25/05/2018, 17:59

Di tích đình Đào Xá - Những giá trị văn hoá

A. GIỚI THIỆU CHUNG I. TÊN GỌI Đình Đào Xá là tên gọi phổ biến hiện nay để chỉ một ngôi đình nằm tại thôn Đào Xá, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Tên đình Đào Xá cũng là tên gọi từ khi khởi dựng đình cho đến nay, ngoài ra đình không ...

A. GIỚI THIỆU CHUNG                                                
I. TÊN GỌI
Đình Đào Xá là tên gọi phổ biến hiện nay để chỉ một ngôi đình nằm tại thôn Đào Xá, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Tên đình Đào Xá cũng là tên gọi từ khi khởi dựng đình cho đến nay, ngoài ra đình không có tên gọi nào khác.
II. ĐỊA ĐIỂM, ĐƯỜNG ĐI ĐẾNĐình nằm trên một gò đất, theo trích lục bản đồ của UBND xã Đào Xá, hiện nay đình nằm trên thửa đất T177/1923 ở trung tâm xã Đào Xá, phía trước đình là ngã 3 đường liên xã đi qua UBND xã Đào Xá, bên trái theo hướng đình là sân kho và hợp tác xã cũ, phía sau
là khu dân cư. Trên bản đồ địa lý, di tích nằm ở tọa độ là 21013’9’’ vĩ độ Bắc, 105016’12’’ kinh độ Đông (1).Đường đến di tích khá thuận lợi về giao thông đường bộ: Đình Đào Xá cách huyện lỵ Thanh Thủy 7km, cách huyện lỵ Hưng Hóa (huyện Tam Nông ngày nay) 4km. Từ Hà Nội đi đường quốc lộ 32 qua thị xã Sơn Tây và thị trấn Tây Đằng tới cầu Trung Hà, đi tiếp theo đường tỉnh lộ 317 cách thị trấn Thanh Thủy 3km  rẽ phải khoảng 4km thì đến trung tâm xã Đào Xá và đình Đào nằm kề bên. Ngoài ra đến đình Đào Xá còn có thể đi bằng đường thủy.
III. LOẠI HÌNH DI TÍCH
Đình Đào Xá vừa là một công trình tín ngưỡng được dân làng dựng lên, vừa là chốn sinh hoạt chung của cộng đồng vừa là nơi thờ thành hoàng làng, người có công lao xây dựng và bảo vệ làng.
Đình có niên đại sớm mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII-XVIII, đình có kiến trúc và giá trị văn hóa độc đáo, gắn với lịch sử lâu dài của địa phương. Với những giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật nên ngôi đình đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 15-VH/QĐ ngày 13/3/1974.
B. KHẢO CỨU
I. TỔNG QUAN VỀ DI TÍCHĐào Xá là miền đất cổ, có nền văn hóa lâu đời. Cách đây khoảng 1.800 năm thuộc vùng đất Khuất Động Liêu, thuở sơ khai có tên là Làng Dâu, Làng Da, sau này đổi tên thành làng Đào Xá. Theo đó, đình và đền Đào Xá cũng đã có từ rất lâu đời. Năm 1834, đời Minh Mạng thứ 15, Thanh Thuỷ được tách ra từ huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, sau thuộc tỉnh Phú Thọ.Xã Đào Xá trước cách mạng tháng 8 năm 1945 thuộc tổng Hải Bình, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây. Sau khi Pháp Xâm lược nước ta chúng đã chia tách tỉnh để cai trị, xã Đào Xá thuộc huyện Tam nông, tỉnh Hưng Hóa, sau lại đổi lại là Tổng Phương Giao, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Sau Cách mạng tháng tám Đào Xá chia thành hai thôn: Đào Thôn và Đào Xá thuộc xã Vĩnh Quang huyện Thanh Thủy tỉnh Phú Thọ. Năm 1966 đổi lại là xã Đào Xá.Năm 1977, huyện Thanh Thuỷ hợp nhất với huyện Tam Nông thành huyện Tam Thanh thuộc tỉnh Vĩnh Phú.Ngày 24/7/1999, huyện Tam Thanh tách thành 2 huyện Tam Nông và Thanh Thuỷ, huyện Thanh Thủy trở thành đơn vị hành chính của tỉnh Phú Thọ. Thôn Đào Xá ngày nay thuộc Xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.
I.1 Điều kiện tự nhiênThanh Thuỷ là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ, cách thành phố Việt Trì 50 km và cách thủ đô Hà Nội 65 km.
Diện tích: 12.097 ha, dân số: 75.588 người. Địa giới hành chính: Phía Đông giáp huyện Ba Vì (thành phố Hà Nội). Phía Tây và Nam giáp huyện Thanh Sơn. Phía Đông Nam giáp huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình). Phía Bắc giáp huyện Tam Nông.
Địa hình: Huyện Thanh Thuỷ có địa hình đồi thấp xen thung lũng tích tụ xâm thực. Trên địa bàn huyện có sông Đà chảy qua.
Tài nguyên: Thanh Thuỷ có than bùn, than nâu ở Phượng Mao, Tu Vũ, Trung Nghĩa; mỏ sắt ở Đào Xá; cao lanh, penspat ở Tân Phương, La Phù, Sơn Thủy, Hoàng Xá; đất sét ở Yên Mao, Tân Phương, Xuân Lộc. Đặc biệt Thanh Thủy còn có nguồn nước khoáng nóng ở La Phù, Bảo Yên.
Khí hậu thời tiết:
Cũng như những huyện khác trong tỉnh, khí hậu trong khu vực huyện Thanh Thủy chịu ảnh hưởng thời tiết nhiệt đới gió mùa nóng, ẩm được phân định thành bốn mùa rõ rệt Xuân – Hạ - Thu – Đông. Nhiệt độ trung bình trong năm từ 22-24°C; độ ẩm trung bình 80%.
I.2 Điều kiện kinh tế - xã hội
Thanh Thủy là vùng đất bán sơn địa, có ưu thế nằm gần sông được bồi đắp phù xa thích hợp canh tác các loại cây công nông nghiệp phục vụ phát triển kinh tế của địa phương.
Huyện Thanh Thuỷ hiện nay có 15 đơn vị hành chính bao gồm các xã: Xuân Lộc, Đào Xá, Thạch Đồng, Tân Phương, La Phù, Bảo Yên, Sơn Thủy, Đoan Hạ, Hoàng Xá, Đồng Luận, Trung Thịnh, Trung Nghĩa, Phượng Mao, Yến Mao và Tu Vũ. Trên địa bàn huyện có 15 dân tộc sinh sống như: Kinh, Mường, Tày, Hoa, Thái, Sán Chay, H’Mông, Dao, Nùng, Ngái, Tà Ôi…
Thanh Thuỷ là vùng đất cổ, có lịch sử lâu đời gắn với những dấu tích lịch sử có nên có nhiều di tích danh thắng như: đền Lăng Xương, đền Nhà Bà, đền Tam Công; tượng đài chiến thắng Tu Vũ; đình Đào Xá, đền Đào Xá, hồ Phượng Mao, hồ Suối Rồng (Sơn Thủy), đầm Bạch Thủy …
II. VỊ THẦN ĐƯỢC THỜ
Dựa theo Ngọc phả của đình và cụ Trần Văn Hương kể lại rằng: vị thần được thờ là con vua Hùng Vương thứ 18 là Đức Hải công ngự Hưng Hóa. Một hôm hai vợ chồng Đức Hải công ngự Hưng Hóa đi kinh lý vào đất Thọ Xuyên, thấy phong cảnh hữu tình ngài cho làm hàng cung ở đây. Một thời gian sau, phu nhân có thai, khi trở dạ thì sinh ra 3 người con trai đầu rồng mình rắn. Khi trưởng thành 1 ông về ở Đào Xá, 1 ông về đất Thọ Xuyên, 1 ông lên Ngọc Tháp, tên của 3 vị thần ấy là: Đạt ling long, Mẫn linh long, Uyên linh long
III. KIẾN TRÚC NGÔI ĐÌNH
III.1 Bố cục tổng thể
Đình Đào Xá nằm ở vị trí trung tâm xã Đào Xá, đình quay về hướng Nam hướng chính của đình, phía trước là ngã ba đường giao thông liên xã, phí trước bên trái theo hướng đình là UBND xã Đào Xá. Phía bên ngoài khuôn viên đình, về hướng Đông là hợp tác xã và sân kho, bên phải theo hướng Tây và
phía sau hướng Bắc của đình là khu dân cư. Khuôn viên đình được bảo vệ bởi tường gạch khép kín, có cổng chính và hai cổng phụ hai bên tả hữu Đại đình, phía trước là ngã ba đường nên không gian thoáng đãng không bị nhà dân che lấp, nhìn từ xa có thể thấy được tổng thể ngôi đình đồ sộ và nổi bật cùng các công trình phụ trợ gồm: nghi môn, tả hữu mạc, nhà để trống, trung tâm là đại bái.
Nghi môn là hạng mục đầu tiên trong khuôn viên đình, nằm phía trước chính giữa theo hướng Nam của Đại đình, nghi môn được xây dạng tứ trụ bằng gạch trát vữa xi măng, có 3 lối vào, lối đi chính ở giữa hai lối đi phụ hai bên. Phía trong là sân đình lát gạch đất nung 200x200 mạch chữ công, cốt sân hiện nay cao hơn so với cốt đường 0,50m, sân là không gian chung của đình nằm ở vị trí trung tâm mà các công trình chính như Đại đình, tả hữu mạc đều quay về hướng sân. Đầu hồi phía Tây Đại đình là vị trí nhà để trống, trong không gian hạn chế, vị trí nhà để trống nằm khuất sau nhà Tả Mạc và Đại đình. Khuôn viên đình đang được bảo vệ bởi tường bao xây khép kín, tuy nhiên khuôn viên đình không rộng nên không có cây xanh cổ thụ cũng như hạn chế không gian trồng cây cảnh.
Trong tổng thể của đình, tòa Đại đình là công trình chính và quan trọng nhất, hai bên là nhà tả hữu mạc, tuy nhiên những công trình này không đồng nhất về kiến trúc và niên đại xây dựng. Đại đình là kiến trúc đồ sộ về quy mô và giá trị về kiến trúc nghệ thuật, hai nhà tả hữu mạc được xây dựng mới vào những năm 50 của thế kỷ trước.
III.2 Kiến trúc các hạng mục
III.2.1 Nghi môn:
Nghi môn xây dạng tứ trụ gạch, có 3 lối vào theo kiểu Tam môn, lối đi chính được tạo bởi hai cột đồng trụ lớn, tiết diện thân trụ hình vuông. Trên mỗi đỉnh trụ đắp hình búp sen, tiếp dưới là trụ kiểu lồng đèn, bốn cạnh đều đắp hình ngôi sao 5 cánh, thân trụ đắp gở chỉ bốn cạnh, mặt trụ không có các câu đối như những trụ nghi môn ở các di tích khác.
Tiếp bên 2 trụ lớn là hai cổng nhỏ, hình thức xây dựng và vật liệu đồng nhất với hai trụ ở giữa, hai trụ nhỏ cũng được xây dựng trụ biểu, nhưng quy mô nhỏ hơn, tiết diện hình vuông, trên đỉnh trụ đắp khối tròn hình cầu, và trên thân trụ không có trang trí gì. Tiếp nối hai trụ nhỏ hai bên là hệ thống tường xây bảo vệ xung quanh di tích, tường xây bằng gạch đặc trát vữa xi măng, phần tên tường xây gạch thưa tạo lỗ thoáng hình chữ nhật theo chiều đứng. Cổng đình được xây dạng trụ biểu nhưng được lắp hệ thống cửa hoa sắt hai cánh chắc chắn, cửa chỉ được mở khi trong đình có việc, thời gian khác cửa được khoá kín để bảo vệ đình.
Nói chung, nghi môn của đình Đào Xá là một kiến trúc có niên đại khá muộn (có thể được xây cùng thời với tả hữu mạc), nhưng nó vẫn là một thực thể kiến trúc trong tổng thể đình, tạo nên một không gian kín hoàn chỉnh cho tổng thể đình và tạo không gian ngăn cách bảo vệ đình.
III.2.2 Đại bái:
Tòa Đại bái của đình Đào Xá dựng trên cơ nền có diện tích 11,1m x 22,01, cốt cao độ +0,45m so với cốt sân trước, toàn bộ nền bên trong và hiên lát gạch đất nung 200x200 mạch chữ “công” không có bo nền, từ sân có 3 bậc cấp dẫn lên hiên Đại bái, bậc xây bằng gạch lát gạch đất nung 200x200, các bậc này xây liên tục theo chiều dài mặt trước của Đại bái.
Đại bái kiến trúc gồm 5 gian 2 chái: gian giữa rộng 4,35m, những gian bên kích thước nhỏ hơn 3,88m, hai gian kế tiếp rộng 3,55m mỗi gian chiều rộng 2 chái 1,4m
Bộ khung kết cấu của Đại bái kiểu 6 hàng chân cột: hai hàng chân cột cái dựng cách nhau 4,2m, hai hàng cột quân cách cột cái liền kề 2,05m và hai hàng cột hiên cách cột quân liền kề 1,4m. Bốn vì nóc chính của Đại bái dựng theo kiểu chồng rường giá chiêng, các vì dựng trên đỉnh cột cái và cột quân, các cột được dựng ngiêng về phía trong theo kiểu thượng thu hạ thách, chân cột kê lên các chân tảng đá ( do cơ nền bị lún và được nâng cốt nền sau những lần tu bổ một số chân tảng đá đã bị chìm dưới mặt bằng nền), các đỉnh cột đỡ câu đầu qua đấu vuông thót đáy, hai đầu câu đầu đỡ hoành mái thứ 5 (từ trên xuống). Cật câu đầu đỡ trực tiếp rường tam, rường tam chạy dọc trên cật câu đầu, câu đầu là một thân gỗ to uốn cong hướng lên trên bắc qua hai đầu cột cái vì vậy rường tam đã được đục uốn theo độ cong và bám  liền vào câu đầu, mặt trên của rường tam được làm thẳng để lấy mặt phẳng đỡ các rường tiếp theo và hai cột trốn, hai đầu rường đỡ hoành thứ 4. Các con rường cụt tiếp theo chồng lên nhau tạo thành vì nóc có kiến trúc truyền thống theo kiểu chồng rường giá chiêng, những rường cụt một đầu ăn mộng vào cột trốn, đầu kia đỡ hoành mái 1,2 và 3. Rường trên cùng có tiết diện lớn hơn những rường còn lại và được uốn cong theo chiều dốc của hai mái. Đình Đào Xác là kiến trúc có quy mô lớn, diện tích rộng nên các cấu kiện được sử dụng có tiết diễn cũng lớn, câu đầu được kê lên hai đầu cột cái qua đấu vuông thót đáy với khoảng cách hai đầu cột lên đến 4,2m, nằm ở dạ cầu đầu tiếp giáp với cột cái là đầu dư chạm rồng bằng thủ pháp chạm lộng.
Kiến trúc Đại đình có 4 hàng cột, bộ vì nóc nằm ở vị trí đỉnh hai cột cái, tiếp theo là vì nách đỡ các hành mái, liên kết vì nách theo kiểu cốn chồng rường, bộ vì nách gian giữa được làm kiểu cốn chồng rường, các con chồng nằm chồng lên nhau tạo thành bộ cốn có chạm lộng hình rồng và các linh thú khác. Kết cấu và trang trí trên các vì nách gian giữa giống nhau và cùng được trang trí cầu kỳ. Khoảng cách giữa cột cái và cột quân được thu hẹp hơn so với khoảng cách giữa hai cột cái nên đường kính cột quân được thu nhỏ hơn, khoảng cách giữa cột cài và cột quân là 2,05m, xà nách ăn mộc vào cột cái vàc cột quân trên cao độ 3,81m.
Cột quân và cột hiên liên kết với nhau qua kẻ liền bẩy, đầu trên của kẻ là nghé kẻ ăn mộng qua cột quân đỡ dạ xà nách, thân nghé đỡ ván dong và các hoành mái, bẩy ăn mộng qua cột quân đỡ các hoành cuối cùng và dạ tàu. Đại đình của đình Đào Xác là kiến trúc mở không có tường hay cửa ngăn cách, các cột hiện thấp nên dạ tàu có cao độ chỉ 1,925m so với cốt nền.
Bộ vì nách phía sau gian giữa của Đại Đình, ngoài công năng liên kết hàng cột cái và hàng cột quân thì tại khoảng cột này là không gian thờ cũng của đình (khám thờ), không gian thờ là kiến trúc khép kín, các xà ăn mộng vào cột cái và cột quân để đỡ sàn và vách gỗ.
Kết cấu vì nóc của Đại đình ở gian giữa và hai gian bên giống nhau về hình thức và tỷ lệ, gian gữa là gian thờ cúng và bài trí đồ thờ nên trên các cấu kiện được trang chí chạm khác cầu kỳ ở hầu hết các cấu kiện của liên kết ngang gian giữa.
Liên kết dọc của Đại đình là kết nối giữa các xà dọc ăn mộng qua các cột theo chiều dọc, các xà ở từng vị trí đều có tiết diện tỷ lệ thuận với hàng cột tương ứng. Xà dọc thượng có tiết diện hình lồng đèn ăn mộc qua đầu cột cái liên kết giữa hai cột tạo thành các bước gian, xà dọc hạ ăn mộng qua hàng cột cái ở vị trí thấp hơn so với đỉnh cột cái là 1,53m và cách nền lên đến dạ xà là 3,81m.
III.2.3 Tả hữu mạc
Trên mặt bằng tổng thể kiến trúc đình Đào Xá, theo trục thần đạo từ cổng vào, Đại đình và các công trình phụ trợ được xây dựng đối xứng nhau theo mặt bằng kiến trúc tôn giáo truyền thống. Hai toà tả hữu mạc của đình nằm vuông góc phía trước toà Đại đình, mặt chính cùng quay vào giữa.
Tuy nhiên, kiến trúc hai nhà tả hữu mạc có niên đại muộn không đồng nhất với kiến trúc toà Đại đình niên đại từ thế kỷ XVIII.
Nhà hữu mạc có kiến trúc muộn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, diện tích hình chữ nhật kết cấu xây gạch đặc trát vữa, mái lợp ngói máy. Nhà hữu mạc hiện nay vẫn còn nguyên vẹn kiến trúc khởi dựng, nơi đây được gắn bia ghi dấu sự kiện Bác Hồ về thăm và nói chuyện với nhân dân xã Đào Xá năm 1964.
Nhà tả mạc xây dựng năm 1978, kiến trscu xây gạch trát vữa, mái lợp ngói Tây, hình thức và kêiru dáng kiến trúc không khác nhiều so với kiến trúc nhà hữa mạc.
III.2.4 Nhà trống
Nhà trống có kiến trúc bằng gỗ, mặt bằng hình chữ nhật nằm ở đầu hồi hướng Tây của Đại đình. Nhà trống có kiến trúc đơn giản theo kiểu vì kèo, mái lợp ngói ta. Hiện nay do hiện trạng nhà trống bị xuống cấp, mối mọt và ẩm nên đã để không, trống của đình được đưa lưu giữ trong toà Đại đình, nhà trống hiện tại bỏ không.
IV. NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC TRANG TRÍ
Trong các công trình kiến trúc gỗ truyền thống tại Việt Nam nhất là đối với các công tình mang yếu tố tôn giáo và tín ngưỡng như đình, đền, chùa , miếu... trang trí trên kiến trúc là yếu tố quan trọng làm cho kiến trúc truyền thống trở nên mềm mại, mang nhiều ý nghĩa tâm linh, những ý nghĩa văn hoa truyền thống… Trang trí trên kiến trúc xuất hiện ở hầu hết các hạng mục của công tình, từ thành phần bao che (hệ mái, tường bao…) đến các cấu kiện gỗ chịu lực, gỗ trang trí… Những yếu tố đó đã tạo nên vẻ đẹp của công trình.
IV.1. Điêu khắc, trang trí trên chất liệu đất nung và vôi vữa:
Cũng như nhiều kiến trúc dân gian truyền thống Việt, trên hệ mái đình Đào Xá đắp trang trí những con vật thiêng, mang ý nghĩa tâm linh, phong thuỷ như (rồng, lân) được đắp vẽ bằng chất liệu vôi vữa và đất nung, đa số chỉ mới được làm gần đây.
 Trên mái Đại đình, các con vật thiêng xuất hiện ở các vị trí cơ bản của kiến trúc truyền thống như: kìm nóc, bờ nóc, bờ chảy, đầu đao. Chất liệu hình thành nên các trang trí chủ yếu là vôi vữa đắp (yếu tố muộn) mô phỏng hoặc được phục chế theo trang trí cũ.
Toà Đại đình chủ yếu là kiến trúc bằng bỗ, không có thành phần bao che nên các trang trí bằng chất liệu vôi vữa chủ yếu tập trung ở trên hệ mái, các trang trí này được đắp trát cầu kỳ, tuy nhiên các trang trí hoàn toàn bằng vôi vữa và có niên đại muộn hơn nhiều so với thành phần gỗ của ngôi đình.
Đề tài rồng:
Bờ nóc Đại bái đắp một đôi rồng chầu mặt trời (lưỡng long chầu nhật). Rồng có đầu lớn, mắt lồi, tóc như những đao đuôi nheo hất ngược lên trên; thân rồng gày, uốn lượn song song với bờ nóc, toàn thân bằng xi măng đắp, dọc sống lưng có những vây nhọn hướng lên trên; chân rồng khá nhỏ với móng nhọn như móng chim bám chặt vào bờ nóc; đuôi rồng xoắn cuộn.
Đề tài lân:
Ở mỗi đầu kìm nóc còn được đắp một con lân bằng xi măng. Về cơ bản hình lân ở đây cũng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 20 với đầu, bờm, tóc, vây lưng cùng mang phong cách với đôi rồng chầu.
Trên bờ nóc, lân còn xuất hiện trên bờ chảy được gọi là con sô, lân còn xuất hiện trên cụm trang trí đầu đao. Các trang trí này đều được đắp trát bằng vôi vữa cùng phong cách với những trang trí trên bờ nóc và bờ chảy.
Đề tài hổ phù:
Ở mỗi đầu hồi tầng mái trên tòa Đại bái được đắp nổi hình hổ phù chỉ có đầu với hai chân trước mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 20. Hổ phù có đầu lớn với bờm tóc như đao mác hướng lên trên; trán dô, mắt lồi, tai to, mũi to hếch, cằm bạnh, môi dày, miệng rộng hơi há để lộ những chiếc răng hàm trên; hai chân trước khuỳnh sang hai bên với bàn chân có các móng vuốt nhọn bám chặt vào đường bờ nóc mái phụ. Đăng đối hai bên hổ phù là những cụm vân xoắn nhỏ, mềm mại.
IV.2 Điêu khắc trang trí trên gỗ
IV.3 Điêu khắc trang trí trên các chất liệu khác
Ở đình Đào Xá, ngoài trang trí trên hệ mái thì các điêu khắc trang trí tập trung ở các cấu kiện gỗ như bộ vì nóc, vì góc, kẻ, bẩy, đầu dư… Các điêu khắc, trang trí trên gỗ chủ yếu tập trung ở tòa Đại bái, các đề tài trang trí rất đa dạng từ hình người, các linh thú, cây lá cách điệu, vân xoắn,… mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18.
Những bức chạm sống động được thể hiện bằng các thủ pháp đục chạm truyền thống như: chạm lộng, chạm kênh bong, chạm nổi… Trải qua hàng trăm năm tồn tại những trang trí ở đình Đào Xá vẫn bảo lưu được những giá trị nguyên gốc từ khi xây dựng đình.
Hình tượng rồng:
Hình tượng rồng xuất hiện ở hầu hết các mảng chạm trang trí ở đình Đào Xá, tất cả các đầu dư ở cột cái 3 gian chính tòa Đại đình đều được chạm hình rồng với phần đầu và thân trước đỡ dưới dạ câu đầu được chạm lộng, kênh bong còn phần đuôi đỡ chiếc hoành mái thứ nhất ở vì nách được chạm nổi. Những con rồng này đều có mắt tròn lồi, môi dày, miệng há rộng để lộ hai hàm răng với hai răng nanh khá lớn; bờm, đao mắt như những đao mác nhọn thẳng, vuốt dài ra một cách mạnh mẽ, dứt khoát; thân rồng trơn, hai chân trước với những móng vuốt sắc nhọn đạp vào thân cột. Những đầu dư này mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 18.
Ở hầu hết các bức cốn vì nách của Đại đình đều được chạm hình rồng, các đao mác, vân xoắn nhưng con rồng chiếm tỷ lệ lớn hơn so với các trang trí khác trên cùng một mảng chạm. Hình tượng rồng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 18 với miệng rộng hàm răng đều, tai to vểnh hướng lên trên, mắt tròn, trên thân có nhiều đao mác (các vì nách gian giữa và gian bên Đại đình). Trang trí rồng trên kẻ liền bẩy trước và sau gian giữa, gian bên và kẻ góc ở đình Đào Xá mang phong cách đặc trưng, các con rồng được thể hiện toàn thân nằm song song với kẻ hướng về phía trước, sang đến bẩy hiên một con rồng khác được thể hiện cũng như rồng trên thân kẻ (hai bẩy sau gian giữa), rồng trên đầu bẩy ngắn hơn theo tỷ lệ của bẩy. Con rồng ở các cấu kiện này được chạm rất kỹ, các vây, đao mác được thể hiện sắc nét đều nhau, các chi tiết trên đầu rồng cũng thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật thế kỷ 18.
Trên khác thờ, trang trí hai rồng chầu mặt nguyệt, rồng cũng được thể hiện toàn thân, các chi tiết mô tả trên thân và đầu rồng rất rõ nét, hiện nay trang trí này đã được địa phương phủ một lợp sơn mầu đỏ vàng.
Ngoài ra hình tượng rộng ở Đình Đào Xá còn được thể hiện dưới dạng vẽ sơn thếp, trang trí trên trần gỗ gian giữa, hai khám thờ ở hai dĩ, trên hai cột ở mỗi dĩ các nét vẽ và mầu còn rõ nét thể hiện hình rồng sống động vờn quanh mặt âm dương, qua nét vẽ và các thể hiện trên thân rồng thì trang trí rồng trên trần gỗ mang phong cách cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Hình tượng phượng
Phượng là một trong tứ linh, bên cạnh hình tượng rồng thì ở đình Đào Xá còn có trang trí hình phượng trên kiến trúc, tuy nhiên hình tượng phượng xuất hiện rất ít và không tập trung như phượng trên vì nách phía trước gian bên, phượng trên khám thờ, trên bộ đồ thờ.
Phượng trên vì nách phía trước gian bên, phượng được thể hiện bằng thủ pháp chạm kênh bong, hai cánh dài vươn ra phía trước, hiện nay tại mảng chạm này hình phượng không còn được thể hiện đầy đủ, tuy nhiên qua một số chi tiết trang trí có thể đánh giá mảng chạm này có cùng phong cách thế kỷ 18 so với trang trí khác của đình.
Hình tượng lân:
Lân xuất hiện rải rác, xen lẫn hình tượng rồng hoặc nằm xen kẽ với các đao mác trên các mảng chạm, hình lân được thể hiện đều trong tu thế nghiêng, đầu như dầu rồng, có bờm tóc, thân đứng chân sau duỗi thẳng, chân trước hơi co hoặc một chân co một chân duỗi. Đề tài lân tuy không nhiều và tỷ lệ không lớn, tuy nhiên sự xuất hiện của những trang trí mang hình tượng tứ linh đã làm phong phú thêm các điêu khắc trang trí ở đình.
Hình tượng rùa:
Cũng xuất hiện rải rác như hình tượng lân, rùa được chạm trang trí trong một mảng chạm theo đề tài gắn với một tích truyện trong dân gian gồm có tứ linh long, lân, quy, phụng. Vị trí xuất hiện rùa trên thân kẻ trước và sau gian giữa, rùa được thể hiện rõ nét đầu hướng ra bên ngoài, thân rùa khum giống như lá sen.
Hình tượng đao mác, vân xoắn...:
Các trang trí phụ hoạ hoặc hoà lẫn với các hình tượng khác được tạo tác rất hài hoà, thủ pháp và kỹ thuật cũng tuân thủ phương pháo truyền thống, đề tài đao mác, vấn xoắn xuất hiện ở hầu hết các mảng chạm trang trí trên cấu kiện gỗ đình Đào Xá, một số cấu kiện còn thể hiện đề tài này độc lập, phong cách chạm nổi những đao mác nhọn đầu hướng lên trên, phần cuống đao mác gấp khúc dần tạo thành một cụm vân xoắn nhđ, điểm xung quanh đao mác là những cụm vân xoắn, lá hóa đều mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18.
Ngoài những linh vật trang trí trên, tại đình Đào Xá còn có một số hình tượng chạm khác khác như: cá, hoa sen, … và đều mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 18, chúng không chỉ thể hiện sự khéo léo của nghệ nhân điêu khắc gỗ đương thời mà thông qua đó đã phần nào phản ánh ước vọng của người dân làm nông xưa về một cuộc sống bình yên, mưa thuận gió hoà. Sự phong phú về hình tượng điêu khắc đã làm tăng giá trị nghệ thuật của di tích và phần nào giúp ta xác định được niên đại xây dựng và trùng tu của di tích.
V. LỄ HỘI
Trước kia, hàng năm tại đình Văn Xá có 3 ngày hội chính vào các ngày 27-29 tháng Giêng âm lịch. Ngày 27 thì rước kiệu từ đền về đình, khi rước thì có hai cỗ kiệu, 1 kiệu to một kiệu nhỏ, trong kiệu có một lư hương và một ngai, 1 hòm sắc, những người rước kiệu là các trái tráng ở 4 giáp Đông Tây Nam Bắc, khi đã rước về đình rồi thì tổ chức các trò và tiệc trong 3 ngày như chơi cờ người, hát soan, hát ghẹo... suốt 3 đêm coi như là trò chơi chính để hầu thánh (tục ranh gọi là rước văn) rước ra phía trước đình cách độ 50m hướng về phía Đông rồi gõ 3 hồi chiêng trống để mời đức thánh phụ về đình, sau đó lại rước vào, trong khi rước có hai con voi (làm bằng tre phủ vải mầu xám) có hai người long vào trong voi để điều hành voi cử động đầu, thân...
Ngày nay, cứ đến ngày 27 tháng Giêng hàng năm các cụ vẫn tổ chức lê hội và hương hóa đầy đủ, kèm theo nhưng tục kiêng trong ngày lễ hội gồm: bắt đầu từ ngày 20-27 tháng Giêng, trong những ngày này nếu gia đình nào có người chết trong những ngày này thì phải thầm lặng mà chôn cất coi như lệ làng cấm rất ngặt.
Một số lễ hội tiêu biểu ở Đào Xá:
Lễ rước voi:
Vua Hùng thấy ông là người có công lớn đã ban thưởng cho 2 thớt voi chiến làm phương tiện đi lại. Trước khi chia tay về sông Nhị, ông đã dẫn đôi voi về làm lễ tạ 3 lần. Cuộc tiễn đưa Hùng Hải ra đi đầy quyến luyến và cảm động. Sau này với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” nhân dân Đào Xá đã tôn ông làm Thành Hoàng làng, lập đình thờ tại đây, hàng năm tổ chức tế lễ, mở hội rước voi truyền thống…
Đình là nơi gọi đàn, nhớ tổ nên cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, làng lại mở hội đình trong ba ngày từ 27 đến 29 tháng Giêng. Với người dân địa phương, đây là dịp dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, dựng làng, cầu phúc, cầu may, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân an, nước thịnh. Lễ hội gồm 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ tiến hành rước voi, hương án, long báu, bài vị, hòm sắc và tế Thành Hoàng. Phần hội tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đánh vật, cướp gà, lấy nước, giã gạo, kéo lửa nấu cơm thi… Hình ảnh đôi voi rước trong ngày hội đã trở thành tâm điểm, hấp dẫn của nhiều người, vì vậy nhân dân trong vùng quen gọi hội đình Đào Xá là hội rước voi Đào Xá. Để ngày hội voi mãi là ấn tượng đẹp đẽ của mọi người, hàng năm cứ đến tháng 10 âm lịch các cụ cao niên trong xã lại tuyển người khéo tay đan lát ra đình đan voi, may áo, khâu bành, dựng lầu voi và cử từ 8 đến 10 thanh niên khỏe mạnh có tầm vóc ngang nhau vào đội rước voi luyện tập.
Hội lễ múa trâu:
Tổ chức vào ngày mồng 3 Tết Nguyên đán, diễn lại sự tích nàng Quế Hoa làm trò mua vui cho bà Trang (phu nhân đức thành hoàng Hùng Hải đại vương) trong thời kỳ thai nghén. Theo truyền thống, thì đến giờ động thổ, thủ từ xin quẻ âm dương, nếu được, thì mở cửa đền, giáp đăng cai tế lễ năm đó nổi 3 hồi trống cho dân làng hay, sau đó là tiếng reo hò dậy làng và dâng thành hoàng làng 12 cỗ tế.
Xong lễ, giáp đăng cai được rước lồng bánh “trâu rước” là một con trâu làm bằng bột nếp đen (gọi là nếp dìn) với lượng chừng 6 đấu gạo nếp, tất cả là 2 con: con phủ giấy vàng, con phủ giấy bạc, trên mỗi con khắc hai chữ Hán “xuân ngưu” (trâu xuân). Hai lồng bánh cũng có 2 bát nước, một bát đựng một quả trứng, còn bát kia đựng một cái “gầu giai” đan bằng tre phết giấy theo loại hình linh khí, tế khí. Chủ tế lễ xong, 1 lồng trâu đưa cho một trai của giáp đăng cai, còn lồng trâu kia trao cho bà đồng. Hai người nâng lồng trâu lên múa đối diện nhau trước bàn thờ, chủ tế vẩy nước lên hai người múa. Điệu múa truyền thống này được gọi là múa xuân ngưu.
Lễ cầu tháng Giêng:
Nghi lễ được tổ chức vào ngày 27 tháng Giêng. Sau các nghi thức cần thiết và soạn sửa xong đồ thờ, chủ tế đọc văn tế, quan viên và trai đinh giáp đăng cai và các giáp trong làng rước kiệu, rước văn từ đình làng vào đình thờ. Từ trong đền, cụ thủ từ rước bài vị ra sân và làm lễ tắm bài vị (gọi là lễ một dục) trong một bể nước nhỏ trước sân đền thờ, sau đó bài vị, thần sắc được rước về đình làng trong những nghi lễ truyền thống.
Lễ cầu tháng Bảy:
Vào sáng ngày mồng 9, sau lễ yết cáo thành hoàng làng, với cỗ bàn như tế ngày mồng ba tháng Giêng, không có đánh trống, cuộc thi bơi trải giữ hai giáp Đông, Bắc và hai giáp Tây, Nam bắt đầu. Trải của hai giáp đầu gọi là “trải đực” và trải của hai giáp sau gọi là “trải cái”. Mỗi trải gồm 24 người bơi, 1 người gõ mõ, 1 người lái và 1 người đầu trải, tất cả đều áo đỏ cọc tay và đóng khố. Hai trải đua tài trong đầm nước trước cửa đền. Trong cuộc đua, bơi hai thuyền, một thuyền đực, đầu hình chim và một thuyền cái, đầu hình cá (bơi thành cặp). Vốn xưa là dòng sông nối liền từ sông Hồng vào sông Đà, gọi là sông Cổ, nay đã cạn.
VI. CÁC DI VẬT CÓ GIÁ TRỊ
  • 3 quân cờ người bằng gỗ sơn son thếp vàng (đang bầy trước cung thờ gian giữa của Đại đình
  • 1 quyển Ngọc phả của Đình (đang lưu giữ ở đền Đào Xá)
  • 12 sắc phong (hiện cũng được lưu giữ tại đền Đào Xá).
  • Bộ kiệu sơn son thếp vàng (kiệu cổ thường dùng rước thánh trong ngày lễ hội của làng).
Kiệu được làm bằng gỗ có kích thước lớn gồm hai phần, phần khám ở trên có kích thước 1,5m x 1,3m x 1m, phần dưới có hai thanh đòn dài dùng để khiêng toàn bộ kiệu. Cả hai cỗ kiệu này đều được tạo dáng đẹp, các trang trí hình rồng phượng cầu kỳ, đặc biệt toàn bộ kiệu được sơn thếp (bộ kiệu vẫn giữ được mầu sơn thếp nguyên gốc).
KẾT LUẬN
Đình Đào Xá được xây dựng từ thế kỷ 18, giai đoạn phát triển và có nhiều dấu ấn trong lịch sử kiến trúc Việt, tồn tại đã hơn 300 năm tuy nhiên với sự bề thế và vị trí gò đồi, ngôi đình cho đến nay vẫn giữ được dáng vè cổ kính khởi dựng. Ngày này, không gian cảu đình vẫn là trung tâm lễ hội của làng, ngôi đình được địa phương chủ quản chăm sóc và bảo vệ tốt, là nơi thờ tự thành làng và là nơi sinh hoạt văn háo tâm linh của người dân địa phương.
Giá trị lịch sử văn hóa
Đình là nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá của cộng đồng, ở Đào Xá ngày nay vẫn còn giữ được nhiều lễ hội truyền thống gắn với lịch sử và thần tích của ngôi đình, hàng năm vào mùa lễ hội người dân thập phương về với quê hương để đóng góp công sức tạo nên một ngày hội văn hoá lớn nhất trong năm của địa phương và cũng là dấu ấn văn hoá của vùng đất trung du.
Gắn liền với các hoạt động văn hoá thì ngày nay ở đình Đào Xá còn luuw giữ được nhiều hiện vật có giá trị, đặc biệt là bộ kiệu bát cống cổ vẫ còn được bảo lưu nguyên vẹn, hàng năm người dân vẫn dùng kiệu để rước thánh.
Giá trị kiến trúc nghệ thuật
Kiến trúc đình Đào Xá là một công trình tôn giá tín ngưỡng đồ sộ, mang trên mình những đặc điểm nổi bật của ngôi đình tuyền thống, các trang trí trên kiến trúc thể hiện rõ nét tâm nguyện của người daan địa phương, các mảng chạm cầu kỳ, đề tài phong phú góp phần làm phong phú thêm giá trị văn hoá truyền thống của địa phương.
Trải qua hàng trăm năm tồn tại, ngôi đình chưa qua một lần trùng tu lớn, các cấu kiện gỗ đã bị mối mọt sâm hại và xuống cấp. Ngôi đình đang cần sự quan tâm đầu tư tu bổ tôn tạo, giúp bảo tồn phát huy giá trị của ngôi đình, kéo dài tuổi thọ của kiến trúc gỗ nhằm gìn giữ một di sản quý báu của địa phương, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân địa phương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Trần Lâm Biền (2000) - Một con đường tiếp cận lịch sử - Nxb VHDT, Hà Nội
  2. Trần Lâm Biền (2001) - Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt - Nxb VHDT, tạp chí VHNT, Hà Nội
  3. Trần Lâm Biền (1983) - Quanh ngôi đình làng - lịch sử - Tạp chí NCNT số 4
  4. Trần Lâm Biền (2003) - Quanh ngôi đình làng - nghệ thuật - Bản tin TTDT số 14
  5. Trần Lâm Biền, Hình tượng con người trong Nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt, Nxb Mỹ Thuật 1993.
  6. Lý lịch di tích đình làng Hoà Loan – tư liệu Cục Di sản
  7. Lê Thanh Đức (2001) - Đình làng miền Bắc - Nxb Mỹ Thuật
  8. Nguyễn Hồng Kiên, Bộ vì nóc của kết cấu nhà khung gỗ cổ truyền Việt Nam, t/c. VHNT số 97-1991.
  9. Nguyễn Hồng Kiên, Kiến trúc gỗ cổ truyền  Việt, t/c. Kiến trúc số 3-1996.
  10. Nguyễn Hồng Kiên,  Điêu khắc trên kiến trúc gỗ cổ truyền Việt, t/c. KTVN số 2/ 1996.
  11. Nguyễn Hồng Kiên, Những thành phần bao che trong kiến trúc gỗ cổ truyền của người Việt, t/c. Kiến trúc số 3-1999.
  12. Nguyễn Hồng Kiên, Mặt bằng những kiến trúc tôn giáo cổ truyền của người Việt, VHNT số 11-1999.
  13. Trần Lâm - Hồng Kiên, Diễn biến của các loại hình kiến trúc cổ Việt Nam, t/c. Kiến trúc số 2&3-1987.
  14. Hà Văn Tấn  (chủ biên), Khảo cổ học Việt Nam, tập III, Khảo cổ học lịch sử Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 2002.
  15.  Chu Quang Trứ – Kiến trúc dân gian truyền thống Việt  - Nxb VHTT 1996.
  16. http://vi.wikipedia.org/wiki/Đào _Xá,_Thanh_Thủy
 
 
Bài: Phạm Lê Trung
Khoa Văn hóa Du Lịch
0