Mười huyền thoại về cuộc chiến tranh và cách mạng ở Libya
Peter Rutland và Philip Pomper Phạm Nguyên Trường dịch Bản tiếng Anh Bản tiếng Nga Juan Cole là nhà sử học chuyên về Trung đông và Nam Á, ông hiện là giáo sư ở đại học Michigan, tác giả cuốn: Engaging the Muslim World (2010) và là chủ blog mang tên Informed ...
Peter Rutland và Philip Pomper
Phạm Nguyên Trường dịch
Bản tiếng Anh
Bản tiếng Nga
Juan Cole là nhà sử học chuyên về Trung đông và Nam Á, ông hiện là giáo sư ở đại học Michigan, tác giả cuốn: Engaging the Muslim World (2010) và là chủ blog mang tên Informed Comment.
Lời ban biên tập tạp chí Russ.ru: Quân nổi dậy, nhờ sự trợ giúp của NATO đã vào được Tripoli, Muammar Gaddafi cũng đã tuyên bố rằng ông ta sẵn sàng ngồi vào bàn thương lượng. Như vậy nghĩa là cuộc cách mạng Libya đã gần thắng lợi rồi. Juan Cole, một nhà sử học có tiếng và là chuyên gia về Trung Đông nổi tiếng ở Mĩ cũng là một trong những người ủng hộ cuộc cách mạng Libya và sự can thiệp của cộng đồng quốc vào cuộc cách mạng này.
Là người luôn chống lại những quan điểm đế quốc chủ nghĩa, Cole từng tiên đoán chính xác những khó khăn mà Mĩ sẽ gặp sau khi đổ quân vàoIraq. Nhưng vào năm 2011 ông đã dứt khoát ủng hộ cuộc can thiệp nhân đạo vào Libya và cho rằng việc lật đổ Gaddafi sẽ diễn ra một cách nhanh chóng. Quan điểm của ông về vấn đề Libya đã bị những nhà trí thức và tổ chức cánh tả phản đối dữ dội. Là một người gần gũi với quan điểm tả khuynh, Juan Cole đã viết một bức thư ngỏ gửi những người cánh tả, kêu gọi họ hãy chấm dứt việc nhân danh cuộc đấu tranh với chủ nghĩa đế quốc mà ủng hộ những chế độ độc tài. Theo quan điểm của Cole, các lực lượng cánh tả phải từ bỏ học thuyết, theo đó mọi “sự can thiệp nhân đạo đều là xấu xa”.
Tạp chí Russ.ru xin giới thiệu một trong những bài viết gần đây nhất của Juan Cole, trong đó ông vạch rõ 10 huyền thoại chủ yếu về những sự kiện ở Libya; những huyền thoại đã từng làm cho các chuyên gia và những người quan sát đưa ra những dự đoán và đánh giá sai lầm.
Nói chung, cuộc cách mạng ở Libya đã thắng lợi. Đây là ngày hội không chỉ của người Libya mà còn của cả thế hệ những người trẻ tuổi trong các nước Arab, thế hệ đang cố gắng làm cho nền chính trị khu vực trở thành cởi mở hơn. Thắng lợi của những ngày nổi dậy gần đây là nhờ sự vùng lên của dân chúng trong các khu lao động của thủ đô, người dân ở đây đã làm rất nhiều việc nhằm lật đổ chế độ của một nhóm quân nhân và cảnh sát mật. Thắng lợi vang dội đến mức các đơn vị cách mạng tiến vào thành phố từ phía Tây đã hầu như không gặp bất kì sự kháng cự nào, họ đã đi thẳng một mạch vào trung tâm thành phố.
Sự kết thúc như thế, khi mà người dân Tripoli lật đổ Gaddafi và liên kết với Hội đồng chuyển tiếp lâm thời chính là hiện thực hóa cái kịch bản tốt nhất mà tôi đã nhìn thấy từ trước. Trong khi giảng bài ở Hà Lan vào giữa tháng 6 tôi đã nói đến kịch bản này và đã bị một số người nghi ngờ, nhưng tất cả những dự đoán của tôi đều đã thành hiện thực. Có lẽ đấy là do сác tiền đề của tôi có cơ sở hơn những người khác: Gaddafi đã mất sự ủng hộ của nhân dân và còn nắm được quyền lực là nhờ lực lượng quân sự. Chỉ cần ông ta bị tước quyền sử dụng vũ khí hạng nặng, chỉ cần việc tiếp tế nhiên liệu và đồ quân dụng của quân đội bị gián đoạn thì lòng căm thù của nhân dân sẽ bùng lên với toàn bộ sức mạnh của nó. Hơn thế nữa, đơn giản là tôi tin rằng đa số dân chúng Libya đứng về phía cách mạng và đứng về phía tư tưởng tự do chính trị, cũng như không gì có thể đe dọa được mặt trận thống nhất dân tộc.
Xin xem xét những huyền thoại đã đưa những nhà bình luận đến những kết luận và dự báo sai lầm.
1. Gaddafi tiến hành chính sách đối nội tiến bộ:
Chắc là trong những năm 1970 Gaddafi đã tỏ ra hào phóng hơn trong việc phân chia nguồn lực do dầu mỏ mang lại: ông ta đã mua máy kéo cho nông dân..v..v.., nhưng hai mươi năm gần đây chính sách của ông ta đã thay đổi hẳn. Ông ta tức giận những bộ lạc ở miền Đông và miền Tây-Nam, khi những người này tìm cách chống lại ông ta, kết quả là ông ta không cho họ tham gia vào việc phân phối nguồn lực của đất nước nữa. Trong 15 năm gần đây mức độ tham nhũng và sự ngóc đầu dậy của bọn đầu sỏ – tương tự như ở Nga thời hậu Xô Viết – trong đó có sự tham gia của chính Gaddafi và mấy người con trai của ông ta, đã lên đến mức trở thành cản trở cho việc đầu tư và làm cho nên kinh tế phải chịu thiệt hại nặng nề. Công nhân bị kiểm soát gắt gao đến mức không thể đưa ra những đòi hỏi tập thể liên quan đến việc cải thiện điều kiện lao động. Nghèo đói gia tăng, cơ sở hạ tầng tồi tệ đến mức không thể tưởng tượng được là một nước có nhiều dầu mỏ lại để cho nó rơi vào tình trạng như thế.
2. Gaddafi tiến hành chính sách đối ngoại tiến bộ:
Gaddafi đã từng đầu cơ những quan điểm, nói chính xác hơn là những thế đứng, của ông ta trong những năm 1970 trong hàng chục năm ròng. Nhưng trong những năm gần đây ông ta đã đóng vai trò ghê gớm ở châu Phi, ông ta tung tiền ra để ủng hộ những nhà độc tài khát máu và giúp đỡ nhằm thổi bùng lên những cuộc chiến tranh phá hoại. Trong năm 1996 kẻ tự xưng là chiến sĩ bảo vệ quyền của nhân dân Palestine đã đuổi 30 ngàn người Palestine vô gia cư ra khỏi đất nước của ông ta. Sau đó, khi vừa mới thoát khỏi những biện pháp cấm vận của Mĩ và châu Âu, ông ta liền cộng tác chặt chẽ với George W. Bush, Silvio Berlusconi và những chính khách hữu khuynh khác. Silvio Berlusconi thậm chí còn tuyên bố sẵn sàng từ chức thủ tướng Ý khi NATO bắt đầu can thiệp – ông ta là bạn thân của Gaddafi. Nhân vật tiến bộ là như thế đấy.
3. Gaddafi đưa quân đội đàn áp những người phản đối và các nhà cách mạng là chuyện bình thường, nước nào cũng làm như thế hết.
Không, không làm như thế! Đấy chỉ có thể là ý kiến của một kẻ đần độn về mặt đạo đức mà thôi. Các sĩ quanTunisia đã không chịu bắn vào đám đông nhằm bảo vệ tên độc tài Zine El Abidine Ben Ali, các sĩ quan Ai-cập cũng không chịu bắn vào đám đông nhằm bảo vệ tên độc tài Hosni Mubarak. Việc các quân nhân Libya sẵn sàng sử dụng bạo lực chống lại những người biểu tình là do toàn bộ lực lượng quân sự đều nằm dưới quyền chỉ huy của các con Gaddafi và tay sai của họ cũng như không có mối liên hệ giữa những người dân bình thường với những người lính chuyên nghiệp và lính đánh thuê. Sử dụng lực lượng vũ trang chống lại thường dân tay không tấc sắt là tội ác chiến tranh, còn sử dụng một cách có hệ thống và trên diện rộng là tội ác chống lại loài người. Gaddafi và mấy người con của ông ta sẽ bị đưa ra tòa vì những tội ác như thế, nghĩa là trong hành động của chính quyền đó không có cái gì có thể coi là “đương nhiên” được.
4. Cuộc chiến giữa các nhà cách mạng và quân đội của Gaddafi đã dẫm chân tại chỗ trong một thời gian dài.
Không có gì như thế hết! Đấy là ý tưởng được nhiều nhà bình luận phương Tây ở Benghazi ủng hộ. Sự thật là cuộc chiến ở Brega đã rơi vào ngõ cụt trong một thời gian dài. Nhưng hai mặt trận quan trọng nhất là Misrata và vùng phụ cận cũng như khu vực miền núi phía Tây. Công cuộc bảo vệ Misrata là một bản anh hùng ca – giống như trận chiến ở thành phố Stalingrad vậy. Nhờ sự trợ giúp của NATO mà cuối cùng quân đội của Gaddfi đã bị đẩy lùi và sau đó là bị ép về phía Tây, tức là lùi dần vềTripoli. Những trận đánh ác liệt nhất và chiến thắng vang dội nhất diễn ra trong khu vực miền núi phía Tây, nơi phần đông dân cư là người Berber; ở đây, lại một lần nữa các đơn vị xe tăng của Gaddafi đã bắn phá một cách dã man các thành phố nhỏ và làng xóm, nhưng cũng đã bị đẩy lui (ở đây sự giúp đỡ của NATO ít hơn hẳn các nơi khác vì các nhà chiến lược của họ đánh giá thấp vai trò của chiến trường này). Các chiến sĩ tình nguyện từ khu vực này, sau đó đã chiếm được Zawiya – nhờ sự trợ giúp của nhân dân thành phố này – và như vậy là họ đã cắt đứt được con đường tiếp tế nhiên liệu và vũ khí cho Tripoli từ Tunisia sang. Không chóng thì chày thủ đô cũng sẽ thất thủ. Những nhà bình luận quân sự ở gần khu vực chiến sự đều nhận thấy sự di chuyển thường xuyên, ban đầu là ở Misrata, sau đó là ở khu vực miền núi phía Tây. Như vậy là không có chuyện dẫm chân tại chỗ nào hết.
5. Cách mạng ở Libya là một cuộc nội chiến.
Không có cuộc nội chiến nào hết, đấy là nói nếu coi nội chiến là cuộc chiến giữa hai nhóm lớn các công dân của một quốc gia. Ở Libya không hề có cuộc chiến tương tự như cuộc chiến giữa các công dân ở Bagdadhồi năm 2006. Cách mạng bắt đầu từ những cuộc biểu tình quần chúng ôn hòa và các nhà cách mạng chỉ tự trang bị vũ khí sau khi đám đông dân chúng bị pháo kích, bị xe tăng bắn và bị bỏ bom. Khi các trận đánh diễn ra thì những người tình nguyện bắt đầu tham gia nhằm bảo vệ các phố thị trước sự tấn công của quân đội và bọn lính đánh thuê. Đấy phải là một cuộc cách mạng chứ không phải là nội chiến. Chỉ có ở một vài khu vực với diện tích không đáng kể, thí dụ như thành phố Sirte và vùng phụ cận, lực lượng trung thành với Gaddafi và dân chúng mới kháng cự lại các nhà cách mạng mà thôi. Nhưng không nên thổi phồng những sự kiện nhỏ đó thành nội chiến. Lực lượng của Gaddafi rất hạn chế, rất mỏng, ông ta dựa hoàn toàn vào các binh sĩ chuyên nghiệp vì vậy không thể nào coi các sự kiện ở Libya là nội chiến được.
6. Libya không phải là một đất nước, cần phải chia nó thành Đông và Tây.
Alexander Cockburn viết như sau:
“Không phải là nhà tiên tri cũng có thể dễ dàng hiểu được rằng mọi việc sẽ kết thúc một cách cực kì tồi tệ. Gaddafi không bị lật đổ theo một kế hoạch nào cả, nhu cầu đưa bộ binh vào càng lúc càng gia tăng vì chiến dịch của NATO có vẻ như chỉ là chương trình tài trợ của các ngân hàng của tổng thống Obama, đấy là một chương trình quá lớn, không thể thất bại được. Chẳng bao lâu nữa Libya sẽ bị chia cắt như các nước vùng Balcan thôi”.
Tôi không hiểu xu hướng như thế của các nhà bình luận phương Tây, họ luôn coi các nước phương Nam là “nhân tạo” và sắp sửa tan vỡ đến nơi. Tất cả các quốc gia đều là sản phẩm nhân tạo. Benedict Anderson cho rằng các quốc gia-dân tộc xuất hiện vào khoảng cuối thế kỉ XVII, nhưng nếu có đẩy ngày này đi xa nữa thì các quốc gia-dân tộc cũng chỉ là hiện tượng tương đối mới mẻ mà thôi. Ngoài ra, phần lớn các quốc gia đều là đa sắc tộc, nhiều nước hiện vẫn có những phong trào mang tính dân tộc có thể đe dọa sự thống nhất của nhà nước. Thí dụ như người dân Catalonia và xứ Basque cảm thấy không được thoải mái khi phải nằm trong lòng nước Tây Ban Nha, người Scotland cũng có thể rời bỏ Anh bất cứ lúc nào ..v..v.. và ..v..v.. Mặt khác, ở Libya không có những phong trào li khai có tổ chức và được lòng dân. Ở đây có sự chia rẽ mang tính bộ lạc, nhưng chúng khó có thể gây thành phong trào li khai được. Ngoài ra, liên minh giữa các bộ lạc và lòng hận thù giữa các bộ lạc thường thay đổi và không bền như là thù hận giữa các sắc tộc. Tất cả các bộ lạc đều nói bằng tiếng A-rập và mặc dù ngoài tiếng nói chính thức, dân Berber còn có ngôn ngữ riêng và họ đã là những người anh hùng trong cuộc cách mạng vừa qua, chắc chắn là sẽ được chế độ mới tưởng thưởng. Thế hệ những người trẻ tuổi tiến hành cuộc cách mạng là những người đã từng học trong các trường học của nhà nước và được giáo dục theo tinh thần thống nhất quốc gia. Trong suốt quá trình các mạng, người dânBenghazi luôn luôn khẳng định rằng Tripoli đã và vẫn sẽ là thủ đô của đất nước. Ở phương Tây người ta tin rằng sau khi chế độ độc tài bị lật đổ thì đất nước nhất định sẽ chia năm sẽ bảy, tương tự như khu vực Balcan vào năm 1989, nhưng trường hợp các nước Arab thì khác.
7. Muốn hoàn thành cuộc các mạng thì NATO phải đưa quân đánh bộ vào.
Tất cả, từ Cockburn đến Max Boot (hai ông này đồng ý được với nhau thì quả là hiện tượng kinh khủng), đều đưa ra ý tưởng như thế. Nhưng ởLibya không hề có bất kì đơn vị bộ binh ngoại quốc nào và chắc là những đơn vị như thế cũng sẽ không xuất hiện ở đó. NATO có đưa các nhân viên tình báo vào, họ đã trợ giúp công tác phối hợp hành động và hiệu chỉnh hỏa lực, nhưng số lượng ít đến mức không thể coi đây là sự can thiệp bằng bộ binh được. Như vậy là các nhà cách mạng Libya đã giành được chiến thắng mà không cần sự trợ giúp của các đơn vị bộ binh ngoại quốc.
8. Mĩ đã dẫn dắt cuộc chiến.
Đấy là khẳng định hoàn toàn vô căn cứ. Khi tôi hỏi Glenn Greenwald (luật gia và nhà bình luận có tiếng ở Mĩ, người có những bài phân tích chính xác về nội tình của Mĩ -ND) rằng nếu Mĩ không đồng ý liên kết với Pháp và Anh thì NATO có phân rã hay thông, ông ta trả lời rằng NATO sẽ không bao giờ tiến hành chiến dịch này nếu Mĩ không bật đèn xanh. Nhưng tôi sợ rằng câu trả lời này là thiếu căn cứ. Là một người không chỉ nghe lỏm về lịch sử ngành ngoại giao cũng như đã từng tham dự những cuộc họp của các vị bộ trưởng và sĩ quan NATO, tôi cảm thấy bực bội trước những ý kiến thiếu căn cứ về vai trò của Mĩ. Hãng tin tức McClatchy đã nói rằng bộ trưởng quốc phòng lúc đó là ông Robert Gates, Lầu năm góc và chính tổng thống Obama đều rất không muốn bị lôi kéo vào một chiến nữa trong thế giới Arab. Rõ ràng là Pháp và Anh đã kêu gọi can thiệp, họ sợ rằng cuộc chiến kéo dài trong nhiều năm giữa phe đối lập và Gaddafi sẽ biến phe này trở thành cực đoan, dọn đường cho al-Qaeda và như vậy là sẽ sinh ra nhiều mối đe dọa mới đối với châu Âu. Tổng thống Pháp, ông Nicolas Sarkozy, đã bị một đòn đau, đấy là khi vị bộ trưởng quốc phòng của ông đề nghị đưa quân tới Tunisia để giúp Ben Ali (Alliot-Marie từng là khách của Ben Ali). Có khả năng là Sarkozy muốn khôi phục uy tín của Pháp trong thế giới Arab, mà cũng có thể là ông muốn thể hiện tính quyết đoán đối với quần chúng cử tri. Dù động cơ can thiệp của châu Âu có là gì đi nữa thì chính họ đã đóng vai trò quan trọng, còn chính quyền của tổng thống Obama Obama cũng chỉ có vai trò thứ yếu mà thôi (Thượng nghị sĩ John McCain đang rất cay cú vì chuyện này).
9. Gaddafi đã không giết hoặc bắt hàng ngàn ở Benghazi, Derna, al-Bayda và Tobruk nếu người ta để cho ông ta tiến hành cuộc chiến tranh chớp nhoáng vào tháng 3 nhằm chống lại các thành phố khởi loạn ở miền Đông.
Nhưng chúng ta đã thấy ông ta hành động như thế nào ở Zawiya, Tawargha, Misrata và nhiều nơi khác rồi. Những vụ pháo kích vô tội vạ hồi cuối tháng 4 vào Misrata giết chết từ 1000 đến 2000 người, những vụ bắn phá như thế còn tiếp tục suốt mùa hè. Ít nhất đã có một hố chôn tập thể, trong đó có 150 xác chết. Rồi chúng ta sẽ được nghe kể về những câu chuyện kinh hoàng ở Zawiya và những khu vực khác ở miền Tây. Phe đối lập nói rẳng quân đội của Gaddafi đã giết hại hàng chục ngàn người. Số liệu chính xác thì chưa có, nhưng chúng ta đã biết nhà độc tài này có thể làm được những chuyện gì rồi.
10. Cuộc chiến ở Libya là để tranh giành dầu mỏ.
Cực kì nhảm nhí. Libya đã tham gia thị trường dầu mỏ quốc tế từ lâu rồi, nước này đã kí cả ngàn hợp đồng với BP, ENI và các ông lớn khác. Không có công ty nào trong số đó muốn gây nguy hại cho những hợp đồng của mình bằng cách lật đổ nhà cầm quyền từng kí những hợp đồng như thế. Các công ty này đã phải chiến đấu quyết liệt nhằm giành những hợp đồng ở Iraq thời hậu chiến, nơi mà lợi nhuận của họ giảm sút nhiều lần so với những gì họ muốn. Trong thời gian chiến tranh lợi nhuận của ENI, cũng như của Total SA và Repsol đã sụt giảm. Ngoài ra, việc rút khỏi thị trường dầu mỏ của Libya – do sự can thiệp của NATO – đã làm giá dầu gia tăng, chẳng có nhà lãnh đạo phương Tây nào mong muốn điều đó, nhất là tổng thống Obama, vì giá dầu lên có thể làm cho tình trạng suy thái kinh tế kéo dài thêm. Có thể hiểu được những lí lẽ ủng hộ chủ nghĩa đế quốc, nhưng không có bằng chứng nào như thế cả và vì vậy mà phải coi nó là lí thuyết đầy âm mưu.
(Đăng lại từ nguồn http://www.vanchuongviet.org)