Sử dụng "role-play" trong dạy kỹ năng nói
(ĐHVH HN) - Sinh viên thường nói rằng họ không có nhiều cơ hội để luyện tập, họ không nói được Tiếng Anh mặc dù đã học nhiều năm. Vì thế, phát triển kỹ năng nói là rất quan trong và cần thiết. Chương trình, phương pháp dạy Tiếng Anh của chúng ta sẽ quyết định mức độ phát triển kỹ năng nói của ...
(ĐHVH HN) - Sinh viên thường nói rằng họ không có nhiều cơ hội để luyện tập, họ không nói được Tiếng Anh mặc dù đã học nhiều năm. Vì thế, phát triển kỹ năng nói là rất quan trong và cần thiết. Chương trình, phương pháp dạy Tiếng Anh của chúng ta sẽ quyết định mức độ phát triển kỹ năng nói của sinh viên. Vai trò của giáo viên cũng rất quan trọng trong việc đưa ra các hoạt động nói phù hợp với sinh viên cũng như mang đến sự hứng thú của sinh viên trong việc tham gia các hoạt động nói cùng với các phương pháp giúp các em đạt được những kết quả nhất định khi tham gia các hoạt động nói đó. Tôi xin giới thiệu "role-play", tạm dịch là hoạt động đóng vai được sử dụng trong quá trình dạy kỹ năng nói nhằm giúp sinh viên đạt hiệu quả cao khi luyện tập kỹ năng này.
"Role-play" là gì?
Có nhiều học giả có những quan điểm khác nhau khi định nghĩa "role-play". Theo Ladousse, sinh viên sẽ đảm nhận một vai, họ sẽ đóng vai đó (hoặc vai đó là chính bản thân họ hoặc giả là người khác) trong một tình huống nhất định và được "diễn" trong một môi trường an toàn mà sinh viên của thể sáng tạo thể hiện và thấy thoải mái nhất có thể. Theo Nunan, "role-play" lại là một hoạt động nói mà sinh viên vào vị trí của những người khác và giao tiếp với nhau với tư cách là những nhân vật đó. Nhìn chung, "role-play" có thể được hiểu là hoạt động vận dụng kỹ năng nói mà qua đó người nói sẽ tự đặt mình vào vị trí của người khác, hoặc vẫn ở vị trí của mình trong quan hệ tương tác với các nhân vật khác trong một tình huống xã hội nào đó. Theo đó, có thể phân ra làm hai loại hình cơ bản trong hoạt động "role-play". Một là, hoạt động "role-play" trong đó sinh viên tưởng tượng làm người khác. Với kiểu hoạt động này, sinh viên có thể trở thành bất kỳ người nào mà các em thích trong khoảng thời gian ngắn thông qua hình thức đóng vai. Các em có thể là một người nổi tiếng, một người giàu có, một ngôi sao điện ảnh, một giám đốc công ty, một hiệu trưởng trường học, v.v. Các em cũng có thể làm ra vẻ như đang tranh luận về quan điểm của một người nào đó. Với hình thức "role-play" này, giáo viên có thể chia lớp thành hai phe để tranh luận, đưa ý kiến ủng hộ hoặc phản đối hoặc các phe nêu ý kiến về một vấn đề nào đó. Hai là, hoạt động "role-play" mà trong đó sinh viên được đặt trong một hoàn cảnh, một tình huống tưởng tượng. Khi đó, các em sẽ phải dùng ngôn ngữ phù hợp với các hoàn cảnh được đặt ra ví dụ như tình huống ở sân bay, tìm hành lý thất lạc, hoặc đăng ký chuyến bay, hay gọi món ở nhà hàng, tiếp một vị khách từ nước ngoài đến thăm trường bạn hay đến thăm công ty bạn đang làm việc, v.v. Thông qua những tình huống này, sinh viên sẽ có cơ hội luyện tập, thực hành ngôn ngữ chức năng được học phù hợp với từng tình huống nhất định.
Vì sao dùng "role-play"?
Khi người học có động lực học, cảm thấy thích thú và tích cực tham gia các hoạt động học trên lớp thì việc học sẽ hiệu quả hơn. Hoạt động "role-play" mang lại một số lợi ích như:
- Hoạt động nói vui và tạo động lực cho sinh viên nói.
- Sinh viên được khuyến khích thể hiện suy nghĩ và cảm xúc trong một môi trường thoải mái. Vì thế, sinh viên ít nói sẽ có cơ hội tự diễn đạt ý kiến của mình một cách mạnh dạn hơn.
- Cơ hội sử dụng tiếng Anh nhiều hơn do môi trường lớp học được mở rộng ra thế giới bên ngoài, sinh viên được đóng vai trong các tình huống có thật trong cuộc sống.
- Sinh viên ít sợ sai và có thể mắc lỗi sai mà không gây hậu quả nghiêm trọng vì có thể được thực hành tình huống thật bên ngoài xã hội trong một môi trường an toàn của lớp học.
- Phát triển các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng xã hội.
- Phát triển nhận thức của sinh viên về bản thân và những người khác cũng như khả năng tưởng tượng và tính sáng tạo.
Quy trình thực hiện hoạt động "role-play"
Theo Huang (2008),
có 6 bước cơ bản trong quy trình sử dụng các hoạt động đóng vai
Bước
1: Chọn tài liệu giảng dạy. Giáo viên phải quyết định sử dụng nguồn
tài liệu giảng dạy nào cho hoạt động đóng vai. Các tài liệu giảng dạy có thể lấy
từ sách học của sinh viên hoặc bên ngoài như trong sách truyện, phim, v.v. hoặc
do chính giáo viên biên soạn. Nhìn chung, tài liệu giảng dạy phải được chọn sao
cho phù hợp với trình độ và sở thích, mục đích giảng dạy và điều kiện giảng dạy.
Bước 2: Chọn tình huống và tạo ra các biểu đồ tiến trình (biểu đồ thể hiện trình tự trình bày của các vai), lập các đoạn hội thoại mẫu.
Bước 3: Dạy các đoạn hội thoại mẫu để dùng trong hoạt động nói. Giáo viên cần dạy từ vựng, câu, ngữ pháp chức năng, và câu thoại cần thiết cho tình huống đóng vai để đảm bảo sinh viên biết cách sử dụng từ vựng, ngữ pháp trước khi đóng vai.
Bước 4: Để sinh viên luyện tập tình huống, hội thoại mẫu. Sinh viên có thể luyện tập theo cặp hoặc những nhóm nhỏ. Sau khi sinh viên luyện tập vai của mình, giáo viên có thể yêu cầu các em đổi vai để các em có cơ hội đóng vai khác nhau và luyện tập theo nhiều vai khác nhau.
Bước 5: Để sinh viên tự điều chỉnh đoạn hội thoại cho phù hợp với tình huống mà sinh viên được giao - áp dụng những kiến thức được học vào tình huống của mình. Khi sinh viên quen với tình huống ban đầu, các em có thể tự chỉnh sửa, thay đổi tình huống và / hoặc đoạn hội thoại gốc, tạo ra nhiều biến thể so với tình huống ban đầu.
Bước 6: Đánh giá hiệu quả của hoạt động đóng vai và kiểm tra việc sinh viên hiểu nghĩa của từ vựng, ngữ pháp, và đoạn hội thoại.
Trên đây là quy trình chung khi thực hiện hoạt động đóng vai trong dạy kỹ năng nói. Để có hiệu quả khi áp dụng dạy tiếng Anh cơ bản ở trường Đại học Văn hóa Hà nội, tôi xin đề xuất một vài điểm cần phải cân nhắc khi áp dụng "role-play" vào việc dạy kỹ năng nói.
Lưu ý khi thực hiện hoạt động đóng vai trong dạy nói
1. Thực trạng đối tượng sinh viên
Ở trường ta, sinh viên lớp cơ bản chủ yếu ở trình độ sơ cấp, gặp nhiều khó khăn trong kỹ năng nói, từ việc thiếu vốn từ vựng, hệ thống ngữ pháp, phần phát âm nhiều em cũng gặp khó khăn do nhiều lý do từ việc học một ngoại ngữ khác không phải là tiếng Anh từ các cấp dưới, cho đến việc không được dạy về cách đọc trong suốt những năm học trước mà chủ yếu chú trọng vào ngữ pháp để đi thi tốt nghiệp, hay tiếng Anh chỉ biết chút ít để thi không bị điểm liệt, v.v. thậm chí có em cũng không biết tiếng Anh. Vì vậy, nhiều em thấy khó có thể diễn đạt ý bằng tiếng Anh khi giáo viên muốn các em nói tiếng Anh. Ngoài ra, nhiều em còn sợ nói tiếng Anh vì sợ mắc lỗi. Vậy nên, đa số sinh viên không đủ tự tin để nói tiếng Anh và tham gia các hoạt động tương tác bằng tiếng Anh trên lớp. Hơn nữa, cũng có những em không thích tiếng Anh và theo các em này, các em không thích, thậm chí không muốn học vì thấy rằng tiếng Anh không cần thiết trong cuộc sống và công việc sau này của mình. Cũng có sinh viên không có nhiều thời gian học tiếng Anh vì còn bận đi làm thêm.
2. Thực trạng chương trình học tiếng Anh cơ bản
Hiện tại, chương trình học tiếng Anh cơ bản được áp dụng là New English File Elementary và New English File Pre-intermediate. Mỗi cuốn giáo trình gồm 9 bài, mỗi bài lớn (unit) gồm 4 bài nhỏ mà trong đó mỗi bài nhỏ lại gồm nhiều phần từ vựng, ngữ pháp kèm theo phần nghe, nói, đọc, viết, cùng với 1 bài tập trung luyện tập ngữ pháp, từ vựng trải đều các kỹ năng nói, nghe, đọc, 1 bài hướng dẫn và luyện viết và 1 bài xoay quanh từ vựng, cấu trúc ngữ pháp chức năng cho một tình huống cụ thể nhằm phát triển kỹ năng nghe và nói. Nội dung mỗi bài lớn (unit) tương đối nhiều và cũng gồm nhiều tài liệu tạo cơ hội cho sinh viên luyện tập. Tuy nhiên, vấn đề chính là khoảng thời gian cực kỳ hạn chế được phân bố cho từng bài sao cho sinh viên vừa nắm được từ vựng, kiến thức, vừa được luyện tập dưới sự hướng dẫn và chỉnh sửa của giáo viên. Cụ thể, mỗi kỳ sinh viên học cả một quyển giáo trình New English File Elementary hoặc New English File Pre-intermediat trong 45 tiết, mỗi tuần chỉ có 3 tiết (kéo dài trong 150 phút) để học tất cả các kỹ năng. Trung bình cứ 3 buổi trên lớp (450 phút) và 6 buổi ở nhà (900 phút), sinh viên phải học hết và nắm được nội dung từ vựng, ngữ pháp cũng như kỹ năng nói-nghe-đọc-viết của 2 bài lớn (unit), gồm 8 bài nhỏ, 2 bài luyện, 2 bài viết và 2 bài luyện nói nghe với từ vựng và ngữ pháp, cách nói trong 2 tình huống khác nhau. Như vậy, có thể thấy khối lượng kiến thức phải học trên lớp rất nhiều trong đó thời gian học và luyện rất ít, mà trong đó thời lượng dành cho việc dạy và học kỹ năng nói tiếng Anh trên lớp có rất ít, khoảng gần 40 phút. Trên lớp, sinh viên thường được khuyến khích nói tiếng Anh, đặc biệt sử dụng những từ vựng hay cấu trúc được học, nhưng khi buổi học kết thúc, hầu như các em có rất ít cơ hội để thực hành những kiến thức ấy bên ngoài lớp học. Kết quả, mặc dù có sinh viên đạt điểm cao, nhưng hầu như các em lại không sử dụng được, nói được tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày và kể cả trong công việc sau này.
3. Một số điều giáo viên cần chú ý
Thực trạng là vậy, giáo viên càng phải cố gắng hơn. Đầu tiên, giáo viên cần xác định rõ vai trò của mình. Trước hết, giáo viên phải là một người hướng dẫn tốt để tạo động lực cho sinh viên có hứng thú trước khi thực hiện. Giáo viên cần phải cho sinh viên hiểu rõ ràng sắp sửa làm gì, mục đích của từng sinh viên là gì và quan trọng là sinh viên cần thực hiện hoạt động theo các bước nào. Bên cạnh đó, việc chia cặp, chia nhóm thế nào cho phù hợp cũng ảnh hưởng đến mục tiêu của buổi học. Giáo viên nên chia theo tiêu chí các cặp hoặc nhóm bao gồm cả sinh viên giỏi, khá, trung bình. Giáo viên không nên giao cho sinh viên giỏi những vai dễ và ngược lại cũng không nên chỉ dẫn những sinh viên yếu vai quá khó và sinh viên được hướng dẫn đóng vai như là các nhân vật trong thực tế. Điều quan trọng nhất là tạo điều kiện tối đa để tất cả sinh viên có cơ hội được luyện tập và khơi dậy hứng thú, sự thoải mái, tự tin khi tham gia hoạt động trong các em. Tiếp đó, trong khi luyện tập, giáo viên cần thiết phải bao quát lớp. Giáo viên nên đi xung quanh lớp, đến các cặp, các nhóm để hỗ trợ nếu thấy cần thiết. Trong vai trò là người giám sát, hồ trợ, quan trọng nhất là giáo viên phải sửa lỗi kịp thời cho sinh viên để hướng quá trình luyện tập đạt mục tiêu ban đầu. Tuy nhiên, sửa lỗi ở đây không có nghĩa rằng lỗi nào cũng sửa mà chỉ sửa những lỗi cần thiết theo ngữ liệu từ vựng, ngữ pháp, hội thoại mẫu đã được nghe và biểu đồ tiến trình thực hiện theo chỉ dẫn trước khi luyện tập. Ngoài ra, giáo viên cần phải là người đánh giá hoạt động đóng vai của sinh viên. Giáo viên có thể đến từng nhóm, từng cặp và đưa ra nhận xét đối với từng sinh viên. Nếu thời gian ít, giáo viên có thể gọi một vài cặp, nhóm đóng vai trước lớp và yêu cầu các sinh viên khác góp ý, và sau đó đưa ra một số nhận xét của mình. Giáo viên có thể đánh giá theo nhiều tiêu chí, trong đó có sự tự nhiên, sự trôi chảy và sự chính xác. Sự tự nhiên của sinh viên thể hiện qua sự tự tin, qua cử chỉ, ánh mắt, nét mặt tức là sinh viên bộc lộ cảm xúc với tình huống như thực tế ngoài cuộc sống. Sự trôi chảy có thể hiểu là khả năng nói không bị gián đoạn, không quá nhanh, không quá chậm và rõ ràng, liền mạch. Sự chính xác được xác định dựa trên việc sinh viên có sử dụng cấu trúc ngữ pháp, từ vựng phù hợp hay không, phát âm có đúng trọng âm, rõ ràng hay không. Với các tiêu chí đánh giá trên, giáo viên nên xây dựng cho mỗi tiêu chí một thang đánh giá theo các độ từ thấp đến cao.
Nhìn chung, tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội, áp dụng hoạt động "role-play" (đóng vai) hiện vẫn chưa phổ biến trong việc dạy và học kỹ năng nói tiếng Anh trên lớp. Vì vậy, để áp dụng thành công, chúng ta cần hiểu rõ về quy trình thực hiện cũng như những vấn đề cần phải quan tâm trước khi áp dụng linh hoạt hoạt động này vào từng lớp.
Tài liệu tham khảo
1. Gower, R. (2005) et-al, Teaching Practice: A handbook for Teachers in Training, Oxford: Macmillan Education.
2. Huang, I.Y. (2008), Role play for ESL/EFL children in the classroom, September 2008 (http://iteslj.org/Techniques/Huang-RolePlay.html)
3. Ladousse, G.P. (1995), Role Play, New York: Oxford University Press.
4. Larsen-Freman, D. (2000). Techniques and Principles in Language Teaching (2nd ed.). Oxford: Oxford University Press.
5. Nunan, D. (1989). Designing tasks for the communicative classroom. Cambridge: Cambridge University Press.
Bài: Phạm Thị Tuyết Nhung
Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Quốc tế
Admin3