Tên - Dưới góc nhìn ngôn ngữ và văn hóa
PGS. TS. Hoàng Kim Ngọc Tóm tắt: Cái tên có giá trị định danh đặc biệt, để tạo thương hiệu và thường có ảnh hưởng sâu sắc tới người sở hữu tên đó, người sáng tạo ra nhan đề nó. Vì thế khi đặt tên riêng người, tên nhân ...
PGS. TS. Hoàng Kim Ngọc
Tóm tắt: Cái tên có giá trị định danh đặc biệt, để tạo thương hiệu và thường có ảnh hưởng sâu sắc tới người sở hữu tên đó, người sáng tạo ra nhan đề nó. Vì thế khi đặt tên riêng người, tên nhân vật, tên tác phẩm văn chương hay các tít báo thì cần phải chú ý tới một số điều kiện và yêu cầu nhất định. Cái tên hay, ấn tượng sẽ khởi đầu cho một sự giao tiếp tốt đẹp. Tuy nhiên, ấn tượng tốt đẹp ấy có bền lâu hay không còn phụ thuộc vào tính cách của người đó, nội dung của tác phẩm đó có hài hòa với cái tên không. Tất cả những điều này đều nằm trong quy luật tương tác giữa văn hóa, tâm lí và ngôn ngữ.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Tên người, tên nhân vật, nhan đề tác phẩm, tên công ty… mang giá trị định danh đặc biệt. Nó là một phương tiện giao tiếp nằm trong quy luật tương tác giữa ngôn ngữ và văn hóa. Nó có thể khiến chủ thể tiếp nhận cái tên đó cảm tình hay không cảm tình, gợi liên tưởng tốt hay xấu, có nghĩa hay vô nghĩa, ấn tượng hay không ấn tượng, nhớ lâu hay chóng quên… Chẳng đã có chuyện ở Trung Quốc xây một khu chung cư cao cấp, giá cả vừa phải nhưng chẳng mấy người mua, sau khi điều tra xã hội học thì mới biết rằng tên khu chung cư này là Chung cư Vĩnh Hằng nên đã gây liên tưởng đến nghĩa trang, nơi ở của người chết. Hoặc một bệnh viện là sản phẩm của Công ty cổ phần Hà Nội ngàn năm (địa chỉ ở 21 phố Điện Biên Phủ) có tên đăng kí là: Bệnh viện chuyên khoa phụ sản và u bướu Hà Nội ngàn năm đã khiến nhiều người “sốc”. Tên như thế dễ gây phản cảm trong sự tiếp nhận của người đọc, bởi lẽ u bướu là điều chẳng tốt lành, u bướu vài năm đã vô cùng lo sợ, mà giờ lại muốn gán cho Hà Nội u bướu ngàn năm thì thật khó chấp nhận. Chính vì thế, cái tên cũng quyết định một phần số phận của người đó, tác phẩm đó, công ty đó… (tất nhiên không phải theo nghĩa mê tín dị đoan mà dựa trên cơ sở tâm lí ngôn ngữ xã hội).
2. NỘI DUNG
2.1. Tên riêng người
Khi đặt tên riêng, cần lưu ý một số yêu cầu sau:
- Yêu cầu về văn hóa tín ngưỡng
“Xem mặt đặt tên”, câu tục ngữ này phần nào đã nói lên mối quan hệ quan trọng giữa cái tên với người sở hữu cái tên đó. Chính vì thế mà nhiều dân tộc đã bắt buộc phải có những nghi lễ đặt tên cho đứa trẻ mới ra đời rất trang nghiêm và thành kính.
Chẳng hạn, người Kháng ở Lai Châu có phong tục độc đáo là “bói chén” để đặt tên. Người được giao trọng trách “bói chén” sẽ phải nghĩ sẵn một cái tên phù hợp và nói ra cho mọi người cùng biết rồi sẽ bói xem cái tên ấy có phù hợp không. Nếu mọi người cho ý kiến đồng ý về tên này thì người bói sẽ dùng ngay chén uống rượu trong mâm và tung cao khoảng 50 – 60 cm cho rơi xuống mâm. Việc tung chén được tiến hành ba lần, nếu cả ba lần chiếc chén đều nằm ngửa thì coi như thần linh đã chấp thuận cái tên này. Trong trường hợp hai trong ba lần tung mà chén nằm sấp thì việc chọn tên sẽ chuyển cho người khác. Người Kháng cho rằng cái tên đúng có tác dụng rất lớn đến tính tình và sức khỏe cũng như số phận của đứa trẻ sau này. Nếu đặt tên đúng thì đứa trẻ sẽ lớn nhanh, khỏe mạnh, hiền lành và tốt tính. Còn nếu cái tên mà đặt sai thì đứa trẻ sẽ chậm lớn, yếu ớt, độc ác, xấu tính thậm chí là chết yểu. Tiệc rượu chúc mừng cũng đánh dấu sự kết thúc tốt đẹp của nghi lễ “bói chén đặt tên”, đứa trẻ đã có tên gọi và chính thức là thành viên của cộng đồng dân tộc Kháng.
Người Dao lại có nghi lễ “cấp sắc” để chấm dứt thời thơ ấu của một chàng trai Dao. Sau lễ đặt tên mới này, người đàn ông dân tộc Dao mới được coi là người trưởng thành cả về thể chất cũng như tâm linh, bắt đầu thực hiện nghĩa vụ của một người đàn ông thực sự với cộng đồng dân bản, được làm nghề cúng bái và được giao tiếp với người âm.
Lễ đặt tên - thổi tai là lễ thức phải có trong nghi lễ vòng đời của dân tộc Êđê. Lễ đặt tên được làm trước. Bà đỡ đặt những lễ vật trong cái thúng bên cạnh cháu bé và cầu nguyện: “Nay ta đặt tên cho cháu, nếu cháu ưng tên ta đặt thì cháu hết khóc và ngủ thật ngon. Nếu không thích tên này, cháu hãy khóc thật to” Sau đó bà đọc một số tên, khi đọc đến cái tên nào mà cháu bé ngừng khóc thì tên đó sẽ được dùng để đặt tên cho cháu bé.
- Yêu cầu về tâm lí
Theo Lê Trung Hoa thì việc đặt tên con phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó yếu tố tâm lí của bậc cha mẹ và những người thân trong gia đình đóng vai trò quan trọng, không ai có thể can thiệp được. Tâm lí người Việt thể hiện rất rõ qua việc đặt tên cho con mình. Một số người hiếm muộn hoặc chỉ có con gái mà chưa có con trai, khi đẻ được con trai đặt tên là Có. Người đông con quá không muốn đẻ nữa nhưng lỡ đẻ thì đặt tên là Thôi, Dư, Thừa. Cha mẹ mong ước con có đạo đức thì đặt tên: Lương, Hiền, Thảo, Ngoan, Nhân, Lễ, Nghĩa. Muốn con cái mình tài giỏi thì đặt tên con là Tài, Tuấn, Kiệt. Có người đánh dấu sự kiện, kỉ niệm quan trọng vào tên con, chẳng hạn, có người đặt tên con là Thống Nhất để ghi dấu sự kiện 30 – 4, có người đặt tên con là Trường Sơn để kỉ niệm những tháng ngày hành quân gian khổ trên đường Trường Sơn. Có người lấy tên người yêu cũ đặt tên cho con, thậm chí có người lấy tên người mình oán ghét đặt tên cho con để trả thù. Có những ông bố không trực tiếp đặt tên cho con nhưng lại là cảm hứng cho những bà mẹ sáng tạo ra những cái tên độc: Trần Lừa, Nguyễn Thị Bỏ, Lê Bội Phản là những cái tên kí dưới một số lá thư kể về nỗi bất hạnh không biết mặt bố. Nguyễn Trường Hận là một học sinh lớp 9, bị cha bỏ rơi từ lúc còn nằm trong bụng mẹ. Người mẹ đi làm ăn xa, giao “thằng cu” cho bà ngoại, chẳng màng tới chuyện đặt tên con. Người cậu đặt cho cháu một cái tên để nhớ đến cha nó. Hận lớn lên với tuổi thơ không có bạn bè, đã côi cút lại càng thêm cô độc. Cô gái có tên Nguyễn Thị Ly Tan luôn buồn tủi vì cái tên gợi ra sự tan vỡ của bố mẹ cô. Cô Lê Thị Nghĩa Trang không xin được việc làm chỉ vì cái tên “sái”… Anh Nghĩa yêu cô Thu Trang nhưng bố mẹ ngăn cản vì cho rằng tên hai vợ chồng ghép vào sẽ không may mắn.
Có người thích con giàu có may mắn thì đặt tên là Phát Tài, Toàn Lợi, Vĩnh Phát… Tuy nhiên, không nên đặt tên bằng những từ cầu lợi như thế, làm người khác có cảm giác nghèo nàn về học vấn. … Có những bố mẹ quá kì vọng vào con cái nên đã đặt những cái tên tuyệt đối, cực đoan dễ làm người khác có những ấn tượng không tốt. Chẳng hạn, có học sinh tên là Lê Xuất Sắc nhưng học lực em này chỉ ở mức bình thường nên hay bị bạn bè trêu chọc. Cậu bé Trương Siêu Thông Minh lại thường kiếm cớ nghỉ học vì cô giáo than: “Thông Minh sao toàn bị điểm kém?”. Cô gái Cao Thị Chót Vót, sinh viên trường Cao đẳng X. rất ngại khi người khác gọi tên, vì cô cao không quá 1,5 m. Chị Võ Trang Kiều Diễm Lệ khi về “ra mắt” bị bà mẹ chồng tương lai nguýt dài: “Tên một đường, người một nẻo”…
Cũng không nên đặt tên dễ gợi liên tưởng xấu, chẳng hạn như Hoa Liễu, người ta có thể liên tưởng tới bệnh hoa liễu chứ không phải hoa của cây liễu.
- Yêu cầu về chức năng giao tiếp xã hội
Nếu ai đó không có tên thì chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi sống trong cộng đồng xã hội. Chức năng của tên nói chung dùng để phân biệt người này với người khác trong xã hội. Vì vậy khi đặt tên cần chú ý những điểm sau:
+ Yêu cầu ngắn gọn, ít trùng. Để có thể làm tốt nhiệm vụ giao tế, tên cần được chọn sao cho ít trùng người khác để có chức năng phân biệt. Hạn chế đặt tên đơn, vì tên đơn dễ bị trùng tên.
+ Yêu câu phân biệt giới tính. Tên nên thể hiện được sự khu biệt tự nhiên trong giới hữu sinh, khu biệt giữa nam và nữ. Không nên đặt tên nam nữ, âm dương trái ngược nhau, nữ không nên đặt tên nam, nam không nên đặt tên nữ để người khác dễ phân biệt. (Cô Nguyễn Thị Đực không lấy được chồng vì cái tên nam tính, chàng trai tên là Trần Minh Gái người ta lại tưởng nghĩ là thuộc giới tính thứ ba). Xã hội ngày càng thông minh thì nhu cầu thẩm mĩ càng cao.
- Yêu cầu về chức năng thẩm mỹ:
Tên còn có chức năng thẩm mĩ nên thường cần phải đặt sao cho hay về ngữ âm và ngữ nghĩa. Chẳng hạn: Phạm Sư Mạnh thể hiện ý chí ham học theo Mạnh Tử; Trần Thiện Đạo: thể hiện tính hâm mộ về hành thiện, làm việc lành. Để đảm bảo tính thẩm mĩ, cần chú ý những tiêu chí sau:
+ Khi đặt tên nên chú ý đến phát âm vùng, miền.
Những người quê miền Trung nên tránh những tên có dấu hỏi hoặc dấu ngã vì khi gọi dễ lẫn lộn (ví dụ, chồng tên Dũng, vợ tên Mĩ thì khi về quê họ hàng có thể chào: “Dủng, Mỉ về rồi à”. Những vùng hay nói ngọng L - N thì hạn chế đặt tên con bằng phụ âm đầu L hoặc N vì họ hàng có thể gọi sai (chẳng hạn, Lý thành Ní, Lê thành Nê, Nụ thành Lụ…). Cần tránh đặt tên có âm thanh hay gây nhầm lẫn trong các viết, ví dụ tên là Sỹ (y dài) nhưng mọi người thường viết Sĩ (i ngắn) và sẽ phiền phức cho người đó khi làm các thủ tục hành chính như visa hay passport.
Không nên đặt tên theo cảm xúc như: Vui, Sướng… bởi lẽ khi chết người ta sẽ hờ: “Sướng ơi là Sướng…” hay “Vui ơi là Vui…” v.v..
Tránh các tên dễ bị nói lái như Tiến Tùng (Túng Tiền), Tùng Quân (Quần Tung)…
Người Việt Nam nếu đã định cư ở nước ngoài, thì có thể thay lại tên nếu cái tên cũ của mình khi phát âm bằng tiếng Anh, bớt dấu thì lại mang những nghĩa xấu. Chẳng hạn, tên Loan nghĩa Việt rất hay nhưng nghĩa tiếng Anh lại là “món nợ” hoặc những cái tên Dung hay Dũng (khi viết không dấu) sẽ mang nghĩa phản cảm.
+ Không nên đặt tên quá cầu kì
Nhà thơ Trần Huiền Ân (không phải Trần Huyền Ân) viết rằng: “Đời cha lấy tên các con làm niềm vui”. Nhà thơ đã thực hiện việc đặt tên cho con một cách rất kì công. Những cái tên không còn đơn thuần là danh xưng mà gửi gắm nhiều niềm vui hi vọng. Tuy nhiên, sự đặt tên cầu kì quá khiến người cần giao tiếp khá khó khăn trong việc phát âm khi muốn gọi tên con ông và cần ông giải thích mới hiểu nghĩa. Chẳng hạn như Trần Nguyện Hoằng Nhuyên (đá chứa ngọc), Trần Hoạch Chuyết Nhuynh (ngọc trong đá), Trần Triêu Ngõa Huyền (nắng sáng rực rỡ trên mái ngói)... Ngay cái bút danh độc đáo Trần Huiền Ân này đã khiến không ít những biên tập viên chữa đi chữa lại vì họ tưởng tôi viết sai chính tả tên nhà thơ này trong giáo trình Ngôn ngữ văn chương, đến nỗi người viết đã phải chú thích là: chú ý Huiền chứ không phải Huyền. Hoặc trường hợp khác, ở tỉnh Thái Nguyên có cô gái tên là Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương, cái tên dài này đã gây ra không ít phiền phức vì hồi học cấp 2, cấp 3, trong sổ Đảng bộ, sổ điểm lớp và sổ học bạ… các thầy cô giáo đều phải viết tắt 5 âm tiết trong cái tên của Dương vì không đủ chỗ viết. Năm âm tiết viết tắt cũng đã chiếm chỗ bằng 1 đến 2 từ so với người bình thường.
+ Không nên đặt tên quá dễ dãi:
Có những người cha người mẹ thiếu trách nhiệm, không coi trọng việc đặt tên cho con cái. Họ chợt nghĩ ra tên gì là đặt ngay tên đó hoặc đặt tên quá xấu (theo quan niệm để đứa bé dễ nuôi) như: Tỉu, Cu, Hĩm,Vạc, Cò, Phân, Heo Mọi… Chẳng đã có truyện cười kể rằng ông bố này có hai người con trai, người con út ông đặt tên là Phân (tên xấu để khỏi chết yểu) và rất yêu quý nó. Một hôm, ông bố gọi: “Phân ơi về ăn cơm”, đứa con gái cả đang chơi ở gần đấy nói: “Phân không có ở đây! Không có Phân bố không ăn được hay sao mà cứ phải gọi” (?!). Hoặc chuyện ông Mai Văn Cán ở xã Đại Cường, Đại Lộc (Quảng Nam) bị phạt tiền vì sinh con thứ 5. Tức mình ông đặt cho nó cái tên chẳng giống ai: Mai Phạt Sáu Ngàn Rưỡi. Sau này, chắc là ân hận nên ngày 1.9.2005 ông đã tới UBND tỉnh Quảng Nam để đổi tên Mai Phạt Sáu Ngàn Rưỡi thành Mai Hoàng Long. Việc thay đổi này có ý nghĩa đối với Long, bởi ngay sau đó cậu đã xin được việc làm để đỡ đần gánh nặng cho cha mẹ. Những cái tên bất thường sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lí của người sở hữu cái tên. Trong tác phẩm “Kí ức vụn” (Nxb Hội Nhà văn, 2009), Nguyễn Quang Lập đã kể chuyện: “Nó là bạn nối khố của mình, tên là Nguyễn Hó, ra Hà Nội đổi tên là Nguyễn Hồng Đức, nó bảo cái tên Hó tối mò, quê một cục, nghe cái tên chó nó muốn làm việc với tao”. Một số ca sĩ Việt Nam cũng đã thành danh sau khi đổi cái tên quê mùa của mình thành cái tên hay và có ý nghĩa hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Quế, Giám đốc Trung tâm tư vấn và phát triển tâm lí trẻ em Nguyễn Khắc Viện cho rằng: lúc lên 5 - 6 tuổi, trẻ có thể nhận biết tên mình đẹp hay không qua lời khen chê của người lớn, dù chưa hiểu hết ý nghĩa của câu chữ. Nếu cái tên không hay, kinh dị, bất thường sẽ ám ảnh trẻ và chúng coi đó là sự cảnh báo về một tương lai u ám. Cái tên thay đổi, số phận có thể thay đổi. Luật pháp ủng hộ và tạo điều kiện để con người thay đổi “nhãn hiệu” của mình. Điều 27 của bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định: “Cá nhân có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng thay đổi họ tên trong các trường hợp họ tên gây nhầm lẫn, phiền toái, phản cảm, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống tinh thần”.
2.2. Tên tác phẩm, tên nhân vật
- Những yêu cầu khi đặt nhan đề
Nội dung và hình thức trong tác phẩm nghệ thuật nên gắn bó hài hòa với nhau. Vì vậy các nhà sáng tác nên để tâm đến việc đặt tên cho đứa con tinh thần của mình. Bởi lẽ tên tác phẩm có thể gây ấn tượng khiến người đọc chú ý và ngược lại cũng dễ khiến người ta thờ ơ. Tên tác phẩm phải đặt vừa đúng nội dung lại vừa phải ấn tượng, hấp dẫn, tinh tế và phải ít (hoặc không được) trùng với tên của một tác phẩm nào cũng là điều không hề đơn giản. Nhà văn Xuân Diệu đã có lần phát biểu đại ý rằng, các nhà văn đặt tên cho tác phẩm cũng trăn trở như cha mẹ đặt tên cho con. Thật vậy, quá trình sáng tạo cũng mang nặng đẻ đau. Khi đứa con tinh thần ra đời, nhà văn cũng có niềm vui sướng hạnh phúc như người mẹ người cha có thêm một đứa con rồi “đứa con tinh thần” ấy còn khiến nhà văn phải bận tâm nhiều, chăm chút sau mỗi lần tái bản. Và có đứa con tinh thần đem lại cho cha mẹ vinh quang nhưng cũng có không ít nhà văn lao đao khốn khổ vì nó.
Các nhà văn, nhà thơ nên chú ý đến nhan đề tác phẩm bởi đó là một cách tiếp thị và tiếp cận đơn giản nhưng hiệu quả với những giá trị của tác phẩm.
Gần đây, một số tác giả đã đề cập đến việc đặt nhan đề cho tác phẩm như Nguyễn Đình San, Trần Quang Đại, Tường Duy…
Khi đặt tên cho tác phẩm người sáng tác thường theo mấy khuynh hướng sau: Một là khái quát toàn bộ chủ đề tác phẩm, kiểu này phổ biến hơn cả (“Đất nước đứng lên”, “Vỡ bờ”, “Sóng gầm”, “Tắt đèn”, “Đôi mắt”; “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, “Hậu thiên đường”, “Giàn thiêu”, …)
Hai là, lấy nhân vật chính, trung tâm làm tên tác phẩm. Kiểu này cũng rất phổ biến (“Tố Tâm”, “Chí Phèo”, “Chị Tư Hậu”, “Gia đình má Bảy”, “Vợ chồng A Phủ”, “Vệ sĩ của Quan Châu”, “Góa phụ đen”…)
Ba là, lấy bối cảnh thời gian hoặc không gian (“Đảo chìm”, “Phố nhà binh”, “Đêm làng Trọng Nhân”, “Mùa lá rụng trong vườn”, “Tân cảng”, “Sông”, “Cánh đồng bất tận”…) Dẫu rơi vào khuynh hướng nào thì tên tác phẩm cũng cần gợi mở, kích thích được tối đa nhất khả năng tưởng tượng của người thưởng thức. Những tác phẩm nổi tiếng thế giới từ cổ chí kim đều có những cái tên rất gợi cảm, ấn tượng.
Truyện Chí Phèo lúc đầu đặt là “Cái lò gạch cũ” và “Đôi lứa xứng đôi”. Đặt tên truyện “Cái lò gạch cũ” phải chăng tác giả muốn nói đến sự luẩn quẩn, bế tắc, gắn với hình ảnh nhân vật chính ở đầu truyện, khi nó còn là thằng bé đỏ hỏn được bọc trong cái váy đụp vứt ở cái lò gạch bỏ không và hình ảnh cuối truyện: Thị Nở, sau khi nghe tin Chí Phèo đâm chết Bá Kiến đã tự sát một cách khủng khiếp, đã nhớ lại những lúc gần gũi với hắn và nhìn xuống bụng rồi thoáng thấy hiện ra cái lò gạch cũ bỏ không ở nơi vắng người qua lại? Có thể có một Chí Phèo con ra đời để nối nghiệp bố. Như vậy, Cái lò gạch cũ như một biểu tượng về sự xuất hiện tất yếu của hiện tượng Chí Phèo, gắn với chủ đề chính của tác phẩm. Còn Đôi lứa xứng đôi thì nhấn mạnh vào tính bản năng trong mối tình có tính người ngợm, ngợm người giữa Chí Phèo và Thị Nở, giữa một con quỷ dữ của làng Vũ Đại có bộ mặt “vằn dọc vằn ngang” và một mụ đàn bà xấu “ma chê quỷ hờn”. Như vậy cái tên này phù hợp với thị hiếu, giật gân, dễ gây tò mò, nhà văn Nguyên Hồng tỏ ra tán thành với cách hành xử của Lê Văn Trương khi cho rằng, bên cạnh những tên sách “dí vào người đọc như điện” (kiểu như “Sự động cỡn của đàn bà”, “Khi chiếc yếm rơi xuống”, “Đời mưa gió”…) thì cái tên truyện “Cái lò gạch cũ” quả là nôm na đến ngớ ngẩn. Tuy nhiên cái tên “Đôi lứa xứng đôi” lại không phản ánh đúng nội dung chủ đề tác phẩm.
Tiểu thuyết Chết mòn của Nam Cao, sau này được đổi tên là Sống mòn. Nhiều người cho rằng, tên sách mới vẫn giữ được tinh thần của tên sách cũ, nhưng gợi hơn. Nếu như Chết mòn mang nghĩa đen thì Sống mòn mang nghĩa bóng, đó là một sự sống đi dần về cõi chết.
Nhìn chung, các tác giả rất chú ý đến việc đặt tên nhan đề và cách trình bày nhan đề.
“Vợ nhặt” của Kim Lân cũng là một nhan đề độc đáo. “Vợ nhặt” nghĩa là gì? Tại sao tác giả không viết là “Nhặt vợ”? Cái khác biệt là ở chỗ “Nhặt vợ” là một động từ còn “Vợ nhặt” là một danh từ chỉ một loại vợ khác như vợ đẹp, vợ trẻ, vợ ở quê…chẳng hạn. Nhan đề “Vợ nhặt” hiểu theo nghĩa đen là nhặt được vợ. Nhan đề ấy tạo được ấn tượng, kích thích sự chú ý của người đọc vì cái giá của con người quá rẻ rúng. Qua tác phẩm này, Kim Lân đã phản ánh được tình cảnh thê thảm và thân phận tủi nhục của người nông dân nghèo trong một nạn đói. Và đọc xong tác phẩm người đọc mới thấy hết được tính chất vừa hài hước, vừa xót xa bi thảm trong câu chuyện ấy.
Phạm Tiến Duật lúc đầu đặt tên cho bài của mình là “Tiểu đội xe không kính” nhưng sau đó ông sửa thành “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Việc thêm từ “bài thơ” có dụng ý nhất định. Nếu như “Tiểu đội xe không kính” chỉ thể hiện được phần hiện thực chiến tranh tàn khốc với những chiếc xe không kính quái lạ, không gây được sự chú ý nơi người đọc thì thêm chữ “bài thơ” sẽ làm cho tác phẩm thêm chất thơ, nhan đề mới là sự hòa quyện giữa lãng mạn và thực tại, gây được sự chú ý nơi người đọc. Những chiếc xe không kính tuy kì lạ và gây không ít khó khăn cho người điều khiển nhưng lại là minh chứng cho niềm lạc quan của những chiến sĩ, minh chứng cho lòng yêu nước và trái tim luôn hướng về miền Nam của những người lính lái xe quả cảm. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” thể hiện một chút tinh nghịch, trẻ trung trong cuộc sống chiến đấu gian khổ của họ và cũng là của chính nhà thơ.
Truyện ngắn “Cuộc chia tay của những con búp bê” của tác giả Khánh Hoài được đưa vào sách giáo khoa lớp 7, có độc giả thắc mắc là nội dung truyện nói về sự chia li của hai anh em vì bố mẹ bỏ nhau, vậy tại sao không đặt nhan đề là “Cuộc chia tay của hai anh em”?... Nếu nhan đề được đặt là “cuộc chia tay của hai anh em” thì đó là một cái tên thật thà theo nghĩa đen. Còn “Cuộc chia tay của những con búp bê” lại là hình ảnh ẩn dụ, nó là sự phản chiếu bi kịch của một hiện tượng đang phổ biến trong xã hội hiện nay: những cuộc ly dị tan vỡ gia đình.
Truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện có một nhan đề gây ấn tượng mạnh bởi kết hợp nghịch ngữ, gây tò mò cho độc giả: đã sát nhân sao còn lương thiện? Và người ta tìm đọc. Đọc xong người ta cảm thấy thoải mái bởi nhan đề như vậy đã khái quát được chủ đề tác phẩm, tên truyện như vậy là có lý chứ không phải chỉ thuần gây ấn tượng mạnh để câu khách. Trong truyện ngắn này có câu mở đầu: Con vua thì lại làm vua/ Con sãi ở chùa thì quét lá đa. Truyện được kết thúc trong thắng lợi chua xót của hắn - nhân vật chính - kẻ đã nổ súng tận diệt các thế hệ của một dòng họ “vua” bằng câu tuyên bố: Tự giải phóng ra khỏi số phận đê hèn là một việc thiện, ít nhất là cho chính mình. Con tôi (nếu có) sẽ không bao giờ là người cắt cỏ ngựa thuê cho dòng họ Lâm như ba đời trước nó”. Cái nhan đề này vừa đạt được tiêu chí hấp dẫn vừa đạt tiêu chí phản ánh đúng nội dung. Vì thế nó là một khởi đầu tốt đẹp cho việc giành giải Nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 1990 – 1991.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã tôn vinh nhà văn Nguyễn Khải bằng thương hiệu “Nhà văn thông tấn” để khu biệt ông với các nhà văn khác, bởi lẽ tên nhiều tác phẩm của ông cũng gần giống như tên các bài Phóng sự, hay Xã luận báo Nhân dân: “Tháng Ba ở Tây Nguyên”, “Họ sống và chiến đấu”, “Gặp gỡ cuối năm”, “Mùa lạc”, “Chủ tịch Huyện”, “Tầm nhìn xa”, “Hãy đi xa hơn nữa”. Trên thế giới đã có những nhà văn lớn như Ernest Hemingway và Garcia Marquez được giới lí luận gọi là “Nhà văn thông tấn” và tác phẩm của họ đã đạt Giải thưởng Nobel.
Năm 2012, tập thơ đầu tay của Nguyễn Phong Việt ra đời. Dòng chữ trung tâm trên bìa tập thơ đó là một câu hỏi: “Có bao nhiêu người đã đi qua thương nhớ mà quên được nhau?” đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. Nhiều bài trong tập thơ này, tác giả cũng đặt nhan đề theo kiểu câu hỏi, mà đã là câu hỏi thì ắt là phải có trả lời, mà có trả lời tức là có sự tương tác, hội thoại ngầm giữa tác giả và độc giả. Chính sự tương tác này đã khiến cuốn sách trở thành hiện tượng bestseller, với kỉ lục bán 10.000 bản chỉ trong 50 ngày. Điều đó chứng tỏ rằng để tác phẩm hấp dẫn, thu hút độc giả thì điều đầu tiên tác giả phải chú ý đến nghệ thuật đặt tên.
- Những điều nên tránh khi đặt nhan đề
+ Tránh đặt tên theo kiểu “lười biếng”
Trên thực tế, không phải người sáng tác nào cũng dụng công tìm được cái tên phù hợp, giàu biểu cảm cho tác phẩm của mình.
Một số nhạc sĩ nổi tiếng có những bài hát giai điệu và lời rất hay nhưng tên bài hát thì lại quá đơn giản và nhiều khi trùng lặp. Chẳng hạn như ca ngợi một ngành nghề hoặc một mẫu người nào đó thì tên bài hát sẽ được đặt là: “Bài ca người…”, “Bài ca ngành…”. Cũng như vậy, không ít người làm thơ do không ý thức được tầm quan trọng của nhan đề nên đã đặt tên cho tác phẩm của mình là “Không đề”. Có những tập thơ chưa đến 100 bài mà có tới trên 10 bài mang cái tên như trên. Hoặc, chỉ trong một tập thơ mỏng mà tác giả lại có đến 10 bài “Không đề”, từ “Không đề 1” đến “Không đề 10”. Hiện tượng không tên trở nên khá phổ biến. Điều đáng tiếc là cái tên này nhiều khi được đặt cho những bài thơ hay, có giá trị mà bản thân chúng hoàn toàn có thể mang cái tên khác hợp lí và hấp dẫn hơn. Có những bài thơ viết về mẹ, người viết đặt nhan đề “Mẹ” là đúng với nội dung, tuy nhiên nếu gom các bài thơ viết về mẹ của nhiều tác giả thành một tập thì quả thực có quá nhiều bài có cái tên trùng nhau. Tôi đã khảo sát tập Thơ về Mẹ (Nxb Văn học, 2010) và nhận thấy rằng riêng nhan đề “Mẹ” có khoảng 20 bài của các tác giả Thu Bồn, Văn Cao, Trịnh Minh Châu, Thế Chính, Đặng Anh Dũng, Trần Thị Mỹ Hạnh, Tô Hoàn, Đặng Thị Thanh Hương, Nguyễn Trung Kiên, Đỗ Trung Lai, Lan Hoàng Miên, Phan Thị Thanh Nhàn, Viễn Phương, Lê Thái Sơn, Nguyễn Quốc Thái, Đoàn Ngọc Thu, Bằng Việt… hoặc nhan đề “Mẹ ơi” cũng khá nhiều của các tác giả: Đồng Đức Bốn, Hà Huệ Chi, Trần Chính, Nguyễn Phan Hách, Trương Nhân Huyền, Nguyễn Ngọc Hưng, Hồng Thanh Quang, Trần Quốc Thực, Nguyễn Duật Tu… Ở đời, ai cũng có mẹ nhưng cảm xúc và kỉ niệm về mẹ ở mỗi người là khác nhau, vậy nên chăng người sáng tác cố gắng đặt tên bài thơ của mình sao cho ít có sự trùng lặp, tạo được nét riêng về hình ảnh người mẹ của mình, chẳng hạn như: Tìm mộ mẹ, Dáng mẹ trên đồng, Mẹ và quả, Qua hàng trầu nhớ mẹ, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Đêm qua mơ thấy mẹ về…
+ Tránh đặt tên sơ ý dẫn đến hiểu lầm hoặc thiếu tính thẩm mĩ
Nhà thơ Vũ Quần Phương là nhà thơ thông minh và tài hoa nhưng cách đặt tên cho các tập thơ thì theo tác giả Tường Duy là “không thú lắm”. Chẳng hạn: “Vầng trăng trong xe bò”, “Quên chữ quên câu”, “Giấy mênh mông trắng”, “Chỗ ấy… sóng”. Vì thế, đã có chuyện vui: Một nữ tác giả trẻ tò mò hỏi nhà thơ: “Chỗ ấy… là chỗ nào?”. Nhà thơ hóm hỉnh trả lời: “Chỗ ấy là… chỗ ấy chứ còn chỗ nào nữa”. Hay như với cuốn “Giấy mênh mông trắng”, vì khi trình bày, người làm bìa cắt đôi hai chữ một dòng, nên hai chữ sau của tên sách (“mông trắng”) đã là đề tài để một số người đùa trêu tác giả. Trước đây, nhà thơ Xuân Quỳnh cũng bị đùa trêu khi tên tập thơ “Sân ga chiều em đi” của chị bị tách thành hai mệnh đề “sân ga” và “chiều em đi”.
+ Tránh đặt tên theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”, câu khách rẻ tiền
Nếu tít bài báo, nhan đề tác phẩm chỉ nhằm mục đích câu khách mà không phù hợp với nội dung, ở trong tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” thì độc giả khi đọc xong tác phẩm sẽ rất khó chịu, bực mình vì cảm thấy như mình bị lừa, ấn tượng tốt đẹp về tác phẩm cũng vì thế mà mất đi.
Khi giới thiệu chân dung văn học, thường thì người ta dùng tên tác phẩm hoặc những câu thơ hay được nhiều người biết đến để làm tít hoặc thay thế tên tác giả kiểu như: Nhà thơ của “Đường tới thành phố” (Hữu Thỉnh), Tác giả “Sự mất ngủ của lửa” (Nguyễn Quang Thiều) nhiều khi đắc địa và trở thành lối chơi chữ đầy hiểu biết của tác giả bài viết. Thế nhưng nếu lạm dụng thái quá lối chơi chữ để đặt tít có thể sẽ gây khó hiểu và phản cảm.
Nhiều tít báo đã gây ra sự hiểu lầm đáng tiếc, ví dụ: “Trầm Hương - Dâm nữ” (Thực tế tác giả Trầm Hương có truyện ngắn tên là “Dâm nữ”), Dung Thị Vân - Ven đồi đẫm sương (Thực tế là câu thơ: “Chiều rơi hạt nắng mồ côi/ Bàn tay ai buốt ven đồi đẫm sương” trong bài thơ “Tìm em gọi giấc mơ vàng” của Dung Thị Vân), Bùi Chí Vinh - siêu nhân hay quái vật (Thực tế là câu thơ: “Cậu bé siêu nhân hay quái vật, bệnh nhân?/ Mọi câu hỏi đổ xô về nước Ý” trong bài thơ “Nỗi buồn của siêu nhân tí hon” của Bùi Chí Vinh), v.v.. Đây là những cách giật tít hoàn toàn mang cảm tính, chủ quan vì tác phẩm, nhân vật, câu thơ chưa thể đại diện, thay thế cho tên tác giả, hơn nữa một số tác giả mà độc giả “mới làm quen” thì thời gian và công chúng chưa có sự kiểm chứng tác phẩm của họ. Nếu cứ đặt tít kiểu này thì khó mà phân biệt được tác giả và nhân vật được hư cấu, được đề cập trong tác phẩm, gây ra sự nhầm lẫn tai hại.
Có thể cách đặt tít trên của tác giả là để câu khách, để độc giả đọc tác phẩm hoặc cũng có thể tăng thêm phần hài hước. Thế nhưng những cái tít như thế lợi bất cập hại và khiến cho người có tác phẩm cảm thấy đau khổ vì cái tít như một kiểu đùa ác ý, thiếu văn hóa của người giật tít, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đẹp của nhà văn.
- Ý nghĩa của tên nhân vật
Tên nhân vật cũng có thể gợi lên một liên tưởng nào đấy về số phận, về tính cách… của nhân vật đó.
Chẳng hạn, tại sao tác giả dân gian không đặt tên cô chị là Cám, cô em là Tấm trong truyện cổ tích “Tấm Cám”? Phải chăng Tấm có giá trị hơn Cám.
Tên truyện là Chí Phèo cho người đọc biết đây là tên nhân vật trung tâm, nói về nhân vật trung tâm, tên nhân vật này có thể gợi liên tưởng xấu vì “phèo” là cái ruột lợn, “chí” là cuối, cuối cái ruột lợn thì chẳng có giá trị gì, là đồ bỏ đi, vì thế Chí Phèo cũng chính là một người thừa trong xã hội.
Chị Sứ trong tác phẩm Hòn đất của Anh Đức là người con gái xứ Hòn được mọi người tin yêu quý trọng. Chị rất mực dịu dàng, nhân hậu với bà con, lối xóm, đồng thời cũng rất vững vàng khi đối mặt với kẻ thù. Tên Sứ gợi cho ta hình ảnh một loài hoa thanh cao, đẹp, thường trồng trong chùa. Hoặc cũng có thể hiểu sứ là một loại men bền, bóng được tôi luyện từ đất.
Và chắc chẳng phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Công Hoan lại đặt tên là Kếu cho cô gái trong truyện “Cô Kếu – gái tân thời” với hàm ý châm biếm hay Nam Cao đặt tên cho nhân vật là Trạch Văn Đoành, cái tên đã tạo ấn tượng mạnh “nghe như súng thần công nó bắn vào lỗ tai”.
Có tác giả đã đặt tên nhân vật của mình nhằm tạo hiệu quả tu từ rõ rệt. Chẳng hạn, nhân vật Thảm trong “Côi cút giữa cảnh đời” của Ma Văn Kháng, từ nhỏ phải sống xa mẹ, chịu nhiều nỗi khổ cực đắng cay. Bà của em nói với cô bác xung quanh: “Tên cháu đặt là Thảm cô ạ, thảm thiết quá cô ơi”. Về sau, khi bố em trở về, Thảm không còn chịu cảnh bơ vơ, côi cút nữa, cuộc đời đã khác rồi. Và chính bố em đã nói với bà của em: “Mẹ ơi, con xin phép mẹ đổi tên cho cháu Thảm, tên cháu bây giờ là Thắm, mẹ nhé! Nhờ mẹ, cuộc đời nó đã qua đoạn thảm thê”. Thắm tượng trưng cho cuộc đời thắm tươi của em.
Trong tác phẩm “Khát chữ”, nhà văn Đào Quang Thép đã đặt tên cho các nhân vật của mình là: thằng Sướng (con nhà giàu), Đậu Văn Ngay (ông chủ tọa phiên tòa) , Hoàng Thị Thật (bà kiểm sát viên) - hai cán bộ nghiêm túc của tòa án, Trần Cá Kiếm (tên cán bộ ngân hàng biến chất), Mị (cô gái thùy mị nết na)… Như vậy, tên nhân vật đã bộc lộ phần nào tính cách của nhân vật.
Tên các nhân vật trong tác phẩm của Hồ Anh Thái cũng rất đặc biệt như Cá sấu 1, Cá sấu 2, Nghiên cứu viên 1, Nghiên Cứu Viên 2, Bà Bạch Cốt Tinh, Họa sĩ Chuối Hột, Bóp, Phũ, Cốc, Thỏ Lon, Thằng bé người cá hoặc Lâm Nhất Nhất, Khuất Nhị Nhị, Lý Tam Tam, Đàm Tứ Tứ, Ngũ Nương Nương. Đó là những cái tên vừa gây sự hài hước, vừa cho thấy sự tha hóa trong đời sống đang là một hiện tượng phổ biến.
Tác giả trẻ Nguyễn Thiên Di với tiểu thuyết “Những giao diện ẩn” (đạt giải tư trong cuộc thi “Văn học tuổi 20 lần IV”) đã đặt tên nhân vật độc đáo theo biệt danh: Bướng Bỉnh, Ngổ Ngáo, Cục Đất, Tham Vọng, Bà Mập, Cỏ Hoang, Chị Da Bánh Mật, Thiên Thần Kính Cận, Mặt Bẹt, Nhóc Không Cười… Cách đặt tên như vậy sẽ khiến người đọc nhận thấy trong số các nhân vật ít nhiều có hình bóng của mình.
Trong tác phẩm “Cánh đồng bất tận”, một số tên nhân vật có giá trị như một biêu tượng: Sương (cô gái điếm ăn sương), Nương (chỉ người con gái: Mị Nương), Điền (nghĩa Hán Việt là ruộng, liên quan mật thiết với cánh đồng)
Tuy nhiên, không phải tác phẩm nào cũng chú ý tới việc đặt tên nhân vật, thậm chí đã có những nghi án văn chương gây ra những hệ lụy phiền toái không đáng có cho đời sống của người cầm bút như truyện ngắn “Cây táo ông Lành”. Tên nhân vật ông Lành đã bị một vài nhà phê bình ấu trĩ thời đó xuyên tạc là ám chỉ một nhân vật quan trọng trong giới văn nghệ.
3. KẾT LUẬN
Tóm lại, cái tên có giá trị định danh đặc biệt, để tạo thương hiệu và thường có ảnh hưởng sâu sắc tới người sở hữu tên đó, người sáng tạo ra nó.
Khi đặt tên người cần hay cả về âm và nghĩa, ngắn gọn, phân biệt giới tính, đừng quá cầu kì nhưng cũng đừng quá dễ dãi và tuân theo những yêu cầu văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng. Những cái tên kinh dị, phản cảm, gây nhầm lẫn phiền toái có thể ảnh hưởng xấu đến đời sống tinh thần.
Khi đặt tên tác phẩm cần đảm bảo yêu cầu đúng nội dung mà lại ấn tượng, hấp dẫn và ít trùng. Hạn chế đặt tên theo kiểu “lười nhác” hoặc gây hiểu lầm, thiếu tính thẩm mỹ, tối kị đặt tên theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” khiến người đọc có cảm giác như mình bị lừa.
Tên nhân vật cũng có thể chỉ dẫn sự liên tưởng của người đọc về một đặc điểm của tính cách và vì thế mà gây ấn tượng nhất định.
Cái tên hay, ấn tượng sẽ khởi đầu cho một sự giao tiếp tốt đẹp. Tuy nhiên, ấn tượng tốt đẹp về cái tên đó có lâu dài hay không còn phụ thuộc vào tính cách của người đó, nội dung của tác phẩm đó có hài hòa với cái tên không. Tất cả đều nằm trong qui luật tương tác giữa văn hóa, tâm lí và ngôn ngữ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tường Duy, Đặt tên sách: Cái khó không của riêng ai, An ninh thế giới giữa tháng 11, 2010
2. Trần Quang Đại, Dạy học văn hãy bắt đầu từ nhan đề tác phẩm, edu.go.vn
3. Lê Trung Hoa, Họ và tên người Việt Nam, Nxb KHXH, 2005
3. Hiền Nguyễn, Vẫn chuyện nhà văn… giật tít, Cand.com
4. Nguyễn Đình San, Đặt tên cho tác phẩm, xin đừng xem nhẹ, Văn nghệ Công an, số ra ngày 16.6.2010
5. Nguyễn Ngọc Tư, Cánh đồng bất tận, Nxb. Trẻ , 2005