18/06/2018, 16:02

Chuyện người kế nhiệm Đức Đạt Lai Lạt Ma

Gyaincain Norbu – một cậu bé khác được Bắc Kinh chọn để làm hóa thân của Panchen Lama thay cho cậu bé bị bắt cóc Sinh vào tháng Sáu năm 1935, đức Đạt Lai Lạt Ma nay đã gần 80 tuổi và với thể lực hiện nay, nhiều người, kể cả các bác sĩ, tin là ngài sẽ sống thọ hơn 90 tuổi. Trong lễ kỷ niệm ...

Gyaincain Norbu – một cậu bé khác được Bắc Kinh chọn để làm hóa thân của Panchen Lama thay cho cậu bé bị bắt cóc

Gyaincain Norbu – một cậu bé khác được Bắc Kinh chọn để làm hóa thân của Panchen Lama thay cho cậu bé bị bắt cóc

Sinh vào tháng Sáu năm 1935, đức Đạt Lai Lạt Ma nay đã gần 80 tuổi và với thể lực hiện nay, nhiều người, kể cả các bác sĩ, tin là ngài sẽ sống thọ hơn 90 tuổi. Trong lễ kỷ niệm ngày khởi nghĩa của dân Tây Tạng tại Lhasa năm 1959, đức Đạt Lai Lạt Ma đọc bài diễn văn nhắc lại quyết định của mình là sẽ tự chấm dứt nhiệm vụ lãnh đạo chính trị. Ngài sẽ không làm Quốc trưởng Tây Tạng nữa. Và như vậy, Chính phủ Lưu vong cùng với Quốc hội Tây Tạng, do dân chúng bầu lên, sẽ là cơ chế lãnh đạo cộng đồng Tây Tạng ở trong và ngoài lãnh thổ Tây Tạng. 

Trong khi đương kim Thủ tướng Samdhong Rinpoche còn khẩn nài đức Đạt Lai Lạt Ma xét lại quyết định này thì Bắc Kinh cũng đã có phản ứng gay gắt, với ngôn từ vô lễ như mọi khi: “đức Đạt Lai Lạt Ma là “con sói đội lốt thầy tu” có ý đồ đánh lừa dư luận thế giới”, v.v…

Gần đây, qua nhiều lần khác nhau, ngài còn tuyên bố bốn ý nguyện khác.

Thứ nhất sẽ từ bỏ vai trò lãnh đạo chính trị, chuyển quyền cho Quốc hội và Nội các Tây Tạng do dân chúng bầu lên.

Thứ hai, còn từ bỏ vai trò lãnh đạo tôn giáo để chỉ còn là một nhà sư, như ngài thường nói và viết trong các thông điệp của mình.

Thứ ba, trước khi viên tịch, ngài sẽ yêu cầu nhân dân Tây Tạng ở trong và ngoài nước cùng cho biết ý kiến về thủ tục xác định người sẽ lãnh đạo Phật giáo. Tức là dù đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 còn tại thế, một vị cao tăng khác sẽ thay thế ngài.

Thứ tư, khi viên tịch, ngài sẽ đầu thai ở bên ngoài lãnh thổ Tây Tạng để tiếp tục hoằng pháp trên thế giới

Hóa thân của Đức Đạt Lai Đạt Ma

Gedhun-Choekyi-Nyima

Gedhun Choekyi Nyima – cậu bé bị bắt cóc vào chiều cùng ngày được Dalai Lama xác nhận là hóa thân của Panchen Lama (Ban Thiền Lạt Ma) đã qua đời năm 1989. Khi bị bắt cóc cậu được 6 tuổi.

Theo truyền thống đã có từ hơn sáu trăm năm, Phật tử Tây Tạng tin rằng đức Đạt Lai Lạt Ma là một hóa thân của Quán Tự tại Bồ tát mà chúng ta vẫn gọi là Quán Thế âm.

Vị Đạt Lai Lạt Ma Tenzin Gyastso ngày nay là hóa thân thứ 14 của một chuỗi dài các Đạt Lai Lạt Ma trong lịch sử Tây Tạng. Trong số này, cũng có người sinh ra tại Mông Cổ. Dân Tây Tạng nói chung coi đức Đạt Lai Lạt Ma là vị lãnh đạo Phật giáo đồng thời cũng là vị Quốc trưởng lãnh đạo quốc gia.

Năm 2008, sau khi đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố sẽ tu chính thủ tục đề cử vị lãnh đạo tinh thần và bản thân mình thì sẽ hóa thân bên ngoài lãnh thổ Tây Tạng, Bắc Kinh đã ra quyết định vào tháng Chín là Tây Tạng phải tôn trọng truyền thống… Phật giáo trong cách đề cử lãnh đạo tôn giáo. Và Bắc Kinh mới có quyền xác định ai là đức Đạt Lai Lạt Ma.

Diễn giải cho rõ, một chế độ vô thần đòi Phật giáo Tây Tạng phải tôn trọng truyền thống Phật giáo! Nghĩa là không cho phép dân Tây Tạng hay đức Đạt Lai Lạt Ma sửa đổi quy cách đề cử nằm ngoài khả năng kiểm soát của chế độ. Và riêng bản thân đức Đạt Lai Lạt Ma không có quyền… đổi hộ khẩu từ kiếp này qua kiếp khác, sang một nơi chốn mà Bắc Kinh vươn không tới!

Chuyện đấu trí giữa Phật pháp và Bắc Kinh có thể được thấy trước đó.

Năm 1989, đức Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 10 tên là Lobsang Trinley Lhundrub Chokyi Gyaltsen – nhân vật số hai của Tây Tạng – viên tịch tại Tây Tạng trong lãnh thổ Trung Quốc. Dưới sự lãnh đạo và xác định của đức Đạt Lai Lạt Ma, chư tăng Tây Tạng tìm ra hóa thân của đức Ban Thiền là Gedhun Choekyi Nyima, một cậu bé sinh năm 1989 tại Tây Tạng. Năm 1995, Bắc Kinh bắt cóc cậu bé này – và ngày nay còn giấu ở đâu hay đã thủ tiêu thì không ai biết – rồi chỉ định một cậu bé khác, sinh năm 1990, là đức Ban Thiền đời thứ 11. Nay là một đại biểu trong Hội nghị Hiệp thương Chính trị, cơ chế bình phong của Trung Quốc!

Gyaincain Norbu khi đã lớn và đã sẵn sàng cho các nhiệm vụ Bắc Kinh trao

Gyaincain Norbu khi đã lớn và đã sẵn sàng cho các nhiệm vụ Bắc Kinh trao

Đầu độc

Ngài Chadrel Jampa Trinley Rinpoche, vị hoà thượng lo việc tìm kiếm Đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 11, có thể đã qua đời, do bị các quan chức Trung Quốc đầu độc.

Từ năm 1995, Ngài đã bị Trung Quốc giam giữ. Ngài được Đức Đạt Lai Lạt Ma sai đến Tây Tạng và đã công nhận một cậu bé, tên là Gedhun Choekyi Nyima, là vị hóa thân của Đức Ban Thiền Lạt Ma, giám chức cao cấp hàng thứ nhì trong Phật giáo Tây Tạng. Sau khi bị bắt, Ngài bị kết án sáu năm lao động cưỡng bức và ba năm tù giam. Sau khi ra tù, Ngài đã bị quản thúc tại gia trên thực tế.

Chính phủ Tây Tạng lưu vong cũng đưa tin về cái chết của Ngài. Một tin nhắn âm thanh được gửi đến cho một trong các nguồn tin ở Lhasa, xác nhận Ngài bị chết do đầu độc.

Ngày 17-5-1995, Ngài Chadrel Jampa Trinley Rinpoche và Ngài Jangpa Chung-la đã bị bắt tại sân bay Thành Đô. Hai vị là Chủ tịch và Thư ký của Ủy ban tìm kiếm vị hóa thân của Đức Ban Thiền Lạt Ma, vị lãnh đạo cao cấp hàng thứ nhì trong Phật giáo Tây Tạng.

Họ đã buộc tội Ngài “gây nguy hiểm cho an ninh Nhà nước” và “làm rò rỉ bí mật quốc gia”. Sau hai năm lao động cưỡng bức, họ kết án Ngài sáu năm tù, rồi đến bốn năm tù khác.

Ngài Chung-la qua đời hồi tháng 11-2010. Ngài đã bị bệnh một thời gian, và đã bị từ chối sự chăm sóc y tế cần thiết khi bị quản thúc tại gia.

Khi một Đức Đạt Lai Lạt Ma qua đời, Đức Ban Thiền Lạt Ma có nhiệm vụ tìm kiếm vị luân hồi của Ngài. Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện nay, là Tenzin Gyatso, đã công nhận Gedhun Choekyi Nyima là Đức Ban Thiền Lạt Ma ngày 14-5-1995 nhờ hai Ngài Chadrel Jampa Trinley Rinpoche và Đức Jangpa Chung-la, mà Ngài đã giao nhiệm vụ. Vài ngày sau đó, cảnh sát Trung Quốc bắt cóc cậu bé sáu tuổi và gia đình của cậu. Nơi ở của họ vẫn chưa được biết.

Trung Quốc muốn can thiệp chọn người kế nhiệm Đức Đạt Lai Lạt Ma

Cựu chủ tịch khu tự trị Tây Tạng và cũng là đại biểu Quốc Hội Trung Quốc, Qiangba Puncog nói rằng quyết định cuối cùng về việc chọn người tái sinh của các vị Lạt Ma là thuộc về Bắc Kinh. Nói cách khác, nếu không có sự chuẩn y của chính quyền trung ương, việc tái sinh này sẽ bị coi là không có giá trị.

Theo truyền thống, việc tìm người tái sinh kế nhiệm các vị Lạt Ma là do chính các vị này tiến hành. Nhưng chính phủ Trung Quốc đòi quyền can thiệp vào việc này, cho rằng đã có một tiền lệ từ một vị hoàng đế Trung Hoa trước đây.

Việc chọn người kế nhiệm Đức Đạt Lai Lạt Ma là vấn đề hết sức nhạy cảm và có thể bùng nổ thành sự cố lớn, sau các vụ bạo động chống Trung Quốc tại Tây Tạng vào tháng 03/2008, dẫn đến việc Bắc Kinh gia tăng trấn áp và siết chặt an ninh ở vùng này.

Cho tới nay, chính quyền Trung Quốc vẫn tố cáo Đức Đạt Lai Lạt Ma là chủ trương Tây Tạng ly khai, chuyên xúi giục bạo loạn, nhưng Ngài đã bác bỏ điều này, khẳng định là chỉ muốn quê hương của Ngài được hưởng một quyền tự trị rộng rãi. Tại Tây Tạng, Ngài vẫn được đa số người dân tôn sùng. Nhưng nhiều chuyên gia về Tây Tạng nghĩ rằng Bắc Kinh đang chờ Đức Đạt Lai Lạt Ma qua đời, rồi sẽ chỉ định một vị lãnh tụ tinh thần mới cho Tây Tạng.

Việc chọn Lạt Ma tái sinh đã gây tranh cãi từ năm 1995, khi Bắc Kinh chọn bé trai Gyaincain Norbu làm Đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 11, tức là nhân vật cao cấp số hai của Phật giáo Tây Tạng, mặc dù  bản thân Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chọn một bé trai khác là Gedhun Choekyi Nyima làm Ban Thiền Lạt Ma. Ban Thiền Lạt Ma này đã mất tích từ nhiều năm nay và được cho là đang bị quản thúc tại gia. Hôm qua, chủ tịch khu tự trị Tây Tạng Padma Choling khẳng định là gia đình của Gedhun Choekyi Nyima vẫn sống thỏa mái ở Tây Tạng, chỉ có điều là họ không muốn bị quấy rầy.

Trong những ngày gần đây, Bắc Kinh đã tìm cách nâng cao vai trò của Ban Thiền Lạt Ma chính thức, năm nay là một thanh niên 20 tuổi, bằng cách bổ nhiệm người này làm phó chủ tịch Hội Phật Giáo Trung Quốc và đại biểu Chính Hiệp, cơ quan tham vấn cho Quốc Hội Trung Quốc.

Bài toán Tây Tạng đối với nhà cầm quyền Trung Quốc

Sau khi chiếm đóng một phần miền Đông của lãnh thổ Tây Tạng từ năm 1950, Trung Quốc đã tấn công phần đất còn lại vào năm 1959. Đợt tấn công đó dẫn đến cuộc tổng nổi dậy của dân Tây Tạng tại Thủ đô Lhasa vào ngày 10 Tháng Ba năm 1959. Một tuần sau, đức Đạt Lai Lạt Ma phải trốn khỏi Lhasa ngày 17 và sống lưu vong tại Ấn Độ từ đó cho đến nay, trong khi Tây Tạng trở thành một đặc khu hành chánh, “khu tự trị Tây Tạng” của Trung Quốc và những phần đất bị chiếm đóng trước đó thì bị sát nhập vào các tỉnh Thanh Hải hay Cam Túc. Dân Tây Tạng ở tại chỗ, chỉ còn sáu triệu, bị đồng hóa dần trong cộng đồng người Hán được di chuyển vào khu vực này ngày một đông hơn.

Ở bên ngoài, Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn là lãnh đạo tôn giáo và chính trị, đồng thời là vị cao tăng đã quảng bá Phật pháp ra toàn thế giới, với ảnh hưởng mở rộng chưa từng thấy trong lịch sử Phật giáo nhờ nhân cách và trí tuệ đặc biệt của ngài.

Năm 1963, đức Đạt Lai Lạt Ma cho ban hành một bản hiến pháp mới để tổ chức bầu cử ra một Quốc hội và Nội các đại diện cho cộng đồng Tây Tạng lưu vong. Với tư thế Quốc trưởng và lãnh đạo tôn giáo, ngài vẫn được coi là người lãnh đạo toàn dân Tây Tạng ở trong và ngoài nước. Từ năm 1969, ngài còn nói đến ý nguyện là tự chấm dứt vai trò chính trị để dân Tây Tạng đề cử lãnh đạo theo nguyên tắc dân chủ như các quốc gia tân tiến khác: ngài muốn hiện đại hoá Tây Tạng như hiện đại hóa Phật giáo.

Năm 1988, đức Đạt Lai Lạt Ma đưa ra chủ trương yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền tự trị của dân Tây Tạng và kêu gọi thế giới hãy cứu lấy tôn giáo và văn hoá Tây Tạng. Nghĩa là một nhượng bộ rất lớn khi chấp nhận Tây Tạng là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Ngài chỉ xin quyền tự trị và kêu gọi đấu tranh bất bạo động cho quyền tự trị ấy để tránh một vụ diệt chủng văn hoá và tôn giáo Tây Tạng.

Trong thành phần trí thức của Trung Quốc đã thấy xuất hiện một tầng lớp mới, có chủ trương ôn hoà và thực tiễn hơn về tôn giáo và chính trị đối với Tây Tạng: sự thật bên dưới là ngày càng có nhiều người Trung Quốc tìm đến và tin vào Phật giáo.

Trong tầng lớp này, một số học giả Trung Quốc đã bày tỏ ý kiến là Bắc Kinh nên trực tiếp nói chuyện với đức Đạt Lai Lạt Ma khi ngài còn tại thế để tìm giải pháp ổn thỏa và hòa bình. Là một quy chế tự trị đích thực cho Tây Tạng, nơi mà đức Đạt Lai Lạt Ma có thể trở về như một nhà sư.

Nhưng nhiều người lại cho rằng nhượng bộ như vậy càng khiến dân Tây Tạng đòi tiếp quyền độc lập đã bị tước đoạt từ năm 1959.

Khi Bắc Kinh chấp nhận cho Tây Tạng được tự trị, bên trong có thể là rủi ro tạo cơ hội cho phong trào độc lập của dân Tây Tạng và của nhiều sắc tộc khác ngay trong lãnh thổ Trung Quốc, từ Tân Cương lên tới Nội Mông. Sáu triệu người Tây Tạng là thiểu số thứ 10 trong số 55 sắc dân thiểu số khác, nhưng có ảnh hưởng mạnh hơn dân số vì uy tín quá lớn của đức Đạt Lai Lạt Ma. Kế tiếp, sắc tộc Duy Ngô Nhĩ (Uighurs) tại Tân Cương còn có hậu thuẫn của cả cộng đồng Hồi giáo tại Trung Á và nhiều nơi khác. Mà bên kia Nội Mông là Ngoại Mông, là Cộng hoà Mông Cổ thì nay đã là một quốc gia dân chủ, nơi mà người Mông Cổ đã thấy cuộc sống được cải thiện trong thực tế so với thời Xô viết làm dân Mông Cổ tại Trung Quốc thấy thèm thuồng. Ngần ấy vùng trái độn quân sự của Trung Quốc truyền thống đều có thể lung lay rung chuyển nên Bắc Kinh rất sợ.

Về ngoại giao, Chính phủ Lưu vong Tây Tạng lại nằm tại Ấn Độ, một quốc gia đang xem Trung Quốc là mối nguy cần đối phó và trong mục tiêu đó đang liên kết với Nhật Bản và Hoa Kỳ. Ngoài Ấn Độ, Hoa Kỳ cũng đang canh chừng Trung Quốc, và xưa kia đã từng yểm trợ các lực lương kháng chiến Tây Tạng. Ngày nay, ứng cử viên cử nhiều hy vọng trở thành Thủ tướng Tây Tạng lưu vong lại là một học giả của Đại học Harvard ở bên Mỹ! Bảo ông ta là khủng bố thì mấy ai tin?

Đâm ra, nhìn từ quan điểm bảo thủ và sợ sệt của Bắc Kinh, giải pháp ôn hoà của đức Đạt Lai Lạt Ma – mà nhiều người bên trong cũng đồng ý – vẫn là giải pháp có quá nhiều rủi ro!  

Bây giờ hoặc sau này mà có vu cáo những người đấu tranh Tây Tạng là quân khủng bố thì cũng chẳng giải quyết được nhiều bất ổn bên trong, cộng thêm bất ổn từ khu vực Tân Cương. Có khi các nhà lãnh đạo Trung Hoa đang thầm mong là đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ sống rất thọ, trong khi họ tìm ra một giải pháp an toàn hơn!

Hà Khánh tổng hợp

Nguồn tham khảo và trích dẫn:

– Bắc Kinh Và Đức Đạt Lai Lạt Ma

– Đức Ban Thiền Lạt Ma có lẽ qua đời vì đầu độc

– Trung Quốc muốn can thiệp chọn người kế nhiệm Đức Đạt Lai Lạt Ma

– Nước cờ cuối của Đức Dalai Lama

0