23/05/2018, 15:38

Thưởng thức nghệ thuật chậu cảnh

Nghệ thuật chậu cảnh là sản vật của sự phát triển kinh tế và khoa học kĩ thuật, là tiêu chí nói lên trình độ văn hoá, văn minh xã hội. Thưởng thức, bình phẩm, đánh giá chậu cảnh là cả một quá trình hoạt động thẩm mĩ; thưởng thức và đánh giá thường diễn ra đồng thời. Cùng một tác phẩm chậu cảnh, ...

Nghệ thuật chậu cảnh là sản vật của sự phát triển kinh tế và khoa học kĩ thuật, là tiêu chí nói lên trình độ văn hoá, văn minh xã hội.

Thưởng thức, bình phẩm, đánh giá chậu cảnh là cả một quá trình hoạt động thẩm mĩ; thưởng thức và đánh giá thường diễn ra đồng thời. Cùng một tác phẩm chậu cảnh, người thì khen đẹp, người lại cho là chưa đẹp, thậm chí là không đẹp.

Điều đó dễ hiểu, bởi vì người thưởng thức, đánh giá ngoài những điểm khác nhau về địa phương, kinh nghiệm cuộc sống còn có những điểm khác nhau về trình độ thẩm mĩ, cảm hứng nghệ thuật. Người có kinh nghiệm thẩm mĩ thường quan sát sơ lược toàn bộ để có cái nhìn khái quát, có thể gọi là cưỡi ngựa xem hoa. Sau đó mới xem chi tiết từng chậu; xem, ngắm và suy nghĩ đắm mình trong cảnh đó gọi là xuất thần nhập hoa.

Quá trình thưởng thức là quá trình hoạt động tâm lý thẩm mĩ; thường qua các bước cảm nhận, tưởng tượng, suy lý (lý giải) và thăng hoa.

Thông qua thị giác (là chủ yếu) để cảm nhận chậu cảnh. Trên cơ sở cảm nhận rồi suy lý, hay lý giải tức là suy nghĩ, chọn lọc và tìm lời giải tại sao thế này, tại sao thế kia. Tưởng tượng sẽ giúp cho lý giải được thuận lợi hơn. Khi ta toàn tâm chăm chú vào thưởng thức, đắm mình vào cảnh, khi mà từ kinh nghiệm sống bản thân, từ đáy lòng ta, nỗi đau khổ hay niềm hân hoan của ta nhập vào tác phẩm, lúc dó hoạt động, tưởng tượng được kích thích mạnh mẽ.

Lý giải tác phẩm là khâu quan trọng; Chỉ khi nào lý giải được tác phẩm thì ta mới hiểu được ý cảnh, hiểu được chú đề mà tác giả định diễn đạt. Nghệ thuật chậu cảnh là nghệ thuật rút rồng gọn lại thành tấc cho nên khi thưởng thức cần lý giải để đi từ cái “hư”, cái tưởng tượng; đến cái “thực”, hư thực tương sinh; từ cái nhỏ đến cái lớn (tiểu trung kiến đại) thì mới đạt được hứng thú thẩm mĩ. Như đá ở trong chậu không có nghĩa là hòn đá đơn thuần, đá mà không phải đá, sông hồ trong chộu không phải là sông hồ tự nhiên nhưng nó bắt nguồn từ tự nhiên, như dân gian có câu “Đá mang về nhà hồn núi về theo”.

Mặt khác cũng cần phải hiểu được thủ pháp tạo hình, trình tự chế tác, đặc trưng biểu hiện của phong cách, của trường phái thì mới lý giải được sâu sắc tác phẩm chậu cảnh.

Lý giải để tìm hiểu nội dung cái đẹp của chậu cảnh, tức là cái đẹp của ý cảnh. Sức cảm nhiễm của nghệ thuật bắt nguồn từ ý cảnh, ý cảnh lại bắt nguồn từ cuộc sống. Vì thế nó là sự kết hợp hài hoà giữa tình cảm tư tưởng của người chế tác với cuộc sống. Ý cảnh là cái nhìn không thấy, sờ không được mà chỉ có thể thần hội tâm linh.

Vì thế tùy theo trình độ thẩm mĩ, vốn sống của người xem mà khả năng thưởng thức khác nhau. Người thường thức phải hiểu được cái lý ngoài cái lý (lý ngoại chi lý), nói theo cách nói của các cụ là ý tại ngôn ngoại.

Bước cuối cùng của thưởng thức là cộng hưởng và thăng hoa. Sau khi ta đã lí giải được tác phẩm, hiểu được tác phẩm thì ta thấy vui vẻ, thích thú, tìm ra được mối liên hệ nội tại giữa chủ quan và khách quan, khiến ta hoà mình vào tác phẩm, làm tâm hồn ta bay bổng, nảy sinh ước vọng và thăng hoa, tinh thần rong ruổi vạn dặm, ý tưởng bay bổng phiêu diêu.

Cần lưu ý rằng quá trình thưởng thức không phải là cắt đoạn, riêng rẽ, cũng không phải là tuần tự các bước theo thứ tự trên mà là sự đan xen, nối tiếp tương hỗ với nhau.

Muốn thưởng thức thấu đáo trước hết phải có tình cảm. Tình cảm là linh hồn của nghệ thuật. Không chỉ người chế tác cần có tình cảm phong phú, giàu óc tưởng tượng mà ngay người thưởng thức cũng cần như vậy. Có như vậy thì mới có thể thăng hoa cùng tác phẩm.

Nói chung thưởng thức chậu cảnh không khó, song từ góc độ thưởng thức đến bình phẩm, đánh giá chính xác một tác phẩm chậu cảnh thì không giản đơn. Khi thưởng thức, đánh giá cần có cái nhìn toàn diện rồi đi đến chi tiết. Thí dụ cần quan sát cái đẹp, cái chưa đẹp của từng bộ phận như rễ, thân, cành, ki, giá đỡ, chậu, các phối kiện và tên gọi của tác phẩm rồi tổng hợp lại đánh giá toàn bộ tác phẩm. Rất có thể một tác phẩm chậu cảnh nếu quan sát từng bộ phận riêng rẽ thì thấy bình thường, ít gây cảm mĩ, nhưng nhìn tổng thể thì thấy nó hài hoà, nội dung phong phú, ý tưởng sâu sắc và phản ánh sinh động hiện thực đời sống.

Thưởng thức một tác phẩm chậu cảnh thường chú ý đến cái đẹp tự nhiên và cái đẹp nghệ thuật của nó.

Cái đẹp tự nhiên thì dễ nhận thấy. Cái đẹp nghệ thuật đòi hỏi người thưởng thức phải tư duy, bởi cái đẹp nghệ thuật chậu cảnh thông qua cái đẹp tạo hình và cái đẹp ý cảnh để thế hiện. Cái đẹp nghệ thuật chậu cảnh là sự thống nhất giữa cái đẹp hình thức và cái đẹp nội dung.

Dưới đây ta hãy thưởng thức một vài chậu cảnh

Cây mai dáng xiêu thế nhân văn

Cây Mai dáng xiêu, thế văn nhân được nhiều tao nhân mặc khách ngưỡng mộ. Nó tiêu biểu cho tinh thần dũng cảm kiên cường, chịu đựng sương giá khắc nghiệt của mùa đông, âm thầm ấp ủ nụ chồi, rồi nở hoa báo tin mùa xuân đến. Nhìn thân cây xiêu vẹo, tróc trở, bám rêu, tương phản với tán cây thanh mảnh mềm mại điểm hoa trắng muốt. Tấc cả biểu hiện một sự từng trải gian truân qua nhiều năm tháng, dẫu gầy guộc, mảnh mai nhưng vẫn ung dung thanh thản, trơ gan cùng tuế nguyệt (Lời bình của Việt Nam Hương sắc số tháng 5-2001).

Như trên đã nói, nhìn vào ảnh, mỗi người tuỳ thuộc vào lứa tuổi, trình độ thẩm mĩ… mà có cách cảm thụ khác nhau. Ở chậu cảnh này đã nói lên sự tương phản giữa các cặp phạm trù: sinh và lử, già và trẻ, khổ và vinh. Người già có thể suy ngẫm: tuy già nhưng vẫn đưa lại chồi non lộc biếc, già nhưng vẫn chắt chiu đơm hoa kết trái, làm đẹp cho đời; là hình ảnh “lão mai sinh quý tử” mà ông cha ta thường mong ước: không phải già là thừa, là bỏ đi mà là “tuổi cao chí cũng cao’’. Người trẻ tuổi có thể suy ngẫm để thấy được sự khổ luyện mới tới vinh quang, phải chịu khổ trước rồi mới có hưởng thụ mà ra sức luyện rèn, nuôi chí lớn. Người đã trải nghiệm ít nhiều thì thấy không có hạnh phúc nào mà không có hy sinh, nói cách khác là hạnh phúc, vinh quang không tự dưng đến.

Câu thơ dưới đây của Doãn Trang đã miêu tả điều đó:

Vặn thân một nỗi cơ cầu

Mà xuân nở rộ trên đầu nhẹ tênh. Cây đỗ tùng dáng trực thế đại phu

Chậu cảnh dáng trực, thế đại phu thoạt nhìn đã cho ta cảm giác vững chắc, oai phong lẫm liệt. Cây vươn lên như ngọn tháp, từ thân, cành, lá đều tỏ ra sự cứng rắn, từng trải theo năm tháng nhưng lại sắp xếp hài hoà, đạt được sự cảm mĩ đặc sắc.

Rõ ràng là có xén tỉa, lớp lang nhưng nhìn toàn cục thì rất tự nhiên. Từ cây đến chậu, đôn rất hài hòa, tỷ lệ cân đối, tôn lên vẻ chắc chắn khỏe khoắn của cây, ta có cảm giác không có phong ba bão táp nào có thể bẻ gẫy được nó.

Nhìn nó ta lại nhớ đến câu thơ chữ Hán:

Tuế bất hồn vô dĩ tri tùng bách

Sự bất nan vô dĩ tri quân tử

(Năm không có mùa đông giá rét thì không biết đến tùng bách Không gặp gian nan nguy hiểm thì không biết ai là người quân tử).

Hoặc có thể suy tưởng: cái đẹp không nhất thiết ở sự màu mè mà ớ chỗ giản dị, thuần phác vốn có.

Tươi đẹp với đời bằng thế đứng;

Không cần hương sắc chẳng cần hoa.

(Vũ Kim Thông)

0