30/05/2018, 00:22

Cách nấu lẩu cua đồng ngon chuẩn vị như nhà hàng

Cách nấu lẩu cua đồng ngon chuẩn vị không khó, nhưng để được ngon, không tanh và riêu cua đẹp thì không phải ai cũng làm được. Chính vì thế mà chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách làm món lẩu cua cực ngon này để chiêu đãi cả nhà trong dịp cuối tuần nhé. Nguyên liệu: Cua ...

Cách nấu lẩu cua đồng ngon chuẩn vị không khó, nhưng để được ngon, không tanh và riêu cua đẹp thì không phải ai cũng làm được. Chính vì thế mà chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách làm món lẩu cua cực ngon này để chiêu đãi cả nhà trong dịp cuối tuần nhé.

Nguyên liệu:

  1. Cua đồng: Chọn những con cua cái chắc mình, còn tươi. Bạn chỉ nên chọn những con cua đực có càng thật to để giữ càng. Nếu kích cỡ càng chỉ vừa phải thì không nên chọn bởi cua đực ít thịt, không béo và sẽ không cho nước ngọt như cua cái. Để có một nồi nước lẩu ngon cho 4 người, bạn lựa khoảng từ 600 – 800 gram cua đồng là vừa xinh. Không nên chuẩn bị lượng cua ít hơn vì như vậy nước dùng dễ bị loãng, cũng không nên dùng nhiều cua quá vì có thể gây lãng phí trong quá trình lọc cua.
  2. Thịt bò: Thịt bò dùng để nhúng lẩu cua khi ăn. Vì còn kết hợp nhiều loại rau và các món ăn khác nên bạn không cần chuẩn bị quá nhiều thịt bò. Với một nồi lẩu cua như trên, bạn chuẩn bị khoảng 200 – 300 gram thịt bò là được.
  3. Sườn sụn: Cũng như thịt bò, sườn sụn sẽ dùng để nhúng ăn kèm lẩu. Sườn sụn sẽ cho vị giòn, đậm, ăn kèm các loại rau sẽ rất ngon. Bạn chuẩn bị khoảng 300 – 500 gram sườn sụn tươi.
  4. Đậu phụ: Đậu phụ bạn có thể mua theo bìa hoặc theo cân tuỳ nơi. Đậu phụ sẽ giúp bạn chống ngán khi ăn lẩu, tạo cảm giác thanh, mát hơn. Nếu mua theo bìa thì bạn mua khoảng 5 bìa đậu, nếu mua theo cân thì khoảng 300 – 400 gram là được.
  5. Rau nhúng lẩu: Lẩu cua đồng có thể ăn kèm nhiều loại rau. Tuy nhiên, các loại rau ngon nhất và phù hợp nhất cho món lẩu này gồm có: rau chuối, hoa chuối, rau mồng tơi, rau rút, xà lách…
  6. Các loại gia vị: Các loại gia vị cũng như một số thực phẩm đi kèm để làm món lẩu hấp dẫn hơn bao gồm: cà chua, hành, váng đậu, sa tế, muối, tiêu, mắm, đường, bột nêm…

Cách nấu:

Bước 1: Chuẩn bị sơ chế nguyên liệu

Cua: Cua ngâm và rửa sạch. Có thể xả sạch từng con cua dưới vòi nước mạnh nếu bạn có thời gian để làm sạch đất bám vào các kẽ của cua. Cần chú ý để tránh bị cua cắp.

Cua sau khi rửa sạch thì đem xé và để riêng biệt phần thân và phần mai. Phần thân thì bạn lại tiếp tục rửa qua nước cho sạch một lần nữa rồi cho vào cối giã hoặc máy xay xay nhuyễn. Phần mai thì khêu lấy gạch sau đó vứt bỏ.

Khi xay hoặc giã cua bạn nên bỏ thêm chút muối để cua giã được quện, bông, dễ giã hơn. Sau khi giã xong, bạn lọc lấy nước và bỏ bã.

Đậu phụ: Đậu phụ xắt thành các miếng vừa ăn sau đó rán vàng cả hai mặt. Sau khi rán xong, bạn gắp phần đậu này để riêng ra đĩa

Sườn sụn: Bạn rửa sạch sườn sụn sau khi mua về, tiếp đó trần sơ qua nước sôi cho sạch rồi đem thái thành các miếng mỏng. Lưu ý là nên thái thành các miếng mỏng như bạn thái thịt, tránh thái to quá vì như vậy rất khó ăn. Sau đó, bạn cho sườn sụn vào ninh trong khoảng 20 – 25 phút cho mềm.

Thịt bò: Thịt bò rửa sạch, thái mỏng. Tiếp đó bạn ướp các loại gia vị bao gồm gừng, tỏi, mắm, hạt nêm cho đậm đà sau đó trộn đều và để từ 10 – 15 phút.

Các loại rau nhúng lẩu: Rửa sạch các loại rau nhúng lẩu và các loại rau gia vị. Tiếp đến, bạn ngâm các phần rau này trong nước muối pha loãng từ 15 – 20 phút rồi vớt ra để ráo nước.

Bước 2: Làm nước dùng lẩu

Nước cua: Cua sau khi đã lọc lấy nước, bạn cho vào nồi đun và bật nhỏ lửa. Khuấy đều tay liên tục trong thời gian đầu cho đến khi bánh cua nổi lên. Việc khuấy đều tay sẽ tránh cho nồi nước cua bị khê, đóng bánh ở đáy.

Nồi nước lẩu cua – cach nau lau cua dong

Sau khi phần bánh cua đã nổi hết lên, khi nước chưa kịp sôi, bạn nhanh tay vớt riêng phần này ra một chiếc bát và giữ lại phần nước cua.

Nước dùng thịt: Phi thơm hành khô, cà chua với một chút dầu ăn. Tiếp đến, bạn cho phần gạch cua đã khêu từ mai và bánh thịt cua đã vớt từ nước cua vào xào chín.

Sau khi xào chín, đổ khoảng 500 ml nước ninh sườn sụn vào đun sôi. Tiếp đến bạn lại đổ tiếp 500 ml nước cua vào đun chung. Nêm gia vị cho vừa ăn.

Bước 3: Thưởng thức lẩu cua đồng

Sau khi nồi nước dùng sôi là bạn đã có thể dọn các nguyên liệu, rau ăn kèm ra là có thể thưởng thức lẩu cua đồng. Bạn có thể bỏ thêm vào nồi nước cua váng đậu, nấm rơm hoặc một vài nguyên liệu khác tuỳ ý.

Lẩu cua đồng ngoài ăn kèm các loại rau như rau chuối, rau muống bào thì còn được ăn kèm với bánh đa rất ngon.

Lẩu cua đồng là một trong những món lẩu ngon mà bạn không thể nào bỏ qua, đặc biệt là trong những ngày trời nắng nón. Nồi lẩu thơm ngon với vị ngọt thanh mát của cua đồng, ăn kèm với các loại rau chắc chắn sẽ giúp bạn xua tan cái oi bức của mùa đang về. Chúc các bạn thành công với hướng dẫn cách nấu lẩu cua đồng ngon chuẩn vị.


0