23/05/2018, 15:11

Đặc thù sinh học và sinh thái của trâu bò

Ưu thế sinh học và ý nghĩa sinh thái của trâu bò Nhờ có hệ vi sinh vật cộng sinh trong dạ cỏ, trâu bò và gia súc nhai lại nói chung có 2 đặc thù sinh học nổi bật là khả năng phân giải thức ăn xơ chứa liên kết β-1,4 glucozit và sử dụng nitơphi protein (NPN). Khả năng phân giải liên kết ...

Ưu thế sinh học và ý nghĩa sinh thái của trâu bò

Nhờ có hệ vi sinh vật cộng sinh trong dạ cỏ, trâu bò và gia súc nhai lại nói chung có 2 đặc thù sinh học nổi bật là khả năng phân giải thức ăn xơ chứa liên kết β-1,4 glucozit và sử dụng nitơphi protein (NPN).

Khả năng phân giải liên kết β-1,4 glucozit

Vi sinh vật dạ cỏ có khả năng phân giải liên kết β-1,4 glucozit trong các đại phân tử xenluloza và hemixenluloza của vách tế bào thức ăn thực vật. Chính nhờ khả năng đặc thù này mà gia súc nhai lại có khả năng sử dụng các loại thức ăn xơ thô mà người và các loài dạ dày đơn không sử dụng làm thức ăn được. Điều này có ý nghĩa sinh thái rất lớn, cho phép chăn nuôi gia súc nhai lại trên những nguồn thức ăn ít bị cạnh tranh như cây cỏ và phụ phẩm nông nghiệp và do vậy mà có thể phát triển bền vững.

Tổng hợp protein từ nitơ phi protein

Vi khuẩn cộng sinh trong dạ cỏ có khả năng tổng hợp protein từ nitơ phi protein (NPN). Protein VSV dạ cỏ là nguồn cung cấp protein quan trọng cho vật chủ. Nhờ khả năng khai thác NPN này mà trâu bò ít phụ thuộc vào các loại thức ăn protein chất lượng cao có thành phần axit amin cân đối như với các loài dạ dày đơn. Trái lại, người chăn nuôi có thể sử dụng các nguồn NPN công nghiệp như urê để thoả mãn một phần quan trọng nhu cầu protein của gia súc nhai lại. Điều này cũng có ý nghĩa kinh tế và sinh thái rất quan trọng do giảm được giá thành và sự cạnh tranh thức ăn trong chăn nuôi.

Hạn chế của trâu bò

Bên cạnh những ưu thế sinh học nói trên trâu bò có những hạn chế cơ bản riêng so với các gia súc và gia cầm khác như sau:

Sinh khí mêtan

Khác với động vật dạ dày đơn, động vật nhai lại có quá trình lên men ở dạ cỏ. Đây là một lợi thế cho phép chúng sử dụng được thức ăn xơ. Tuy nhiên, quá trình lên men dạ cỏ sinh ra một phụ phẩm khí mêtan thải ra ngoài qua hơi. Như vậy, ngoài việc tiêu tốn năng lượng mang dạ cỏ, việc thải khí mêtan này làm lãng phí năng lượng của thức ăn (6-12%). Mặt khác, khí mêtan này cũng là nguồn khí gây ra hiệu ứng nhà kính, không có lợi cho môi trường. Bởi vậy, ngoại trừ thức ăn xơ và NPN, gia súc nhai lại chuyển hoá thức ăn bột đường kém hiệu quả hơn gia súc dạ dày đơn.

Tốc độ sinh sản chậm

Trâu bò là gia súc đơn thai và có thời gian mang thai dài (trung bình trâu 320 ngày, bò 280 ngày). Chính vì vậy mà việc nhân giống trâu bò gặp nhiều khó khăn hơn so với các loại gia súc và gia cầm khác.

Đòi hỏi cao về đồng cỏ

Nguồn thức ăn chính của trâu bò là cỏ cho nên muốn chăn nuôi trâu bò phải có đất trồng cỏ hay bãi chăn thả tự nhiên. Mỗi hecta đồng cỏ thâm canh thu cắt chỉ cho phép nuôi được khoảng 10 con bò sữa, còn 1 hecta đồng cỏ chăn thả chỉ cho phép nuôi được 3-4 con. Đây là một trở ngại lớn trong điều kiện của những nơi có diện tích đất nông nghiệp thấp. Mặt khác nếu trâu bò được chăn thả trên đồng cỏ thì sự dẫm đạp của trâu bò trong quá trình chăn thả sẽ gây ra sự xói mòn đất, ảnh hưởng xấu đến môi trường.

0