24/06/2018, 17:14

Chuyên đề 1: Lịch sử thế giới cận đại ( Phần 1) – Lịch sử 11

ĐỀ 1 Câu 1. Vì sao cuối kỉ thế XIX, nước Nhật thoát khỏi số phận bị các nước phương Tây xâm lược, đô hộ? Bài học kinh nghiệm rút ra cho các nước trong thời gian này ? Câu 2. Hai sự kiện nổi bật về tinh thần dân tộc diễn ra ở Ấn Độ trong những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX là sự kiện nào? ...

ĐỀ 1

Câu 1. Vì sao cuối kỉ thế XIX, nước Nhật thoát khỏi số phận bị các nước phương Tây xâm lược, đô hộ? Bài học kinh nghiệm rút ra cho các nước trong thời gian này ?

Câu 2. Hai sự kiện nổi bật về tinh thần dân tộc diễn ra ở Ấn Độ trong những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX là sự kiện nào? Khái quát nội dung cơ bản của hai sự kiện đó ?

Câu 3. Bằng sự kiện lịch sử đã học về cách mạng Trung Quốc cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, hãy giải thích vì sao cách mạng Tân Hợi năm 1911 là cuộc cách mạng tư sản không triệt để. ?Nêu ý nghĩa của cuộc cách mạng này ?

Câu 4. Vì sao các nước Đông Nam Á bị các nước phương Tây xâm lược? Lập niên biểu về các cuộc đấu tranh của nhân dân các nước Đông Nam Á cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Vì sao?

Tên nước Thời gian Các cuộc đấu tranh tiêu biểu Kết quả
………………………… ………………………… ………………………… …………………………
………………………… ………………………… ………………………… …………………………
………………………… ………………………… ………………………… …………………………
………………………… ………………………… ………………………… …………………………
………………………… ………………………… ………………………… …………………………
………………………… ………………………… ………………………… …………………………

HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI:

Câu 1. Vì sao cuối kỉ thế XIX, nước Nhật thoát khỏi số phận bị các nước phương Tây xâm lược, đô hộ? Bài học kinh nghiệm rút ra cho các nước trong thời gian này. Vì sao ?

-Cuối thế kỉ XIX, cuộc đấu tranh chống chế độ Mạc phủ bùng nổ mạnh mẽ đã lật đổ chế độ thống trị của Sô-gun, chính phủ mới do Thiên hoàng bổ nhiệm được thành lập. Đây là thời kì Minh Trị. Dưới thời Minh Trị thực hiện một số cải cách tiến bộ:

-Về hành chính: Xóa bỏ tình trạng cát cứ. Tổ chức chính phủ theo kiểu châu Âu. Ban hành Hiến pháp 1889.

-Về kinh tế: Chính phủ đã thi hành các chính sách thống nhất tiền tệ, thống nhất thị trường, xóa bỏ sự độc quyền ruộng đất của giai cấp phong kiến, tăng cường phát triển tư bản chủ nghĩa ở nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu công, phục vụ giao thông liên lạc…

-Về quân sự: Quân đội được tổ chức và huấn luyện theo kiểu phương Tây, chếđộ nghĩa vụ thay cho chế độ trưng binh. Công nghiệp đóng tàu chiến được chú trọng phát triển, ngoài ra còn tiến hành sản xuất vũ khí, đạn dược và mời chuyên gia quân sự nước ngoài…

-Về văn hóa – giáo dục: thi hành chính sách giáo dục bắt buộc, chú trọng nội dung khoa học – kĩ thuật trong chương trình giảng dạy, cử những học sinh giỏi đi du học ở phương Tây…

-Nhờ cuộc cải cách Minh Trị trên các lĩnh vực đó đã đưa nước Nhật thoát khỏi số phận bị các nước tư bản phương Tây xâm lược. Nhật Bản trở thành nước tư bản chủ nghĩa ở châu Á.

Bài học kinh nghiệm:

-Trong quá trình cải cách, Nhật Bản chú trọng đến việc cải cách toàn diện, triệt để trên tất cả các lĩnh vực nhằm hạn chế đến mức tối đa những ảnh hưởng của chế độ phong kiến đã trở nên lỗi thời, lạc hậu.

-Trong lúc các nước phương Tây đang phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa, Nhật Bản thực hiện cuộc cải cách để phát triển đất nước theo con đường tư bản chủ nghĩa làm cho các nước phương Tây không thể xâm lược Nhật Bản.

-Cuộc cải cách không để cho các nước phương Tây biến Nhật Bản thành thị trường tiêu thụ hàng hóa và nơi cung cấp nguyên liệu như các nước ở châu Á khác. Không để Nhật Bản trở thành miếng mồi béo bở để các nước phươngTây dòm ngó, xâm lược Nhật Bản.

Câu 2. Hai sự kiện nổi bật về tinh thần dân tộc diễn ra ở Ấn Độ trong những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX ỉà sự kiện nào? Khái quát nội dung cơ bản của hai sự kiện đó ?

-Hai sự kiện nổi bật:

  • Cuộc khởi nghĩa Xi-pay ở Ấn Độ (1857 -1859).
  • Phong trào dân tộc (1905 -1908).

+ Khái quát cuộc khởi nghĩa Xi-pay:

Do mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân Ấn Độ với thực dân Anh ngày càng sâu sắc. Từ đó dẫn đến cuộc khởi nghĩa của quân đội Xi-pay và nhân dân ở Mi-rút bùng nổ ngày 10 – 5 -1857.

Rạng ngày 10 – 5 – 1857, ở Mi-rút (gần Đê-li), khi thực dân Anh sắp áp giải 85 binh lính Xi-pay trái lệnh, thì ba trung đoàn Xi-pay nổi dậy khởi nghĩa. Nông dân các vùng phụ cận cũng tham gia nghĩa quân, vây bắt bọn chỉ huy Anh.

Thừa thắng, nghĩa quân tiến về Đê-li. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan rộng khắp miền Bắc và một phần miền Tây Ấn Độ.

Cuộc khởi nghĩa duy trì được khoảng hai năm thì bị thực dân Anh dốc toàn lực để đàn áp dã man. Nhiều nghĩa quân bị quân Anh trói vào họng súng đại bác, rồi bắn cho tan xương nát thịt.

Cuộc khởi nghĩa thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân Ấn Độ chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc.

+ Khái quát phong trào dân tộc:

Tháng 7 – 1905, chính quyền Anh thi hành chính sách chia để trị, ban hành đạo luật chia đôi xứ Ben-gan: miền Đông theo đạo Hồi và miền Tây theo đạo Ấn. Điều đó làm bùng lên phong trào đấu tranh chống thực dân Anh, đặc biệt ở Bom-bay và Can-cút-ta. Ngày 6 -10 -1905, đạo luật chia cắt Ben-gan bắt đầu có hiệu lực, nhân dân coi đó là ngày quốc tang: Hơn 10 vạn người kéo đến bờ sông Hằng, dòng sông linh thiêng của người Ấn, làm lễ tuyên thệ và hát vang bài “Kính chào người – Mẹ hiền Tổ quốc” để tỏ ý thống nhất. Khắp nơi vang lên khẩu hiệu “Ấn Độ của người Ấn Độ”.

Tháng 6 -1908, thực dân Anh bắt Ti-lắc và kết án ông sáu năm tù. Vụ án Ti-lắc thổi bùng lên một đợt đấu tranh mới. Hàng vạn công nhân Bom-bay tiến hành tổng bãi công sáu ngày (để trả lời sáu năm tù của Ti-lắc), xây dựng chiến lũy, thành lập các đơn vị chiến đấu chống lại quân Anh. Các thành phố khác cũng hưởng ứng, cuộc đấu tranh lên đỉnh cao buộc thực dân Anh phải thu hồi đạo luật chia cắt Ben-gan.

Đây là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Ấn Độ đầu thế kỉ XX nhằm mục tiêu độc lập, dân chủ. Thể hiện sự thức tỉnh của nhân dân An Độ trong trào lưu dân tộc, dân chủ chung của châu Á.

Câu 3. Bằng sự kiện lịch sử đã học về cách mạng Trung Quốc cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, hãy giải thích vì sao cách mạng Tân Hợi năm 1911 là cuộc cách mạng tư sản không triệt để. Nêu ý nghĩa của cuộc cách mạng này ?

  • Giải thích:

+ Cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 ở Trung Quốc do Tôn Trung Sơn lãnh đạo. Cuộc cách mạng nổ ra đầu tiên ở Vũ Xương ngày 10 -10 – 1911. Sau khi cách mạng thắng lợi, Tôn Trung Sơn được bầu làm Đại Tổng thống thống đầu chính phủ lâm thời, một chính phủ theo khuynh hướng dân chủ tư sản.

+ Khi cách mạng thành công đã không đề cập đến vấn đề ruộng đất của nông dân được ghi trong cương lĩnh của Đồng minh hội.

+ Trước thắng lợi bước đầu của cách mạng, một số phần tử lãnh đạo Đồng minh hội đã hoảng sợ, tìm cách hạn chế sự phát triển của phong trào, thương lượng với triều đình Mãn Thanh. Kết quả là vua Thanh thoái vị, nhưng Viên Thế Khải – một đại thần của triều đình Mãn Thanh lên làm Tổng thống. Tôn Trung Sơn buộc phải từ chức (tháng 2 -1913). Trên thực tế, cách mạng đến đây chấm dứt. Các thếlực phong kiến quân phiệt lên nắm chính quyền.

+ Như vậy, cách mạng Tân Hợi không giải quyết được vấn đề ruộng đất cho nông dân, không thủ tiêu được chế độ phong kiến nên đó là cuộc cách mạng dân chủ tư sản không triệt để.

  • Ý nghĩa lịch sử:

+ Lật đổ triều đại Mãn Thanh, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế phong kiến lâu đời, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.

+ Có ảnh hưởng nhất định đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở một số nước châu Á.

Câu 4. Vì sao các nước Đông Nam Á bị các nước phương Tây xâm lược? Lập niên biểu về các cuộc đấu tranh của nhân các nước Đông Nam Á cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Vì sao ?

-Đến nửa cuối thế kỉ XIX, do nền công nghiệp phát triển nên các nước tư bản phương Tây cần thị trường, thuộc địa, vì vậy các nước phương Tây đẩy mạnh xâm lược thuộc địa.

– Đông Nam Á là một khu vực rộng lớn, đông dân, giàu tài nguyên có vị trí chiến lược quan trọng. Từ giữa thế kỉ XIX, chế độ phong kiến lâm vào khủng hoảng triền miên. Đây là điều kiện tốt để các nước phương Tây mở rộng, hoàn thành việc xâm lược Đông Nam Á.

Tên nước Thời gian Các cuộc đấu tranh tiêu biểu Kết quả
In-đô-nê-xi-a 1905 -1908 –  Thành lập nghiệp đoàn xe lửa.

–  Thành lập Hội liên hiệp công nhân.

Đảng Cộng sản In-đô-nê-xi-a được thành lập.
Phi-lip-pin 1896 -1898 Cách mạng bùng nổ và lan rộng nhiều nơi. Nước Cộng hòa Phi-lip-pin ra đời.
Cam-pu-chia 1863 -1868 Khởi nghĩa Ta-keo, khởi nghĩa Cra-chê. Gây cho Pháp nhiều tổn thất, bước đầu thành lập liên minh chống Pháp.
Lào 1901 -1907 –   Đấu tranh vũ trang ở Xa-van-na-khét.

–   Khởi nghĩa ở cao nguyên Bô-lô-ven.

Gây cho Pháp nhiều tổn thất, bước đầu thành lập liên minh chống Pháp.
Việt Nam 1885 -1896

1884 -1913

–  Phong trào Cần Vương.

–   Khởi nghĩa nông dân Yên Thế

Bước đầu thành lập liên minh chống Pháp.
Miến Điện 1885 Kháng chiến chống thực dân Anh. Chưa thu được kết quả.

Một số chuyên mục hay của Lịch sử lớp 11: 

  • Giải bài tập Sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 11
  • Câu hỏi ôn tập môn Lịch sử lớp 11
  • Đề thi – Đáp án môn Lịch sử lớp 11
  • Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 11

0