23/05/2018, 15:54

Giới thiệu về nghề trồng cây điều

Đừng nói chi đâu xa chỉ trước đây độ năm sáu mươi năm thôi, có lẽ tại nước ta chưa có mấy ai ôm ấp trong đầu một ý nghĩ là lập vườn trồng điều với qui mô rộng lớn, như cách lập vườn trồng các giống cây ăn trái khác, để lấy hột điều xuất khẩu như chúng ta đang làm hiện nay ! Vì rằng thuở ấy, tại ...

Đừng nói chi đâu xa chỉ trước đây độ năm sáu mươi năm thôi, có lẽ tại nước ta chưa có mấy ai ôm ấp trong đầu một ý nghĩ là lập vườn trồng điều với qui mô rộng lớn, như cách lập vườn trồng các giống cây ăn trái khác, để lấy hột điều xuất khẩu như chúng ta đang làm hiện nay !

Vì rằng thuở ấy, tại miền Nam “đất rộng người thưa”, người mình chỉ coi cây điều như một giống cây tạp, một giống cây “vô thưởng vô phạt” nên dù trồng nhiều cũng chẳng đem lại lợi ích gì.

Nếu có ai đó chịu khó ra công cuốc đất để trồng năm bảy cây, hoặc đôi ba chục gốc là cũng nhằm vào mục đích nhờ tán lá khá rộng của cây điều phủ xanh cho im đất để cỏ dại không còn cơ hội tốt ngoi lên được mà thôi.

Quả thật vậy, cây điều trồng được mươi năm tuổi thì trông nó chẳng khác gì một cây đại thụ: chiều cao lên đến cả chục thước, còn tán lá thì tỏa ra một khu vực rộng lớn choán đến ba bốn chục thước vuông! Nếu lạc vào vườn điều, chúng ta thấy nơi nào cũng ngập tràn bóng râm mát mẻ, và mặt đất cơ hồ không có một bụi cỏ nào, nhất là trong mùa nóng.

Người mình còn lợi dụng bộ rễ chắc khoẻ của cây điều cắm thật sâu vào lòng đất để chống việc xói mòn đất ở các triền đồi, hoặc ở thế đất nghiêng, dốc…

Và cũng chỉ trước đây năm sáu mươi năm thôi, trong vườn nhà, thường là cạnh bờ ao, dọc các mương rãnh, hoặc là những thẻo đất dư thừa ở cuối vườn, người mình mới trồng một ít cây điều để lấy bóng mát, đồng thời cũng để làm cảnh cho vui. Vì dù sao, những chùm trái đỏ đỏ, vàng vàng đung đưa ở đầu cành, tuy ăn chát ngắt nhưng cũng khiến mọi người nhìn thích mắt. Hơn nữa, trong những bữa cơm có món mắm đồng, khô nướng mà có vài lát điều kẹp vào ăn thay rau cũng cảm thấy ngon miệng hơn.

Khi điều chín, trái nào cũng no tròn bóng lưỡng với màu sắc tươi tắn gợi thèm. Thế nhưng, tuy nước điều biết chắc là có chứa nhiều Vitamine C thật, nhưng vì có chứa chất tanin nên có vị cháu ăn nhiều tưởng chừng bị khản cổ, muốn ho. Chính vì vậy, người nào thích lắm cùng chỉ ăn được vài ba trái là cùng. Điều chín rục đem xắt ra từng khoanh chấm với mắm ruốc cũng ngon miệng.

Do không ăn được nhiều, nên từ trước đến nay, đến mùa điều thì trái bị đổ đống ở gốc không ai buồn nhặt, mặc dầu ai nhìn cũng tiếc rẻ! Khi ăn trái điều, người ta còn ngại nếu để nước điều vấy vào quần áo thì tạo thành vết ố không cách nào giặt tẩy hết được!

Chỉ có bọn trẻ con là có cái thú nướng hột điều để lấy cái nhân bên trong mà ăn. Hột điều nướng chín thì thơm ngon gấp mấy lần hột đậu phộng. Thế nhưng, bị cha mẹ rầy la, vì chất ở lớp vỏ hột điều khi gặp lửa thì tỏa khói khắp nhà, lại thêm mùi khét lẹt đến sặc sụa!

Tuy từ lâu mọi người đều công nhận nhân hột điều sau khi rang hay nướng chín có hương vị thơm ngon và béo ngậy hơn đậu phộng rất nhiều, nhưng đâu ai có ý nghĩ coi đây là một nông sản quí, một cây lương thực mà trồng cả vạt, cả nương rộng lớn chừng đôi ba công đất, hoặc năm bảy mẫu để đến mùa lấy nhân hột mà ăn! Đâu ai biết được rằng hột điều có chất dinh dưỡng nhiều hơn cả thịt cá hay trứng, lại là món ăn lành cho người già và trẻ con? Rốt cuộc, thiên hạ vẫn trở lại với thói quen của mình là… tưng tiu cây đậu phộng và “ghẻ lạnh” với cây điều! Chuyện cây điều đối với người mình từ nửa thế kỷ trở về trước là thế đấy !

Nước mình trước đây chuyên về nông nghiệp, nhưng đa số nồng dân lại chỉ chú trọng đến việc chuyên canh cây lúa mà thôi. Các cây giống khác, kể cả cây ăn trái, người ta chỉ trồng số ít trong vườn, cũng nghĩ đến việc bán buôn, nhưng lại ít người nghĩ đến nguồn lợi to tát của nó mà trồng với diện tích qui mô rộng lớn !

Thời trước đâu ai biết rằng nguồn lợi từ vườn cây trái có thể gấp đôi gấp ba làm ruộng ! Trừ một số ít vùng như Hưng Yên trồng nhãn, Biên Hòa trồng bưởi, hoặc Bến Tre trồng dừa…mà địa danh nổi tiếng khiến người trong nước ai ai cung biết hàng trăm năm nay…

Giá như năm bảy chục năm trước, một số người nào đó có tài đoán biết trước được cây điều sẽ là một nông phẩm quí giá đứng sau hột lúa về mặt xuất khẩu của ta như hiện nay, thì có lẽ ngày nay, khắp vùng duyên hải nam Trung bộ, rồi vùng Tây nguyên đến khắp các tỉnh miền đông Nam bộ… nông dân mình đã trồng được những khu vườn điều bạt ngàn như ở Braxin, ở Ấn Độ, hằng năm đem lại cho đất nước một nguồn ngoại tệ lớn lao, do việc xuất khẩu hột điều đến các quốc gia trên thế giới !

Thì đó, ngày nay thực tế cho thấy đã có đến năm sáu chục quốc gia trồng điều xuất khẩu, nhung Việt Nam mình theo thông tin mới nhất cho thấy, sản ngạch xuất khẩu hột điều của mình cũng đứng vào hàng thứ ba, thứ tư, và còn hy vọng nhiều ở tương lai nữa…

Đất đai hoang hóa cằn cỗi không những trước đây trăm năm, mà ngay cả ngày nay gần như cũng vẫn còn y nguyên mênh mông như vậy. Vì đất quá xấu thì đâu trồng được loại cây gì ! Loại đất hoang hóa này duy chỉ có cây điều là thích hợp, vì điều là giống cây vừa chịu hạn giỏi, lại vừa không kén đất. Đó là chuyện đáng mừng cho nông gia mình khi trong tay có những khu đất rộng lớn mà nghèo nàn dinh dưỡng tưởng chừng như phải bỏ đi !

Nhiều tài liệu cho biết, xuất xứ của cây điều ở tận miền đông bắc nước Braxin (Nam Mỹ), nhưng xâm nhập vào nước ta bằng con đường nào, và vào thời nào thì chưa thấy một tài liệu nào đề cập đến.cay dieu

Có thuyết cho rằng cây điều có mặt tại nước ta khoảng hai thế kỷ nay, khỏi đầu là do các vi cổ đạo Cơ đốc giáo ngoại quốc đem vào “đàng trong” trồng thử. Có thuyết lại cho rằng do các chủ đồn điền người Pháp đem hột điều giống từ Ấn Độ, hay từ các nước thuộc địa của họ ở tận Châu Phi về trồng tại các đồn điền cao su, cà phê, chè của họ tại nước ta khoảng hơn trăm năm nay, cũng nhằm vào mục đích phủ xanh cho im đất trống, hạn chế hữu hiệu cỏ dại mọc tràn lan trong mùa mưa (?)… nhờ đó mà người mình mới có hột giống đem về vườn nhà ươm trồng, có lẽ do sự tò mò thôi thúc, vì dù sao đây cũng là giống cây trái lạ…có hột lận ra ngoài !

Gốc cây điều khởi thủy là ở Braxin, nhưng tại đây ba bốn trăm năm về trước, điều vẫn mọc hoang thành những khu rừng rậm bạt ngàn. Không người dân địa phương nào ở đây nghĩ rằng đây là kho lương thực quí giá mà ơn trên đã ưu ban cho họ! Họ quá coi thường cây điều, ngay trái và hột của nó cũng coi như là một thứ vô dụng, ngoài thân cây dùng làm củi chụm mà thôi !

Mãi đến vài trăm năm trở lại đây, người ta mới làm quen dần với hương vị của trái, nhất là biết thưởng thức sự bùi béo của nhân hột điều, nên mới công nhận nó là loại cây lương thực có ích, vì nuôi sống được con người,

Từ đó, dân Braxin mới biết quí hóa cây điều, mới bắt đầu lập vườn trồng trọt. Nhất là sau ngày họ tìm được thị trường xuất khẩu béo bở ở Mỹ và một số nước khác.

Người Mỹ nói riêng và nhiều dân tộc phương Tây nói chung, họ có thói quen thích ăn hột điều như thích ăn hột hạnh nhân vậy. Đại khái như người mình thích ăn đậu phộng rang.

Và cũng non vài trăm năm trở lại đây, cây điều được đem trồng với số lượng lớn tại nhiều nước ở Đông Phi, ở Ấn Độ và nhiều quốc gia thuộc châu Á, nơi có khí hậu thích hợp với sự sinh trưởng của cây điều

Tại nước ta, cây điều tuy đã được trồng từ lâu, nhưng trồng qui mô để sản xuất thì quả là sinh sau đẻ muộn so với nhiều quốc gia khác. Nó mới bắt đầu vươn lên đỉnh cao từ ba bốn mươi năm trở lại đây thôi.

Theo chỗ chúng tôi được biết, vào đầu thập niên năm mươi của thế kỷ XX, tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Biên Hòa, Long Khánh…đã thấy xuất hiện nhiều vườn điều khá lớn, từ vài ba công đất đến hàng mẫu đất trở lên. Vì những nông gia có đầu óc tiến bộ thời đó đã bắt đầu tìm được “đầu ra” cho hột điều: họ bán hột thô cho các lò bánh kẹo trong nước, mà thuở đó hầu hết đều do người Hoa làm chủ.

Bánh và kẹo hột điều ban đầu còn ít nhiều xa lạ đối với người mình, nhưng sau ăn quen nên ai cũng thích, mặc dầu giá bán có cao hơn giá bánh kẹo làm bằng đậu phộng.

Từ đó cây điều mới được nông dân khắp noi trồng nhiều, mới có cơ hội tốt để phát triển mạnh.

Nhưng, trước năm 1975, hình như thị trường xuất khẩu hột điều của ta không có. Chỉ đến năm 1976, 1977 trở đi, hột điều mới có thị trường tiêu thụ ở nước ngoài : gần là các nước vùng đông nam Á, còn xa là các nước Nhật, Úc, Canada và Mỹ.

Đây được coi là tín hiệu đáng mừng giúp cho nhà nông vững tin vào sự sống còn của cây điều để hăng hái mở rộng diện tích trồng trọt rộng lớn hơn nữa.

Cây điều có tên khoa học là Anacardium Occidentale L. Thuộc họ Đào lộn hột Anacardiaceae. Ở Trung và Bắc bộ nước ta, người ta gọi điều là đào lộn hột, còn đa số người dân Nam bộ thì gọi là cây điều.qua dieu

Với sự phân tích của nhà khoa học thì phần thịt phình to ra trông mơn mởn ngon lành mà mình gọi là trái điều, thì đó là…trái giả, do cuống của trái phình to mà thành. Còn phần trái thật của điều chính là cái hột màu xám hình cái cật, mà mình quen gọi là hột.

Nông dân vốn tâm hồn chất phác, hễ thấy sao gọi vậy nên họ tin ngược lại: cái phần thịt phình to no tròn bóng lưỡng, ăn có mùi thơm vị ngọt thì họ gọi là trái điều, và phần kia là hột điều. Hột nằm ngoài trái, nên gọi là đào lộn hột cũng là điều hợp lý…

Sở dĩ người ta gọi đó là hột điều vì cấu trúc bên ngoài là vỏ bọc cứng màu xanh xám, bên trong là phần vỏ lụa, và trong cùng chính là nhân điều.

Một lý do chính đáng nữa để gọi đó là hột điều vì nhân hột chính là hai lá mầm tích chứa nhiều chất bổ, nếu đem gieo trồng thì đó là phôi của cây điều con. Vì vậy cái tên đào lộn hột dành cho cây điều thiết nghĩ cũng không sai nghĩa!

Do nước ta chưa có nơi nào thiết lập nhà máy chế biến trái điều thành giấm, thành rượu hay nước giải khát, nên số lượng trái hàng năm…có thể chất cao như núi bị loại bỏ thật đáng tiếc. Người mình hiện nay trồng điều chỉ nhắm vào việc khai thác hột điều, nên đến mùa thu hoạch chỉ giữ lại phần hột để bán ra thị trường, còn phần trái ăn được thì chẳng mấy ai dùng đến.

Các gian hàng rau sống ở chợ thỉnh thoảng mới bày ra bán một vài rổ nhỏ, vì ít có bà nội trợ chịu mua. Nhà vườn, sau khi hái trái xuống chỉ vặt lấy hột còn trái thì vun đống đổ đi, vì họ không biết dùng vào việc gì cho ích lợi cả.

Kể ra đó là một sự lãng phí quá lớn, vì gần thế kỷ nay ở nhiều nước trên thế giới, phần trái điều được khai thác triệt để, nào chế biến để ăn tươi hay đóng hộp…sau khi khử hết chất tanin chát gắt.

Ngày nay thỉ ai cũng biết cây điều là một nông sản quí, và nếu sẵn đất đai thì ai cũng muốn trồng. Có điều trồng điều có khó hay không ? Có “dễ ăn” hay không ? Tại sao có vườn năm nào cũng thu hoạch được nhiều, mà có lắm nơi gần như năm nào cũng bị thất mùa khiến chủ vườn phải than thở ?

0