Hoàng Xuân Hãn : con người và chính trị
Nội các Việt Nam Đế quốc (từ trái qua) : Hoàng Xuân Hãn, Hồ Tá Khanh, Trịnh Đình Thảo, Trần Trọng Kim (bị micro che mặt), Vũ Ngọc Anh, Trần Văn Chương,…Ảnh: vietlandnews.net Nguyễn Ngọc Giao Tên tuổi Hoàng Xuân Hãn trước tiên gắn liền với sự nghiệp giáo dục (Truyền bá Quốc ngữ, ...
Nguyễn Ngọc Giao
Tên tuổi Hoàng Xuân Hãn trước tiên gắn liền với sự nghiệp giáo dục (Truyền bá Quốc ngữ, Danh từ Khoa học, Chương trình trung học) và văn hoá to lớn của ông. Hiểu biết và đánh giá công lao của ông trong các lãnh vực này, tuy có những tiểu dị và khác biệt do góc độ, nhưng nói chung, mọi người đều dễ đồng ý trên những nét lớn.
Về mặt chính trị thì khác hẳn. Hành động của ông (tham gia nội các Trần Trọng Kim năm 1945, phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hoà tại Hội nghị Đà Lạt năm 1946) và thái độ, lập trường, cũng như quan hệ của ông đối với các chính quyền (Việt Nam và ngoại quốc), thì có thể nói ý kiến mỗi người một khác. Đúng hơn : ý kiến của số đông thường đơn thuần dựa vào một định kiến tiên thiên, ít có căn cứ vào hiểu biết chính xác, tường tận. Nói cách khác : những đánh giá chính trị về nhân vật Hoàng Xuân Hãn cho ta hiểu về người đánh giá hơn là hiểu người được (hay bị) đánh giá.
Điều này cũng dễ hiểu : ông Hoàng Xuân Hãn sống gần như trọn vẹn thế kỷ 20, một thời kỳ mà đất nước Việt Nam trải qua những cuộc biến động quá to lớn và sâu sắc. Việc tham chính hai lần của ông quá ngắn ngủi (tổng cộng vài tháng), và suốt nửa thế kỷ tiếp theo, ông hầu như không hoạt động chính trị (và khi có hoạt động thì rất ít ai biết), gần như không phát biểu công khai chính kiến của mình. Nửa thế kỷ đó cũng là nửa thế kỷ quốc gia trải qua bao nhiêu thăng trầm, khi nhất trí đồng tâm tới mức hiếm có trong lịch sử dân tộc (và có lẽ, nhân loại) khi chia rẽ, hận thù, phân tán trong từng tế bào của mình là mỗi gia đình, làng xóm. Trong điều kiện ấy, mọi sự đánh giá chính trị đều tuỳ thuộc vào lập trường và hoàn cảnh. Trong cùng một chiến tuyến, sự đánh giá cũng rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Điều này rất rõ trong ca Hoàng Xuân Hãn : người chống Cộng thường coi tác giả La Sơn Phu Tử là thân Cộng, nhưng cũng có người tin rằng ông ghét Cộng (“ bằng chứng ” là từ năm 1975 đến nay, ông không hề về thăm Việt Nam) ; về phía chính quyền của Đảng cộng sản Việt Nam, sau ngày ông mất, chủ tịch Lê Đức Anh truy tặng huân chương Độc Lập hạng nhì, nêu công lao của ông về văn hoá, giáo dục, nhưng không đề cập tới khía cạnh chính trị, tác phẩm của ông chỉ mới được xuất bản hoặc in lại từ 10 năm trở lại đây, còn trước đó, có cuốn tiểu thuyết về đề tài Hà Nội 45-46 gọi ông là “ tên thân Nhật ”, lại có hồi ký của cán bộ minh giải điều đó.
Xét về mặt nào đó, vì kích thước chính trị không phải là kích thước chủ yếu của sự nghiệp Hoàng Xuân Hãn, nên sự đánh giá chính trị về ông, từ bất cứ đâu, cũng chẳng mấy quan trọng. Song đứng về mặt dân tộc, sự nhìn lại quá khứ một cách tỉnh táo, chân thực, việc gìn giữ ký ức tập thể lại hết sức cần thiết. Tìm hiểu thế đứng và hành trình chính trị của một nhà văn hoá, một trí thức như Hoàng Xuân Hãn, do đó, là một điều bổ ích và rất quan trọng.
Trong bài nhỏ này, tôi xin ghi lại đôi điều được biết về quan hệ chính trị của ông Hoàng Xuân Hãn, qua những lần được hỏi hoặc nghe chuyện ông, từ năm 1959 đến nay, chủ yếu tại Paris và Trouville (dã thự Cam Tuyền). Ngoài một, hai buổi phỏng vấn có ghi âm và ghi hình, tất cả đều là những cuộc đối thoại hoặc điện đàm không ghi chép, nên chủ yếu dựa vào trí nhớ. Tôi cố gắng trình bày một cách trung thực vì tôn trọng người đã khuất, song cũng như mọi chứng từ, những dòng dưới đây tất nhiên ít nhiều bị lăng kính chủ quan và hạn chế của bộ nhớ làm sai lệch. Vì khuôn khổ bài báo, tôi chỉ tập trung vào những điểm ít người biết, hoặc chưa hề được công bố.
Do đó, tôi xin không kể lại về Hội nghị Đà Lạt 1946 : tác giả đã viết hồi ký về sự kiện này. Chỉ xin mở ngoặc : tập sách này, do tạp chí Sử Địa xuất bản lần đầu ở miền Nam vào năm 1971, khi cuộc hoà đàm ở Paris đã kéo dài 3 năm mà vẫn chưa xong. Cũng như trong mọi tác phẩm của mình, tác giả bao giờ cũng viết chính xác và tuân thủ những tiêu chuẩn khoa học, nhưng ông thường gửi gấm tâm sự và tin rằng bản thân đề tài cuốn sách có thể nhắc nhở người đọc suy nghĩ về vận mệnh đất nước. Từ công trình đồ sộ La Sơn Phu Tử, cho đến bài báo nhỏ về Cố Điện viết cho Diễn Đàn, chúng ta có thể đọc được tâm trạng và những ký thác của tác giả. Trở lại tập hồi ký về Hội nghị Đà Lạt : theo tôi hiểu, nó đã có tác động đáng kể ở miền Nam trong bối cảnh 1971.
Về chính phủ Trần Trọng Kim, sau chứng từ của Bùi Trọng Liễu (Diễn Đàn số 52, xem thêm bài Nguyễn Trọng Nghĩa, số 51), tôi chỉ xin xác định mấy điểm chính :
– Nội các Trần Trọng Kim được thành lập và hoạt động mấy tháng trong bối cảnh Nhật đã đảo chính Pháp nhưng ở trong cái thế mà mọi người đều biết Nhật sẽ thua đồng minh. Có thể nói đây không phải là chính phủ của một nước độc lập (tuy hoàng đế Bảo Đại, sau ngày 9.3.45 đã tuyên bố độc lập), vì nó chỉ nắm quyền quyết định trong những lĩnh vực mà quân đội Nhật để cho nắm giữ. Nhưng không thể nào coi nó là một chính phủ tay sai của Nhật, do Nhật dựng nên, phục vụ chính sách của Nhật. Thành phần nội các Trần Trọng Kim không có những đảng phái thân Nhật mà quân đội Nhật đã sử dụng từ năm 1940 ở Việt Nam.
– Hoàng Xuân Hãn tham gia chính phủ này với một ý thức rõ rệt và tham gia một cách chủ động. Ông cho rằng trong khi chờ đợi ngày quân đồng minh (Mỹ) đổ bộ hay ngày Nhật đầu hàng, cần phải có một chính phủ Việt Nam, bắt đầu lo công việc chính quyền, để khi đồng minh tới, không vì cớ người Việt Nam chưa biết tự trị mà áp đặt một chế độ uỷ thác (như ở Liban, Syrie đầu năm 1945). Ông cũng đã giao ước với hoàng đế Bảo Đại là khi đồng minh tới, thì nội các sẽ từ nhiệm, và nhà vua nên mời các nhà cách mạng đứng ra cầm quyền. Tháng 8 năm 1945, việc này đã không diễn ra như dự tính, nhưng về phần ông và nội các Trần Trọng Kim đã làm đúng theo giao ước. Với ý thức rõ ràng như vậy, ông đã chủ động thúc đẩy cụ Trần Trọng Kim và cụ thể, cùng với ông Phan Anh, đã quán xuyến việc sắp xếp thành phần chính phủ.
– Trước khi ấy ông Hoàng Xuân Hãn có quan hệ gì với Việt Minh không ? Ông Nguyễn Tạo, một đảng viên cộng sản (lúc đó đã vượt ngục, và ở nhà ông Hãn ở Hoàng Mai, sau đó là cán bộ cấp cao ngành Công an), kể lại trong hồi ký Chúng tôi vượt ngục : khi nhận được điện của nhà vua mời vào Huế, ông Hãn đã hỏi ý kiến, ông Tạo liên lạc với cấp trên và trả lời là nên nhận ; sau đó, có ý kiến ngược lại, nhưng quá muộn, vì ông Hãn đã lên đường vào Huế. Tôi có dịp hỏi lại ông và ông cũng đã xác nhận điều này. Ngày nay, chúng ta đều biết năm 1945, đường lối của ĐCS và Việt Minh chưa đồng nhất trong cả nước, thậm chí ngay trong một tỉnh, chủ trương của Hồ Chí Minh, vào lúc đó, mới chỉ phổ biến từ Cao Bằng tới Thanh Hoá, và rất chậm trễ. Không phải chỉ có một trường hợp ông Hoàng Xuân Hãn : ông Trần Văn Giàu cũng khẳng định là lúc đó ở Sài Gòn, chính ông đã khuyên bác sĩ Hồ Tá Khanh nhận lời vào nội các Trần Trọng Kim (phỏng vấn ghi âm và ghi hình tại Paris, tháng 7.1989).
Về thái độ của ông Hoàng Xuân Hãn với đảng cộng sản và chính quyền cách mạng, tôi nghĩ nó được quy định bởi hai suy xét cơ bản : một là ông đánh giá rất lớn vai trò của ĐCS trong sự nghiệp độc lập và thống nhất Tổ quốc, hai là ông nghĩ rằng chính sách của ĐCS là không “ dung ” những người như ông. Chữ “ dung ” là chữ của những người bạn thân của ông (bạn học đồng hương) đã hoạt động cộng sản, gặp lại ông sau ngày khởi nghĩa tháng Tám 1945. Từ đó, ông hiểu rằng trong khuôn khổ một chính quyền cộng sản, sự đóng góp của ông vào công việc chính trị của đất nước, nếu có, thì sẽ rất hạn chế. Có lẽ chính suy xét thứ nhì này đã thúc đẩy ông thêm trong quyết định chọn lựa lãnh vực nghiên cứu sử học, văn học, văn hoá để cống hiến cho đất nước. Tôi nói thêm, vì đó vừa là sở trường, vừa là say mê bẩm sinh của ông, như mọi người có thể nhận ra.
Tôi muốn nói rõ thêm về suy xét thứ nhất : sự đánh giá của ông về công lao của ĐCS, và nhất là của chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn một lần, tôi được nghe ông tâm sự : “ Bây giờ lòng người còn phân tán, hận thù còn quá nhiều, nên sự đánh giá dễ lệch lạc. Nhưng với con mắt của người nghiên cứu lịch sử dân tộc, bác tin rằng vài chục năm nữa, có lẽ sớm hơn, người ta sẽ nhìn nhận công lao của cụ Hồ ”. Điều gì dẫn ông tới nhận định đó ? Tài “ thao lược ” của cụ Hồ trong thời kỳ sóng gió 45-46 chăng ? tất nhiên có một phần. Nhưng tôi có cảm tưởng có cả những điều rất cụ thể, và có cả những nhận định bao quát hơn. Cụ thể ? “ Cũng những anh thanh niên ấy, mà bác đã quan sát vì dạy họ học trong mấy năm, không tập hợp nhau được, hay tập hợp được thì cũng không làm nên việc gì, thế mà hôm trước hôm sau, họ thay đổi hẳn ”. Giữa hôm trước và hôm sau, xin hiểu : tháng 8.45. Tôi liên tưởng tới nhận xét của một viên tướng Nhật chỉ huy Đông Dương thời đó – nhận xét này, tôi vừa được anh Vĩnh Sính kể lại : “ những đôi mắt, những ánh mắt ” mà ông ta nhìn thấy trên các khuôn mặt Việt Nam trên con đường đi từ Hà Nội vào Sài Gòn ngay sau ngày Nhật hoàng tuyên hàng “ hoàn toàn khác hẳn”. Nhớ lại nhận xét ấy, tôi hiểu thêm những lời của ông Hoàng Xuân Hãn khi ông ôn lại những cố gắng liên tiếp, mà không thành, của các thế hệ cha ông, từ cuối thế kỷ 19, tìm đường giải phóng đất nước. “ Vì chưa bao giờ trong lịch sử của mình, dân ta phải đương đầu với một quốc gia xâm lược mà thế lực, trình độ phát triển, hơn hẳn ta đến như vậy ”.
Ở một thế đứng được quy định bởi hai dữ kiện cơ bản nói trên (vai trò của ĐCS trong sự nghiệp độc lập, và sự bất dung đối với trí thức), ông đã chọn địa hạt học thuật, song có thể nói, trong suốt 50 năm, từ 1946 cho đến khi từ trần, không bao giờ ông ngừng quan tâm tới việc nước, và trong những điều kiện nhất định, không nề hà làm những việc mà ông thấy cần, bất luận dư luận có thể đánh giá khác nhau thế nào. Điều này đã thể hiện rõ trong việc ông tham gia chính phủ Trần Trọng Kim. Nhưng ai chưa nắm rõ sự việc của thời này vẫn có thể hoài nghi : phải chăng đó là những luận cứ đưa ra sau khi hành động, để biện minh cho hành động ?
Ở đây, có thể kể lại một sự việc không mấy người biết, liên quan tới một phương án rốt cuộc đã không thành (nên không có gì phải biện minh). Tháng 5-1954, từ Roma (nghiên cứu lưu trữ của Vatican thế kỷ 16-17 về Việt Nam) Hoàng Xuân Hãn viết thư liên lạc với phái đoàn Phạm Văn Đồng (bằng… chữ nôm, xem bài Bùi Mộng Hùng, số 52), sau đó ông sang Genève gặp phái đoàn của chính phủ kháng chiến, theo dõi hội nghị và góp ý kiến với phái đoàn. Ý thức được nguy cơ đất nước bị chia cắt lâu dài, ông đề nghị giải pháp tập kết quân lực không theo một ranh giới vĩ tuyến cắt ngang lãnh thổ, mà vào từng vùng tập trung (sau này, loại giải pháp này sẽ được gọi là giải pháp da beo). Việc này không thành, một phần vì sức ép quốc tế (Liên Xô, Trung Quốc một bên, Mỹ, Anh, Pháp một bên), phần nữa vì thực lực và yêu cầu của lực lượng kháng chiến, “ anh em quá mệt mỏi, cần được nghỉ ngơi, chính phủ cần có một lãnh thổ ”. Vĩ tuyến 17 được vạch ra, ngày ấy cái tên Bến Hải hầu như chẳng mấy ai biết, ở Genève, đọc trên bản đồ, có người phát âm sông Bến Hói (chi tiết này, tôi theo lời kể của luật sư Trần Công Tường). Miền Nam sẽ ra sao ? Thống nhất thế nào ? Hai tuần trước đó, Mỹ đã áp đặt với Pháp nội các Ngô Đình Diệm. Nhưng có tin thủ tướng Mendès-France nhắm thành lập một nội các Trần Văn Hữu. Thật hư không rõ, nhưng ông Hữu cũng đã có mặt bên bờ hồ Léman. Gặp riêng hai ông Hoàng Xuân Hãn và Nguyễn Mạnh Hà, trưởng đoàn Phạm Văn Đồng đề nghị : “ Nếu Trần Văn Hữu lập nội các, tôi nghĩ hai anh phải tham gia. Giữa mình với nhau, thương lượng sẽ dễ ”.
*
Tháng 7.1954 tại Genève, trưởng đoàn chính phủ kháng chiến Phạm Văn Đồng đề nghị hai ông Hoàng Xuân Hãn và Nguyễn Mạnh Hà tham gia một nội các Trần Văn Hữu ở miền Nam nếu chính phủ Mendès-France thực hiện được ý đồ này, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ (lúc đó viện trợ Mỹ đã lên tới 80 % ngân sách chiến tranh Pháp ở Đông Dương, và Mỹ đã ép được Pháp đưa ông Ngô Đình Diệm về làm thủ tướng một tháng trước). Hai ông Hãn và Hà đã nhận lời. ông Hãn điện về Hà Nội để bà Hoàng Xuân Hãn sang Paris gấp – bà Hãn đã ra đi, bỏ lại tất cả gia sản – để cùng ông chuẩn bị về Nam.
Câu chuyện, như mọi người đều biết, không thành. Tôi thuật lại trước hết vì e rằng sự thoả thuận giữa ba ông Hãn, Hà và Đồng cách đây gần nửa thế kỷ ở Genève, sẽ chẳng còn ai biết, vì hai người đầu đã từ trần, còn ông Phạm Văn Đồng, không hiểu tuổi cao và sức khoẻ có cho phép ông viết (hay kể lại) hồi tưởng không, và nếu có, không rõ ông có muốn không. Nhưng điều chính tôi muốn nói là sự kiện 1954 cho ta hiểu rõ tấm lòng của người đã khuất. Thật vậy, trong cuộc phỏng vấn ông Hoàng Xuân Hãn năm 1989, khi nghe ông kể lại, chúng tôi mạo muội hỏi thẳng ông :
– Về Nam tham gia một chính phủ như vậy, ắt sẽ có người dị nghị, cũng như việc bác tham gia chính phủ Trần Trọng Kim 9 năm trước đó. Phải chăng khi quyết định tham gia chính trị, bác không tính tới việc dư luận hiểu hay không hiểu, mà chỉ xuất phát từ chỗ : việc ấy là cần thiết hay không cần thiết ?
– Đúng, cần thiết và khi có hiểm hoạ.
Hiểm hoạ trong tình hình 1954 là đất nước bị chia cắt lâu dài. Điều mà ông lo lắng, và đã sẵn sàng đứng ra ” làm chính trị ” góp phần ngăn chặn nó, chẳng may đã xảy ra, và kéo dài 21 năm, như mọi người còn nhớ. Hiểu điều ấy, người ta hiểu được niềm vui sâu đậm của ông năm 1975 khi công cuộc đấu tranh cho độc lập và thống nhất đã hoàn thành. Niềm vui ấy đã sớm nhường chỗ cho những quan tâm khác, chuyện này sẽ nói sau.
Ở đây, tôi xin trở lại thời kỳ kháng chiến lần thứ nhất để nói rõ thêm quan hệ của ông Hoàng Xuân Hãn đối với chính phủ kháng chiến.
Một câu hỏi đầu tiên chúng tôi đặt ra là : ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.46) tại sao ông ở lại Hà Nội ? Ông cho biết : chiều ngày 19, ông đi thăm một người bạn trên phố, rồi chiến sự bùng nổ, ông bị kẹt luôn trong thành.
Tất nhiên, sau đó, vẫn có thể rời thành ra vùng tự do : sự việc khách quan là ông vẫn ở lại Hà Nội. Tại sao ? Có thể đi tìm câu trả lời đích xác bằng hai cách. Một là suy luận từ thế đứng mà ông đã tự xác định từ thời điểm 45-46 đối với Đảng cộng sản Đông Dương và đối với cuộc đấu tranh vì độc lập chủ quyền. Ông có ra vùng kháng chiến, thì sự đóng góp của ông cũng sẽ bị hạn chế. Dẫu sao, suy luận từ chữ nếu thì dễ sa vào tư biện, ta có thể dùng cách thứ nhì : trong thực tế, ở lại Hà Nội, ông đã làm gì giúp nước ? Anh Bùi Mộng Hùng đã kể lại công phu của ông đi tìm từng cuốn sách, thậm chí từng tờ giấy bản hán nôm. Ở đây, không phải chỉ có sự say mê của nhà sử học, mà còn có ý thức rất sâu sắc về chút ít vốn quý của cha ông còn sót lại, thậm chí, sự linh cảm rằng, ít nhất trong một giai đoạn đầu của phong trào cách mạng, di sản văn hoá sẽ bị sàng lọc qua lăng kính của hệ tư tưởng, dễ làm mất đi, mãi mãi, những mảng lớn của di sản văn hoá. Năm năm ở Hà Nội, qua lời kể của ông đôi lần, tôi hiểu được ở ông sự khẩn trương sưu tầm, lưu trữ, dị khảo, hiệu đính những văn bản cổ, ” để sau này anh em về thành còn có cơ sở mà nghiên cứu nghiêm túc “. ở cái thời điểm ấy, trong không khí toàn quốc kháng chiến ấy, ông đã giữ được tầm nhìn xa và sâu như vậy, thì đó quả là một bài học để đám hậu sinh suy ngẫm.
Cũng trong thời kỳ ấy, ông làm việc trên các văn bản thế kỷ XIX để năm 1950, công bố Hà thành thất thủ và Hoàng Diệu. Công trình khoa học, nhưng thời điểm 1950 không phải ngẫu nhiên : đó là lúc chính quyền thực dân đẩy mạnh việc tranh thủ trí thức trong thành hợp tác với chế độ “Quốc gia Việt Nam” của cựu hoàng Bảo Đại ; qua những áng văn cổ đầy nhiệt huyết, ông muốn nhắc nhở đồng bào ở vùng bị chiếm, và đặc biệt giới trí thức, nghĩ tới quyền lợi của Tổ quốc.
Vừa kể trên là phần học thuật, cho dù lòng yêu nước và tôn trọng sự thật luôn luôn quyện vào nhau, kết thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời khoa học của Hoàng Xuân Hãn. Ở đây tôi muốn đặc biệt nói tới những việc làm âm thầm của ông để ủng hộ kháng chiến. Sự tình cờ của ngày 19.12.1946 khiến ông ở lại Hà Nội, và ông quyết định làm tại Hà Nội những việc có ích cho đất nước. Về phía chính phủ kháng chiến, sự có mặt của một nhân sĩ như ông Hoàng Xuân Hãn cũng là một điều thuận lợi. Kết quả của sự gặp nhau đó : hiệu thuốc của bà Hoàng Xuân Hãn trở thành nơi cung cấp thuốc men cho kháng chiến, nhà của ông bà ở Hoàng Mai là nơi đi về của người kháng chiến, nhiều lần là nơi chữa trị cho những chiến sĩ bị thương, những người kháng chiến bị tra tấn, đánh đập vừa ra tù… ông Hãn liên lạc bằng thư từ với đại tướng Võ Nguyên Giáp, cung cấp cho kháng chiến những tin tức và nhận định về tình hình. Mặt khác, nhà cầm quyền Pháp ở Hà Nội thừa biết thái độ của ông đối với chính phủ Hồ Chí Minh. Họ theo dõi, nhưng vì những lý do chính trị hiển nhiên, họ cũng chẳng dại gì dùng biện pháp mạnh đối với một nhân vật như ông, tuy đã hơn một lần, quan chức chính quyền Pháp thông báo là họ đã bắt được liên lạc viên đi lại nhà ông. Vả lại ít nhất trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến, một bộ phận chính quyền Pháp cũng còn muốn tìm kiếm một giải pháp hoà bình : chính phái bộ Alain Savary (đảng viên SFIO, sau này làm bộ trưởng giáo dục khi ông François Mitterrand thắng cử tổng thống) đã tìm gặp ông để nhờ ông bắt liên lạc với chính phủ kháng chiến.
Chiến tranh kéo dài và ngày càng khốc liệt, tình hình trong thành mỗi ngày càng căng. Hai sự việc xảy ra gần cùng một lúc dẫn tới việc năm 1951, ông rỏi Hà Nội sang Pháp. Một là, một hôm liên lạc viên của kháng chiến tới nhà trao cho ông một chứng minh thư, có dấu đỏ đàng hoàng, ” phong ” ông làm đại diện của kháng chiến lại Hà Nội. Đây chỉ có thể là hành động của một cấp trung gian, nhiệt tình nhiều nhưng không mấy kinh nghiệm nên không ý thức được những nguy hại có thể xảy ra nếu người liên lạc lọt lưới mật thám hay nếu mật thám đến khám nhà ông. Hai là, ông Nguyễn Hưu Trí, lúc đó là thủ hiến Bắc Phần, cho biết : trong chính quyền Bảo Đại, có cánh muốn bắt giam ông ; còn ông Trí sắp sửa bị cách chức, nên ông ta sẵn sàng ký giấy xuất ngoại cho ông. Trước tình thế ấy, ông Hoàng Xuân Hãn quyết định sang Pháp (bà còn ở lại Hà Nội cho đến năm 1954 như đã kể ở trên). Giấy tờ xuất ngoại của ông còn ghi lý do : sang Pháp tìm tài liệu nghiên cứu. Đó chỉ là cái cớ, nhưng trong trường hợp này, cái cớ lại phù hợp với sự thật. Từ đó cho đến ngày ông mất, 45 năm trường, ông đã dành phần lớn thời gian và gần trọn tâm trí cho học thuật.
Cố nhiên, tình hình và vận mệnh đất nước luôn luôn là mối quan tâm của ông. Ở trên, tôi đã nói tới niềm vui của ông đầu tháng 5 năm 1975 khi cuộc kháng chiến hoàn thành. Chính trong những ngày này, ông nhận lời tham gia việc hợp nhất Liên hiệp Việt kiều tại Pháp, Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp và các nhân sĩ thuộc lực lượng ba, tiến tới việc thành lập Hội người Việt Nam tại Pháp (tháng 4.1976), trong đó ông là một thành viên của Ban chủ tịch.
Niềm vui được thấy nước nhà độc lập thống nhất, chẳng mấy lúc, không còn nguyên khôi. Đầu tiên là chủ trương học tập cải tạo. Trong bài thơ chúc Tết năm 1977, ông đã nhẹ nhàng cảnh giới chính quyền. Bài thơ ấy, cũng như các bài thơ mừng Xuân những năm sau, ông không công bố, chỉ sao tặng trong vòng thân mật, với một biệt lệ, là tháng tư 1977, khi thủ tướng Phạm Văn Đồng sang Pháp, quốc khách của tổng thống Giscard d’Estaing : ông cũng đã trao tặng ông Đồng một bản, và nếu tôi hiểu không lầm, ông Đồng cũng đã tỏ ý hiểu thông điệp ý nhị ấy bằng phong cách riêng của ông.
Rồi cuộc cải tạo tư sản, rồi những đợt di tản. Và song song, cùng thời điểm, chiến tranh của Pol Pot, của Đặng Tiểu Bình. Một mặt, ông luôn luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên, dứt khoát ủng hộ cuộc chiến tranh tự vệ của Việt Nam, mặt khác, ông không bỏ lỡ những dịp bày tỏ ý kiến của mình về những sai trái ngày càng nghiêm trọng của chính quyền với những người ông đã quen từ nửa thế kỷ, cụ thể là hai ông Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp. Được biết, cuối hè năm ngoái, khi sức khoẻ còn cho phép ông còn chống gậy cuốc bộ từ nhà riêng ở thông lộ Théophile Gaulier tới đại sứ quán ở phố Boileau để gửi thư cho hai nhà lãnh đạo kể trên.
Một điều cần nói là liên quan tới việc nước, ông không bao giờ để cho việc riêng chi phối. Cuộc cải cách ruộng đất diễn ra, ông đã im lặng gánh chịu những tang tóc xảy đến cho người thân : cụ thân sinh của ông thoát khỏi tử thần vì người quen (và hình như có cả sự can thiệp của chính quyền trung ương) đã kịp thời đưa ra Hà Nội, nhưng hai người em của ông đã bị đấu tố và cuối cùng, đã bỏ mạng trên rú ở vùng Nghệ Tĩnh.
Song, bằng cách làm của mình, ông không nề hà nói lên ý kiến về công việc trọng đại của đất nước mỗi khi cần thiết. Tôi xin được phép kể vắn tắt hai sự việc mà tôi được trực tiếp chứng kiến vì có can dự. Tháng 1 năm 1990, anh em chúng tôi soạn bức tâm thư “gửi các vị lãnh đạo Việt Nam cùng đồng bào trong và ngoài nước về việc cải tổ hệ thống chính trị“. Tôi thưa chuyện với ông và được ông nhận lời ký tên vào tâm thư (cùng với ông, lần ấy, có ông Nguyễn Mạnh Hà, người bạn tri kỷ tuy rất khác tính của ông). Vài ngày sau, ông điện thoại cho tôi : ” Bác thấy bác không nên ký tên, mà nên viết một lá thư riêng cho các anh ấy hiểu “. Ông gọi tôi tới nhà để cho tôi đọc lá thư ông định gửi hai ông Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ. Lời thư súc tích, cô đọng, vài dòng là đủ nói lên ý chính của bức tâm thư nhiều trang viết tay, lại giải thích cho người nhận thư biết thiện ý của nhũng người ký tâm thư. Ít lâu sau, ông lại gọi dây nói để đọc cho tôi nghe bức điện hồi âm của hai nhà lãnh đạo, đại ý tiếp nhận xã giao, song cũng nói rõ họ hiểu ý và sẽ đối xử đúng với thiện ý của tâm thư. Thực tế sau đó diễn ra thế nào là chuyện khác, xin miễn kể ở đây. Điều cần nói là cho đến nhũng tháng cuối đời, ông luôn luôn tìm cách tạo ra một cuộc đối thoại thành khẩn giữa chính quyền và những người còn thiết tha với vận nước. Và đó là điều làm cho tôi xúc động mỗi lần nghĩ tới ông.
Lần thứ nhì ông nhận ký tên, là khi nhà văn Dương Thu Hương bị bắt giam, mùa xuân năm 1991. Lúc đó, tôi vắng mặt ở Parìs một tuần, không trực tiếp liên lạc với ông, nên không rõ ông đã cân nhắc ra sao trước khi quyết định ký tên công khai, thay vì viết thư riêng như lần trước. Về sau, cũng không có dịp hỏi lại, song nhiều lúc tôi tự hỏi phải chăng ông thấy với việc bắt giam chị Hương, nhà cầm quyền đã vượt lằn ranh rồi ? Tôi cũng không rõ mấy trăm chử ký đòi trả tự do cho nhà văn đã tác động như thế nào tới nhà cầm quyền, song tôi tin rằng chữ ký của ông đã góp phần quan trọng vào tác động ấy.
Từ đó đến nay, ông vẫn giữ quan hệ tốt với chính phủ Việt Nam, và ngược lại, nhà cầm quyền luôn tỏ thái độ trọng thị đối với ông. Song, như mọi người đều biết, ông rời Hà Nội từ năm 1951 mà không một lần về nước. Có thể năm 1975 ông sẵn sàng hồi hương, song lúc đó chính quyền e dè, nếu không nói là từ chối. Khoảng đầu thập niên 80, anh Lý Hải Châu (nhà xuất bản Văn Học) được ông đồng ý xuất bản cuốn Truyện Song Tinh, song cũng phải vất vả mấy năm mới được cấp trên bật đèn xanh. Nhũng năm gần đây, nhiều nhà xuất bản trong nước đã tái bản sách của ông mà chẳng có một dòng thư xin phép tác giả, thậm chí cũng chẳng gửi tặng tác giả một bản. Tình hình trong nước, dẫu sao, cũng đã đổi thay nhiều, đời sống vật chất cũng như tinh thần nhiều mặt đã thoải mái hơn hẳn trước. Mấy lần, khi sức khoẻ của ông còn tốt, tôi có hỏi ông về ý định về nước thăm nhà. Có lần, tôi mạnh bạo góp ý kiến với ông là ông nên về một chuyến. Một hôm, ông trả lỏi : “Chừng nào trong nước chưa có tự do tư tưởng thì bác không về” nên từ ấy tôi không hỏi lại nữa.
Đó là đôi điều tôi được biết về ông.
Nguồn bài đăng