24/06/2018, 16:43

Câu hỏi ôn tập bài 15: Phong trào cách mạng Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất (1919-1925) – Lịch sử 9

CÂU HỎI ÔN TẬP Câu hỏi 1: Tình hình thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đã ảnh hưởng tới cách mạng Việt Nam như thế nào? Trả lời câu hỏi: – Dưới ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông và phong trào công nhân ở các nước tư bản đế ...

CÂU HỎI ÔN TẬP 

Câu hỏi 1: Tình hình thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đã ảnh hưởng tới cách mạng Việt Nam như thế nào?

Trả lời câu hỏi:

– Dưới ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông và phong trào công nhân ở các nước tư bản đế quốc phương Tây đã phát triển mạnh mẽ và có sự gắn bó mật thiết trong cuộc đấutranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc.

– Tháng 3-1919, Quốc tế thứ ba (Quốc tế Cộng sản) thành lập.

– Năm 1920, Đảng Cộng sản Pháp ra đời.

– Năm 1921, Đảng Cộng sản Trung Quốc ra đời.

Những sự kiện trên đã tác động mạnh mẽ tới sự lựa chọn con đường giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc và tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác — Lê nin vào Việt Nam.

Câu hỏi 2: Những nét nổi bật của phong trào dân chủ công khai trong những năm 1919 -1925 là gì?

Trả lời câu hỏi:

Những năm sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào dân tộc, dân chủ công khai ở nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia với nhiều hình thức phong phú và sôi nổi, trước hết là ở các thành thị.

Câu hỏi 3: Phong trào đấutranh của giai cấp tư sản Việt Nam diễn ra như thế nào?

Trả lời câu hỏi:

– Giai cấp tư sản Việt Nam nhân đà làm ăn thuận lợi sau chiến tranh đã phát động các phong trào chấn hưng nội hóa, bài trừ ngoại hóa (1919), đấu tranh chống độc quyền cảng Sài Gòn và độc quyền xuất cảng lúa gạo Nam Kì của tư bản Pháp (1923).

– Giai cấp tư sản dùng báo chí để bênh vực quyền lợi cho mình và thành lập Đảng Lập hiến để tập hợp lực lượng đấutranh.

Câu hỏi 4: Vì sao giai cấp tư sản dân tộc Việt Nam đứng lên đấu tranh?

Trả lời câu hỏi:

-Giai cấp tư sản Việt Nam đấu tranh là vì họ bị tư bản nước ngoài cạnh tranh, chèn ép.

-Nhân đà làm ăn thuận lợi sau chiến tranh, giai cấp tư sản dân tộc muốn vươn lên giành vị trí khá hơn trong nền kinh tế Việt Nam.

Câu hỏi 5: Nêu mục tiêu tính chất mặt tích cực và hạn chế trong phong trào đấutranh của giai cấp tư sản Việt Nam?

Trả lời câu hỏi:

– Mục tiêu: đòi một số quyền lợi kinh tế, đòi các quyền tự do dân chủ thích ứng với lợi ích và địa vị xã hội của mình.

– Tính chất: yêu nước, dân chủ.

– Mặt tích cực: tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng, cố gắng trong việc đấutranh chống sự cạnh tranh, chèn ép của tư bản nước ngoài.

– Hạn chế: hoạt động mang tính chất cải lương, giới hạn trong khuôn khổ của chế độ thực dân, họ sẵn sàng thỏa hiệp với thực dân Pháp khi được chúng ban phát cho một số quyền lợi.

Câu hỏi 6: Nêu các hình thức đấutranh của tầng lớp tiểu tư sản trong thời kì này ?

Trả lời câu hỏi:

Các hình thức đấutranh của tầng lớp tiểu tư sản trong thời kì này:

– Thành lập những tổ chức chính trị như Việt Nam Nghĩa đoàn, Hội Phục Việt, Đảng Thanh niên…

– Xuất bản những tờ báo tiến bộ, lập ra những nhà xuất bản tiến bộ.

– Phát động hai phong trào nổi bật là đòi nhà cầm quyền Pháp thả Phan Bội Châu (1925) và đám tang Phan Châu Trinh (1926).

Câu hỏi 7: Nêu mục tiêu, tính chất, mặt tích cực và hạn chế trong phong trào đấu tranh của tầng lớp tiểu tư sản Việt Nam ?

Trả lời câu hỏi:

– Mục tiêu: chống cường quyền, áp bức, đòi các quyền tự do, dân chủ.

– Tính chất: yêu nước, dân chủ.

– Tích cực: góp phần thức tỉnh lòng yêu nước, truyền bá tư tưởng tự do dân chủ trong nhân dân, truyền bá những tư tưởng cách mạng mới.

– Hạn chế: chưa được tổ chức thành chính đảng nên đấutranh mang tính chất xốc nổi, ấu trĩ.

Câu hỏi 8: Phong trào công nhân nước ta trong mấy năm đầu sau  Chiến tranh thế giới thứ nhất đã phát triển trong bối cảnh nào?

Trả lời câu hỏi:

– Trong nước: phong trào tuy còn mang tính tự phát nhưng ý thức giai cấp cao hơn tạo điều kiện cho phong trào chính trị sau này.

+ Năm 1920, Tôn Đức Thắng thành lập Công hội (bí mật) để lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn.

-Thế giới: Sự cổ vũ, động viên của các cuộc đấutranh của công nhân và thủy thủ Pháp cũng như các công nhân và thủy thủ Trung Quốc tại các cảng lớn: Hương Cảng, Áo Môn, Thượng Hải (1921).

Câu hỏi 9: Nêu các cuộc đấu tranh của công nhân trong những năm 1919 — 1925.

Trả lời câu hỏi:

  • Năm 1922, công nhân viên chức các sở công thương của tư bản Pháp ở Bắc Kì đấu tranh đòi được nghỉ làm việc ngày chủ nhật có trả lương.
  • Năm 1924, nhiều cuộc bãi công của công nhân các nhà máy dệt, nhà máy rượu, nhà máy xay xát gạo đã diễn ra ở Nam Đinh, Hà Nội, Hải Dương…
  •  Tháng 8-1925, thợ máy xưởng Ba Son ở cảng Sài Gòn bãi công ngăn cản tàu chiến Pháp chở lính sang đàn áp cách mạng Trung Quốc.

Câu hỏi 10 : Cuộc bãi công Ba Son (8/1925) có điểm gì mới trong phong trào công nhân nước ta sau Chiến tranh thế giới thứ nhất ?

Trả lời câu hỏi:

Cuộc bãi công Ba Son (8/1925) cho thấy công nhân Ba Son đấu tranh không chỉ đòi hỏi về quyền lợi kinh tế mà còn biểu hiện ý thức chính trị cao hơn qua việc ngăn cản tàu chiến Pháp chở lính sang đàn áp cách mạng Trung Quốc. Việc làm này chứng tỏ ý thức giai cấp ngày càng cao, đã có tinh thần đoàn kết quốc tế, không những đấu tranh vì quyền lợi của giai cấp công nhân trong nước mà còn vì quyền lợi của giai cấp công nhân nước bạn.

Câu hỏi 11: Tại sao cuộc bãi công của công nhân xưởng Ba Son (8-1925) là một mốc quan trọng trên con đường phát triển của phong   trào công nhân Việt Nam từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất?

Trả lời câu hỏi:

  • Tháng 8-1925, thợ máy xưởng Ba Son ở cảng Sài Gòn bãi công ngăn cản tàu chiến Pháp chở lính sang đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân và thủy thủ Trung Quốc.
  • Đây là cuộc đấu tranh đầu tiên có tổ chức, có sự lãnh đạo, thể hiện tinh thần quốc tế vô sản của công nhân Việt Nam.
  • Cuộc bãi công của thợ máy Ba Son thắng lợi đã đánh dấu một bước tiến mới của phong trào công nhân Việt Nam – giai cấp công nhân nước ta từ đây bước vào đấu tranh tự giác (đấu tranh có tổ chức và có mục đích chính trị rõ ràng).

Câu hỏi 12: Em hãy cho biết phong trào công nhân Việt Nam những năm 1919 – 1925 có đặc điểm gì?

Trả lời câu hỏi:

Các cuộc đấu tranh của công nhân thời kì này còn lẻ tẻ, mang tính tự phát, nhưng ý thức giai cấp, chính trị ngày càng cao (được thể hiện rõ qua cuộc bãi công của công nhân Ba Son), bước đầu có tính tự giác và ý thức quốc tế, làm cơ sở cho các tổ chức và phong trào chính trị cao hơn về sau.

Một số chuyên mục của lịch sử lớp 9

  • Giải bài tập Sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 9
  • Câu hỏi ôn tập môn Lịch sử lớp 9
  • Đề thi – Đáp án môn Lịch sử lớp
  • Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 

Xem thêm: Câu hỏi ôn tập bài 14: Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất (Phần 2) – Lịch sử 9

0