18/06/2018, 16:02

Võ Trứ và cuộc khởi nghĩa ở Phú Yên

Trần Đình Thân Xưa và nay.- 2001.- Số 100 (Tháng 9 ) Võ Trứ sinh ra trong một gia đình nông dân thuộc làng Nhơn Ân huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ông có quan hệ với thầy chùa Đá Bạc (địa danh giáp ranh giữa huyện Phù Mỹ và Phù Cát thuộc tỉnh Bình Định) và lôi cuốn nhiều ...

110519trancaovan

Trần Đình Thân

Xưa và nay.- 2001.- Số 100 (Tháng 9)

Võ Trứ sinh ra trong một gia đình nông dân thuộc làng Nhơn Ân huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ông có quan hệ với thầy chùa Đá Bạc (địa danh giáp ranh giữa huyện Phù Mỹ và Phù Cát thuộc tỉnh Bình Định) và lôi cuốn nhiều người cùng theo tạo nên một cuộc khởi nghĩa lớn ở Phú Yên năm Mậu Tuất 1898. Có thể nói đây là cuộc khởi nghĩa mang màu sắc tôn giáo được tổ chức khá quy mô từ Bình Định đến Phú Yên do Võ Trứ cầm đầu. Có người cho rằng ông có dính líu với nghĩa quân của Mai Xuân Thưởng, có kẻ bảo ông là thầy chùa, có người lại bảo ông là thầy phù thuỷ. Tuy mỗi người nói một cách, nhưng xét ra trong ba việc ấy có lẽ ông đều làm cả.

Tại Trung Chánh (Bình Định) đã diễn ra cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai nhà ái quốc Trần Cao Vân và Võ Trứ. Từ cuộc gặp gỡ ấy đến các lần hội đàm sau, hai ông đã nhất trí với mục đích chung là khởi nghĩa lật đổ chế độ bảo hộ của thực dân Pháp.

Vào Phú Yên, Võ Trứ liền dùng ngay cái thuật sở trường của mình: từ những việc cho thuốc, phát bùa, nhương sao, giải hạn cho đến tống quái, trừ tà ông đều làm nốt, không bỏ sót một cơ hội, miễn là gây uy tín và lôi cuốn được quần chúng theo mình.

Ngoài công việc trên, ông còn bí mật liên lạc với các vị sư sãi ở các chùa khắp phủ, huyện, xã thôn mà ông có quen biết từ lâu hoặc mới giác ngộ để liên kết hoạt động. Phần lớn các vị tăng sư này trước đây đều có dính dáng ít nhiều với phong trào Cần Vương của Mai Xuân Thưởng, nay cải trang vào các chùa chiền để tránh sự lùng bắt của bọn thực dân và bè lũ tay sai, tuy tu hành song lòng họ còn đau xót cho vận nước và căm thù quân xâm lược.

Võ Trứ còn khéo vận dụng thuật phù pháp để chinh phục các sắc tộc thổ dân người Thượng du sống dọc theo dãy Trường Sơn thuộc các huyện Xuân Hòa, Đồng Xuân làm cho họ tôn kính và phục tùng ông như môn đồ kính phục sư phụ vậy.

Nhờ sự nỗ lực vận động của Võ Trứ, chẳng bao lâu hầu hết các chùa chiền ở phía Nam Bình Định và Bắc Phú Yên trở nên những trụ sở bí mật của đảng, các nhà sư trở thành những người tuyên truyền chống thực dân có hiệu quả, người ta quyên góp tiền bạc dồi dào vào chùa chiền để chuẩn bị đại sự. Mạng lưới hoạt động của Võ Trứ bành trướng một cách mau chóng khắp nơi mà vẫn giữ được bí mật, các quan cai trị địa phương không khám phá được.

Để hỗ trợ cho hoạt động cách mạng của Võ Trứ, cụ Trần Cao Vân cũng rời thành Bình Định, dọn nhà vào Phú Yên, ở trọ tại nhà một môn đồ thân tín thuộc huyện Đồng Xuân. Nhờ có sự cộng tác của Trần Cao Vân mới lôi cuốn được một số quần chúng đông đảo, có cả giới thân hào, nhân sĩ tham dự và phương pháp tuyên truyền hoạt động trở nên có đường lối, qui củ hơn.

Rằm tháng 7 năm Đinh Dậu (1897) nhằm ngày lễ Trung nguyên, thập phương tín đồ về các chùa đông đảo. Hai cụ Trần và Võ lợi dụng ngay cơ hội, triệu tập một cuộc họp bí mật tại ngôi chùa trên núi thuộc huyện Tuy An.

Cuộc họp này có mặt Trần Cao Vân, Võ Trứ, các nhà sư, các thân hào nhân sĩ ước khoảng 30 người, mục đích để xem xét lại việc tổ chức các hoạt động đã làm được. Đồng thời củng cố lại hệ thống tổ chức, nêu mệnh lệnh chung, phân công trách nhiệm công tác cho từng thành viên lập kế hoạch chuẩn bị, chờ thời cơ thuận tiện sẽ phát lệnh khởi nghĩa.

Sau cuộc họp ấy, các đảng viên có trách nhiệm lo mua sắm khí giới, lớp phân phát từng nhà, lớp cất giấu ở các chùa, ở các kho trong rừng thuộc huyện Đồng Xuân. Với đồng bào Thượng du, vận động họ thi đua chế tạo cung nỏ, vót nhiều tên nhọn. Các lò rèn khẩn trương rèn rựa, dao, giáo, mác.

Năm Mậu Tuất (1898), tỉnh Phú Yên bị thiên tai, dân chúng mùa màng mất sạch. Đói ăn, khổ cực, lại thêm nạn sưu thuế đến kì thu.

Lệnh quan trên truyền xuống, dân chúng không có tiền đóng thuế bị bọn cường hào cưỡng bức, bắt cả trâu bò, khiêng cả tủ, giường, mâm thau, nồi đồng, cả đến đồ thờ đem phát mãi để nộp. Người quá nghèo, không có gia sản thì bị đóng gông giải về huyện.

Người dân đã quá khổ đau. Cơm không đủ ăn, gia sản bị mất sạch do sưu thuế nặng nề. Họ vô cùng căm thù bọn tổng lí bất nhân, và chính sách bóc lột tàn nhẫn của chính quyền bảo hộ.

Trong lúc lòng dân sôi sục căm hờn, việc bí mật trong đảng lại cũng bị tiết lộ, bởi có người đã lén báo cáo với nhà cầm quyền. Võ Trứ vội vàng đến gặp cụ Trần Cao Vân bàn việc triệu tập một cuộc hội nghị bất thường để quyết định ngày khởi nghĩa.

Mặc dầu việc chuẩn bị lực lượng chưa thật chu đáo, nhưng tình thế không cho phép cụ Trần can ngăn Võ Trứ như lần trước bởi việc chuẩn bị đã mấy năm chỉ chờ có cơ hội này khi lòng dân đang căm phẫn sôi sục, sẵn sàng đứng lên chống lại bọn cường quyền; vả lại công việc bí mật của đảng đã bị tiết lộ, nếu không cử sự ngay cũng sẽ bị khủng bố nặng nề. Thà khởi nghĩa mà bị giặc đàn áp để gây lòng căm thù cho những cuộc cách mạng kế sau, còn hơn khoanh tay chờ kẻ địch đến hạ thủ.

Một đêm hè năm Mậu Tuất (1898), từ trên một khu rừng thuộc huyện Đồng Xuân kéo xuống tỉnh lỵ Phú Yên (lúc đó đóng ở Sông Cầu), dưới bóng cờ to tướng đề 4 chữ “Minh trai chủ tễ”. Ngồi trên mình ngựa, Võ Trứ đốc suất một đạo dân binh độ trăm người hùng dũng tiến bước.

Dẫn đầu đoàn là khoảng trăm người Thượng du với cung tên đầy đủ. Kế đó khoảng ba bốn trăm người Kinh cầm vũ khí bằng rựa, mác và mỗi người đều có đeo một lá bùa hộ mệnh (vì họ rất tin vào pháp thuật cao cường của Võ Trứ, đeo bùa ấy thì súng bắn không lủng, dao chém không đứt, nên tinh thần rất hăng). Võ Trứ đi giữa đoàn quân, hai bên tả hữu có cai vị sơn tăng điều khiển dân binh tiến tới.

Dọc theo lộ trình trên 10 km, các đồng đảng đều ứng chực sẵn, hô hào dân chúng gia nhập rất đông. Lúc gần đến Sông Cầu, đoàn dân binh đã lên tới trên một ngàn người, hăm hở xông tới…

Bên phía nhà cầm quyền, từ sau khi đàn áp xong các phong trào Cần Vương, bộ máy cai trị đã vững vàng, Pháp giao phó cho Nam triều trực tiếp điều khiển về hành chánh. Về quân sự thì Phú Yên là tỉnh nhỏ, Pháp chỉ để vài trăm tên lính tập một viên sĩ quan và vài viên quản, đội mà thôi. Bên phía Nam triều chỉ có một đội lính phòng thành vài chục người lo việc canh gác, giữ trật tự và chạy công văn.

Vài tháng trước có mật trình của viên tri huyện Sơn hoà Công sứ và Bố chính Phú Yên đã có tờ sứ mật cho các phủ huyện, tổng lý phải dò xét hành tung của Võ Trứ.

Trước ngày khởi sự lại có viên tri huyện Đồng Xuân là Lưu Tuấn đến trình Tỉnh là mấy ngày rày Võ Trứ tụ tập đồ đảng ở vùng rừng thuộc huyện Đồng Xuân, mưu toan nổi giặc. Được tin báo, viên Bố chính lập tức xuống toà sứ báo cho Công sứ Pháp và yêu cầu quân Bảo hộ đối phó.

Viên Công sứ Phú Yên bán tín bán nghi, tuy nhiên hắn vẫn lệnh cho viên quan một Pháp hay để đề phòng, cắt lính tuần tiễu. Các công sở bên Nam triều đêm ấy cửa đóng then cài, lính phòng thành canh giữ nghiêm ngặt. Tại toà sứ, lính đồn cũng đề phòng Công sứ Phú Yên, viên quan một có một tên thông ngôn đi kèm, mỗi người một ngựa dẫn theo mấy chục tên lính tập súng đạn đầy đủ, từ Sông Cầu theo đường quốc lộ hướng Tây Nam đi tuần tiễu dò xét tình hình.

Lúc qua khỏi dốc Găn, dốc Quýt vào khoảng 11 giờ đêm, cách tỉnh lỵ chừng 5 km, dưới bóng trăng lờ mờ, nhìn về phía phủ Tuy An thấy một đoàn người đen nghịt từ trên những đồi núi kéo xuống. Đoán là binh của Võ Trứ từ trên núi kéo xuống, viên sĩ quan Pháp lệnh cho lính tuần chuẩn bị đối phó. Võ Trứ đang giục ngựa chỉ huy dân binh xua tới, bỗng có tiếng súng từ phía trước đưa lại. Biết có quân địch đề phòng, Võ Trứ liền hạ lệnh bắn. Tức thì hàng trăm cây cung đồng thời bắn ra một lượt, tên bay như mưa, hàng ngàn dân binh hò reo vang dậy để trợ oai. Bên lính tuần cũng bắn trả lại ráo riết, tiếng người la, tiếng súng nổ vang động một phương trời như một cuộc hỗn chiến lớn.

Dân binh đương hăng hái xông tới, chẳng may bốn năm chiến sĩ người Thượng trúng đạn ngã gục tại trận, một người nữa bị thương rên la thảm thiết. Người thượng hoảng kinh kêu thét lên, cả bọn quay đầu lại bỏ chạy; cả đoàn dân binh trở nên rối loạn hàng ngũ, xô nhau mạnh ai nấy chạy. Võ Trứ và các sơn tăng không còn đốc thúc được nữa, đành phải rút lui vào rừng với mấy trăm đồ đảng, có vài tù trưởng và vài chục người thượng du trung thành. Võ Trứ cho người khiêng những kẻ bị thương, kéo rốc tàn binh vượt suối băng rừng rút về vị trí xuất phát. Đến nơi căn cứ địa, số đồ đảng tản lạc trong lúc hỗn loạn cũng lần lược chạy về kiểm điểm lại tất cả độ bốn năm trăm người Võ Trứ phân phối công việc, bố trí người đi dò nghe tin tức của địch để trù hoạch phương sách đối phó.

Số là khi thấy đoàn dân binh đang đổ xô tới như triều nước đang dâng, viên Công sứ Phú Yên ra lệnh bắn bổng lên trời mấy phát súng để doạ giải tán, không ngờ đoàn người càng tiến mạnh lại bắn tên ào ạt, túng thế bọn họ phải núp sau mình ngựa, lệnh cho lính tập nằm xuống bắn trả lại. Khi dân binh kẻ chết, người bị thương la rú, đoàn người mới giật mình lo sợ, không còn tin vào bùa phép chống súng đạn nữa, mới bỏ chạy tán loạn. Đội lính tuần nhờ địa thế eo dốc nên không thiệt hại gì nhiều. Dân binh tuy bỏ chạy nhưng lính tuần không dám đuổi theo, vì đường rừng núi quanh co hiểm trở lại thêm đang giữa ban đêm nên cũng lo rút về Sông Cầu canh gác cẩn thận.

Mấy ngày sau, viên sĩ quan Pháp dẫn trăm lính tập kéo lên bắn phá sào huyệt của Võ Trứ ở khu rừng cực Tây thuộc huyện Đồng Xuân.

Cuộc truy lùng bắn phá kéo dài mấy hôm, nhưng không thể tiêu diệt được lực lượng của Võ Trứ, bởi họ áp dụng chiến thuật du kích, ban ngày lẩn trốn nơi rừng sâu núi hiểm. Khi giặc rút, đến ban đêm họ mới hiện ra công tác, tập luyện. Kết cuộc quân Pháp phải dùng đến thuật hoả công. Ngọn lửa bốc lên gặp trời nắng mùa hè, cỏ cây khô cháy, nên chỉ trong hơn một ngày đêm là ba làng thuộc huyện Đồng Xuân đã hoá ra một đám tro tàn.

Sau đó là đến chuyện khủng bố lương dân, khám xét các chùa chiền, bắt bớ tù đày, khảo tra sư sãi. Trước tình trạng ấy các lực lượng nghĩa quân không đánh mà tự tan. Các sơn tăng, đạo sĩ ai thoát được thì chạy về thâm sơn cùng cốc ẩn mình. Võ Trứ cũng may lẩn trốn ở bản Thượng này, mai đến buôn Thượng khác. Trần Cao Vân bị sốt rét nằm vùi trước ngày cư sự, đồ đảng sợ liên luỵ đến vị tham mưu, nên đã đưa lên trốn ở động Bà Thiên để chữa trị. Võ Trứ tìm đến động Bà Thiên để thăm hỏi bệnh tình của cụ Trần, trình bày nỗi thống khổ của đồ đảng và dân chúng bị Pháp và bọn tay sai truy lùng đàn áp. Võ Trứ gởi gắm công việc nghĩa đảng cho cụ Trần và quyết định ra trình diện nhận hết trách nhiệm về phần mình để cứu vớt lương dân và đồng đội thoát khỏi cơn thảm khốc. Cụ Trần Cao Vân cầm tay Võ Trứ thốt lời vĩnh biệt: “Nay ông đã liều chết để cứu lấy đồ đảng, lương dân, tôi còn sống lại sau này cũng nguyện đem cái chết để đền nợ non sông!”, rồi gạt nước mắt mà tiễn biệt Võ Trứ./.

——–

0