18/06/2018, 15:26

Trận đánh khai tử hải quân phát xít Nhật

Trận đánh khai tử hải quân phát xít Nhật Khánh Chi tổng hợp Sứ mệnh của chiến hạm cuối cùng Lực lượng hải quân vốn rất hùng hậu của phát xít Nhật Bản đến đầu năm 1945 chỉ còn là tàn quân. Trong tình thế đó, Nhật lại nhận được tin tình báo: Mỹ sắp tấn công Okinawa. Không còn sự ...

Trận đánh khai tử hải quân phát xít Nhật

Khánh Chi tổng hợp

Sứ mệnh của chiến hạm cuối cùng

Lực lượng hải quân vốn rất hùng hậu của phát xít Nhật Bản đến đầu năm 1945 chỉ còn là tàn quân. Trong tình thế đó, Nhật lại nhận được tin tình báo: Mỹ sắp tấn công Okinawa. Không còn sự lựa chọn nào khác: Chiến hạm hùng mạnh nhất và cũng là chiến hạm cuối cùng của quân Nhật – Yamato – được chọn để làm nhiệm vụ bảo vệ Okinawa. Tuy nhiên, chiến hạm tượng trưng cho giấc mơ chinh phục của người Nhật đành phải chịu khuất phục trước sức mạnh quân sự Mỹ với kết cục mãi yên nghỉ dưới đáy đại dương…

Những tiếng còi phòng không rú lên từng hồi. Không để tâm đến chúng, Thiên hoàng Hirohito ngồi trầm ngâm bên bàn họp trong căn hầm trú ẩn sát với Thư viện Hoàng gia. Những tiếng còi báo động đã trở thành một phần trong cuộc sống của người dân Tôkyô. Gần 3 tuần trước đó, vào đêm 10/3/1945, những chiếc B – 29 của Mỹ đã thả bom cháy xuống thành phố. Những quả bom lửa đã khiến hơn 100.000 người dân Nhật Bản phải bỏ mạng và biến 256 km2 thủ đô Tôkyô thành đống đổ nát. Dù gần 3 tuần đã trôi qua nhưng vào thời điểm đó, mùi khói vẫn còn phảng phất đâu đây trong cung điện Hoàng gia.

Những quả bom lửa dội xuống Tokyo

Ngôi báu của Hirohito – hay đế chế phong kiến ở Nhật Bản – còn kéo dài bao lâu nữa là điều choán hết tâm trí của Thiên hoàng. Trong vài tháng qua, Nhật Bản liên tục phải hứng chịu những thất bại thảm hại trong các trận đánh trên biển Philíppin, Vịnh Leyte và đảo Iwo Jima. Theo tin tức tình báo mới nhận được thì người Mỹ lại sắp sửa tấn công đảo Okinawa.

Ngồi bên bàn họp là các cố vấn quân sự của Thiên hoàng, các tư lệnh lục quân và hải quân cùng các tướng lĩnh cấp dưới. Các tư lệnh đã đệ trình lên Hirohito kế hoạch phản công ở Okinawa. Thỉnh thoảng Nhật hoàng dừng lại, nheo mắt nhìn qua cặp kính gọng kim loại, để đặt câu hỏi:

– Bao nhiêu máy bay sẽ được sử dụng trong các trận đánh?

– Hai nghìn, một đô đốc cho biết.

– Con số đó đã đủ chưa? Nhật hoàng hỏi lại.

– Vẫn còn 1.500 máy bay của lục quân sẵn sàng tham chiến – Viên đô đốc trả lời.

Hirohito lộ vẻ lo lắng. Hơn 100.000 lính bộ binh đang sẵn sàng chết để bảo vệ Okinawa và mấy nghìn phi công lái máy bay cảm tử cũng trong tư thế chuẩn bị lên đường. Ông ta quay sang Đô đốc Koshiro Oikawa, Tư lệnh hải quân, hỏi:

– Thế hải quân ở đâu?

Oikawa liếc nhìn xung quanh nhưng không một sĩ quan nào dám đứng lên trả lời. Nhật hoàng khi đó không biết được rằng hải quân Nhật giờ chỉ còn lại một số lượng tàu ít ỏi và không thể làm được gì để xoay chuyển tình thế ở đảo Okinawa…
Nhưng có lẽ điều đó không quan trọng. Ý định của Nhật hoàng đã rõ ràng. Không thể chấp nhận được thực tế rằng lục quân phải hy sinh quá nhiều trong khi không thấy bóng dáng một tàu chiến nào của hải quân trong trận Okinawa. Với chỉ một câu nói, số phận của con tàu chiến lớn nhất Nhật Bản đã được quyết định.

Tên của nó là Yamato, tàu chiến hùng mạnh nhất đã từng được đóng. Với lượng choán nước 71.659 tấn và có thể đạt đến vận tốc 27 hải lý/giờ, chiến hạm Yamato được trang bị những vũ khí tối tân nhất từng được triển khai trên một tàu chiến – hơn 150 khẩu pháo, bao gồm 9 khẩu có cỡ nòng 460 mm mà có thể bắn những quả đạn xuyên thép nặng 1.460 kg với tầm bắn lên đến 36 km. Lớp vỏ thép là loại có khối lượng nặng nhất từng được lắp đặt trên một con tàu chiến lớp dreadnought, khiến cho không khẩu pháo nào trên thế giới có thể xuyên thủng được lớp vỏ thép dày của nó. Cái tên Yamato không chỉ biểu thị sự thi vị mà còn mang ý nghĩa tinh thần đối với Nhật Bản.

Là kỳ hạm của một hạm đội bao gồm 10 tàu chiến, nó được giao nhiệm vụ tiến ra Đông Hải để tiêu diệt hạm đội của Mỹ ở ngoài khơi đảo Okinawa. Mang mật danh Ten – Go, chiến dịch này sẽ được tiến hành cùng với sự tấn công cảm tử ồ ạt của các máy bay chiến đấu, trong khi quân đoàn số 32 của phát xít Nhật trên đảo Okinawa sẽ tiến hành một cuộc phản công trên bộ. Theo kế hoạch, sau khi gây ra những thiệt hại nặng nề cho các tàu chiến của Mỹ, Yamato sẽ được làm cho mắc cạn và được sử dụng như một trận địa pháo cố định cho đến tận khi nó bị phá hủy. Bất kỳ thủy thủ nào còn sống sót sẽ tham gia lực lượng quân đồn trú bảo vệ Okinawa.

Tuy nhiên, hầu như không một ai trên chiến hạm Yamato, kể cả viên sỹ quan chỉ huy chiến dịch, Phó Đô đốc Seiichi Ito, tin rằng chiến dịch sẽ thành công. Ito ban đầu thẳng thừng từ chối thực thi mệnh lệnh. Chỉ cho đến tận khi ông ta được thông báo rằng đích thân Nhật hoàng mong muốn ông ta đảm nhận nhiệm vụ này Ito mới chấp nhận số phận của mình.

Trong khi đó, một tâm trạng phấn chấn lan tỏa khắp đài chỉ huy Hạm đội 5 của Mỹ. Trên con tàu chiến New Mexico, Đô đốc Raymond Spruance xem xét kỹ lưỡng các báo cáo mà trinh sát mới gửi về. Chiến hạm Yamato, con tàu chiến lớn cuối cùng của phát xít Nhật, đang lên đường tham chiến.

Trong lực lượng hải quân Mỹ vào năm 1945, Raymond Spruance là người có điều gì đó kỳ cục – một người vốn không phải là phi công chính gốc mà lại chỉ huy cả một lực lượng không quân của hải quân hùng mạnh nhất từ trước đến nay. Spruance còn chỉ huy một lực lượng đặc biệt, bao gồm các tàu chiến và tàu tuần dương được giao nhiệm vụ bắn phá các vị trí trên bờ của quân Nhật trên đảo Okinawa. Lúc này tâm trí của Spruance bị choán hết bởi hình ảnh của con tàu chiến khổng lồ cuối cùng của Nhật. Ông ra hiệu cho Chuẩn Đô đốc Mort Deyo, chỉ huy Lực lượng tác chiến số 54, chuẩn bị dàn đội hình chiến đấu với lực lượng tác chiến của tàu Yamato.

Nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch, chiến công đánh chìm con tàu chiến lớp dreadnought lớn nhất thế giới sẽ thuộc về Hạm đội 5.

 Cuộc đua “săn” chiến hạm khổng lồ

Ở mặt phía đông của đảo Okinawa, trên con tàu sân bay Bunker Hill, chỉ huy Lực lượng tác chiến số 58 – lực lượng tác chiến nhanh – cũng đang dõi mắt theo “con mồi” Yamato. Phó Đô đốc Marc Mitscher có khuôn mặt nhăn nhó, hốc hác của một con chim săn mồi; ông hoàn toàn thích hợp với biệt danh “Đại bàng trọc”. Cũng giống như hầu hết các sĩ quan cao cấp trong lực lượng không quân của hải quân, Mitscher cũng thường có mâu thuẫn nho nhỏ với chỉ huy của các tàu chiến, những người đã điều khiển cách tư duy của hải quân Mỹ trong gần như cả thế kỷ. Một trong những con người đó là cấp trên trực tiếp của ông, Raymond Spruance.

Mitscher cảm nhận thấy một sự ganh đua giữa chiến hạm với tàu sân bay. Mặc dù các tàu sân bay đã tham gia hầu hết những trận đánh lớn trên Thái Bình Dương, nhưng liệu chỉ riêng sức mạnh không quân có thể đè bẹp được một lực lượng hoạt động trên mặt biển hay không vẫn còn là điều gây nhiều tranh cãi. Đây là một cơ hội cho ông và cũng là cơ hội chấm dứt vĩnh viễn sự tranh cãi này.

Hiện tại Mitscher ở vào thế khó. Spruance vừa mới phát đi mệnh lệnh cho toàn bộ hạm đội là để chiến hạm Yamato đi về hướng nam, nơi mà lực lượng của Chuẩn Đô đốc Deyo đang phục sẵn. Đồng thời, Mitscher nhận được mệnh lệnh “tập trung vào nhiệm vụ của Lực lượng tác chiến số 58, đó là bay tuần tra để chặn đánh bất kỳ đợt tấn công bằng đường không nào của quân Nhật”.

Mitscher và cấp dưới của ông mải mê nghiên cứu mệnh lệnh ban xuống với hy vọng phát hiện ra điểm sơ hở. Mitscher đã phục vụ dưới quyền Spruance một thời gian đủ lâu để biết về tính cách con người này. Mệnh lệnh của Spruance không nói rõ việc cấm Mitscher truy đuổi quân Nhật. Đó là một kẽ hở mà “Đại bàng trọc” có thể lách qua để thực hiện khao khát được chiến đấu một cách thực sự và trực diện với chiến hạm hiện đại cuối cùng của quân Nhật.

Việc cần làm lúc đó đối với “Đại bàng trọc” là phải biết được hạm đội của Nhật đi về hướng nào và mục tiêu của nó là gì. Lực lượng của Chuẩn Đô đốc Deyo gồm 6 tàu chiến, 7 tàu tuần dương và 21 tàu khu trục đã đi lên phía bắc để đánh chặn lực lượng của phát xít Nhật. Mitscher hành động theo một linh tính rằng chiến hạm Yamato đang đi theo hướng tây bắc. Nếu linh tính của ông đúng, quân Nhật sẽ nhanh chóng ngoặt sang phía nam về hướng đảo Okinawa. Ông ra lệnh cho các nhóm tác chiến tàu sân bay của ông chuẩn bị hành động.

Cuộc đua hướng đến cái đích là con tàu chiến khổng lồ Yamato đã bắt đầu.

Về phía quân Nhật, Đô đốc Ito trên chiến hạm Yamato phát hiện thấy máy bay Mỹ. Ông ta có thể quan sát thấy các máy bay trinh sát của Mỹ thấp thoáng ẩn hiện trong những đám mây, đang theo dõi lực lượng tác chiến của phát xít Nhật. Khi Ito ra lệnh chuyển hướng lực lượng tác chiến Yamato về hướng tây nam, nhằm hướng đảo Okinawa thẳng tiến, thời tiết đã trở nên ngày một xấu. Những hạt mưa rơi ngày một dày trông như một bức màn khổng lồ được hạ từ các đám mây xuống dưới mặt biển.

Lúc 12 giờ 20 trưa ngày 17/4, tín hiệu đầu tiên xuất hiện trên màn hình rađa của quân Nhật. Dướn người lên nhìn vào màn hình, viên sĩ quan rađa trẻ tên là Mitsuru Yoshida cố gắng nhìn rõ xem đó là cái gì. Trên màn hình của anh ta hiện lên ba đốm lớn, mỗi đốm biểu hiện cho một cánh quân. Dần dần chúng tách ra thành các nhóm, sau đó là các phi đội, rồi thành từng máy bay.

Chiến hạm Yamato bị không kích.

Từ đài chỉ huy của phát xít Nhật, một loạt các mệnh lệnh được ban ra. Mỗi tàu thuộc lực lượng tác chiến phải tăng tốc độ lên 25 hải lý. Toàn bộ đội hình chạy về hướng đông. Thời khắc chờ đợi đã hết; trận đánh cuối của Yamato sẽ là một trận không – hải chiến khốc liệt chứ không phải là một trận hải chiến đơn thuần.

Một đội hình máy bay chiến đấu Mỹ xuất hiện qua một khoảng trống giữa các đám mây. Chiếc nọ nối chiếc kia, chúng thực hiện động tác bổ nhào. Thuyền trưởng tàu Yamato, Chuẩn Đô đốc Kosaku Ariga, đứng trên đài chỉ huy ra lệnh: “Bắn!”. Ngay lập tức, 24 khẩu pháo phòng không và 120 súng máy bắt đầu nhả đạn.

Những tiếng nổ rền vang qua những boong tàu làm bằng thép. Những cột nước bắn tung tóe do phản lực từ những loạt đạn đại bác dội trở lại. Bầu trời đang u ám bỗng chuyển sang đỏ lừ vì tiếng nổ của hàng nghìn quả đạn. Chuẩn Đô đốc Ariga đứng bên ngoài trực tiếp chỉ huy trận đánh khi loạt bom và đạn súng máy đầu tiên trút xuống chiến hạm Yamato. Lớp vỏ thép dày của chiến hạm này giúp nó có thể chống chịu được hầu như mọi loại bom, nhưng những mảnh bom và đạn phạt qua các pháo thủ giống như một chiếc máy cắt cỏ đang hoạt động.

Máy bay ném bom bổ nhào là đối tượng khó đối phó nhất đối với chiến hạm Yamato bởi chúng tấn công thẳng từ trên đầu xuống. Các pháo thủ phải vất vả bám theo chúng cho đến tận lúc những chiếc máy bay này đã cắt bom và phóng vọt lên. Một quả bom ném xuống từ một máy bay SB2C Helldiver đã hất văng một tháp pháo, lửa trùm lên các pháo thủ. Một quả bom khác rơi trúng phòng rađa, giết chết những người lính Nhật bên trong.

Các máy bay chiến đấu F4U Corsairs và F6F Hellcats của Mỹ đang tấn công theo những đường bổ nhào hẹp, chủ yếu ném những quả bom nhẹ, trong khi những khẩu súng máy của chúng phóng những loạt đạn có độ chính xác kinh khủng xuống con tàu. Bản “hòa tấu” của các loại hỏa lực, tiếng động cơ gầm rú và những viên đạn súng máy nghe giống như ai đó cầm một chiếc búa khổng lồ đập vào boong tàu…

Chiến hạm Yamato chưa bao giờ rơi vào tình huống thập tử nhất sinh như lúc này…

Hồi chuông báo tử

Phía bên sườn trái của Yamato xuất hiện các máy bay phóng ngư lôi, với lớp sơn phủ màu xám như thể sắp mang đến điều gì đó chẳng lành cho chiến hạm khổng lồ này. Khi các máy bay TBM Avengers của Mỹ bay đến gần hơn, các loại súng nhỏ hơn trên chiến hạm Yamato bắt đầu nhả đạn. Một trong những máy bay phóng ngư lôi bị trúng đạn vào phần cánh, bốc cháy, rồi lao xuống biển. Những chiếc máy bay khác tiếp tục lao tới. Ngư lôi được phóng xuống từ dưới bụng máy bay, lao đi trong nước về phía tàu Yamato.

Chuẩn Đô đốc Deyo nhận được lệnh của cấp trên đưa toàn bộ lực lượng di chuyển về phía bắc. Dẫu không chiến đấu trực diện với Yamato, ông vẫn vớt vát được một chút danh tiếng trong lịch sử quân sự: Morton Deyo là tư lệnh hải quân cuối cùng trong Chiến tranh thế giới lần thứ II thiết lập một phòng tuyến đối phó với một hạm đội của phát xít Nhật.

Các khẩu pháo khổng lồ cỡ nòng 460 mm.

Ở một đội hình khác, Yorktown Herb Houck, lái chiếc máy bay chiến đấu F6F-5 Hellcat, chỉ huy phi đội máy bay trên tàu sân bay. Lúc đó là 1 giờ 14 phút chiều, đã hơn một tiếng trôi qua kể từ khi phi đội đầu tiên phát hiện thấy quân Nhật. Phi đội của Houck là phi đội thứ ba.

Theo kế hoạch của chiến dịch, các nhóm tác chiến thuộc Lực lượng tác chiến số 58 sẽ hỗ trợ lẫn nhau. Chiến thuật này đã được sử dụng và hoàn thiện kể từ những trận không chiến đầu tiên ở Nam Thái Bình Dương. Trong các đợt tấn công liên tục, các nhóm tác chiến từ mỗi tàu sân bay sẽ thay nhau tấn công quân Nhật. Các máy bay chiến đấu dự kiến sẽ xuất kích đầu tiên, oanh kích, phóng rốckét, sử dụng hỏa lực nhỏ, thu hút quân Nhật; trong khi các máy bay SB2C Helldivers sẽ ném những quả bom có khối lượng lớn gần như thẳng từ trên đầu xuống các tàu Nhật. Chúng sẽ được bám sát bởi các máy bay phóng ngư lôi TBM Avenger, loại máy bay cần phải đánh lạc được hướng của lực lượng phòng không Nhật Bản khi chúng bay ở ngay sát mũi tàu địch – vị trí rất nguy hiểm.

Trên thực tế, không có sự phối hợp nào trong việc không kích vào lực lượng của tàu Yamato. Mỗi nhóm tác chiến tự cho máy bay của mình xuất kích mà không phải chờ đến lượt. Chỉ huy của nhóm nào cũng cố gắng trở thành người đánh trúng mục tiêu.

Máy bay TBM Avengers của Mỹ tham gia trận đánh.

Lực lượng đầu tiên phát hiện ra nhóm tác chiến của tàu Yamato là các máy bay của Lực lượng tác chiến 58.1, xuất kích từ các tàu sân bay San Jacinto, Bennington, Hornet và Belleau Wood. Ngay phía sau họ là các đơn vị của Lực lượng tác chiến 58.3 và các tàu sân bay Essex, Bunker Hill, Bataan và Cabot. Đợt thứ ba diễn ra sau đó một tiếng là 106 máy bay của Lực lượng tác chiến 58.4 xuất kích từ các tàu sân bay Intrepid, Yorktown và Langley. Đơn vị duy nhất của Lực lượng tác chiến 58 không tham dự trận đánh ở đây là Lực lượng tác chiến 58.2, đơn vị mà Mitscher đã cử đi để hộ tống các tàu sân bay Franklin, Enterprise và Yorktown khi chúng quay trở về một cơ sở sửa chữa ở Ulithi.

Khi mỗi nhóm bay đến chỗ mục tiêu, các máy bay phải lựa vị trí trong dải hẹp giữa đại dương và tầng thấp nhất của các đám mây ở độ cao 457 mét. Nguy cơ dẫn đến va chạm giữa các máy bay với nhau cũng cao như nguy cơ bị trúng đạn của đối phương. Ở đây, quy tắc liên lạc không còn được giữ, tần số chiến thuật là một cảnh tượng hỗn loạn pha tạp giữa tiếng nói chuyện, tiếng các phi công réo gọi vị trí mục tiêu, gọi ném bom, báo cáo máy bay bị rơi.

Các tàu của phát xít Nhật di chuyển theo hình zigzag trên mặt nước trông giống như đàn chuột chạy trốn bầy chó săn. Các tàu khu trục, nhanh nhẹn hơn các tàu tuần dương hạng nhẹ Yahagi và tàu Yamato lớp dreadnough, là các mục tiêu khó bắn trúng nhất. Nhưng chúng đồng thời cũng là các tàu dễ bị loại khỏi vòng chiến đấu nhất, chìm nhanh chóng khi lĩnh trọn một quả bom hay một quả ngư lôi. Tàu khu trục Hamakaze chìm nghỉm sau vài phút diễn ra đợt không kích thứ nhất. Hai tàu khu trục khác đang bốc cháy, chỉ di chuyển bằng nửa vận tốc lúc bình thường. Chúng đang di chuyển ngược chiều kim đồng hồ xung quanh chiến hạm Yamato, cố tiếp ứng hỏa lực cho con tàu này.

Đối với hầu hết các phi công Mỹ, đây là lần đầu tiên họ chứng kiến các quả đạn pháo San Shiki của Nhật được bắn lên từ các khẩu pháo khổng lồ cỡ nòng 460 mm. Chúng là những con quái vật, mỗi quả có trọng lượng bằng một chiếc ô tô và được nhồi đầy thuốc nổ mà khi nổ sẽ tạo ra một hình nón chụp lấy các máy bay của đối phương đang lao đến. Sau đó, các phi công Mỹ còn phát hiện thêm được hiện tượng độc đáo: hỏa lực phòng không Nhật nổ ra có nhiều màu sắc. Đó là một chiến thuật của Nhật Bản mà họ đã nghe nói đến nhưng chưa bao giờ tận mắt chứng kiến – các khẩu pháo trên mỗi con tàu bắn một màu khác nhau để giúp người chỉ huy nhận biết được hỏa lực của họ.

Việc sử dụng San Shiki và hỏa lực có màu khác nhau là một tín hiệu tốt: điều đó nghĩa là các khẩu pháo của Nhật có lẽ không được chỉ huy bắn bằng rađa. Chúng đang được ngắm bắn bằng mắt thường và phương pháp này đang tỏ ra rất thiếu chính xác. Mặc dù những quả đạn pháo bắn ra tạo thành một lưới lửa phòng không dày đặc nhưng thực tế lại không trúng được mục tiêu.

Tin tức tốt lành nhất đối với các phi công Mỹ tham gia trận đánh này là không thấy máy bay Nhật tham chiến. Vì một lý do khó hiểu nào đó mà ở trận này, phát xít Nhật không bố trí sự yểm trợ của không quân; các phi công Mỹ có thể tập trung vào các mục tiêu mà không lo bị tấn công bởi các máy bay đối phương.

Chỉ huy phi đội, Houck, đã giao nhiệm vụ cho 12 máy bay phóng ngư lôi Avenger, dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Tom Stetson, kết liễu số phận tàu Yahagi. Trong khi đó, Stetson vẫn muốn để mắt đến chiến hạm Yamato. Anh gọi điện báo cho Houck rằng anh muốn chia đôi lực lượng và sử dụng 6 chiếc Avenger để bám theo con tàu chiến này.

Houck đồng ý, ra lệnh cho Stetson thay đổi độ sâu phóng ngư lôi từ hơn 30 cm xuống 60 cm. Độ sâu 30 cm chỉ giúp tiêu diệt mục tiêu là các tàu tuần dương. Độ sâu tăng thêm 30cm nữa sẽ giúp các ngư lôi chạm tới các mối nối bên dưới tấm vỏ thép dày của tàu Yamato.

Điều này cũng có nghĩa là hồi chuông báo tử dành cho chiến hạm khổng lồ Yamato bắt đầu được rung lên…

Nghĩa địa trên biển

Ở đội hình trên không, một trong các phi công, Thiếu úy John Carter đang bay ở tốp 2 máy bay cuối cùng. Anh quan sát 4 máy bay Avenger đầu tiên bay thấp và nhanh, phóng ngư lôi theo một vệt ngang mạn chiến hạm Yamato. Đúng lúc đó, con tàu khổng lồ đang quay đầu sang trái và hứng trọn những quả ngư lôi của Mỹ. Carter quan sát thấy ít nhất có ba trong số các quả ngư lôi phát nổ khi chúng lao vào thân tàu Yamato đoạn từ giữa con tàu đến phần mũi tàu. Có hai quả nổ sát nhau đến mức trông chúng giống như một vụ nổ lớn.

Máy bay Avenger phóng ngư lôi

Khi Carter bắt đầu tấn công từ phía đuôi tàu, anh có thể quan sát thấy những đường đạn tóe lửa bay theo hình vòng cung về phía chiếc Avenger của anh. Anh phóng quả ngư lôi vào lằn ngang của chiến hạm Yamato. Rời khỏi mục tiêu đó, anh cố gắng thu mình vào chiếc khung ghế lái bằng thép khi mà chùm mảnh đạn găm vào thân của chiếc Avenger. Nhưng quả ngư lôi của anh cũng đã kịp đánh trúng mục tiêu, làm nổ tung mạn trái của chiến hạm Yamato.

Quan sát thấy vị trí chỉ huy của mình đang bị nghiêng quá 20 độ, thuyền trưởng Ariga của tàu Yamato đã nghĩ đến một quyết định đau đớn. Con tàu bị nghiêng sang trái quá nhiều. Hệ thống máy bơm và các van tháo nước để giữ cân bằng cho tàu và điều chỉnh độ nghiêng theo như lúc đầu đã không còn hoạt động. Phòng điều khiển mực nước ở đuôi tàu đã hứng một quả ngư lôi và bị một quả bom làm nổ tung. Ông ta sẽ phải cho ngập khoang máy bên mạn phải. Việc làm ngập khoang này sẽ giúp điều chỉnh độ nghiêng, nhưng cũng làm giảm công suất hoạt động của chiến hạm Yamato. Nó đồng nghĩa với cái chết dành cho 300 thủy thủ đang làm việc trong các khoang động cơ bên mạn phải.

Chiến hạm Yamato phát nổ

Bằng một giọng tắc nghẹn, Ariga ban ra mệnh lệnh. Các van được mở tung. Vài giây sau, tiếng nước biển cuồn cuộn đổ vào, kết thúc số phận của 300 người lính có mặt trong các khoang động cơ. Chiến thuật này phát huy tác dụng nhưng cũng không giữ chiến hạm cân bằng được lâu. Lúc 2 giờ 10, Ariga nhận thấy một quả ngư lôi khác lao vào đuôi chiến hạm Yamato, làm tê liệt bánh lái chính của con tàu.

Hồi chuông báo tử dành cho chiến hạm Yamato đang vang lên. Con tàu không thể điều khiển được nữa, ngày một nghiêng mạnh hơn, lên đến 35 độ. Với việc lan can tàu ở bên mạn trái gần bị ngập, chiến hạm bị mắc kẹt theo chiều ngược chiều kim đồng hồ. Tháp chỉ huy cao sừng sững bị nghiêng đến mức mà các thủy thủ phải bám vào lan can cho khỏi bị rơi xuống biển. Một cách miễn cưỡng, Ariga ra lệnh: “Rời tàu!”.

Ở trên tầng thứ sáu của tháp chỉ huy, chỉ huy lực lượng tác chiến, Đô đốc Ito, cũng đã đưa ra quyết định tương tự. Ito gắng hết sức bám vào giá đỡ ống nhòm và đưa ra duy nhất một mệnh lệnh từ lúc trận đánh bắt đầu: “Dừng chiến dịch. Rút lui sau khi làm xong công tác cứu hộ”. Ngay từ đầu, Ito đã nghĩ đây là một sự hy sinh vô nghĩa. Giờ thì kết cục đúng như ông ta đã dự đoán. Viên Đô đốc bắt tay những sĩ quan tham mưu còn sống sót, sau đó bước xuống thang để xuống cabin dưới đó một tầng. Đó là khoảnh khắc cuối cùng trong cuộc đời của vị chỉ huy chiến dịch Seiichi Ito.

Ở đài chỉ huy của thuyền trưởng, một người lính liên lạc đang giúp Ariga tự trói ông ta vào hộp la bàn. Thuyền trưởng tàu Yamato dự định chìm cùng với con tàu và ông ta không muốn thi thể mình nổi lên mặt biển. Trong khi đó, viên sĩ quan có cấp hàm thấp nhất trên tháp chỉ huy, Thiếu uý Mitsuru Yoshida, đang luồn lách qua đài quan sát tiến về phía boong trên cùng. Vào thời điểm Mitsuru Yoshida đến nơi, thuyền trưởng tàu Yamato đã chìm dưới làn nước biển. Viên sĩ quan hoa tiêu và trợ lý của ông ta cũng tự trói vào vị trí của mình.

Nước biển đang dềnh lên. Khi nước tràn ngập con tàu, những thủy thủ Nhật bị cuốn vào vòng xoáy nước được tạo ra khi chiến hạm khổng lồ bị chìm. Yoshida khi đó may mắn vớ được một quả địa cầu và chính chiếc “phao” này đã giúp anh ta thoát chết.

Vào lúc 2 giờ 23 chiều, chiến hạm Yamato phát nổ. Vụ nổ trông giống như một vụ núi lửa phun trào. Khi quả cầu lửa tan hết, một đám khói đen có hình nấm xuất hiện, bốc lên bầu trời tạo thành một vệt dài gần hai km. Lực lượng cảnh giới bờ biển ở cách đó một trăm hải lý trên đảo Kyushu có thể quan sát được cột khói này.

Một giả thiết sau này lý giải rằng, việc con tàu Yamato bị nghiêng 90 độ đã khiến các quả đạn của khẩu pháo chính trượt vào ổ đạn, chạm vào kim hỏa và phát nổ. Vụ nổ sản sinh ra hàng nghìn mảnh đạn trong không khí và cơn mưa các mảnh đạn đó đã giết chết hầu hết những thủy thủ xấu số nào còn đang bơi trên mặt biển. Những thủy thủ khác thì bị hút vào miệng phễu xoáy nước khổng lồ khi con tàu chìm xuống dưới đáy đại dương.

Trong số 10 tàu chiến đi cùng, 6 tàu vẫn còn nổi trên mặt nước nhưng đã gần như tan nát. Các tàu khu trục Isokaze và Kasumi bị hư hỏng nặng và trôi dạt về hướng Đông Hải. Hơn 4.000 thủy thủ trên chiến hạm Yamato và lực lượng hộ tống bị tiêu diệt. Trong tổng số 3.000 thủy thủ trên tàu Yamato, chỉ có 269 người được cứu thoát. Một trong những người đó là Thiếu úy Yoshida.

Chiến công đánh chìm chiến hạm khổng lồ Yamato và 4 trong số các tàu hộ tống của nó không phải không để lại những tổn thất cho phía Mỹ. 10 máy bay chiến đấu – 4 máy bay Helldiver, 3 Avenger và 3 Hellcat đã bị rơi; 4 phi công và 8 phi hành đoàn hy sinh. Một số người bị rơi xuống biển khi mạo hiểm tiến hành công tác tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, những thiệt hại này là không đáng kể khi so sánh với thiệt hại của những trận đánh không hải lớn trước đây.

Ở Nhật Bản, tin tức về thảm họa Yamato không được tiết lộ cho công chúng. Bộ trưởng Hải quân Mitsumasa Yonai là người phải đứng ra báo cáo Nhật hoàng. Yonai cúi gằm mặt khi đứng trước Nhật hoàng Hirohito và thông báo rằng Chiến dịch Ten-Go đã thất bại.

Vị hoàng đế dường như không hiểu. Ông ta nhìn chằm chằm vào Yonai.

-Thế còn về hải quân? – ông ta hỏi.
– Tình hình hạm đội hiện nay như thế nào?

Vị bộ trưởng buộc phải nói ra sự thật.

– Không còn hạm đội nào hết – ông nói với Nhật hoàng.

Hải quân đế quốc Nhật Bản đã chấm dứt tồn tại kể từ khi chiến hạm Yamato bị đánh chìm giữa đại dương.

0