18/06/2018, 16:02

Uy Minh Vương Lý Nhật Quang

Lý Nhật Quang- Hào hùng công trạng lúc sinh thời, rực rỡ uy danh khi hiển thánh Đền Quả Sơn, Nghệ An – thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang ThS Nguyễn Đăng Kiên Lý Nhật Quang, con trai thứ tám của vua Lý Thái Tổ – là nhân vật lịch sử đã có nhiều đóng góp lớn lao cho vùng đất Nghệ ...

Lý Nhật Quang- Hào hùng công trạng lúc sinh thời, rực rỡ uy danh khi hiển thánh

Đền Quả Sơn, Nghệ An – thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang

Đền Quả Sơn, Nghệ An – thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang

ThS Nguyễn Đăng Kiên

Lý Nhật Quang, con trai thứ tám của vua Lý Thái Tổ – là nhân vật lịch sử đã có nhiều đóng góp lớn lao cho vùng đất Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung. Một nhân vật lịch sử có nhiều công trạng như Lý Nhật Quang, đáng tiếc rằng chính sử lại ghi chép quá sơ lược so với dã sử, nguồn tài liệu văn hóa, văn học và các truyền thuyết dân gian. Điều này làm cho không ít người luôn băn khoăn và quan tâm về ông. Trong bài viết này, chúng tôi bàn đến vai trò, sự nghiệp, công lao của Lý Nhật Quang đã đóng góp cho đất nước lúc sinh thời, cũng như vị thế, tầm ảnh hưởng của Ngài với tư cách là một vị linh thần đền Quả Sơn trong tâm thức nhân dân Nghệ An và cả nước ngót gần một nghìn năm qua.

          Là một người với tư chất mẫn tiệp, văn võ song toàn, thông minh và đức độ, lại xuất thân từ dõng dõi hoàng tộc – dòng dõi triều Lý, nên Lý Nhật Quang có đủ các điều kiện từ thiên bẩm đến môi trường giáo dục để trở thành một con người đảm đương sứ mệnh “cứu nước cứu dân”.

          Từ năm 1039 đến năm 1055, tên tuổi của Lý Nhật Quang đã đi vào lịch sử, tâm thức nhân dân châu Nghệ An, châu Bố Chính (Quảng Bình ngày nay), vùng Bình Định của nước Chiêm Thành… về hình ảnh một vị anh hùng, một vị dũng tướng đầy oanh liệt trên chiến trận và một vị Tri châu luôn quan tâm đến đời sống, cái ăn cái mặc của nhân dân. Sau khi mất (1055), tên tuổi của ông lại càng đi vào lịch sử, huyền sử đầy sắc màu thần thánh của những vùng đất này: là một vị thần, một vị thành hoàng, một đại phúc thần của cả châu. Ngôi đền Quả Sơn thuộc xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An là nơi đặt ngai vị và di tượng thờ Ngài. Cuộc đời, sự nghiệp của Lý Nhật Quang trở thành một nhân vật bất tử “Sinh vi tướng, tử vi thần”([1]) hay “Sinh thời đỡ lệch cứu suy/ Quy tiên hiển thánh giải nguy hộ đời” (PGS. Hoàng Hữu Yên).

          Sau đây, chúng tôi sẽ đề cập đến hai vấn đề chính, đó là: Vai trò, sự nghiệp, công lao của Lý Nhật Quang lúc sinh thời; Vị thế, tầm ảnh hưởng của Ngài trong đời sống tinh thần, tâm linh của nhân dân qua nhiều thời đại.

          Thứ nhất là: Vai trò, sự nghiệp, công lao của Lý Nhật Quang lúc sinh thời:

          Năm 1039, sau khi được vua Lý Thái Tông (Lý Đức Chính – Phật Mã) cắt cử vào Nghệ An để giữ chức thu thuế, Lý Nhật Quang đã phát huy cao độ trách nhiệm của mình tại vùng đất này. Chính vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó, cộng với việc ông tiếp tế quân lương đầy đủ cho nhà vua trong lần chinh phạt Chiêm Thành, nên khi chiến thắng trở về, được vua Lý Thái Tông tin cẩn, ban cho tước “vương” và quyền “tiết việt” ([2]), được bổ nhiệm làm Tri châu Nghệ An (1041). Như vậy, chỉ trong vòng mấy năm ngắn ngủi, từ một vị quan giữ chức thu thuế của một châu, lại được phong lên làm một vị quan Tri châu – người đứng đầu của châu đó. Từ một tước “hầu” (Uy Minh hầu) rồi được ban quyền “tiết việt” lại tiếp tục được phong tước “vương” (Uy Minh vương). Tất cả, chứng tỏ rằng Lý Nhật Quang rất có tài, có năng lực đảm đương trọng trách được giao ở một vùng biên viễn, cơ mi (ki-mi – “ràng buộc lỏng lẻo”), phên dậu phía nam của quốc gia Đại Việt([1]) lúc bấy giờ.

          Trong vòng 16 năm ở châu Nghệ An (từ 1039 đến 1055)([2]), Lý Nhật Quang từng giữ hai chức vụ chính: chức thu thuế và chức tri châu. Hành trình 16 năm nhậm chức trên đất Nghệ An, với ông là một hành trình không mệt mỏi, không ngưng nghỉ cho lý tưởng giúp nước giúp dân. Nghệ An thời đó, từ một châu nghèo nàn biến loạn, sau 16 năm được Uy Minh vương Lý Nhật Quang ra sức xây dựng, dìu dắt nhân dân trở thành một châu phồn thịnh về kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, làm chỗ dựa cho Thăng Long, cho triều Lý và các triều đại về sau.

          Có được những thành quả ngoạn mục đó là chính bởi xuất phát từ tài năng và nghị lực của mình mà Lý Nhật Quang đã làm nên những công trạng lớn như:

          Khi trở thành một vị tri châu, Lý Nhật Quang đã bắt tay ngay vào việc: lập lại trật tự kỉ cương xã hội; giữ nghiêm phép nước; đề cao quản lý xã hội bằng bộ máy hành chính có hiệu lực (dựa vào bộ luật Hình Thư)([3]); góp công vào thắng lợi trong lần vua Thái Tông chinh phạt Chiêm Thành (1044).

          Lý Nhật Quang rất quan tâm đến đời sống của nhân dân và chăm lo phát triển kinh tế cho họ. Là một vị Tri châu vừa có tài mà lại vừa có tâm. Bằng đường lối chính trị vương đạo, thân dân, biết khoan thư sức dân, đề ra nhiều chính sách thiết thực, có lợi cho dân, biết quan tâm vỗ về họ, đó là cội rễ để Lý Nhật Quang sớm đi vào lòng dân xứ Nghệ.

          Về nông nghiệp: Ông chủ trương cho khai hoang lập ấp với quy mô lớn, đắp đê sông Lam, đào sông Đa Cái (thuộc Hưng Chính – Hưng Nguyên). Ông còn dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa…

          Về thủ công nghiệp: Ông hướng phát triển các nghề thủ công nghiệp để vừa phục vụ cho đời sống vừa phục vụ cho quốc phòng như: khai mỏ, luyện kim, nghề rèn, nghề mộc và đóng thuyền…

          Về thương nghiệp: (thời đó ít người nghĩ đến) (nhưng) chính ông đã cho mở nhiều chợ búa, bến sông, cửa biển. Hai loại tiền đồng là “Càn Phù Nguyên Bảo”“Minh Đạo Thông Bảo” đúc thời đó đã được dùng rộng rãi khắp châu Nghệ An phục vụ cho hoạt động thương nghiệp (bằng chứng tìm thấy tiền đồng rất nhiều nơi bởi nhà nghiên cứu tiền đồng cổ Đào Tam Tỉnh).

          Về quân sự – quốc phòng: Bên cạnh là một vị quan giữ chức thu thuế rồi trở thành một vị quan Tri châu – châu Nghệ An, có năng lực và được lòng dân ái mộ, thì Lý Nhật Quang còn là một vị tướng tài ba trên chiến trận đầy khói lửa đao binh. Ông xứng đáng là một nhân vật có tài về quân sự và chính trị. Ông đã biết vận dụng, kết 

hợp chặt chẽ bộ ba giữa xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng và đấu tranh ngoại giao (chiêu dụ giặc Lão Qua (Lào) đầu hàng và thu phục họ về phía mình).

          Minh chứng cho năng lực về quân sự, chính trị kể trên của Lý Nhật Quang đó là việc: ông đã có tầm nhìn rộng mang tính chiến lược khi quyết định mở các cảng biển dọc biển Thanh – Nghệ, mở các tuyến đường thượng đạo để vừa phát triển kinh tế, vừa củng cố quốc phòng. Hai con đường quan trọng được Lý Nhật Quang cho nhân dân mở dưới thời ông trị nhậm đó là: Đường thứ nhất: bắt đầu “từ Đô Lương qua Nghĩa Hành, Nghĩa Phúc, lên nông trường Sông Con, qua Thái Hòa (Nghĩa Đàn) rồi theo đường lên Bãi Chành để nối liền với con đường thượng đạo của Thanh Hóa ra Hoa Lư, Thăng Long”. Đường thứ hai: bắt đầu “từ Đô Lương qua Anh Sơn lên Cự Đồn thuộc phủ Trà Lân cũ tức thành Trà Long hay Thành Nam ở huyện Con Cuông hiện tại rồi qua Hội Nguyên lên Mường Mật ở Tương Dương và Kỳ Sơn đến giáp nước Lào”. Ông còn cho dân mở thêm tuyến đường từ Đô Lương vào tới Đèo Ngang.

          Lúc bấy giờ giặc Lão Qua (Lào) thường quẫy nhiễu ở biên giới phía Tây, Lý Nhật Quang phải thân chinh cầm quân dẹp giặc và thu về thắng lợi. Đồng thời, ông còn trực tiếp thống lĩnh thủy quân vào Bình Định dẹp loạn theo cầu viện của chúa Chiêm Thành.

          Uy lực của Lý Nhật Quang còn ảnh hưởng ra tận vùng Thanh Hóa. Ở đây, ông đã cho xây trại Bà Hòa với “thành cao, lũy sâu… chứa được ba, bốn vạn quân, kho tàng tiền lương đủ dùng ba năm. Ngoài ra ông còn đốc thúc nhân dân xây dựng thêm 50 kho thóc để sẵn sàng cung ứng cho nhu cầu quốc phòng”. Ông cho xây dựng đội quân Nghiêm Thắng thường trực bảo vệ phủ lỵ Bạch Đường (nơi ông làm việc). Dưới thời Lý Nhật Quang trị nhậm, đã có được một lực lượng quân sự mạnh nhờ áp dụng thực hiện tuyển binh theo luật vương triều và thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”. Ngoài ra, ông còn thiết lập nên các đội tuần binh, dân binh để canh phòng, giữ an ninh trong châu.

          Thời đó, biên giới phía Nam nước Đại Việt mới chỉ đến Đèo Ngang([1]). Để mở mang bờ cõi quốc gia, ông đã dùng ấn tín phủ dụ các tù trưởng, thu hút họ về phía mình, mở mang được “5 châu, 22 trại, 56 sách([2])làm cho bờ cõi phía Nam được yên ổn.

          Về văn hóa: Vào thời Lý, phật giáo rất thịnh hành và được coi là “quốc đạo”. Từ nhà vua cho đến các quan lại, các thái tử đều là Phật tử. Họ được nuôi dạy, trưởng thành trong môi trường giáo dục, văn hóa Phật giáo. Bởi vậy, bản thân Lý Nhật Quang cũng là một Phật tử. Sau khi vào Nghệ An nhậm chức, ông đã cho xây dựng nhiều chùa chiền để nhân dân được tụng kinh niệm Phật. Chỉ tính riêng trong phạm vi phủ lỵ Bạch Đường, đã có đến 8 ngôi chùa từ cỡ tiểu đến trung. Đó cũng là sự góp công không nhỏ trong lĩnh vực văn hóa xã hội và tinh thần của châu Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung mà Lý Nhật Quang đã làm được lúc bấy giờ.

Về giáo dục: Song song với việc chăm lo phát triển văn hóa tinh thần, Lý Nhật Quang còn chủ trương cho xây dựng nhiều trường học. Chính vì vậy, dưới thời ông trị nhậm có rất nhiều người thành danh, đỗ đạt cao.

          Việc chọn Bạch Đường làm phủ lỵ cho cả châu Nghệ An thời đó được các nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà địa lý đánh giá rất cao tầm nhìn “xuyên cả thời gian không gian”, sự hiểu biết uyên thâm của Lý Nhật Quang. Đây là vùng đất có nhiều ưu thế: vừa là nơi phong cảnh hữu tình hài hòa núi sông (núi Quả và sông Lam), mang giá trị về danh thắng; vừa là nơi trung tâm về địa lý, kinh tế, chính trị, quân sự; lại phù hợp về phong thủy, long mạch. Phủ lỵ Bạch Đường có tính ổn định cho nhiều thời đại về sau.

          Trên đây là những công lao của Lý Nhật Quang đã góp phần làm nên sự phồn thịnh cả về kinh tế, chính trị, quân sự và văn hóa cho châu Nghệ An bằng tài năng, nghị lực và đức độ của mình trong thời gian ông trị nhậm từ 1039 đến 1055.

          Thứ hai là: Vị thế, tầm ảnh hưởng của Lý Nhật Quang trong đời sống tinh thần, tâm linh của nhân dân qua nhiều thời đại:

          Nếu như khi còn sống, tên tuổi, công lao và những đóng góp của Lý Nhật Quang được gắn với toàn châu Nghệ An và một số địa phương khác([1]), đặc biệt là phủ lỵ Bạch Đường, được nhân dân biết đến và hết lòng ái mộ, thì khi ông mất, đền Quả Sơn lại là nơi để nhân dân thể hiện lòng thành kính, ngưỡng vọng và tri ân về công đức của ông. Lúc sinh thời, Uy Minh vương Lý Nhật Quang là một vị Tri châu có tài năng và đức độ, luôn quan tâm đến đời sống của nhân dân. Khi mất (hiển thánh), sự linh thiêng của Đức thánh Đền Quả lại là một chỗ dựa tinh thần và tâm linh không thể thiếu trong lòng dân qua nhiều thời đại.

          Nhân dân Nghệ An từ xưa đã có câu phương ngôn: “Nhất Cờn([2]), nhì Quả, tam Bạch Mã([3]), tứ Chiêu Trưng([4]). Thiết nghĩ “nhất” – “nhì” – “tam” – “tứ” ở đây không phải là những đối trọng được đem ra làm cự điểm để so sánh hơn thua. Đó chỉ là một lối nói cho thuận vần, cho dễ đọc và xuôi tai mà thôi.

          Bốn ngôi đền lớn nổi tiếng linh thiêng của xứ Nghệ – Tĩnh kể trên, được Nhà nước xây dựng và tổ chức tế tự, được coi là: “Anh châu đệ nhất từ”, “Anh linh đệ nhất từ”, “Chung cổ tối linh từ” (Đền linh thiêng vào bậc nhất) thì duy chỉ có Đức thánh Đền Quả được mệnh danh là: “Đại phúc thần của cả châu”. Điều đó chứng tỏ rằng đền Quả Sơn có một vị trí đặc biệt, xứng tầm với tên tuổi, công trạng mà Lý Nhật Quang đã đóng góp cho vùng đất Nghệ An cũng như sự hiển ứng linh thiêng của Ngài đối với đất nước, nhân dân ngót gần một nghìn năm lịch sử.

          Có lẽ xuất phát từ những bình diện đó nên ngày 12 tháng 2 năm 1999, đền Quả Sơn được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia

Dưới góc nhìn của lịch sử – văn hóa tâm linh, đền Quả Sơn được ghi lại với nhiều bình diện minh chứng cho uy danh, sự linh thiêng của Đức thánh Lý Nhật Quang:

           Xét về những chứng tích hiển ứng linh thiêng:

          [1] Vào thời Trần Thái Tông, niên hiệu Nguyên Phong (1225 – 1258), trong lần xuất quân đánh Chiêm Thành, vua cho thuyền chở kiệu Ngài đi tiên phong. Trận đó, quân nhà Trần thắng lớn. Sau khi khải hoàn, đền Quả Sơn được vua sắc phong “Uy Minh dũng liệt đại vương”.

          [2] Mùa đông năm Tân Hợi (1311), vua Trần Anh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành. Trong trận đánh ấy, ngự dinh của vua bị quân Chiêm Thành bao vây, đương lúc nguy cấp bỗng trời nổi giông tố, “một toán quân do một tướng, mình mặc áo giáp, đầu đội mũ trụ, uy nghi ngồi trên mình ngựa kéo đến. Tướng này tả xông hữu đột, khi đến trước đoàn quân Chiêm Thành, tướng này lấy mũ trụ ra, tự xưng: “Ta là Tam Tòa Đại vương đây!”. Quân Chiêm Thành nghe nói vậy, biết là Tam Tòa Lý Nhật Quang([1]), liền bỏ khí giới, quỳ xuống lạy. Khi ngẩng đầu lên không thấy Đại vương đâu nữa”. Vua Trần Anh Tông sắc phong cho đền Quả Sơn là: “Uy Minh dũng liệt hiển trung tá thánh phu hựu Đại vương”.

          [3] Khi hai phe phái Trịnh – Nguyễn phân tranh (1658 – 1661), quân Trịnh (Đàng Ngoài) thế lực yếu; quân Nguyễn (Đàng Trong) thế lực mạnh, chúng định tập kích tại đồn của Trịnh Căn đóng ở xã An Trường (Rú Quyết), huyện Châu Phúc, nay thuộc Tp.Vinh. Chúa Trịnh sai người về đền Quả cầu đảo, được Lý Nhật Quang giáng linh, truyền bảo: “có giặc từ phía Đông Thành, đưa thư thông với trại giặc, ta đã bắt sống giữ ở lưng núi. Các ngài mau mau giải đến cửa quân để tuyệt mọi âm mưu của chúng”. Sự việc quả ứng nghiệm như vậy. Sau chiến thắng, Chúa Trịnh cho khắc bia (ngày 20 tháng 4 năm Vĩnh Thọ thứ tư, tức 1661) để tưởng tôn Đức thánh Lý Nhật Quang, đồng thời miễn thuế vụ mùa và thuế binh bộ cho nhân dân xã Bạch Đường để tiện bề lo việc hương khói, hàng năm tế tự cho Đền Quả.

          [4] Vào đời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ bảy (1746), giặc biển vào quấy phá cửa Hội, quân trấn thủ Nghệ An đối phó không được, thiết đàn cầu tế Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, thế rồi “sấm sét nổi lên, cát bụi bay mù, thuyền bè bị đắm chìm, bọn giặc biển tan tác phải tháo chạy”. Tin ấy về đến kinh đô, vua cho người mang sắc phong vào đền Quả Sơn gia phong mĩ tự là: “Hiển linh hộ quốc Hồng Huân Đại vương”. Vào tháng 3 năm sau (1747), bọn “man dân” từ Quỳ Châu tràn xuống giết chóc, phá phách và đốt cháy hai thôn Tiên Nông, Tào Giang thuộc Bạch Đường cùng một số vùng khác của Truông Dong và Tân Kỳ. Nhân dân hoảng hốt vào Đền Quả cầu đảo Ngài, “tự nhiên sấm sét, bão tố nổi lên nhanh chóng, nghe rầm rầm ở trong núi. Bọn giặc ngờ rằng gặp phải phục binh, bèn lui quân về bến Suối (thuộc Tân Kỳ). Nhưng nước sông lại dâng to lên, làm cho quân giặc chết đuối không biết bao nhiêu mà kể”. Nhà vua lại truyền cho “ba xã thôn được dùng công điền, từ điền để làm ruộng tế. Lại miễn tô thuế, miễn các việc dung sưu, binh phân, hộ phân” cho xã Bạch Đường.

          Trên đây là những chứng tích tiêu biểu minh chứng cho sự hiển ứng linh thiêng của Đức thánh Đền Quả. Ngoài ra còn nhiều chứng tích khác nữa mà chúng tôi không thể đề cập hết. Qua đó chứng tỏ Đức thánh Lý Nhật Quang có một vị thế quan trọng đối với lịch sử, là chỗ dựa tâm linh của nhiều thời đại.  

          Xét về những chế độ mà đền Quả Sơn được các nhà cầm quyền đất nước của nhiều thời đại ưu ái quan tâm:

          [1] Vào thời Hậu Lê, nhà vua lệnh cho 7 làng trong xã Bạch Đường được miễn thuế má, miễn đi lính, phu phen tạp dịch để nhân dân chăm lo tạo lễ, tế tự Đền Quả. Đó là sự ưu ái, đồng thời là sự ủy thác rất lớn của triều đình đối với nhân dân Bạch Đường, với quan niệm “chăm lo, phụng sự chu đáo cho Đền Quả”. Các ngôi đền, ngôi chùa lớn của nước ta cũng chỉ được dăm ba chục mẫu ruộng hương hỏa hoặc một vài làng làm dân tạo lễ mà thôi. Song, có lẽ Đền Quả là ngôi đền duy nhất được 7 làng làm dân tạo lễ, với khoảng 15km2 đất đai dùng cho việc phụng sự đền.

          [2] Việc xây dựng đền được tiến hành sau khi Uy Minh vương hiển thánh. Mười lăm năm sau (1072), thái sư Lý Đạo Thành vào làm Tri châu Nghệ An, ông đã cho tôn tạo mở rộng đền. Vào đời Trần Thái Tông, Lê Thánh Tông sau thắng trận đều gia phong mĩ tự (sắc) và nâng cấp Đền Quả. Thời Lê, triều đình còn phái các vị thượng thư bộ lễ, quan ở thẩm hình viện về chỉ đạo trùng tu, xây dựng đền. Cuộc trùng tu miếu điện mà thư tịch cổ địa phương còn ghi lại được: “Năm Qu‎ý Dậu, niên hiệu Đức Long năm thứ năm (1663), văn tổ Nghị Vương (Trịnh Tráng) đã sai trùng tu miếu điện và tả hữu lang, vũ nghi môn, cả bảy tòa đều lợp ngói chạm rồng”. Nếu hình dung thì quy mô cấu trúc đền Quả Sơn ngày xưa còn lớn hơn cả đền Đô([1]) và Văn Miếu Quốc Tử Giám ngày nay.

          [3] Từ sau ngày đất nước thống nhất, đền Quả Sơn luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương cùng kết hợp với nhân dân quan tâm, tôn tạo, nâng cấp, cơi nới cũng như đẩy mạnh hoạt động lễ hội và tế tự. Năm 1999, Đền được Bộ VHTT & Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia. Từ 1990 đến nay, Đền đã nhiều lần được thông qua dự án quốc tế có cấp tỉnh đóng dấu về việc tôn tạo, nâng cấp, cơi nới. Cứ mỗi lần như vậy, diện mạo, quy mô Đền Quả lại được chỉnh trang và mở rộng thêm. Đặc biệt, năm 2009, cuộc họp diễn ra ở thành phố Vinh gồm các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, những người lãnh đạo từ cấp Trung ương đến địa phương cùng nhau thảo luận, tham mưu, bàn bạc để đi đến thống nhất hình thành dự án, lập duyệt hồ sơ tôn tạo, nâng cấp Đền Quả đúng với vị trí, quy mô, cấu trúc của ngôi đền cũ (trước 1952). Trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ bắt tay vào việc thi công phục dựng Đền Quả để xứng tầm là một ngôi đền lớn, uy linh của “một đại phúc thần của cả châu” vốn có trước khi bị thực dân Pháp ném bom tàn phá (1952).

          Xét về sự thống kê những ngôi đền thờ Uy Minh vương Lý Nhật Quang:  Thống kê sơ bộ thì từ Thanh Hóa vào Nghệ An và Hà Tĩnh đã có trên 50 ngôi đền được dựng lên đặt hiệu bụt thờ Ngài. Đặc biệt, có những đền cùng thờ nhiều vị thần nhưng Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được chọn làm vị thần chủ của đền. Riêng với đền Quả Sơn là nơi đặt ngai vị, di tượng thờ tự Ngài, được nhân dân trong vùng, khách thập phương về hành hương đủ các ngày, các dịp lễ trong năm. Ngoài ra còn phải kể đến đó là đền Tam Tòa ở cửa biển Thị Nại, huyện Tuy phước, tỉnh Bình Định là một trong số ngôi đền cổ có niên đại tương đương với đền Quả Sơn, được nhân dân nơi đây dựng lên sau khi Lý Nhật Quang mất nhằm tưởng tôn uy danh của Ngài.

          Có thể nói, số liệu thống kê sơ bộ trên cho thấy: “đây là một hiện tượng thờ cúng rất đáng chú ‎ý, trong các bậc đế vương hay trong hàng các danh tướng lương thần của triều đình (xưa tới nay) cũng đã mấy ai được như thế?”. Điều đó chứng tỏ Uy Minh vương Lý Nhật Quang có một vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh của những địa phương trên cũng như đối với nhân dân cả nước.

          Xét về các sắc phong, câu đối và đại tự của đền:

          Về các sắc phong: Vào đời Trần: vua Trần Thái Tông (1251 – 1258), sắc phong: “Uy Minh dũng liệt đại vương”; năm 1285, vua Trần Nhân Tông sắc phong: “Uy Minh dũng liệt hiển trung đại vương”; năm 1288, Vua sắc phong thêm: “Uy Minh dũng liệt hiển trung tá thánh đại vương”; năm 1311, vua Trần Anh Tông sắc phong: “Uy Minh dũng liệt hiển trung tá thánh phu hựu đại vương”. Vào đời Trịnh – Nguyễn phân tranh: chúa Trịnh Căn cho khắc bia suy tôn thần Đền Quả (ngày 20 tháng 4 năm 1661). Đồng thời miễn thuế vụ mùa và thuế binh bộ cho dân Bạch Đường để lo hương khói, tế tự cho đền. Vào đời Hậu Lê: năm 1746, vua Lê Hiển Tông sắc phong: “Hiển linh hộ quốc Hồng Huân Đại vương”. Vào đời Nguyễn: năm 1821, vua Minh Mạng sắc phong: “Hữu thánh Khuông quốc chi thần”; năm 1843, vua Thiệu Trị sắc phong: “Vệ chính Khuông quốc chi thần”; cùng năm ấy, vào tháng 10 lại sắc phong: “Vệ chính địch Quả khuông quốc chi thần”. Từ 1850 đến 1860, vua Tự Đức có 3 lần sắc phong: năm 1850 là “Khuông quốc tôn thần”; năm 1854 là “Nghệ An khuông quốc tôn thần”; năm 1860 là “Đặc chuẩn hứa kỳ y cựu phụng tử”. Năm 1886, vua Đồng Khánh sắc phong: “Đặc chuẩn hứa kỳ y cựu phụng tử, dực bảo trung lương, trung đẳng thần”. Năm 1914, vua Duy Tân sắc phong: “Đặc chuẩn y cựu phụng tự”. Năm 1917, vua Khải Định sắc phong: “Đoan túc dực bảo trung hưng tôn thần”.

          Những sắc phong trên của các đời vua thể hiện sự ngưỡng vọng về uy danh, công đức của Uy Minh vương Lý Nhật Quang đối với các triều đại cũng như nhân dân. Qua đó càng chứng tỏ thêm vai trò, vị thế, uy danh của Ngài đối với nhân dân đất nước thật lớn lao biết mấy.

          Về các câu đối, đại tự: Đền Quả Sơn có hai bức đại tự và một số câu đối khắc tại cột quyết của các tòa đền cùng tám câu đối sơn son thiếp vàng, hiện đang treo ở nội điện, thể hiện tầm quy mô, uy linh của đền. Chúng tôi xin dẫn ra một số câu tiêu 

biểu như: “Nam thiên Thánh tích” (Dấu tích Đức thánh tại trời Nam); “Anh linh vạn cổ” (Ngôi đền linh thiêng muôn thuở); “Danh tại sử thư, thần tại miếu/ Công ư bang quốc, đức ư dân” (Để tiếng ở sử sách, làm thần ở đền miếu/ Có công với đất nước, có đức với dân); “Xã tắc nguyên thần Hoàng Lý tử/ Hồng Lam cự Khổn Quả sơn thần” (Nguyên thần đứng đầu của xã tắc là con vua triều Lý/ Ngọn cờ Khổn của người đứng đầu tỉnh xứ Hồng Lam là thần núi Quả – ý muốn nói hoàng tử Lý Nhật Quang là người tiêu biểu nhất trong triều Lý (215 năm)). Hãy còn nhiều câu đối khác nữa thể hiện tầm quy mô, sự cổ kính của đền cũng như sự linh thiêng của Đức thánh Lý Nhật Quang mà chúng tôi không thể dẫn ra cho kỳ hết.

          Xét về vai trò, vị thế của Lý Nhật Quang với tư cách là một danh nhân lịch sử lớn của dân tộc, đất nước:

          Sử sách viết về Lý Nhật Quang tuy không nhiều nhưng rất trang trọng. Những cuốn như: An Nam chí lược (Lê Tắc); Đại Việt sử ký toàn thư (Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên); Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (Phan Huy Chú); Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn); Việt Nam sử lược (khuyết danh), Việt điện u linh (Lý Tế Xuyên)… đã viết những thông tin rất chính yếu về ông.

          Trong số các tài liệu chính sử kể trên, chúng tôi nhận thấy cuốn Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên (1329) và cuốn An Nam chí lược của Lê Tắc (1333) đã đánh giá rất cao vai trò, vị thế của Lý Nhật Quang đối với lịch sử. Với cuốn Việt điện u linh thì: khi xếp truyện, tác giả không theo thứ tự thời gian, thần nào công đức lớn hơn được tác giả xếp lên trên. Truyện “Uy Minh dũng liệt tá thánh phu hưu đại vương” được xếp đầu tiên, xếp cả trên các thần Long Đỗ, Tô Lịch, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… Với cuốn An Nam chí lược của Lê Tắc, có 19 quyển thì nhân vật Lý Nhật Quang được đề cập ở quyển thứ 15, phần nhân vật chí viết: “Danh nhân (Đại Việt) gồm 9 vị: Liên Hữu Phương, An Trung Vương, Uy Minh vương (Lý Nhật Quang), Lê Phụng Hiểu, Trần Lâm, Trần Toại, Trần Tấn, Lê Tần, Lê Văn Hưu”. Theo như sách An Nam chí lược đánh giá thì: cách đây ngót 700 năm, Lý Nhật Quang đã được coi là danh nhân Đại Việt!

          Bên cạnh đó, xét về bia kí, chúng ta còn thấy rằng: sau khi thắng giặc Minh, nhà Lê Sơ đã “khảo xét bách thần”, Uy Minh vương Lý Nhật Quang được xếp vào vị thần bậc nhất Đại Việt (xét tại thời điểm đó): “…Lê triều khóa bách thần, hiệu tại đệ nhất…”, (trích: bia ở An Trường, huyện Châu Phúc, (Tp.Vinh ngày nay)).

          Trong vấn đề này, điểm dừng chân của chúng tôi đang còn những khoảng lặng phân vân và thắc mắc. Đó chính là: nếu cách đây chừng 700 năm, lịch sử đã từng công nhận Lý Nhật Quang xứng đáng là một danh nhân lớn của Đại Việt, thì ngày nay, ở góc nhìn toàn cục, khi đánh giá, soi chiếu lại lịch sử, có nên chăng cần đưa vào hai chữ “vĩ đại” để Lý Nhật Quang trở thành một “danh nhân vĩ đại” cho xứng với tên tuổi, vai trò, vị thế cùng những công lao mà ông đã đóng góp cho dân tộc, đất nước.

          Lý Nhật Quang – một con người từ cõi sống đã đi vào cõi bất tử ngàn đời được nhân dân suy tôn, ngưỡng vọng. Một con người mà tài liệu chính sử xem như một 

nhân vật “kéo màn” trên “sân khấu lịch sử”, nhưng lại trở thành sinh động trong pho sử văn hóa, văn học và các truyền thuyết dân gian địa phương (Nghệ An). Nguồn tài liệu phong phú nhất đã đưa nhân vật lịch sử Lý Nhật Quang đi vào cõi bất tử chính là “lòng dân xứ Nghệ đối với Uy Minh vương lúc nào cũng đầy đặn, tôn thờ Vương gần ngàn năm nay”. Từ một vị quan Tri châu, một vị dũng tướng trên chiến trận đến một vị linh thần đầy uy danh của vùng đất Nghệ An, là một hành trình xuyên suốt, kéo dài từ điểm đầu triều Lý và đồng vọng mãi mãi cùng thời gian với tên gọi Lý Nhật Quang.

 Chú thích :

([1]) Lúc sống làm tướng (làm quan), lúc mất làm thần

([2])Tiết Việt: quyền được định đoạt chính sự tại châu Nghệ An mà không cần thông qua triều đình (‎ý nói triều đình rất tin tưởng Lý Nhật Quang khi ông đảm đương trọng trách Tri châu ở Nghệ An).

([3]) Năm 1054, Lý Thánh Tông sau khi lên ngôi, đổi Đại Cồ Việt thành quốc hiệu Đại Việt.

([4]) Nhiều công trình sử không xác định được năm sinh và năm mất của Lý Nhật Quang nên chúng tôi chỉ lấy thời gian ông làm quan từ 1039 đến 1055.

([5])Bộ luật Hình Thư: được vua Lý Thái Tông cho biên soạn vào năm Nhâm Ngọ (1042).

([6])Đèo Ngang: giáp ranh giữa Hà Tĩnh với Quảng Bình ngày nay

([7])“Sách”: tương đương với đơn vị hành chính hương – xã ngày nay

([8])  Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định

([9])Đền Cờn: thuộc địa phận làng Phương Cần, xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, thờ Hoàng hậu của vua Tông Đế Bính và hai nàng công chúa chạy trốn quân Nguyên, bị đắm thuyền mất ở cửa Cờn.

([10])Đền Bạch Mã: thuộc xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, thờ Phan Đà, dũng tướng có công giúp Lê Lợi, kháng chiến chống quân Minh ở thế kỷ thứ XV.

([11])Đền Chiêu Trưng: thuộc xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, thờ Chiêu Trưng vương Lê Khôi, vị tướng có công giúp Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh và trung hưng đất nước ở thế kỷ thứ XV.

([12]) Đền thờ Lý Nhật Quang đã được dựng ở dưới núi Tam Tòa – Bình Định (Tam Tòa Lý Nhật Quang) vào đời vua Lý Thánh Tông nên nhân dân Chiêm Thành khi nghe đến tên Ngài thì kinh hồn bạt vía.

([13]) Đền Đô: còn có tên là “Lý Bát Đế” hay đền Cổ Pháp,  thuộc xóm Thượng, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (cách Hà Nội gần 20 Km về phía Bắc). Ngôi đền này thờ tám vị vua nhà Lý. Đó là: Lý Thái Tổ (1009 – 1028); Lý Thái Tông (1028 – 1054); Lý Thánh Tông (1028 – 1072); Lý Nhân Tông (1072 – 1127); Lý Thần Tông (1128 – 1138); Lý Anh Tông (1138 – 1175); Lý Cao Tông (1175 – 1210); Lý Huệ Tông (1210 – 1224).                                                                                                                                                                                                         

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

  1. An Nam chí lược (1961), Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế, Nxb Thuận Hóa – Huế.
  2. Nguyễn Khắc Chấn (tháng 12, 2009), (dịch), Quả Sơn từ linh thần sự tích, Nxb Nghệ An.
  3. Phan Huy Chú (tập 1) (1960), Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Nxb Sử học – Hà Nội.
  4. Phan Huy Chú (tập 3) (1961), Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Nxb Sử học – Hà Nội.
  5. Đại Nam nhất thống chí (1970) (tập 2), Nxb KHXH – Hà Nội.
  6. Đại Nam nhất thống chí (1992) (tập 2), Nxb Thuận Hóa – Huế.
  7. Đại Việt sử ký toàn thư (toàn tập) (2009) Nxb Văn học – Hà Nội.
  8. Ninh Viết Giao (1993), Truyện kể dân gian xứ Nghệ (tập 1), Nxb Nghệ An.
  9. Ninh Viết Giao (2000), Tục thờ thần và thần tích Nghệ An, Sở Văn hóa Thông tin Nghệ An.
  10. Vũ Ngọc Khánh (chủ biên) (2009), Từ điển Văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin – Hà Nội.
  11. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (tập 1) (1998), Nxb GD – Hà Nội.
  12. Tổng tập Văn học dân gian người Việt, truyền thuyết dân gian người Việt (2004), tập 4, 5, Nxb KHXH.
  13. Viện Sử học và Ủy ban Nhân dân huyện Đô Lương (2003), Uy Minh Vương Lý Nhật Quang với Nghệ An, Nxb Hà Nội.
  14. Việt điện u linh – Sự tích các vương triều được dân lập đền thờ phụng (1972), Nxb Văn học, Hà Nội.
  15. Hoàng Hữu Yên (1998), Đền Quả Sơn, sự tích – đền miếu, lễ hội, Nxb Nghệ An.

Bài được tác giả gởi trực tiếp cho nghiencuulichsu

0