25/05/2018, 17:55

Những đặc trưng của tư duy lý luận

(ĐHVH)- Tư duy lý luận hoạt động trên những cấu trúc trừu tượng phổ quát đã được giải phóng khỏi mọi giới hạn của những đối tượng được cảm nhận giác quan (đối tượng của tư duy kinh nghiệm). Những quy định phổ biến trong các khách thể cụ thể, được tư duy lý luận tách một cách trừu tượng, tổ chức ...

(ĐHVH)- Tư duy lý luận hoạt động trên những cấu trúc trừu tượng phổ quát đã được giải phóng khỏi mọi giới hạn của những đối tượng được cảm nhận giác quan (đối tượng của tư duy kinh nghiệm). Những quy định phổ biến trong các khách thể cụ thể, được tư duy lý luận tách một cách trừu tượng, tổ chức lại thành các cấu trúc trừu tượng và hoạt động với chúng. 

Trong Tư bản chẳng hạn, hàng hóa với tính các đối tượng của tư duy lý luận là một cấu trúc trừu tượng phổ quát được tạo dụng từ những quy định phổ biến “giá trị” và “giá trị sử dụng”đã được trừu tượng khỏi các cá thể hàng hóa. Nhờ đó, tư duy lý luận về hàng hóa không còn diễn tả hàng hóa này hay hàng hóa nọ, hành vi trao đổi này hay hành vi trao đổi nọ, mà là diễn tả bản chất của mọi hàng hóa, mọi hành vi trao đổi và nguồn gốc của tất thảy những hiện tượng lệ thuộc vào chúng. Như vậy những đối tượng của tư duy lý luận là sản phẩm của tư duy và tồn tại dưới dạng như là hình thức lý tưởng hóa của những đối tượng kinh nghiệm. Trong quan hệ với đối tượng của tư duy kinh nghiệm, đối tượng của tư duy lý luận dường như là cái tuyệt đối, siêu không gian, siêu thời gian. Vì thế không một đối tượng nào của tư duy kinh nghiệm có thể bao chứa hết đối tượng của tư duy lý luận; mặt khác đối tượng của tư duy lý luận lại thể hiện và triển khai được trong các đối tượng của tư duy kinh nghiệm. Đối tượng của tư duy lý luận dường như tự do trong lĩnh vực hoạt động riêng của nó đồng thời là hình thức khái quát hóa các đối tượng của tư duy kinh nghiệm.

Tư duy lý luận là cách nhìn chính thể về hiện thực, tức là sự nhận thức khách thể trong tính thống nhất nội tại và tính sinh thành lịch sử. Cách nhìn kinh nghiệm (nhìn hiện thực trong sự phân hóa các hiện tượng) không cho phép tư duy vạch ra những tất yếu nội tại, do đó cũng không thể vạch ra những quy luật phổ quát. Cách nhìn lý luận là sự nhận thức khách thể trong tính thống nhất nội tại, cho phép tư duy vượt qua được tính cá thể đơn nhất của đối tượng kinh nghiệm để nắm lấy những gì thuộc về cái chung, tất yếu (những mối liên hệ mà nhờ đó khách thể thống nhất) tạo tiền đề cho việc xác lập các cấu trúc trừu tượng phổ quát. Cách nhìn lý luận cũng là sự nhận thức khách thể trong tính sinh thành lịch sử, cho phép tư duy vượt qua được tính mảnh đoạn của đối tượng của tư duy kinh nghiệm để giải thích hiện thực trong sự phát triển, vạch ra nguồn gốc, nguyên nhân của các sự kiện trong sự phát triển ấy và hơn nữa còn cho phép tư duy triển khai sự vận động của đối tượng vượt qua không gian và thời gian cụ thể để trở thành mô hình lý luận có thể diễn tả được khách thể hiện thực trong cả quá khứ, hiện tại cũng như tương lai. Trong Tư bản với cách nhìn chỉnh thể, Mác phát hiện ra”hàng hóa” tế bào kinh tế đơn giản nhất nhưng cũng là biểu hiện sâu xa nhất bản chất của chủ nghĩa tư bản (tính thống nhất nội tại về kinh tế của chủ nghĩa tư bản). Cho nên khi triển khai sự vận động của “hàng hóa” với tính cách là đối tượng của tư duy, Mác đã tạo ra mô hình lý luận diễn tả bản chất của chủ nghĩa tư bản dưới hình thái cái sinh thành lịch sử.

Với cách nhìn chỉnh thể về hiên thực, tư duy lý luận buộc phải sử dụng thường xuyên và có hệ thống các phương pháp nhận thức logíc: phân tích và tổng hợp, quy nạp và diễn dịch, logic và lịch sử, trừu tượng và cụ thể v.v... Ở đây việc sử dụng các phương pháp này không nói lên đặc trưng riêng của tư duy lý luận. Đặc trưng riêng của tư duy lý luận là việc sử dụng thường xuyên và có hệ thống các phương pháp đó, làm cho chúng trở thành nội dung logíc bên trong của sự vận động tri thức mà điều này thì không có ở tư duy kinh nghiệm. Trong Tư bản,  Mác sử dụng các phương pháp nhận thức như là logic bên trong của hệ thống tri thức lý luận; trong đó con đường đi từ trừu tượng đến cụ thể là hình thái tổng quát của chúng cho phép diễn tả chủ nghĩa tư bản như một chỉnh thể đang phát triển, vạch ra về mặt lý luận điểm tận cùng và những nhân tố phủ định của nó.

Tư duy lý luận sản sinh ra các tri thức gián tiếp có nội dung là những quy định tất yếu, bản chất và phản ảnh khách thể dưới hình thức cái phổ biến. Những tri thức lý luận được duy trì và hoạt động thông qua các hình thức logic như khái niệm, phán đoán và suy lý... Tuy nhiên các hình thức này không là của riêng tư duy lý luận, mà tư duy kinh nghiệm cũng có. Đặc trưng riêng của tư duy lý luận thể hiện ở đây là tính phổ quát của tri thức và tính chính thể của khách thể luôn được duy trì trong nội dung của những hình thức ấy và quy định sự vận động của chúng. Nếu không duy trì tính chỉnh thể của khách thể và tính phổ quát của tri thức trong các hình thức logic thì nói chung không có đối tượng lý luận và do đó cũng không có tư duy lý luận. Trong  Tư bản, Mác duy trì tính chỉnh thể của chủ nghĩa tư bản và tính phổ quát của tri thức trong nội dung logic của các khái niệm, phạm trù và luôn dựa vào đó để triển khai sự vận động của chúng.

Tư duy lý luận là cấp độ nhận thức cao nhất của con người, có vai trò quan trọng vượt hẳn so với tư duy kinh nghiệm trong việc chỉ đạo hoạt động thực tiễn của con người. Với khả năng thâm nhập vô hạn vào bản chất và quy luật của thế giới đối tượng, tư duy lý luận chỉ đạo có hiệu quả nhất đối với thực tiễn của con người trong hiện tại và cả tương lai. Về lâu dài tư duy lý luận có thể tạo ra những mô hình lý luận phù hợp với hiện thực khách quan chỉ đạo thực tiễn ngày càng có hiệu quả. Tuy nhiên do có trình độ trừu tượng và khái quát cao nên trong trường hợp bị tuyệt đối hóa, tư duy lý luận thường sa vào chủ nghĩa giáo điều, cứng nhắc. Ở trường hợp nào đó, để khắc phục chủ nghĩa giáo điều, tư duy lý luận lại phải thường xuyên liên hệ với kinh nghiệm và thực tiễn xã hội lịch sử của con người.


Bài: Nguyễn Mạnh Cương (Khoa LLCT&KHCB)

Admin5

  

 

0