25/05/2018, 17:55

Cải thiện kỹ năng nghe hiểu cho sinh viên không chuyên tiếng Anh

(ĐHVH HN) - Trong bốn kỹ năng ngôn ngữ, nghe hiểu được coi là kỹ năng khó nhất đối với sinh viên không chuyên tại các trường đại học và cao đẳng hiện nay, đòi hỏi quá trình luyện tập chăm chỉ, thường xuyên và lâu dài. Tuy nhiên, kỹ năng này có tính quyết định, đóng vai trò quan trọng trong quá ...

(ĐHVH HN) - Trong bốn kỹ năng ngôn ngữ, nghe hiểu được coi là kỹ năng khó nhất đối với sinh viên không chuyên tại các trường đại học và cao đẳng hiện nay, đòi hỏi quá trình luyện tập chăm chỉ, thường xuyên và lâu dài. Tuy nhiên, kỹ năng này có tính quyết định, đóng vai trò quan trọng trong quá trình thụ đắc ngôn ngữ, giúp nâng cao khả năng phát âm và kỹ năng giao tiếp cho sinh viên. Trong bài viết này, tác giả sẽ giới thiệu một số phương pháp hiệu quả giúp sinh viên có thể tự cải thiện kỹ năng nghe cho bản thân.

I.              Đặc điểm của hoạt động nghe hiểu

Nghe là một quá trình cho phép người nghe hiểu được một thông điệp, giúp họ tham gia vào hội thoại và thành công trong giao tiếp. Nếu không có kỹ năng nghe, người tham gia vào hoạt động giao tiếp sẽ không tiếp nhận được thông điệp, và do đó, họ cũng không thể phản hồi nhanh chóng và hiệu quả được. Vì vậy, kỹ năng nghe hiểu được xem là yếu tố cơ bản trong quá trình giao tiếp.

Nghe hiểu không còn là kỹ năng ngôn ngữ thụ động mà đã trở thành kỹ năng chủ động trong đó người học đóng vai trò tích cực của người tham dự thông tin được nghe, xử lý thông tin, hiểu được nội dung để cuối cùng phản hồi lại thông tin đó (Steil, Barker & Wakson, 1983). Chỉ khi nào người nghe có thể phản hồi được thì tiến trình nghe mới hoàn tất, quá trình giao tiếp mới đạt kết quả như  mong muốn.

Byrens và Meyer cho rằng “nghe hiểu là một kỹ năng giải quyết vấn đề rất phức tạp bao gồm việc đặt giả thiết, đưa ra suy luận dựa trên kiến thức về ngôn ngữ và văn cảnh”.  Nghe hiểu không chỉ đơn thuần đòi hỏi việc nghe và thu nhận âm thanh mà từ những âm thanh nghe được, họ tìm ra ý nghĩa của thông điệp nghe và liên hệ những gì họ nghe được với kiến thức họ đang có. 

Tóm lại, nghe hiểu là một quá trình chủ động chú ý tới âm thanh lời nói để nắm bắt được ý nghĩa của thông điệp nghe, trong đó người nghe dựa vào nhiều loại tri thức khác nhau để hiểu thông suốt toàn bộ thông điệp.

II.            Tầm quan trọng của hoạt động nghe hiểu

 Hoạt động nghe hiểu đóng vai trò quan trọng trong cả cuộc sống hàng ngày cũng như trong công tác giảng dạy và học ngôn ngữ.  Wolvin & Coakley (1988) khẳng định bất kể  trong hay ngoài lớp học, hoạt động nghe hiểu chiếm nhiều thời gian giao tiếp hàng ngày hơn bất cứ loại hình giao tiếp lời nói nào khác. 

Harmer (2003) cho rằng khi học một ngôn ngữ nào đó, người học cần phải tiếp xúc trực tiếp với ngôn ngữ đó và một trong những cách tốt nhất là thông qua nghe hiểu.

Theo nhà nghiên cứu Barker, nghe hiểu giúp người học mở rộng vốn từ vựng, phát triển trình độ sử dụng ngôn ngữ thành thạo, nâng cao khả năng phát âm và phát triển kỹ năng nói một cách tổng thể, bởi nghe hiểu là con đường chủ đạo qua đó người học có sự tiếp xúc đầu tiên với ngôn ngữ và nền văn hóa của ngôn ngữ đó.

Tóm lại, nghe hiểu được coi là một kỹ năng quan trọng dẫn tới sự thành công trong cuộc sống thường ngày cũng như trong lĩnh vực học thuật, đặc biệt có ảnh hưởng tích cực đến việc học ngoại ngữ.

III.         Những khó khăn trong quá trình nghe hiểu

Theo Yagang (1993), có 4 yếu tố cơ bản gây khó khăn đối với sinh viên trong khi nghe hiểu đó là thông điệp nghe, người nói, người nghe và bối cảnh nghe.

1.    Thông điệp nghe

1.1.          Nội dung của thông điệp

Phần lớn sinh viên nhận thấy việc tìm hiểu nội dung của một thông điệp nào đó thông qua hoạt động nghe bản ghi âm của nó thì khó hơn nhiều so với việc đọc thông điệp đó trên giấy. Điều này là do hoạt động nghe diễn ra rất nhanh và không lặp lại, trong khi hoạt đông đọc có thể kéo dài tùy thuộc vào nhu cầu của người đọc.

Ngoài ra, nội dung của tài liệu nghe rất phong phú, đa dạng, có thể đề cập đến một lĩnh vực nào đó của cuộc sống, hay đơn giản là những cuộc nói chuyện tầm phào diễn ra trên đường phố, những câu châm ngôn, tục ngữ, các sản phẩm mới ra mắt trên thị trường đến các tình huống hoàn toàn không quen thuộc đối với sinh viên. Hơn nữa, người nói chuyện trong một cuộc đối thoại tự nhiên thường hay thay đổi chủ đề khiến người nghe rất khó nắm bắt được nội dung.

1.2.          Các đặc điểm  ngôn ngữ

·       Hiện tượng nói nối âm của người bản ngữ, đó là nối phụ âm cuối của từ đứng trước với nguyên âm đầu của từ đứng sau.

Ví dụ: an orange (nối âm “n” với âm “o”);  keep on ( nối âm “p” với âm “ o”)

·       Hiện tượng nuốt âm là sự lược bỏ đi một hoặc nhiều âm (có thể là nguyên âm, phụ âm hoặc cả âm tiết) trong một từ hoặc một cụm từ khiến cho người nói phát âm dễ dàng hơn. Hành động nuốt âm thường xảy ra tự nhiên không chủ định nhưng cũng có thể có sự cân nhắc.

Ví dụ: 'I don't know' /I duno/ ; go away /’gəʊ_’weɪ/ ;

lots of them / lɒts əv ðəm / => / lɒts ə ðəm /

He passed his exam.  /hɪ ’pa:st ɪz ɪg’zæm/

Trong tiếng Anh các đặc điểm trên rất phổ biến, nhưng tiếng Việt thì không có những hiện tượng như thế. Vì vậy, đây là một trở ngại lớn đối với sinh viên Việt Nam khi nghe hiểu tiếng Anh.

2.    Người nói

Thứ nhất, người nói nói quá nhanh khiến sinh viên không thể theo kịp tốc độ để có thể hiểu hết được nội dung của bài nghe .

Thứ hai, trong bài nghe sinh viên có thể nghe  nhiều giọng nói tiếng Anh khác nhau như giọng Anh- Ấn, Anh- Trung, Anh- Úc...chứ không phải giọng Anh- Anh hay Anh-Mĩ chuẩn mà họ đã rất quen thuộc. Vì thế, họ khó mà hiểu được người nói đang nói gì.

Thứ ba, khi nghe các bản tin hay các đoạn văn được đọc to thì sinh viên có thể hiểu được nội dung một cách dễ dàng vì chúng thường được đọc với tốc độ, âm lượng, độ cao và ngữ điệu đều đều rất dễ nghe. Trong khi đó, ở các bài hội thoại tự nhiên người nói hay sử dụng lối nói luỡng lự, ngập ngừng, lối diễn đạt không liền mạch, ngữ điệu sử dụng đa dạng. Điều này cũng gây không ít trở ngại cho người nghe.

3.    Người nghe

Thiếu kiến thức văn hoá của nước bản xứ: Wardhaugh (1986) khẳng định ngôn ngữ và văn hoá có mối liên hệ không thể tách rời (inextricably), không thể hiểu và đánh giá ngôn ngữ ngoài yếu tố văn hoá. Do vậy, sinh viên đem áp đặt văn hoá, phong tục tập quán của nướcmình vào để giải mã nội dung thông tin trong bài học sẽ không chính xác, dẫn đến hiểu sai ý tưởng của nội dung cần chuyền tải.

Thiếu kiến thức ngôn ngữ: Vốn từ của sinh viên còn nhiều hạn chế, là trở ngại lớn nhất đối với quá trình học tập và rèn luyện kỹ năng nghe hiểu. Khi gặp từ mới, sinh viên thường phải dừng lại để suy nghĩ dẫn đến không nắm bắt được thông tin tiếp theo. Cách phát âm từ vựng cũng là một sự trở ngại nữa cho sinh viên. Những sự biến đổi âm trong lời nói nhanh và liên tục trong bài so với cách phát âm rõ ràng từng âm tiết của giáo viên trên lớp làm cho sinh viên bối rối. Ngoài ra, sự xuất hiện đồng hoá âm (assimilation), hiện tượng nuốt âm (elision), sự nối âm (liaision) trong chuỗi lời nói tiếng Anh gây khó khăn không nhỏ đối với sinh viên không chuyên ở trường đại học và cao đẳng.

Thiếu kiến thức nền cũng là một thách thức cho quá trình nghe hiểu của của sinh viên.Vì, kiến thức nền có tác động nhiều đến việc hiểu chủ đề nghe. Người học xây dựng ý nghĩa của bài nghe bằng cách chia nhỏ những gì họ nghe (hoặc đọc) thành các đơn vị có ý nghĩa, sau đó ghép chúng lại, dựa vào kiến thức xã hội và ngôn ngữ sẵn có của họ, rồi dùng suy đoán logic điền vào chỗ trống. Người học với lượng kiến thức nền về một chủ đề ở các mức độ khác nhau sẽ hiểu và diễn giải thông tin mới theo các cách khác nhau khi họ giải mã thông tin mới. (Rubin, 1994)

4.    Bối cảnh nghe

Tiếng ồn do những tạp âm trong quá trình thu âm, tiếng chuông điện thoại, tiếng người nói chuyện, tiếng nhạc... ở môi trường xung quanh nơi diễn ra hoạt động nghe hiểu đều có thể làm phân tán sự tập trung của người nghe vào bài nghe. Chất lượng âm thanh của các thiết bị nghe nhìn không được tốt cũng gây ảnh hưởng đến người nghe.

IV.           Các phương pháp giúp sinh viên nghe hiểu tốt

1.    Học cách phát âm chuẩn

Nắm được cách phát âm và trọng âm là chìa khóa vàng giúp sinh viên nghe tốt tiếng Anh, nhất là trong trường hợp phải nghe những đoạn nói nhanh.  Để có thể nâng cao khả năng phát âm của mình thì các em có thể dành thời gian thường xuyên tiếp xúc với người bản xứ nói tiếng Anh hoặc có thể tham gia câu lạc bộ tiếng Anh tạo cho mình cơ hội đươc hòa mình vào môi trường thực hành tiếng thực sự . Ngoài ra, các em nên  tạo thói quen tìm hiểu cách phát âm của  mỗi từ mới mà mình gặp phải bằng cách sử dụng từ điển có phiên âm chuẩn như Longman Dictionary of Contemporary English, Longman Advanced American Dictionary…rồi  học cách nhấn trọng âm ở các từ quan trọng trong mỗi câu. Các em nên chú ý nghe và đọc theo để phát âm chính xác các từ, rồi bắt chước nói cả câu sao cho đúng ngữ điệu kết hợp sử dụng lối nối âm, nuốt âm... trong lúc nghe đĩa hay xem bất cứ chương trình tiếng Anh nào.

2.    Luyện nghe hàng ngày

Sự luyện tập chăm chỉ sẽ khiến con người trở nên hoàn thiện. Vậy, để có thể nghe tốt tiếng Anh chỉ bằng cách luyên nghe thật nhiều và thường xuyên. Thậm chí, ngay cả khi các em đang trên xe buýt tới trường, đang luyện tập thể thao, hay đang dọn dẹp nhà cửa, các em cũng nên bật chương trình gì đó mà các em yêu thích để luyện nghe tiếng Anh.

Các em có thể truy cập vào các trang web của các chương trình sau đây để luyên nghe:

·       VOA Special English - bản tin Anh- Mĩ

·       BBC Six-Minute English – bản tin Anh- Anh

·       Elllo.org – các đoạn hội thoại và cuộc trò chuyện với nhiều giọng nói tiếng Anh khác nhau.

 

3.    Luyện nghe đúng phương pháp

Nghe sai cách là:

·       chỉ cố gắng nghe một lần.

·       cảm thấy bực mình và chán nản khi không hiểu được từng từ.

·       từ bỏ, không tiếp tục nghe nữa vì không hiểu được nội dung của bài nghe đang nói về vấn đề gì.

Sau đây là một số phương pháp giúp sinh viên có thể nghe tốt:

a.     Nghe thụ động

Ỏ lần nghe đầu tiên, các em không cần phải quá chú tâm đến nội dung bài nghe. Nếu các em không hiểu gì cũng đừng nản mà vẫn kiên trì nghe tiếp. Đây được gọi là quá trình ‘tắm ngôn ngữ’ hay nghe thụ động. Quá trình này rất cần thiết, giúp các em làm quen với cách phát âm chuẩn từ vựng tiếng Anh, trọng âm từ, trọng âm câu, rồi ngữ điệu...Chỉ cần các em nghe thụ động liên tục trong một thời gian dài, chắc chắn các em sẽ bắt chước được cách phát âm chuẩn các từ riêng lẻ, thậm chí cả câu tiếng Anh hoàn chỉnh mà không gặp khó khăn gì.

Các em cũng có thể luyện nghe thông qua việc xem các bản tin tiếng Anh trên các kênh chính thống như BBC hay CNN. Việc nghe với hình ảnh động khiến các em không chán so với việc chỉ nghe mỗi tiếng nói, đồng thời nhờ có hình ảnh kèm theo các em cũng đoán được phần nào nội dung chính của bản tin.

b.     Nghe chủ động

Sau khi nghe thụ động trong một khoảng thời gian nhất định, các em nên chuyển sang quá trình nghe chủ động. Đây là cách rút ngắn thời gian giúp các em cải thiện được khả năng nghe hiểu cho bản thân.

Nghe chủ động là khi nghe các em phải thực sự hiểu đoạn văn, đoạn hội thoại có nội dung gì, đang nói về điều gì. Vì thế, các em có thể hoàn toàn trả lời bất cứ câu hỏi gì liên quan đến nội dung bài nghe. Quá trình này đòi hỏi  sự tích cực lắng nghe và tập trung để hiểu, chứ không phải phương pháp “tắm ngôn ngữ” như nghe thụ động. Muốn rèn luyện kỹ năng nghe chủ động, các em cần phải không ngừng trau dồi vốn từ vựng cũng như nền tảng phát âm chuẩn xác.

Thứ nhất, các em có thể chọn một đoạn tin tức, thời sự hoặc một đoạn hội thoại giao tiếp rồi nghe nhiều lần và đoán nội dung của nó. Sau đó, các em nhìn vào script và nghe lại thêm nhiều lần nữa để học cách phát âm những từ chưa nghe được. Cuối cùng, tra nghĩa từ mới, tóm lược nội dung và nghe lại đoạn văn để đảm bảo vừa nghe được đầy đủ, chính xác các từ, vừa nắm được nội dung.

Thứ hai, các em có thể áp dụng phương pháp ngược lại với cách nghe trên. Trước tiên, các em xem script, tra nghĩa những từ mới, nắm được nội dung đoạn văn. Sau đó, nghe đi nghe lại nhiều lần để theo kịp tốc độ và cách phát âm của người đọc. Cuối cùng, tập đọc lại đoạn văn ấy đến khi nào phát âm chuẩn xác và với tốc độ tương tự người nói trong bài vừa nghe.

Thứ ba, chọn một số bài hát yêu thích kèm theo cả lời bài hát, rồi vừa nghe vừa nhìn vào lyrics. Sau đó học thuộc lòng và hát song song với ca sĩ, cố gắng phát âm cũng như giữ tốc độ và trường độ cho đúng.

4.    Nâng cao vốn từ vựng

Muốn nghe tốt tiếng Anh thì phải nhớ thật nhiều từ vựng. Các em có thể học từ vựng bằng cách chọn nhóm từ vựng cần học, sử dụng hình ảnh, âm thanh để giúp các em nhớ hơn, dùng một quyển sổ nhỏ để ghi lại các từ và cụm từ, học từ vựng liên quan và ôn lại từ mới một cách thường xuyên.

Kết luận

Kỹ năng nghe hiểu đóng vai trò quan trọng trong quá trình học ngoại ngữ, giúp người học mở rộng vốn từ vựng, phát triển trình độ sử dụng ngôn ngữ thành thạo, nâng cao khả năng phát âm và phát triển kỹ năng nói một cách tổng thể. Tác giả hy vọng các phương pháp được đề cập trong bài viết này sẽ giúp cho sinh viên có thể nghe hiểu tốt tiếng Anh.

 

Tài liệu tham khảo

1.     Duzer, C.V. (1997). Improving ESL Learners’ Listening Skills: At The Workplace And Beyond. Available online:  http://www.cal.org/caela/esl_resources/digests/LISTENQA.html

2.     Nunan, D., & Miller, L. (Eds.). (1995). New Ways in Teaching Listening. Alexandria, VA: Teachers of English to Speakers of Other Languages. (ERIC Document Reproduction Service No. ED 388 054)

3.     Renukadevi, D. (2014). The Role of Listening in Language Acquisition; the Challenges & Strategies in Teaching Listening.  Available online: 

http://www.ripublication.com/ijeisv1n1/ijeisv4n1_13.pdf

4.     Yagang, F. (1993).  Listening: Problems and solutions. Available online:

http://www.valrc.org/courses/ESOL%20basics/ESOL%20Basics/Lesson%205/Listening.pdf

 

Bài: Mai Lan Anh

Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Quốc tế

 

Admin3
0