23/05/2018, 15:04

Xác định vacxin phòng bệnh cho vật nuôi

Vacxin là một loại sinh vật phẩm dùng để gây miễn dịch chủ động phòng bệnh truyền nhiễm. Vai trò phòng bệnh của vacxin rất quan trọng, người ta dùng vacxin để khống chế và thanh toán dịch, làm tăng sức đề kháng, gây miễn dịch cho động vật khỏe có khả năng cảm thụ bệnh. Trong thú y hiện nay đang ...

Vacxin là một loại sinh vật phẩm dùng để gây miễn dịch chủ động phòng bệnh truyền nhiễm. Vai trò phòng bệnh của vacxin rất quan trọng, người ta dùng vacxin để khống chế và thanh toán dịch, làm tăng sức đề kháng, gây miễn dịch cho động vật khỏe có khả năng cảm thụ bệnh.

Trong thú y hiện nay đang sử dụng 4 loại vacxin chính đó là vacxin chết (vô hoạt), vacxin sống (nhược độc), vacxin hỗn hợp đa giá và giải độc tố.

– Vacxin chết (vô hoạt) là loại vacxin chứa kháng nguyên là vi khuẩn hoặc virus đã được giết chết bằng nhiệt độ hoặc các chất hóa học. Đây cũng là loại vacxin phổ biến nhất hiện nay đối với nghành thú y.Loại vacxin này thường phổ biến phòng các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn gây nên, ví dụ như vacxin Tụ trùng trâu, bò; vacxin lợn, vacxin gà; vacxin phó thương hàn lợn…

– Vacxin sống (nhược độc) là loại vacxin chứa kháng nguyên là vi khuẩn hoặc virus đã được giảm độc bằng cách tiêm truyền vi khuẩn, virus đó nhiều đời qua động vật ít cảm thụ. Loại vacxin này có ưu điểm là gây được miễn dịch bền vững và lâu dài hơn vacxin chết. Loại vacxin này thường phổ biến phòng các bệnh truyền nhiễm do vi rút gây nên, ví dụ như vacxin Dịch tả trâu,bò; vacxin dịch tả lợn, vacxin Newcastle…

– Vacxin hỗn hợp đa giá là loại vacxin chứa nhiều loại kháng nguyên khác nhau được hỗn hợp lại để phòng nhiều bệnh truyền nhiễm cùng một lúc. Loại vacxin này rất thuận lợi và kinh tế vì giảm được nhiều lần tiêm. Ví dụ như vacxin Tụ- Dấu.

– Giải độc tố: Trong thú y, vacxin giải độc tố uốn ván được sử dụng để gây miễn dịch cho đại gia súc đối với độc tố của vi khuẩn uốn ván để phòng vết thương, vết thiến bị nhiễm trùng.

Nguyên tắc bảo quản vacxin:

Vacxin có hai tiêu chuẩn là an toàn và hiệu lực

+ An toàn : Một vacxin lý tưởng là khi sử dụng sẽ không gây bệnh, không gây độc và không gây phản ứng. Sau khi sản xuất, vacxin phải được cơ quan kiểm định nhà nước kiểm tra chặt chẽ về các mặt vô khuẩn, thuần khiết và không độc.

+ Có hiệu lực: Vacxin có hiệu lực là vacxin gây được miễn dịch ở mức độ cao và tồn tại trong thời gian dài. Hiệu lực gây miễn dịch của vacxin trước hết được đánh giá trên động vật thí nghiệm.

* Bảo quản vacxin: giữ vacxin ở chỗ râm mát, khô ráo, tránh ánh sáng mặt trời (vacxin chết giữ ở nhiệt độ từ 15 độ C trở xuống, vacxin nhược độc giữ ở kho lạnh hay kho lạnh từ 0 – 4 độC. Trong khi chuyên chở vacxin chú ý chèn lót cẩn thận tránh làm nứt, tránh để nơi nóng.

Nguyên tắc sử dụng vacxin

Trước khi dùng vacxin phải kiểm tra kỹ đảm bảo các tiêu chuẩn sau mới được dùng:

– Thuốc đã qua kiểm định có số kiểm định ghi trên nhãn

– Chai thuốc phải có nhãn hiệu rõ ràng, ghi rõ cơ quan sản xuất, hạn dùng liều lượng và cách dùng. Không dùng thuốc quá hạn hoặc mất nhãn, nhãn mờ không đọc được.

– Thuốc không mốc, không có chất kết tủa như bông, không có mùi hôi, không đóng váng.

– Chai lọ đựng vacxin phải nguyên vẹn, không rạn nứt, không dùng chai đã mở sẵn hoặc tiêm không hết sau một ngày.

Phạm vi và tỷ lệ tiêm chủng:

Phạm vi tiêm chủng được qui định tùy tình hình dịch tễ của từng bệnh. Nó đương nhiên không giống nhau giữa các nước cả các khu vực trong một nước cũng có thể có sự khác nhau.Về tỉ lệ tiêm phải tiêm chủng đạt trên 80% đối tượng cảm nhiễm mới có khả năng ngăn ngừa dịch, nếu chỉ dưới 50% dịch vẫn có thể xảy ra.

Đối tượng tiêm chủng:

Đối tượng gia súc, gia cầm cần tiêm chủng một loại vacxin nào đó là tất cả những động vật ấy có nguy cơ nhiễm vi sinh vật gây bệnh chưa có miễn dịch. Nói chung không được tiêm chủng cho những gia súc có triệu chứng nhiễm bệnh như sốt, bỏ ăn. Vacxin nhược độc không tiêm cho gia súc chửa hoặc mới đẻ.

 Thời gian tiêm chủng:

Việc tiêm chủng được tiến hành thường xuyên gián đoạn tùy theo vào thời gian miễn dịch có hiệu lực bảo vệ của mỗi loại vacxin và các điều kiện cụ thể khác. Khi đã xác định qui luật xuất hiện dịch, cần tiêm chủng đón trước mùa dịch. Đối với vacxin phải tiêm nhiều mũi, trong một khoảng cách thích hợp giữa các mũi tiêm khoảng 1 tháng. Nếu khoảng cách này quá ngắn sẽ hạn chế phần đóng góp tạo miễn dịch của mũi tiêm sau.

Liều lượng và đường đưa vacxin vào cơ thể:

Liều lượng có hướng dẫn cụ thể, tùy thuộc từng loại vacxin.Trước khi dùng lắc kỹ cho cặn đáy tan đều đặc biệt với vacxin keo phèn và vacxin phủ tạng. Vacxin thường tiêm dưới da hoặc vào bắp thịt không tiêm vào đường máu. Ngoài ra, nhiều loại vacxin phòng bệnh đường tiêu hóa đã được sử dụng hay đang được nghiên cứu đưa vào cơ thể bằng cách cho uống.

Theo dõi gia súc sau khi tiêm vacxin:

Tất cả các loại vacxin đều có thể gây phản ứng ở một số gia súc. Sau khi tiêm xong phải được theo dõi trong vài ngày để phát hiện và điều trị kịp thời những con vật có phản ứng nặng. Vacxin tiêm vô trùng thường không có phản ứng, nhưng phản ứng nhẹ thường gặp sau khi tiêm là nơi tiêm có thể hơi sưng, con vật được tiêm có thể bị sốt nhẹ. Nêú có phản ứng nặng trong trường hợp tiêm vacxin chủng đậu, nhiệt thán như sốt cao, bỏ ăn thì điều trị bằng kháng sinh

Sau khi tiêm vacxin con vật có miễn dịch từ 10- 14 ngày ( trừ một số vacxin virut nhược độc có miễn dịch sớm hơn). Thời gian miễn dịch dài hay ngắn tùy vào loại vacxin, (thường thì vacxin chết thời gian miễn dịch 6 tháng, do vậy để phòng những bệnh có loại vacxin này cần tiến hành tiêm 2 lần/ năm; còn vacxin nhược độc thời gian miễn dịch 1 năm, do vậy để phòng những bệnh có loại vacxin này chỉ cần tiến hành tiêm 1 lần/ năm) và tình hình sức khỏe con vật, ở những con vật gầy yếu thời giai miễn dịch ngắn.

Trong 3 khâu của quá trình sinh dịch, tác động vacxin vào khâu thứ 3 ( động vật cảm thụ) là yếu tố quyết định làm dịch bệnh không thể phát sinh ra được. Cũng vi vậy mà từ khi vacxin ra đời, chúng ta đã ngăn chặn được một số bệnh truyền nhiễm lây lan cho người và gia súc. Đặc biệt trong chăn nuôi theo phương thức tập trung, công nghiệp như hiện nay thì vacxin càng có ý nghĩa về an toàn dịch bệnh, làm cho người chăn nuôi yên tâm phát triển kinh tế chăn nuôi, tăng thu nhập, để từng bước nâng cao đời sống.

0