Bài 34: Các nước tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa – Lịch sử 10
Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đến một mức độ nào đó sẽ dẫn đến sự hình thành của chủ nghĩa đế quốc ở một số nước có nền tư bản phát triển. Vậy chủ nghĩa đế quốc là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu bài học ngày hôm nay. A. Lý thuyết 1. Những thành tựu về khoa học- kĩ thuật cuối thế kỷ XIX – ...
Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đến một mức độ nào đó sẽ dẫn đến sự hình thành của chủ nghĩa đế quốc ở một số nước có nền tư bản phát triển. Vậy chủ nghĩa đế quốc là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu bài học ngày hôm nay.
A. Lý thuyết
1. Những thành tựu về khoa học- kĩ thuật cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX
* Vật lý
– Phát minh về điện của các nhà bác học G.Ôm người Đức, G.Jun người Anh, E.Len-xơ người Nga mở ra khả năng ứng dụng nguồn năng lượng mới.
– Phát hiện về phóng xạ của Hăng-ri Béc-cơ-ren (Pháp), Ma-ri Quy-ri đã đặt nền tảng cho việc tìm kiếm nguồn năng lượng hạt nhân.
– Rơ-dơ-pho (Anh) có bước tiến vĩ đại trong việc tìm hiểu cấu trúc vật chất.
– Phát minh của Rơn-ghen (Đức) về tia X vào năm 1895 có ứng dụng quan trọng trong y học.
* Trong lĩnh vực sinh học
– Học thuyết Đác-uyn (Anh) đề cập đến sự tiến hóa và di truyền…
– Phát minh của nhà bác học Lu-i Paster (Pháp) giúp phát hiện vi trùng và chế tạo thành công vắc xin chống bệnh chó dại.
– Pap-lốp (Nga) nghiên cứu hoạt động của hệ thần kinh cao cấp của động vật và người.
Louis Pasteur
Ivan Petrovich Pavlov
* Những phát minh khoa học được áp dụng vào sản xuất
– Kĩ thuật luyện kim được cải tiến, với việc sử dụng lò Bét-xme và lò Mác-tanh, tuốc bin phát điện được sử dụng để cung cấp điện năng.
– Dầu hỏa được khai thác để thắp sáng và cung cấp nguồn nhiên liệu mới cho giao thông vận tải. Công nghiệp hóa học ra đời.
– Việc phát minh ra điện tín.
– Cuối thế kỷ XIX ô tô được đưa vào sử dụng nhờ phát minh về động cơ đốt trong.
– Tháng 12 – 1903 anh em người Mĩ đã chế tạo những chiếc máy bay đầu tiên.
* Trong nông nghiệp
– Máy móc được sử dụng nhiều như máy kéo, máy cày, máy gặt…
– Phương pháp canh tác được cải tiến, việc sử dụng phân hóa học nâng cao năng suất cây trồng.
Đã làm thay đổi cơ bản nền sản xuất và cơ cấu kinh tế tư bản chủ nghĩa, đánh dấu bước tiến mới của chủ nghĩa tư bản ở giai đoạn này.
Pie Qui ri và Mari Quyri
2. Sự hình thành các tổ chức độc quyền
* Nguyên nhân
– Do tiến bộ của khoa học – kĩ thuật sản xuất công nghiệp của các nước Âu – Mĩ tăng nhanh dẫn đến tích tụ tư bản. Đây là thời kỳ “Cá lớn nuốt cá bé”.
– Các ngành kinh tế chuyển từ tự do cạnh tranh sang tổ chức độc quyền dưới nhiều hình thức: Các-ten, Xanh-đi-ca, Tờ-rớt.
* Đặc điểm của chủ nghĩa đế quốc
– Trong công nghiệp: Diễn ra quá trình tập trung vốn lớn thành lập những công ty độc quyền như ở Pháp, Đức, Mĩ… lũng đoạn đời sống kinh tế các nước tư bản.
– Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng: Một vài ngân hàng lớn khống chế mọi hoạt động kinh doanh của cả nước ,hình thành tư bản tài chính.
– Tư bản tài chính còn đầu tư vốn ra nước ngoài đem lợi nhuận cao: năm 1900, nước Anh đầu tư vốn ra ngoài 2 tỉ Li-vrơ xtéc-ling, đến năm 1913 lên gần 4 tỉ.
– Ở Pháp, ngành luyện kim và khai thác mỏ tập trung trong tay hai công ty lớn, công ty “Snây-đơ Crơ-dô” nắm nhà máy quân sự Crơ-dô và các nhà máy chế tạo đồ đồng, thép cùng các ngành khác ở nhiều vùng trong nước.
– Tổng công ty đường sắt và điện khí cùng 6 công ty khác độc quyền ngành đường sắt trong nước, 50% trọng tải biển do 3 công ty lớn nắm. Hai công ty “Xanh Gô-ben” và “Cu-man” kiểm soát toàn bộ công nghiệp hóa chất.
– Ở Đức: Công ty than Ranh-Vet-xpha-len đã kiểm soát 95% tổng sản lượng than vùng Rua – vùng công nghiệp lớn nhất của Đức và hơn 55% tổng sản lượng than cả nước.
* Mỗi đế quốc còn có đặc điểm riêng:
– Mĩ là sự hình thành các Tờ-rớt khổng lồ với những tập đoàn tài chính giàu sụ.
– Anh là đế quốc thực dân với hệ thống thuộc địa rộng lớn và đông dân.
– Pháp là đế quốc cho vay nặng lãi.
*Xuất hiện nhiều mâu thuẫn:
– Mâu thuẫn giữa các nước đế quốc trong việc tranh chấp thuộc địa gay gắt dẫn đến các cuộc chiến tranh để phân chia thuộc địa.
– Mâu thuẫn giữa nhân dân thuộc địa với đế quốc; giữa giai cấp tư sản với nhân dân lao động giữa các nước tư bản.
– Mâu thuẫn trên đã dẫn đến cuộc đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội.
B. Bài tập
Câu 1: Trình bày những phát minh lớn về khoa học-kỹ thuật cuối thế kỉ XIX-đầu thế kỉ XX
Trả lời:
Trong lĩnh vực vật lí, có những phát minh của các nhà bác học G. Xi-môn, E. Len-xơ (1804-1865) người Nga, đã mở ra khả năng ứng dụng nguồn năng lượng mới, những phát minh về hiện tượng phóng xạ của các nhà bác học Pi-e Quy-ri và Ma-ri Quy-ri, phát minh của nhà bác học người Đức V. Rơn-ghen (1845-1923) về tia X vào năm 1895, giúp y học chuẩn đoán bệnh chính xác…
+ Trong lĩnh vực hóa học có định luật tuần hoàn của nhà bác học Nga Men-đe-lê-ép.
+ Trong lĩnh vực sinh học có thuyết tiến hóa của Đác-uyn (người Anh); phát minh của nhà bác học người Pháp Lu-i Pa-xtơ (1822-1895).
+ Những sáng kiến, cải tiến kĩ thuật cũng thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp; tiêu biểu là kĩ thuật luyện kim với việc sử dụng lò Bet-xme và lò Mác-tanh, đã đẩy nhanh quá trính sản xuất thép; việc phát minh ra máy điện tín giúp cho việc liên lạc ngày càng nhanh và xa.
+ Cuối thế kỉ XIX, xe ô tô được đưa vào sử dụng nhờ phát minh ra động cơ đốt trong. Tháng 12-1903, nghành hàng không ra đời.
+ Nông nghiệp cũng có bước tiến đáng kể nhờ sử dụng nhiều máy móc: máy kéo, máy gặt, máy đập…Phân bón hóa học cũng được sử dụng rộng rãi.
Câu 2: Các tổ chức độc quyền hình thành như thế nào ?
Trả lời:
Đến cuối thế kỉ XIX, việc sử dụng nguồn năng lượng mới cùng những tiến bộ kĩ thuật đã tạo ra khả năng xây dựng các ngành công nghiệp trên quy mô lớn. Để tập trung nguồn vốn lớn đủ sức cạnh tranh, các nhà tư bản thành lập các công ti độc quyền. Các công ti nhỏ bị thu hút vào các công ti lớn. Nhiều tổ chức độc quyền ra đời, ngày càng lũng đoạn đời sống kinh tế ở các nước tư bản.
Ở Pháp, ngành luyện kim và khai mỏ tập trung trong tay hai công ti lớn.
Công ti “Snây-đơ Crơ-dô” nắm các nhà máy quân sự ở Crơ-dô và các
nhà máy chế tạo đồ đồng, thép cùng các ngành khác ở nhiều vùng
trong nước. “Tổng công ti đường sắt và điện khí” cùng 6 công ti khác
độc quyền ngành đường sắt trong nước. 50% trọng tải đường biển do
3 công ti lớn nắm. Hai công ti “Xanh Gô-ben” và “Cu-man” kiểm soát toàn bộ công nghiệp hoá chất.
Câu 3: Vì sao các nước đế quốc tăng cường xâm chiếm và tranh giành thuộc địa ?
Trả lời:
Các nước đế quốc tăng cường xâm chiếm và tranh giành thuộc địa vì :
– Các thuộc địa có vai trò quan trọng đối với các đế quốc, là nơi đầu tư và tiêu thụ hàng hoá của chính quốc, nguồn cung cấp nguyên liệu và nhân công rẻ mạt, cung cấp binh lính cho các cuộc chiến tranh…
– Các nước tư bản phát triển đi trước như Anh, Pháp có rất nhiều thuộc địa, trong khi các nước tư bản mới có nền kinh tế phát triển không kém Anh. Pháp, thậm chí một số ngành còn vượt hai nước này như Đức, Mĩ thì lại không có hoặc có rất ít thuộc địa. Do đó, mâu thuẫn giữa các nước đế quốc trong việc tranh chấp thuộc địa ngày càng trở nên gay gắt, dẫn đến những cuộc chiến tranh nhằm phân chia lại thuộc địa.
Câu 4: Tại sao trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt ?
Trả lời:
Trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt vì :
– Sau khi xác lập phạm vi trên toàn thế giới, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.
— Với sự phát triển của khoa học — kĩ thuật, sản xuất công, nông nghiệp, thương nghiệp và giao thông vận tải có bước tiến vượt bậc, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai được triển khai sôi nổi. Ở trình độ cao hơn cách mạng công nghiệp trước, nên đời sống xã hội chính trị của các nước tư bản lớn, tiêu biểu cũng bộc lộ một số điểm mới, ngoài những điểm cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản. Đó là :
+ Thứ nhất, hiện tượng thiếu công bằng xã hội ngày càng thể hiện trầm trọng, sự chênh lệch giàu, nghèo trong xã hội ngày càng cách biệt.
+ Thứ hai, sự giác ngộ về chính trị của nhân dân lao động, đặc biệt của công nhân ngày một nâng cao.
+ Thứ ba, các tệ nạn của chủ nghĩa tư bản xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống xã hội.
Những điều trên khiến cho những mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa càng thêm sâu sắc, đặc biệt là mâu thuẫn giữa sản xuất có tính chất xã hội với chiếm hữu có tính chất tư nhân. Mâu thuẫn này chi phối xã hội tư bản chủ nghĩa và đưa tới những cuộc đấu tranh giai cấp giữa tư sản và vô sản ngày càng thêm gay gắt.
Những chuyên mục hay của Lịch sử lớp 10:
- Giải bài tập Sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 10
- Câu hỏi ôn tập môn Lịch sử lớp 10
- Đáp án môn Lịch sử lớp 10
- Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 10
Trên đây chúng tôi đã trình bày về những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật, cùng với đó là sự xuất hiện của chủ nghĩa độc quyền. Chúc các bạn ôn thi đạt hiệu quả cao!