25/05/2018, 17:59

Một số điểm mới trong luật du lịch sửa đổi năm 2017 - Bước bứt phá cho du lịch Việt Nam

(ĐHVH HN) - Luật du lịch đầu tiên được ban hành vào năm 2005 là văn bản đầu tiên trong lĩnh vực du lịch. Từ khi ban hành văn bản này, hoạt động du lịch Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng đa dạng hóa, linh hoạt về cả loại hình du lịch, xu hướng du lịch, cách thức lựa chọn và sử dụng ...

(ĐHVH HN) - Luật du lịch đầu tiên được ban hành vào năm 2005 là văn bản đầu tiên trong lĩnh vực du lịch. Từ khi ban hành văn bản này, hoạt động du lịch Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng đa dạng hóa, linh hoạt về cả loại hình du lịch, xu hướng du lịch, cách thức lựa chọn và sử dụng tour du lịch cũng như việc sử dụng thanh toán điện tử trong hoạt động du lịch. Việc sửa đổi luật du lịch là việc làm cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động du lịch, tạo điều kiện để thúc đẩy ngành du lịch, đảm bảo hài hòa quyền và nghĩa vụ cho du khách và tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ du lịch. Qua 6 lần sửa đổi, Luật du lịch sửa đổi 2017 vừa được Quốc hội thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2017, tuy còn nhiều ý kiến tranh luận song được kỳ vọng là sự bứt phá cho ngành du lịch nước ta. Bài viết đề cập tới một số điểm mới trong luật du lịch sửa đổi mà những người công tác và hoạt động trong ngành du lịch có thể tham khảo.
  1. Đặt vấn đề
Luật du lịch sửa đổi đã được rút gọn xuống còn 9 chương và 78 điều nhằm chuyền tải những nội dung đúng đắn và mới mẻ theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trên cơ sở lấy du khách làm trọng tâm và khẳng định du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp mũi nhọn.

Nghị quyết 08 chỉ rõ “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”. Nghị quyết cũng cho thấy sự chuyển biến quan trọng về nhận thức khi xác định vị trí của kinh tế du lịch với tư cách là động lực cho sự phát triển kinh tế với bản chất là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao, nội dung văn hóa sâu sắc và được phát triển theo đúng tính chất của một ngành kinh tế (vận hành theo quy luật thị trường). Nghị quyết cũng giải quyết những vấn đề còn tồn tại nhiều năm như: thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, các chính sách ưu đãi đầu tư vào các khu du lịch và sản phẩm du lịch, các chính sách về giá điện, thuế sử dụng đất, tiền thuê đất, thủ tục nhập cảnh, tổ chức bộ máy nhà nước về du lịch,… Trong Nghị quyết cũng chỉ xác định rõ 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ và toàn diện phải thực hiện trong thời gian tới như: đổi mới về nhận thức, tư duy về phát triển du lịch;cơ cấu lại ngành du lịch; hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; tạo mội trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

Về cơ bản Luật du lịch sửa đổi năm 2017 đã thể hiện được tinh thần của Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (thể hiện trong các quy định về chính sách phát triển du lịch và trong nội dung luật), là ngành kinh tế tổng hợp hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự phân  công rõ ràng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, của từng ngành, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp du lịch, đưa tiêu chuẩn hướng dẫn viên du lịch đồng thời định hướng, tạo điều kiện thuận lợi và hành lang pháp lý thông thoáng để các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch phát triển.

Cụ thể, Luật Du lịch sửa đổi bổ sung và chỉnh sửa một số khái niệm, tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến du lịch và quản lý Nhà nước về du lịch. Đối tượng áp dụng của Luật là các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài; các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam; các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến du lịch, điều kiện của hướng dẫn viên du lịch, sản phẩm du lịch, du lịch cộng đồng, xây dựng quỹ xúc tiến du lịch, phương án xét cấp hạng sao, điều kiện kinh doanh lữ hành, điểm du lịch …

Trong điều kiện ngành du lịch nước ta tuy sở hữu nhiều tiềm năng và tài nguyên du lịch nhưng còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập trong quản lý nhà nước về du lịch, việc kinh doanh du lịch tự phát, manh mún hay vấn đề bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch… sự ra đời của Luật du lịch sửa đổi là bước tạo đà cho sự đột phá của ngành du lịch nước ta .
  1. Một số điểm mới trong Luật du lịch sửa đổi năm 2017
Về các thuật ngữ, Luật đã bổ sung thêm một số thuật ngữ như sản phẩm du lịch, hướng dẫn viên du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, xúc tiến du lịch đồng thời sửa lại định nghĩa của một số thuật ngữ nhằm đảm bảo tính hiện đại và liên thông của các thuật ngữ này.

Về điều kiện kinh doanh lữ hành, Luật năm 2005 quy định khá chi tiết điều kiện kinh doanh lữ hành, nhưng lại rất đơn giản về điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa. Điều kiện kinh doanh lữ hành đang tồn tại nhiều mâu thuẫn cần tháo gỡ. Trong đó pháp luật quy định doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế phải có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Trên thực tế, giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế là một hình thức để cơ quan có thẩm quyền công nhận việc doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế đã đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh (bao gồm cả việc ký quỹ đặt cọc để đảm bảo đền bù cho khách nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật). Tuy nhiên, doanh nghiệp lữ hành nội địa lại không yêu cầu phải có giấy phép, không phải ký quỹ đặt cọc, không quy định bắt buộc các doanh nghiệp lữ hành nội địa phải báo cáo về hoạt động. Như vậy là không có sự đồng bộ với hệ thống pháp luật và tạo sự bất công bằng giữa các doanh nghiệp lữ hành nội địa và quốc tế, tạo ra lỗ hổng trong quản lý các doanh nghiệp lữ hành nội địa. Khắc phục những điểm yếu trong Luật 2005, Luật du lịch sửa đổi 2017 bổ sung đối tượng phải cấp phép kinh doanh lữ hành cũng như các điều kiện bảo đảm phù hợp với quy định của Luật đầu tư nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các doanh nghiệp lữ hành. Từ đó các đơn vị chức năng sẽ tăng cường quản lý nhà nước để tránh hậu quả pháp lý do chỉ thực hiện công tác hậu kiểm, bảo đảm an toàn hơn cho du khách. Luật cũng đã bổ sung điều kiện có nghiệp vụ chuyên môn đối với Giám đốc điều hành về kinh doanh lữ hành của doanh nghiệp. Do tính chất khác nhau của kinh doanh lữ hành quốc tế và lữ hành nội địa nên ngoài sự khác biệt về mức tiền ký quỹ, Luật đòi hỏi sự khác nhau về chuyên môn, nghiệp vụ của Giám đốc điều hành doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa hoặc quốc tế. Luật cũng điều chỉnh phạm vi kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo đúng mức độ mà Việt Nam đã cam kết khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới.

Về điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch, Luật bổ sung thêm điều kiện đảm bảo quy chuẩn đối với loại cơ sở lưu trú du lịch do Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành. Quy chuẩn này sẽ quy định những điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và người lao động đối với từng loại cơ sở lưu trú du lịch nhằm bảo vệ quyền lợi của khách du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ lưu trú phải bằng hoặc cao hơn mức độ tối thiểu nào đó khi đã mang danh là “du lịch” và phòng ngừa việc lạm dụng, gây hiểu nhầm về loại hình cơ sở lưu trú du lịch dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, không minh bạch của các cơ sở lưu trú du lịch.

Việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Theo đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch được xếp hạng theo tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, công bố chất lượng dịch vụ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như đưa vào cơ sở dữ liệu xúc tiến du lịch quốc gia. Hạng cơ sở lưu trú du lịch bao gồm 1 sao, 2 sao, 3 sao, 4 sao và 5 sao. Tổng cục Du lịch thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao và hạng 5 sao; Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 1 sao, hạng 2 sao và hạng 3 sao. Việc công nhận hạng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được coi như một chứng nhận về chất lượng. Cơ sở lưu trú du lịch có thể dùng chứng nhận này để phát triển thương hiệu, quảng cáo sản phẩm dịch vụ. Sau khi đăng ký và được xếp hạng, cơ sở sẽ được giới thiệu, quảng bá rộng rãi trong các hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia và địa phương. Khách du lịch sử dụng dịch vụ lưu trú được cơ quan nhà nước xếp hạng theo tiêu chuẩn quốc gia sẽ cảm thấy an tâm, tin tưởng. Số lượng khách sử dụng cơ sở lưu trú được xếp hạng sẽ tăng lên từ đó doanh thu của doanh nghiệp tăng lên và doanh nghiệp sẽ có nhu cần đăng ký thẩm định xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Quy định này một lần nữa khẳng định tôn trọng quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp. Để thực hiện tốt quy định này cần tăng cường công tác hậu kiểm, nghiêm cấm hành vi tự công bố hạng sao, lợi dụng quy định mở, thông thoáng để trục lợi nhằm đảm bảo công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở lưu trú có đăng ký xếp hạng và các cơ sở lưu trú không đăng ký xếp hạng. 

Bên cạnh các dịch vụ du lịch cơ bản là lữ hành, lưu trú, vận tải, khách du lịch còn sử dụng nhiều dịch vụ khác như ăn uống, mua sắm, thể thao, giải trí, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp… trong quá trình đi du lịch. Việc phát triển các dịch vụ này không chỉ đáp ứng yêu cầu của khách du lịch mà còn góp phần nâng cao doanh thu từ du lịch, tạo việc làm cho xã hội. Luật đã bổ sung quy định các tổ chức, cá nhân được tạo điều kiện thuận lợi, được hỗ trợ khi phát triển các dịch vụ du lịch liên quan, đặc biệt là các dịch vụ khai thác các giá trị truyền thống như nghệ thuật biểu diễn, làng nghề, y học cổ truyền, các môn thể thao dân tộc… phục vụ khách du lịch. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch này ngoài việc đảm bảo quy định theo pháp luật của các ngành nghề liên quan, nếu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch sẽ được gắn biển nhằm quảng bá, xây dựng thương hiệu cho cơ sở cũng như đảm bảo quyền lợi người sử dụng dịch vụ. 

Hướng dẫn viên du lịch là một lực lượng lao động đông đảo, đóng vai trò quan trọng, nhiều khi có vai trò quyết định mức độ hài lòng của khách du lịch. Điều 73 của luật 2005 quy định hướng dẫn viên được hành nghề khi có thẻ hướng dẫn viên và có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành. Tuy nhiên trên thực tế, một hướng dẫn viên du lịch có thể cùng một lúc ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp lữ hành, nên điều đó có ý nghĩa khi hướng dẫn viên du lịch hành nghề tự do, chỉ nhận công việc theo từng đoàn khách cụ thể. Nhằm đảm bảo quyền lợi của hướng dẫn viên, của khách du lịch cũng như của doanh nghiệp lữ hành, Luật sửa đổi quy định hướng dẫn viên phải sinh hoạt trong một tổ chức nào đó, có thể là doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp chuyên cung cấp hướng dẫn viên hay hiệp hội hướng dẫn viên. Do đối tượng phục vụ khác nhau đòi hỏi hướng dẫn viên cho khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế phải có những hiểu biết khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa, thái độ ứng xử, kỹ năng nghiệp vụ…Vì vậy, Luật đã sửa đổi các quy định về hướng dẫn viên du lịch, phân chia hướng dẫn viên theo chương trình thành hướng dẫn viên du lịch nội địa và hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Theo đó, các điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên, hồ sơ đề nghị cấp thẻ được điều chỉnh phù hợp với việc phân loại này. Luật cũng điều chỉnh quy định, tạo cơ chế thông thoáng, thuận tiện hơn và thay đổi nhận thức về nghề hướng dẫn viên du lịch. Việc sửa đổi đã góp phần khắc phục hạn chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập ASEAN và thực thi Thỏa thuận thừa nhận nghề lẫn nhau giữa các nước ASEAN đã ký kết và phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam. Để phù hợp với thực tiễn, Luật quy định hướng dẫn viên theo chương trình du lịch và hướng dẫn viên tại điểm. Điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên được quy định thống nhất và đơn giản hơn, không phân biệt hướng dẫn viên nội địa và hướng dẫn viên quốc tế, chỉ căn cứ vào ngôn ngữ sử dụng khi hướng dẫn khách du lịch. Yêu cầu về trình độ cũng được điều chỉnh theo hướng giảm xuống (từ cử nhân xuống trung cấp). Quy định này nhằm giải quyết tình trạng thiếu hướng dẫn viên du lịch trong mùa cao điểm. Luật sửa đổi cũng sử dụng khái niệm hướng dẫn viên tại điểm thay thế cho khái niệm thuyết minh viên, bổ sung quy định về điều kiện, thẩm quyền cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Luật sửa đổi cũng mở rộng điều kiện hành nghề hướng dẫn viên, theo đó, ngoài việc hành nghề trên cơ sở hợp đồng giao kết với doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên có thể hành nghề theo hợp đồng giao kết với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn hoặc tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.

Để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp và sự bình đẳng của khách du lịch, Luật sửa đổi đã quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành mua bảo hiểm cho tất cả các khách thay vì mua bảo hiểm cho khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài.

Nhằm phù hợp với quy định của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp, Luật du lịch sửa đổi quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh lữ hành đưa khách du lịch vào Việt Nam và đưa khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài, không giới hạn ở loại hình doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp trong hoạt động lữ hành.
 
Luật đã bổ sung thêm nội dung quy định về Văn phòng xúc tiến du lịch và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch nhằm tạo ra một cơ hội mới cho ngành du lịch giúp nâng cao chất lượng du lịch. Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, do Thủ tướng Chính phủ thành lập, phê chuẩn điều lệ tổ chức và hoạt động. Trong Luật sửa đổi cũng quy định “trích một phần phí tham quan, phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài” vào nguồn thu của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; thủ tục cấp bổ sung thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước.

Luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có quy định nghiêm cấm làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người ra nước ngoài hoặc vào Việt Nam trái pháp luật; xâm hại tài nguyên du lịch, môi trường du lịch; phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch, tranh giành khách, nài ép khách mua hàng hóa, dịch vụ; kinh doanh trong lĩnh vực du lịch khi chưa đủ điều kiện, không có giấy phép kinh doanh hoặc không duy trì điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp khác hoặc cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh; hành nghề hướng dẫn du lịch khi không đủ điều kiện hành nghề; quảng cáo không đúng loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận; quảng cáo về loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận…

Đối với việc bảo vệ môi trường du lịch, Luật khẳng định: Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình ban hành quy định nhằm bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch; UBND các cấp có biện pháp bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch phù hợp với thực tế của địa phương; Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch có trách nhiệm thu gom, xử lý các loại chất thải phát sinh trong hoạt động kinh doanh; khắc phục tác động tiêu cực do hoạt động của mình gây ra đối với môi trường; có biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội trong cơ sở kinh doanh của mình; Khách du lịch, cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ cảnh quan, môi trường, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc; có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự nhằm nâng cao hình ảnh đất nước, con người và du lịch Việt Nam để bảo đảm môi trường du lịch phải được bảo vệ, tôn tạo và phát triển theo hướng xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, lành mạnh và văn minh.

Về kinh doanh dịch vụ du lịch khác, khách du lịch ngoài việc sử dụng các dịch vụ du lịch cơ bản như lữ hành, hướng dẫn du lịch, lưu trú du lịch còn có thể sử dụng nhiều dịch vụ liên quan như mua sắm, ăn uống, giải trí, thể thao,… để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp, bảo vệ quyền lợi cho khách du lịch, góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch và hình ảnh của tổ chức, cá nhân kinh doanh, Luật du lịch sửa đổi quy định việc cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho cơ sở kinh doanh du lịch.

Bên cạnh đó, các quy định về nguyên tắc phát triển du lịch; chính sách phát triển du lịch; quyền và nghĩa vụ của khách du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; kinh doanh du lịch trực tuyến;  điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận điểm du lịch… cũng được quy định rất đầy đủ, cụ thể .

Trong bối cảnh phát triển của du lịch Việt Nam có nhiều thay đổi, nhất là trong giai đoạn gần đây. Du lịch thế giới và khu vực châu Á Thái Bình Dương phát triển mạnh cùng với quá trình phát triển kinh tế nhanh, hội nhập sâu rộng của Việt Nam với thế giới và khu vực ASEAN, tạo ra những cơ hội và cả thách thức cho phát triển ngành du lịch. Những đòi hỏi về nguồn lực tăng trưởng và thay đổi cấu trúc kinh tế tại Việt Nam đặt ra nhiệm vụ mới cho ngành du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng của đất nước trong thời gian trước mắt. Những điều này được khẳng định trong chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật Du lịch sau 10 năm thực thi cũng bắt đầu bộc lộ những điểm không phù hợp với thực tiễn của hoạt động kinh doanh và quản lý du lịch. Việc hoàn thiện và thông qua Luật Du lịch sửa đổi sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, phù hợp với quy mô, tốc độ phát triển của hoạt động du lịch trong xu thế hội nhập đồng thời giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về du lịch, đảm bảo quyền của người dân được hưởng thụ các giá trị du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn và góp phần phát triển kinh tế trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bài:
Phạm Phương Liên, Khoa Thư viện Thông tin

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Luật du lịch 2005
  2. Luật du lịch sửa đổi 2017
  3. Nghị quyế t 08 của Bộ Chính trị
0