25/05/2018, 17:59

Nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thông tin thư viện ở Việt Nam

(ĐHVH HN) - Sở hữu trí tuệ (Intellectual property - IP) là một trong những lĩnh vực được quan tâm hàng đầu hiện nay trong xã hội. Không chỉ tác động mạnh mẽ tới thương mại, doanh nghiệp và xã hội, sở hữu trí tuệ còn trở thành một trong những công cụ tác động mạnh mẽ tới các ngành nghề tưởng chừng ...

(ĐHVH HN) - Sở hữu trí tuệ (Intellectual property - IP) là một trong những lĩnh vực được quan tâm hàng đầu hiện nay trong xã hội. Không chỉ tác động mạnh mẽ tới thương mại, doanh nghiệp và xã hội, sở hữu trí tuệ còn trở thành một trong những công cụ tác động mạnh mẽ tới các ngành nghề tưởng chừng không liên quan như: hành chính, văn thư…  Nhận thức về sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng bởi nó kích thích sự sáng tạo của các chủ thể sáng tạo, từ đó gián tiếp thúc đẩy xã hội phát triển. Trong lĩnh vực hoạt động thông tin thư viện, nhận thức về sở hữu trí tuệ còn khá sơ sài, khiến  cho trong rất nhiều khâu của hoạt động gặp trở ngại. Bài viết đề cập đến tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong xã hội, sự hình thành sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, vai trò của sở hữu trí tuệ trong hoạt động thông tin thư viện, nhận thức về sở hữu trí tuệ trong hoạt động này, trên cơ sở đó đề xuất một số ý kiến nhằm nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trong hoạt động thông tin thư viện ở Việt Nam.
  1. Sở hữu trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ    
Sở hữu trí tuệ được hiểu là việc sở hữu các tài sản trí tuệ những kết quả từ hoạt động tư duy, sáng tạo của con người. Đối tượng của loại sở hữu này là các tài sản phi vật chất nhưng có giá trị kinh tế, tinh thần to lớn góp phần quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nền văn minh, khoa học, công nghệ của nhân loại. Có thể kể đến các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các công trình khoa học kỹ thuật ứng dụng cũng như các tên gọi, hình ảnh được sử dụng trong hoạt động thương mại.

Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của cá nhân, pháp nhân đối với các sản phẩm trí tuệ do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Đó là độc quyền được công nhận cho một người, một nhóm người hoặc một tổ chức cho phép họ sử dụng hay khai thác các khía cạnh thương mại của một sản phẩm sáng tạo.

Quyền sở hữu trí tuệ là quyền đối với các sản phẩm sáng tạo trí tuệ, sử dụng và chuyển giao các đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan và quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng cũng như các quan hệ pháp luật dân sự khác những tranh chấp liên quan đến việc xác lập quyền, sử dụng và chuyển giao các đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ. Đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ bao gồm: quyền tác giả các tác phẩm văn học nghệ thuật, sáng chế giải pháp hữu ích, bí mật kinh doanh, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ hàng hóa, tên thương mại, giống cây trồng mới, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp.

Trên thế giới, khái niệm bản quyền đã có từ khoảng thế kỷ XVII ở nước Anh với luật bảo vệ những tác phẩm sáng tạo của nghệ sỹ, ca sỹ và sau này là các nhà làm phim, chuyên gia viết phần mềm... Thậm chí, trong Hiến pháp Hoa Kỳ còn ghi nhận “quốc hội có quyền nhằm thúc đầy tiến bộ khoa học và nghệ thuật bằng cách đảm bảo quyền tối cao của tác giả và nhà phát minh trong một khoảng thời gian nhất định đối với các tác phẩm và phát minh của họ”. Ý tưởng của bản quyền nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung là những tác giả sáng tạo cần được hưởng thành quả lao động của mình trong một khoảng thời gian nhất định và sau đó những thành quả này thuộc về xã hội.

Ở Việt Nam, khái niệm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được quy định trong luật sở hữu trí tuệ và nhiều văn bản liên quan. Trong những văn bản này đề cập bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là tất cả những hành vi mà nhà nước thực hiện nhằm công nhận và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể nhà nước thực hiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ, thực hiện quản lý nhà nước đối với quyền sở hữu trí tuệ, quy định các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và quy định các biện pháp xử lỹ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ không liên quan tới xác lập quyền sở hữu trí tuệ mà nhằm chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đảm bảo cho quyền sở hữu trí tuệ được tôn trọng. Đối tượng được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Đó là tác giả các tác phẩm, tác giả của sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, kiểu dáng công nghiệp, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan, chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp và các chủ thể khác.

Mục đích của bảo hộ sở hữu trí tuệ là cho đến cùng là phát triển xã hội. Trong khi để tạo ra một kỹ thuật mới, sáng tác một tác phẩm cần rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc thì đánh cắp sản phẩm hay bắt chước kỹ thuật lại không cần nhiều thời gian và tiền bạc. Vì vậy việc bảo hộ quyền lợi của những người sáng tạo không được thực hiện có nghĩa là các sản phẩm giả mạo trôi nổi trên thị trường dẫn tới việc thu lợi ích từ việc kinh doanh hay buôn bán của người sáng tạo trở nên khó khăn, ảnh hưởng tới nhiệt huyết của người sáng tạo từ đó gián tiếp ảnh hưởng tới sự phát triển xã hội.
  1. Sự hình thành sở hữu trí tuệ ở Việt Nam
Ở Việt Nam, ngay từ bản hiến pháp đầu tiên vào năm 1946, nhà nước Việt Nam đã ghi nhận những quyền cơ bản của công dân liên quan đến quyền tác giả, thể hiện tư tưởng tiến bộ nhân văn về quyền con người. Đó là quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản của công dân, là “nhà nước cam kết bảo vệ quyền lợi của trí thức, tôn trọng quyền tư hữu tư nhân về tài sản”. Tư tưởng đó lại tiếp tục được thể hiện tại hiến pháp 1959, 1980 và 1992. Tuy nhiên phải đến Hiến pháp năm 1980 quyền tác giả mới chính thức được công nhận là quyền công dân. Hiến pháp 2013 cũng chỉ rõ: công dân có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ những hoạt động đó (điều 40); nhà nước bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (điều 62).

Năm 1986 với nghị định 142/ HĐBT lần đầu tiên ở Việt Nam một văn bản riêng biệt về quyền tác giả được ban hành với những quy định cơ bản, ban đầu vói sự giúp đỡ của hàng VAB (hãng bảo hộ quyền tác giả của Liên xô). Trước yêu cầu của sự phát triển, Ủy ban thường vụ quốc hội đã thông qua pháp lệnh về quyền tác giả vào tháng 4 - 1994. Tạo kỳ họp thứ 8 khóa 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua bộ luật Dân sự, trong đó có các quy định về quyền tác giả với 36 điều quy định riêng về quyền tác giả.

Để thúc đẩy các bước phát triển mới trong hoạt động bảo hộ tại quốc gia và hội nhập quốc tế, tại kỳ họp 8 khóa 9 ngày 29 - 11 - 2005, Quốc hội đã thông qua luật sở hữu trí tuệ.

Trong các bộ luật như: Luật báo chí, luật xuất bản, luật di sản văn hóa, luật điện ảnh, pháp lệnh quảng cáo cũng có một số điều khoản quy định về quyền tác giả, nhằm tăng cường quản lý ở các lĩnh vực đặc biệt quan trọng này.

Đồng thời với hệ thống pháp luật quốc gia đã được định hình, hiệp định đa phương và song phương về thiết lập các quan hệ về quyền tác giả cũng có hiệu lực thi hành.

Cùng với các điều ước song phương, Việt nam đã là thành viên của các điều ước quốc tế đa phươngnhư công ước Berne, công ước Roma, công ước Brussel, công ước Geneva, hiệp định Trips về khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ.

Có thể nhận thấy, sự hình thành sở hữu trí tuệ ở Việt Nam tuy chưa lâu dài nhưng đã có những bước tiến vượt bậc thể hiện trong sự thay đổi cách nhìn nhận về vai trò của sở hữu trí tuệ trong mọi hoạt động của đời sống xã hội.
  1. Vai trò của nhận thức về sở hữu trí tuệ trong hoạt động thông tin thư viện
Tài sản trí tuệ là tài sản vô hình phần lớn được cấu tạo bởi thông tin nên có khả năng được sao chép và lan truyền vô hạn trong không gian và thời gian khiến chúng ta không kiểm soát hết được. Việc sao chép và phổ biến tài sản trí tuệ hiện nay trở nên khá dễ dàng do sự phát triển của công nghệ in ấn và sao chép.  Với các thiết bị sao chép, lưu trữ và công nghệ truyền dẫn, mạng Internet phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng ngày càng khó kiểm soát. Hoạt động sao chép lậu, tình trạng đưa sách, phim, nhạc lên mạng Internet… không đúng quy đinh pháp luật về quyền tác giả ngày càng tinh vi, phức tạp và có quy mô lớn hơn. Theo những điều tra mới nhất của Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam, trên 20 triệu người dân Việt Nam thường xuyên sao chép tác phẩm. Còn theo thống kê của Liên minh quốc tế về sở hữu trí tuệ, số vi phạm quyền tác phẩm dưới dạng ngôn ngữ và băng đĩa của nước ta được xếp vào một trong những quốc gia có mức vi phạm cao nhất thế giới (chiếm tới 85% đến 90%). Lấy minh chứng như một bộ phim được đầu tư nhiều tỉ đồng những chỉ sau khi ra rạp có vài phút đồng hồ đã bị phát tán qua mạng facebook và được hàng ngàn tài khoản chia sẻ.

Thư viện có chức năng văn hóa, giáo dục, thông tin và giải trí, để đảm nhiệm được chức năng đó, các thư viện là nơi lưu giữ và phục vụ khai thác sử dụng các nguồn tài nguyên thông tin có bản quyền như các dạng tài liệu chữ viết và âm thanh, hình ảnh. Thư viện cũng có trách nhiệm nhất định trong bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Thư viện đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn và tư vấn cho người sử dụng về quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình người dùng tin sử dụng nguồn tài nguyên của thư viện. Việc làm này không chỉ có ý nghĩa riêng đối với thư viện mà còn góp phần tích cực trong việc giáo dục ý nghĩa cho người dùng tin về quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao trình độ nhận thức về sở hữu trí tuệ của họ, từ đó giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Trên bình diện là cơ quan cung cấp thông tin, thông qua hệ thống sản phẩm và dịch vụ thông tin nhằm phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thông báo nhanh chóng, kịp thời các thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất trong, ngoài nước, nếu các thư viện nghiêm túc thực hiện việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp người dùng tin tiếp nhận được tác phẩm đúng chất lượng họ mong muốn, nhận được thông tin chính xác về tác giả của tác phẩm mà mình sử dụng, từ đó tránh sự giả mạo hoặc giả danh tác phẩm.

Các thư viện phải tăng cường thực hiện, phổ biến cho người sử dụng những vẫn đề về sở hữu trí tuệ là do một số lý do sau:
Thứ nhất: vì nguồn kinh phí có hạn và xu thế hội nhập trong quá trình chia sẻ thông tin nên các thư viện thường có xu hướng thuê nguồn thông tin điện tử của các nhà cung cấp (mua quyền sử dụng). Điều này khiến cho các thư viện chịu sự ràng buộc nhất định về số lượng truy cập, số lượng tài khoản người dùng,….

Thứ hai: thư viện cần liên kết, kết nối với các nguồn thông tin có sẵn nên sự sao chép những công trình có bản quyền rất dễ dàng bị sao chép và phát tán. Hơn thế, trong các thư viện người dùng tin thường xuyên sử dụng các dịch vụ sao chụp tài liệu khiến cho sự vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tuy là vô tình song lại là những hành vi dễ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ ba: để lưu trữ và bảo quản tài liệu, các thư viện hiện nay sử dụng lượng tài liệu số hóa tương đối lớn (nhất là tại các thư viện hiện đại) mà dạng tài liệu này lại dễ sao chép và phán tán nên một mặt các thư viện vẫn phải đảm bảo cho quyền truy cập thông tin của người sử dụng, mặt khác không thể không nhắc đến vấn đề quyền sở hữu trí tuệ đối với dạng tài liệu này.

Từ những lý do trên có thể nhận thấy việc nâng cao và tăng cường nhận thức về sở hữu trí tuệ trong hoạt động thông tin thư viện hiện nay là việc làm cần thiết. Bởi cán bộ thư viện không có những nhận thức cơ bản về sở hữu trí tuệ sẽ không thể tăng cường nhận thức cho người dùng tin về lĩnh vực này.
  1. Một số ý kiến nhằm nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trong hoạt động thông tin thư viện
Nhận thức về sở hữu trí tuệ trong hoạt động thông tin thư viện đóng vai trò quan trọng tuy nhiên lĩnh vực sở hữu trí tuệ rất rộng nên vấn đề đặt ra ở đây là người cán bộ thư viện (chủ thể chính của hoạt động thông tin thư viện) cần nắm đước những kiến thức gì trong sở hữu trí tuệ. Theo ý kiến của cá nhân tác giả, người cán bộ thư viện cần nắm được những vấn đề nhằm mục đích hiểu và làm rõ về những điều mà thư viện và người dùng tin được làm trong quá trình sử dụng tài nguyên của thư viện. Cụ thể là các vấn đề: các khái niệm cơ bản về sở hữu trí tuệ và bản quyền như khái niệm quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, khái niệm quyền tác giả, quyền liên quan, các khái niệm liên quan trong quyền tác giả và quyền liên quan, đặc điểm của quyền tác giả và quyền liên quan, các hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan, các biện pháp xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả, quyền liên quan,….

Về khái niệm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là những khái niệm tương đồng tuy nhiên vẫn có vài điểm khác biệt. Trước hết, về chủ thể thực hiện hành vi. Chủ thể thực hiện hành vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chỉ là Nhà nước, trong khi đó, chủ thể bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có thể là Nhà nước hoặc chính chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Chủ thể thực thi quyền sở hữu trí tuệ rất rộng: có thể là Nhà nước, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc các chủ thể khác như hiệp hội, tổ chức tập thể (ví dụ: Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam, Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Về cách thức thực hiện hành vi. Đối với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Nhà nước thực hiện rất nhiều hành vi khác nhau, từ thực hiện thủ tục xác lập quyền, quản lí nhà nước đến xác định hành vi xâm phạm và quy định biện pháp xử lí hành vi xâm phạm. Đối với bảo vệ quyền sơ hữu trí tuệ, chủ thể quyền và các cơ quan nhà nước chỉ được phép tiến hành các biện pháp bảo vệ được pháp luật quy định. Còn đối với việc thực thi, các chủ thể thực thi quyền có thể áp dụng các biện pháp luật định và các biện pháp không trái với quy định của pháp luật.

Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được quy định trong các công ước quốc tế nền tảng về quyền sở hữu trí tuệ, đó là Công ước Beme năm 1883 về bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật, Công ước Paris năm 1886 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ nãm 1994 (TRIPs). Trong các công ước này, khái niệm được sử dụng là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (protection of intellectual property lights) và thực thi quyền sở hữu trí tuệ (enforcement of intellectual property rights).

Theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), khai thác hệ thống sở hữu trí tuệ là công cụ quan trọng, hữu hiệu để tạo ra sự thịnh vượng và giảm đói nghèo. Tuy nhiên, có pháp luật sở hữu trí tuệ chưa đủ, điều quan trọng là Luật sở hữu trí tuệ được thực thi như thế nào. Quyền sở hữu trí tuệ sẽ chỉ có giá trị kinh tế rất thấp nếu như quyền này không được thực thi hiệu quả. Giá trị của hệ thống sở hũu trí tuệ phụ thuộc rất nhiều vào việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả là phương tiện tốt nhất để hạn chế sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và đảm bảo cho chủ thể quyền cũng như toàn xã hội được hưởng lợi từ hệ thống sở hữu trí tuệ.

Trong hoạt động thông tin - thư viện việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền tác giả cần phải vận dụng phương thức “Sử dụng hợp lý”. Ở Việt Nam, Điều 25 Luật SHTT và Điều 25 Nghị định 100/2006/NĐ-CP quy định một trong những trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao là “tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân” và “sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu”, “Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị” (không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình, chương trình máy tính). Tuy nhiên cũng cần nắm được những quy định cụ thể trong việc sao chép các tác phẩm như trong từng trường hợp, số lượng sao bản sao chép là bao nhiêu hay các cách thức sao chép nào không ảnh hưởng tới sự khai thác bình thường của tác phẩm….Trách nhiệm của thư viện trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là cảnh báo tức là cung cấp cho khách hàng thông tin cụ thể về các trường hợp nào được sao chụp tác phẩm, theo đó các thư viện có thể đáp ứng một cách hợp pháp các yêu cầu sao chụp của khách hàng và trách nhiệm, nghĩa vụ pháp lý của khách hàng theo luật định đối với việc yêu cầu, sử dụng các bản sao trong những trường hợp thích hợp. Thư viện được phép từ chối yêu cầu mà thư viện chắc chắn rằng sẽ vi phạm pháp luật.

Việc số hoá tài liệu và xây dựng các bộ sưu tập số trong các thư viện Việt Nam sẽ không vi phạm quyền tác giả trong các trường hợp sau:
- Số hóa tác phẩm nằm ngoài bản quyền - những tác phẩm đã thuộc về miền công cộng (Public domain) thư viện sẽ không phải xin phép tác giả. Tuy nhiên do quyền nhân thân (trừ quyền công bố) không chịu sự hạn chế của thời hạn bảo hộ; do đó thư viện không được xâm phạm các quyền: Quyền đặt tên, quyền đứng tên, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.

- Số hóa các tác phẩm không phải đối tượng bảo hộ như tin tức thời sự thuần túy đưa tin; Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó; Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.
 
- Đối với tác phẩm đang trong thời gian bảo hộ (50 năm sau khi tác giả mất và 50 năm kể từ khi công bố lần đầu đối với các tác phẩm tác giả tập thể, tác phẩm di cảo và tác phẩm khuyết danh) chỉ được sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu, chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị, phục vụ người dùng tin không nhằm mục đích thương mại. Tuyệt đối không được cung cấp và phục vụ sản phẩm, dịch vụ số hóa loại tài liệu này trên mạng Internet.

Ngoài ra, các thư viện có thể cung cấp cho người sử dụng dịch vụ đọc bản số hóa trong hệ thống mạng nội bộ của thư viện. Sử dụng theo phương thức này sẽ không dẫn đến tranh chấp quyền tác giả do dịch vụ này chỉ cho phép người dùng tin đọc các tác phẩm có bản quyền trên các máy trạm của thư viện, không cho phép tải xuống và in ấn.

Tóm lại, việc nhận thức về sở hữu trí tuệ đúng đắn và thực hiện nghiêm túc việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng trong hoạt động thông tin - thư viện là một tiêu chí bắt buộc để hoạt động thông tin thư viện nước ta có thể phát triển bền vững và hội nhập. Các cán bộ quản lý thư viện cần phải nhận thức đúng đắn cũng như quan tâm một cách thỏa đáng đến việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả tại thư viện của mình./.

Bài: Phạm Phương Liên khoa Thư viện Thông tin
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Phân tích vấn đề bản quyền trong việc xây dựng các nguồn thông tin thực của thư viện số/Jiang Xiang Dong; Viễn Phố dịch/ Thông tin Khoa học Xã hội. - 2006. - Số 3. - tr.44 - 51.
  2. Trần Thanh Lâm. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập và xây dựng nền kinh tế tri thức/ www.tapchicongsan.org.vn.
  3. Bùi Loan Thùy. Bùi Thu Hằng. thực hiện quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả trong hoạt động thông tin thư viện/ www.nlv.gov.vn.
0