18/06/2018, 15:45

Nhìn lại lịch sử Phù Nam

Michael Vickery Người dịch: Hà Hữu Nga Trong một bài giảng đầu tiên của tôi cho một lớp sinh viên nghiên cứu khảo cổ học năm thứ tư tại Đại học Nghệ thuật Hoàng gia ở Phnom Penh, tôi đề xuất thảo luận về Phù Nam, mà hầu hết đều tin là đã tồn tại ở Nam Cambodia và Việt ...

FunanMap

Michael Vickery 
Người dịch: Hà Hữu Nga

Trong một bài giảng đầu tiên của tôi cho một lớp sinh viên nghiên cứu khảo cổ học năm thứ tư tại Đại học Nghệ thuật Hoàng gia ở Phnom Penh, tôi đề xuất thảo luận về Phù Nam, mà hầu hết đều tin là đã tồn tại ở Nam Cambodia và Việt Nam, phát triển dọc theo Vịnh Thái Lan đến bán đảo Mã Lai và có niên đại từ thế kỷ 1-7, bằng cách hỏi sinh viên xem họ biết gì về những khởi đầu của chính thể đó. Một sinh viên nhanh nhẩu trả lời: “Preah Thong và Neang Neak”1. Câu trả lời đó tất nhiên thuộc địa hạt dã sử, và hai cái tên đó không hề thấy trong bất cứ văn liệu nào liên quan đến Phù Nam, còn thong, một từ tiếng Thái có nghĩa là “vàng”, cho đến thế kỷ 14 vẫn chưa hề xuất hiện trong vốn từ vựng Khmer.

Không còn nghi ngờ gì rằng đó là việc người Cambodia đã cải biên huyền thoại lập nướcAyutthaya [Hà Hữu Nga: từ nguyên अयोध्य* Ayodhya, không thể cưỡng chống nổi*; riêng tôi, còn suy nghĩ và liên hệ đến hai từ nguyên khác là आयुधीयAyudhiya, chiến sỹ, người chiến binh; và अयुध्य Ayudhya, bất khả chinh phục*?] gắn liền với hoàng tử U Thong, “chiếc nôi vàng”; về nhân vật này, ít nhất cũng có tới 6 phiên bản lý giải các nguồn gốc khác nhau, trong đó có một phiên bản nói về cội rễ Cambodia của ông 2.    

Có lẽ những người thực sự tin vào dã sử sẽ trả lời rằng việc quay trở lại vấn đề Phù Nam chỉ là cái tên mới của một tích truyện cũ mà thôi. Đó có lẽ là một ý tưởng ẩn sau một tiết mục múa tại buổi lễ Hành trình Văn hóa Dân tộc ngày 3 tháng Tư năm 1999 tại Phnom Penh, được giới thiệu là “Hôn lễ Khmer truyền thống …biểu tượng và phản ánh sự thống hợp của Preah Thong và Neang Neak, hoặc Preah Bat Kaundyn và Neang Soma [sic Somâ] [सोम* soma, mặt trăng, nước, không khí, chân không, trời, bầu trời, gió, rượu tiên, rặng núi*], hoặc Preah Bat Hun Tien và Neang Liv Yi”. Mớ bòng bong dã sử này đã biến cải trật tự niên đại khởi nguồn các tích truyện.

Tên nhân vật của cặp thứ ba thực sự được tìm thấy trong một số văn liệu Trung Quốc viết về Phù Nam; cặp thứ hai được đề cập sớm nhất trong bi ký Champa về Bhavapura [भावपुर* Đô thành Vũ trụ*] tại Cambodia vào thế kỷ thứ 7, và một vài thế kỷ sau đó trong các bi ký giai đoạn Angkor, còn cặp đầu tiên có thể chỉ bắt nguồn từ giai đoạn hậu Angkor. Tất nhiên các tước vị hoàng gia thì hoàn toàn sai niên đại. Các tước vị Preah Bat/brah [ब्र* brah bản thể, thần thánh, linh thiêng, mênh mông, bao la, rộng lớn*] pada [पद* pada, bảo hộ, che chở*] không được biết đến ở Phù Nam.

Trong thực tế thì thậm chí nó còn không được sử dụng trong văn khắc giai đoạn Chân Lạp thế kỷ 7-8, và mặc dù thông thường tại Angkor không hề thấy cái tên Kaundinya [Hà Hữu Nga: trong văn liệu Ấn Độ, có một người nổi tiếng, mang tên अज्ञात कौण्डिन्य* Ajnata Kaundinya, đó là một trong 24 vị La Hán đầu tiên trong tăng đoàn của Đức Phật thế kỷ 6 TCN] “từ Ấn Độ hoặc từ bán đảo Mã Lai, hoặc các đảo phương nam [nhấn mạnh thêm]” trong bất kỳ bi ký nào 3.

Hơn nữa, các tích truyện lại đều khác nhau. Neang Neak, nửa người, nửa rắn naga, là một nhân vật siêu nhiên, Soma là một nữ thần, nhưng Liv Yi, Liu-ye, Liễu Diệp thì hoàn toàn là một nữ thủ lĩnh cộng đồng người của mình. 4 Dã sử có thể vô hại, gây cười, và thậm chí mang tính khai trí, nếu có phương pháp nhiên cứu đúng, nhưng nếu áp đặt nghiên cứu lịch sử một cách khoa học vào các tư liệu gốc thì chí ít cũng là mất thời gian, và sẽ thật tồi tệ nếu áp đặt nghiên cứu khoa học với mục đích làm tăng thêm các định kiến dân tộc, sắc tộc thì thật là nguy hiểm.5

Phù Nam: Một tổng hợp chuẩn mực

Bộ Les États Hindouisés, Các quốc gia Ấn Độ hóa, trong đó có lịch sử đại cương Phù Nam thuộc loại thông sử Đông Nam Á, của George Coedès được người đọc biết đến rộng rãi, là một bộ sách mang tính lý tưởng và chuẩn mực để những công trình đi sau học hỏi 6. Nó không bỏ qua các yếu tố dã sử, ngay cho dù là một bộ sách đậm chất dã sử, như chúng ta sẽ thấy, nhưng loại dã sử đó chắc chắn trở thành một bộ phận trong hành trang tri thức của nhiều nhà Đông phương học cổ điển 7.

Trong bộ sách này chúng ta biết được rằng Funan/Fou-nan/b’iu nậm, một cái tên có thể có nghĩa là “núi” trong tiếng Khmer (hiện đại là phnom, cổ đại là vnam) được thành lập khi một người Bà La Môn  ब्रह्मन्*  braman tên là  कौण्डिन्य*  Kaundinya “từ Ấn Độ hoặc từ bán đảo Mã Lai, hoặc các đảo phương nam [nhấn mạnh thêm]”, căn cứ vào một giấc mơ, đã được trao một cây cung thần thông và dong buồm ra đi, cuối cùng cập bến ở Cambodia, tại đây ông gặp một nữ thủ lĩnh có tên là Liu-ye/Lieou-ye/Ljêu Iap. Đầu tiên bà ta tìm cách kháng cự, nhưng không thể đối địch được với chiếc cung thiêng của người Bà La Môn, nữ thủ lĩnh đã phải quy phục, rồi họ cưới nhau, và thành lập triều đại đầu tiên của các thủ lĩnh Phù Nam 8.

Tích truyện này thể hiện cái mà Coedès gọi là cuộc “Ấn Độ hóa Đầu tiên” 9. Sau đó Phù Nam của Coedès tiếp tục phát triển như một chính thể ven biển quan trọng, mà các chi tiết về chính thể này được biết tới nhờ các văn liệu Trung Quốc, thông qua một số thủ lĩnh địa phương mà một kẻ tiếm quyền Ấn Độ, một Kaundinya thứ hai, cũng từ Ấn Độ và theo Coedès thì là người đem lại một cuộc “Ấn Độ hóa lần hai”, cho đến cuối thế kỷ thứ 6 hoặc đầu thế kỷ thứ 7 thì Phù Nam đã bị nước chư hầu của mình là Chân Lạp ở phía bắc đánh bại, và theo một số giải thích, mặc dù không rõ ràng theo cách của Coedès thì cỗ chiến xa của người Khmer đã bắt đầu chống lại nước Phù Nam phi-Khmer 10.

Tiếp tục với Coedès, thủ đô của Phù Nam mang tên tiếp Phạn là व्याधपुर*Vyâdhapura 獵人城* Liệp nhân thành, Đô thành thợ săn, và một tên gọi khác theo tiếng địa phương mà người Trung Quốc gọi là 特牧城* T’e-mu Đặc Mục thành ở gần Ba Phnom. Khi nước chư hầu Chân Lạp ở phía bắc tấn công, các thủ lĩnh Phù Nam đã bỏ chạy đến một nơi mới mà tiếng Trung Quốc gọi là na-fu-na, được Coedès dịch là नरवरनगर*  naravaranagara, 優秀人城 [Ưu tú nhân thành *]  thành xa hơn về phía nam, và Coedès cho là ở Angkor Borei.

Các sử liệu Trung Quốc rất mơ hồ trong việc giải thích về tổ chức nội tại Phù Nam, và ngày nay chúng ta không còn bất cử nguồn sử liệu nào khác, vì vậy chắc chắn là nhiều kết quả lịch sử chuẩn mực từ các giả thuyết đều ít nhiều dựa trên chút bằng chứng nhỏ nhoi còn lại. Các thủ lĩnh đầu tiên có các tước vị bắt đầu bằng các từhun/houen/ yuơn. Vào thế kỷ thứ ba, đã có các thủ lĩnh mang tước vị fan/b’jơmđứng trước những cái tên có một hoặc hai âm tiết bằng ngôn ngữ địa phương. Vào các thế kỷ 5-6 người Trung Quốc ghi được hai cái tên  वर्मन्* varman người bảo vệ*, phù hợp với bi ký bằng tiếng Phạn được định niên đại cùng thời. Ở đây, chí ít chúng ta cũng có đôi chút cơ sở, nên dù sao thì chúng cũng rất đáng giá.

Trong một số sử liệu cuối cùng của Trung Quốc đề cập đến Phù Nam vào thời nhà Đường, có nói rằng vào thời Tùy (581-618) các thủ lĩnh Phù Nam được gọi làKoulong, dễ dàng liên hệ với tước vị cao của người Khmer là kuruň, một loại thủ lĩnh địa phương, mặc dù tước vị này không thấy trong bất kỳ bi ký nào cùng thời. Nếu trong trường hợp đó sử liệu Trung Hoa chính xác thì có thể thấy rằng kuruň có một vị thế cao hơn vào thế kỷ 7, khi các tên vua và các tước vị đã được ghi trong các bi ký.

Louis Finot biện luận rằng các vua Phù Nam có tước vị kuruň bnam, vua núi, nhưng như Claude Jacques đã chỉ rõ điều đó là không có cơ sở. Trong thực tế, chúng ta không hề biết gì về các tước vị của các thủ lĩnh Phù Nam ngoài Hun, Fan và वर्मन्* varman12.  Sử liệu đời Đường cũng chỉ cho ta biết một cái tên thủ đô Phù Nam 特牧* T’e-mu mà các thủ lĩnh Phù Nam đã rời bỏ khi bị quân của vua Chân Lạp  चित्रसेन*  Citrasena 13  [Người có ngọn lao sáng*] tấn công. Một điều rất quan trọng cần phải ghi nhận là các diễn giải của các sử liệu Trung Quốc sớm về Phù Nam không hề nhắc đến tên kinh đô, mà chỉ nói nó cách biển 500 hải lý (200km) mà thôi 14.

Coedès là một nhà tổng hợp vĩ đại – ông thực sự là một tài năng lớn nhất với tư cách là một tác gia diễn giải lịch sử; và ông phải tìm ra hoặc tưởng tượng, một mối nối giữa mỗi chi tiết với một chi tiết nào đó khác ở mọi lúc mọi nơi 15. Pelliot, chịu trách nhiệm về những nghiên cứu chủ yếu về Phù Nam, cũng là một nhà tổng hợp đầy nghị lực, dù còn thua Coedès nhiều, nhưng ông lại không sợ giật lùi mà tuyên bố rằng một số chi tiết lại không ăn nhập với nhau 16.

Trong bài viết kinh điển Le Fou-nan,  mà toàn bộ các công trình khác đều dựa vào đó, thì rõ ràng là người Trung Quốc, hết thế hệ này đến thế hệ khác và từ lịch sử triều đại này đến triều đại khác đều lặp lại cũng vẫn những tích truyện đó, không hề có cách nào để tiếp cận với các nguồn sử liệu mới, và thêm vào hoặc bớt đi các chi tiết theo những ý thích bất chợt của người biên soạn 17. Ông cũng cho thấy rằng các đoạn cóp đi cóp lại này đôi khi dẫn đến sự lẫn lộn cách kết ghép các chữ Hán với nhau theo những nghĩa, những âm hoàn toàn khác, dẫn đến các thông tin sai lạc, vô nghĩa trong các văn bản cuối cùng 18.

Trong tổng hợp của mình khoảng 40 năm trước công trình đầu tiên của Coedès, Pelliot nhấn mạnh tính chất đáng tin cậy của một số công trình nghiên cứu có quy mô rộng lớn hơn về ảnh hưởng của Ấn Độ, nhưng ngược lại với quan điểm sau này của Coedès, ông cho rằng kinh đô 特牧* Đặc Mục của Phù Nam có lẽ ở Angkor Borei, đối với ông, hàm ý là na-fu-na नरवरनगर* naravaranagara, 優秀人城 * [Ưu tú nhân thành*] phải nằm trong vùng Kampot 19. Cho dù Pelliot là một nhà khoa học giỏi hơn nhà khoa học Coedès, nhưng cả hai đều nhìn Phù Nam và Đông Nam Á thông qua lăng kính Ấn Độ học; và các giả thuyết dựa vào những gì mà những người Ấn Độ đã phải thực hiện, hoặc những gì mà văn hóa Ấn Độ đã làm ở Đông Nam Á, đã đến với họ một cách tự nhiên bất cứ khi nào có một chi tiết lạ cần phải diễn giải 20.

Những điều mà tôi muốn giải gỡ lại không phải chỉ là Coedès và Pelliot, mà còn là các sử liệu Trung Hoa về Phù Nam, như đã được Pelliot dịch và thảo luận, để tìm kiếm những giải pháp khác cho một số vấn đề có liên quan. Một nhiệm vụ tương tự như vậy đã được Eveline Porée-Maspero thực hiện, nhưng công trình của bà đã bị bỏ qua, rõ ràng là vì các kết luận của bà đôi khi khác với các kết luận của tôi, là một phần của sự ủng hộ cho lý thuyết về xã hội Khmer được chia thành hai nhóm hôn nhân 21.

Tiền sử Phù Nam

Chúng ta hãy bắt đầu với tiền sử Phù Nam theo các văn liệu Trung Quốc. Có nghĩa là thông tin về quá khứ cổ đại của mình đã được người Phù Nam cung cấp cho các sứ bộ đầu tiên của Trung Quốc là 康泰* Khang Thái và 朱應* Chu Ứng, đã đến Phù Nam giai đoạn 245 – 250 SCN. Các tích truyện này là những truyền thống truyền khẩu, hoàn toàn khác về giá trị bằng chứng lịch sử thu được từ các quan sát của những người khác đến Phù Nam, hoặc các báo cáo đương thời mà người Trung Quốc có được về Phù Nam 22.

Dã sử của người Phù Nam cũng giống như dã sử của nhiều dân tộc khác, cả ở châu Á lẫn châu Âu, đều bắt đầu bằng một truyền thuyết khai sáng; và cũng giống như các truyền thuyết khai sáng khác nó liên quan đến một anh hùng có nguồn gốc ngoại quốc 23. Các sứ bộ Trung Quốc đầu tiên vào thế kỷ thứ ba đã nghe kể về truyền thuyết này, và nó đã được kể lại trong các cuộc tiếp xúc sau đó giữa Phù Nam và Trung Quốc, và được ghi lại trong một số văn liệu lịch sử Trung Quốc. Ngoài ra còn có 4 phiên bản khác nhau về cách thức thú vị này.

– Phiên bản đầu tiên có được từ báo cáo của 康泰* Khang Thái vào thế kỷ 3 SCN và được lưu giữ trong các ghi chép về sau. Thủ lĩnh Phù Nam đầu tiên là một phụ nữ có tên là 柳葉 Liễu Diệp Liu-ye/Lieouye/liǝu-iäp. Còn 混填* Hỗn Điền Hun/Ƴuǝn/ Houen-chen/ là người thờ một vị thần, có xuất sứ từ 摸趺國* Mạc Phu quốc, nhờ được ban chiếc cung thần, đã khuất phục được 柳葉* Liễu Diệp và trở thành vị vua đầu tiên của Phù Nam [Pelliot 1925- 3[6].24 .

– Phiên bản 2, văn liệu III-(3[6]): nữ thủ lĩnh người Phù Nam là 柳葉* Liễu Diệp. Còn 混填[潰]* Hỗn Điền [Hội] là một người nước ngoài thờ các thần linh nên có được cây cung thần, theo thương thuyền đến Phù Nam, khuất phục Liễu Diệp rồi cưới bà làm vợ 25.

– Phiên bản 3, văn liệu V-(4[6]): nữ thủ lĩnh người Phù Nam là 柳葉* Liễu Diệp. Còn 混填* Hỗn Điền là một người 激國* Kích quốc, có cây cung thần, đến Phù Nam, cưới Liễu Diệp 26.

– Phiên bản 4, văn liệu VI-(6[7]): nữ thủ lĩnh người Phù Nam là 柳葉* Liễu Diệp. Còn 混填* Hỗn Điền là một người 徼国* Kiếu quốc ở phương Nam, thờ các thần linh nên có cây cung thần, đến Phù Nam, cưới Liễu Diệp. Họ cùng cai trị vương quốc và chia 7 thành cho các con trai 27.

Như Pelliot đã nhấn mạnh, trong vài thế kỷ, một số tích truyện về Phù Nam đã được kể đi kể  lại, nên thay đổi một số chi tiết trong một số bộ sử Trung Quốc. Điều đó rất đúng với các tích truyện từ thời tiền sử; và đó cũng là các tích truyện có ảnh hưởng nhất đến các nhà tổng hợp hiện đại về lịch sử Phù Nam. Trong sự kiện tiền sử đầu tiên này, việc hình thành hoàng tộc đầu tiên, không có bằng chứng cho thấy người chinh phục đầu tiên có nguồn gốc Ấn Độ, cũng không có gì rõ ràng về việc ông là một người Bà La Môn, và hầu như chắc chắn tên ông chỉ được ghi bằng tiếng Trung Quốc chứ không phải là कौण्डिन्य* Kaundinya, như chúng tôi sẽ giải thích dưới đây.

Về vấn đề thứ nhất Pelliot đã đồng ý. Ông không thể đưa ra bất cứ gợi ý nào cho激國* Kích quốc, 徼国* Kiếu quốc, mà chỉ coi chúng là những biến thể của một cái tên duy nhất, và lưu ý rằng 徼国* Kiếu quốc ở phía nam Phù Nam. Còn về trường hợp 摸趺國* Mạc Phu quốc, theo báo cáo của Khang Thái, thì trong một đoạn khác của văn liệu này quê hương của người lạ ấy lại có tên là Heng-tie, trong khi đó theo Pelliot thì những chữ Hán Mo/Heng và Fu/Tie hoàn toàn tương đồng và được người đi sau, không biết gì về các địa phương đó, đã chép thế cho nhau. Để quyết định xem chữ nào giống với nguyên mẫu nhất, Pelliot đã sử dụng phương pháp chọn “các chữ đã được sử dụng trong việc chuyển dịch [các tên nước ngoài]” và ông đã chọn để kết hợp Mo-tie/mâk-d’iet 28.

Cách kết hợp đó có thể không chính xác, nhưng báo cáo dẫn hai từ “Heng-tie” cho rằng nó nằm ở đông nam Yeou-po, cách Ấn Độ về phía đông nam 5000 hải lý. Trong trường hợp đó thì nới mà Hỗn Điền khởi hành để đến Phù Nam có thể thuộc bờ biển phía đông của bán đảo Mã Lai. Vì vậy mới có chuyện Coedès rất mù mờ trong việc định vị địa điểm này như đã nói ở trên. Sự mơ hồ đó lại kèm theo với các huyền thoại chính trị Indonesia trong đó “nhấn mạnh …là…ở “bên kia biển” chứ không có một địa điểm xác định” 29.

Còn về cái tên của vị khách có âm tiết đầu là Hun/Ƴuǝn, còn âm tiết thứ hai thì Pelliot vá víu với các chữ Hán trong bốn phiên bản trên thành Tien hoặc D’ien để có thể chấp nhận được về phương diện ngữ âm học nhằm thể hiện một cách hợp lý âm tiết thứ hai của cái tên Kaundinya. Tuy nhiên nếu đó là cái tên gốc thì thật đáng ngạc nhiên là không hề có một văn bản nào nhắc đến âm tiết thứ ba, vì như các nghiên cứu Hán tự đã nhấn mạnh, người Trung Quốc đã rất tài năng trong việc chuyển âm một cách hệ thống ở nhiều khu vực tại châu Á, đặc biệt là các vùng sử dụng ngôn ngữ Ấn Độ 30.

Về phương diện định hướng tôn giáo cho Hun/Ƴuǝn các nguồn gốc trên bán đảo Mã Lai của ông nói riêng mà Pelliot cho là có thể không muộn hơn thế kỷ I, đã gây khó dễ cho việc chấp nhận ông thờ cúng một vị thần, hoặc các vị thần, thì là người Ấn Độ. Hơn nữa, như đã chỉ ra bên dưới, bản thân người Phù Nam thời gian đó không chắc chắn quen thuộc Ấn Độ. Trừ phiên bản thứ nhất, cả ba phiên bản đều tiếp tục tích truyện bằng những cung cách khác nhau như sau:

– Phiên bản 2 III-(3[6]): dòng dõi của Liễu Diệp và Hỗn Hội cai trị.

– Phiên bản 3 V-(4[6]): con cháu của Liễu Diệp và Hỗn Điền cai trị đến khi 混盤況*Hun Pan huang Hỗn Bàn Huống chết 31.

– Phiên bản 4, VI-(6[7]): Hỗn Điền và Liễu Diệp có một con trai và họ đã phân phong cho người này một thái ấp gồm 7 thành. Một hậu duệ là 混盤況* Hun Pan huang Hỗn Bàn Huống đã kiểm soát toàn bộ các thành, sau đó phân phong cho con cháu cai trị 32.

Tiếp đó, giai đoạn thứ ba trong ba phiên bản trên là:

-III-(3[6]): các hậu duệ của Liễu Diệp và Hỗn Hội suy yếu và mất quyền thống trị. Sau đó viên tướng 範熊* Fan Hsiun/Siun Phạm Hùng bắt đầu một triều đại mới.

-V-(4[6]): sau khi 混盤況* Hun Pan huang Hỗn Bàn Huống chết, người ta chọn viên tướng tài 范師蔓* Fan Shih man Phạm Sư Mạn lên làm vua. Khi ông chết thì范旃* Fan chan, Phạm Chiên, người cháu con chị gái của ông giết chết con cả của范師蔓* Fan Shih man Phạm Sư Mạn và lên làm vua; sau đó một người con khác của 范師蔓* Fan Shih man Phạm Sư Mạn, là  范長* Fan chang Phạm Trường, giết chết 范旃* Fan chan, Phạm Chiên. Rồi viên tướng của 范旃* Fan chan Phạm Chiên là 范金* Fan hsin Phạm Kim giết chết 范長* Fan chang Phạm Trường, và người dân nước này chọn ông làm vua. Điều đó xảy ra vào thời Ngô (222-280), và Tấn (265 – 419) 33.

– VI-(6[7]): người con thứ hai của 混盤況* Hun P’an huang Hỗn Bàn Huống là 盤盤* P’an P’an Bàn Bàn nối ngôi và trao công việc quốc gia cho viên tướng 范蔓*Fan man Phạm Mạn [cũng chính là 范師蔓* Fan Shih man Phạm Sư Mạn hoặc Sri Mara trong các tích truyện khác]. Sau khi 盤盤* P’an P’an Bàn Bàn chết, người dân tôn 范蔓* Fan man Phạm Mạn lên làm vua. 范蔓* Fan man Phạm Mạn đóng những con tàu lớn và chinh phục các quốc gia láng giềng, gồm cả Tun sun Đốn Tốn. Ông được tôn là “Vị vua Vĩ đại của Phù Nam”. Sau đó là các cuộc giết tróc nội tộc, rồi 范金* Fan hsin Phạm Kim, viên tướng của 范旃* Fan chan Phạm Chiên lên ngôi 34.

Trong các văn liệu Trung Quôc, còn một tình tiết khác trước khi bước vào giai đoạn lịch sử cùng thời với các sứ bộ đầu tiên của Trung Quốc.

– X-(3[5]): Trong thời 范旃* Fan chan Phạm Chiên [cháu của 范師蔓* Fan Shih man Phạm Sư Mạn], một người nước T’an Yang đến Ấn Độ, sau đó đến Phù Nam và ông ta đã kể cho 范旃* Fan chan Phạm Chiên về các phong tục, sự giàu có và vĩ đại của Ấn Độ 35.

– VI-(6[7]), 范旃* Fan chan Phạm Chiên phái một sứ bộ đến Ấn Độ. Ông ta đi dọc ven biển [phía tây của bán đảo] sau đó đến con sông Ấn Độ [Hằng Hà?], mất một năm để tới được thành phố nơi vua Ấn Độ trị vì. Vua Ấn Độ ngạc nhiên gặp ông, vì nhà vua không biết gì về Phù Nam. Ông cử một phái bộ đến Phù Nam mang theo 4 con ngựa; phái bộ Ấn Độ cùng về với phái bộ Phù Nam, và họ từ Ấn Độ về đến Phù Nam sau 4 năm kể từ khi phái bộ Phù Nam được gửi đi Ấn Độ. Đó cũng chính là thời gian mà các phái bộ đầu tiên của Trung Quốc đến Phù Nam. Họ hỏi những người Ấn Độ rất kỹ về đất nước Ấn Độ 36.

Với tình tiết này, chúng ta đang ở trong thời đoạn lịch sử cùng các sứ bộ đầu tiên của Trung Quốc đến Phù Nam khi 范金* Fan hsin Phạm Kim lên làm vua. Vì vậy hai vụ sát hại nội tộc cuối cùng trong triều đại Fan của 范旃* Fan chan Phạm Chiên do 范長* Fan chang Phạm Trường gây ra, và sau đó là do 范金* Fan hsin Phạm Kim gây ra, đã diễn ra trong 4 năm khi phái bộ đi Ấn Độ.

Trong các diễn giải này chúng ta thấy trước hết là một triều đại Hun với số thế hệ không thể xác định được, tiếp theo đó là triều đại Fan rất ngắn rõ ràng là thuộc thế hệ thứ ba, nói là “rõ ràng” bởi vì mối quan hệ giữa 范金* Fan hsin Phạm Kim với những người kế thừa trực tiếp không được ghi lại, đã trị vì Phù Nam khi người Trung Quốc tới vào các năm 245 – 250 SCN 37.

Mặc dù Pelliot muốn thấy cái tên Hỗn Điền mà trong thực tế là một hỗn hợp bốn cái tên khác nhau (trong âm tiết thứ hai) trong bốn văn bản khác nhau, khi người Trung Quốc dịch hai âm tiết đầu tiên [kaun-diri] từ cái tên Kaundin[ya], thì việc diễn giải này được chuyển dịch có vẻ không hợp lý bằng tên tước vị hậu duệ của ông là 混盤況* Hun P’an huang Hỗn Bàn Huống, trong đó âm tiết thứ hai và thứ ba không ăn nhập với âm tiết thứ nhất để có được bất kỳ một cái tên hoặc một tước vị nào của Ấn Độ đã biết; còn riêng từ kaun không được dùng làm đại diện cho cái tên ‘Kaundinya’ hoặc bất cứ cái tên nào khác được. Chúng ta phải kết luận rằng Hun/Ƴuǝn là một tên thị tộc hoặc một tước vị tiền sử Austronesian hoặc Mon-Khmer mà trong huyền thoại gốc của Phù Nam chính là tước hiệu của các thủ lĩnh, có lẽ là huyền thoại, đầu tiên38.

Dưới đây chúng tôi sẽ đưa thêm bằng chứng khác cho thấy Hun/Ƴuǝn không hề có liên hệ gì với cái tên ‘Kaundinya’ cả. Các tích truyện kể về vị thủ lĩnh Hun đầu tiên đã trao cả 7 thành cho các con trai ông cũng quá mơ hồ đối với một nghiên cứu nghiêm túc, và các tích truyện đó thuộc về một truyền huyền thoại rất phổ biến ở Đông Nam Á. Vì vậy trong các truyền thống Lào những người sáng lập đầu tiên của vương quốc này đã cử các con trai họ đi lập 7 chính thể khác nhau, được gọi là Mường trong tiếng Thái và tiếng Lào 39. Pelliot chắc chắn cũng hiểu rõ tính chất mong manh trong sáng tạo của ông, nhưng vẫn phải bảo vệ nó với một chút khẩn nài riêng biệt.

Trong công trình nghiên cứu đầu tiên của mình, ông thừa nhận rằng “nguồn thông tin duy nhất về khởi đầu lịch sử của vương quốc cổ này mà chúng ta có được lại mang đặc trưng huyền thoại”; và ông đã dịch hai từ tiếng Hán 柳葉 Liu ye/Lieouye/liǝu-iäp là “người trị vì mơ hồ Lá Liễu”. Hai mươi hai năm sau ông đã lưu ý về tính chất không chắc chắn của các tên địa danh và vị trí của chúng khi nói rằng tích truyện về Kaundinya rành rành là có đặc tính truyền thuyết, và chi tiết về chiếc cung thần không là cái gì khác ngoài một đặc trưng dân gian. Nhưng ông vẫn biện hộ rằng “tuy nhiên cũng đã có một thời, khi đó các vị Bà La Môn đầu tiên xuất hiện ở Phù Nam, và khi đó nền văn minh Ấn Độ đã bén rễ. Tại sao lại là vô lý khi một Kaundinya thực sự là một trong những tác nhân chủ yếu của quá trình Ấn Độ hóa đó?” 40.

Trước hết, ngay cả khi không có bất cứ lợi ích gì của sự nhận thức muộn màng dưới dạng các nghiên cứu sau này về quá trình “Ấn Độ hóa”, thì cái thời được gán cho Hỗn Điền, thế kỷ I SCN cũng là quá sớm. Không hề có bằng chứng về quá trình Ấn Độ hóa [tôn giáo, nghệ thuật, kiến trúc, các khái niệm về nhà nước] ở bất cứ nơi nào tại Đông Nam Á vào thời điểm đó. Hơn nữa, bản thân người Phù Nam cũng không hề thừa nhận Hỗn Điền là người đem đến cho họ văn hóa Ấn Độ, mà họ cho rằng họ hoàn toàn mù tịt về Ấn Độ trước thời 范旃* Fan chan Phạm Chiên trị vì, rõ ràng là vào đầu thế kỷ III SCN. Pelliot biết rõ về điều này và bị rắc rối với chính nó, nhưng ông đã gạt nó sang một bên bằng cách nói “có lẽ chúng ta không nên hiểu văn bản chỉ theo nghĩa đen” 41.

Và với sự nhận thức học thuật muộn màng, tôi nghĩ một số ít người sẽ không còn biện hộ cho ảnh hưởng của Ấn Độ là do các Bà La Môn vào bất kỳ thời gian nào, hoặc cho rằng “Nền văn minh Ấn Độ đã được cấy vào”. Đây là các yếu tố học thuật của văn hóa dân gian sớm ở Đông Nam Á cần phải được thay thế bằng các cấu trúc mới. Như Pierre-Yves Manguin đã lưu ý “Không gì có thể ít chính xác hơn quan điểm của Coedès về tính chất lạc hậu của Đông Nam Á trước khi có người Ấn Độ giáo tới]. Các nghiên cứu khảo cổ học trong vòng ba mươi năm nay đã chứng minh rằng quá trình “Ấn Độ hóa” [Đông Nam Á] trong thế kỷ I SCN đã diễn ra sau khoảng một thiên niên kỷ giao lưu đều đặn với Ấn Độ, trong đó các nhóm cư dân Đông Nam Á bắt đầu tự tổ chức thành các hệ thống chính trị với mức độ phức hợp ngày càng tăng, đã đóng vai trò quyết định, đặc biệt là trong việc hình thành mạng lưới thương mại biển khai thác vàng và thiếc” 42.

Tích truyện về người anh hùng khai sáng đến từ bên kia biển là một thành tố của các huyền thoại khai sáng phổ biến rộng rãi, trong đó một vị vua hoặc một anh hùng từ nước ngaoif tới cưới con gái của một thủ lĩnh địa phương, mà trong thực tế không ai lại coi đó là một diễn giải lịch sử có thật 43.

Bên cạnh hoàn cảnh mà những cái tên Hun/Ƴuǝn không cho phép phục hồi lại thành “Kaundinya”, thì tên của người nữ thủ lĩnh Phù Nam bị Hun/Ƴuǝn khuất phục cũng vẫn còn được để ngỏ cho việc diễn giải tiếp. Cái tên Liu ye/Lieou ye/liǝu-iäp đã được các sử gia lấy lại của Pelliot năm 1903 theo nghĩa đen, Lá Liễu [feuille-de-saule]. Tuy nhiên Pelliot đã bị rắc rối với vấn đề này, vì ở Cambodia làm gì có cây liễu. Ông gợi ý rằng đã có một chuỗi nhầm lẫn trong việc chuyển dịch ra tiếng Hán, vì vậy mà một từ gốc là 椰子* da tử, dừa đã được dịch thành 柳* liễu vì hai chữ này rất giống nhau. Nếu đúng như vậy, ông nói, thì có thể ở Phù Nam có thị tộc dừa “giống như thị tộc dừa mà chúng ta đã biết ở Champa cổ” 44.

Quan điểm này có vẻ mâu thuẫn bởi việc mổ xẻ vô cùng kỹ lưỡng niên đại công trình của người Pháp về bi ký Cham của Jean Boisselier. Theo Boisselier “việc đề cập đến các bộ tộc क्रमुकवंश* Kramukavamša Cau và नारिकेलवंश*  Narikelavamša  Dừa xuất hiện rất muộn [thế kỷ 11], và hầu như ngẫu nhiên trong bi ký Chăm…trong bất kỳ trường hợp nào cũng không cho phép đưa các ý tưởng này lui về đến thế kỷ 8”; và “Các bộ tộc này, chẳng liên quan gì đến điều mà G. Maspero đã nói về họ, chắc chắn không là gì khác hơn những gia đình thủ lĩnh địa phương, dường như không có bất kỳ vai trò quan trọng nào trước…Ông hoàng Than” (thế kỷ 11) 45.

Nếu đúng như vậy thì có lẽ cần phải tính đến một cách diễn giải mới về “Lá Liễu”. Mặc dù Pelliot chắc chắn rằng Liǝu-iäp không phải là một cách chuyển âm một cái tên địa phương thành các chữ Hán, nhưng thay vì cố gắng đi tìm để phục hồi nghĩa đen của cái tên địa phương, tôi cho rằng có lẽ chúng ta nên xem xét khả năng ngược lại, có thể Liǝu-iäp chỉ là một cách mà người Trung Quốc diễn đạt ngữ âm học cái tên đó mà không hề quan tâm gì đến nghĩa đen của nó khi thể hiện bằng các chữ Hán. Điều đó có nghĩa là cái tên gốc có thể là một cái tên nào đó như “Liv/liu-eap”, hoặc “Liv/liu-yeap/yàp”. Ngữ âm này không gợi lên bất cứ một mối liên quan trực tiếp nào, nhưng nó lại là một cái tên có nghĩa tương tự với những cách chuyển dịch cái tên Chenla/ Ts’iën-lâp [眞臘*], Lin-i/ Liǝm-iǝp [林邑*] sang chữ Hán, v.v…trong đó người Trung Quốc cổ cho thấy rằng những cái tên địa phương có âm tiết cuối là /p/, một đặc trưng ngữ âm học thông dụng trong tiếng Khmer và các ngôn ngữ Đông Nam Á khác 46.

Phù Nam: Giai đoạn lịch sử

Mặc dù những người trị vì Fan đầu tiên thuộc giai đoạn tiền sử theo nghĩa chặt chẽ của từ đó, nhưng mầm mống của họ là thủ lĩnh của cái mà người Trung Quốc gọi là Phù Nam khi họ tới đó, và đã tìm về cội nguồn của người trị vì đó không quá ba đời, không quá xa đối với truyền thống truyền khẩu, nếu đúng là như vậy, nhằm có được một chút chính xác.  Nếu có chút nào chính xác thì Phù Nam, cũng giống như các vùng khác của Đông Nam Á là một chính thể ven biển đã khá phát triển trước khi có các mối quan hệ với Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Mặc dù không đề cập đến Phù Nam, nhưng Manguin cũng nhấn mạnh rằng “Mạng lưới thương mại – mà một số tham gia vào các mô thức trao đổi đường dài – đã được người Đông Nam Á thực hiện rất lâu trước khi có các ảnh hưởng Ấn Độ thì đó chính là vùng này…” 47.

Nếu tích truyện về người trị vì đầu tiên Hỗn Điền phân 7 thành ấp cho con trai ông còn rất mơ hồ đối với một nghiên cứu nghiêm túc, thì ngược lại, tích truyện về các cuộc chinh phục của 范師蔓* Fan Shih man Phạm Sư Mạn lại thực sự đáng quan tâm. Ông cho đóng những chiếc tàu lớn và chinh phục các quốc gia láng giềng, kể cả 頓孫*, tuǝn suǝn Đốn Tốn và mang tước hiệu Đại vương Phù Nam.

Ngày nay người ta cần khắc ghi một sự kiện của lịch sử Đông Nam Á, đó là  các nhà hàng hải vĩ đại của thời đó không phải là người Ấn Độ, cũng không phải là người Trung Quốc, mà là người Đông Nam Á, nhất là những người nói tiếng Nam Đảo. Sự trải rộng của họ từ nội đảo Đài Loan qua Philippines, Indonesia, đến các đảo Polynesia của Thái Bình Dương, và đi xa tới tận Madagascar, cũng như các cộng đồng người Chăm lục địa, đã chứng tỏ rằng các cư dân này đã rất giỏi nghề đóng thuyền và có các kỹ năng định hướng tuyệt vời trong thời tiền sử.

Trong thực tế các văn bản Hán cổ về giai đoạn Phù Nam đều thống nhất rằng khi vượt khỏi vùng bờ biển bắc và trung Việt Nam ngày nay, họ đều lên các con thuyền của người Đông Nam Á 48.

Về vấn đề này, Pelliot đã tỏ rõ định kiến Đông phương học và Ấn Độ học cổ cho rằng Đông Nam Á lạc hậu đã phải tiếp nhận mọi thứ tiên tiến từ các nền văn minh Trung Quốc, Ấn Độ, hoặc phương Tây.  Khi viết về những chiếc thuyền buồm lớn của Phù Nam, mà ông gọi là grandes jonques, có thể chuyên chở vài trăm hành khách được các sứ bộ Trung Quốc mô tả, Pelliot nói đó là “tàu Ba Tư, Ấn Độ, Trung Quốc, còn  vào thời nhà Đường [618 – 906] các thủy thủ đều là người Mã Lai”, nhưng các sứ bộ Trung Quốc đều ghi nhận tất cả các con thuyền này là của người 崑崙* K’un-lun [舊唐書卷一九七林邑傳云: 自林邑以南,捲髮黑身,通號崑崙*

 Cựu Đường thư, Quyển nhất cửu thất, Lâm Ấp truyện vân: tự lâm ấp dĩ nam, quyển phát hắc thân, thông hiệu côn lôn – Sách Cựu Đường thư, quyển 197 nói: Từ Lâm Ấp trở về phía nam [man di] tóc quăn, thân đen đều gọi là Côn Lôn*], một tộc người Đông Nam Á 49, nhưng tất nhiên trong thời Pelliot không đời nào người ta chấp nhận rằng người Mã Lai hoặc những người Đông Nam Á khác lại là những người đóng được các con thuyền lớn hoặc là các nhà hàng hải.

Các kỹ thuật đóng thuyền đã được mô tả kỹ – một số lớp ván mỏng được cuốn dây thừng tết bằng sơ dừa rồi trám kín nhựa cây, một kỹ thuật hoàn toàn đáng tin của Đông Nam Á, tuy nhiên Pelliot lại quy cho là thuộc về Vịnh Ba Tư, trong khi đó nguồn thông tin ấy có niên đại thế kỷ XII. Porée-Maspero cũng hiểu một cách chính xác tầm quan trọng của nghề đóng thuyền ở Đông Nam Á trong quá trình tiếp xúc đầu tiên với Ấn Độ, nhưng lại phá hỏng bằng cách đưa ra quan điểm cho rằng có bằng chứng khẳng định Đông Dương đã được Phạn hóa thông qua các tiếp xúc trên đất liền ở phía Bắc trước khi họ biết dùng thuyền tới Ấn Độ 50.

Tiếp đó một chuyên gia lịch sử hàng hải khẳng định rằng các thuyền mành Kun lun lớn rất sớm đều là của người Đông Nam Á, và đó là “những con tàu khổng lồ được đóng liên tục giống như những con tàu đã được mô tả sau này [nhấn mạnh thêm] tại Ấn Độ Dương”; và “chính vì vậy các thuyền mành đi biển xa của Trung Quốc có lẽ không tồn tại đến thế kỷ thứ IX, và chắc chắn không tồn tại đến thế kỷ XII” 51.

Vậy thì liệu chúng ta, theo một câu truyện học thuật dân gian hơi cổ, có nên cho rằng các đặc điểm văn hóa đã từng một lần được khẳng định về phương diện tộc thuộc, rằng người Phù Nam là người Nam Đảo, chứ không phải là người Khmer, hay Mon-Khmer? 52

 Điều này, theo bất cứ nghĩa nào, cũng đều không thể quyết định được khi chúng ta còn không có bất kỳ một văn bản bản ngữ nào của giai đoạn đó, trong khi các tích truyện về người Đốn Tốn lại chỉ đem đến những đầu mối nhỏ nhoi. Ngay trong thời Pelliot người ta chấp nhận Đốn Tốn ở đâu đó trên bán đảo Mã Lai, với các quan điểm khác nhau về vĩ độ chính xác, gần Malacca (Pelliot) hoặc Tenasserim ở phía bắc bán đảo (Schlegel) 53.

Trong số các chi tiết mô tả về Đốn Tốn nói ở đó có năm ông vua, và tiếng nói “hơi khác với tiếng Phù Nam” 54. Một lần tôi đã viết rằng nếu các nghiên cứu lịch sử sớm của Cambodia chiếm ưu thế bởi các nhà ngôn ngữ học Môn – Khmer, chứ không phải là các nhà Ấn Độ học và Phạn học, thì sự tiến bộ trong lĩnh vực này có lẽ đã khác đi nhiều, và trường hợp này chính là ví dụ điển hình. Giờ đây dường như chắc chắn rằng “hai chữ Hán 頓孫* Đốn Tốn là chuyển dịch các từ Proto-Monduň sun, có nghĩa là “năm thành” [dịch từng từ là thành năm], và nếu ngôn ngữ này chỉ khác biệt đôi chút với ngôn ngữ Phù Nam, thì ngôn ngữ Phù Nam, nếu không phải là tiếng Khmer thì ít ra đó cũng là một loại ngôn ngữ Mon-Khmer 55. Quan điểm này đặt Đốn Tốn thuộc phần bắc của bán đảo, có lẽ gần Tenasserim, nơi tập trung đầu mối quan trọng của các tuyến đường thủy từ vịnh Bengal đến Ayutthaya, tối thiểu là cho đến tận thế kỷ XVII 56.

Mục đích của sứ bộ Trung Quốc đầu tiên đến Phù Nam là khai thác một tuyến đường xuyên Đông Nam Á để kiếm các sản phẩm giá trị của Ấn Độ và Trung Đông dưới thời nhà Ngô tại vùng Nam Trung Quốc khi đó bị chia cắt bởi các cuộc nổi loạn trên tuyến đường bộ truyền thống. Vì vậy sau khi phái đoàn Khang Thái đến Phù Nam các bộ sử Trung Quốc đều ghi chép về những năm tháng mà các phái bộ ngoại giao/triều cống của Phù Nam đến Trung Quốc. Tình cờ có một nguồn thông tin khác về nội tình tại Phù Nam. Một tình tiết lịch sử đáng quan tâm đầu tiên là năm 357, “T’ien-chu” Thiên trúc Phù Nam dâng cống voi đã thuần hóa cho Trung Quốc” 57.

Loại cống vật này là tình cờ vì sự xét đoán thông suốt của các nhà Ấn Độ học thời Pelliot, và ông cũng đã thực hiện trôi chảy việc dội nước lạnh vào lòng nhiệt tình mang tính truyền bá luận của họ. Coedès đã đưa ra một tóm tắt về các xét đoán theo đó “vào năm 357 … Phù Nam rơi vào ách thống trị của một người nước ngoài” tên là Chan-t’an [छन्दन*  Chandana 竺旃檀* Zhuzhantan, Chúc Chiên Đàn, người có bùa phép*] người 天竺* T’ien-chu Thiên Trúc, Ấn Độ và hơn nữa cái tước vị Chan – t’an của ông hình như kết nối ông với cùng dòng dõi của Kanishka”, của người Indo-Scythians, hoặc người Kushans. “Chúng ta cũng biết rằng người Kushans mở rộng quyền cai trị của họ trên khắp lưu vực sông Hằng Hà, ít nhất là đến tận Benares”, nhưng “vào năm 357 … toàn bộ miền Bắc Ấn Độ đã quy phục triều đại Gupta; quân xâm lược Scythian đã rút lui. Có thể một chi của gia đình Kushan … đã tìm kiếm vận may bên kia Vịnh Bengal”, có nghĩa là tại Phù Nam 58.

Đây là một ví dụ khác về sự bịa đặt lịch sử hào hiệp – cái ý tưởng cho rằng một loại tinh hóa phát tiết hoàng gia nào đó có khả năng sản sinh ra một vài quý tộc di cư, và được chấp nhận trong một số xã hội mà ở đó họ không có cội rễ hoặc những người bảo lưu trung thành đối với truyền thống. Điều đó cũng phản ánh quan điểm lỗi thời cho rằng Đông Nam Á vẫn còn hoàn toàn nguyên thủy cho đến khi người Ấn Độ xuất hiện ở đó. Trước hết, Pelliot nói rằng việc dịch theo nghĩa đen của đoạn văn có vấn đề đó phải là “Chan-t’an của T’ien-chu của Phù Nam”; nhưng “cái danh hiệu như vậy nghĩa là gì?”

Thứ hai, Pelliot nhận xét rằng các sử liệu Trung Quốc khác ghi về sự kiện này chỉ gọi ông là “Chu Chan-t’an”, theo phong tục Trung Quốc về tên họ của những người có nguồn gốc nước ngoài, có lẽ chỉ có thể nghĩ rằng Chan-t’an là thuộc một gia đình có nguồn gốc Ấn Độ. Hơn nữa, ông không phải là trường hợp duy nhất trong các ghi chép của Trung Quốc về Phù Nam và Đông Nam Á.

Năm 517 có một đại sứ Phù Nam tên là Chu/Tchou Tang-pao-lao; và trước đó đã có các đại sứ của “nhà vua Đông Dương khác là P’o-houng”, Chu/Tchou Na-p’o-tche vào năm 456, và Chu/Tchou Siulo-ta năm 466. Thực ra đoạn đầu đề cập đến Chan-t’an thậm chí còn không gọi ông là vua, mà chỉ để lộ ra rằng ông là một sứ bộ, trong khi đoạn thứ hai lại nói “ông mang tước vị vua”, mà về điều này thì hình như người Trung Quốc đã có những nghi ngờ, vì họ từ chối các cống vật. Tuy nhiên bản thứ ba được biên soạn một thế kỷ sau đó đã gọi ông là “vua”, nhưng vẫn lưu ý rằng sứ bộ của ông đã bị từ chối 59.**

Vẫn còn một nhân vật nữa với tên họ Chu, là Chu/Tchou Tche, người Trung Quốc đã chu du đến vùng biển phương nam, và viết một cuốn sách trong đó có một mục về Phù Nam. Pelliot nói rằng chúng ta biết không nhiều về ông, ngoại trừ một điều là “ông có nguồn gốc Ấn Độ, với bằng chứng tên họ Chu” 60.

Có lẽ như sau này trong vùng Đông Nam Á biển, những nhân vật có nguồn gốc gia đình ngoại quốc thường được sử dụng trong các dịch vụ thương mại và ngoại giao, không còn nghi ngờ gì, vì nhờ vào năng lực ngôn ngữ của họ, và có lẽ vì với tư cách là người nước ngoài, nằm ngoài mạng lưới các gia đình, họ tộc quyền lực địa phương nên người ta cho rằng họ trung thành hơn với các nhân vật quyền lực trung ương 61.

Vì vậy toàn bộ các nghiên cứu trước đây về nhân vật Chan – t’an “Ấn Độ” đại diện cho một loại Ấn Độ hóa mới cần phải được gạt ra ngoài, ngay cả khi gia đình ông đã từ Ấn Độ tới, và cuối cùng ông đã là thủ lĩnh của Phù Nam. Vẫn còn một khả năng khác không nên hoàn toàn bị gạt bỏ, mặc dù Pelliot đã chối bỏ nó. Đó là từ “chu” được viết bằng chữ Hán cổ với âm chok hoặc tok [竺*Khang Hy Tự điển chú âm: Việt ngữ: zuk1; Mân Nam ngữ: tiok4] và đã được sử dụng làm âm tiết đầu để dịch tên thành phố Ấn Độ ताक्षशिल* Taksašila. Vậy thì nó có thể được dùng cho trường hợp của các sứ bộ, hoặc nhà vua để thể hiện một tước vị của nước này 62.

Hoshino đã đưa ra một nhận xét đáng lưu ý về chi tiết này. Tuy nhiên điều đó tùy thuộc vào một khẳng định không dẫn nguồn, cho rằng “các học giả Trung Quốc gần đây đã bác bỏ cách đọc truyền thống về tên gọi Tian Zhu Zhan Tan …như là một biến thể muộn hơn”, có nghĩa là ẩn ý của Hoshino là họ bác bỏ cách đọc từ ở đầu tian với nghĩa là người Ấn Độ.

Trong trường hợp đó thì zhu (chu), được phát âm khác nhau /chuk, dzuk, chiku, …v.v./ theo phương ngữ, “có thể là cách chuyển dịch một từ Đông Nam Á” chẳng hạn như trường hợp Jiao …( /khich/gik/geki/) có nghĩa là người nước ngoài, đất nước ngoài ở vùng châu Á nhiệt đới”, như “Khaek trong tiếng Thái, Lào hiện nay để gọi người Mã Lai, người Ấn Độ và người Hồi giáo”; còn nhân vật đã đưa voi đến Trung Quốc “có thể là một người nói tiếng Tày-Thái hoặc Tạng-Miến [sic] sống ở đâu đó trong lãnh địa Phù Nam, nơi voi đã được thuần dưỡng” 63.

 Mặc dù Hoshino đã nhận ra vấn đề trong các diễn giải truyền thống, nhưng ông cũng giống như nhiều trường hợp khác, đã cố giải quyết những vấn đề đó bằng cách tham chiếu hệ thống từ mà đến bây giờ mọi người đều biết là thực sự hiện đại. Hạng mục lịch sử chính trị tiếp theo trong các báo cáo của người Trung Quốc: vào cuối thời Tống 420-478, tên họ vua Phù Nam là 僑陳如* Kaundinya Kiều Trần Như [Chiao Chen-ju]/K’iao-tch’enjou (Kaundinya), còn tên riêng là 闍耶跋摩*[She-yeh-pa-mo]/Cho-ye-pa-mo/ Jayavarman/ Đồ Da Bạt Ma*].

Nếu các cách chuyển âm này thực sự thể hiện kaundinya và thậm chí không biết cách phát âm cổ thì có vẻ điều đó không phải là vô lý, đó là bằng chứng vững chắc để nói rằng các tước vị hun? của tiền sử truyền khẩu Phù Nam thế. Điều đó dường như đã làm Coedès băn khoăn khi ông tin vào một quá trình “Ấn Độ hóa” của huntian – Kaundinya, vì ông nói “có lẽ cái tên này là kết quả của một sự sửa đổi làm sai lạc cái tên đầu tiên Kaundinya” 64.

Một tích truyện y hệt cũng được kể lại trong lần soạn thảo báo cáo sau, nhưng có vẻ lộn xộn hơn. Trước hết, không xác định niên đại, câu truyện kể rằng một hậu duệ của Chu Chan-t’an là 僑陳如* Chiao Chen-ju, Kiều Trần Như, có bổ sung thêm chi tiết cho rằng ông “có gốc gác Bà La Môn người Ấn Độ” đã nghe thấy một giọng thần linh mách bảo đến trị vì tại Phù Nam. Khi đến Bàn Bàn ở phương Nam, người Phù Nam đã đến đón ông và đưa ông lên làm vua, rồi “ông lại [sic] thay đổi toàn bộ lề lối theo Ấn Độ”. Một hậu duệ của ông là  श्रीइन्द्रवर्मन्*  持梨陀跋摩* She-yeh-pa-mo/ Sri Indravarman*/ Trì Lê Đà Bạt Ma*] (pa-mo dịch từ varman sang chữ Hán) lên làm vua trong giai đoạn từ 424-453 thời nhà Tống, và sau đó vào giai đoạn 483 – 493, vua Phù Nam là 闍耶跋摩* Chô-sie-pa-mo Đồ Da Bạt Ma*(Jayavarman)65.

Các khác biệt này cho thấy phiên bản đầu tiên đã đúc kết lại hoặc thành hai, ba cá nhân, hoặc phiên bản thứ hai đã phát triển tích truyện một cách giả tạo. Một phiên bản chứa nhiều sự thật hơn hoặc phiên bản kia không hề có ý nghĩa gì, vì (tôi hy vọng có thể được bỏ qua cho việc đánh nát nhừ quan điểm đó vì một độc giả của thế kỷ XXI) chắc chắn rằng chưa hề có một Kaundinya thật đã từ Ấn Độ đến Phù Nam, hoặc từ bất cứ đâu khác đến Phù Nam vào bất cứ thời gian nào, còn cái gọi là Kaundinya thứ hai này đã đơn giản chỉ cho chúng ta thấy vào thế kỷ IV – V, sau hai thế kỷ tiếp xúc với Ấn Độ, những người trị vì Phù Nam đã tiếp nhận cách ăn mặc của Ấn Độ, và đã chấp nhận truyền thuyết Kaundinya Ấn Độ như là của riêng họ, bằng cách cập nhật truyền thuyết gốc của họ để tích hợp vào các yếu tố của các truyền thuyết gốc của Ấn Độ 66.

Một Gunavarman nào đó, thuộc giới tinh hoa Phù Nam được ghi trong bi ký K.5, đầu thế kỷ V, được gọi là con trai của “mặt trăng thuộc dòng tộc Kaundinya”. Điều này dễ vì các tich truyện về Kaundinya tương đồng với huyền thoại gốc tiền Ấn (Hỗn Điền/Liễu Diệp). Nó cần được sử dụng để chứng tỏ rằng một Kaundinya Ấn Độ thật đã đến Phù Nam vào thế kỷ thứ IV.

Tuy nhiên thực sự đã có một vua Jayavarman trong khoảng thời gian đó, và ông có lẽ đã lấy Kaundinya làm tước vị để xác định dòng dõi được giả định. Các niên đại thuộc phiên bản thứ hai có lẽ chính xác nhất, vì nó tiếp tục nói rằng ông chết năm 514 và được người con trai tên là 留陁跋摩 Liu-t’o-pa-mo/Lieou-t’o-pa-mo Lưu Đà Bạt Ma, Rudravarman kế thừa. Ông này đã cử các sứ bộ đến Trung Quốc vào năm 517, trong đó có một người tên Chu, 519, 530, 535 và 539.

Chi tiết này dường như được khẳng định bởi hai trong ba tấm bia tương đối chắc chắn thuộc về Phù Nam, K.5, đã được dẫn ở trên, và K.40 có các tên vua Rudravarman, con trai của một ông vua có tên Jayavarman. Cả hai tấm bia này đều bằng chữ Phạn và không có niên đại, nhưng Coedès cho là loại chữ viết ấy phải thuộc cùng giai đoạn có các báo cáo của các sứ bộ Trung Quốc 67.

Coedès cũng rất phóng khoáng trong một tổng hợp hơi liều bằng cách đưa thêm những cái tên cho câu truyện chữ Hán cho rằng Rudravarman, con trai của một hầu thiếp là một kẻ tiếm quyền, đã giết người em trai của mình, là một người thừa kế chính thống hơn, vì mẹ của người em trai đó là hoàng hậu. Coedès cho rằng người em trai đó là Gunavarman, được ghi tên trong tấm bia K.5, còn mẹ của ông ta chính là hoàng hậu  कालप्रप्रभावती  Kulaprabhâvatï đã được đề cập trong tấm bia K.875 thuộc giai đoạn Phù Nam.

Tuy nhiên các tấm bia K.5 và K.875 bị vỡ nhiều nên rất khó tin hoàn toàn vào việc phục dựng, và những loại chữ khác nhau (K.5 sớm hơn K.875) đã thực sự buộc Coedès phải ra công biện hộ 68. Jayavarman đã được hưởng đặc ân của Trung Quốc; chính hoàng đế đã ban tước cho ông là 安南將軍,扶南王* An Nam tướng quân, Phù Nam vương. Trong khi đó cách phiên âm của Pelliot là một ví dụ rất rõ ràng cho thấy thỉnh thoảng các nhà Đông Phương học xưa đã né tránh vấn đề như thế nào. Pelliot cũng đưa ra các chữ Hán, nhưng lại không phiên âm cụm từ đọc là An Nam tướng quân, Phù Nam vương.

Tất nhiên đây có thể được coi là cách làm cho cách nhìn chuẩn mực trở nên mâu thuẫn, như Pelliot đã viết trong một tiểu luận nổi tiếng khác “Xứ An Nam bị bảo hộ, theo đúng nghĩa các chữ Hán ấy chính là bắc Việt Nam”, “đã được tạo ra dưới thời nhà Đường năm 679, và sau đó cái tên An Nam … đã thể hiện điều đó”  69 .

 Hơn nữa, cũng trong khoảng thời gian ấy, những năm 490, người Trung Quốc đã ban tước hiệu 安南將軍,林邑王* An Nam tướng quân, Lâm Ấp vương cho vua Lâm Ấp Phạm Chư Nông với các từ đứng trước là 持節都督縁海諸軍事* trì tiết, đô đốc duyên hải chư quân sự, hàm trì tiết, đô đốc toàn bộ các lực lượng quân đội duyên hải, và tước phong này được tiếp tục trao cho các vua Lâm Ấp sau đó cho đến giữa thế kỷ thứ VI 70. Đối với người Trung Quốc, trong sử sách viết về Phù Nam và Lâm Ấp thuộc các thế kỷ V – VI thì An Nam nghĩa là gì? Đây chính là một câu hỏi cho các nhà Trung Quốc học Đông Nam Á 71.

Tính liên tục chính trị và sự thay đổi triều đại

Như chúng ta đã thấy trong các báo cáo vắn tắt của người Trung Quốc trình bày ở trên, các truyền thống truyền khẩu tiền sử đã cho thấy thời gian tồn tại của triều đại không thể xác định rõ được, sau đó là một giai đoạn ngắn của năm người trị vị có tước vị Fan, trong số đó người cuối cùng đã từng tiếp sứ bộ đầu tiên của Trung Quốc vào giữa thế kỷ III, ba thế kỷ tiếp theo, trong đó người Trung Quốc không cho chúng ta biết được những thông tin rõ ràng về tính liên tục của các triều đại đó, cũng như các mối quan hệ giữa những người trị vì Phù Nam có tên gọi, nhưng lại cho thấy quá trình Ấn Độ hóa ngày càng tăng thông qua các tên gọi hoàng gia, cho đến khi xuất hiện phương thức kế vị cha – con của जयावर्मन्* Jayavarman-रुद्रावर्मन्* Rudravarman [闍耶跋摩* [She-yeh-pa-mo]/Cho-ye-pa-mo/ Jayavarman/ Đồ Da Bạt Ma* – 留陁跋摩* Liu-t’o-pa-mo/Lieou-t’o-pa-mo Lưu Đà Bạt Ma, Rudravarman] vào thế kỷ 5-6, trong đó có một tích truyện đáng chú ý về cái mà người Trung Quốc nhìn nhận là sự tiếm quyền của một vị hoàng tử sau khi người này đã giết người anh em cùng cha khác mẹ có vị thế kế thừa chính thống hơn của mình.

Một chút mực quý được sử dụng để dựng lại sự kiện đó, nhưng chỉ có Porée-Maspero mới thực sự chú ý đến toàn bộ chuỗi sự kiện như là một bằng chứng cho nền văn hóa chính trị Cambodia, và nỗ lực đó thật sự xứng đáng.

Cả người Trung Quốc và Pelliot đều cho rằng trong triều đại Hun, việc thừa kế là theo dòng cha. Thực sự thì một số cái tên được ghi lại sau cặp khai sáng là nam, và trừ trường hợp các bản dịch của Pelliot có khiếm khuyết, còn thì việc kế thừa đều là trực tiếp từ các tổ tiên của họ. Tuy nhiên Porée-Maspero, theo tuyến lý thuyết chung của bà về chế độ cai trị mẫu hệ trong dòng hoàng tộc Cambodia, cho rằng các sử liệu Trung Quốc có thể được giải thích là các hậu duệ củ

0