25/05/2018, 17:59

Yêu cầu của nhà tuyển dụng về những kĩ năng cơ bản đối với sinh viên tốt nghiệp ngành Xuất bản-Phát hành

(ĐHVH HN) - Những năm gần đây tình trạng sinh viên các trường đại học, cao đẳng nói chung và sinh viên ngành Xuất bản phát hành (XB-PH) nói riêng sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc làm việc không phù hợp với chuyên môn đào tạo có xu hướng tăng lên. Theo ...

                      
(ĐHVH HN) - Những năm gần đây tình trạng sinh viên các trường đại học, cao đẳng nói chung và sinh viên ngành Xuất bản phát hành (XB-PH) nói riêng sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc làm việc không phù hợp với chuyên môn đào tạo có xu hướng tăng lên.

Theo số liệu khảo sát của dự án giáo dục đại học về việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp thì trong khoảng 200.000 sinh viên ra trường hàng năm chỉ có 30% đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, 45-62% sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp, trong đó chỉ có 30% là làm đúng ngành nghề đào tạo. Phần lớn sinh viên sau khi ra trường phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp hoặc rất khó khăn khi tìm việc bởi không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để sinh viên ngành XB-PH ra trường thích ứng ngay với môi trường công việc và có thể vận dụng tốt nhất các kiến thức chuyên ngành đã được đào tạo. Trong rất nhiều các yêu cầu mà nhà tuyển dụng đặt ra, theo quan sát và nghiên cứu của tôi, có một số yêu cầu thuộc về kĩ năng. Cụ thể như sau:
1. Những kỹ năng cơ bản cần có của sinh viên tốt nghiệp ngành XB-PH theo yêu cầu của nhà tuyển dụng
1.1. Nhóm kỹ năng cơ bản
Nhóm kỹ năng về chuyên môn
Nhóm kỹ năng về chuyên môn là những kiến thức nền tảng mà sinh viên tích lũy được thông qua hoạt động học tập và đào tạo ở trường đại học, liên quan đến trình độ chuyên môn, bằng cấp … liên quan đến vị trí mà sinh viên xin tuyển. Theo đó nhóm kỹ năng này được thể hiện qua một số tiêu chí như sau: trình độ ngoại ngữ, tin học, học đúng ngành nghề, kinh nghiệm có liên quan
Khả năng ngoại ngữ tốt sẽ là điều kiện giúp sinh viên có cơ hội tìm được công việc tốt. Trau dồi vốn ngoại ngữ là yêu cầu mang tính cấp thiết. Trong hầu hết các mẩu tin tuyển dụng, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ phổ biến là tiếng Anh cơ bản. Bên cạnh trình độ về ngoại ngữ thì yêu cầu về khả năng tin học văn phòng cũng khá phổ biến bởi vì trong thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh như hiện nay, máy tính và internet là những công cụ không thể thiếu trong quá trình làm việc. Tùy vào từng công việc mà có yêu cầu sử dụng thành thạo các phần mềm vi tính.
Yêu cầu về học đúng ngành nghề cũng được các nhà tuyển dụng đề cập đến ở đây là: sinh viên XB-PH cần nắm vững các kiến thức về hoạt động xuất bản, phát hành, có khả năng biên tập, biên soạn, triển khai công việc một cách độc lập, khả năng đọc và nhận định sách tốt, kĩ năng viết tốt, yêu thích sách, có những hiểu biết nhất định về các loại sách báo, tìm hiểu, cập nhật xu hướng thị trường sách trong và ngoài nước.
Kinh nghiệm có liên quan: 23% nhà tuyển dụng cho rằng khả năng và kinh nghiệm của các ứng viên có liên quan đến công việc là yếu tố quan trọng nhất đối với quyết định tuyển dụng của họ. 63% trong số họ xem những kinh nghiệm mà các sinh viên có được qua các hoạt động tình nguyện, thực tập, kiến tập ở trường và qua những việc làm thêm như là những kinh nghiệm liên quan rất có giá trị. Một trong những yếu điểm của sinh viên là thiếu kinh nghiệm thực tế. Môi trường làm việc khác biệt rất nhiều so với môi trường trong sách vở. Theo đó, sinh viên ngành XB-PH cần chú trọng vào kì thực tập, đây là thời điểm tốt nhất để sinh viên có thể học hỏi kinh nghiệm. Một số sinh viên cũng tham gia làm thêm ở một số nhà sách, giúp cho sinh viên làm quen với công việc, tìm hiểu hoạt động của nhà sách, nắm bắt nhu cầu trên thị trường, nắm được các quy trình nghiệp vụ cơ bản…
Nhóm kỹ năng mềm
Theo số liệu điều tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có đến 63% sinh viên thất nghiệp do thiếu kỹ năng nói chung. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam, có đến 83% sinh viên tốt nghiệp ra trường bị đánh giá là thiếu kỹ năng mềm, 37% sinh viên không tìm được việc làm phù hợp do kỹ năng mềm yếu. Điều này nói lên thực trạng bất cập trong việc trang bị kỹ năng cho sinh viên bên cạnh kiến thức chuyên môn.  Học giả người Mỹ Kinixti đã nói: “Sự thành công của mỗi người chỉ có 15% là dựa vào kĩ thuật chuyên ngành, còn 85% là dựa vào những quan hệ giao tiếp và tài năng xử thế của người đó”. Vậy kỹ năng mềm là gì? Kĩ năng mềm được hiểu là tất cả các kĩ năng giúp con người tư duy và tương tác với nhau trong công việc, chủ yếu là những kĩ năng thuộc về tính cách con người, không mang tính chuyên môn, bao gồm các kĩ năng: giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, quản lý quỹ thời gian, lãnh đạo, học và tự học, đàm phám…
Những kỹ năng mềm thể hiện tính cách, phẩm chất đạo đức được nhà tuyển dụng tìm kiếm ở các ứng viên có thể kể đến: trung thực, chăm chỉ, nhiệt tình, linh hoạt trong công việc, cẩn thận và có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Trong các mẩu tin tuyển dụng còn nhắc khá nhiều đến: tính tình hòa đồng vui vẻ, nhanh nhẹn, thân thiện. Các nhà tuyển dụng đánh giá cao những kỹ năng thể hiện rõ nét hơn khả năng của ứng viên thông qua thực tiễn công việc như: năng động, sáng tạo, làm việc nhóm, tư duy làm việc độc lập, chịu được áp lực công việc, khả năng giao tiếp tốt. Khả năng giao tiếp rất được nhà tuyển dụng coi trọng, nó đòi hỏi sinh viên thể hiện được phong thái tự tin, nhanh nhẹn, có năng khiếu ứng xử trong mọi tình huống. Nhà tuyển dụng muốn tìm nhân viên có khả năng làm việc hiệu quả và năng suất khi làm việc theo nhóm, điều này đòi hỏi ở mỗi nhân viên tính cách hòa đồng, tôn trọng thời hạn của công việc và sẵn sàng giúp đỡ những thành viên của nhóm để kịp tiến độ công việc. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng cũng mong muốn ở nhân viên của họ có thể làm việc một cách độc lập khi cần thiết. Một trong những yêu cầu khác của nhà tuyển dụng đó là khả năng chịu được áp lực công việc, trong thực tế áp lực công việc là điều không thể tránh khỏi, đòi hỏi ứng viên phải làm việc đáp ứng về chất lượng và tiến độ của cả nhóm. Ngoài ra, trong một số mẩu tin tuyển dụng còn xuất hiện một số kĩ năng mà các nhà tuyển dụng mong muốn ở ứng viên đó là tinh thần cầu tiến, khả năng thích ứng nhanh với môi trường…
Nhóm kỹ năng về quản lý
Đây là nhóm kỹ năng có sự khác biệt với nhóm kỹ năng mềm. Nhóm kĩ năng này giúp cho sinh viên tốt nghiệp đại học ngành XB-PH tạo được ấn tượng mạnh đối với nhà tuyển dụng. Thời gian gần đây, nhiều nhà sách hay nhà xuất bản cũng tuyển dụng các nhà quản lý như: quản lý bán hàng, trưởng phòng kinh doanh, trưởng phòng Marketing,… Yêu cầu của nhà tuyển dụng đối với nhóm kỹ năng này bao gồm: giải quyết tình huống, tổ chức sắp xếp kế hoạch công việc, đàm phám, thuyết trình, phân tích vấn đề… đây là nhóm kỹ năng khó hơn, có vai trò quan trọng đến cơ hội thành công trong công việc của ứng viên.
Có thể thấy, những yêu cầu của các nhà tuyển dụng ngày càng cao, đòi hỏi sinh viên cần không ngừng hoàn thiện bản thân thông qua quá trình học hỏi, tích lũy kiến thức và những kỹ năng cần thiết.
1.2. Sự khác nhau về yêu cầu tuyển dụng giữa các vị trí tuyển dụng
Tùy thuộc vào tính chất và nhu cầu tuyển dụng của từng vị trí mà các nhà tuyển dụng sẽ có sự thay đổi, điều chỉnh các yêu cầu cho phù hợp. Có thể nhận thấy trong tất cả các mẩu tin tuyển dụng thì khả năng về ngoại ngữ và tin học luôn được đánh giá rất cao.
Vị trí tuyển dụng là nhân viên bán hàng, nhân viên kinh doanh
Tại các nhà sách và nhà xuất bản, khi tuyển nhân viên vào các vị trí nhân viên bán hàng, nhân viên kinh doanh, các đơn vị tuyển dụng này đưa ra một số yêu cầu và tôi xin đưa ra tổng hợp một số các yêu cầu như sau: giao tiếp tiếng Anh tốt là một lợi thế, thành thạo tin học văn phòng, thân thiện, nhanh nhẹn, ưa nhìn, giao tiếp tốt; chăm chỉ, trung thực và linh hoạt trong công việc, yêu thích sách, ưu tiên ứng viên có kinh nghiệm trong công việc bán hàng và chăm sóc khách hàng và học phát hành sách; có khả năng triển khai công việc một cách độc lập, quản lý thời gian tốt, cẩn trọng và ngăn nắp, ưu tiên ứng viên thực sự yêu sách và muốn gắn bó lâu dài…
Ví trí tuyển dụng là các nhà quản lý
Tại các nhà sách và nhà xuất bản, khi tuyển nhân viên vào các vị trí quản lý như: quản lý bán hàng, trưởng ca, trưởng phòng kinh doanh, giám sát kinh doanh…, các đơn vị tuyển dụng này đưa ra một số yêu cầu: Năng động, chăm chỉ, biết quản lý nhân viên, khả năng xử lý các tình huống, có kỹ năng giám sát, ra quyết định, có kỹ năng đào tạo, hướng dẫn nhân viên, có kinh nghiệm quản lý nhà sách, trung thực, trách nhiệm và xử lý công việc dưới áp lực cao, gắn bó lâu dài.
Vị trí tuyển dụng là biên tập viên
Tại các nhà sách và nhà xuất bản, khi tuyển nhân viên vào các vị trí biên tập viên, các đơn vị tuyển dụng này đưa ra một số yêu cầu tổng hợp như sau: Sử dụng thành thạo tiếng Anh, tin học văn phòng, có khả năng biên tập, biên soạn, triển khai công việc một cách độc lập, quản lý thời gian tốt, khả năng đọc và nhận định sách tốt, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, sáng tạo, năng động, giao tiếp tốt, cẩn trọng và ngăn nắp, ưu tiên ứng viên thực sự yêu thích sách; có khả năng thẩm định bản thảo và thực hiện xử lý bản thảo, có khả năng hiệu đính một số loại sách chuyên ngành; có kĩ năng viết và biên tập văn bản tiếng Việt tốt, nghiêm túc, cẩn thận và chủ động trong công việc, ưu tiên ứng viên có kinh nghiệm dịch sách, biên tập sách… Ngoài ra, một số nhà sách hay nhà xuất bản còn yêu cầu chi tiết ở ứng viên là biết điều phối, quản lý các dự án dịch, biên tập sách đảm bảo theo đúng tiến độ; tìm kiếm thông tin sách từ các nhà xuất bản, liên hệ và trao đổi về bản quyền sách…

2. Đánh giá của nhà tuyển dụng về các kĩ năng thực tế của sinh viên tốt nghiệp ngành XB-PH

2.1. Một số tiêu chí nhà tuyển dụng đánh giá
Mỗi nhà tuyển dụng dựa trên những tiêu chí khác nhau để đánh giá nhưng nhìn chung thì các nhà tuyển dụng dựa vào 3 yếu tố: khả năng chuyên môn, kỹ năng mềm và khả năng tự đào tạo.
Phần lớn các nhà tuyển dụng coi khả năng chuyên môn của ứng viên là quan trọng nhất: trình độ ngoại ngữ, tin học, học đúng ngành nghề, kinh nghiệm có liên quan… Có không ít sinh viên quan niệm rằng bằng cấp hay kiến thức học được ở nhà trường là không cần thiết. Nhưng quan niệm này sẽ khiến các sinh viên phí hoài tuổi trẻ. Không một công ty, nhà sách hay nhà xuất bản nào muốn nhận một bạn sinh viên với tấm bằng trung bình thay vì nhận một bạn sinh viên với tấm bằng giỏi. Bên cạnh đó là kỹ năng mềm, khi cuộc sống ngày càng phát triển, môi trường làm việc ngày càng trở nên năng động với tính cạnh tranh cao thì kĩ năng mềm là một trong những đòi hỏi quan trọng của nhà tuyển dụng. Bởi những kĩ năng này sẽ góp phần bổ trợ những kiến thức chuyên môn nhằm tăng năng suất lao động tạo ra hiệu quả cao trong công việc. Ngoài ra, khả năng tự đào tạo cũng là một tiêu chí được các nhà tuyển dụng đánh giá cao, đây là khả năng tự học hỏi, cập nhật và nâng cao kiến thức trong quá trình làm việc.
2.2. Đánh giá của nhà tuyển dụng về những kỹ năng thực tế của sinh viên tốt nghiệp ngành XB-PH
Đại đa số các nhà tuyển dụng đều cho rằng vấn đề lớn nhất của sinh viên mới ra trường nói chung và sinh viên tốt nghiệp ngành XB-PH nói riêng là sự ngộ nhận, ảo tưởng về khả năng và năng lực của bản thân, về giá trị sức lao động, bằng cấp, kiến thức,… Sinh viên rất yếu kém về trình độ ngoại ngữ, theo bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết 51,7% sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng tiếng Anh tại hội thảo “Đào tạo tiếng Anh trong các trường đại học không chuyên ngữ” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ tổ chức. Yếu kém về ngoại ngữ khiến sinh viên không tự tin và lúng túng thể hiện bản thân khi tham gia tuyển dụng. Mặc dù những năm gần đây trình độ ngoại ngữ của sinh viên đã có nhiều cải thiện nhưng trên thực tế thì kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ vẫn rất kém. Hiện nay khi nền kinh tế thị trường mở cửa, các doanh nghiệp hay các cơ quan nhà nước đều có nhu cầu tuyển dụng nhân sự có trình độ ngoại ngữ, do vậy trình độ ngoại ngữ vẫn sẽ là yếu tố quan trọng song song với trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, các nhà tuyển dụng cũng đánh giá trình độ tin học văn phòng của sinh viên XB-PH khi ra trường mới ở mức độ đánh máy, chỉnh sửa và trình chiếu đơn giản, chưa sử dụng thành thạo được các phần mềm tin học văn phòng. Đây cũng là vấn đề các nhà tuyển dụng rất  quan tâm và đánh giá cao. Cùng với đó, một số nhà sách và nhà xuất bản tuyển dụng vị trí biên tập viên cũng phàn nàn về sinh viên PH-XB sau khi được tuyển dụng vào thường phải được tiếp tục đào tạo từ 2 đến 3 năm nữa mới có thể đáp ứng nhu cầu. Theo đánh giá của các nhà tuyển dụng thì phần lớn sinh viên ra trường chưa thể bắt tay ngày vào công việc biên tập, có nhiều nhà sách tuyển dụng biên tập viên, kiến thức của sinh viên rất tốt về biên tập nhưng khi làm thực tế bắt tay vào thực hiện biên tập một cuốn sách thì rất bỡ ngỡ, không biết bắt đầu từ đâu và thiếu những kĩ năng biên tập cần thiết.
Ngoài những kiến thức chuyên môn của sinh viên mới ra trường, nhà tuyển dụng cũng quan tâm đến kỹ năng mềm của sinh viên. Đây là một yếu tố quan trọng giúp nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên. Nhiều nhà tuyển dụng tại các nhà sách và nhà xuất bản cũng đưa ra nhận xét rằng sinh viên PH-XB làm việc cá nhân rất tốt nhưng làm việc nhóm lại không đạt hiệu quả, hay cũng có ý kiến chia sẻ rằng sinh viên có kỹ năng kém không chỉ các kỹ năng liên quan đến công việc mà còn cả các kỹ năng về ứng xử, giao tiếp và thái độ sống của sinh viên thiếu tích cực trong việc tiếp thu, lắng nghe, thường nóng vội, muốn thấy được kết quả nhanh và thiếu sự cam kết gắn bó lâu dài với công việc. Có nhiều ý kiến cho rằng sinh viên có kiến thức rất tốt và rộng nhưng lại khó chuyển giao kiến thức đó thành kỹ năng làm việc, không ứng dụng được vào thực tế. Hay ở các vị trí tuyển dụng khác thì các nhà tuyển dụng cũng nhận xét rằng sinh viên thiếu hiểu biết về chuẩn mực nghề nghiệp, dễ nản khi gặp khó khăn, thiếu tinh thần học hỏi...
          Sinh viên PH-XB ra trường phần lớn rất yếu về kĩ năng mềm và khả năng tự đào tạo, có những bạn sinh viên có bảng điểm Khá nhưng lại thiếu đi hành vi ứng xử: đi dép lê đi xin việc, tranh cãi với lãnh đạo, không viết được biên bản một cuộc họp, hay lúng túng khi thuyết trình một bản kế hoạch kinh doanh… Phần đa sinh viên quá mải mê tập trung vào bảng điểm mà bỏ qua việc rèn luyện các kĩ năng mềm. Trong khi đối với sinh viên tốt nghiệp, các NXB, các công ty Sách,… rất quan tâm đến kiến thức ngoại ngữ, khả năng hợp tác, kĩ năng làm việc, kĩ năng giao tiếp… nhưng sv ra trường phần lớn chỉ có kiến thức khô khan mà không có kiến thức thực tế. Do thiếu kĩ năng nên sinh viên mất nhiều cơ hội. Có một bộ phận không nhỏ sinh viên ra trường khi được nhận vào làm việc tại các nhà sách thường làm qua loa cho xong việc, làm việc không có kế hoạch, chỉ nhìn phiến diện theo quan điểm cá nhân, thiếu linh hoạt và cứng nhắc trong xử lý công việc, không ít sinh viên có thái độ thiếu tích cực và cho rằng mình ra trường không phải để làm nhân viên bán hàng ở cửa hàng sách, hay có những sinh viên làm việc độc lập thì tốt nhưng khi làm việc theo nhóm thì lại nảy sinh vấn đề...

3. Một số giải phsinh áp nâng cao kĩ năng cho sinh viên ngành XB-PH đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng

Sinh viên khoa PH-XB là những cử nhân XB-PH tương lai, trước sự phát triển không ngừng của ngành xuất bản thì sinh viên PH-XB đứng trước những thách thức to lớn: đổi mới và phát triển ngành XB. Để thực hiện được những điều này, sinh viên cần trau dồi cho bản thân những kiến thức chuyên môn và trang bị kĩ năng mềm, một yếu tố quan trọng đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và giúp sv thành công trong cuộc sống. Trong phạm vi của bài viết, tôi đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao kĩ năng cho sinh viên của Khoa XB-PH đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Với mỗi sinh viên, cần giúp cho các em có cái nhìn tổng quát hơn về định hướng nghề nghiệp cho bản thân, không ngừng trau dồi kiến thức, rèn luyện thái độ học tập cũng như làm việc, kĩ năng nghề nghiệp cần thiết. Và cũng để sv biết rằng cách duy nhất để trau dồi kĩ năng mềm là phải luyện tập, học hỏi thường xuyên, tạo cho mình một phản xạ tức thời mỗi khi gặp các tình huống cần thiết. Bên cạnh đó, hướng cho sinh viên tham gia vào các khóa học kĩ năng mềm tại các trung tâm phát triển kĩ năng hoặc tham gia học trực tuyến tại các cổng đào tạo trực tuyến. Thông qua các khóa học, trau dồi hàng ngày qua quá trình làm thêm, đúc kết kinh nghiệm, học hỏi từ những người có kinh nghiệm thực tế, sinh viên biết vận dụng một cách linh hoạt vào thực tế và biến những kĩ năng đó thành kĩ năng của bản thân.
Ngoài ra, khoa XB-PH cũng nên tổ chức một số hoạt động ngoại khóa với nội dung và hình thức khác nhau. Khuyến khích sinh viên tham gia hội thảo, hội chợ sách quốc tế. Đây là cơ hội lý tưởng để sv gặp gỡ, giao lưu và bắt kịp với kho tri thức toàn cầu. Bên cạnh đó, động viên các sinh viên tham gia các công tác lớp – đoàn – hội, các câu lạc bộ học thuật, câu lạc bộ sở thích, các diễn đàn, các hoạt động bên ngoài xã hội, đi làm thêm…
Không yêu cầu sinh viên thời gian lên lớp nhiều, thay vào đó để sinh viên thực hành các nhiệm vụ như: biên tập sách: đọc thẩm định, viết nhận xét, biên tập bước 1, biên tập bước 2, đọc morasse, đọc đính chính, các kĩ năng bán hàng và nhiều kĩ năng khác tại các công ty sách, các nhà xuất bản. Bên cạnh đó, giảng viên trong quá trình đào tạo kĩ năng cho sv đóng một vai trò rất quan trọng, sắp xếp lịch thực tập, hướng dẫn sv thực hành từ những bước đầu của kĩ năng. Lúc này có thể thấy mối quan hệ của giáo viên, của Khoa XB-PH, của trường ĐHVHHN với các nhà xuất bản, các công ty sách phải thật tốt để tạo môi trường và điều kiện tốt nhất cho sv thực hành các kĩ năng trên. Qua đó, sv không những học được những kĩ năng trong quá trình làm việc tại cơ sở mà chúng ta còn rút ngắn được quá trình tiếp cận kiến thức và ứng dụng thực tế cho sv, giảm thiểu sự lãng phí thời gian và tiền bạc cho các NXB, công ty sách, các nhà sách trong quá trình tuyển dụng và đào tạo nhân sự hiện nay.
 
--
Tác giả: Nguyễn Phương Hoa (Khoa Xuất bản-Phát hành)
--
 
Tài liệu tham khảo
[1] Kĩ năng mềm sự cần thiết cho sinh viên
https://lhu.edu.vn/407/22022/Ky-nang-mem-su-can-thiet-cho-sinh-vien.html
[2] http://www.phuongnambook.com.vn/recruit.php
[3] Thực trạng kĩ năng mềm của sinh viên hiện nay
 https://phamtuankhang.wordpress.com
[4] https://www.vietnamworks.com
[5] Đào tạo theo nhu cầu xã hội: chuyển đổi cần thiết, (http://tieuhocdanghai.com/news/default.aspx?iid=2440&AspxAutoDetectCookieSupport=1)
 
 [6] MẨU TIN TUYỂN DỤNG CỦA MỘT SỐ CÔNG TY VÀ NHÀ XUẤT BẢN:
Hệ thống nhà sách Ong Mật, Công ty cổ phần sách Alpha, Công ty cổ phần sách Omega, Công ty cổ phần sách MCBooks, Công ty cổ phần sách Thái Hà, Công ty cổ phần xuất bản và giáo dục Quảng Văn, Công ty cổ phần văn hóa Đông A, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Lao động, Nhà xuất bản Đại học sư phạm Hà Nội,…
 
0