18/06/2018, 16:29

Vị thế của vùng đất và con người Dương Lôi đối với sự ra đời của Nhà Lý

Khổng Đức Thiêm Làng Dương Lôi – tên nôm là Đình Sấm, một địa phương nổi tiếng trong lịch sử, đã từng được ngợi ca: “Quyến tư Đình Sấm danh hương Chân thị Đông Ngàn thắng địa” Dương Lôi xưa là một xã nằm trong tổng Phù Lưu huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn ...

dinh-sam_jpg

Khổng Đức Thiêm

 

Làng Dương Lôi – tên nôm là Đình Sấm, một địa phương nổi tiếng trong lịch sử, đã từng được ngợi ca:

“Quyến tư Đình Sấm danh hương

Chân thị Đông Ngàn thắng địa”

Dương Lôi xưa là một xã nằm trong tổng Phù Lưu huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn trấn Kinh Bắc. Nếu ngược trở lại thời Bắc thuộc, Dương Lôi thuộc hương Diên Uẩn huyện Long Biên quận Giao Chỉ. Sau Diên Uẩn đổi thành Cổ Pháp và còn có các tên gọi Dịch Bảng, Đình Bảng. Chúng tôi cho rằng tên gọi Đình Sấm ra đời trong thời kỳ xẩy ra sự kiện Bài thơ cây gạo cùng nhiều sấm ngữ khác chuẩn bị dư luận về huyệt đế vương, khí vương giả để Lý Công Uẩn lên ngôi. Tên gọi Đình Sấm vừa chỉ ra cái gốc mà nó tách ra hoặc ghi nhận nó vốn là một phần của làng Đình Bảng.

Tính theo đơn vị giáp – một hình thức tập họp cư dân theo địa vực hoặc xóm ngõ, phải đảm nhận việc phù sinh tống tử, quản lý nhân đinh, công điền công thổ, thu thuế, phu đài tạp dịch và binh dịch, thì Dương Lôi chia ra làm 8 giáp: Đông Thượng, Tây Thượng, Đông Nhất, Tây Nhất, Đông Trung, Tây Trung, Đông Hạ, Tây Hạ. Có lẽ việc chia làng ra thành 8 giáp có liên quan tới việc thờ 8 vị vua nhà Lý:

  1. Giáp Đông Thượng thờ Lý Thái Tổ
  2. Giáp Tây Nhất thờ Lý Thái Tông
  3. Giáp Tây Thượng thừ Lý Anh Tông
  4. Giáp Đông Nhất thờ Lý Thánh Tông
  5. Giáp Đông Trung thờ Lý Nhân Tông
  6. Giáp Đông Hạ thờ Lý Thần Tông
  7. Giáp Tây Hạ thờ Lý Huệ Tông

Diên Uẩn hồi thế kỷ 7 – 8 là một đại hương có quy mô lớn hơn 160 hộ, tương đương hoặc lớn hơn tổng Phù Lưu sau này. Đây cũng là nơi đạo Phật được truyền vào khá sớm. Theo THIỀN UYỂN TẬP ANH, liên tiếp trong mấy trăm năm từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 11 nơi đây đã sản sinh nhiều thiền sư, cao tăng nổi tiếng của đất nước. Đó là:

Thiền sư ĐỊNH KHÔNG (730 – 808): Trụ trì ở chùa Thiên Chúng hương Dịch Bảng phủ Thiên Đức. Sách THIỀN UYỂN TẬP ANH cho biết: “Thiền sư là người hương Cổ Pháp, họ Nguyễn thuộc dòng vọng tộc. Ông là người am hiểu sâu sắc vận số thế cuộc, khi xảy ra việc gì người trong hương thường suy tôn, phục tùng, ai nấy đều tôn gọi ông là Trưởng lão. Khi nhiều tuổi nhân đi dự hội ở chùa Long Tuyền, nghe thiền sư Nam Dương giảng kinh, ông lĩnh ngộ tôn chỉ, từ đấy quy tâm theo đạo Thích”.

Năm ông 56 tuổi, tức năm 785, vẫn theo THIỀN UYỂN TẬP ANH, “Khoảng niên hiệu Đường Trinh Nguyên (785 – 805) sư dựng chùa Quỳnh Lâm ở bản hương. Khi xây chùa, thợ làm móng đào được một bình hương và mười chiếc khánh đồng. Sư sai người ra sông rửa sạch, một chiếc rơi xuống sông trôi liệng mãi đến khi chạm đất mới nằm im. Sư giải rằng – Thập khẩu là chữ Cổ, Thủy khứ (xuống sông) là chữ Pháp, còn Thổ (đất) là chỉ vào hương ta! Nhân đó đổi tên hương là Cổ Pháp (trước tên là hương Diên Uẩn)”.

Như vậy tên Cổ Pháp ra đời cách ngày nay đã trên 1200 năm. Các bài tụng và bài thơ của ông cũng chứng tỏ điều này.

Khi bàn đến Thiền sư Định Không, chúng tôi tán đồng với ý kiến của giáo sư Trần Quốc Vượng trình bày trong Hội thảo Khoa học về VƯƠNG TRIỀU LÝ VÀ NỀN VĂN MINH ĐẠI VIỆT lần thứ nhất tổ chức tại Bắc Giang mùa hè năm 1985 rằng: Do vị trí thế và tiêu điểm mà vùng đất Cổ Pháp (trong đó có Dương Lôi) dưới thời Bắc thuộc ít chịu sự đánh phá chà xát, xáo động và di động dân cư như vùng Cổ Loa nhưng vẫn có điều kiện luôn luôn mới về dân cư và ứng xử văn hóa. Nơi đây có khoảng cách vừa đủ để không bao giờ chịu số phận của vùng quê quá hẻo lánh xa xôi. Hơn thế nữa nó chưa bao giờ là một trung tâm Phật giáo lớn kiểu Pháp Vân (Luy Lâu), Kiến Sơ (Phù Đổng), Khai Quốc (Đại La) nhưng mật độ chùa tháp vẫn đủ dầy đặc, to lớn, lại ở quãng cách vừa phải để sản sinh ra các cao tăng như Định Không, La Quý An, Thông Thiện, Thiền Ông – có vai trò lớn trong việc hướng dẫn tâm linh, sinh hoạt đạo đức và chăm lo đến nhiều nhu cầu thực tế của dân chúng. Bằng chính pháp (Phật giáo) và bàng pháp (sấm vĩ, phong thủy) các cao tăng đã làm cho cư dân ở đây tin rằng địa phương có huyệt đế vương, khí vương giả.

Những nhận định trên hoàn toàn đúng nếu điều ghi chép dưới đây trong THIỀN UYỂN TẬP ANH là chính xác:

“Trước khi qui tịch, sư nói với đệ tử Thông Thiên:

Ta muốn mở mang hương ấp, nhưng sợ ngày sau gặp nạn, tất có dị nhân đến phá hoại mạch đất của hương ta. Sau khi ta qua qua đời, ngươi khéo giữ đạo pháp của ta để sau gặp người họ Đinh thì truyền lại. Thế là ý nguyện của ta được toại thành”.

  1. Trưởng lão Đinh La Quí An, cũng theo THIỀN UYỂN TẬP ANH thì: “Chân nhân họ Đinh, từ nhỏ đã nhiều năm đi khắp nơi tham thiền học đạo nhưng pháp duyên chưa gặp nên sắp thoái chi. Sau nghe một lời thuyết phép của thiền sư Thông Thiện ở chùa Thiện Chúng mà mở tâm lĩnh ngộ. Từ đó sư thờ Thông Thiện làm thày. Trước khi viên lịch, Thông Thiện bảo sư: – Trước đây thày ta là Định Không dặn ta giữ gìn đạo pháp của thày, khi gặp người họ Đinh thì truyền lại. Ngươi hãy nhận lấy sự ủy thác ấy. Nay đã đến lúc ta phải đi rồi! Sư đắc pháp, bèn đi diễu hóa các nơi, chọn đất dựng chùa. Những lời sư nói ra đều phần nhiều hợp với lời sấm ngữ. Sư từng đúc tượng ở chùa, dặn đệ tử: – Gặp minh chúa đào lên, gặp hôn quân thì cất dấu! Trước khi tịch, sư gọi đệ tử là Thiền Ông đến bảo rằng: – Trước đây Cao Biền đắp thành ở sông Tô Lịch, biết đất Cổ Pháp ta có khí tượng vương giả bèn đào sông Điềm Giang, đầm Phù Chẩn để cắt yểm long mạch, tất cả mười chín nơi. Ta đã khuyên Khúc Lãm đắp lại như cũ. Ta lại trồng một cây gạo ở chùa Minh Châu để trên chỗ bị cắt long mạch, đời sau tất có bậc đế vương xuất hiện để vun trồng chính pháp dùng pháp thuật mà yểm tàng, không để cho người ngoài biết”.

 Như vậy, ngay từ rất sớm, cách ngày nay gần 1100 năm – trước 38 năm ngày Lý Công Uẩn ra đời, đất Dương Lôi đã được chọn làm nơi kẻ thù trấn yểm và cũng được chọn làm nơi ra đời bài thơ Cây gạo. Chùa Minh Châu – sau đổi là chùa Gia Châu – nay vẫn còn di tích ở đất làng Dương Lôi.

Cũng theo THIỀN UYỂN TẬP ANH:

Lại nói năm Bính Thân, niên hiệu Thành Thái thứ 3 (936) thời thuộc Đường, khi trồng cây gạo, sư có đọc bài kệ như sau:

                     Đại sơn long đầu khởi

                     Cù vĩ ẩn Chu Minh

                     Thập bát tử định thành

                     Miên thụ hiện long hình

                     Thổ kê thử nguyệt nội

                     Định kiến nhật xuất thanh

                     (Đại sơn đầu rồng ngước

                     Đuôi dài náu Chu Minh

                     Họ Lý sẽ dấy nghiệp

                     Gốc gạo hiện long hình

                     Thỏ gà trong tháng chuột

                     Ắt thấy mặt trời lên.)

  1. Đạo giả THIỀN ÔNG (902 – 979) “Thiền sư họ Lã, người hương Cổ Pháp, thuở nhỏ theo nho học, sau xuất gia hầu Đinh trưởng lão (La Quý An) rồi đắc pháp” (THIỀN UYỂN TẬP ANH). Ông là người theo di huấn của La Quý An gìn giữ cây gạo ở Dương Lôi để trấn yểm dị nhân.
  2. Thiền sư VẠN HÀNH (? – 1018) “Thiền sư họ Nguyễn, người hương Cổ Pháp, gia đình đã mấy đời thờ Phật. Thuở nhỏ thông minh khác thường, học thông ba giáo, đọc kỹ trăm nhà nhưng coi khinh công danh phú quý. Năm 21 tuổi xuất gia cùng Đinh Huệ theo học đạo với Thiền Ông đạo giả ở chùa Lục Tổ. Những khi công việc rỗi rãi, sư chăm chỉ học hỏi không biết mệt. Sau khi Thiền Ông tịch diệt, sư bèn chuyên tâm tụ tập kinh Tổng trì tam ma địa lấy đó làm sự nghiệp. Bấy giờ sư nói ra điều gì thiên hạ đều coi là sấm ngữ (THIỀN UYỂN TẬP ANH).

Như vậy là, bước vào thế kỷ X, Dương Lôi và Đình Bảng trở thành một trung tâm nhen nhóm đức tín vào sức sống mãnh liệt của dân tộc để chuẩn bị cho công cuộc phục hưng, khôi phục lại nền độc lập cho tổ quốc. Nhiều cao tăng và thiền sư đã đến đây để truyền bá tư tưởng phục quốc núp dưới bóng dáng của phương thuật (xem xét địa thế long mạch để xây chùa tháp, đặt mộ phần) và đã dạt được hiệu quả trên bình diện kỹ thuật và tâm lý thông qua tín ngưỡng. Ngọn lửa yêu nước và niềm tin về tương lai tự chủ của quốc gia cứ bừng cháy dần dần.

Khi đạo Phật được truyền bá vào Việt Nam thì Kinh Bắc trở thành một trung tâm Phật giáo của cả nước. Phật giáo và hệ thống chùa chiền khi đó không chỉ là tôn giáo và trung tâm tôn giáo mà còn là văn hóa và trung tâm văn hóa. Các trường lớp chưa có, nhà chùa trở thành nơi dạy chữ. Sư tăng là lớp trí thức đầu tiên có vai trò hướng dẫn tâm linh, sinh hoạt tâm linh, sinh hoạt đạo đức của dân chúng và chăm lo đến nhu cầu của dân chúng. Các thế hệ từ Đinh Không, Thông Thiện, Đinh La Quý An đến Thiền Ông, Nguyễn Vạn Hạnh… đều là những người có học, gần gụi quần chúng mà không thuộc giai tầng thống trị và theo đuôi chính quyền đô hộ. Họ đã xây dựng Minh Châu, Lục Tổ, Cổ Pháp thành trung tâm rèn rũa ý chí độc lập quốc gia vào cuối thời Bắc thuộc. Đạo Phật ở đây đã kết hợp với sấm vĩ, phong thủy để xây dựng ý thức cho dân chúng về một vùng tự trị do họ Lý cầm đầu.

Lý Công Uẩn là người con của dòng họ đó với một khiếu thông minh bẩm sinh đã nhập thân văn hóa ở một vùng kinh tế xã hội như thế. Đúng như trong luận văn Đôi lời góp bàn về nhà Lý và văn minh Đại Việt của Giáo sư Trần Quốc Vượng đã viết là Lý Công Uẩn là con, con đẻ, con nuôi, con tinh thần của những vị cao tăng như thế. Ông là người con ưu tú của trung tâm kinh tế văn hóa Dương Lôi – Đình Bảng và ông cùng vương triều Lý làm sáng danh hơn nữa vùng kinh tế – văn hóa này ở những thế kỷ tiếp theo.

Có một điều cần phải lý giải và hiệu đính lại về quê hương Lý Công Uẩn. Tất cả sử sách từ xưa đến nay đều ghi ông quê ở Đình Bảng, không có bố, làm con nuôi của thiền sư Lý Khánh Văn. Đây là một sự nhầm lẫn có cơ sở. Tuy nhiên khi đã nói ông không có bố thì không thể gắn cho ông quê hương ở làng Đình Bảng cụ thể được. Trong khi đó ông có mẹ mà mẹ lại quê ở Dương Lôi.

Điều này có hai cách hiểu: hoặc là Đình Bảng là địa danh bao trùm cho cả một vùng rộng lớn như chúng tôi đã lý giải ở trên, trong đó Dương Lôi (Đình Sấm) là một thành tố; hoặc là, chúng ta trả lại ông cho quê mẹ ở Dương Lôi.

Ở đây chúng tôi nghiêng về thuyết thứ nhất. Hơn thế nữa, trong THIỀN UYỂN TẬP ANH, phần nói về Thiền sư Vạn Hạnh cho biết Lý Công Uẩn có cha, có tước hiệu là Hiển Khánh Đại Vương và chú có tước hiệu là Vũ Đạo Vương. Vậy Lý Công Uẩn có gia đình hẳn hoi chứ không thể là một người chỉ có mẹ với bao sự chuân chuyên khổ sở như truyền thuyết đã phản ảnh. Vậy thì vai trò của Dương Lôi và mẫu thân Phạm Thị Ngà – có phải là hậu cứ để Lý Công Uẩn mai danh ẩn tích chăng?

Chúng ta hãy cùng đọc một đoạn nữa được ghi trong THIỀN UYỂN TẬP ANH:

“Đến khi Lê Ngọa Triều lên ngôi, tàn ngược độc ác, trời người đều oán giận. Lý Công Uẩn khi ấy còn giữ chức Thân vệ chưa được nhường ngôi Hoàng đế. Bấy giờ điềm lạ xuất hiện nhiều nơi, như xoáy lòng trên lưng con chó trắng ở Viện Hàm Toại chùa Ứng Thiên Tâm, châu Cổ Pháp có hàng chữ Thiên tử, cây gạo bị sét đánh để lại vết tích chữ viết, xung quanh một Hiển Khánh Đại Vương ban đêm nghe tiếng tụng kinh râm ran, cây đa ở chùa Song Lâm có vết sâu ăn hình chữ Quốc sư đều biện giải được, tất cả đều hợp với điềm Lê suy Lý dấy”.

Nhân đây ta có thể khẳng định được rằng dù Lý Công Uẩn không phải là con đẻ thì cũng là đứa con tinh thần của Nguyễn Vạn Hạnh – người chỉ đạo đời sống tâm linh và hành động của ông:

“Nhìn cuộc thịnh suy đừng sợ hãi

Thịnh suy ngọn cỏ giọt sương đông”.

Vì vậy Đình Bảng là quê gốc của Vạn Hạnh thì chí ít cũng là quê thứ hai, quê tinh thần của Lý Công Uẩn. Nhà chùa và giới Phật giáo Dương Lôi – Đình Bảng đã lọc chọn Lý Công Uẩn làm những việc lớn sau này. Vạn Hạnh đã từng khuyên Lý Công Uẩn: “Mới rồi tôi thấy lời phù sấm kỳ dị, biết rằng họ Lý cường thịnh tất dấy nên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều nhưng xem ra không ai bằng vì ông là người khoan từ nhân ái, được lòng dân chúng mà binh quyền nắm trong tay. Người đứng đầu muôn dân chẳng phải ông còn ai đương nổi nữa. Tôi đã hơn 70 tuổi rồi mong được thư thả hãy chết để xem đức hóa của ông thế nào thật là sự may mắn muôn năm mới gặp một lần”.

Sự kết hợp hòa đồng Dương Lôi – Đình Bảng đã tạo nên sức mạnh nhân đôi. Trí ruệ và chỗ dựa tinh thần thì Đình Bảng đã có sẵn những con người có đủ tài đức và uy tín để thực thi phải được sinh sản ở Dương Lôi. Điều này là phù hợp với tình thế đất nước khi ấy, như Giáo sư Trần Quốc Vượng đã viết trong Luận văn THẾ KỶ X. VIỆT NAM VĂN HÓA, “chưa có một giai cấp xã hội lớn cung cấp lối sống, lối ứng xử đế vương mà chỉ có cái biển tiểu nông và một nền văn hóa xóm làng làm bệ đỡ cho nhân cách. Lấy cái thô phác, cái khôn ngoan của tiểu nông Việt Nam với ít nghi lễ phong kiến kiểu Trung Hoa. Cố vấn, tay chân là võ biền giầu lòng yêu nước thương dân nhưng ít học, ít chữ nghĩa hay hoàn toàn mù chữ, một vài kẻ sĩ Trung Hoa lưu vong và một số thiền sư kiêm pháp sư giỏi cả phật lẫn nho và lão”. Đó là “định hướng của một đường lối hòa mục xã hội, hòa hợp vua dân, làng nước với 4 chữ khoan, giải, an, lạc, mở đầu một xu hướng giải Trung hóa nền văn hóa Việt Nam hay chí ít là một sự mềm dẻo, một sự dân tộc hóa định chế xã hội, chính trị kiểu Trung Hoa ở một xứ sở nhỏ bé của cư dân nông nghiệp”.

Dương Lôi – do vậy là mảnh đất đã được tham dự trước hàng thế kỷ và kéo dài hàng thế kỷ cho sự sản sinh ra vị vua sáng nghiệp vương triều Lý cũng như Đình Bảng kiêu hãnh vì đã nuôi dưỡng vị anh quân này.

Tất cả những lý giải dài dòng trên chúng tôi chỉ muốn làm rõ thêm khái niệm Đình Bảng và rừng Báng cần mở rộng đúng theo đơn vị hành chính cấp hương thời Bắc thuộc, kể cả thời Lý, Trần – nó rộng tới vài mươi dặm. Có như vậy ta mới lý giải được những truyền thuyết xung quanh bà Phạm Thị Ngà – mẫu hậu của Lý Công Uẩn cùng sự kiện bài thơ cây gạo ở chùa Minh Châu bên Dương Lôi, kể cả ngôi chùa Cổ Pháp – vốn nằm ở Đại Đình cũng bị xử lý như vậy trong các cổ thư.

Chúng ta cũng nhớ rằng, Đại Nam nhất thống chí đã ghi: “Lăng Lý Bát Đế ở xã Đình Bảng huyện Đông Ngàn, khu đất rộng chừng trăm mẫu, cổ thụ um tùm, là cấm địa và thang mộc ấp của nhà Lý”. Chính Vạn Hạnh cũng chỉ rõ Đình Bảng rộng lớn tới mức chính nam Phù Ninh hộ trạch thần, chính bắc Phù Cầm dương bạch hổ. Thời Trần, vùng sơn lăng cấm địa vẫn còn rộng lớn để đủ sức cung cấp hàng vạn cây gỗ ô mễ (gỗ mun) dùng vào công việc ngăn sông để đối phó với giặc Minh. Mãi đến cuối thế kỷ XIX nó mới bị khai phá, chỉ còn lại ít cây cối quanh miếu thờ bà Phạm Thị Ngà và 18 mẫu thượng đẳng điền thuộc Dương Lôi.

Vai trò của Dương Lôi đối với Lý Công Uẩn còn để lại khá nhiều trong những tập tục còn lại ở địa phương. Trước hết phải kể đến tục kết chạ – đi nước nghĩa giữa Dương Lôi và Hồi Quan. Truyền thuyết kể lại nhờ công cưu mang của hai vợ chồng lão nông ở Hồi Quan mà Lý Công Uẩn thoát được sự truy đuổi của Lê Hoàn. Từ đấy Dương Lôi và Hồi Quan đi lại kết chạ với nhau. Hàng năm cứ đến ngày 26 tháng 6 âm lịch, lý phó trưởng ở Dương Lôi phải về Hồi Quan ăn giỗ bố nuôi của Công Uẩn.

Hội lễ ở Dương Lôi mang đậm nét hơn cả. Hội làng được mở cửa từ 10 tháng 2 âm lịch. Năm nào phong đăng hòa cốc thì hội kéo dài hết ngày 15 tháng 2. Bình thường thì hết ngày 12 tháng 2.

Ngày 10 tháng 2 bắt đầu cuộc rước từ đền ra đình. Dẫn đầu là hai lá cờ hàng báo và cờ lệnh. Tiếp đó là các đồ hộ quốc như dùi đồng, phủ việt (5 chiếc) rồi 5 lá cờ ngũ hành, 4 cờ tứ linh. Đi sau là 4 người khiêng long đình, 2 bên có 2 người che tán, 2 người che tàn cùng 10 người rước cờ trung hạn, lại đến 4 người khiêng hương án trên để bình hương và 4 người cầm tàn, quạt che 2 bên. Sau cùng là các cụ và cai đám của 8 giáp trong làng.

Trang phục trong ngày hội có nhiều nét đặc sắc. Người cầm dùi đồng phủ việt đóng khố bao, quàng khăn vắt, đội mũ võ, chân đi giầy võ. Khố và khăn bằng nhiễu. Cán dùi đồng, phủ việt được đặt ở cái đót (làm bằng gỗ to bằng khuôn oản, sơn đỏ). Người cầm cờ ngũ hành và tứ linh đều mặc áo dài, đi hình ảnh, đầu đội mũ võ. Cai đám và các cụ già của các giáp đi trong đám rước đầu đội mũ văn, mặc áo thụng, đi hia.

Năm nào làng làm hội to thì rước 8 ngai, 8 kiệu. Mỗi ngai, mỗi kiệu cũng có 8 người.

Mở đầu đám rước là vai trò của người đánh trống. Trước khi khai trống bước lên 3, lùi xuống 2 rồi múa quay tơ, tráng siêu, tuốt gươm. Khi múa quay tơ thì tay phải cầm ngang dùi, tráng siêu và tuốt gươm thì cầm mút dùi trống. Trống bao giờ cũng ở bên trái đám rước. Đối với trống trung, trống trận và chiêng, trước khi đánh cũng có động tác múa quay tơ, xong đánh 3 tiếng trống hoặc chiêng. Đánh chiêng phải quay về phía tay phải.

Các ngày 11, 12 tháng 2 có thi đấu vật, đánh cờ, chọi gà. Dương Lôi ngày xưa nổi tiếng là một lò vật sản sinh nhiều đô vật giỏi. Buổi tối có hát chèo và hát nhà tơ.

Hàng ngàn năm đã qua đi nhưng dấu tích về những công trạng đối với Vương triều Lý của một vùng quê như Dương Lôi vẫn còn được lưu giữ, đúng như điều đã được cụ Nguyễn Phát Hoành khẳng định trong đôi câu đối ở tam quan cạnh đình làng:

“Lý gia cơ thủy thành thiên, địa chí đại công, mộ hiển liệt thừa quan bát diệp

Tự tích Chiêm triều Man cống, đồng tâm bát giáp, xuân phong hòa khi thái bình thiên”.       

 

K.Đ.T

 

  

 

 

0