25/05/2018, 17:55

Vai trò của gia đình trong việc giữ gìn, giáo dục đạo đức truyền thống

(ĐHVH)- Trong cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ tiến lên Chủ nghĩa xã hội của Đảng cộng sản Việt Nam có ghi: Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Còn trong công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em (1991) cũng có ...

(ĐHVH)- Trong cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ tiến lên Chủ nghĩa xã hội của Đảng cộng sản Việt Nam có ghi: Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Còn trong công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em (1991) cũng có viết: Việc giáo dục trẻ em (trong gia đình) phải được hướng tới phát triển tối đa nhân cách.

Gia đình là nơi con người bắt đầu sinh ra, lớn lên và hoàn thiện nhân cách. Nhiều người đã gọi gia đình là một “tổ ấm kỳ diệu”, là nơi truyền thụ đầu tiên những giá trị tinh thần.

Hiện nay, trước sự tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hoá thì gia đình càng đóng vai trò lớn lao trong việc giữ gìn những giá trị truyền thống, giáo dục đạo đức con người.

1. Gia đình Việt Nam truyền thống và việc tiếp thu, gìn giữ các giá trị  truyền thống

Gia đình là cấu trúc vi mô của xã hội. Trình độ phát triển của gia đình phản ánh trạng thái tồn tại của xã hội cả về vật chất và văn hoá. Gia đình Việt Nam là thiết chế xã hội có tính lâu đời và ổn định vào loại bậc nhất, sự hình thành và phát triển của gia đình đã in dấu trong những bước biến đổi thăng trầm của lịch sử dân tộc. Trước những biến đổi hết sức dữ dội của lịch sử, gia đình Việt Nam đã mang trong mình sức sống hết sức bền bỉ và mãnh liệt.

Dưới góc độ văn hoá, có thể nói gia đình Việt Nam đã thể hiện vai trò đặc biệt của nó trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống trên ba bình diện: nó là nơi tiếp nhận, giữ gìn và giáo dục truyền tải các giá trị truyền thống cho các thế hệ kế tiếp.

Văn hoá gia đình Việt Nam được xem xét từ sự vận động chung của nền văn hoá dân tộc, với các lớp cắt, bắt đầu từ cơ sở văn hoá bản địa, sau đó tiếp nhận thêm những giá trị tinh hoa của văn hoá phương Đông và phương Tây. Giao thoa và hội nhập là quy luật và phương thức tồn tại của bất kỳ nền văn hoá nào. Ở Việt Nam cũng vậy, những đặc điểm lịch sử cả về không gian và thời gian đã quy định sự hình thành nền văn hoá dân tộc trong đó tiếp nhận và nội hoá là một quá trình diễn ra thường xuyên liên tục.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, gia đình - trên cơ sở những chuẩn mực chung của xã hội mà tùy theo điều kiện hoàn cảnh đã xây dựng nên những nề nếp, gia phong khác nhau. Thông thường, các giá trị văn hoá ngoại lai xâm nhập vào xã hội đã bắt đầu từ đời sống gia đình và gia đình luôn ở vào tư thế sẵn sàng mở cửa tiếp nhận những gì phù hợp với tâm thức của mình. Sự cô đọng này phản ánh một quá trình tích luỹ và vận động liên tục, tiếp nhận và truyền tải, hình thành nên bản sắc hết sức phong phú, độc đáo.

Tính đặc thù của nền văn minh lúa nước với cuộc đấu tranh liên miên, trường kỳ với thiên nhiên khắc nghiệt, với kẻ thù hung bạo đã xây móng đắp nền cho những phẩm chất quý báu về tinh thần đoàn kết, lối sống cộng đồng của con người Việt Nam, thì tính cộng đồng cũng bén rễ sâu sắc và tạo thành bản sắc của gia đình Việt Nam. Gia đình Việt Nam cũng là một cộng đồng nhỏ cấu thành nên một cộng đồng lớn là dòng họ, làng xã. Mối quan hệ trong gia đình được mở rộng ra trong quan hệ với làng xóm, họ hàng. Cách tổ chức xã hội chịu ảnh hưởng sâu sắc của cách tổ chức, gìn giữ các mối dây liên hệ gia đình.

Gia đình Việt Nam coi trọng sự đầm ấm hoà thuận, lấy cơ sở tình thương và trách nhiệm là nguyên tắc xây dựng và bảo vệ gia đình. Tình thương trong gia đình được mở rộng thành tình thương với cộng đồng, tình yêu đối với quê hương, đất nước. “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”, gia đình Việt Nam trọng sự bình đẳng giữa nam và nữ: “Trai mà chi, gái mà chi. Sinh ra có nghĩa có nghì vẫn hơn”. Nhiều gia đình hợp thành một họ, nhiều họ hợp thành dân tộc, sức mạnh của hệ giá trị gia đình truyền thống bản địa đã góp phần không nhỏ, là điểm tựa đưa dân tộc vượt qua những thách thức của sự đồng hoá từ bên ngoài cả về ngôn ngữ và văn hoá suốt một ngàn năm Bắc thuộc.

Xâm nhập vào nước ta, các giáo lý của Trung Quốc, Ấn Độ đã tìm thấy một số nét tương đồng trong văn hoá gia đình Việt Nam. Lão giáo tìm thấy trong gia đình Việt Nam sự tương đồng từ tín ngưỡng thờ thần, thờ cúng tổ tiên, sự đam mê bói toán. Phật giáo tìm thấy cơ sở của nó trong sự khao khát cuộc sống bình yên, trong tâm thức về sự an phận, tin vào số phận cũng như tình cảm hướng tới cái thiện, tới việc tu dưỡng cả đạo đức lẫn tinh thần. Nho giáo thổi vào gia đình tính chặt chẽ của một hệ thống lễ nghĩa trong kỷ cương và trật tự, tôn ti. Không thể phủ nhận được một điều là chính ảnh hưởng của Nho giáo đã làm cho gia đình Việt Nam trở nên chặt chẽ và có tính văn hoá hơn rất nhiều. Do những thăng trầm và lận đận khi thâm nhập vào văn hoá Việt Nam, Thiên chúa giáo cuối cùng cũng đành chấp nhận tôn trọng tập tục riêng của gia đình, đặt bát hương thờ tổ tiên lên trên bàn thờ chúa.

Tuy vậy, gia đình Việt Nam không phải là một thiết chế khô cứng và thụ động, tiếp nhận các giá trị văn hoá khác theo hướng một chiều. Dung hoà và tiếp nhận những giá trị bên ngoài quả thực là một cuộc chiến kéo dài trong đó phần thắng bao giờ cũng thuộc về gia đình truyền thống. Trên cơ sở của một tinh thần chung là luôn chấp nhận, tiếp thu đổi mới nhưng trên thực tế gia đình Việt Nam cũng sẵn sàng khép cửa, quay lưng với tất cả những gì không phù hợp với bản chất nhân đạo và đặc điểm sống của gia đình và xã hội.

Đơn cử như trong việc tiếp nhận Phật giáo, bên cạnh các bà vãi nhất nhất đi chùa, gia đình đã hướng vào Phật giáo bằng chữ tâm, bằng con đường biến cái tu luyện của cá nhân thành sự tu luyện của cả gia đình - “tu tại gia”, các cá nhân phải làm tròn các trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Tu theo cách hiểu của người Việt Nam, do đó phải là sự gìn giữ gia phong đạo đức trong gia đình, dạy dỗ con cháu sống không tham lam, kiêu sa, không làm điều ác để giữ gìn phúc đức lâu dài. Khi cha mẹ tu dưỡng đạo đức, ăn ở hiền lành chính là để lại những di sản đạo đức tốt đẹp cho con cháu tương lai. Ngược lại, con cháu có thành đạt thì cũng phải nghĩ rằng đó là công đức mà tổ tiên đã vun trồng, xây đắp từ rất lâu, thông qua nhiều thế hệ. Mối quan hệ nhân quả được nhìn thấy trong quan hệ giữa thế hệ đi trước và thế hệ đi sau, đời cha ăn mặn, đời con khát nước. Người Việt Nam cho rằng cái đạo tu hành cao nhất là tu tại gia đình, là hiếu kính với ông bà cha mẹ:

“Thứ nhất là tu tại gia

Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”

“Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu

Tuy có sự đan xen pha trộn ảnh hưởng của nhiều giáo lý học thuyết khác nhau nhưng sự tiếp nhận Nho giáo vào đời sống gia đình Việt Nam được xem như là cơ sở quan trọng đã tạo ra sự thống nhất, thay đổi cơ bản. Những giáo điều của Nho giáo trở thành những chuẩn mực gia đình truyền thống bản địa, Nho giáo góp phần tạo thành những chuẩn mực đặc thù của văn hoá gia đình Việt Nam. Với quan niệm về tam cương, ngũ luân, Nho giáo đã diễn đạt đầy đủ nhất những mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội, quy định người ta phải làm gì, ứng xử ra sao trong từng trường hợp với cha mẹ, vợ chồng, anh em, bạn bè, với chính quyền. Từ nhà đến nước ra thiên hạ, cái đạo tu thân, tề gia của Nho giáo đã trở thành con đường để sĩ phu Việt Nam dùi mài kinh sử mong tiến thân đóng góp cho đời. “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” ở người đàn ông, “công, dung, ngôn, hạnh” ở người phụ nữ là những phẩm chất đạo đức được Nho giáo chỉ ra, cho đến nay vẫn là vấn đề gây tranh luận bàn cãi.

Từ nhận thức “người trung thần sinh ra từ người con hiếu thuận”, nhà nước phong kiến Việt Nam đã nhận ra những nhân lõi hợp lý của việc xây dựng và củng cố các quan hệ gia đình nhằm mở rộng chữ hiếu của con cái đối với cha mẹ thành chữ trung đối với nhà vua. Chế độ gia đình được nhà nước củng cố bằng luật pháp, bằng thi cử tuyển chọn nhân tài. Ví dụ như vua Lê Thánh Tông đã ban 24 điều giáo hoá, luật triều Nguyễn - luật Gia Long đề ra nhiều điều khoản quy định về gia đình trong đó đề cao vị trí quyền lợi của cha mẹ, đề ra nhiều quy phạm mà con cháu phải nhất mực tuân theo.

Văn hoá gia đình trên cơ sở sự hài hoà, mềm dẻo của văn hoá bản địa, tiếp nhận hệ thống lý thuyết của Nho giáo đã tạo ra những giá trị văn hoá mới chặt chẽ nhưng không kém phần uyển chuyển. Giữa tình và lý, người Việt Nam tôn trọng cái lý nhưng cái lý phải được dựa trên cái tình. Khi các quan hệ theo Nho giáo được đẩy mạnh lên thì tính chất hài hoà trong các quan hệ theo tâm thức bản địa cũng có phần bị mai một đi. Những quy chuẩn khắt khe của Nho giáo có lúc đẩy các quan hệ gia đình đi đến ngõ cụt. Sự ngu trung, ngu hiếu nhất nhất tuân theo những chuẩn mực của Nho giáo là nguyên nhân của những hạn chế khi nhìn nhận đánh giá sức mạnh riêng của bản sắc dân tộc, không nhìn nhận được sự vận động liên tục của xã hội bên ngoài, đẩy tương lai, tiền đồ đất nước đi vào bế tắc.

Thực tế cho thấy khi Nho giáo đã trở thành chuẩn mực chung của xã hội thông qua giáo dục gia đình thì chính bản thân gia đình cũng có những xu hướng và cách thức giáo dục khác nhau. Có thể phân ra các kiểu loại giáo dục trong các gia đình truyền thống như sau:

- Các gia đình bình dân: Không tiếp nhận trực tiếp Nho giáo từ sách vở, các gia đình này tiếp nhận Nho giáo theo tâm thức riêng phù hợp đời sống bản địa. Mặc dù quan tâm dạy con gìn giữ lễ nghĩa theo các chuẩn mực Nho giáo nhưng các gia đình này gần gũi hơn với cuộc sống giản dị của nhân dân, quan tâm giáo dục con cháu nếp sống chăm chỉ cần cù gắn liền với cuộc sống lao động, nghề nghiệp của gia đình.

- Các gia đình nhà Nho: Được chia thành hai loại:

+ Các nhà nho chân chính (chân nho) gắn sự thông hiểu kinh nghĩa của mình với vốn sống, vốn văn hoá dân tộc tạo ra tầm nhìn phóng khoáng. Họ biết chọn lọc trong Nho, Phật những gì phù hợp với gia đình và có ý thức rất cao về gìn giữ nếp sống gia đình. Trực tiếp tìm hiểu Nho giáo từ sách vở, gia đình nhà Nho thường rất quan tâm đến dạy dỗ con cái, coi thường sản nghiệp, dù nghèo nhưng vẫn cảm thấy tự hào khi con cái thông minh, học giỏi. Các gia đình này thường có ảnh hưởng tốt đối với cộng đồng.

+ Các gia đình nhà Nho máy móc, nệ cổ (hủ nho) thường hiểu Nho giáo một cách quá chặt chẽ khô cứng, đẩy Nho giáo đến chỗ cực đoan như: chiếu không ngay không ngồi, giấy có chữ phải để lên bàn thờ, nhà có con trai không được có bàn cờ, có con gái không được có đàn… Nhiều người trong số những nhà Nho như thế được xem như là những ông đồ dở, đồ gàn.

Tuy tiếp nhận Nho giáo một cách sâu sắc và toàn diện nhưng gia đình Việt Nam không đi đến chỗ bỏ rơi, đánh mất những cơ sở của nền văn hoá dân tộc. Ví dụ về cái đạo thực hành chữ hiếu, người Việt Nam có cách hiểu giản dị hơn so với Nho giáo, hiếu không chỉ hiếu với cha mẹ mà cái đạo hiếu lớn nhất là hiếu với dân với nước, theo tư duy nước mất thì nhà tan. Cùng chịu ảnh hưởng của Nho giáo nhưng giữa gia đình Việt Nam và gia đình Trung Quốc có những khác biệt không nhỏ. Nếu gia đình Trung Quốc, nền tảng của mối quan hệ dựa trên ý chí, trách nhiệm và chức phận thì ở Việt Nam, bao trùm lên tất cả là không khí của tình cảm, của sự nhân ái. Người Việt Nam đặc biệt là ở gia đình bình dân không bị giáo lý khắt khe của Nho giáo trói buộc một cách cứng nhắc, họ giải quyết tất cả các mối quan hệ không phải chỉ theo giáo lý và luật pháp mà trên cơ sở tình nghĩa. Nếu như Nho giáo trọng chồng thì trong thực tế người Việt Nam đôi khi lại coi trọng vợ hơn, “lệnh ông không bằng cồng bà”.

Gia đình phong kiến truyền thống đã bộc lộ rõ ràng những hạn chế của nó khi phải đối mặt với “một thế kỷ đổi thay”, đối mặt với các giá trị mới mẻ tiến bộ của văn minh phương Tây. Sự xuất hiện của những “chàng trai đua đòi, cô gái tân thời” và sự bế tắc, ảo tưởng trong dòng văn học lãng mạn của Tự lực văn đoàn những năm 30 thế kỷ XX đã thể hiện mong muốn thoát khỏi sự tù túng của những quy chuẩn truyền thống hướng tới cuộc sống cởi mở, tự do và bình đẳng.

  Cuộc cách mạng tháng Tám long trời lở đất đã hầu như làm thay đổi hoàn toàn những định hướng truyền thống, kế thừa nhiều giá trị tốt đẹp, khắc phục những hạn chế của văn hoá gia đình truyền thống, xây dựng những nguyên tắc tồn tại mới cho gia đình trên cơ sở bình đẳng, dân chủ và tiến bộ hơn. Trẻ em được đến trường, được đào tạo để trở thành những con người mới của chủ nghĩa xã hội. Bình đẳng giữa nam và nữ cũng như quyền trẻ em được đề cao. Hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa đã thay thế các ông đồ cùng những bài học luân lý Nho giáo của họ. Khác với nền giáo dục cũ chỉ nhấn mạnh đến đạo đức Nho giáo, nền giáo dục mới không chỉ dạy kiến thức văn hoá và đạo đức Lêninít mà còn đưa vào nội dung rèn luyện thân thể vào lao động sản xuất. Tư tưởng của nền giáo dục mới được Hồ Chủ tịch nhiều lần nhấn mạnh rằng nó phải chú trọng đến đạo đức, dạy cho các cháu đạo đức cách mạng, tình yêu tổ quốc, yêu lao động, thật thà, dũng cảm… Gia đình và xã hội Việt Nam đã ngay lập tức ủng hộ mạnh mẽ quá trình toàn cầu hoá các quyền cơ bản của trẻ em bằng việc phê chuẩn gần như ngay lập tức Công ước quốc tế về quyền của trẻ em do Liên Hiệp quốc đề xướng (1989).

2. Vai trò của gia đình với việc gìn giữ và giáo dục các giá trị truyền thống

Như trên đã nêu, so với những thiết chế xã hội khác, gia đình là một trong những thiết chế xã hội có sức sống bền bỉ và mãnh liệt nhất. Thực tế cho thấy, các giá trị văn hoá của dân tộc được lưu giữ trong gia đình thường bền chặt hơn ở ngoài xã hội vốn sôi động. Trong nhiều trường hợp, có những giá trị đã bị xã hội từ chối không chấp nhận nhưng vẫn được trân trọng gìn giữ trong nhiều gia đình. Thậm chí khi chuyển từ vùng này sang vùng khác, sinh sống trong môi trường xã hội hoàn toàn xa lạ nhưng nhiều gia đình vẫn có thể giữ được nề nếp sống, sinh hoạt quen thuộc của mình.

Chúng ta có thể dẫn ra đây nhiều lý do để giải thích về sự bền vững của các giá trị truyền thống trong gia đình so với sự bền vững mà còn lâu các thiết chế khác trong xã hội đạt tới được. Trước hết phải nói tới những đặc điểm về các mối quan hệ gia đình, liên quan đến sự gần gũi về huyết thống, sự gắn bó trong sợi dây tình cảm  đã khiến cho các quan hệ này bao giờ cũng chặt chẽ hơn các quan hệ khác ngoài xã hội.

Chính Ph.Ăngghen, trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, khi nhắc lại những nhận xét của Mác về sự giống nhau giữa thiết chế gia đình với những hệ thống chính trị, pháp luật, tôn giáo và triết học, đã cho rằng mọi thiết chế khác đều có thể thay đổi theo những điều kiện kinh tế xã hội khách quan, nhưng “chỉ khi nào gia đình đã hoàn toàn thay đổi thì những hệ thống ấy mới hoàn toàn thay đổi”. Cũng theo sự phân tích của Ph.Ăngghen, cơ sở căn bản cho sự bền vững của các giá trị gia đình chính là sự chặt chẽ của các quan hệ huyết thống. Những quan hệ này, thậm chí trong khi nhiều chuẩn mực và giá trị trong gia đình đã có thể thay đổi thì chính bản thân tính huyết thống của nó vẫn cứ chai sạn lại rất lâu.

Việc gia đình luôn luôn đứng ở vị trí cuối cùng của dãy hàng dọc, trên con đường đi tới sự đổi thay, đã chứng tỏ từ trong nội hàm của thiết chế gia đình chứa đựng không chỉ một sức cản lớn mà còn một khả năng lưu giữ và duy trì những giá trị và chuẩn mực được coi là truyền thống.

Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên của con người, giúp con người ngay từ khi còn thơ đã tiếp nhận được những chuẩn mực đúng đắn để hội nhập vào cuộc sống xã hội. Những giá trị được tiếp nhận từ tuổi thơ trong gia đình luôn là hành trang cần thiết cho con người mang theo làm phương châm xử thế. “Phúc đức tại mẫu”, “Cha mẹ hiền lành để phúc cho con” chính là những lời nhắc nhở về ảnh hưởng của gia đình trong gia đình đối với sự hình thành nhân cách con cái, đặc biệt là giáo dục thông qua truyền thống của gia đình. Truyền thống đó luôn đòi hỏi các thế hệ đi sau phải duy trì và làm sáng danh hơn những gì mà cha ông đã tạo dựng.

Lịch sử đã chứng minh rằng truyền thống gia đình, dòng họ đã là cái nôi đào tạo cho dân tộc rất nhiều nhân tài, là kênh quan trọng nhất để gìn giữ những giá trị tốt đẹp như tinh thần hiếu học, chăm học, yêu nước thương nòi của con người Việt Nam.

Chúng ta có thể dẫn ra đây nhiều ví dụ. Chẳng hạn, vào thế kỷ XV gia đình họ Nguyễn ở xứ Kim Đôi (nay là xã Kim Châu, Quế Võ, Bắc Ninh) có năm anh em đã đỗ tiến sĩ trong bốn khoa liền. Sáu người con của năm anh em lại đỗ tiến sĩ, thế là trong vòng 30 năm từ 1466-1496 cả hai thế hệ có cả thảy 11 người đỗ đại khoa. Thế kỷ XVI, XVII, XVIII họ Dương mở đầu là Dương Phúc Tư đỗ trạng nguyên năm 1547 quê ở Lạc Đạo (nay thuộc Mỹ Văn, Hưng Yên) đã có gần hai chục người đỗ tiến sĩ. Họ Vũ ở Mộ Trạch, huyện Đường An (nay thuộc Cẩm Bình, Hải Dương) có tới 31 người đỗ tiến sĩ.

Những gia đình này thường nêu cao nếp sống của người trí thức, có lòng yêu nước căm ghét gian tà, trọng đạo học, trọng nhân cách mà coi thường sự xu nịnh, không ham giàu sang phú quý. Việc giáo dục truyền thống trong các gia đình này luôn được quan tâm, vì thế những giá trị cao đẹp của ông cha đã được gìn giữ và truyền dạy cho các thế hệ con cháu. Các gia đình này thường không chạy theo phú quý hư danh mà chú trọng nhiều tới việc xây đắp những nền móng kiến thức cơ bản cho các thế hệ con cháu. Những gia đình có truyền thống tốt đẹp đó không những có ảnh hưởng sâu rộng đến họ hàng làng mạc mà có khi còn cả vùng lân cận. Lấy nền tảng gia đình làm cơ sở, họ còn mở rộng ảnh hưởng kiến thức của gia đình, mở trường dạy học trò ngay tại nhà. Có những gia đình dạy hàng trăm học trò, trong đó có nhiều người đỗ đạt cao, tạo thành một xu hướng, một trường phái trí thức riêng. Trường hợp họ Nguyễn ở làng Tiên Điền, Ngô gia văn phái ở làng Tả Thanh Oai là một ví dụ.

Truyền thống gia đình không chỉ dừng lại ở truyền thống trọng học vấn tri thức. Có những gia đình cả bố con đều là võ tướng một lòng trung trinh với đất nước, có gia đình cả nhà đều có tay khéo nghề tinh mà nhờ đó cuộc sống được thêm một phần dư dật, có gia đình cả nhà đàn giỏi hát hay có đóng góp nhiều cho âm nhạc, nghệ thuật… Bất luận thế nào thì truyền thống của gia đình, dòng họ thậm chí của cả làng xã, vùng là cái cơ sở để gìn giữ nền văn hoá chung của dân tộc.

Lịch sử dân tộc đã ghi nhận rất nhiều tấm gương nêu sáng gia phong bằng lối suy nghĩ vượt lên những quy chuẩn Nho giáo thông thường. Nguyễn Cảnh Dị gạt mối hận giết cha mà hợp tác với vua Trần( Hậu Trần) đánh giặc Minh, Nguyễn Trãi đã gạt nước mắt ở Ải Chi Lăng, từ bỏ đạo hiếu nhỏ để phục vụ đạo hiếu với dân tộc, đất nước.

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã than rằng: “Thà đui mà giữ đạo nhà”, ông thà làm người mù để không thấy cảnh nước mất nhà tan, đem thân dê chó mà phục vụ kẻ khác. Trong cuộc đấu tranh cách mạng, nhiều chiến sỹ đã nêu gương kiên trung, thà hi sinh thân mình để giữ chọn khí tiết của người cách mạng và của gia đình. Nhiều bà mẹ đã phải chịu đựng nỗi đau không gì bù đắp nổi khi chồng và các con không trở về.

Về xây dựng gia phong, gia huấn đã tạo ra một môi trường giáo dục thực sự nghiêm túc trong gia đình. Sau khi Nho giáo suy tàn và những lề lối của nó không còn phù hợp với cuộc sống thì gia huấn với những nguyên tắc của nó cũng mất dần đi ý nghĩa thực tiễn. Tuy vậy gia đình vẫn là nơi giáo dục, trang bị cho con người những hành trang nhân cách cần thiết để đủ sức hội nhập vào cuộc sống chung. Chính vì vậy mà sự cách tân, tìm tòi những nội dung, hình thức giáo dục truyền thống vẫn là điều có ý nghĩa.

Trong những năm gần đây nội dung, hình thức giáo dục gia đình có phần nào bị xem nhẹ, chẳng có mấy ai đề cập đến vấn đề gia phong trong xã hội mới. Điều đó đã gây ra những hậu quả không tốt về mặt xã hội. Gia đình mất dần kỷ cương lề lối, con cái xem thường cha mẹ, vợ chồng xung khắc, anh em tranh giành của cải tài sản, đánh đập lẫn nhau. Việc không có kỷ cương trong gia đình dẫn đến coi thường luật pháp ngoài xã hội. Một số thanh niên hư hỏng, sa đoạ, phạm pháp đã là nạn nhân của sự thiếu giáo dục trong gia đình.

Thực tế đó cho thấy việc thận trọng và đánh giá đúng mức các giá trị văn hoá truyền thống là điều hết sức có ý nghĩa trong xây dựng nền văn hoá mới tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xã hội công bằng văn minh. Việc nghiên cứu những giá trị của truyền thống của gia đình, những nhân lõi hợp lý của gia phong, gia huấn trong xây dựng nội dung giáo dục gia đình mới là việc làm hết sức có ý nghĩa thực tiễn. Chúng ta đã có gia đình văn hoá mới, thì không lẽ không xây dựng được gia phong, gia đạo mới.

 

Tài liệu tham khảo

 

1.       Phan Kế Bính (1990), Việt Nam phong tục, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh tái bản, Thành phố Hồ Chí Minh.

2.       Nguyễn Đăng Duy (2001), Một số vấn đề về văn hoá Việt Nam truyền thống và hiện đại, Nxb Lao động, Hà Nội.

3.       Phạm Đức Dương (2003), Văn hoá Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á,  Nxb Khoa học xã hội,  Hà Nội.

4.       Nguyễn Trọng Đệ chủ biên (1994), Giáo dục gia đình, Hội Tâm lý giáo dục Nghệ An xuất bản, Nghệ An.

5.       Trần Văn Giàu (1980), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

6.       Hồ Chí Minh về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (1999), Nxb Chính trị quốc gia.

7.       Hoàng Vinh (1998), Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng văn hoá ở nước ta hiện nay, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.


Bài: Giảng viên: Trần Thị Phương Thảo

Khoa: Lý luận chính trị và Khoa học cơ bản

0