18/06/2018, 15:26

Yếu tố tôn giáo trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Hoa Kỳ tháng 11 năm 2012

Nguyễn Văn Dũng Cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới ở Hoa Kỳ sẽ diễn ra vào ngày 6 tháng 11 năm 2012. Đến nay các ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đã lộ diện: Đảng Dân chủ lựa chọn đương kim Tổng thống Barack Obama trong liên danh ...

Nguyễn Văn Dũng

Cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới ở Hoa Kỳ sẽ diễn ra vào ngày 6 tháng 11 năm 2012.

Đến nay các ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đã lộ diện: Đảng Dân chủ lựa chọn đương kim Tổng thống Barack Obama trong liên danh với Phó Tổng thống Joe Biden, còn Đảng Cộng hòa chọn Mitt Romney, cựu Thống đốc bang Massachusetts trong liên danh với Paul Ryan, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách của Hạ viện Mỹ. Cả hai cặp đôi đều một già một trẻ: Barack Obama sinh năm 1961 chọn phó tướng Joe Biden sinh năm 1942, còn Mitt Romney sinh năm 1947 chọn Paul Ryan sinh năm 1970.

Ai cũng hiểu trong thời đại suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, mà nước Mỹ không phải là trường hợp ngoại lệ, vấn đề kinh tế và công ăn việc làm mới là những vấn đề quan trọng nhất trong cuộc bầu cử lần này. Trọng tâm của các cuộc vận động tranh cử đều hướng tới những vấn đề kinh tế – xã hội. Barack Obama và Đảng Dân chủ của ông trong chính sách của mình đều nhằm đảm bảo lợi ích cho tầng lớp người nghèo và trung lưu trong xã hội Mỹ, còn Mitt Romney và Đảng Cộng hòa lại hướng tới tầng lớp nhà giàu và giới thượng lưu. Cuộc chạy đua đã vào giai đoạn nước rút. Các cuộc khảo sát khác nhau mới đây đều cho thấy Barack Obama vẫn đang hơn điểm Mitt Romney. Theo cuộc khảo sát của hãng Fox News vào tháng 8 năm 2012, tỉ lệ ủng hộ của người dân Mỹ dành cho Barack Obama là 49% so với 40% dành cho Mitt Romney. Trước đó một tháng tỉ lệ này là 45% – 41%. Còn theo khảo sát của hãng CNN, tỉ lệ ủng hộ Barack Obama là 52% so với 45% của Mitt Romney. Ứng cử viên của Đảng Cộng hòa trong những tuần cuối cùng của cuộc tranh cử đang tìm mọi cách rút ngắn khoảng cách với ông Barack Obama. Trong cuộc khảo sát vào trung tuần tháng 9, tỉ lệ này đã là: Obama 48%, Romney 43% số người dân Mỹ được hỏi ủng hộ hai ứng cử viên này.

Tuy nhiên, không chỉ có các vấn đề kinh tế và công ăn việc làm mà cả vấn đề tôn giáo cũng có những ảnh hưởng nhất định trong cuộc tranh giành quyền lực giữa hai chính đảng lớn ở nước này. Trong lịch sử bầu cử ở Hoa Kỳ, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều cố gắng sử dụng con bài tôn giáo trong các chiến dịch tranh cử.

Theo các cuộc điều tra xã hội học mới đây, 76% dân số Mỹ nhận mình là Kitô hữu, trong đó 52% là tín hữu thuộc các giáo hội Tin lành , 24% là tín hữu Công giáo Rôma. Ngoài ra, số người theo Do Thái giáo chiếm 1% , theo Islam giáo cũng là 1%, theo Phật giáo là 0,7%, theo Hindu giáo là 0,4%, tín đồ các tôn giáo khác là 1,4% còn những người tự nhận mình là không có tín ngưỡng, tôn giáo (bao gồm những người vô thần và bất khả tri) chiếm 15%[1].

Ở Mỹ, về mặt hình thức, Nhà nước và Giáo hội tách biệt nhau. Đây là một quốc gia không có quốc giáo. Nhưng trên thực tế, Giáo hội luôn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các thể chế tư tưởng của nước này. Giáo hội đóng vai trò đáng kể trong đời sống chính trị – xã hội, trong đời sống kinh tế và đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục[2]. Giáo hội mà chúng tôi nói đến ở đây chủ yếu liên quan đến các giáo hội Kitô giáo với số tín đồ chiếm ¾ dân số của nước Mỹ. Khi nhận định về vai trò của yếu tố tôn giáo trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012, linh mục Thomas Reese, người thuộc dòng Tên, cựu Tổng biên tập nguyệt san Công giáo ở Hoa Kỳ “America”, đã nói với phóng viên của nguyệt san “Vatican Insider” rằng, “dù muốn hay không,cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 năm 2012 phải chịu ảnh hưởng nhiều từ yếu tố tôn giáo”[3].

Theo ý kiến của các chuyên gia Mỹ, trong cuộc bầu cử tổng thống tới đây ở nước này tôn giáo tịch của các ứng cử viên đóng vai trò khá quan trọng. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu cộng đồng tôn giáo (Public Religion Research Institute), hơn 70% đảng viên Đảng Cộng hòa và hơn 50% đảng viên Đảng Dân chủ, khi được hỏi đều trả lời rằng ứng cử viên Tổng thống phải là người rất tôn giáo. Một sự kiện không thể không nhắc tới, đó là ngày 1 tháng 11 năm 2012 các thượng nghị sĩ tại Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua với số phiếu áp đảo dự luật về quy chế của hình biểu tượng quốc gia Hoa Kỳ: “Chúng ta tin vào Thiên Chúa” (In God We Trust). Tác giả của dự luật này là Randy Forbes Rep, thượng nghi sĩ thuộc Đảng Cộng hòa. Ông đã trình dự luật này lên Thượng viện từ đầu năm 2012. Theo ông , sở dĩ dự luật này được soạn thảo bởi vì ý nghĩa của hình biểu tượng quốc gia Hoa Kỳ đã bị mất đi trong xã hội Mỹ. Ngoài ra, trong dự luật cũng nhấn mạnh vị trí đặc biệt của tôn giáo trong lịch sử nước Mỹ và ý nghĩa của nó đối với xã hội hiện nay. Như đã nêu ở trên, trong tổng số ¾ dân số Mỹ theo Kitô giáo có ¼ là người Công giáo. Trong 44 đời tổng thống Mỹ chỉ có một người là Công giáo, còn lại là các tín đồ Tin lành giáo, trong đó có tới 11 người thuộc Giáo hội Episcopal (Giáo hội theo thể chế giám mục) và 10 người thuộc Giáo hội Presbyterian (Giáo hội Trưởng Lão).

Tiến sĩ John Green, Giám đốc Viện Chính trị ứng dụng mang tên Bliss Ray, một tổ chức nghiên cứu khoa học và giáo dục độc lập thuộc một trường đại học ở thành phố Akron, bang Ohio đã nói: “các ứng cử viên Tổng thống cần phải có sự lựa chọn tôn giáo một cách rất kiên định” và họ cần phải biết ở đâu và nói gì về đức tin tôn giáo của mình và hành xử như thế nào khi chuyển từ giáo hội này sang giáo hội khác[4]. Báo chí Mỹ cũng thường xuyên thông tin tới độc giả của mình rằng, cử tri Mỹ luôn xét đoán các chính sách của giáo hội mà ứng cử viên của họ là tín đồ, các tư tưởng tôn giáo mà giáo hội của họ theo đuổi và những giáo thuyết mà các chủ chăn của họ truyền giảng cho tín đồ. Theo John Green, “những tâm trạng như vậy đặc biệt thể hiện mạnh mẽ trong đội ngũ đảng viên Đảng Cộng hòa, bởi vì cuộc chạy đua giành ghế Tổng thống trở nên gay go hơn một phần do những bất đồng tôn giáo của cử tri đoàn ở Mỹ sống trong các khu vực bầu cử then chốt và một phần khác do sự khác biệt quan điểm về những ưu tiên trong các vấn đề kinh tế hay xã hội”[5]. Phân tích gia Flake Kathleen thuộc đại học Vaderbild nhận xét rằng, cử tri Mỹ coi đức tin là tổng số các quan niệm xác định hành vi của những người đại diện cho đức tin đó và việc họ đưa ra những quyết định chính trị. Theo ông, “cử tri không còn tin tưởng, như điều đó đã từng xảy ra vào cuối những năm 50, khi tôn giáo là cái anh đã nghĩ ra, chứ không phải là cái anh đã làm”[6].

Như đã nêu ở phần trên, Đảng Cộng hòa chọn Mitt Romney làm ứng cử viên Tổng thống trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ngày 6 tháng 11 năm 2012. Vị cựu Thống đốc bang Massachusetts này là một chính trị gia kiêm doanh nhân giàu có và thành đạt, người sáng lập và lãnh đạo công ty “Bain Capital”, một trong những công ty đầu tư lớn nhất ở Mỹ và là một cựu binh của cuộc đua chính trị năm 2008. Trong cuộc chạy đua đó, ngày 7 tháng 2 năm 2008 ông đã rút lui khỏi danh sách ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa để ủng hộ ứng cử viên McCain.

Mitt Romney sinh ra và lớn lên trong một gia đình theo Giáo hội Chúa Giêsu Kitô của các thánh hữu ngày sau (The Church of Jesus Christ of latter day Saints), tức Giáo hội Mormons. Trong những năm 60 thế kỷ XX ông sống gần 3 năm ở Pháp trong cộng đồng những người đồng đạo. Trong thời gian này ông là một nhà truyền giáo cố gắng mang đức tin của mình đến với những người Pháp “lầm lạc”, nhưng đã không thành công. Ông kêu gọi những người Pháp hãy tỉnh táo, tránh xa rượu, bởi vì những người theo Mormons giáo là những người kịch liệt phản đối việc uống rượu. Tuy nhiên, lời kêu gọi của Mitt Romney không nhận được sự ủng hộ, thậm chí còn gây sự ác cảm của nhiều người dân ở nước Pháp, một đất nước nổi tiếng với những loại rượu vang và cognac hảo hạng. Từ bỏ nghề truyền giáo, trở về Mỹ Mitt Romney vào học tại trường đại học mang tên Brigham Young ở Salt Lake City, bang Utah. Trường này do Giáo hội Mormons thành lập. Tiếp đó ông đã nhận bằng thạc sĩ kinh doanh và luật học tại trường đại học Harvard.

Trong thời gian gần đây Mitt Romney đã nhiều lần quả quyết với công chúng Mỹ rằng, ông không có bất kỳ sự tham gia tích cực nào vào sinh hoạt của Giáo hội Mormons. Còn vợ ông là người theo Giáo hội Episcopal. Bà đã từng tuyên bố với các nhà báo rằng gia đình Mitt Romney thuộc về hai giáo hội và điều này chỉ giúp họ trong cuộc sống vợ chồng.

Như chúng ta đều biết, những tín đồ Kitô giáo cực kỳ bảo thủ (bao gồm cả tín đồ Công giáo và Tin lành giáo) ở Mỹ là một bộ phận cử tri đoàn đáng kể của bất kỳ một ứng cử viên tổng thống nào của Đảng Cộng hòa. Những người này khó chấp nhận Mitt Romney và nếu không có những lá phiếu của họ thì chiến dịch tranh cử của tín đồ Mormons Mitt Romney khó có thể thành công. Sở dĩ Mitt Romney không thể giành được sự ủng hộ của những người này bởi vì nhiều tín đồ Tin lành giáo chỉ coi Giáo hội Mormons như một giáo phái chứ không phải là một trong số các giáo hội Tin lành . Chúng ta còn nhớ, trong cuộc chạy đua giành vị trí ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2008, Mitt Romney đã bị nhiều tín đồ Tin lành giáo phản ứng quyết liệt và đến phút cuối ông đã phải rút lui nhường chỗ cho McCain, mặc dù trong cuộc tranh cử đó ông đã có sự thay đổi quan điểm trong một số vấn đề nhạy cảm của Kitô giáo. Thí dụ, trong cuộc tranh cử Thống đốc bang Massachusetts năm 1994, Mitt Romney tuyên bố ủng hộ quyền phá thai và đòi tôn trọng quyền của thiểu số người hôn nhân đồng tính và lần đó ông đã thắng cử. Trong cuộc tranh vị trí ứng cử viên Tổng thống năm 2008 ông lại chuyển sang quan điểm chống quyền phá thai và phản đối hôn nhân đồng tính. Đến cuộc tranh cử tổng thống năm 2012 này ông vẫn giữ lập trường như năm 2008[7].

Điểm lại 44 đời Tổng thống Hoa Kỳ, cho đến nay chưa thấy có một người nào xuất thân từ Giáo hội Mormons. Vậy tại sao trong cuộc tranh cử lần này Đảng Cộng hòa lại đề cử một người theo Mormons giáo? Một số phân tích gia Công giáo cho rằng cử tri Công giáo Mỹ đã nghiêng về phía Mitt Romney. Những người này dựa vào sự kiện Hồng y Dolan, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, người kịch liệt phê phán chính sách của Tổng thống Barack Obama, đã chủ trì nghi thức cầu nguyện tại Đại hội Đảng Cộng hòa để chính thức đề cử Mitt Romney. Trước đó, trong quá trình tranh cử ở các địa phương Mitt Romney đã giành được đa số phiếu của người Công giáo, đánh bại hai ứng cử viên người Công giáo là Rick Santorum và Newt Gingrich. Một số người, trong đó có Rachel Zoll, phóng viên của hãng AP News có ý khuyên Mitt Romney hãy tạm quên người Mormons vì lúc này người Công giáo đối với ông mới là điều quan trọng. Không biết có phải do những lời khuyên hay đã nằm trong chiến dịch tranh cử của mình, ngay sau khi được Đảng Cộng hòa đề cử, Mitt Romney đã chọn Paul Ryan, một người Công giáo “ngoan đạo” làm người liên danh ứng cử Phó Tổng thống. Chính Giám mục Robert Morlino của giáo phận Madison, đấng bản quyền của Paul Ryan đã nhận xét Paul Ryan là một “con chiên ngoan đạo” và “anh ta rất tốt. Anh ta thường xuyên liên lạc với giám mục của mình”[8]. Để tỏ rõ đức tin Công giáo của mình, trong lời phát biểu chấp nhận sự đề cử của Mitt Romney, Paul Ryan tuyên bố: “Quyền của chúng ta không đến từ chính quyền mà đến từ tự nhiên và từ Thiên Chúa”[9].

Tuy là một “con chiên ngoan đạo”, “phò sự sống”, “chống phá thai”, “chống hôn nhân đồng tính” và nồng nhiệt “ủng hộ tự do tôn giáo”, nhưng Paul Ryan lại “không nghe lời” các giám mục khi đưa ra dự luật cắt giảm các khoản liên quan tới các chương trình xã hội trong kế hoạch ngân sách năm 2013. Các giám mục cho rằng, việc cắt giảm này là không phù hợp với lời rao giảng của Chúa Giêsu, là phi lý và sai trái. Tuy nhiên, Paul Ryan vẫn bênh vực cho dự luật này bằng cách trưng dẫn nền thần học luân lý Công giáo. Ông cho rằng kế hoạch ngân sách năm 2013 mà ông đưa ra được đặt trên giáo huấn của Giáo hội Công giáo đòi phải giúp đỡ người nghèo, nhưng để đạt được thì người Mỹ “đừng làm cho người ta lệ thuộc vào chính phủ”[10]. Theo các vị lãnh đạo trong Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, “một dự luật chi tiêu công bằng không thể dựa vào các khoản cắt giảm bất quân bằng trong các dịch vụ cho người nghèo và người yếu thế”[11]. Do vậy, mặc dù dự luật này đã được thông qua tại Hạ viện Hoa Kỳ do Đảng Cộng hòa kiểm soát nhưng nó đã bị chặn lại tại Thượng viện.

Còn đối với Barack Obama, ứng cử viên của Đảng Dân chủ, vấn đề đức tin tôn giáo của ông vẫn là một câu hỏi đối với nhiều người dân Mỹ, mặc dù vị đương kim Tổng thống này đã nhiều lần và thẳng thắn tuyên bố với giới truyền thông rằng ông là một Kitô hữu (Christian) thuộc Liên hiệp Nhà thờ Chúa Kitô (United Church of Christ).

Theo những nguồn tin chính thức, Barack Hussein Obama sinh ngày 4 tháng 8 năm 1961 tại Honolulu, Hawaii. Cha ông là Obama Onyago Hussein, một sinh viên người Kenya, châu Phi. Mẹ ông là Stanley Ann Dunham, người bang Kansas, Hoa Kỳ. Theo lời người bạn gái thời học sinh của mẹ ông kể lại, Stanley Ann Dunham là một người theo chủ nghĩa vô thần, còn Obama Onyago Hussein là người theo Giáo hội Unitarian (Giáo hội Thượng Đế nhất vị). Sau khi sinh Barack Obama, mẹ ông đã phải bỏ học để chăm sóc con, còn người cha đầy tham vọng đã rời Hawaii tới theo học tại trường Harvard, vì vậy cuộc hôn nhân của họ đã sớm kết thúc. Năm 1967 mẹ ông đi bước nữa với chàng sinh viên người Indonesia tên là Lolo Sutaro và sau đó chuyển cả gia đình về sinh sống tại quốc đảo Islam giáo này. Khi đó Barack Obama mới lên 6 tuổi. Lúc đó vị Tổng thống tương lai của nước Mỹ lấy tên là Barry Sutoro. Sau hơn 2 năm học tại trường Công giáo Thánh Phanxico Assisi (Franciscus Assisiensis), theo một nguồn tư liệu, Barry Sutoro học 1 năm tại một trường quốc lập ở Indonesia, còn theo một tư liệu khác, ông theo học tại một trường Islam giáo. Cha dượng của Barack Obama là một người tin theo Đức Allah, nhưng đồng thời không lảng tránh các tín ngưỡng bản địa của người Java. Về phần mình, Barack Obama thường nói rằng, mẹ ông là người có ảnh hưởng quyết định đến cuộc đời ông. Ông nói: “ Những giá trị mà mẹ tôi đã dạy cho tôi vẫn luôn là cơ sở cho mọi hành động của tôi, kể cả trong chính trị”[12]. Cũng có người cho rằng Barack Obama theo Islam giáo. Có thể ở một mức độ nào đó, trong một giai đoạn nhất định của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, chính ông đã lập lờ để giành phiếu bầu của các tín đồ Islam giáo Mỹ cũng như của những người ủng hộ quyền bình đẳng chủng tộc và tôn giáo ở nước này. Thí dụ, trong cuốn tự truyện của mình “Giấc mơ của cha tôi” (Dreams from My Father), theo lời của nhà báo Paul Watkins của tờ New York Times, Obama đã giữ lại suốt đời tình cảm tốt đẹp của người cha, có cảm giác rằng ông bị giằng xé giữa hai thế giới và cho đến nay ông không thuộc về một thế giới nào. Ông đã từng kể với các bạn cùng lớp rằng, những người cùng bộ tộc với cha ông ở Kenya là những chiến binh dũng cảm và họ Obama mà ông mang có nghĩa là “ngọn giáo cháy bỏng”. Bản thân Barack Obama chưa bao giờ tự nhận mình có dính dáng với tín ngưỡng tôn giáo của tổ tiên ông ở Kenya. Trả lời phỏng vấn của tờ New York Daily News, Barack Obama nói: “Tôi luôn là một Kitô hữu. Cái duy nhất kết nối tôi với Islam giáo – đó là ông nội tôi, nhưng chưa bao giờ tôi là một tín đồ Islam giáo”. Khi được hỏi ông xác định như thế nào là một Kitô hữu, Barack Obama trả lời: “Tin vào một điều rằng Chúa Giêsu Kitô là đấng Cứu Rỗi của chúng ta”[13].

Barack Obama gia nhập Liên hiệp Nhà thờ Chúa Kitô khi ông đã ở tuổi trưởng thành – 28 tuổi. Giáo hội này được thành lập vào năm 1960 tại Chicago với tên gọi đầy đủ là Trinity United Church of Christ in Chicago. Đây là nơi tập trung rất đông con cháu của những người nô lệ đến từ miền nam nước Mỹ. Về tư tưởng, Trinity United Church of Christ in Chicago có liên hệ với tổ chức “Dân tộc Islam giáo” do Elijah Muhammad thành lập năm 1930 tại Detroit. Liên hiệp Nhà thờ Chúa Kitô tập hợp những người Islam giáo và Kitô giáo với hệ tư tưởng đặc trưng của các dân tộc da đen (Negritude). Cho đến nay trong điều lệ của Giáo hội này vẫn ghi rõ ràng rằng, các thành viên của Giáo hội cam kết “trung thành với châu Phi” và “thủy chung với lục địa thân thương của mình”.

Nếu tìm hiểu thêm chính sách của Barack Obama đối với thế giới Islam giáo trong những năm cầm quyền vừa qua, nhất là việc ông đã ủng hộ chủ trương xây dựng một thánh đường Islam giáo ở khu đất bên cạnh vị trí Tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York bị tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001[14], chúng ta mới hiểu được rằng, sự nghi ngờ của cử tri Mỹ đối với đức tin tôn giáo của Tổng thống của họ không phải là không có cơ sở.

Theo cuộc thăm dò mới đây của Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center), ngày càng ít người Mỹ tin vào đức tin Kitô giáo đích thực của Barack Obama. Chỉ có 34% số người được hỏi thừa nhận Barack Obama là một Kitô hữu, trong khi đó con số này trong cuộc thăm dò vào tháng 3 năm 2012 là 48%, điều này có nghĩa là, chỉ trong vòng 5 – 6 tháng số người tin rằng Tổng thống của họ là một Kitô hữu đã giảm đi 14%. Số người nghi ngờ về đức tin tôn giáo của đương kim tổng thống Mỹ từ tháng 3 năm 2012 đến nay tăng từ 34% lên 43%. Các chuyên gia cũng nhận thấy có sự tương quan rõ nét giữa những người cho rằng Barack Obama là tín đồ Islam giáo với những người không chấp nhận chính sách của ông. Trong số 41% những người không chấp nhận chính sách của Barack Obama có tới 2/3 cho rằng ông theo Islam giáo[15].

Có thể khẳng định rằng, người Mỹ xem xét về đức tin tôn giáo của Barack Obama chỉ ở mức độ cảm tính hay ở mức độ tiềm thức. Tất nhiên, ở một nước phát triển như nước Mỹ, đối với đa số người dân, việc lựa chọn người đứng đầu nhà nước phải dựa vào các chính sách kinh tế – xã hội. Nhưng không được quên rằng, tôn giáo ở một ý nghĩa nào đó cho phép ta đồng nhất mình với người này hay người khác. Một nữ nhà báo Mỹ, khi phản ứng với việc Barack Obama nhận mình là Kitô hữu, đã nói: “Không quan trọng ông có phải là một Kitô hữu hay không, điều cốt yếu ông không phải là một tín đồ Islam giáo”[16].

Ở Mỹ, một bộ phận cử tri, nhất là những người Công giáo bảo thủ và sùng đạo, không hài lòng với việc Barack Obama ủng hộ quyền phá thai và bảo vệ quyền lợi của hôn nhân đồng tính. Theo họ, việc làm đó của Tổng thống giống như một “cuộc chiến chống tôn giáo”.

Trong cuộc tranh cử lần này, Barack Obama vẫn tiếp tục chọn Joe Biden, một người Công giáo làm người liên danh ứng cử Phó Tổng thống. Tuy đã từng chống lại việc phá thai và bỏ phiếu chống lại việc dùng công quỹ tài trợ cho thủ tục này, nhưng ông lại ủng hộ quyền phá thai. Nhiều giám mục Công giáo coi Joe Biden và Barack Obama ủng hộ việc phá thai hợp pháp là một hành động vô luân.

Những người thuộc Đảng Cộng hòa đã triệt để lợi dụng việc này để tấn công các ứng cử viên của Đảng Dân chủ. Trong các cuộc diễn thuyết tranh cử mới đây Mitt Romney đã kêu gọi các tín đồ Tin lành giáo, Công giáo, Mormons giáo hãy đoàn kết lại mặc dù giữa họ có sự khác biệt trong việc giải thích Kinh Thánh. Khi ám chỉ các chính sách bảo hiểm y tế mới của chính quyền Barack Obama mà theo đó kể từ năm 2010 người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ phổ biến thông tin về kế hoạch hóa gia đình và tránh thai, Mitt Romney nói: “Quyết định của chính quyền Barack Obama tấn công vào phương diện quan trọng nhất của quyền con người – tự do tôn giáo – và điều đó, theo ý kiến tôi làm nhiều người bị sốc”[17].

Vậy là Mitt Romney đã quyết định lấy con bài Kitô giáo mà chủ yếu là Công giáo làm át chủ bài trong cuộc chiến giành chiếc ghế Tổng thống tại Nhà Trắng. Việc chọn Paul Ryan, một người Công giáo “ngoan đạo” chắc chắn cũng nằm trong ván bài này của ông.

Trong cuộc bầu cử ngày 6 tháng 11 năm 2012 tới đây, theo các nhà bình luận chính trị, tôn giáo rất có thể đóng vai trò quan trọng hơn người ta từng nghĩ trước đây. Linh mục Thomas Reese, cựu Tổng biên tập nguyệt san Công giáo Hoa Kỳ “America” nhận xét: “Đảng Dân chủ tại Hoa Kỳ thường được dân chúng nhìn như là đảng của người nghèo, của những công nhân và được sự ủng hộ của những người Công giáo thiên tả, trong khi Đảng Cộng hòa thì được nhìn như là đảng của người giàu, không quan tâm đến giáo huấn xã hội của Giáo hội”[18].

Như đã trình bày ở trên, hai ứng cử viên Phó Tổng thống của hai đảng đều là người Công giáo, song cả hai đều có vấn đề với các cử tri Công giáo, nhất là với hàng giám mục Hoa Kỳ. Còn đối với hai ứng cử viên Tổng thống thì: Mitt Romney gặp phải rắc rối đối với cử tri Mỹ về tôn giáo tịch Mormons của mình. Đa phần tín đồ các giáo hội Tin lành Mỹ vẫn tỏ thái độ thận trọng đối với Giáo hội Mormons; đối với Barack Obama, tuy công khai nhận mình là một Kitô hữu nhưng vẫn còn có những người tỏ ra hoài nghi đối với gốc gác châu Phi của người cha đẻ và tinh thần Islam giáo của người cha dượng Indonesia, cũng như tư tưởng của Giáo hội Liên hiệp Nhà thờ Chúa Kitô mà ông là một thành viên.

Nhận xét về sự quan trọng của lá phiếu Công giáo trong cuộc bầu cử ở Mỹ, Trần Mạnh Trác, một người Công giáo, đã viết6: “Lá phiếu Công giáo là một yếu tố quan trọng trong cuộc bầu cử năm nay bởi vì tỉ lệ của nó là 24% cử tri của toàn quốc. Lịch sử cho thấy những kẻ chiến thắng đều là những kẻ chiếm được đa số Công giáo”[19], trừ cuộc bầu cử năm 2000 khi G.W. Bush thua phiếu Công giáo nhưng lại thắng nhờ phán quyết của Tối cao Pháp viện.

Trong cuộc bầu cử năm 2008, Barack Obama chiếm được 54% tổng số phiếu của cử tri Công giáo. Nhưng hiện nay cả Mitt Romney và Barack Obama đều vẫn chưa nhận được sự ủng hộ nhất quán, rõ ràng nơi cử tri Công giáo. Theo thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew, vào tháng 7 vừa qua Barack Obama được đa số người Công giáo nói chung ủng hộ, nhưng Mitt Romney lại được đa số người Công giáo da trắng ủng hộ. Nhưng đến nay vẫn còn một bộ phận cử tri không nhỏ, nhất là các cử tri Công giáo, chưa tỏ rõ thái độ của mình trong cuộc bầu cử lần này. Đây chính là ẩn số của cuộc chạy đua.

Trên đây chúng tôi vừa phân tích những nét cơ bản của cuộc bầu cử sắp diễn ra ở nước Mỹ trong vòng vài tuần tới. Nhưng cũng cần phải nhắc lại rằng, các vấn đề kinh tế và công ăn việc làm mới là những yếu tố chính quyết định ai thắng ai trong cuộc tranh giành quyền lực hiện nay. Vì vậy, việc sử dụng yếu tố tôn giáo đang được các ứng cử viên cân nhắc hết sức thận trọng, tuy nhiên họ không hề bỏ qua hoặc xem thường yếu tố này và kinh nghiệm lịch sử các cuộc bầu cử ở Mỹ đã buộc họ phải làm như thế ./.

Chú thích

[1] Tôn giáo tại Hoa Kỳ. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

2 Nguyễn Văn Dũng. Vị trí của tôn giáo trong đời sống chính trị – xã hội Mỹ. Trong cuốn: Tôn giáo với đời sống chính trị – xã hội ở một số nước trên thế giới. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2012, tr.8-9.

3 R.V.A. Hoa Kỳ: Lá phiếu của người Công giáo trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 – 2012. http://www.giaophanvinh.net/8155.

4 Lina Mayakova. Nước Mỹ tin tưởng vào cuộc bầu cử. http://religion.ng.ru/politic/2011-11-6/1­­-usa.html.                                                                                                 

5 Lina Mayakova. Bài và website đã dẫn.

6 Lina Mayakova. Bài và website đã dẫn.

7 Xem thêm: Nguyễn Văn Dũng. Vị trí của tôn giáo trong đời sống chính tri-xã hội Mỹ. Sđd., tr.32.

8 Trích theo: Trần Mạnh Trác. Mùa bầu cử Mỹ 2012: Kiếm phiếu cử tri Công giáo. Vietcatholic.net/news/html/99589.htm. 

9 Trích theo: Trần Mạnh Trác. Bài và website đã dẫn.

10 Trích theo: Vũ Văn An: Ứng cử viên Romney và người Công giáo. Vietcatholic.net/news/html/99823.htm.

11 Trích theo: Vũ Văn An. Bài và website đã dẫn.

12 Trích theo:Oksana Kotkina. Người Mỹ không chia sẻ đức tin của Obama. http://religion.ng.ru/politic/2012-07-04/6‑Obama.html.

13 Trích theo: Oksana Kotkina. Bài và website đã đẫn.

14 Xem thêm: Nguyễn Vân Dũng. Chính sách đối với Islam giáo của chính quyền Barack Obama. Trong cuốn: Tôn giáo với đời sống chính trị-xã hội ở một số nước trên thế giới. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2012, tr.234-249; Nguyễn Văn Dũng. Sau hơn 11 năm nhìn lại cuộc tấn công nước Mỹ(11-9-2001/11-9-2012) của chủ nghĩa khủng bố Islam giáo cực đoan. Tạp chí Công tác tôn giáo, số 9/2012, tr.50-57.

15 Oksana Kotkina. Bài và Website đã dẫn.

16 Oksana Kotkina. Bài và Website đã dẫn.

17 Trích theo:Oksana Kotkina. Bài và Website đã dẫn.

18 R.V.A. Hoa Kỳ: Lá phiếu của người Công giáo trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 12-2012. Website đã dẫn.

19 Trần Mạnh Trác. Bài và website đã dẫn.

0