23/05/2018, 15:42

Cách phòng trừ ruồi đục trái mận ?

Loài ruồi đục trái có tên khoa học là Dacus dorsalis, thuộc họ Trypetidae, bộ hai cánh (Diptera). Ngoài Mận (còn gọi là cây Roi) chúng còn gây hại trái của nhiều loại cây ăn trái khác như : táo, cam, quýt, vú sữa, ổi, xoài… Chúng được coi là một trong vài loại sâu hại quan trọng nhất trên ...

Loài ruồi đục trái có tên khoa học là Dacus dorsalis, thuộc họ Trypetidae, bộ hai cánh (Diptera). Ngoài Mận (còn gọi là cây Roi) chúng còn gây hại trái của nhiều loại cây ăn trái khác như : táo, cam, quýt, vú sữa, ổi, xoài… Chúng được coi là một trong vài loại sâu hại quan trọng nhất trên cây mận, nhất là các đợt trái ra trong mùa mưa. Ruồi trưởng thành nhỏ hơn con ruồi nhà một chút, màu nâu nhạt, có nhiều đốm vàng cam ở đầu và lưng. Có 3 sọc vàng xếp thành hình chữ u trên ngực và 2 sọc đen xếp hình chữ T trên thân mình. Loài ruồi này nhìn cỏ vẻ giống con ong hơn là con ruồi nhà. Con cái đẻ trứng thành từng ổ 5 – 10 trứng dưới lớp vỏ trái. Sau khi nở dòi đục ăn phần thịt trái xung quanh chỗ ổ trứng, càng lớn dòi càng đục ăn lan rộng vào phía trong làm cho thịt trái bị thối rữa. Đẫy sức dòi đục vỏ trái chui ra ngoài, nếu trái còn đeo ở trên cây thì dòi tự búng mình rớt xuống đất rồi chui vào đất để làm nhộng, nhưng thường những trái đã bị dòi gây hại sẽ bị thối và rụng xuống đất trước khi dòi kịp chui ra ngoài, sau đó dòi mới chui ra rồi chui vào đất để làm nhộng. Ruồi đục mậnRuồi đục mận

Để hạn chế tác hại của ruồi, nên áp dụng kết hợp một số biện pháp sau đây :

Thu hái trái sớm hơn bình thường, đừng để trái chín đeo quá lâu trên cây.

Thu nhặt hết những trái thối rụng ở dưới gốc đem đi tiêu hùy để diệt dòi còn đang nằm ở bên trong.

Thường xuyên vệ sinh vườn tược, tỉa bỏ những cành, lá không cần thiết để vườn được thông thoáng, hạn chế nơi trú ngụ của con trưởng thành.

Dùng thuốc Vizubon-D để dẫn dụ và tiêu diệt ruồi vàng. Biện pháp này cần phải vận động nhiều chủ vườn ở xung quanh cùng tiến hành làm đồng loạt thì mới có kết quả cao.

Nên trồng những giống mận có vỏ vả thịt trái cứng như giống mận “An Độ”, Mận Tô Châu, Mận đá… Thực tế cho thấy, những giống mận này rất ít bị dòi tấn công, kể cả trong mùa mưa.

Có thể dùng một số biện pháp như khoanh vỏ, xiết nước… để điều khiển cho cây mận ra trái tập trung vào mùa khô, sẽ ít bị dòi hại hơn.

Không nên xịt thuốc hóa học trực tiếp lên trái mận, vì vỏ trái mận rất mỏng, thuốc rất dễ dàng ngấm vào bên trong trái gây nguy hiểm cho người ăn. Mặt khác, khi trái mận sắp thu hoạch mới bị dòi tấn công, nếu xịt thuốc lúc này chấc chắn sẽ không đảm bảo có đú thời gian cách ly của thuốc.

KS. NGUYỄN DANH VĂN

0