Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về “Bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay.
Đã bao lần tôi nghe chuyện kể rằng: có một con chim nhỏ bị thương rơi xuống gốc cây bên đường, và một người thi sĩ đi qua ôm lấy con chim khóc nấc lên. Tiếng khóc và sự rung động với chú chim đáng thương đã hóa thành biểu tượng của tình người, đi vào thơ ca với lời văn thiết tha cao đẹp nhất. Nhưng ...
Đã bao lần tôi nghe chuyện kể rằng: có một con chim nhỏ bị thương rơi xuống gốc cây bên đường, và một người thi sĩ đi qua ôm lấy con chim khóc nấc lên. Tiếng khóc và sự rung động với chú chim đáng thương đã hóa thành biểu tượng của tình người, đi vào thơ ca với lời văn thiết tha cao đẹp nhất. Nhưng rồi tôi tự hỏi: Nếu một ngày mai thế gian không còn những con người như chàng thi sĩ nọ, không còn những giọt nước mắt rơi vì một chú chim ven dường, thì thế gian này sẽ khô cằn và lạnh lẽo tình ...
Thứ biểu hiện đầu tiên của vô cảm là hứng thú về những chuyện xa xôi mà không quan tâm đến những điều bình dị nhất của cuộc đời con người. Anh là một doanh nhân thành công, từ ngày lập nghiệp anh đã đặt thời giờ, sức lực, tâm huyết vào những thương vụ hấp dẫn, anh đã đến những tòa nhà cao nhất của thành phố và đã bay sang thủ đô của những quốc gia danh tiếng, và thấu rõ doanh nghiệp của họ khác ta như thế nào. Nhưng anh có bao giờ nhìn lại quê hương, mảnh đất nơi mình cất tiếng khóc chào đời, để nhìn lại một hàng cau xanh thẳm, một đồng lúa chín vàng, nghe tiếng hát của dòng sông như tiếng gọi về của tuổi thơ? Nếu chưa một lần như thế, anh chỉ là một doanh nhân thành công chứ chưa phải là người may mắn. Vậy đấy, dòng đời đua chen khiến bao người trở nên xa lạ với những điều bình dị nhất của đời người.
Một biểu hiện nữa của vô cảm, là hình như thế giới bị thu hẹp dần, ta chỉ biết quan tâm đến mình và vài người thân mà quên đi bao nhiêu người khác. Tôi nhớ một câu chuyện rằng: một thanh niên háo hức tìm đến tiệm hoa để mua đóa hồng rực rỡ nhất tặng người yêu và đi chơi đến tận khuya. Và khi anh về nhà, mẹ vẫn đợi con trai dùng cơm tối - thì ra hôm đó cũng là sinh nhật của người mẹ. Và câu chuyện khác - một đứa trẻ bán vé số đã dùng đá ném vỡ cửa kính ô tô, người chủ xe giận dữ hỏi vì sao, dứa bé mếu máo trả lời rằng cháu muốn dừng xe để đưa một cậu bạn gãy chân nằm trên vỉa hè đi bệnh viện; nhưng không dừng được dù đã đưa tay vẫy gọi hơn chục chiếc ô tô rồi. Thế đấy, nếu ta có một chút quan tâm nào đó với mẹ hẳn ta đã nhớ ngày sinh nhật của mẹ, và đêm đó sẽ cùng làm cho người thân của ta hạnh phúc. Nếu ta để ý về những người hai bên đường, ta đã biết có ai cần cấp cứu và có ai đang gọi ta. Nhưng tiếc rằng cuộc sống hôm nay đã làm bao người chi biết mỗi ta hoặc thêm một vài người thân nữa mà thôi, bao giờ họ mới mở rộng cửa sổ để nhìn ra thế giới cua những người khác.
Từ thói vị kỉ, chỉ biết mình, con người trở nên lãng quên quá khứ. Không ít bạn trẻ hiện nay biểu hiện một lối sống lãng phí, ích kỉ, hoàn toàn không kính trọng và biết ơn những đóng góp của các thế hệ cha anh. Trong khi phong trào của thanh thiếu niên là phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, xóa nhà tạm đang nở rộ; thì một phần giới trẻ đả quên đi công lao của những người đã trải qua một thời kì chiến tranh ác liệt. Và vô cảm với quá khứ tức là vô cảm với tương lai. Những con người như thế nhất định không thế cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Ta vừa nói về bao nhiêu biểu hiện của vô cảm. Vậy đâu là sự khác nhau giữa vô cảm và “không vô cảm”? Phải chăng một người lặng lẽ ít nói là một người vô cảm, còn những ai xởi lởi nói cười là người biết quan tâm? Không hẳn như vậy, có những người lặng lẽ thường sống một mình nhưng luôn quan tâm đến mọi người, biết chia sẻ và giúp đỡ chẳng ngại ngần khi người khác gặp khó khăn; và ngược lại có những người tuy có vẻ thân thiện nhưng lại như xã giao với khách qua đường. Mặc dù vậy, ta không nên đồng nhất cách sống nội tâm với sự xa cách mọi người, việc đưa minh ra khỏi tập thể, cộng đồng như sự kéo căng sợi dây liên kết, làm cho chóng đứt.. Và hãy thân thiện với mọi người hơn bằng chính tấm lòng và tình thương của chúng ta chứ không bằng lời nói thông thường, điều đó sẽ làm ta gắn chặt hơn với xung quanh. Vì thế có thể nói, sự khác nhau giữa lối sống vô cảm và lối “hữu cảm” chính xuất phát từ tấm lòng chân thành của mỗi con người, cùng với những hành động thiết thực hướng đến mọi người.
Vâng, tình cảm và hành động là khởi nguồn của những mối liên hệ, và cũng là những điều dễ bị tổn thương nhất khi con người dần khô cạn tình thương và sự quan tâm. Tác hại lớn nhất của nó là tạo cho mỗi con người những khoảng cách riêng biệt, khiến cho họ như những người hàng xóm trong hai căn nhà kín cổng cao tường. Mặc dù qua cửa số có thể nhìn thấy nhau nhưng khi cần đến nhau thì phải qua bốn năm hàng rào cửa. Ta tự hỏi nguyên nhân của chứng bệnh kì quái và nan y này là do đâu? Cuộc sống hiện đại chăng? Có lẽ một phần là vậy, cuộc sống như cơn gió lạ ùa đến, thế là tất cả mọi thứ cùng bay theo cơn gió ấy. Tất nhiên có những con người đã dừng lại để xem những con người xung quanh cần gì, để yêu và giúp đỡ họ. Nhưng có quá nhiều người đã chạy theo ngọn gió ấy, mỗi lúc một nhanh thậm chí không dừng lại được nữa, chỉ dừng lại khi đã mỏi mệt, kiệt sức, bừng tỉnh trong muộn màng. Tuy nhiên, cuộc sống không thể là nguyên nhân chính, mà cái cốt yếu thay đổi con người chính là môi trường xã hội. Một người cha đã quản lí việc học của con cái bằng tiền bạc - một điểm tốt là vài chục ngàn đồng, vào đại học là mua xe máy... vô tình tạo cho con cái thờ ơ với ý nghĩa đích thực của việc học, thành ra ngày qua ngày chỉ còn thấy giá trị của tiền bạc; thế là người con đã bị “lây” chứng vô cảm từ cha mẹ. Hay bên quán cà phê đông người, một ông lão bán hàng rong bị hắt hủi, các thanh niên ngồi đấy phá lên cười làm cho một số bạn trẻ khác dần hình thành ý nghĩa rằng: cái hắt hủi ấy là bình thường thôi. Thế là chứng vô cảm đã bị lây lan từ những người bạn đồng trang lứa. Rồi lại có những người thầy, những người đơm mầm tâm hồn cho tuổi trẻ, vì những yêu cầu về thành tích mà làm trong lòng các em mất đi ý nghĩa đẹp đẽ của giáo dục. Các em chỉ biết học vì điểm số chứ không vì kiến thức; chứng vô cảm đã bị lây lan từ những người trực tiếp nhận sứ mệnh dạy dỗ các em vậy.
Xã hội càng phát triển, càng phức tạp, bệnh vô cảm ngày càng lan rộng, làm thế nào để tạo nên một thế hệ tương lai có tình người, biết quan tâm và yêu thương? Vẫn là hai yếu tố: tình cảm và hành động - liều thuốc hữu hiệu nhất cho căn bệnh. Các bậc cha mẹ, ngay từ khi con mình nhỏ tuổi, hãy kể cho con mình nghe những câu chuyện cảm động tình người; hãy chú ý từng ánh mắt, lời nói của con để gần gũi và yêu thương con hơn, đừng để tình cảm con mình bị một yếu tố xấu nào của cuộc sống tác động. Những bạn trẻ của thời đại mới, xin chớ quá lao đầu vào những điều vô bổ hay những thành tích học tập, hãy dành ít thời gian ngắm nhìn xung quanh chú ý hơn đến những cụ già, em nhỏ bên đường; hãy hỏi tên cô tạp vụ, bác bảo vệ vì đôi khi ta có thể giúp đỡ họ hay cần sự giúp đỡ từ họ; hãy đừng bỏ đi khi có một người phụ nữ đang vác nặng hay một người khiếm thị cần qua đường.
Tình cảm đã vun đắp, nhưng hành động thiết thực mới có thể làm chúng ta và mọi người thực sự gần nhau hơn. Xin đừng ngại đóng góp vài đồng tiền vào thùng nhân đạo của trường mỗi tuần; hãy vui vẻ và nhiệt tình giúp những em nhỏ khó khăn, dù chỉ là một lời động viên khuyến khích ước mơ của các em, để những khát vọng nhỏ không bị dập tắt.
Con người đã chinh phục tự nhiên hàng vạn năm nay bằng trí tuệ và tình cảm. Ta tự hào rằng sức mạnh của trí tuệ loài người ngày càng rực rỡ, nhưng sẽ càng hạnh phúc hơn nếu tình cảm cũng trở nên ngày thêm chói lóa giữa nhân gian. Đừng để dòng máu đỏ của con người thành nhạt nhòa, đừng để con tim ngừng nhịp yêu thương; hãy thắp sáng tình người trên thế gian bằng những ánh mắt trìu mến, tấm lòng bao dung và sự giúp đỡ chân thành với mọi người. Ta cũng vững tin rằng chứng bệnh vô cảm sẽ biến mất, và con người sẽ cùng nhau nắm chặt những bàn tay, cùng kết nối một thế giới lấp lánh tình người.