25/05/2018, 17:59

Dạy kỹ năng Nghe cho sinh viên không chuyên qua các bài hát tiếng Anh

(ĐHVH HN) - Trong quá trình học tiếng Anh, sinh viên không chuyên gặp phải không ít khó khăn và Nghe dường như là thách thức lớn nhất đối với họ. Thực tế cho thấy phải mất khá nhiều thời gian và công sức mới có thể đạt được tiến bộ trong kỹ năng này. Có nhiều cách hỗ trợ việc dạy và học kỹ năng ...

(ĐHVH HN) - Trong quá trình học tiếng Anh, sinh viên không chuyên gặp phải không ít khó khăn và Nghe dường như là thách thức lớn nhất đối với họ. Thực tế cho thấy phải mất khá nhiều thời gian và công sức mới có thể đạt được tiến bộ trong kỹ năng này. Có nhiều cách hỗ trợ việc dạy và học kỹ năng Nghe như dùng đồ vật, dùng thẻ ghi chú (flash card), dùng hình ảnh hay sử dụng máy chiếu, phim ảnh, video và một số hoạt động ngôn ngữ như trò chơi, bài hát, kể chuyện, v.v.

Trong tất cả các phương pháp trên thì học nghe tiếng Anh qua ca khúc được coi là cách sáng tạo và hiệu quả giúp sinh viên tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. Bài viết đưa ra một số khó khăn trong quá trình học kỹ năng Nghe để từ đó chỉ ra lợi ích của việc sử dụng các bài hát tiếng Anh cùng một vài dạng bài tập đi kèm với hi vọng ít nhiều nâng cao hiệu quả và động lực cho sinh viên không chuyên tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

1.Khái niệm Nghe

1.1.Định nghĩa

Theo Howatt và Dakin (1974) thì Nghe là khả năng nhận ra và hiểu những gì người khác đang nói. Quá trình này liên quan đến việc hiểu giọng nói hay cách phát âm của người nói, ngữ pháp và từ vựng mà người nói sử dụng và đặc biệt là hiểu được ý nghĩa mà người nói muốn truyền đạt. Cũng theo hai nhà khoa học này thì một người nghe tốt là người có thể làm bốn điều này cùng một lúc.

Cùng chung quan điểm với các tác giả trên, Rost (1991) cho rằng Nghe bao gồm một số kỹ năng thành phần như phân biệt giữa âm thanh, nhận dạng từ, xác định các nhóm ngữ pháp, các cụm từ và chuỗi lời nói để tạo ý nghĩa, đồng thời kết nối tín hiệu ngôn ngữ với các tín hiệu phi ngôn ngữ và kết hợp việc sử dụng kiến thức nền để dự đoán ý nghĩa phát ngôn của người nói.

Như vậy, các định nghĩa trên cho thấy Nghe là một quá trình phức tạp và chủ động. Nhiệm vụ của Nghe không chỉ là tiếp nhận âm thanh mà nó còn đòi hỏi sự phân tích cùng kỹ năng dự đoán, kiểm tra, khái quát để xác định được thông điệp của lời nói.

1.2.Các dạng thức Nghe

Các nhà ngôn ngữ học như Wolvin & Coakley (1996) và Johna Kline (1996) nhận định rằng việc phân loại kỹ năng Nghe thành các dạng thức khác nhau phụ thuộc vào từng tình huống và mục đích của việc Nghe. Theo tác giả Johna Kline (1996) thì Nghe được chia thành năm loại như sau:

Nghe để lấy thông tin hay Nghe hiểu (Informative listening)

Đối với hình thức này, mối quan tâm chính của người nghe là hiểu được thông điệp của lời nói. Dạng thức nghe này xuất hiện ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta. Có thể nói phần lớn việc học của chúng ta đến từ việc lắng nghe thông tin.
Nghe để xây dựng mối quan hệ (Relationship listening)

Mục đích của loại hình này nhằm giúp đỡ một cá nhân hay để cải thiện và xây dựng mối quan hệ giữa các cá nhân. Hình thức nghe này thường được thấy khi các nhân viên tư vấn, nhân viên y tế hay các chuyên gia cho phép một người gặp khó khăn nói chuyện về vấn đề mà họ gặp phải.

Nghe để thưởng thức (Appreciative listening)

Dạng thức này tập trung vào việc tận hưởng những gì người ta lắng nghe, ví dụ như khi nghe một bài hát tiếng Anh hay nghe một diễn giả nói chuyện. Thứ bạn quan tâm ở đây không phải là nguồn gốc của thông điệp mà bởi vì bạn thích phong cách của họ hay chỉ là để thưởng thức âm nhạc.

Nghe để đánh giá (Critical listening)

Đây là loại Nghe mà người nghe phải đánh giá thông điệp họ nhận được. Người nghe phải phản hồi một cách nghiêm túc thông điệp và đưa ra quan điểm của họ.

Nghe để phân biệt (Discriminative listening)

Đây được coi là loại hình quan trọng nhất vì nó là cơ bản cho bốn dạng thức Nghe ở trên. Mục tiêu này không nhằm vào ý nghĩa thông điệp mà thay vào đó là tập trung vào âm thanh. Tùy thuộc vào trình độ của học sinh, hình thức này thường là phân biệt âm thanh để xác định các từ riêng lẻ.

1.3.Khó khăn khi học kỹ năng Nghe

Đa số người học đều có nhận định rằng một văn bản nếu ở dạng viết có thể đơn giản đối với họ trong xử lý thông tin, nhưng cũng văn bản đó ở dạng nói thì người học lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc nắm bắt nội dung chính của bài. Tại sao lại như vậy? Dưới đây là quan điểm của một số tác giả khi đưa ra những khó khăn mà người học thường gặp phải trong quá trình học kỹ năng Nghe.
 
Theo Ur, P. (1996), tác giả của nhiều cuốn sách viết về việc dạy tiếng thì người học thường gặp phải những khó khăn sau đây khi học nghe: (1) Không nhận ra được các âm mà người Anh nói; (2) Có thói quen phải hiểu tất cả các từ trong câu mới hiểu được nội dung của bài; (3) Không thể hiểu được khi người Anh nói nhanh một cách tự nhiên; (4) Cần phải nghe nhiều lần mới có thể hiểu được; (5) Thấy khó có thể nắm bắt được tất cả các thông tin và không dự đoán được điều mà người nói sắp nói; (6) Nếu phải nghe kéo dài, người học sẽ cảm thấy mệt mỏi và thiếu tập trung.     

Khi đề cập đến những khó khăn của người học đối với môn nghe, hai nhà giáo học pháp ngoại ngữ là Nguyễn Bàng và Nguyễn Bá Ngọc cũng liệt kê ra sáu khó khăn sau đây: (1) Gặp khó khăn với các âm tiếng Anh; (2) Phải hiểu hết các từ; (3) Không hiểu được khi người Anh nói nhanh tự nhiên; (4) Thấy khó có thể theo kịp tốc độ của người Anh; (5) Cần nghe đi nghe lại nhiều lần; (6) Mệt mỏi và thất vọng.

Trong cuốn ‘Teaching Listening’, Underwood (1989) cũng đưa ra một số khó khăn của người học nghe. Đó là: (1) Không theo kịp được tốc độ của người nói; (2) Không thể nhắc lại được thông tin; (3) Hạn chế về vốn từ vựng; (4) Không nhớ hết tất cả các thông tin nghe được; (5) Không nắm bắt được thông tin chính; (6) Không thể tập trung và (7) Không hình thành được thói quen nghe.

Như vậy, theo quan điểm của các nhà ngôn ngữ học thì người học, đặc biệt là sinh viên không chuyên, gặp phải khá nhiều khó khăn khi học kỹ năng Nghe. Do đó, để vượt qua các trở ngại này, sinh viên phải tiếp xúc nhiều hơn với các loại hình nghe khác nhau. Mặt khác, giáo viên có vai trò quan trọng trong việc dạy cho sinh viên các chiến lược và áp dụng chúng một cách hiệu quả khi học kỹ năng Nghe.

2.Sử dụng bài hát tiếng Anh làm động lực thúc đẩy sinh viên không chuyên học kỹ năng Nghe

Tầm quan trọng của động lực trong việc dạy và học ngoại ngữ đã được thảo luận trong nhiều năm qua. Không thể phủ nhận động lực là yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công trong dạy và học các kỹ năng thực hành tiếng. Từ lâu, đã có không ít nghiên cứu về việc sử dụng các bài hát tiếng Anh và hiệu quả của nó trong học ngoại ngữ nói chung và học kỹ năng Nghe nói riêng. Ở trên, sinh viên không chuyên phải đối mặt với nhiều khó khăn khi học Nghe. Một trong những phương pháp học nghe hiệu quả và mang lại nhiều hứng thú cho sinh viên là thông qua các bài hát bởi các ca khúc bằng tiếng Anh giúp ích rất nhiều trong việc nâng cao động lực của sinh viên khi học kỹ năng Nghe.

2.1.Ưu điểm

Hiện nay, giáo trình New English File của các tác giả Clive Oxenden, Christina Latham –Koenig và Paul Seligson đang được sử dụng trong nhà trường ở cả 3 cấp độ: Elementary, Pre-Intermediate và Intermediate. Phần phát triển kỹ năng Nghe được thiết kế với khá nhiều các bài hát cho cả phần nghe bắt buộc và nghe mở rộng. Các bài hát có lượng từ vựng vừa phải, có nội dung tích cực, chủ đề tập trung vào tình bạn, tình yêu, hòa bình và thiên nhiên rất phù hợp với mục đích giảng dạy và nhận được nhiều sự quan tâm từ sinh viên.

Hơn nữa, nhịp điệu của các bài hát khá đơn giản, các đoạn điệp khúc được lặp đi lặp lại cùng với giai điệu khá vui tươi như bài Kaching trong cuốn Intermediate, bài Unchained melody trong cuốn Elementary, bài White flag trong cuốn Pre-Intermediate giúp mang lại sự thoải mái, thư giãn cho sinh viên trong giờ học, xóa đi cảm giác căng thẳng hay lo sợ khi họ làm các bài tập nghe.

Đặc biệt, đối với sinh viên không chuyên năm thứ nhất, việc sử dụng bài hát giúp cải thiện các kỹ năng nghe từ dưới lên (bottom-up listening skills) như nhận dạng từ, nhận dạng liên kết từ, trọng âm của từ, tăng cường sự tập trung khi nghe cũng như các kỹ năng nghe hiểu khác. Ở cấp độ cao hơn như đối với cuốn Intermediate cho sinh viên năm thứ hai, các bài hát tiếng Anh được sử dụng trong dạy kỹ năng Nghe còn giúp họ nâng cao vốn từ vựng và ghi nhớ các kiến thức ngữ pháp dễ dàng hơn. Ngoài ra, nó còn giúp phát triển các khía cạnh và kỹ năng khác như phát âm (nghe và hát theo), viết chính tả (nghe và chép lại lời bài hát), nói (nghe và thảo luận ý nghĩa của bài hát hay các lĩnh vực khác có liên quan đến chủ đề).

2.2.Nhược điểm

Mặc dù có nhiều lợi ích song việc sử dụng bài hát trong các lớp học tiếng Anh cũng gây ra một số bất lợi. Đầu tiên là lớp học sẽ trở nên ồn ào và khó kiểm soát. Sinh viên bị phân tâm bởi âm nhạc. Một số thường lắc lư theo điệu nhạc du dương để thư giãn, giảm căng thẳng hay lẩm bẩm hát theo lời bài hát mà đôi khi quên mất phải hoàn thành các bài tập nghe đi kèm. Thêm vào đó, các lớp học lân cận bị ảnh hưởng. Quan trọng hơn, âm thanh trong các bài hát không rõ ràng để sinh viên phân biệt vì các ca sỹ thường nối âm khi hát và còn vì ảnh hưởng không nhỏ của âm nhạc đi kèm.

2.3.Một số hoạt động khi nghe bài hát tiếng Anh

Bên cạnh các bài tập trong giáo trình, để đem lại hiệu quả cao nhất, giáo viên có thể thiết kế thêm một số dạng bài tập hay một số hoạt động phù hợp với khả năng của sinh viên ở các cấp độ khác nhau.

Điền từ: Sinh viên được yêu cầu nghe bài hát và điền vào chỗ trống với các từ còn thiếu. Các từ này có thể cho trước hoặc sinh viên phải tự nhận ra trong khi nghe.

*Listening (Unit 4- Elementary): Song Unchained melody
Listen and complete the song with I, me, my, mine, or your.
Oh........my love, ........darling,
........hunger for........touch,
A long, lonely time
And time can do so much,
Are you still.......?
........need......love.
.......need.....love.
God speed your love to.........

*Listening (Unit 2- Intermediate): Song Ka-ching
Listen to a song about money and fill in the blanks with the words you hear.
We live in a .............little world
that teaches every little boy and girl
to........as much as they can possibly,
then turn around and spend it foolishly.
We’ve created us a..................mess,
we..........the money that we don’t possess
Our religion is to go and...........it all,
so it’s shopping every Sunday at the..................

Chọn Đúng/ Sai: Sinh viên nghe bài hát và đánh dấu câu Đúng hay Sai
*Listening (Unit 4- Intermediate): Song Our house
Listen to the song. Mark the sentences True or False. Correct the false ones.
1.The kids are playing upstairs.
2.Mother needs a rest because she has got a headache.
3.Father wears his best clothes on Sunday.
4.Their house is in the corner of the street.
5.Mother doesn’t allow mess in their house.

Tìm và sửa lỗi: Sinh viên nghe bài hát và tìm ra lỗi sai. Dạng bài tập này thường tập trung vào các từ hay gây nhầm lẫn cho sinh viên khi nghe như từ đồng âm nhưng khác nghĩa và khác cách viết (homophones) hoặc các từ có cách phát âm nghe gần giống nhau (similar-sound words).
*Listening (Unit 3- Elementary): Song Oh Pretty Woman
Listen to the song and find out the mistakes.
Pretty woman stop away
Pretty woman talk away
Pretty woman give your smile to me
Pretty woman yeah, yeah, yeah
Pretty woman look my wave
Pretty woman say you'll stay with me
'Cause I need you, I'll trick you write
Come with me baby, be my tonight

Chọn câu trả lời đúng: Sinh viên nghe bài hát và chọn ra phương án tối ưu nhất, ví dụ như chọn câu chủ đề cho bài hát.
*Listening (Unit 2- Intermediate): Song Ka-ching
What do you think the song is saying?
a.Money always makes people happy.
b.The world has become obsessed with money.
c.The singer would like to have more money.

Trả lời câu hỏi: Sinh viên nghe bài hát và trả lời các câu hỏi đi kèm.
*Listening (Unit 3- Pre-intermediate): Song White Flag
Listen to the song and answers the questions.
1.What does the man promise to do?
2.What did he cause?
3.Why will there be no white flag above his door?

Chính tả: Sinh viên được yêu cầu nghe và chép lại lời của bài hát. Những bài hát này thường có lượng từ vựng phù hợp, âm thanh rõ ràng với nhiều đoạn điệp khúc giúp sinh viên có thể dễ dàng ghi chép lại lời sau một hoặc hai lần nghe.
*Listening (Unit 3- Intermediate): Song You can get it if you really want
You can get it if you really want 
You can get it if you really want 
You can get it if you really want 
But you must try, try and try, try and try 
You'll succeed at last, mmh, yeah
Persecution you must fear 
Win or lose you're about to get your share 
Got your mind set on a dream 
You can get it though hard it may seem now
You can get it if you really want 
You can get it if you really want
You can get it if you really want 
But you must try, try and try, try and try 
You'll succeed at last, I know it

Thảo luận: Sinh viên nghe bài hát sau đó chọn ý nghĩa của bài hát. Ở cấp độ cao hơn, sinh viên có thể được yêu cầu thảo luận về ý nghĩa của bài hát hoặc các khía cạnh khác xoay quanh chủ đề.
*Listening (Unit 4- Elementary): Song Unchained melody
Listen to the song. What does the song mean?
a.I’m happy because you love me.
b.I’m sad because you’re not with me.
*Listening (Unit 2- Intermediate): Song Ka-ching
Listen to the song. Which of these sentences best describes your attitude to money? Explain the reasons for your choice.
1.All I want is enough money to enjoy life.
2.Money is very important to me. I’d like to earn as much as possible.
3.I would be happy to live with less money and fewer possessions.
 
 
Kết luận

Kỹ năng Nghe có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình học ngoại ngữ vì nó có tác động rất tích cực đến các kỹ năng khác như Nói, Đọc, Viết, giúp luyện phát âm và mở rộng vốn từ vựng. Do vậy, làm thế nào để sinh viên đạt tiến bộ trong khi nghe là thách thức không nhỏ đối với cả giáo viên và sinh viên. Chúng tôi hi vọng việc sử dụng bài hát cùng với các dạng bài tập đã gợi ý ở trên sẽ phần nào giúp sinh viên vượt qua nỗi sợ hãi để đạt hiệu quả cao khi học nghe.

--
Tác giả: ThS. Nguyễn Thanh Tâm (Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Quốc tế)
 
--
Tài liệu tham khảo
1.Bàng, Nguyễn & Ngọc, Nguyễn Bá. (2002). A Course in TEFL Theory & Practice II. Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
2.Howatt, A. & J. Dakin. (1974). Language laboratory materials, ed. J. P. B. Allen, S.P.B. Allen, and S. P. Corder.
3.Johna Kline. (1996). Listening Effectively. Air University (U.S.)Press. Edition, illustrated.
4.Oxenden, C. & Latham-Koenig, C. (1997). New English File. Oxford University Press.
5. Rost, M. (1991). Listening in action. London: Prentice Hall. Nambiar, S.A. (1985). The use of pop songs in language learning, Guidelines – a periodical for classroom language teachers, Volume & number 1, June 1985.
6.Underwood, M. (1989). Teaching listening. New York. Longman.
7.Ur, P. (1996). A course in Language Teaching. Cambridge University Press.
8.Wolvin, A.D. & Coakley, C. (1985). Listening. Dubuque. William. C. Brown.
--
Admin4
0