25/05/2018, 17:58

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lễ hội Đền Cờn

(ĐHVH HN ) - Đền Cờn nằm ở làng Phương Cần, xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu cách thành phố Vinh khoảng 75km về phía Bắc, cách Hà nội khoảng 220km về phía nam. Đền Cờn ở Nghệ An được mệnh danh là linh thiêng nhất trong bốn ngôi đền ở xứ Nghệ Tĩnh với câu nói lưu truyền trong dân gian ...



(ĐHVH HN ) - Đền Cờn nằm ở làng Phương Cần, xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu cách thành phố Vinh khoảng 75km về phía Bắc, cách Hà nội khoảng 220km về phía nam. Đền Cờn ở Nghệ An được mệnh danh là linh thiêng nhất trong bốn ngôi đền ở xứ Nghệ  Tĩnh với câu nói lưu truyền trong dân gian “nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”, và đã được công nhận là di tích lịch văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1993. Ngoài ngôi đền chính tọa lạc bên dòng Mai Giang thơ mộng (còn gọi là đền Cờn trong),thì còn một một đền phụ nằm trên bãi biển Quỳnh Phương (còn gọi là đền Cờn ngoài). Hai đền này chỉ cách nhau khoảng chừng 1km.
  1. Khái niệm và cách phân loại lễ hội
Vào những thời điểm nhất định trong một năm, ở các vùng khác nhau trên dải đất hình chữ S đều diễn ra các hoạt động lễ hội khác nhau. Tùy vào văn hóa, phong tục tập quán của những vùng văn hóa đó mà người dân địa phương sẽ có những hoạt động tổ chức lễ hội cho phù hợp. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa dân gian có mặt ở khắp các vùng miền. Nhiều lễ hội ra đời cách đây hàng nghìn năm nhưng vẫn duy trì cho đến tận ngày nay.
Khái niệm về lễ hội được nhiều nhà nghiên cứu đưa ra dựa trên quan điểm nhìn nhận của chính mỗi tác giả. Theo Wikipedia thì “Lễ hội Việt Nam là sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng. Lễ là hệ thống những hành vi, tác động nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện. Hội là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống” (1).
Theo tác giả Dương Văn Sáu trong cuốn giáo trình Lễ hội Việt Nam trong sự phát triển du lịch thì lễ hội được hiểu là “hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng diễn ra trên một địa bàn dân cư trong thời gian và không gian xác định; nhằm nhắc lại một sự kiện, nhân vật lịch sử hay huyền thoại; đồng thời là dịp để biểu hiện cách ứng xử văn hóa của con người với thiên nhiên-thần thánh và con người trong xã hội”.
Theo khái nệm trên thì có thể thấy nó đã phản ánh được đúng bản chất và những nội dung của lễ hội truyền thống Việt Nam. Lễ hội là một hoạt động mang tính cộng đồng, tính tập thể cao và được chính cộng đồng tổ chức và tham gia. Lễ hội thường xuyên diễn ra vào mùa xuân và mùa thu bởi đây là mùa bắt đầu của một năm, thời điểm đẹp nhất của một năm. Và đây cũng là thời gian nhàn rỗi của nhà nông. Cộng đồng dân cư địa phương tổ chức các lễ hội vào thời điểm này nhằm mang tính nghi lễ, nhắc lại sự kiện, nhân vật lịch sử để thể hiện lòng thành kính, biết ơn và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, tổ chức lễ hội còn nhằm mục đích thể hiện sự giao thoa giữa siêu và thực, giữa con người với con người trong những hoàn cảnh và hoạt động cụ thể, trong những không gian và thời gian xác định (2).

Các hình thức phân loại và các loại lễ hội ở Việt Nam

Theo thông tư số 04/2009/TT-BVHTTDL quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ:
  • Lễ hội dân gian là lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh người có công với nước, với cộng đồng; thờ cúng thần thánh, biểu tượng có tính truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng dân gian khác tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.
  • Lễ hội lịch sử, cách mạng là lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh những danh nhân, sự kiện lịch sử, cách mạng.
  • Lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch là lễ hội được tổ chức để quảng bá về văn hóa, thể thao, du lịch bao gồm các Festival, liên hoan văn hóa, thể thao, du lịch, tuần văn hóa, thể thao, du lịch, tuần văn hóa- du lịch, tháng văn hóa-du lịch, năm văn hóa-du lịch.
  • Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài tổ chức tại Việt Nam là lễ hội do tổ chức của Việt nam hoặc tổ chức nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam tổ chức nhằm giới thiệu giá trị văn hóa tốt đẹp của nước ngoài với công chúng Việt Nam (3).
Theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin số 39/2001/QĐ-BVHTT ngày 23/8/2001 về việc ban hành Quy chế tổ chức lễ hội thì Lễ hội ở Việt Nam bao gồm 4 loại như sau:
  • Lễ hội dân gian
  • Lễ hội lịch sử cách mạng
  • Lễ hôi tôn giáo
  • Lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam (4).
Trên thực tế, có nhiều tác giả nghiên cứu về lễ hội cũng đưa ra nhiều cách phân loại lễ hội khác nhau. Theo tác giả Dương Văn Sáu, lễ hội có thể được phân loại dựa vào các tiêu thức khác nhau như:
Phân loại lễ hội theo không gian lãnh thổ
Phân loại lễ hội theo thời gian,mùa vụ sản xuất
Phân loại lễ họi theo tôn giáo
Phân loại lễ hội theo các tín ngưỡng dân gian
Phân loại lễ hội theo loại hình thiết chế tôn giáo-tín ngưỡng
  1. Lịch sử và lễ hội đền Cờn - Nghệ An
Theo thần phả tại đền và một số tài liệu lịch sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại nam nhất thống chí  có ghi như sau: Vào năm thiệu bảo thứ nhất (1279), quân Tống thất bại trong trận chiến Tống – Nguyên, vua Tống Đế Bính cùng quan quân tự vẫn. Thái hậu Dương Nguyệt Quả, cùng hai công chúa là Triệu Nguyệt Khiêu, Triệu Nguyệt Hương và bà nhủ mẫu nhảy xuống biển tự vẫn. Thân xác sau đó trôi dạt vào cửa Tráp (cửa Càn). Dân làng Càn thấy thi thể những phụ nữ chết đuối nhưng mặt hoa da phấn, xiêm y quý tộc, đặc biệt tỏa ra mùi thơm như quế thì làm lạ, bèn chon cất và lập miếu thờ. Sau đó, mỗi lần ra khơi các ngư dân thường đến cầu khấn và thấy linh nghiệm.  Từ đó, dân làng đặt tên cho địa phương mình là Hương Cần, hay còn gọi là Phương Cần.
Năm Hưng Long thứ 19 (1311), vua Trần Anh Tông thân chinh đi đánh quân Chiêm Thành, khi đến cửa đền Cờn thì dừng lại nghỉ ngơi. Nửa đêm, nhà vua nằm mộng thấy nữ thần khóc và nói “Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, gặp song gió chết đuối trôi dạt đến nơi này. Thượng đế phong cho làm Thần Biển ở đây đã lâu, nay bệ hạ đem quân đi,thiếp xin giúp đỡ lập công”. Sáng sớm hôm sau, nhà Vua mời các bô lão trong vùng đến để hỏi sự tích về đền Cờn.  Sau khi biết chuyện, nhà vua liền vào cúng tế. Sau đó nhà vua dẫn quân đi trận và thắng lợi trở về. Vua làm lễ phong sắc “Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh Nương”, sau đó ban thưởng vàng bạc và cho người mở rộng Đền.
Năm Hồng Đức thứ 1 (1470), vua Lê Thánh Tông trên đường mang quân đánh dẹp phương Nam cũng dừng chân tại đây, vào đền làm lễ. Nhờ Tứ vị Thánh Nương hiển linh phù trợ, nhà vua đã đánh thắng giặc. Khi trở về, vua cho trùng tu Đền nhằm báo đáp các vị Thánh Nương đã giúp nước, giúp dân.
Sang đến thế kỷ 18, vua Quang Trung đã sắc phong cho Đền Cờn với mỹ tự “Hàm hoằng quảng đại”(nghĩa là công lao rộng khắp, to lớn) và “Hàm chương tiết liệt” (có nghĩa là nêu gương tiết liệt cho muôn đời). Từ khi lập Đền, ngư dân trong vùng mỗi lần giong thuyền ra khơi đều đến Đền cầu khấn sự bình an trở về.
Tháng 9 năm 1966, đền Cờn bị bom Mỹ đánh phá làm hư hỏng 3 cung thờ chính cùng nhiều đồ tế khí có giá trị.
Đền Cờn gắn liền với những câu chuyện huyền thoại linh thiêng lưu truyền trong nhân dân và lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa Việt nam (5).
Kiến trúc đền Cờn
Đền Cờn nằm cận biển, sát núi, trên gò Diệc, dưới bóng cây cổ thụ, mặt hướng ra dòng Mai Giang thơ mộng. Đền mẫu Cờn Nghệ An có phong thủy đẹp,  thế đứng giống đầu chim phượng hoàng với hai cánh là hai đồi cát giăng dài phía sau đền, hai mắt phượng là giếng Đò và giếng Đình nằm trên hai ngọn đồi.
Đền Cờn được xây dựng từ thời Trần, phát triển quy mô vào thời Lê và được trùng tu nhiều lần vào thời nhà Nguyễn. Do vậy, đền mang đậm phong cách kiến trúc cuối đời Lê và đầu thời Nguyễn. Trải qua thời gian và những biến cố thay đổi, ngôi Đền hiện chỉ còn tòa Nghi môn, Chính điện, Trung điện, Hạ điện và tòa Ca vũ.
Khi đi qua cổng đền vào sân, bước lên 10 bậc đá sẽ tới tòa nghi môn. Đây là tòa nhà hình chữ Công bề thế bao gồm 2 tầng, 8 mái. Tiếp giáp phía sau bao gồm Chính điện, Trung điện và Hạ điện. Tòa Ca vũ có 3 gian chính và 2 gian phụ gồm nhiều đề tài trang trí khác nhau.
Kiến trúc đền Cờn có nhiều nét đặc sắc, từ vật liệu xây dựng đến cách tạo hình. Điều này thể hiện rất rõ tay nghề điêu luyện của người xưa. Hiện nay, trong Đền còn lưu giữ 142 hiện vật quý giá gồm bằng sắc, câu đối, đồ tế khí, bia đá, chuông đồng (đúc năm Cảnh Hưng 1752) cùng nhiều pho tượng đá…


Lễ hội đền Cờn Nghệ An
Trước đây, lễ hội đền Cờn được nhân dân tổ chức hàng năm cầu mong an lành, hạnh phúc và là một hoạt động sinh hoạt văn hóa mang tính cổ truyền của các làng chài ven biển Quỳnh Lưu. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, lễ hội không còn được tổ chức,  nhưng từ năm 1999 đã được khôi phục lại như hiện tại. Với những giá trị to lớn của di tích đền Cờn, ngày 29 tháng 1 năm 1993, Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) ra quyết định số: 68/QĐ-BVHTT công nhận đền Cờn là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Cùng với đó là nhiều hạng mục của Đền được nâng cấp và khôi phục lại.
 Lễ hội đền Cờn là một trong những lễ hội truyền thống thuộc loại cổ xưa nhất ở xứ Nghệ. Lễ hội diễn ra từ ngày 19-21 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đây là dịp để người dân trong vùng và du khách thập phương đến với lệ hội đền Cờn, với mong ước một năm trời yên biển lặng, ngư dân ra khơi đánh bắt được thuận lợi.  Lễ hội đền Cờn bao gồm 2 phần chính.  Phần Lễ bao gồm lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ khai hội, lễ cầu ngư, lễ hợp tế, lễ yết vị, lễ đại tế và lễ tạ. Phần hội diễn ra với các hoạt động văn hóa truyền thống như các trò chơi giân dan: diễn trận thủy, đu tiên, đánh vật, đánh cờ người, đua thuyền rồng, hát tuồng, chèo, chầu văn…Không khí lễ hội sôi nổi mà linh thiêng này đã thu hút khá đông du khách trong nhiều năm qua. Họ đến để chiêm bái cầu an cho một năm an lành, hạnh phúc.
Trong phần hội, ngoài những trò chơi dân gian truyền thống thì hiện nay, tại lễ hội đền Cờn đã khôi phục lại tục rước voi, rước ngựa (tục này đã bị lãng quên khoảng 40-50 năm nay). Theo quan niệm dân gian thì voi, ngựa luôn đem lại may mắn, an lành. Các vị Thánh Mẫu ngày xưa thường ngự tượng, mã du xuân.
Điểm nhấn trong phần hội của đền Cờn là tục chạy Ói. Đây cũng có thể coi là nét độc đáo trong lễ hội đền Cờn. Tục chạy Ói, một lễ nghi tái hiện lại sự tích về Tứ Vị Thánh Nương được thờ ở đền Cờn và vị sư được thờ ở đền Quy Lĩnh ở xã Quỳnh Lương.
Trong các hoạt động lễ tế ở đền Cờn, lễ tế bánh dày là một tục lệ đã có trên 200 năm được duy trì và phát triển đến ngày nay.
Lễ tế bánh dày ở đền Cờn Nghệ An là sản phẩm văn hóa phi vật thể, độc đáo của địa phương, được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ tế nhằm cầu cho quốc thái dân an, ca ngợi sự linh thiêng của đền Cờn, cũng như vẻ đẹp phong cảnh  của người Phương Cần xưa và nay.
Hoạt động này nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích đền Mẫu Cờn Nghệ An nói chung  và lễ tế bánh dày nói riêng. Để có những vật phẩm là những chiếc bánh dày đẹp mắt dâng Thánh Mẫu trong ngày tế, những người phụ nữ khéo tay đảm đang của làng Phương Cần đã được chọn lựa để phục vụ cho việc nấu xôi. Còn những thanh niên trai tráng của làng sẽ đảm nhận việc giã xôi. Sau đó, qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ trong vùng, những chiếc bánh đẹp nhất đã được làm ra và được kính cẩn dâng lên bàn thờ Mẫu.



3.Giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc của lễ hội đền Cờn ở Nghệ An

Hàng năm, lượng khách về tham quan chiêm bái và tham gia lễ hội đền Cờn ở Hoàng Mai – Nghệ An  không ngừng tăng lên. Để những hoạt động lễ tại đền được diễn ra nghiêm túc, không gây ảnh hưởng đến sự linh thiêng của đền cần có những giải pháp cụ thể. Những giải pháp này không những bảo tồn được nét đẹp văn hóa vốn có của lễ hội đền Cờn mà còn phát huy được giá trị của nó với sự phát triển du lịch của địa phương.
Phát huy và nâng cao vai trò  lãnh đạo của chính quyền địa phương trong công tác tổ chức, hướng dẫn và điều hành các hoạt động tại lễ hội đền Cờn.  Cần xác định đây là một hoạt động lễ hội nghiêm túc, linh thiêng, có giá trị về mặt tâm linh đối với cư dân địa phương và khách du lịch. Vì vậy, cần xác định đúng vai trò chủ đạo trong công tác tham mưu của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích. Cần giải quyết những vấn đề phát sinh diễn ra trong lễ hội một cách nhanh nhất tránh xảy ra những vấn đề đáng tiếc ảnh hưởng đến giá trị tâm linh của lễ hội.
Để lễ hội diễn ra thành công, hạn chế những vi phạm của người tham gia lễ hội thì cần có sự phối hợp, tham gia của các cấp các ban ngành địa phương sở tại. Đặc biệt là chính quyền xã Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai và ban quản lý khu di tích đền Cờn.  Công tác thanh tra, kiểm tra phải tổ chức thường xuyên. Cần xử lý nghiêm minh những sai phạm tại lệ hội như biến tướng cờ bạc, lừa bịp du khách…

Tăng cường tuyên truyền nét đẹp văn hóa lễ hội đền Cờn cho du khách thập phương thông qua các trò chơi truyền thống như đánh cờ, đu tiên, đua thuyền rồng… Đặc biệt, cần khôi phục những trò chơi truyền thống đã bị mai mọt qua thời gian như tục chạy Ói, tục rước Voi, rước Ngựa để thu hút sự quan tâm của khách thập phương, đồng thời gìn giữ được nét đặc sắc, độc đáo vốn có của lễ hội đền Cờn xứ Nghệ nổi tiếng.

Tăng cường tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội  để nâng cao ý thức của người dân và du khách khi tham gia lễ hội trong việc bảo vệ và gìn giữ môi trường xanh sạch đẹp , bảo vệ di tích không bị phá hủy những nét cổ vốn có của nó. Thành lập các đội thanh niên tình nguyện để hướng dẫn, giúp đỡ du khách trong suốt những ngày diễn ra lễ hội.

Chính quyền xã Quỳnh Phương nên kết hợp với Sở Du lịch Nghệ An để thường xuyên tổ chức những hội thảo liên quan đến việc tu bổ, giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử của đền Cờn, nhằm thu thập những ý kiến của các nhà khoa học để tìm ra những giải pháp hữu hiệu trong việc khai thác và bảo tốn giá trị của nó trước những tác động tiêu cực hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Thanh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu con người - Học viện Chính trị Quốc gia HCM cho rằng: “tất cả các yếu tố vị trí địa lý, cảnh quan, sự kiện lịch sử, sự linh nghiệm thực tế, các giai thoại, truyền thuyết xung quanh “tứ vị thần linh” đã hội tụ ở đền Cờn, để Đền trải qua bao biến thiên của khoảng bảy thế kỷ, trở thành một công trình văn hóa lịch sử mang tầm vóc quốc gia. Vì vậy, cần phải phối hợp nguồn lực để giữ gìn, kế thừa, khai thác, phát huy và phát triển di sản văn hóa đền Cờn nhằm góp phần phát triển kinh tế du lịch Hoàng Mai trong thời kỳ mới” (6).
Việc duy trì, tổ chức tốt lễ hội đền Cờn không chỉ nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng du lịch của thị xã Hoàng Mai mà còn giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa, những nét đẹp của phong tục tập quán nơi đây. Tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp giao lưu hợp tác đầu tư, góp phần bảo tồn và phát huy  giá trị của các di sản.
--
Tài liệu tham khảo:
  1. https://vi.wikipedia.org
  2. Dương Văn Sáu,  Giáo trình Lễ hội Việt Nam trong sự phát triển du lịch, NXb Lao động, Hà nội, 2018, tr25, tr 82, tr85,tr87, tr98, tr109.
  3. Thông tư số:04/2009/TT-BVHTTDL Quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ.
  4. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin số 39/2001/QĐ-BVHTT ngày 23/8/2001 về việc ban hành Quy chế tổ chức Lễ hội.
  5. Báo Du lịch Nghệ An
  6. www.doisongphapluat.com
 
--
Tác giả: Phan Thị Bích Thảo (Giảng viên Khoa Văn hóa Du lịch)
 
0