23/05/2018, 15:42

Đặc điểm một số giống lê ở nước ta

Mặc dù cây lê được trồng ở nước ta từ nhiều năm trước, có tài liệu nói là hơn 100 năm, song các công trình nghiên cứu cơ bản về cây lê còn rất ít. Vì vậy, các giống lê ở ta phần nhiều do được chọn lọc tự nhiên và mang tên riêng của từng địa phương, chưa được tiêu chuẩn hoá, có những giống tuy ...

Mặc dù cây lê được trồng ở nước ta từ nhiều năm trước, có tài liệu nói là hơn 100 năm, song các công trình nghiên cứu cơ bản về cây lê còn rất ít.

Vì vậy, các giống lê ở ta phần nhiều do được chọn lọc tự nhiên và mang tên riêng của từng địa phương, chưa được tiêu chuẩn hoá, có những giống tuy mang tên khác nhau, song thực chất lại là một.

Dưới đây giới thiệu các giống mang tính bản địa, được hệ thống theo kết quả điều tra, khảo sát của các tác giả khác nhau:

Lê Đại hồng

Giống này có nhiều ở Lạng Sơn. Cây mọc khoẻ, phân cành thưa, quả sai và có chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng. Quả dài, đỉnh hơi nhọn và chính giữa lõm xuống; vỏ quả màu xanh vàng, thịt quả mịn, nhiều nước, cát nhỏ, vị ngọt, mùi thơm như giống lê Vân Nam (Trung Quốc).

Lê đen Cao Bằng

Được trồng phổ biến ở nhiều địa phương tỉnh Cao Bằng. Có ý kiến cho đây là giống lai tự nhiên giữa lê và táo dại. Quả giống mắc coọc, nhưng hương vị thơm ngon hơn.

Lê Sali Hà Giang

Cây tương đối khoẻ, phân cành đều, có tính chống chịu ngoại cảnh bất thuận khá. Thịt quả cứng nhưng mùi vị thuộc loại thơm ngon, được thị trường ưa chuộng.

Lê xanh

Thường được trồng ở những vùng có độ cao từ 600m trở lên. Cây sinh trưởng khoẻ và cho năng suất cao, tính chống chịu lạnh tốt. Ra hoa rộ vào vụ xuân, thời gian nuôi quả kéo dài nên cho thu hoạch muộn, thường vào tháng 10. Quả có màu xanh, có dạng bầu hoặc hình trứng, một phần vỏ màu hồng nhạt, vỏ nhẵn, cuông ngắn, to. Bình quân 1 quả nặng 300 – 400g, có thể tới 700g, kích cỡ 11 – 159 – 9,5cm. Thịt quả trắng, mọng nước, vị ngọt, lõi nhỏ, phần ăn được tới 90%.

Lê nâu

Cây khoẻ có nhiều quả, có thể cho tới 1.000 – 5.000 quả, tức là 2,5 — 7,6 tạ/cây. Có thể trồng được ở nhiều vùng rộng hơn so với lê xanh. Ra hoa vào giữa tháng 3 đến đầu tháng 4, thu hoạch quả vào tháng 8. Quả tròn, tròn dẹt, hình trứng ngược, vỏ nâu, có nhiều chấm, mặt vỏ nhám, mỗi quả bình quân nặng 200 – 300g, kích cỡ 7 – 8,58 – 8,5cm. Thịt quả khô, ít nước, lõi to, phần ăn được 85 – 90%. Hương vị thơm ngon. Khi còn xanh thì vị chát. Khi chín càng để càng thơm và ngọt.

Lê nước

Cây có bộ khung tán thưa phân ra thành tầng, lá màu xanh nhạt. Cây ra hoa 2 vụ: tháng 2 – 3 và tháng 6 – 7, do vậy có 2 vụ quả: tháng 5 – 6 và 9 – 10 Quả nhỏ, mỗi quả trung bình chỉ đạt 150 – 170g, kích cỡ 7 – 95 – 7cm, cuống dài, dạng hình thoi, thịt quả mịn vừa, mọng nước, phần ăn được 92%, vị ngọt vừa.

Tuy giống lê ở ta có nhiều tên như vậy, song thực tế cho thấy có thể chia thành 2 nhóm như sau:

Lê lá xanh

Gồm các giống mọc khỏe, phân cành mạnh, cành mọc gần sát thân, tạo ra một góc hẹp, vì vậy bộ khung tán hẹp. Những cành cấp 4 – 5 nhỏ và ngắn. Lá hẹp cuống dài, khó rụng, màu xanh đậm. Hoa nhiều, tỷ lệ đậu quả cao. Quả nhỏ, dài, ít rụng non; khi chín có màu xanh nhạt. Mỗi quả bình quân nặng 150 – 200g và chín sớm hơn so vối lê lá vàng. Quả nhiều nước, cát to, vị chua, tỷ lệ xơ bã cao. Bù lại, năng suất cao, quả dễ bảo quản, vận chuyển cho nên nhiều nơi trồng, cần khuyến cáo cho sản xuất rộng rãi.

Lê lá vàng

Cây có độ cao vừa phải, khung tán rộng, lá to hơi tròn và có màu xanh vàng, đây là đặc điểm phân biệt với nhóm lê lá xanh. Quả có trọng lượng trung bình 250 – 300g và chín vào các tháng 7 – 8. Nhóm lê lá vàng được trồng rộng rãi ở Lào Cai, do phẩm vị thơm ngon nên được tiêu thụ nhiều trên thị trường.

Ngoài các giống lê đã nêu, ở nước ta còn có mắc coọc, phạm vi gieo trồng tương đối phổ biến ở khắp các vùng biên giới phía Bắc. Mắc cọocMắc cọoc

Cây mắc coọc sinh trưởng khoẻ, sức chống chọi với ngoại cảnh bất thuận rất cao, mang nhiều tính hoang dại. Đặc điểm của mắt coọc là không mất mùa bao giờ và rất nhiều quả. Quả mắc coọc nhỏ, phát triển thành từng chùm. Đường kính mỗi quả chỉ 4 – 4,5cm, dài 4 – 4,2cm, trọng lượng bình quân khoảng 100g. Một cây trưởng thành, khoẻ mạnh có thể cho mỗi năm tới 5 – 6 nghìn quả. Vỏ quả thô và nhám, thịt quả cứng khô, có vị chát. Tuy quả mắc coọc không được tiêu thụ rộng rãi nhưng dùng làm gốc ghép cho cây lê rất tốt, góp phần phát triển sản xuất lê hàng hoá. Quả chín vào tháng 8 – 9.

Tóm lại, cây lê gồm nhiều dạng hình và là đặc sản của các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tuy chưa có những nghiên cứu cơ bản về các giống lê, để tiêu chuẩn hoá ở cấp quốc gia, song các giống lê đã nêu, đều nên phát triển vừa để sản xuất hàng hoá vừa bảo tồn qũy gen.

0