31/05/2017, 12:30

Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 10

Cái đẹp vừa ý là xinh, là khéo. Ta không háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kì vĩ. Màu sắc chuộng cái dịu dàng, thanh nhã, ghét sặc sỡ. Quymô chuộng sự vừa khéo, vừa xinh, phải khoảng. Giao tiếp, ứng xử chuộng hợp tình, hợp lí, áo quần, trang sức, món ăn đều không chuộng sự ...

Cái đẹp vừa ý là xinh, là khéo. Ta không háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kì vĩ. Màu sắc chuộng cái dịu dàng, thanh nhã, ghét sặc sỡ. Quymô chuộng sự vừa khéo, vừa xinh, phải khoảng. Giao tiếp, ứng xử chuộng hợp tình, hợp lí, áo quần, trang sức, món ăn đều không chuộng sự cầu kì. Tất cả đều hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng và có quy mô vừa phải.

Câu 1

Đọc đoạn văn sau đây và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:

Không có công trình kiến trúc nào, kể cả của vua chúa, nhằm vào sự vĩnh viễn. Hình như ta coi trọng Thế hơn Lực, quý sự kín đáo hơn sự phô trương, sự hoà đồng hơn rạch ròi trắng đen. Phải chăng đó là kết quả của ý thức lâu đời về sự nhỏ yếu, về thực tế nhiều khó khăn, nhiều bất trắc?

1.Đoạn văn trên được trích từ văn bản nào thuộc chương trình Ngữ văn 12? Tác giả của đoạn văn?

2.   Từ ta trong câu thứ hai chỉ đối tượng nào?

3.   Những vấn đề được đề cập trong đoạn văn?

4.   Liệt kê những từ, cụm từ chỉ thái độ của ta trong đoạn văn.

5.   Phân tích giá trị của các cụm từ hình như, phải chăng trong đoạn văn.

Câu 2.

Việc chọn nghề của giới trẻ hiện nay.

Anh (chị) hãy viết một bài văn (khoảng 600 từ) trình bày nhận thức của mình về vấn đề trên.

Câu 3.

"Không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên. Đố nó giết hết rừng xà nu này!”...

Đó là lời cụ Mết nói với dân làng Xô Man trong đêm Tnú về thăm làng (truyện Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành). Anh (chị) hiểu gì về hàm ý của câu nói trên? Trong truyện, giữa rừng xà nu và cộng đồng Xô Man có sự tương ứng với nhau thế nào?

Hướng dẫn làm bài

Câu 1.

1.  Đoạn văn trên được trích từ văn bản Nhìn về vốn văn hoá dân tộc của tác giả Trần Đình Hượu.

2.  Từ ta trong câu thứ hai chỉ chung người Việt Nam hoặc dân tộc Việt Nam.

3.  Những vấn đề được đề cập trong đoạn văn:

-   Đặc điểm thị hiếu thẩm mĩ của người Việt Nam nói chung.

-   Lí giải cơ sở hình thành thị hiếu thẩm mĩ riêng của người Việt Nam.

4.  Những từ, cụm từ chỉ thái độ của ta trong đoạn văn: không háo hức, không say mê, chuộng (được dùng 3 lần), ghét, không chuộng, coi trọng, quý.

5.  Các cụm từ hình như, phải chăng thể hiện thái độ thận trọng khoa học của tác giả trong việc nhận diện các đặc điểm của văn hoá Việt Nam. Đồng thời, chúng cũng cho thấy mong muốn của tác giả là gợi vấn đề, nêu vấn đề để mọi người cùng suy nghĩ và cùng bày tỏ ý kiến. Qua hai cụm từ trên, ta thấy tác giả không áp đặt ý kiến, nhận xét của mình cho người khác.

Câu 2.

Để giải quyết tốt câu hỏi này, người viết phải nắm được các xu thế của việc chọn nghề trong giới trẻ hiện nay, thấy được đâu là cách lựa chọn hợp lí, đâu là những lựa chọn thiếu cơ sở, thiếu cân nhắc, từ đó, tự xác định con đường của bản thân.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Hơn 500 trước, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng viết những câu thơ đầy chất triết lí:

Vụng khéo nào ai chả có nghề

Khó khăn phải luỵ đến thê nhi.

Quả thực, từ xưa đến nay, sống trên đời, ai cũng phải có một nghề để làm việc, để sinh sống. Người ta gọi nghề nghiệp là "sinh kế" (kế sinh nhai). Nghĩa là có nghề, có việc làm tử tế là điều kiện để đảm bảo cho con người có một cuộc sống ổn định. Nếu ngược lại, sẽ rơi vào tình trạng bất ổn. Nhưng làm sao để có được nghề nghiệp như ý? Để chọn một nghề cho tương lai của mình, người học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường hôm nay phải có định hướng như thế nào? Đó là những câu hỏi mà mỗi học sinh phải tự trả lời.

-   Nghề nghiệp là một lĩnh vực lao động mà trong đó, nhờ được đào tạo, con người có được những tri thức, những kĩ năng để làm ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần nào đó, đáp ứng được những nhu cầu của xã hội.

-   Bức tranh nghề nghiệp trong xã hội cũng đa dạng, phong phú, muôn màu muôn vẻ như chính cuộc sống vậy. Người ta thường có sự phân loại nghề cao quý, nghề thấp hèn, nghề nhàn nhã, nghề nặng nhọc. Cách nhìn đó chỉ có ý nghĩa tương đối. Thực tế, có những người đã bị đào thải khỏi nghề được xem là "béo bở" chỉ vì họ không thực sự yêu nghề nghiệp của mình. Trái lại, có người đạt vinh quang ở những nghề vốn bị xã hội coi thường. Có ai ngờ được, một người làm nghề chăn bò như anh Hồ Giáo mà đã hai lần được tuyên dương Anh hùng Lao động. Có những người làm nghề quét rác, một nghề rất cực nhọc, thậm chí bị xem là thấp hèn, vậy mà trong đội ngu đó lại có người được vinh danh. Cuộc sống là câu trả lời cho tất cả.

-   Làm người, ai chẳng muốn có một nghề nghiệp cao quý, sang trọng, có địa vị cao trong xã hội, có thu nhập ổn định, có hướng phát triển. Nhưng đó là một bức tranh đầy màu sắc lí tưởng. Bức tranh ấy quả là rất đẹp, rất lôi cuốn, nhưng cũng dễ đẩy ta vào tình trạng ảo tưởng. Vì vậy, trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai, phải hết sức thực tế.

Trước hết, phải nhận biết năng lực thực sự của bản thân mình. Chỉ có năng lực đích thực, khi chọn nghề nào đó, ta mới có thể hoàn thành tốt công việc. Ai cũng biết, một số nghề hiện nay rất hấp dẫn, nhưng đáp ứng những yêu cầu của những nghề ấy không hề đơn giản. Thử hỏi, một người học thiên về các môn xã hội, làm sao có thể đảm trách được những công việc đòi hỏi khả năng tính toán như ngành kinh tế, ngân hàng, tài chính? Cho nên, một trong những thất bại của con người là chọn nhầm nghề.

-   Có được một nghề nghiệp thoả mãn ước mơ, họp năng lực, ta sẽ yêu quý nghề nghiệp ấy. Bởi vì, lúc ấy, những đòi hỏi về công việc sẽ được đáp ứng, những nhiệm vụ được giao sẽ hoàn thành. Nó tạo cho ta niềm vui, sự tự tin, khát vọng vươn lên và khát vọng được cống hiến. Ta nhận thấy mình thực sự là con người có ích, được khẳng định giá trị đích thực của mình. Không hiếm những tấm gương thành đạt trong cuộc sống do tự đánh giá đúng bản thân, sống hết mình với nghề nghiệp lựa chọn, được đồng nghiệp và xã hội ghi nhận. Ngược lại, có nhiều người đã thất bại vì quá kì vọng vào một công việc, một lĩnh vực mà mình thực sự không có sở trường.

-   Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, việc chọn nghề của mỗi học sinh là rất cần thiết. Ngoài những yếu tố đã nêu trên, mỗi học sinh cũng cần sự tư vấn của những người đi trước. Thầy cô giáo, bố mẹ, anh (chị) và những người đã gắn với một nghề nghiệp sẽ cho ta những kinh nghiệm bổ ích. Kết hợp giữa mơ ước, khát vọng của bản thân và sự tư vấn của nhiều người, chắc chắn ta sẽ có sự định hướng phù họp cho tương lai của mình.

Câu 3.

-     Phải hiểu rằng, truyện mang tên Rừng xà nu, nhưng nội dung của nó lại chủ yếu đề cập đến cuộc sống của con người. Rừng xà nu là một hình ảnh có tính biểu tượng. Vì thế, câu nói của cụ Mết là một câu nói đầy tính hàm ý: nói về sức sống của cây xà nu là muốn nói đến sức sống mãnh liệt và tinh thần quật khởi của người dân Xô Man.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Nói đến văn học Việt Nam thời chống Mĩ, không thể không nhắc đến truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành. Từng đoạt giải thưởng văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu năm 1965, Rừng xà nu được xem như một thiên sử thi ca ngợi cuộc đấu tranh bất khuất của một làng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trong những năm máu lửa. Rừng xà nu hấp dẫn người đọc bởi nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến hình tượng xà nu - một hình tượng được Nguyễn Trung Thành sáng tạo với nhiều tâm huyết. Cụ Mết, một nhân vật trong truyện đã rất tự hào khi nói về cây xà nu của núi rừng Tây Nguyên: “Không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên. Đố nó giết hết rừng xà nu này!”.

-  Truyện được mang tên là Rừng xà nu trước hết bởi hình tượng xà nu có mặt trong tác phẩm khá đậm nét, xuyên suốt. Nó chiếm hẳn cả phần nhập đề của tác phẩm. Nó đan xen vào những tình tiết miêu tả cuộc sống con người, chứng kiến mọi niềm vui nỗi buồn của cộng đồng Xô Man. Kết thúc tác phẩm, hình ảnh xà nu lại hiện lên như một điệp khúc xanh bất tận và bất diệt, ngân mãi trong lòng độc giả.

-   Viết Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành đã tái hiện cây xà nu, rừng xà nu bằng bút pháp tả thực sắc sảo. Mỗi hình ảnh hiện lên trong tác phẩm đều như khắc, như tạc, khiến những ai chưa một lần trong đời nhìn thấy cây xà nu cũng có thể hình dung một cách rõ nét. Tuy nhiên, dụng ý của tác giả không dừng lại ở việc miêu tả đặc điểm một loài cây hoặc vẽ nên một bức tranh thiên nhiên sinh động. Hình tượng cây xà nu mạnh mẽ, "cây mẹ ngã, cây con mọc lên” như cụ Mết đã nói thực chất ngầm ẩn những ý nghĩa sâu xa. Đó là kết quả của bút pháp tượng trưng mà Nguyễn Trung Thành đã sử dụng rất thành công.

-   Ba tiếng “cây mẹ ngã” trong câu nói của cụ Mết gợi ta nghĩ đến sự không bình yên của cuộc sống được tái hiện trong truyện ngắn này. Đây là tác phẩm viết về cuộc sống của người Tây Nguyên trong những năm máu lửa. Cả rừng xà nu cũng đang là đối tượng của sự huỷ diệt. Giặc bắn đại bác vào làng, rừng xà nu ưỡn tấm ngực ra che chở. Vì thế hàng vạn cây xà nu không có cây nào không bị thương. Nhìn vào những gì mà cây xà nu phải chịu đựng, ta không khỏi chạnh nghĩ đến cuộc sống đau thương tang tóc của cả một tộc người. Không phải vô cớ mà trong truyện ngắn này, Nguyễn Trung Thành đã tạo ra một sự tương ứng giữa nỗi đau của thiên nhiên và nỗi đau của con người. Cái chết tức tưởi của bao nhiêu cây xà nu, cây thì bị đạn đại bác chặt đứt ngang thân, cây thì chảy hết nhựa ra mà chết khiến ta nghĩ đến hình ảnh bà Nhan bị chặt đầu, anh Xút bị treo cổ, Mai và đứa con bị đánh bằng roi sắt cho đến chết... Những cây xà nu bị mảnh đạn găm đầy mình vẫn bám đất mà sống gợi nhắc đến những người như Tnú với biết bao thương tích trên thân thể và trong trái tim nhưng vẫn kiên cường sống và chiến đấu... Xét về mặt này, hình tượng xà nu đã thể hiện nỗi hờn căm, lời tố cáo, là chứng tích tội ác của kẻ thù đối với dân làng Xô Man.

-   Câu nói của cụ Mết đầy tính ám dụ, như muốn khẳng định rằng: không một sức mạnh bạo tàn nào có thể huỷ diệt được sức sống của người Xô Man. Mỗi người là một cây xà nu, cả làng Xô Man là một rừng xà nu bất tận, bất diệt. Cây xà nu ham ánh sáng

mặt trời có khác gì người Xô Man ham ánh sáng cách mạng, và để tiếp được nguồn sáng ấy, họ không sợ hi sinh, không biết cúi đầu. Họ bảo vệ cán bộ bằng chính mạng sống của mình. Thanh niên tiếp tế cho cán bộ bị treo cổ thì đã có người già. Người già bị chặt đầu thì trẻ em thay thế. Người Xô Man tự hào trong năm năm không để cán bộ nào của Đảng bị bắt, bị giết.

-   Người Xù Man lại cũng giống như cây xà nu ở sự tiếp nối kì diệu giữa các thế hệ. Anh Quyết hi sinh, Tnú thay anh gánh vác trách nhiệm. Mai chết, Dít lớn lên giống chị như đúc. Bên cạnh những “cây xà nu đại thụ” như cụ Mết, đã thấy xuất hiện những “mầm cây” khoẻ khoắn đầy triển vọng như bé Heng... Cứ thế, như từ bao đời nay, các thế hệ người Xô Man tiếp nối nhau sinh tồn kể cả phải đối mặt với những sức mạnh huỷ diệt dã man.

 

-   Như vậy, rừng xà nu và dân làng Xô Man là cặp hình tượng sóng đôi, song song với nhau xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Nó chiếu ứng lẫn nhau, bổ trợ và cắt nghĩa cho nhau. Nhìn vào hình ảnh rừng cây, người ta lập tức nghĩ đến cuộc sống của con người và ngược lại. Để tạo nên hiệu quả này, nhà văn đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật phù hợp. Khi miêu tả rừng xà nu, cây xà nu, tác giả triệt để sử dụng lợi thế của phép tu từ nhân hoá để cho cây cối cũng mang phẩm chất của con người (rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng; nhựa xà nu ứa ra như từng cục máu lớn...). Ngược lại, khi miêu tả con người, tác giả lại thường so sánh ví von bằng những hình ảnh của xà nu (cụ Mết ở trần, ngực căng như một cây xà nu lớn; máu từ lưng Tnú chảy ra bầm tím lại như nhựa xà nu...). Chính những thủ pháp nghệ thuật này đã góp phần gợi lên trong người đọc trùng trùng liên tưởng, và cũng do vậy, ý nghĩa biểu trưng của hình tượng không hề đơn giản, một chiều.

Nguồn: Bộ Giáo Dục & Đào Tạo
0