Đặc điểm sinh trưởng phát triển của lan Hồ Điệp
Tìm hiểu về đặc điểm sinh trưởng phát triển của để có thể chăm sóc hoa ra hoa đúng thời vụ, không bị sâu bệnh và phát triển tốt. Lan Hồ Điệp là dạng cây hoa thân thảo lâu năm, cây sinh trưởng khá chậm, trong điều kiện sinh trưởng thích hợp, cách 40 ngày mới mọc ra một lá hoàn chỉnh. Khi cây có ...
Tìm hiểu về đặc điểm sinh trưởng phát triển của để có thể chăm sóc hoa ra hoa đúng thời vụ, không bị sâu bệnh và phát triển tốt.
Lan Hồ Điệp là dạng cây hoa thân thảo lâu năm, cây sinh trưởng khá chậm, trong điều kiện sinh trưởng thích hợp, cách 40 ngày mới mọc ra một lá hoàn chỉnh. Khi cây có trên 4 lá, lúc đó mới có khả năng phân hoá ra chồi hoa. Thời gian ra hoa của đại đa số các giống lan được trồng là 3 – 5 tháng mỗi năm. Mỗi một hoa đơn có thời gian ra hoa khoảng 20 ngày, thời gian ra hoa của mỗi cây hoa kéo dài 2 – 3 tháng.
Giá thể trồng
Yêu cầu đối với giá thể lan Hồ Điệp là phải khá tơi xốp và thoáng khí, đồng thời phải có khả năng giữ nước. Ví dụ như: mùn cây, than bùn thô, hạt đá nhỏ, rêu. Dưới rễ của cây non lót một lớp rêu hoặc trồng cây lan non trực tiếp vào rêu. Với những giá thể trồng khác nhau cũng phải có cách trồng và chăm sóc khác nhau, đặc biệt là chế độ tưới nước, với những giá thể kém giữ nước thì phải tưới thường xuyên hơn. Giá thể xơ dừa và Rêu biển – dớn
Dùng rêu để làm giá thể trồng cây, cần phải xử lý tiệt trùng trước và phải rửa đi rửa lại 3 – 4 lần. Giai đoạn cây non của lan Hồ Điệp kéo dài, do vậy nếu dùng rêu để làm giá thể ươm cây con thì phải chọn lựa loại rêu chất lượng đặc biệt tốt. Loại rêu nếu không qua khử trùng ở nhiệt độ cao thì rêu vẫn có màu xanh và thành các đoạn ngắn, dễ bị thối mốc dẫn đến thối rễ lan, cây non sinh trưởng kém, các loại sâu bệnh hại có cơ hội và môi trường tốt để phát triển, làm chết cây non.
Chậu trồng
Yêu cầu đối với chậu trồng hoa lan Hồ Điệp là chậu không sâu, chậu nhỏ màu trắng và trong suốt, để có lợi cho hệ rễ của lan phát triển và quang hợp. Cãn cứ vào kích thước cây lớn nhỏ mà chọn chậu trồng thích hợp. Cây non trồng trong chậu đường kính 8,3cm; 3 – 6 tháng sau lớn thành cây trưởng thành trồng sang chậu đường kính 12cm, tiếp tục trồng 4 – 6 tháng có thể tiến hành xử lý thúc ra hoa Chậu trồng lan Hồ Điệp
Nhiệt độ
Lan Hồ Điệp có nguồn gốc từ miền nhiệt đới, do đó nhiệt độ thích hợp để trồng lan Hồ Điệp tương đối cao. Nhiệt độ thích hợp nhất để trồng ban ngày là 25 – 28ºC, ban đêm là 18 – 20ºC, giai đoạn ươm cây non thì cần nhiệt độ ban đêm khoảng 23ºC. Nếu nhiệt độ nhà trồng thấp hơn 15ºC, rễ cây ngừng hút chất dinh dưỡng, quá trình sinh trưởng ngừng lại, thậm chí là bị lạnh hại, làm rụng nụ hoa hoặc khiến cho cánh hoa xuất hiện các đốm nhỏ ảnh hưởng đến vẻ đẹp của hoa. Giai đoạn phân hoá hoa đòi hỏi phải có sự cách biệt khá cao về độ chênh lệch nhiệt độ ngày/đêm, nhiệt độ ban ngày thích hợp nhất là 25°C, ban đêm 18 – 20ºC, kéo dài 3 – 6 tuần rất có lợi cho sự phân hoá hoa.
Ánh sáng
Lan Hồ Điệp rất kỵ ánh sáng chiếu thẳng trực tiếp, do đó cần phải có biện pháp che sáng đồng thời tuỳ thuộc vào tuổi cây lớn nhỏ mà có biện pháp điều chỉnh ánh sáng trồng cho thích hợp. Thời kỳ ươm cây non nhu cầu về ánh sáng có cường độ là 10.000 – 12.000 lux, giai đoạn cây bánh tẻ là 12.000 – 20.000 lux, giai đoạn thúc ra hoa là: 20.000 – 30.000 lux. Trong điều kiện trồng trong nhà lưới, mùa hè và thu phải che đi 75 – 85% ánh sáng, cần phải có 2 lớp che sáng đặt chồng lên nhau, mùa đông xuân thì ánh sáng yếu hơn, chỉ cần che 40 – 50% ánh sáng là đủ.
Nước tưới
Các mùa khác nhau, lượng nước tưới cũng khác nhau. Các giá thể trồng khác nhau thì lượng nước tưới cũng khác nhau. Do lá của lan Hồ Điệp khá dày, lượng nước chứa trong lá khá nhiều, nên lan Hồ Điệp chịu hạn tốt. Mùa xuân độ ẩm không khí cao, nên cách 3 – 7 ngày tưới nước 1 lần; mùa hè, thu, nhiệt độ không khí cao, lượng nước bốc hơi mạnh, thông thường cách 1 – 2 ngày tưới đẫm nước một lần; còn mùa đông, nhiệt độ thấp, độ ẩm không khí cũng rất thấp, để bảo đảm những điểu kiện nhất định về ẩm độ, đồng thời tránh cho lá tích nước, nếu lá tích nước sẽ làm cho lá bị lạnh hại, vì thế thông thường vào lúc sau 10h00 sáng và trước 15h00 chiều thì tưới nước. Nếu điều kiện cho phép sau khi tưới nước nên để cho cây được thoáng khí thông gió, để cho nước đọng trên mặt lá bị bay hơi hết, giảm sự phát sinh của bệnh hại.
Lúc tưới nước phải nắm được những nguyên tắc sau: Giá thể giữ ở mức lúc khô, lúc ướt. Nếu thấy giá thể khô thì tưới nước, phải lưới ướt đẫm. Lan Hồ Điệp là kiểu lan có rễ buông trong không khí nên độ thông thoáng của hệ sẽ có vai trò đạc biệt quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Khi dùng rêu để làm giá thể trồng, nếu nước đọng trong rêu lâu ngày, thì nước sẽ lấp đầy các khe trống, không khí ở các lỗ trống trong giá thể bị nước đẩy đi hết mà không khí bên ngoài cùng không vào được dẫn đến cây bị thiếu ô xi, làm rễ không thể hô hấp được hình thường, các quá trình sinh lý giảm, rễ cây không thể hút nước và chất dinh dưỡng. Đồng thời do giá thể không đủ ô xi, nên những vi sinh vật háo khí có chức năng phân huỷ chất hữu cơ không thể hoạt động được bình thường, ảnh hưởng đến lượng chất muối khoáng cung cấp, làm cho các vi sinh vật yếm khí sinh sôi nảy nở, tăng độ chua của giá thể, tạo ra một số axit như HSO4–; NH4+… khiến cho rễ bị đầu độc. Trong quá trình trồng lan Hồ Điệp hay gặp phải hiện tượng giá thể bị chua có mùi hôi thối, chính là vì giá thể bị quá ướt lâu ngày tạo thành.
Phân bón
Thời kỳ sinh trưởng sinh dưỡng của lan Hồ Điệp, cần bón N, P, K với tỷ lệ cao (30 – 10 – 10 hoặc tỷ lệ 20 – 10 – 20). Còn thời kỳ sinh trưởng sinh sản cần bón ít phân N tăng phân P, K (tỷ lệ 10 – 30 – 20). Trước khi xử lý thúc ra hoa, phun thêm KHPO4 có lợi cho việc hình thành và phát triển của chồi hoa, làm cho cành hoa to mập, nên bón phân dưới dạng dung dịch là chủ yếu, nồng độ là 0,05 – 0,1% để phun, cách 7 – 10 ngày phun 1 lần.
Các thiết bị trồng
Yêu cầu đối với môi trường trồng lan Hồ Điệp là rất nghiêm ngặt, yêu cầu đối với thiết bị trồng trọt cũng khá cao. Sự thông gió thoáng khí của vườn trồng lan có quan hệ rất mật thiết đến sự sinh trưởng và phát triển của phong lan, đặc biệt là trong những mùa có nhiệt độ và độ ẩm cao, thì việc thông gió thoáng khí của vườn trồng có vai trò rất quan trong trongj việc giảm nhẹ tỷ lệ sâu bệnh hại lan. Để đáp ứng các điều kiện cần thiết trong việc trồng lan, hiện nay người ta đã tạo ra nhiều loại nhà kính có khả năng điều hoà nhiệt độ và ẩm độ nhưng còn hạn chế vì quá đắt đỏ. Nhà trồng lợp tấm PVC và phủ lưới xung quanh
Các thiết bị dùng để trồng là nhà kính, nhà lưới… Dựa vào sự khác nhau của chất liệu lợp nhà lưới người ta chia thành các loại: nhà lợp kính, nhà lợp tấm pvc, nilon… Nhà trồng thường dùng khung bằng sắt, ở nóc hoặc bốn bên xung quanh dùng kính hoặc tấm PVC có khung nhôm xung quanh để nối lại khít với nhau. Nhà kính chủ yếu vẫn thường dùng khung sắt để làm, các phòng có thể thông liền với nhau hoặc tách nhau. Còn vật liệu lợp thì vẫn dùng tấm ni lông để lợp. Do việc trồng lan Hồ Điệp đòi hỏi nghiêm ngặt về nhiệt độ, vì thế vườn ươm và vườn trồng lan phải có các thiết bị để khống chế điều chỉnh nhiệt độ trong nhà trồng thì mới có thể bảo đảm môi trường tốt nhất để rút ngắn thời gian sinh trưởng, nâng cao chất lượng của hoa. Thiết bị điều chỉnh nhiệt độ gồm có hệ thống tăng nhiệt và hệ thống giảm nhiệt.
Nhà trồng khung sắt phủ nilonCác phương pháp tăng nhiệt độ có thể dùng các máy quạt hơi nóng chạy bằng dầu, máy phát nhiệt chạy bằng điện hoặc hệ thống làm nóng bằng nước. Trong quá trình tăng nhiệt độ cũng phải bảo đảm giữ độ ẩm thích hợp cho vườn trồng. Để giảm nhiệt có thể dùng hệ thống quạt gió vải ướt, hệ thống phun sương mù, hệ thống che nắng giảm nhiệt và hệ thống phun sương mù ở nóc nhà. Quạt thông gió
Phương pháp giảm nhiệt bằng vải ướt quạt gió như sau: Dùng vải ướt và quạt gió công suất cao, lợi dụng việc bốc hơi nước để giảm nhiệt là nguyên lý của phương pháp này. Vải ướt nên treo ở hướng bắc còn quạt thông gió thì để ở phía nam. Khi cần giảm nhiệt cho nhà trồng, mở quạt hút gió thật mạnh ra ngoài, tạo nên một phụ áp, đồng thời dùng vòi phun nước, phun nước vào vải. Không khí bên ngoài nhà lưới đo chênh lệch áp suất mà bị hút vào nhà kính với một tốc độ tương đối, không khí chui qua các kẽ vải ướt mang theo hơi ẩm sẽ bị lạnh đi, khiến cho không khí trong phòng sẽ tự giảm bớt. Vào những ngày hè nóng nực, vào giữa trưa nhiệt độ đạt cao nhất, độ ẩm tương đối trong nhà lưới tương đối thấp, dùng vải ướt có thể đem lại được hiệu quả giảm nhiệt.
Phương pháp phun sương mù là một kỹ thuật giảm nhiệt mới nhất hiện nay, hệ thống phun sương giảm nhiệt gồm có: Bơm cao áp, kim phun, đường ống và hộ thống điện điều khiển. Hạt nước được phun có kích cỡ 1μm đến 10μm, sau khi phun nước sẽ thu nhiệt trong phòng, sau đó hút hơi nước này thải ra ngoài sẽ đạt được mục đích giảm nhiệt trong nhà trồng. Kỹ thuật giảm nhiệt bằng phương pháp phun sương mù chủ yếu dùng ở những nơi có độ ẩm tương đối trong không khí thấp và có điều kiện thông gió tự nhiên, có thể giảm 3 – 10ºC của nhà lưới. Hệ thống giảm nhiệt bằng sương mù cũng có thể dùng dể điều chỉnh độ ẩm của nhà trồng. Dùng đối với việc ươm cây non, có thể làm tăng độ ẩm của môi trường trồng hoa, đảm bảo được độ ẩm cần thiết để ươm cây giống, tăng tỷ lệ sống của các cây sau khi tách hoặc các cây mới ra khỏi ống nghiệm. Trộn thuốc bảo vệ thực vật vào nước rổi đem phun thành sương, có thể diệt trừ triệt để các sâu bệnh hại trong nhà trồng.
Trong quá trình trồng lan, cần căn cứ vào đặc điểm và nhu cầu về chiếu sáng khác nhau của từng thời kỳ sinh trưởng của cây để điều tiết việc chiếu sáng. Việc điều tiết ánh sáng thường dùng các tấm lưới có mật độ mắt lưới khác nhau để che sáng. Căn cứ chỗ lắp đặt lưới chắn sáng mà chia thành chắn sáng ngoài và chắn sáng trong. Chắn sáng ngoài là các tấm lưới chắn sáng được lắp đặt bên ngoài nhà lưới và ngược lại. Việc chắn sáng ngoài có tác dụng rất tốt đối với việc chắn sáng và làm giảm nhiệt độ. Sau khi lắp đặt các tấm lưới chắn sáng ngoài nhà, thì nhiệt độ trong nhà trồng có thể giảm từ 3 – 7ºC; còn các tấm chắn sáng lắp đặt bên trong nhà lưới ngoài các tác dụng tương tự như các tấm chắn sáng ngoài còn có tác dụng cách nhiệt và giữ ẩm vào ban đêm rất hiệu quả, chống lại sự tản mát nhiệt, có lợi cho việc giữ nhiệt vào mùa đông.