25/05/2018, 17:55

Giới thiệu một số mô hình franchise (nhượng quyền thương hiệu) phổ biến

1. Giới thiệu về franchise. Từ Franchise có nguồn gốc từ tiếng Pháp là “franc” có nghĩa là “free” - tự do. Franchise là một phương thức nhân rộng thương hiệu, nhân rộng mô hình kinh doanh có xuất xứ từ Châu Âu cách đây cả trăm năm nhưng lại phát triển mạnh nhất tại ...

1. Giới thiệu về franchise.

Từ Franchise có nguồn gốc từ tiếng Pháp là “franc” có nghĩa là “free” - tự do. Franchise là một phương thức nhân rộng thương hiệu, nhân rộng mô hình kinh doanh có xuất xứ từ Châu Âu cách đây cả trăm năm nhưng lại phát triển mạnh nhất tại Mỹ.  Theo định nghĩa trong cuốn sách từ điển Anh - Việt của Viện Ngôn ngữ học thì franchise có nghĩa là nhượng quyền kinh doanh hay cho phép ai đó chính thức được bán hàng hóa hay dịch vụ của một công ty ở một khu vực cụ thể nào đó.

Còn theo định nghĩa của từ điển Webster thì franchise là một đặc quyền được trao cho một người hay một nhóm người để phân phối hay bán sản phẩm của chủ thương hiệu. Nói khác hơn thì franchise là một phương thức tiếp thị và phân phối một sản phẩm hay dịch vụ dựa trên mối quan hệ giữa hai đối tác; một bên gọi là franchisor (bên nhượng quyền hay chủ thương hiệu) và một bên gọi là franchisee (bên được nhượng quyền hay mua franchise). Hai bên đối tác này sẽ ký một hợp đồng, gọi là hợp đồng franchise.

Franchise là một phương thức nhân rộng thương hiệu,

 nhân rộng mô hình kinh doanh có xuất xứ từ Châu Âu 

Do đó cũng có định nghĩa cho rằng franchise là một loại hợp đồng, thỏa thuận giữa hai bên, có thể bằng văn viết hay văn nói Theo Hội đồng Thương mại Liên Bang Hoa kỳ (Federal Trade Commission) định nghĩa franchise như sau: “Franchise là một hợp đồng hay một thỏa thuận giữa ít nhất hai người, trong đó: Người mua franchise được cấp quyền bán hay phân phối sản phẩm, dịch vụ theo cùng một kế hoạch hay hệ thống tiếp thị của người chủ thương hiệu.

Hoạt động kinh doanh của người mua franchise phải triệt để tuân theo kế hoạch hay hệ thống tiếp thị này gắn liền với nhãn hiệu, thương hiệu, biểu tượng, khẩu hiệu, tiêu chí, quảng cáo và những biểu tượng thương mại khác của chủ thương hiệu. Người mua franchise phải trả một khoản phí, trực tiếp hay gián tiếp, gọi là phí franchise”.

Dù có khá nhiều định nghĩa khác nhau về thuật ngữ franchise nhưng nói chung hình thức kinh doanh franchise vẫn thường nằm một trong hai loại điển hình sau đây: Nhượng quyền phân phối sản phẩm (product distribution franchise) hoặc nhượng quyền sử dụng công thức kinh doanh (business format franchise).

Đối với hình thức nhượng quyền phân phối sản phẩm, bên mua franchise thường không nhận được sự hỗ trợ đáng kể nào từ phía chủ thương hiệu ngoại trừ việc được phép sử dụng tên nhãn hiệu (trade mark), thương hiệu (trade name), biểu tượng (logo), khẩu hiệu (slogan), và phân phối sản phẩm hay dịch vụ của bên chủ thương hiệu trong một phạm vi khu vực và thời gian nhất định. Điều này có nghĩa là bên mua franchise sẽ quản lý điều hành cửa hàng nhượng quyền của mình khá độc lập, ít bị ràng buộc nhiều bởi những quy định từ phía chủ thương hiệu. Bên mua franchise trong trường hợp này có thể chế biến cung cách phục vụ và kinh doanh theo ý của mình. Hình thức nhượng quyền này tương tự với kinh doanh cấp phép (licensing) mà trong đó chủ thương hiệu quan tâm nhiều đến việc phân phối sản phẩm của mình và không quan tâm đến hoạt động hàng ngày hay tiêu chuẩn hình thức của cửa hàng nhượng quyền. Do đó, mối quan hệ giữa chủ thương hiệu và người mua franchise là mối quan hệ nhà cung cấp và nhà phân phối và phổ biến nhất tại phương Tây là các trạm xăng dầu, các đại lý bán ô tô và các công ty sản xuất nước giải khát Coca-cola hay Pepsi.

Đối với hình thức nhượng quyền sử dụng công thức kinh doanh mà có thể gọi tắt là nhượng quyền kinh doanh thì hợp đồng nhượng quyền bao gồm thêm việc chuyển giao kỹ thuật kinh doanh và công thức điều hành quản lý. Các chuẩn mực của mô hình kinh doanh phải tuyệt đối được giữ đúng. Mối liên hệ và hợp tác giữa bên bán và bên mua franchise phải rất chặt chẽ và liên tục, và đây cũng là hình thức nhượng quyền phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay.

Bên mua franchise thường phải trả một khoản phí cho bên bán franchise, có thể là một khoản phí trọn gói một lần, có thể là một khoản phí hàng tháng dựa trên doanh số, và cũng có thể tổng hợp luôn cả hai khoản phí kể trên. Tất cả cũng tùy vào uy tín thương hiệu, sự thương lượng và chủ trương của chủ thương hiệu.

2. Một số phương thức bán franchise phổ biến

a. Đại lý franchise độc quyền (Master franchíse): Đây là cách phổ biến nhất và nhanh nhất trong việc bành trướng thương hiệu ra nước ngoài. Đối với hình thức này, chủ thương hiệu sẽ chọn và chỉ định một đối tác địa phương tại quốc gia mà mình muốn xâm nhập làm đối tác mua franchise độc quyền kinh doanh và phân phối thương hiệu. Đối tác này có thể là một cá nhân hay một công ty, và phạm vi khu vực được độc quyền kinh doanh có thể là một thành phố hay cả một quốc gia. Để được độc quyền như vậy, doanh nghiệp mua master franchise (tạm gọi là đại lý độc quyền) phải trả một khoan phí franchise ban đầu riêng biệt, thường là cao hơn so với hợp đồng mua franchise riêng lẻ (single unit franchisee). Bù lại, họ có quyền chủ động tự mở thêm nhiều cửa hàng hay bán franchise lại cho bất kỳ ai nằm trong phạm vi khu vực mà mình kiểm soát.

Khi đó, đại lý franchise độc quyền là người đại diện chủ thương hiệu đứng ra ký hợp đồng franchise với bên thứ ba muốn mua franchise trong khu vực của mình và có nghĩa vụ cung cấp tất cả các dịch vụ hỗ trợ thay thế chủ thương hiệu. Do đó, phần phí franchise (gồm phí ban đầu và phí hàng tháng) thu được từ phía người mua franchise sẽ được chủ thương hiệu chia cho đại lý franchise độc quyền này theo tỷ lệ thỏa thuận như 50/50; 60/40 hay 70/30. Và thông thường phía bên đại lý franchise độc quyền sẽ được chia phần nhiều hơn chủ thương hiệu vì công sức và chi phí để tìm kiếm và phát triển số người mua franchise trong khu vực đều do phía đại lý franchise độc quyền gánh chịu.

Đại lý franchise độc quyền thường phải cam kết với chủ thương hiệu rằng trong một thời gian nhất định phải có bao nhiêu cửa hàng nhượng quyền được mở ra, và nếu không thực hiện đúng cam kết thì sẽ mất độc quyền. Do đó, nhiều đại lý franchise độc quyền tự đứng ra mở thêm cửa hàng để đáp ứng số lượng chỉ tiêu đề ra bởi hợp đông thỏa thuận giữa họ và chủ thương hiệu trung bình kéo dài khoảng từ 10 năm đến 20 năm.

Nhiều thương hiệu đã triển khai hình thức này thành công

b. Franchise phát triển khu vực (Area development franchise): Người mua franchise phát triển khu vực cũng sẽ được độc quyền trong một phạm vi và thời hạn nhất định. Tuy nhiên, khác với master franchise, đối tác mua franchise phát triển khu vực không được bán lại franchise cho bất cứ ai nhưng cũng không phải cung cấp các dịch vụ cho ai. Để được độc quyền trong một khu vực nhất định, người mua franchise phát triển khu vực phải trả một khoản phí franchise ban đầu tương đối cao và phải cam kết phát triển được bao nhiêu cửa hàng theo một tiến độ thời gian đã được ghi rõ trong hợp đồng đã được thống nhất với chủ thương hiệu. Nếu không đáp ứng đúng những thỏa thuận trong hợp đồng, doanh nghiệp này sẽ bị mất ưu tiên độc quyền.

c. Bán franchise cho từng cá nhân riêng lẻ (single unit franchise): Đây là hình thúc bán franchise lẻ trực tiếp cho từng đối tác tại nước ngoài và hình thức này chỉ thích hợp đối với các quốc gia nằm cùng một khu vực và chủ thương hiệu không có nhu cầu phải bán nhiều franchise. Lợi thế của hình thức bán lẻ này là chủ thương hiệu có thể làm việc và kiểm tra sâu sát với từng doanh nghiệp nhượng quyền. Ngoài ra, phí franchise thu được không phải chia cho đối tác trung gian nào. Tuy nhiên, hình thức này đòi hỏi một guồng máy điều hành quy mô với các khâu như nhân sự, quẩn trị … từ phía chủ thương hiệu.

d. Báranchise thông qua công ty liên doanh (Joint venture): Với hình thức này, chủ thương hiệu sẽ liên doanh với một đối tác địa phương ở nước ngoài và liên doanh này sẽ đóng vai trò của một đại lý franchise độc quyền. Trong nhiều trường hợp, chủ thương hiệu góp vốn vào liên doanh bằng chính thương hiệu, bí quyết kinh doanh và có khi kèm theo cả tiền mặt và được quy ra tỷ lệ phần trăm vốn góp tùy thỏa thuận giữa hai bên. Đối tác nước ngoài thuờng góp vốn bằng tiền mặt và kiến thức địa phương.

 

Tài liệu tham khảo:

1.Ts. Lý Quý Trung (2005), Franchise, Bí quyết thành công bằng mô hình nhượng quyền kinh doanh, Nhà xuất bản Trẻ.

2. Công nghệ du lịch. Chủ biên, MA, Phạm Khắc Thồng. Biên dịch: BA. Trần Đình Hải, Nhà xuất bản Thống kê.

3. Báo du lịch

 

Bài: Ths. Phan Bích Thảo - Khoa Văn hóa du lịch

Admin3
0