31/05/2017, 12:30

Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 12

Mỗi cá nhân phải tích luỹ và biết sử dụng ngôn ngữ chung của cộng đồng xã hội nhằm trau dồi phương tiện giao tiếp, để có thể trình bày được những điều mình muốn nói và hiểu được những gì mà người khác muốn trao đổi. Câu 1. Ngôn ngữ là tài sản chung của một dân tộc, một cộng ...

Mỗi cá nhân phải tích luỹ và biết sử dụng ngôn ngữ chung của cộng đồng xã hội nhằm trau dồi phương tiện giao tiếp, để có thể trình bày được những điều mình muốn nói và hiểu được những gì mà người khác muốn trao đổi.

Câu 1.

Ngôn ngữ là tài sản chung của một dân tộc, một cộng đồng xã hội (có thể bao gồm những người cùng một dân tộc, hoặc thuộc các dân tộc khác nhau). Muốn giao tiếp với nhau, xã hội phải có phương tiện chung, trong đó phương tiện quan trọng nhất là ngôn ngữ. Phương tiện đó vừa giúp cho mỗi cá nhân trình bày những nội dung mà mình muốn biểu hiện, vừa giúp họ lĩnh hội được lời nói của người khác. Cho nên, mỗi cá nhân đều phải tích luỹ và biết sử dụng ngôn ngữ chung của cộng đồng xã hội.

1.   Thử tìm từ ngữ thay thế cho các từ in đậm trong đoạn văn trên và so sánh giá trị biểu đạt của từ ngữ đó với từ ngữ được thay thế với từ trong văn bản.

2.   Bộ phận được đặt trong ngoặc đơn (có thể bao gồm những người cùng một dân tộc, hoặc thuộc các dân tộc khác nhau) có vai trò gì trong câu? Hãy chỉ ra những phương tiện liên kết các câu trong đoạn văn.

3.   Tại sao “mỗi cá nhân đều phải tích luỹ và biết sử dụng ngôn ngữ chung của cộng đồng xã hội”?

4.   Nêu chủ đề và phong cách ngôn ngữ của đoạn văn.

Câu 2.

Theo anh (chị), con đường đến với tương lai có nhất thiết phải đi ra từ một trường đại học?

Hãy viết một bài văn (khoảng 600 từ) để trả lời câu hỏi trên.

Câu 3.

Trong bài Đàn ghi ta của Lor-ca, nhà thơ Thanh Thảo viết:

đường chỉ tay đã đứt            .

dòng sông rộng vô cùng

Lor-ca bơi sang ngang

trên chiếc ghi ta màu bạc

(Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 165)

Đoạn thơ trên đã gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì về điều tác giả muốn bộc lộ qua hình tượng Lor-ca với cây đàn ghi ta của chàng?

Hướng dẫn làm bài

Câu 1.

1.   Từ tài sản có thể thay bằng từ của cải; giao tiếp có thể thay bằng cụm từ trao đổi thông tin, tư tưởng, tình cảm; trình bày có thể thay bằng nói lên; lĩnh hội có thể thay bằng tiếp nhận. Những từ ngữ đưa ra để thay thế như vừa nêu vẫn có thể giúp ta hiểu được ý của đoạn văn, song giá trị biểu đạt không thể bằng những từ vốn có trong văn bản.

2.  

-     Bộ phận được đặt trong ngoặc đơn (có thể bao gồm những người cùng một dân tộc, hoặc thuộc các dân tộc khác nhau) nhằm giải thích cho cụm từ một cộng đồng xã hội ngay trước đó.

-     Các câu trong đoạn văn được liên kết với nhau bởi những phương tiện như lặp từ (Phương tiện đó vừa giúp mỗi người...), liên kết nội dung (Muốn giao tiếp với nhau...), (Cho nên, mỗi cá nhân...).

3.  

4.   Chủ đề của đoạn văn: Ngôn ngữ- phương tiện giao tiếp của con người trong cộng đồng xã hội. Đoạn văn thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học.

Câu 2.

Câu hỏi này đòi hỏi người viết, với tư cách là một học sinh chuẩn bị rời mái trường phổ thông để bước vào một chặng đường mới, phải trình bày được suy nghĩ của mình về vấn đề được đề cập nhiều hiện nay: có nhất thiết phải vào một trường đại học thì mới đảm bảo có được một tương lai tươi sáng? Phát biểu quan điểm riêng, người viết cần đưa ra những lí lẽ và dẫn chứng cụ thể để thuyết phục người đọc.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-     Hiện nay, xã hội ta đang tồn tại một thực tế: hằng năm, phần lớn học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông đều tha thiết được vào một trường đại học nào đó. Việc đua nhau thi vào đại học đã trở thành một áp lực rất nặng nề đối với học sinh. Ngay cả những học sinh kiến thức lỗ mỗ cũng nuôi một hi vọng nhỏ nhoi bằng cách tham gia thi tuyển sinh đại học, mặc dù cơ hội trúng tuyển hết sức mong manh. Nhiều trường hợp dở khóc dở cười khi nhận tấm giấy báo điểm đại học với kết quả thật khôi hài. Không chỉ thi một năm, có những học sinh kiên trì theo đuổi thi đại học suốt mấy năm trời, để rồi cuối cùng vẫn phải nuối tiếc vì cổng trường đại học quá xa vời với họ.

-     Thực trạng trên đây xuất phát từ tâm lí chung của toàn xã hội. Nhiều người quan niệm rằng, phải có tấm bằng đại học thì con đường đến với tương lai mới rộng mở. Nhận thức sai lệch đó còn được nuôi dưỡng bởi một cơ chế đã tồn tại dai dẳng: cơ chế trọng dụng người có bằng cấp hơn là người có thực lực. Có người thực tế không giỏi giang gì, nhưng nhờ có bằng cấp mà thăng tiến, chiếm được địa vị cao trong xã hội. Trong bối cảnh đó, người ta sẽ thi nhau lao vào kiếm tấm bằng đại học, thậm chí là bằng giả để chạy chọt vào các cơ quan nhà nước. Thời gian vừa qua, không ít trường hợp gian lận về bằng cấp đã bị phanh phui.

-   Việc nhiều người xác định con đường đến với tương lai nhất thiết phải đi ra từ một trường đại học còn có một nguyên nhân đã được phân tích nhiều trên các diễn đàn. Đó là tình trạng các trường dạy nghề của chúng ta hiện nay chưa đáp ứng được đòi hỏi của xã hội. Những học sinh không đủ trình độ, kiến thức để vào đại học dường như vẫn chưa yên tâm với những con đường khác khả dĩ đảm bảo cho họ có một việc làm ổn định trong tương lai.

-   Thực tế cuộc sống hiện nay đã có nhiều thay đổi. Các thành phần kinh tế đa dạng trong xã hội đã mở ra cơ hội tìm việc làm cho nhiều tầng lớp với những trình độ nghề nghiệp khác nhau. Bên cạnh những việc làm trong các cơ quan nhà nước, còn có vô số việc làm được tạo nên bởi các cơ sở tư nhân. Bên cạnh những công việc đòi hỏi trình độ cao, còn có những công việc lao động khá phổ thông, phù hợp với rất nhiều người. Có nhà quản lí đã khẳng định: ở nước ta hiện nay đang có tình trạng thừa thầy, thiếu thợ. Có nghĩa, người có bằng cấp mà thiếu năng lực thì dôi dư, người lao động có trình độ tay nghề cao thì thiếu hụt. Như vậy, nếu tốt nghiệp đại học mà không đáp ứng được đòi hỏi của thực tế thì cũng không sánh được với người học nghề ở bậc thấp hơn nhưng lại làm tốt những công việc trong các nhà máy, công xưởng. Có những người được mệnh danh là “bàn tay vàng” vì rất xuất sắc trong nghề nghiệp của mình, trong khi họ chưa bao giờ có mặt trên một giảng đường đại học. Có những nhà sản xuất hay nhà kinh doanh rất thành đạt trong sự nghiệp, mặc dù họ chưa hề tốt nghiệp một trường đại học nào. (Lưu ý: Thí sinh nêu một số trường hợp tiêu biểu trong hoặc ngoài nước làm dẫn chứng.)

-   Những người có chí tiến thủ, trước mắt có thể chấp nhận vào học ở một trường dạy nghề nào đó, khi vào đời, chính cuộc sống - “trường đại học vĩ đại” sẽ dạy cho họ vô số bài học bổ ích. Hơn nữa, cổng trường đại học không bao giờ khép lại trước bất kì ai. Với những người ham học tập, có thể họ vừa làm việc, vừa tham gia học tập theo các hệ đào tạo đại học đa dạng đang được mở ra hiện nay. Kiến thức sách vở kết hợp với vốn hiểu biết thực tế sẽ giúp họ lấy được những tấm bằng đại học danh giá, đúng với năng lực của mình.

-   Liên hệ bản thân. (Lưu ý: Ý này phải được viết một cách chân thực trên cơ sở điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của người viết. Người viết có thể trình bày chủ kiến của mình về vấn đề nêu trên và biết lập luận để bảo vệ quan điểm riêng.)

Câu 3.

Câu hỏi muốn người viết có được một cảm nhận đúng hướng (hiểu theo nghĩa tương đối) về hàm nghĩa của hình tượng Lor-ca với cây đàn ghi ta của “chàng”, thông qua việc lun ý tới bốn câu thơ mang tính chất chìa khoá trong bài. Người viết cần nghĩ sâu về bốn câu ấy để hình thành luận điểm cho bài viết. Có thể trả lời các câu hỏi: Bản chất mối quan hệ giữa Lor-ca với cây đàn ghi ta? Ý nghĩa khái quát, triết lí của hình tượng “song trùng” Lor-ca - đàn ghi ta? Tác giả Thanh Thảo đã lí giải ra sao về lí do khiến Lor-ca trở thành một tượng đài bất tử trong đời sống nghệ thuật?

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca là một sáng tạo độc đáo của Thanh Thảo, chứa đựng nhiều suy ngẫm của nhà thơ về số phận của các nghệ sĩ lớn với gia tài nghệ thuật phong phú mà họ để lại cho đời. Cũng qua đây, những quan niệm riêng của nhà thơ về bản chất của hành trình sáng tạo, về ý nghĩa của nghệ thuật được bộc lộ rõ, tất nhiên, không phải qua các tuyên ngôn trực tiếp mà qua những hình ảnh đầy âm gợi mang đậm nét tượng trưng.

-   Đọc nhan đề bài thơ, theo suy luận logic, ta có thể xác định “đàn ghi ta của Lor-ca” là hình tượng trung tâm của tác phẩm. Tất nhiên, đây là cây đàn mang hàm nghĩa tượng trưng hơn là cây đàn cụ thể mà Lor-ca từng sở hữu. Nó có thể được hiểu là cây đàn thơ, là tiếng thơ, sự nghiệp thơ ca của Lor-ca. Nhưng trong bài thơ, có lúc hình tượng Lor-ca lại nổi lên ở bình diện thứ nhất. Vậy, đâu đích thực là hình tượng trung tâm? Thực ra, Lor-ca và cây đàn ghi ta là một hình tượng “song trùng”. Nói tới Lor-ca, không thể không nói tới cây đàn ghi ta và ngược lại, nói tới đàn ghi ta của Lor-ca, hiển nhiên ta không thể không nghĩ về người nghệ sĩ ấy. Lor-ca hiện lên trên nền của “tiếng ghi ta” và “tiếng ghi ta” dường như chỉ thực sự có ý nghĩa khi đảm nhiệm chức năng chấm phá chân dung tinh thần của Lor-ca.

-   Theo bài thơ của Thanh Thảo, người đọc có thể hình dung Lor-ca như một người nghệ sĩ thuần khiết, một anh chàng lãng du có hành trình số phận đầy bất trắc. Với cây đàn, “chàng” muốn cất tiếng hát về cuộc đời, về quê hương, về tình yêu, về ước mơ hạnh phúc, về những ám ảnh của cái chết hay của tai ương không biết ập đến từ phía nào. Ngược lại, chính những bài hát đó, những âm điệu đó của tiếng đàn đã thực sự xác định “khuôn mặt” Lor-ca, một con người của những cuộc tìm kiếm vô tận (đi lang thang về miền đơn độc - có hành trình nghệ thuật nào không là hành trình đơn độc?), yêu đời (tiếng ghi ta nâu / bầu trời cô gái ấy / tiếng ghi ta lá xanh biết mấy...), nhạy cảm (Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt - một màu đỏ gieo vào ta những nghi ngại, những dự cảm bất an)... Trong tiếng đàn (cũng có thể hiểu là tiếng thơ của Lor-ca), ta nghe xôn xao bao “tiếng” của sự sống cùng những nghịch lí muôn đời của nó. Ta cũng nghe được cả những tiếng kêu bi thương của một thời bạo lực kinh hoàng với “bãi bắn”, với “máu chảy”, với “áo choàng bê bết đỏ”... Rõ ràng, một khi tiếng đàn đã nói được với ta những điều như thế và mang tính chất một thứ chứng từ của thời đại, nó sẽ trở thành bất tử, mãi ám ảnh tâm hồn con người như giọt nước mắt vầng trăng / long lanh trong đáy giếng.

-   Theo những tư liệu văn học sử, Lor-ca đã bị sát hại giữa khi ông đang ở độ tuổi thanh xuân. Trong bài thơ của mình, Thanh Thảo không nói thẳng ra điều ấy mà ám gợi nó bằng hình ảnh đường chỉ tay đã đứt. Nhưng đối với Lor-ca, chết chưa phải đã hết, đúng như Nguyễn Du trong kiệt tác Truyện Kiều: Thác là thể phách, còn là tinh anh. Với chiếc ghi ta màu bạc, cũng là với di sản thi ca mà "chàng" để lại cho đời, Lor-ca đã thực sự bơi qua được dòng sông của thời gian để đi vào miền bất diệt. Đó chính là điều nhà thơ Thanh Thảo muốn nói qua mấy câu thơ thật hàm súc và giàu tính tượng trưng: đường chỉ tay đã đứt / dòng sông rộng vô cùng / Lor-ca bơi sang ngang / trên chiếc ghi ta màu bạc.

-   Đối với Lor-ca, bản mệnh của “chàng” chính là cây đàn ghi ta. Nói rộng ra, đối với một người nghệ sĩ chân chính, cuộc sống của họ chính là những gì họ từng sáng tác. Đời người thì ngắn, có thể rất ngắn, nhưng nghệ thuật có thể làm cho con người bất tử. Miễn là nghệ thuật đó được sáng tạo ra từ tim, óc, máu, lệ của người nghệ sĩ và chứa đựng được, ôm trùm được mọi buồn vui của cuộc sống nhân gian.

Nguồn: Bộ Giáo Dục & Đào Tạo
0