Chuyện “tự xưng” trong “loạn 12 sứ quân”
Nguyễn Ngọc Lanh Ngô Vương vừa mất (944) Dương Tam Kha lẽ ra – theo sự ký thác của vua – phải phò tá thái tử Ngô Xương Ngập lên ngôi, nhưng ông lại tự mình chiếm ngôi của cháu và giữ ngôi tới 6 năm, khiến các nơi không phục. Đây được xem là nguyên nhân đầu tiên đưa đến tình trạng mà sử ...
Nguyễn Ngọc Lanh
Ngô Vương vừa mất (944) Dương Tam Kha lẽ ra – theo sự ký thác của vua – phải phò tá thái tử Ngô Xương Ngập lên ngôi, nhưng ông lại tự mình chiếm ngôi của cháu và giữ ngôi tới 6 năm, khiến các nơi không phục. Đây được xem là nguyên nhân đầu tiên đưa đến tình trạng mà sử sách gọi là “Loạn 12 Sứ Quân”. Nhưng liệu đã chính xác?
Khởi đầu nội loạn: khi Dương Tam Kha tự xưng Bình Vương
Là con Dương Đình Nghệ, nghĩa là cùng chà lứa với Ngô Quyền, Kiều Công Tiễn, Phạm Chuyên, Đinh Công Trứ, Trần Lãm… Các vị này đều là nha tướng hoặc bộ tướng dưới quyền Dương Đình Nghệ và cùng lập công trong trận đánh quân Nam Hán lần 1 (tướng là Trần Bảo); giành lại chức Tiết Độ Sứ cho người Việt – tiếp tục thời kỳ tự chủ mà họ Khúc để lại. Rồi Dương Đình nghệ bị giết, quân Nam Hán lại kéo sang, lần này do đích thân thái tử Hoằng Tháo làm tướng. Trận đánh trên sông Bạch Đằng toàn thắng do Ngô Quyền chỉ huy; trong đó Dương Tam Kha (anh/em vợ của Ngô Quyền) và Ngô Xương Ngập (con trưởng Ngô Quyền) đã trực tiếp xung trận. Truyền thuyết và thần phả nói rằng chính ông giết được Hoằng Tháo.
Nếu Dương Đình Nghệ vẫn tiếp tục làm Tiết Độ Sứ (hoặc xưng vương) Dương Tam Kha sẽ là người kế tục một cách chính thống. Có lẽ, suy nghĩ như vậy, Dương Tam Kha không khỏi tiếc nuối. Ngô Quyền mất, tự vương còn nhỏ, lại thêm địa vị nhiếp chính (số 1 trong triều đình) là hoàn cảnh thuận lợi khiến ông ra tay thực hiện tham vọng. Lên làm vua, ông tự xưng là Bình Vương.
Dương Tam Kha thiếu chính danh, thiếu sự thần phục, chứ không phải thiếu tài năng và công trạng để làm vua. Những đóng góp lớn của ông trong khai khẩn đất – sau khi mất ngôi – nói lên tài trí của ông.
Bà Dương Như Ngọc tức Dương Hậu
Gốc là họ Dương, khi đã xuất giá (lấy Ngô Quyền) bà là thành viên họ Ngô. Bởi vậy, với suy nghĩ của bà, thì ông vua mới thuộc họ Ngô hay họ Dương đều chấp nhận được. Vả lại, cho tới lúc ấy Dương Tam Kha đã ở tuổi “ngũ thập” mà vẫn không có con trai, không nhận người trong họ làm con nuôi, mà lại nhận Xương Văn, khiến bà yên tâm về ngôi vua trong tương lai vẫn thuộc về con bà. Chính vai trò mẫu nghi và thái độ “ba phải” của bà khiến hào trưởng các nơi chưa quyết liệt chống Tam Kha. Do vậy, không có chuyện các hào trưởng, thứ sử hoặc tướng tá nào hè nhau đem quân vây kinh đô, mà chỉ kín đáo bất phục, hoặc bất tuân. Điều này giúp cho Dương Tam Kha giữ được ngôi tới 6 năm. “Sáu năm” cũng là cái vận hạn của họ Dương: Bản thân Dương Đình Nghệ, cũng như con rể và con ruột mình, mỗi người chỉ cầm quyền được sáu năm.
Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn
Xương Ngập cùng chà lứa với Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Bặc, Đinh Điền… Khi Ngô Quyền mất, ông đủ trưởng thành để làm vua, nhưng phải bỏ trốn vì sợ bác (cậu) giết hại. Việc này gây bất an lớn cho Tam Kha: Một mặt, nó tố cáo ông đã đoạt ngôi bất chính; mặt khác, nó có thể biến Xương Ngập thành một trung tâm tập hợp các lực lượng chống đối. Có tới 3 lần Dương Tam Kha cử quân đi tróc nã Xương Ngập, nói lên sự lo lắng lớn tới mức nào. Còn hào trưởng Phạm Chuyên, tướng và công thần dưới thời Ngô Quyền (được phong tước “công” – gọi là Phạm Lệnh Công) cả 3 lần giấu biệt Xương Ngập trong rừng và chối rằng “không chứa chấp thái tử”. Đây là thái độ điển hình về sự “bất tuân” kín đáo – chứ chưa công khai chống đối. Đó cũng là thái độ chung của các địa phương. Quả thật, suốt 6 năm Tam Kha làm vua vẫn chưa có vụ chống đối nào thật sự quyết liệt, đến mức gọi là “loạn” – như từ ngữ mà sử sách đã sử dụng.
Xương Văn còn nhỏ, do vậy chưa thành mối lo để Tam Kha phải “tính”. Cách tốt nhất là ông nhận Xương Văn làm con nuôi. Ít năm sau, ông cử Xương Văn đi dẹp sự phản đối của 2 thôn. Hậu thế có thể liên hệ việc này với chuyện vua Lê Đại Hành cũng nhận Đinh Toàn làm con nuôi, cũng đem Đinh Toàn đi “dẹp giặc”, để rồi Đinh Toàn chết trận; dù vua Lê có kêu “trời” – tỏ ra thương tiếc – người ta vẫn nghi ngờ sự thương tiếc này…
Xương Văn lớn lên, được cử đi trấn áp hai thôn (chỉ là cỡ “thôn”) không tuân phục, thì chính Xương Văn gọi dân chúng hai làng đó là “vô tội”. Cử Xương Văn cùng 2 tướng (trung thành với Ngô Quyền, được Ngô Quyền phong chức và tặng tước) đem quân ra khỏi kinh đô Cổ Loa là sự khinh thị, chủ quan của Tam Kha. Nó dẫn đến cuộc đảo chính, khiến Tam Kha mất ngôi, từ “vương” bị giáng xuống “công”, bị đi khỏi kinh đô, về Chương Dương lập nghiệp mới.
Tuy nhiên, anh em Xương Ngập và Xương Văn lên làm vua, dù rất chính thống, vẫn không vãn hồi được sự ổn định và lấy lại được uy quyền của triều đình.
Đinh Bộ Lĩnh: tự xưng Vạn Thắng Vương
Ông này là mối lo lớn nhất và thường trực nhất của triều đình Hậu Ngô. Thực tế lịch sử cho thấy sự lo ngại này rất không thừa. Bởi vậy, vừa mới lên ngôi (năm 950), ngay lập tức hai vua cử sứ giả mang sắc chỉ tới Hoa Lư trách cứ sự bất tuân của Đinh Bộ Lĩnh, đòi ông này lên Cổ Loa bệ kiến. Đinh thoái thác, chỉ gửi con trưởng là Đinh Liễn theo sứ giả vào kinh đô làm “con tin”. Thấy rõ sự ương ngạnh của họ Đinh, hai vua khẩn trương chuẩn bị quân mã để ngay năm sau (951) đích thân cất quân đi đánh.
Sinh năm 924, khi bị 2 vua trách cứ, Đinh Bộ Lĩnh mới 26 tuổi. Năm sau, khi bị vây đánh, ông quyết tử chống lại, dù tính mạng của con trưởng bị hai vua đem ra thử thách. Thà mất con còn hơn mất cơ nghiệp. Cuối cùng, hai vua thất bại, phải rút quân. Kết quả này nói lên:
1) Cuộc chinh phạt thất bại, chứng tỏ Đinh đã xây dựng lực lượng từ lâu rồi. Liệu có thể nghĩ rằng họ Đinh cát cứ để chống việc Tam Kha cướp ngôi?. Chả phải.
2) Dù Tam Kha đã bị truất ngôi, họ Đinh vẫn chống đối vua mới, chính thống.
3) Chính do vậy, sự cát cứ này là nỗi lo ngại lớn nhất và thường trực của triều đình. Sau khi Xương Văn mất (965), chỉ hai năm sau họ Đinh thâu tóm thiên hạ (967).
4) Nếu muốn chỉ ra ai xứng đáng được gọi là “sứ quân” thì Đinh Bộ Lĩnh là duy nhất. Thực tế, tất cả 12 vị trong danh sách sứ quân, chẳng ai tự xưng, mà là thứ danh hiệu bị gán. Bậy bạ nhất là gán cho thái tử Xương Xí. Sau năm 951 cho tới khi hết “loạn” (967) không có bất cứ ai tới tấn công Hoa Lư, mà chỉ có chuyện Hoa Lư xuất quân đi loạn đả khắp nơi. Cái “loạn” bắt đầu từ đó. Lần xuất quân đầu tiên (965), đích thân Đinh Bộ Lĩnh đem theo con trưởng nhằm thẳng kinh đô, khi ở đó xảy ra biến cố.
Biến cố ở Cổ Loa: do Lã Xử Bình tự xưng vua
Đó là cuộc tranh giành ngôi vua, mà lịch sử Trung Hoa viết rằng do 4 (hoặc 5) nhân vật gây ra. Sự biến này là tác nhân làm bùng phát loạn lạc trong cả nước.
Xương Ngập chỉ tại ngôi 3 năm; còn lại Xương Văn – thực là ông vua chinh chiến. Lên ngôi, ông đánh Hoa Lư, cuối đời, ông tử trận. Biến cố này ngay lập tức gây ra cuộc tranh ngôi ở ngay triều đình. Sử ta không ghi gì, do vậy sau này phải dựa vào sự ghi chép trong sử Trung Quốc. Nhiều bộ sử nói giống nhau, không phải vì các sử gia Trung Hoa đã điều tra độc lập (họ không có điều kiện làm như vậy) mà là các thế hệ cứ chép lại tư liệu đầu tiên. Ngay “tư liệu đầu tiên” cũng khó chính xác, vì tác giả chỉ dựa vào tin tức truyền từ nước ta sang. Nói cụ thể, khi Đinh Bộ Lĩnh toàn thắng, lên ngôi vua, đã cử Đinh Liễn dẫn sứ bộ sang nhà Tống (572) trình bày tình hình, thuyết phục và xin được phong. Nhà Tống tin và nghe theo tất thẩy. Nội dung trình bày của Đinh Liễn hẳn là được sử Tàu ghi lại, tóm tắt như sau: Vua mất, tham mưu Lã Xử Bình, các thứ sử Kiều Tri Hựu, Dương Huy, Ngô Nhật Khánh và nha tướng Đỗ Cảnh Thạc, tranh nhau ngôi vua. Loạn lạc xảy ra, 12 sứ quân mỗi người hùng cứ một nơi, nhưng đều bị Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn dẹp yên. Đất nước trở lại thanh bình…
Thực tế thế nào?
Chỉ có thể suy đoán. Và đã có nhiều cách suy đoán. Dưới đây là một cách.
Lã Xử Bình là tướng thân cận và có công, được vua ban họ tôn thất (quốc tính) nên còn gọi là Ngô Xử Bình. Là tham mưu, ông theo vua đi chinh phạt nơi chống đối, chẳng may vua chết trận, Lã nắm cơ hội, thâu tóm quân đội và bộc lộ ý đồ xưng vương. Tuy nhiên, trong 3 vị tôn thất (Ngô Xương Xí, Ngô Nhật Khánh và Ngô Xử Bình) thì ông Bình ít xứng đáng nhất, do vậy bị phản đối. Phản đối tức thời phải là các hào trưởng, thứ sử (quan văn) và tướng tá trấn nhiệm gần Cỏ Loa nhất. Đó là Kiều Tri Hựu (tức Kiều Công Hãn) ở Phong Châu, Dương Huy ở Vũ Ninh và Đỗ Cảnh Thạc ở Đỗ Động. Đây là những người trung thành với triều Ngô, nhưng bị nhét vào một rọ “tranh bá, đồ vương” với Lã Xử Bình. Ngoài ra, còn Ngô Nhật Khánh ở Đường Lâm – chỉ cách Cổ Loa 1 ngày đường. Ông này cùng chà lứa với Đinh Liễn, nhưng là thân tộc nên sớm được phong tước “công” và được coi giữ Đường Lâm (quê vua). Dịp này, ông tự xưng là An Vương, kéo quân về Cổ Loa, thể hiện rõ ý đồ tranh chấp. Còn Ngô Xương Xí, chính danh là thái tử, nhưng lúc đó đang ở Bình Kiều, quá xa Cổ Loa. Một suy đoán có lý là thái tử được vua (chú ruột) phái vào trấn nhậm châu Ái để tạo gọng kìm phía nam, bao vây Hoa Lư do họ Đinh cát cứ. Nhưng sau ít năm, Đinh kịp liên kết với Trần Lãm, khiến Xương Xí bị cô lập, hết đường về Cổ Loa. Do vậy Xương Xí từ đầu chí cuối chỉ ru rú giữ nhà, không dám đánh ai, cũng không ai dám đánh thái tử, trước khi ông hàng phục họ Đinh.
Cũng nhân sự biến Cổ Loa, họ Đinh không bỏ lỡ cơ hội, đã xuất quân nhằm thẳng kinh đô, đánh tan cả đám. Có kinh đô, ông thừa thắng thanh toán mọi nơi trong vòng 2 năm.
Sự tự xưng của các sứ quân
Như đã nói, “sứ quân” là tên gọi mà hậu thế dành cho những người “nổi dậy” để… “người này đánh lẫn người kia” (!). Lạ đời! Sử sách liệt kê chính thức 12 sứ quân, đặc biệt là ông nào cũng tự xưng danh tước. Dưới đây là danh sách chính thức truyền tới hôm nay.
Tên “sứ quân” | “Tự xưng” | |
1 | Đỗ Cảnh Thạc | Đỗ Cảnh Công |
2 | Lý Khuê | Lý Lãng Công |
3 | Trần Lãm | Trần Minh Công |
4 | Kiều Thuận | Kiều Lệnh Công |
5 | Nguyễn Siêu | Nguyễn Hữu Công |
6 | Lã Đường | Lã Tá Công |
7 | Nguyễn Khoan | Nguyễn Thái Bình
và Quảng Trí Quân |
8 | Ngô Nhật Khánh | Ngô Lãm Công
và An Vương |
9 | Nguyễn Thủ Tiệp | Nguyễn Lệnh Công
và Vũ Ninh Vương |
10 | Kiều Công Hãn | Kiều Tam Chế |
11 | Phạm Bạch Hổ | Phạm Phòng Át |
12 | Ngô Xương Xí | Thái tử, bị gán là
“Ngô sứ quân” |
Đinh Bộ Lĩnh
(nằm ngoài danh sách) |
Vạn Thắng Vương |
Sơ bộ phân tích:
a) Rất rõ, các nhà sử học nước ta muốn làm đẹp lịch sử dân tộc đã không tiếc lời ca ngợi vua Đinh; trong đó một cách là chê bai những người thất bại. Vì vua Đinh trước đây không được phong tước, do vậy các tước hiệu của sứ quân đều bị chê là “tự xưng”. Chả phải. Thật sự, Ngô Quyền khi xưng vương đã rộng rãi phong tước “công” cho nhiều vị có công. Lịch sử cũng cho biết, khi Ngô Xương Ngập lấy lại được ngôi vua, cũng phong tước công và nâng tước (lên tước “công”) cho các vị tỏ ra không tuân phục Dương Tam Kha. Sự phong tước này cố ý công khai và loan báo rộng rãi, vì có lợi cho triều đình mới. Do vậy, 8 vị “sứ quân” nêu lên danh tước “công” của mình là chính danh, không phải là “tự xưng”. Tự xưng, lạm xưng chỉ có hại cho bản thân.
b) Xưng danh tước (do triều Ngô ban tặng) chính là cách tự nhận mình trung thành với triều Ngô. Và nói lên sự chính danh của mình, để gián tiếp chê Đinh Bộ Lĩnh.
c) Trong 8 vị tước “công” có 2 vị xưng “vương”: Ngô Nhật Khánh và Nguyễn Thủ Tiệp. Tước “công” của hai vị này là chính đáng, nhất là tước “lệnh công” – khá phổ biến. Một vị tranh chấp ngôi vua với Lã Xử Bình; vị kia do thôn tính được đất đai của hào trưởng (thứ sử) Dương Huy đã tự tôn lên “vương”.
d) Có một vị không xưng tước, mà xưng chức (phòng át). Càng chứng tỏ sự trung thành với họ Ngô.
e) Dẫu vậy, chẳng ai tự cứu được mình trước tài thao lược của Đinh Bộ Lĩnh.
Công – Tội
Dù tàn bạo, nhưng việc làm của họ Đinh là phù hợp với tiến trình lịch sử: phân quyền phải tiến tới tập quyền. Lịch sử sẽ luận công hoặc kết tội tiếp (sau giai đoạn tập quyền): Họ Đinh làm gì để quy tụ lòng người đặng phát triển xã hội?