25/05/2018, 17:58

Hồ Chí Minh, nhà văn hóa kiệt xuất

(ĐHVH HN) - Trong hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông thạo nhiều ngôn ngữ tiêu biểu cho nền văn minh của nhân loại, đã tiếp xúc với văn hóa nhiều nước, nhiều vùng trên thế giới, cả ở phương Đông và phương Tây. Có thể nói ít có vị lãnh tụ nào ...


 
 (ĐHVH HN) - Trong hành trình  tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông thạo nhiều ngôn ngữ tiêu biểu cho nền văn minh của nhân loại, đã tiếp xúc với văn hóa nhiều nước, nhiều vùng trên thế giới, cả ở phương Đông và phương Tây. Có thể nói ít có vị lãnh tụ nào lại am hiểu nhiều về văn hóa các dân tộc trên thế giới sâu sắc như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng điều kì lạ là tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã hòa quyện với cái gốc văn hóa truyền thống dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để tạo thành nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng  đồng thời cũng rất mới, rất hiện đại.
Nhân kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2018), chúng ta ôn lại tư tưởng của Người đã để lại cho dân tộc, cho thời đại. Đặc biệt là tư tưởng về Văn hóa.

1.  Sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa của nhân loại trong tư tưởng Hồ Chí Minh  

           Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, gần gũi với nhân dân  tại xứ Nghệ, một vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, mang đậm chất văn hoá truyền thống chung của dân tộc và những nét đặc trưng riêng của dải đất miền Trung. Chính mái ấm gia đình thanh cao và quê hương anh dũng ấy đã nuôi dưỡng trong tâm hồn Hồ Chí Minh lòng yêu thương con người, đức tính khiêm nhường, ôn hoà, trọng nghĩa, trọng tình, không ham phú quý, không màng danh lợi, ham học hỏi, ham hiểu biết… và đặc biệt là đạo đức “lấy mình làm gương”.
          Mảnh đất Kim Liên cũng đã thấm máu anh hùng của bao liệt sĩ chống Pháp như Vương Thúc Mậu, Nguyễn Sinh Quyến....cả chị và anh của Người cũng đều tham gia hoạt động yêu nước, chống Pháp, bị bắt giam và lưu đày hàng chục năm. Không phải ngẫu nhiên mà Nghệ Tĩnh có vinh dự sinh ra vị anh hùng giải phóng dân tộc, nhà tư tưởng, nhà văn hóa kiệt xuất của nước Việt Nam mới.
         Ngày5/ 6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng ra đi  tìm  đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Người đã có quyết định sáng tạo đầu tiên là không “Đông du” theo con đường và lời mời của Phan Bội Châu mà “Tây du” theo sự mách bảo của trí tuệ, một tư duy khoa học kết hợp với khát vọng, hoài bão giải phóng đồng bào. Người làm việc như một công nhân thực sự; viết đơn xin học Trường Thuộc địa với ý định đã có từ lúc trạc 13 tuổi là “muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”([1]). Ý định này bộc lộ một tầm nhìn xa trông rộng, sáng tạo và bản lĩnh của Người trong việc khám phá, khai thác văn hóa, văn minh nhân loại, khoa học công nghệ của thế giới tư bản, của những nước xâm lược dân tộc mình, để phục vụ cho nhân dân mình.
Trên hành trình tìm con đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã luôn tiếp thu, kế thừa kế thừa những giá trị tinh hoa của những nền văn hoá trên thế giới: sự tu dưỡng đạo đức cá nhân của Khổng giáo - tinh hoa văn hóa Trung Hoa; lòng nhân ái, vị tha của Phật giáo - tinh hoa văn hoá của Ấn Độ; lòng nhân từ và đức hy sinh… của Thiên Chúa giáo; tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của cách mạng tư sản Pháp… Tuy nhiên, nói đến văn hóa nhân loại có tầm cỡ vĩ đại nhất và ảnh hưởng lớn nhất đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh phải nói đến chủ nghĩa Mác-Lênin. Chính chủ nghĩa Mác-Lênin đã thức tỉnh và làm hoàn thiện chủ nghĩa yêu nước ở Hồ Chí Minh gắn với thời đại mới. Đối với Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác-Lênin cũng giống như chiếc cẩm nang thần kỳ, “là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”([2]). Tìm được con đường cứu nước đúng đắn, con đường cách mạng vô sản,  Người trở về nước vào ngày 28/1/ 1941 để lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm cách mạng giải phóng dân tộc, đúng như ước nguyện khi Người ra đi. Tại Cao Bằng, Người đã thành lập Mặt trận đoàn kết dân tộc, tổ chức lực lượng vũ trang, vận động nhân dân đấu tranh giành độc lập vào năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, giải phóng các tầng lớp nhân dân lao động khỏi ách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến trở thành người làm chủ nước nhà, từng bước đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, xóa bỏ tận gốc bóc lột, bất công. Đó không phải chỉ là một sự nghiệp chính trị phi thường mà còn là một sự nghiệp văn hoá cao cả.
Phấn đấu cho một xã hội mà ở đó dân tộc được độc lập, dân quyền được tự do, dân sinh được hạnh phúc là tiêu chí xem xét một cuộc cách mạng, cũng là sự nghiệp cả cuộc đời Hồ Chí Minh mong đạt tới. Người khẳng định ham muốn tột bậc của Người “là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”([3]). Hơn thế, còn là sự ước muốn cho mọi người cần lao trên trái đất, không phân biệt màu da, sắc tộc, được sống đời tự do.

2. Nhà văn hóa Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra  một nền văn hoá mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển văn hoá của thế giới.

Khi cả đất nước và dân tộc còn bị nô lệ thì văn hóa cũng cùng chung số phận nô lệ, tuyệt đại bộ phận nhân dân bị đày đọa trong vòng tăm tối, dốt nát. Vì vậy có những nhà yêu nước chủ trương trước hết phải khai dân trí, phải nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân sau đó mới tính đến chuyện giành độc lập tự do cho đất nước và dân tộc. Lãnh đạo nhân dân đi theo con đường cách mạng vô sản, Hồ Chí Minh đã vạch ra một đường lối mới: Phải tiến hành cách mạng chính trị trước mà cụ thể ở Việt Nam là tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc để giành chính quyền, để giải phóng chính trị, giải phóng xã hội, từ đó giải phóng văn hóa. Quan điểm của Người là văn hóa không thể tách rời với quốc gia dân tộc, văn hóa mang tâm hồn, diện mạo dân tộc. Người chỉ rõ những mục tiêu cơ bản mà cách mạng Việt Nam cần phải đạt được trong lĩnh vực văn hoá là: “Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hoá đế quốc. Đồng thời phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hoá tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hoá Việt Nam có tính dân tộc, khoa học và đại chúng”([4]). Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Bộ Thông tin tuyên truyền([5]), thành viên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Với quan điểm “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, Người chủ trương một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc sau ngày nước nhà giành được độc lập là phát triển văn hóa, xoá mù chữ, nâng cao dân trí, phát triển giáo dục. Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký 3 sắc lệnh quan trọng về giáo dục là sắc lệnh về việc thành lập Nha Bình dân học vụ, sắc lệnh quy định mọi làng phải có lớp học bình dân và sắc lệnh cưỡng bức học chữ quốc ngữ không mất tiền. Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ”... Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo”([6]), một phong trào diệt giặc dốt  đã dâng cao trong cả nước. Nhờ đó, chỉ một năm sau Cách mạng tháng Tám, đã có 2,5 triệu người dân biết đọc, biết viết. Công tác văn hoá, giáo dục, y tế cũng được chính quyền mới quan tâm đẩy mạnh. Ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 45 thành lập một ban Đại học Văn khoa tại Hà Nội nhằm đào tạo giáo viên văn học Việt Nam cho xứng đáng một nước độc lập và theo kịp các nước tiên tiến trên thế giới. Tính ưu việt của chế độ xã hội mới đã được khẳng định và phát huy.
Hướng con người tới tầm cao văn hóa của một đất nước độc lập và tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa, tháng 3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Đời sống mới với ba nội dung: xây dựng  đạo đức mới, xây dựng lối sống mới và xây dựng nếp sống mới. Với tinh thần và quyết tâm “mỗi người đều tốt, thì thành làng tốt, nước mạnh... mọi người đều cố gắng làm đúng đời sống mới, thì dân tộc nhất định sẽ phú cường”([7]), cuộc vận động đã trở thành một phong trào quần chúng sôi nổi, rộng khắp ngay cả khi kẻ thù có dã tâm cướp nước ta một lần nữa, toàn thể dân tộc phải bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài và gian khổ, cuộc sống thời chiến muôn vàn khó khăn thiếu thốn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, càng phải coi trọng truyền thống tốt đẹp của cha ông. Nhưng giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc, không có nghĩa là tự bó mình trong chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, thiển cận mà phải ra sức nghiên cứu học tập tinh hoa văn hoá của thế giới. Chính Người, với bản lĩnh của nhà văn hóa, nhà ngoại giao kiệt xuất, bằng sự nghiệp hoạt động cách mạng, hoạt động văn hóa của mình, đã là người Việt Nam đầu tiên bắc nhịp cầu hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với các dân tộc trên thế giới. Năm 1958, theo lời mời cuả Thủ tướng Ấn Độ,  Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Ấn Độ. Trong bữa tiệc do Thủ tướng Nêru chiêu đãi Bác có món thịt gà địa phương rất nổi tiếng. Phong tục của người Ấn Độ khi ăn cơm không dùng thìa, dĩa mà dùng 5 ngón tay để bốc thức ăn. Cả Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ cũng muốn dùng tay bốc thức ăn. Nhưng tại bữa tiệc quốc tế người ta phải dùng dao, thìa, dĩa cho lịch sự. Khi món thịt gà được đưa ra, các quan khách Ấn Độ có vẻ không quen dùng dao, dĩa. Bác rất tinh ý và nói với Thủ tướng Neru rằng: “Thịt gà phải ăn bằng tay thì mới ngon, chứ còn ăn bằng thìa dĩa thì khác nào nói chuyện với người yêu lại phải qua ông phiên dịch”. Nghe Bác Hồ nói vậy, cả bàn tiệc cười vang làm cho không khí bữa tiệc hôm đó rất vui vẻ và thân mật. (Câu chuyện thú vị này, tôi đã được nghe qua lời thuyết minh của cô thuyết minh viên tại Bảo tàng Mâhátma Gandi trong chuyến du học 3 tháng của tôi tại Ấn Độ).

3. Không những là nhà cách mạng mà còn là nhà văn hóa lớn, Hồ Chí Minh đã để lại một sự nghiệp văn hóa vô cùng trong sáng và đẹp đẽ.

Là chiến sĩ tiên phong của nền văn học - nghệ thuật, báo chí cách mạng, đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cho công bằng, tình thương và lẽ phải trên trái đất, sự đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa rất phong phú và đa dạng, thấm đượm trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tác giả của hơn 250 bài thơ, khoảng 2.000 bài báo, nhiều truyện ngắn, văn chính luận, tiểu phẩm văn học, nhưng Người khước từ mọi danh hiệu văn hóa - văn nghệ mà chỉ nhận là nhà cách mạng chuyên nghiệp. Bởi động lực làm cho ngòi bút của Người ngày càng sắc bén và linh hoạt chính là sự giác ngộ từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa quốc tế vô sản. Trên con đường vạn dặm tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc kéo dài 30 năm, ở một góc nhỏ của thủ đô Pari nước Pháp, Người đã học làm báo và dùng những bài báo bằng tiếng Pháp đầu tiên của mình để tố cáo tội ác của chế độ thực dân (Người cùng khổ). Chính việc làm báo và viết báo đã định hướng cho Người sự hiểu biết từng bước, dần dần sâu sắc hơn về quan điểm và lập trường chính trị.
Hồ Chí Minh đã là người sáng lập ra nhiều tờ báo cách mạng đầu tiên ở Việt Nam, là người đặt nền móng cho nền giáo dục văn học, thơ ca cách mạng của nước ta. Với đất nước, các tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật của Người đã trở thành di sản thiêng liêng, minh chứng cho cuộc đời hoạt động phong phú, sôi nổi cũng như tài năng của vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc. Với những thế hệ nhà báo, nhà văn Việt Nam, các tác phẩm của Người là một cẩm nang quý báu cho những ai muốn tìm hiểu về lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, về phong cách làm báo Hồ Chí Minh - giản dị và sâu sắc, chân thực và ngắn gọn, trong sáng và dễ hiểu mà hiệu quả sắc bén, phục vụ đắc lực cho nhu cầu của nhân dân, cho sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc. Những người làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật còn luôn nhớ tới sự quan tâm toàn diện, sát sao của Bác dành cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, nghệ thuật của dân tộc: Từ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ngành văn hoá trong sự nghiệp cách mạng đến nguồn gốc, đối tượng phục vụ, phạm vi phản ánh của văn hoá nghệ thuật; mối quan hệ giữa nghệ sĩ, tác phẩm và công chúng; sự thống nhất giữa nội dung và hình thức của tác phẩm; mối quan hệ giữa tính truyền thống và hiện đại, tính dân tộc và quốc tế, chính trị và văn học, tư tưởng và nghệ thuật; từ mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, phổ cập và nâng cao đến làm thế nào cho tác phẩm có tính hấp dẫn, có sức cuốn hút thông qua cách viết, cách thể hiện... ; nghĩa vụ và trách nhiệm của những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá văn nghệ…
 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu  tinh hoa văn hóa nhân loại một cách có chọn lọc rồi vận dụng tinh hoa đó một cách sát hợp vào những điều kiện cụ thể của đất nước, của dân tộc vì mục đích không chỉ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mình mà còn góp phần tích cực nhất vào sự nghiệp của các dân tộc khác trên thế giới. Nhờ cách tiếp thu sáng tạo những di sản này để mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc và loài người và với nhiều cống hiến khác trong giáo dục nghệ thuật, giao lưu quốc tế và giữ gìn bản sắc dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tổ chức UNESCO tôn vinh là một anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất của nhân loại./.
 
--
Tác giả: TS. Trần Thị Mai Thanh (Trường ĐHVH HN)
 
 
 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, t.1, tr.477
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.10, tr.128
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.161
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.173
[5] Tiền thân của Bộ Văn hoá - Thông tin và nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.37
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.99
0