai của Đảng Dân chủ Xã hội Nhật Bản và Sakigate khỏi Liên minh bảy Đảng đã buộc các đối tác Liên minh còn lại thành lập một Chính phủ đa số, tồn tại trong ít ngày do Tsutomu Hata, người đứng đầu trên danh nghĩa của Shinseito cầm quyền. Trong khi đó, Takemura của Sakigate đã tìm cách gần gũi với Chủ tịch Tomiichi Murayama của Đảng Dân chủ Xã hội Nhật Bản và các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Yohei Kono và Yoshiro Mori nhằm đặt nền móng cho một Liên minh ủng hộ chủ trương đa số quyết định ba Đảng. Những cố gắng cuối cùng của Liên minh Ozawa nhằm đưa Đảng Dân chủ Xã hội trở lại Liên minh ban đầu đã thất bại. Điều này không hoàn toàn ngạc nhiên bởi vì những tính toán của Ozawa không chỉ gây chia rẽ lớn trong Đảng Dân chủ Tự do mà còn gây ra sự tan rã của Đảng Dân chủ Xã hội Nhật Bản. Ngay sau khi thông qua ngân sách nhà nước vào tháng 6 năm 1994, một Liên minh gồm Đảng Dân chủ Tự do – Sakigate – Đảng Dân chủ Xã hội Nhật Bản đã đẩy Thủ tướng Hata từ chức và sau đó lên nắm quyền bằng việc ủng hộ Murayama giữ chức Thủ tướng.

Và tình hình chính trị Nhật Bản tiếp tục rối loạn cho đến khi Koizumi trở thành Thủ tướng.

 

CHÚ THÍCH

([1]) Asahi Shimbun Seijibu, 1994

([2]) Tanaka, 1994, trang 161-163

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1. Funabashi Yoichi, (1991/1992), Japan and the New World Order, Foreign Affairs, Vol.70, No.5.

2. Richard J. Samuels, (1994), National Security and the Technological Transformation of Japan, Ithaca, Cornell University Press, .

3. Defense Agency, (1994), The Modality of the Security and Defense Capability of Japan: The Outlook for the 21st Century, Tokyo.

4. Richard Armitafe, et al. (2000), The United States and Japan: Advacing Forward and Mature Partnership:, INSS Special Report, National Defense University.

5. Funabishi Yoichi, ed., (1994), Japan’s International Agenda, New York, N.Y University Press.

6. Brad Glosserman, US Foreign Policy Toward Northeast Asia, US  Embassy Document, Hanoi.

7. Japanese Ministry of Foreign Affairs, (2001), Diplomatic Bluebook, Tokyo, Japan.

8.Thomas J.Christensen, (1999), China, The US – Japan Alliance, and the Security Dilemma in East Asia, International Security.

9. Asahi News, December 4 , 2000.

10. Ngô Xuân Bình (chủ biên), (2000), Chính sách đối ngoại của Nhật Bản thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh, Nxb Khoa học xã hội Việt Nam.

11. Ngô Xuân Bình (chủ biên), (2000), Quan hệ Nhật Bản – ASEAN: Chính sách và tài trợ ODA, Nxb Khoa học xã hội Việt Nam.

12. Noda Eijiro, (2002), Japan – US Security Treaty should be Scrapped, International Herald Tribune.

13. Các tài liệu tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam, các số của nửa đầu năm 2003, 2004, 2005, 2006, 2007, 2008.

14. Các trang web của Bộ ngoại giao Nhật Bản và của các quốc gia ASEAN.

Nguồn : Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á (số 4, 2009)

0