18/06/2018, 16:29

Tìm chốn neo đậu cho nhiều ức thuyết vô định xoay quanh cuộc đời Đề Thám

Khổng Đức Thiêm 1 . Đại tá Galliéni – người sau này trở thành Thống chế và anh hùng của nước Pháp, một trong nhiều sĩ quan cao cấp của đội quân viễn chinh có mặt ở Yên Thế thừa nhận rằng, ngay từ những ngày chinh phục đầu tiên vào tháng 12-1885, Đại tá Dugènne và binh lính của ông ta ...

9_zing_1

Khổng Đức Thiêm

1 . Đại tá Galliéni – người sau này trở thành Thống chế và anh hùng của nước Pháp, một trong nhiều sĩ quan cao cấp của đội quân viễn chinh có mặt ở Yên Thế thừa nhận rằng, ngay từ những ngày chinh phục đầu tiên vào tháng 12-1885, Đại tá Dugènne và binh lính của ông ta đã chạm trán với ông già Bá Phức rồi sau đó với Đề Thám.

Trong một báo cáo của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ ở những năm 90 của thế kỷ XIX cũng thừa nhận:

“Vào tuổi 20, do thích phiêu lưu mạo hiểm, Đề Thám đã đầu quân dưới trướng Trần Xuân Soạn, Lãnh binh tỉnh Bắc Ninh để chiến đấu chống lại quân đội Pháp vừa mới chiếm Hà Nội.

Ba năm sau, Thám về với Thương Phức, một tướng cướp, được Thương Phức đưa đi khắp vùng Vân Nham, Thuốc Sơn, Hòa Lạc, v.v.. lúc ấy đang ở trong vùng kiểm soát của Đại thủ lĩnh Cai Kinh (tức Cai Thuốc, sau bị một thuộc hạ giết chết ở Lạng Sơn năm 1888) Cai Kinh nhận ngay ra những phẩm chất chiến đấu của anh coi trâu trước đây và ban cho Thám chức Đốc binh và cái tên Hoàng Hoa Thám. Khi cuộc chiến kết thúc, Đề Thám trở lại làng cũ với một số thủ hạ chừng 5 hay 6 người, để rồi sau đó hoạt động riêng rẽ trong vùng Võ Giàng, Quế Dương, Hiệp Hòa, Việt Yên giầu có. Bị các quan chức Pháp và bản xứ lùng bắt, Thám luôn luôn chạy thoát lại còn gây những tổn thất lớn cho những người truy đuổi.

Từ 1885 đến 1888, người ta thấy y ở làng Chũng, Bằng Cục, ở huyện lỵ Yên Dũng (khi đó đóng ở Sen Hồ – T.G), ở Nhẫm Kiểu, ở Hùng Lãm – trên đường từ Hà Nội đi Phủ Lạng Thương, ở làng Sen Hồ nơi y hạch tiền các lái buôn bản xứ; ở Trản Tranh – nơi y bị đuổi bắt và có thiệt hại ít nhiều ở Quảng Phúc v.v..”.

Người Pháp cũng biết rõ rằng, tại Đại hội Dĩnh Thép tổ chức long trọng vào ngày rằm tháng bẩy năm Mậu Tý (22-8-1888), ông già Bá Phức được cử làm Chánh tướng Tổng thống Quân vụ, Đề Nắm làm Phó tướng Tả dực Tướng quân, Đề Thám làm Phó tướng Hữu dực Tướng quân.

Nhưng, có lẽ sự va đập đầu tiên giữa hai nền văn minh Đông – Tây, giữa hai phương thức tác chiến Đông – Tây xảy ra trên mảnh đất Yên Thế là vào nửa đầu tháng 12-1890 đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với hàng ngũ sĩ quan và binh lính Pháp. Đại tá Frey – người chỉ huy các trận đánh vào đồn Hố Chuối đã phải thốt lên đầy kinh ngạc: “Trong các khoảng thời gian hai bên ngừng bắn, nhiều chuyện kỳ quặc lại diễn ra giữa bọn giặc (tức nghĩa quân Yên Thế – T.G) và những người lính pháo thủ [tức là lính khố đỏ – T.G] của chúng ta khiến ta liên tưởng đến những câu chuyện về các vị anh hùng của Homère mà một vài giai đoạn của cuộc chiến tranh này có nhiều điểm rất giống nhau như tính đơn giản, ngây thơ của người trong cuộc và tính chất của những cuộc giao tranh trong đó sáng kiến, lòng dũng cảm của cá nhân, sự mưu mẹo giữ một vai trò quan trọng. (Một tướng cướp cũ tên là Thọ, mang cả toán cướp của mình gia nhập Trung đoàn 3 lính pháo thủ ngay từ lúc thành lập Trung đoàn này. Từ đó nhờ sự thông minh và nhờ lập được nhiều chiến công, Thọ được phong chức Đội. Trong những trường hợp này, Đội Thọ nhờ am hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ của đồng đội cũ của mình nên thường làm phát ngôn viên của lính pháo thủ. Ngày 11-12-1890, anh ta đang nằm ở mép rừng trong tư thế chiến đấu, cách đó không xa là viên chỉ huy Trung đội. Từ một cứ điểm gần đó, một tên cướp hô to lên rằng: – Hỡi các bạn pháo thủ! Hãy mang vũ khí đi theo chúng tôi. Chúng tôi không hề làm hại các bạn. Chính bọn Pháp, người thày của các bạn mới là nguyên nhân của tất cả những tai họa mà đất nước chúng ta phải chịu đựng. Hãy bỏ bọn chỉ huy của các bạn mà đi theo chúng tôi! Đội Thọ trả lời: – Chúng tôi là những người lính và quyết làm tròn nhiệm vụ của chúng tôi. Chúng tôi không rời bỏ những người chỉ huy của chúng tôi! Tên cướp lại nói tiếp: – Ở đây chúng tôi có một căn cứ không thể tiến vào nổi. Các anh sẽ chết một cách dại dột. Hãy theo chúng tôi. Các anh sẽ được quan Đề Thám, vị thủ lĩnh của chúng tôi đối đãi rất tốt!)”.

Frey kinh ngạc là phải và chắc chắn viên sĩ quan cao cấp này không thể biết rằng chủ trương lôi kéo binh lính người Việt trong hàng ngũ kẻ thù trở về với dân tộc là tư tưởng chủ đạo của Đề Thám, xuyên suốt từ đầu đến cuối công cuộc kháng Pháp do ông đứng đầu. Qua các nguồn tin tình báo, Frey đã viết về Đề Thám và các thủ lĩnh khác trong tác phẩm Giặc giã và thổ phỉ ở Bắc Kỳ của ông ta ấn hành tại Paris năm 1892 như sau:

“Thám là thủ lĩnh của một toán cướp chính ở vùng Yên Thế, thường được gọi là Đề Thám (Đề là tiếng gọi tắt của chức vụ Đề đốc, ngang với cấp tướng). Đề Thám có một tùy tướng là Bá Phức, một ông già 65 tuổi, nổi tiếng tàn ác và lòng căm thù người Pháp. Thủ lĩnh của toán cướp quan trọng thứ hai ở vùng Yên Thế tên là Đề Nắm, có một tùy tướng là Đề Sặt. Trước khi xảy ra sự kiện ở Hố Chuối, mỗi toán cướp có thể huy động ít nhất 250-300 cây súng bắn nhanh. Lúc nào hai toán cướp này tụ tập lại để tấn công quân đội ta hoặc vào những làng không chịu nộp thuế cho chúng, Đề Thám thường phụ trách việc chỉ huy các vấn đề quân sự; Đề Nắm chủ yếu được phân công giữ việc buôn bán của toán cướp (giao dịch với Hoa thương, bán những đàn bà bắt được, mua thuốc phiện, súng ống, đạn dược)”.

Trong vòng 70 năm, kể từ những đánh giá chính thức của Frey về Đề Thám cho đến đầu những năm 60 của thế kỷ XX, người Pháp cũng như nhiều nhà báo, nhà văn, nhà sử học người Việt ra sức tra cứu sách vở để tìm tòi gốc gác của Đề Thám nhưng tất cả chỉ dừng lại ở các ức thuyết vô định, lơ lửng bởi không có bất kỳ một chứng lý nào làm điểm tựa để neo đậu, trở thành chân thuyết. Đại khái sự việc chỉ dừng lại như sau:

– Đề Thám vốn họ Trương, do đó phụ thân của ông được gán cho các tên Trương Văn Trinh, Trương Văn Vinh, Phó Quạt, Phó Thêu – vốn là Hoa kiều, còn ông cũng được gọi lúc là Trương Văn Thơm, Trương Văn Thám, lúc là Giai Thiêm hoặc Đề Dương. Khi Đề Thám bỏ họ Trương, theo họ Hoàng (người bảo do làm con nuôi họ Hoàng, người bảo do Hoàng Đình Kinh yêu mến, nhận làm anh em kết nghĩa) thì được gọi là Hoàng Hoa Thám.

– Đề Thám quê gốc ở Thanh Hóa nhưng cũng có người nói quê nội của ông ở Sơn Tây hoặc vùng Tuần Vường – Nam Định. Lại có ức thuyết nói rằng ông sinh ra và lớn lên ở làng Chũng thuộc tổng Ngọc Cục, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Ninh (khi Bắc Ninh chia thành hai tỉnh, tổng Ngọc Cục thuộc huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang).

– Do căn cứ vào một văn bản thu được sau buổi lễ mừng thọ Đề Thám tổ chức ngày 25 tháng Giêng năm Mậu Thìn (26-2-1908) tại Phồn Xương nên người Pháp suy ra vị thủ lĩnh này sinh vào năm 1858 vì họ nhầm đây là lễ ngũ tuần đại khách (49, 50 tuổi tính theo âm lịch). Từ thực tế này, hầu hết các tài liệu thừa nhận Đề Thám sinh vào các năm 1856, 1857, 1858 hoặc 1859. Trên tờ Ngày Nay, số 3 ra ngày 30-3-1935, tòa soạn chủ trương Đề Thám sinh năm 1864.

May mắn, trước khi kết thúc chặng đường 70 năm ấy, Hoài Nam công bố một bài viết khá nặng cân Về gốc tích ông Đề Thám trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 36/1962 với đoạn mở đầu như sau:

“Chúng tôi có được ông Đoàn Văn Bính ở thôn Dị Chế xã Minh Khai huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên cho xem cuốn gia phả họ nhà ông thì thấy ghi sơ lược về tiểu sử ông Đề Thám như sau:

Nguyên họ Đoàn nhà ông Bính và họ Hoàng nhà ông Thám chính là họ Trương ở làng Dị Chế, xã Minh Khai, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ông nội ông Đề Thám tên là Trương Văn Tính làm nghề dạy học, chết ngày 15-3 năm Nhâm Dần (1842), vợ là Vũ Thị Miền, làm nghề thêu, chết ngày mùng 5 tháng 5 năm Kỷ Dậu (1849), hai vợ chồng sinh được 5 người con tên là Trương Văn Kính, Trương Văn Thận, Trương Văn Thân, Trương Thị Hồi, Trương Thị Hương.

Trương Văn Thận chính là cha ông Đề Thám. Ông Thận học giỏi nhưng thi không đậu, ở nhà dạy học”.

Lúc đầu, giới sử học đón nhận những luận thuyết kể trên khá hồ hởi nhưng dần dần lại tỏ ra dè dặt hơn vì trong bài viết này, Hoài Nam vẫn theo quan điểm Đề Thám gốc họ Trương, sau mới cải sang họ Đoàn rồi theo họ Hoàng. Những đóng góp mới mẻ của tác giả là ở chỗ gọi ra được đúng tên gọi của những người thân của Đề Thám, trong đó định ra danh tính chính xác của cụ Trương Văn Thận, nguồn gốc xuất thân, quê hương bản quán và năm 1846 là năm người thủ lĩnh phong trào Yên Thế ra đời. Tuy nhiên, hầu hết các nhà sử học đều cho rằng Đề Thám phải sinh vào những năm 50 mới hợp lý, mặc dù họ chưa đưa thêm được chứng lý thuyết phục. Những suy luận kể trên tỏ ra có chỗ dựa vì không ai tin rằng Đề Thám lại đồng trang lứa với Đinh Công Tráng (1842), Nguyễn Thiện Thuật (1844), Phan Đình Phùng (1847), Trần Xuân Soạn (1849). Vả lại, Thân Văn Phức – người được đồn đại là “cha nuôi” của ông, theo người Pháp, sinh khoảng 1825-1826, (còn theo con cháu, Bá Phức sinh năm 1835) chiến hữu và về sau là thông gia với ông là Thống Luận sinh năm 1860. Nhưng có lẽ cơ sở và chứng lý mà mọi người tin cậy hơn cả, đó là đoạn mở đầu của lời chúc tụng mà viên Đại lý Nhã Nam Bouchet tìm thấy trong người Cai Chi, được tuyên đọc tại Đền Thề (nay gọi là chùa Phồn Xương) vào ngày 25 tháng Giêng năm Mậu Thân, tức 26-2-1908:

“Trên trời không một gợn mây. Biên cương đất nước bao la. Trên thế gian vạn vật thanh bình. Nhờ ơn người muôn nhà yên ổn.

Nhân dịp Đức ông ngũ tuần đại khánh, xin quan lớn cho phép chúng tôi dâng lên người tất cả tấm lòng thành.

Người sinh ra ở làng Ngọc Cục, có ngôi sao Phúc xuất hiện báo tin người ra đời.

Ở vào thuở ấy, những con cá mập làm cồn sóng Tây dương, còn trên mặt đất thì hùm beo toát ra đầy mùi uế khí làm bẩn vùng núi phương bắc. Giang sơn bỗng nhuộm vẻ tang thương. Nam – Bắc hỗn quân, hỗn tướng. Đức Kim thượng chạy lên phía bắc, toàn bộ giang sơn chìm trong vực sâu tuyệt vọng. Nhưng Đức ông đã đến và vâng mệnh Hoàng thiên tận tụy với nhà vua, người đã phất cao cờ nghĩa…”.

Đọc kỹ đoạn văn trên ta thấy ở bất kỳ hoàn cảnh và thời điểm nào Đề Thám cũng tìm cách ẩn dấu tuổi thật và quê hương bản quán của mình. Điều này, bạn đọc sẽ được chúng tôi chứng minh ở phần viết phía sau.

Chính vì quan niệm thời điểm 1846 là “quá già” đối với nhân vật mà mình đang nghiên cứu nên không ai muốn đi xa hơn, ngược trở về những năm 30 – 40 của thế kỷ XIX để tìm tòi thêm dữ liệu.

2. Là người chuyên tâm nghiên cứu về Đề Thám và khởi nghĩa Yên Thế nhiều khi tôi cũng xao động về thời điểm ra đời và quê hương bản quán của Đề Thám, vì thế cho đến trước năm 2010, chưa một lần ghé qua Dị Chế ở Tiên Lữ – Hưng Yên. Đến khi tỉnh ngộ, hối hả trở về cố hương của người anh hùng thì những pho sử sống của gia tộc họ Đoàn như cụ Đoàn Văn Bính, Đoàn Thị Duân đã đi theo tiên tổ, mang bên mình cả bài thơ tràng giang ghi lại những chặng gian chuân, khổ ải một thời.

Nhờ trở lại Dị Chế, nhờ có được Gia phả họ Bùi ở thành phố Thái Bình trong tay và nhờ đọc kỹ Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn, chúng tôi xác nhận rằng bài viết Về gốc tích ông Đề Thám do Hoài Nam công bố, dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ, tác giả chỉ được nghe thân nhân gia đình kể lại nhưng những luận cứ được đưa ra vẫn tỏ rõ tính đúng đắn, có giá trị dẫn đường. Trong hoàn cảnh miền Bắc khi đó, tài liệu và sách vở dùng để tham khảo và biên soạn lịch sử rất ít và rất thiếu. Khi tác giả công bố bài viết này, bộ Đại Nam thực lục mới được Viện Sử học cho in bản dịch tập I, phần Tiền biên và phải mãi tới năm 1978 mới in xong trọn bộ. Vì vậy, điều kiện để đối chiếu, so sánh là hết sức hạn hẹp cho nên, khi nhìn trên đại thể thì những vấn đề cơ bản được nêu ra trong bài viết là phù hợp với những biến cố đã xảy ra đối với họ Đoàn ở Dị Chế nhưng khi tích hợp thành sự kiện với đầy đủ các yếu tố về con người, không gian và thời gian lại xuất hiện những khác biệt, sự lệch pha so với hiện thực lịch sử và do đó nhiều vấn đề vẫn dừng lại ở những ức thuyết vô địch, dù đó đã là những sự thật hiển nhiên.

Số là, vào cuối năm 2012 – tức là đúng nửa thế kỷ sau khi bài viết của Hoài Nam xuất hiện, chúng tôi có trong tay cuốn Tài liệu Địa chí Thái Bình, tập VIII. Chúng tôi đã run lên khi đọc lời giới thiệu của Ban Biên tập về giá trị của bản Gia phả họ Bùi công bố trong tập sách này: “Đọc Gia phả họ Bùi, chúng ta sẽ biết thêm về một số nhân vật và sự kiện lịch sử mà chính sử không chép; chúng ta sẽ tìm được những tài liệu quý mà lâu nay chỉ nghe nói, như: về nhân vật Trương Thận, được viết trong Gia phả họ Bùi “người làng Dị Chế, họ Đoàn, tên là Lại, mạo họ tên là Trương Thận, làm tướng giặc, quan quân triều đình đã ba lần đánh bắt được, giam vào ngục, đều vượt ra được cả”, rồi bị anh em nhà họ Bùi bắt sống ở đâu, như thế nào, những người bắt Trương Thận là ai…”.

Đọc xong Gia phả họ Bùi, chúng tôi bỗng có một niềm tin, một con người như Trương Thận nhất định chính sử phải ghi chép và nhân vật này không chỉ tồn tại như một huyền thoại, lâu nay chỉ nghe nói như lời Ban Biên tập.

Cuốn chính sử mà chúng tôi cho rằng sẽ có Trương Thận, đó chính là bộ Đại Nam thực lục.

Đại Nam thực lục là bộ chính sử lớn nhất, quan trọng nhất do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trong 88 năm (1821-1909). Đại Nam thực lục được viết theo thể biên niên, chia thành 2 phần Tiền biênChính biên:

Đại Nam thực lục tiền biên ghi chép về sự nghiệp của 9 chúa Nguyễn, bắt đầu từ Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558) đến năm Nguyễn Phúc Thuần mất (1777).

Đại Nam thực lục chính biên ghi chép về lịch sử triều Nguyễn, từ Gia Long đến Đồng Khánh, chia làm 6 kỷ, mỗi kỷ là một đời vua (Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh).

Như vậy, Đại Nam thực lục tiền biên và chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn là bộ sử ghi chép thực về toàn bộ lịch sử Việt Nam ở thế kỷ XIX dưới sự trị vì của vương triều Nguyễn cũng như hơn 200 năm lịch sử Đàng Trong của các chúa Nguyễn. Quá trình tổ chức biên soạn, thu nhập các nguồn sử liệu để biên soạn Đại Nam thực lục diễn ra như sau:

Sau khi Thế tổ Cao hoàng đế Nguyễn Ánh dựng lại cơ đồ, nhớ đến công xưa, tìm hỏi điển xưa, bèn lập Sử cục, tuy đã thường lưu ý nhưng chưa đủ sức để làm Đến Thánh tổ Nhân hoàng để Minh Mệnh, nhà vua mới chiều xuống hỏi tìm sách vở còn sót; mở đặt Sử quán sai quan kính soạn Thực lục (1821) lại sai biên soạn bộ Khâm định thực lục các kỷ, từ thời Thái tổ Gia dụ hoàng đế đến đời Duệ tông Hiệu định hoàng đế, gọi là Tiền biên từ sau khi Thế tổ Cao hoàng đế trung hưng, gọi là Chính biên (1833). Đến năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), bắt đầu mở Sử cục, sai Quốc sử quán biên soạn Thực lục tiền biên chính biên, kế đến soạn Thực lục chính biên đời Thánh tổ Nhân hoàng đế chuẩn định chương trình và giao chuyên trách, lại thường có sức dụ đốc thúc nhanh sự hoàn thành.

Nhận trách nhiệm biên soạn Đại Nam thực lục, các thành viên Quốc sử quán đều ngày đêm cố gắng, kính cẩn kiểm duyệt những nguyên bản các kỷ Tiền biên, sau xét các điển cũ và chí lục ở Quốc sử quán cùng sách vở các địa phương dâng lên, tìm tòi cho rõ thêm, có chỗ cần thêm cần đổi, ghi chép theo từng khoản, viết thành bản mẫu dâng trình để kính xin ngự lãm và quyết định. Trong đó, hoặc có sự tích chưa rõ, thì đã vâng sắc mà tìm thêm để bổ khuyết.

Sự nghiêm cẩn, độ chính xác cao của Đại Nam thực lục đạt được nhờ vào một quy trình biên soạn công phu, có trách nhiệm. Đây là bộ sách được coi là có giá trị về mặt pháp lý, được dùng làm tài liệu tham khảo cốt yếu khi tổ chức biên soạn về những vấn đề lịch sử diễn ra suốt thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Theo chúng tôi, Đại Nam thực lục tuy chưa phải là khuôn vàng thước ngọc nhưng những gì đã có trong bộ sách thì hơi thở của thời đại được tích tụ khá đậm đà. Thông qua Đại Nam thực lục (Chính biên, Đệ nhị kỷ, Q.CII; Q.C.XII; Q.CXXVII; Q.CXXXVIII; Q.CLXII; Q.CLXXI; Q.CLXXIV…) nhiều sự kiện về Đoàn Danh Lại – tức Trương Thận, phụ thân của Đề Thám đã được ghi nhận khá đậm nét.

Nếu như các nguồn tư liệu điền dã và khối tài liệu được viết bằng chữ Latinh đã giúp cho các nhà sử học khôi phục và chắp nối lại những đường nét chính yếu nhất về Hoàng Hoa Thám trong khoảng thời gian 3-40 năm cuối đời, kể từ khi ông đầu quân dưới trướng Trần Xuân Soạn cho tới khi ngã xuống giữa núi rừng Yên Thế; thì những ghi chép mang sức thuyết phục và độ chuẩn xác của khối tài liệu này về quê hương bản quán, dòng tộc, thời điểm xuất hiện của người anh hùng hầu như không có gì đáng kể. Sau nhiều năm cần mẫn, chúng tôi tìm được những bản gia phả và những tài liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn viết bằng chữ Hán mà mọi người đều mong đợi, xác nhận rằng có một dòng họ Đoàn sau cải sang họ Trương ở làng Dị Chế, tổng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, phủ Khoái Châu, thuộc trấn Sơn Nam Thượng, về sau thuộc tỉnh Hưng Yên, có nhiều đóng góp cho lịch sử ở đầu thế kỷ XIX một cách xác đáng và mang tính thuyết phục rất cao có thể bù đắp và tạo ra nền móng cho những luận thuyết mà Hoài Nam đã mô tả nhưng thiếu chứng lý từ hơn nửa thế kỷ trước.

Căn cứ vào những phát hiện mới nhất của chúng tôi khi khai thác Đại Nam thực lục, Gia phả họ Bùi, có kết hợp, so sánh với bài viết của Hoài Nam, cộng với kết quả các đợt khảo sát ở Tiên Lữ (Hưng Yên), Tân Yên (Bắc Giang), lời kể của bà Hoàng Thị Thế (1901-1988) trước đây và của Đại tá Phạm Minh Tâm, sinh năm 1947, đã nghỉ hưu, con trai bà Đoàn Thị Duân trong thời gian gần đây, chúng tôi đã tạm phác lại phả hệ từ thời cụ Đoàn Văn Tính  đến nay đã có nhiều khác biệt:

Untitled.jpg

Những phát hiện mới về mặt sử liệu kể trên cho phép chúng tôi có thể tái dựng lại những đường nét chính yếu về quê hương, thời đại và thời điểm xuất hiện của Hoàng Hoa Thám – con người của thời đại.

Tháng 8-1833, nhiều quãng đê lớn thuộc Sài Thị, Sài Quất, Nhuế Dương của huyện Đông Yên bị nước cuốn trôi, nhà cửa, súc sản chìm ngập, đắm đuối, nhiều người chết đói, chết bệnh trong cảnh màn trời chiếu đất rất tang thương.

Đau lòng trước cảnh mất còn, sự thờ ơ và tác trách của đám quan lại, đầu tháng 9-1833, phụ thân của Hoàng Hoa Thám là Đoàn Danh Lại, còn gọi là Trương Thận đã cùng với thủ lĩnh Hoàng Đức Thiềm đã phát động cuộc Khởi nghĩa Dị Chế, tập hợp toàn bộ dân chúng đói khổ do trận lụt Quý Tỵ gây ra để giành lại sự sống. Từ Tiên Lữ, phong trào phát triển và lan rộng ra các huyện Đông Yên, Thiên Thi. Nhằm bóp chết cuộc nổi dậy từ trong trứng nước, tỉnh thần Hưng Yên đã phái viên Quản cơ phụ trách cơ Hậu tiệp là Hoàng Văn Nho đem nhiều binh thuyền đi đánh dẹp. Trong trận thủy chiến ở xã Khê Than (Thiên Thi), nghĩa quân đã đánh chìm một thuyền binh của quân đội triều đình. Bị thất bại trở về, Quản cơ Hoàng Văn Nho bị giáng 2 cấp, khiến cho Bố chính tỉnh Hưng Yên là Vũ Tuân phải tự thân thống lĩnh lực lượng hợp quân với thự Quản phủ Trần Văn Tuân tiếp tục đánh dẹp. Trong một trận đánh ở địa phương, thủ lĩnh Hoàng Đức Thiềm cùng 8 nghĩa quân bị bắt. Đoàn Danh Lại đem lực lượng tiến về Gia Lâm, Đông Ngàn của tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Tường của tỉnh Sơn Tây để củng cố và liên lạc với phong trào của Nguyễn Văn Nhàn. Tháng 11-1833, nghĩa quân giao chiến với quân đội triều đình do Phó quản cơ Nguyễn Văn Anh chỉ huy trên đất Đông Ngàn và do Quản phủ Lê Huy Tri cầm đầu đất Vĩnh Tường. Tháng 6-1834, Đoàn Danh Lại đem lực lượng của mình cùng nhân dân hai thôn Long Tửu, Đông Xá thuộc huyện Đông Ngàn xây đắp và rào làng chiến đấu, giết chết Bố chính tỉnh Bắc Ninh là Nguyễn Khắc Hài và nhiều quan quân khác.

Một thời gian sau, nghĩa quân hoạt động mạnh ở Vân Cầu (Yên Thế, 8-1834), Tiêu Sơn (Yên Phong, 3-1835).

Từ giữa năm 1835, Đoàn Danh Lại chuyển địa bàn hoạt động trở lại Hưng Yên, Hải Dương để tiếp tục khôi phục lại phong trào nhưng đúng vào thời điểm đang tập hợp lực lượng ở Hải Dương với tư cách là Phó hậu quân, tháng 12-1835, Đoàn Danh Lại bị Thị sai Chánh đội trưởng Bộ biền tỉnh Hải Dương là Nguyễn Văn Thanh bắt được, đem giam vào ngục tối (Nguyễn Văn Thanh được thực thụ Chánh đội trưởng, thưởng gia 1 cấp và 300 quan tiền; tháng 4-1836 lại được thăng lên Phó vệ uý Tiền vệ). Nhưng cũng như mấy lần trước, Đoàn Danh lại đã nhanh chóng thoát khỏi nhà tù, tự cắt đinh, mở cũi, vượt qua hai lần tường đá, mình còn đeo gông, ra ngoài tiếp tục hoạt động. Sau vụ này, Tổng đốc Hải-Yên là Nguyễn Công Trứ bị giáng 4 cấp, Bố chính Hoàng Tế Mỹ bị miễn nhiệm. Giải thưởng 500 quan tiền được đặt cho người bắt sống được Đoàn Danh Lại.

Ra khỏi ngục tối Hải Dương, Đoàn Danh Lại đã lặn lội vượt sông Hồng lên mạn Vĩnh Tường (Sơn Tây) tiếp tục hoạt động trong lực lượng Nguyễn Văn Nhàn, một thời gian sau cùng Lê Khuông – một thầy đồ quê ở Cổ Nhuế (Từ Liêm – Hà Nội) lặn lội lên vùng Sơn Âm (Phụng Hoá – Ninh Bình), căn cứ địa của các thủ lĩnh họ Quách người Mường.

Mùa xuân năm 1836, căn cứ Sơn Âm liên tục bị quân đội triều đình tấn công, bao vây và chia cắt. Đoàn Danh Lại và Lê Khuông thoát khỏi sự truy bức, mỗi người một ngả. Lê Khuông thì mai danh ẩn tích một thời gian dài mới tiếp tục hoạt động. Đoàn Danh Lại chọn Đông Ngàn, Gia Lâm làm nơi qua lại, thoắt ẩn, thoắt hiện, nay đánh vào làng này, mai khuấy động ở làng khác. Tháng 10-1836, vợ chồng ông bị bắt và giết hại ở Gia Lâm (Bắc Ninh).

Từ sự hy sinh của Đoàn Danh Lại vào thời điểm tháng 10-1936, sau khi so sánh từng chi tiết, chúng tôi cho rằng Đoàn Danh Lại tức Trương Thận trong Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn và Gia phả họ Bùi ở Thái Bình với Trương Văn Thận trong bài viết của Hoài Nam và những ghi chép của gia tộc họ Đoàn ở Dị Chế là một người và bước đầu kết luận Đề Thám được sinh ra trong khoảng thời gian từ đầu năm 1836 đến giữa năm 1836. Gia phả của gia đình mà ông Đoàn Văn Bính cung cấp cho Hoài Nam cũng như ghi chép của dòng tộc đều khẳng định rất rõ rằng, Hoàng Hoa Thám chào đời trước khi cha mẹ lâm nạn. Điều thứ hai cũng được xác nhận là, họ Đoàn là họ gốc của Hoàng Hoa Thám, về sau mới đổi sang họ Trương.

Như vậy là, Hoàng Hoa Thám sinh năm 1836, nguyên quán làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, sinh trưởng ở nông thôn nhưng gia đình đã mấy đời thoát ly nông nghiệp. Ông nội và phụ thân của ông nguyên gốc họ Đoàn – một dòng họ lớn có mặt ở xứ Đông, xứ Nam rất sớm với các tên tuổi như Đoàn Thượng thời Lý, Đoàn Nhữ Hài thời Trần, Đoàn Thị Điểm thời Lê – sống bằng nghề dạy học, bà nội và phụ mẫu làm nghề thủ công.

Có một vấn đề đặt ra là, chúng ta hiểu và giải thích như thế nào về sự khác biệt giữa Đại Nam thực lục, Gia phả họ Bùi với Gia phả họ Đoàn do cụ Đoàn Văn Bính cung cấp cho Hoài Nam.

Trước hết, ta thấy, ngoài việc thiếu sách vở và tài liệu để tra cứu thêm, có một số bí ẩn riêng của dòng họ khi đó chưa được Hoài Nam giải mã. Ta biết rằng sau những sự cố của Đoàn Danh Lại ở Dị Chế, của những người họ Đoàn nổi dậy ở Kinh thành Huế với cái án chu di tam tộc, thì ngoài việc đổi họ thay tên, nhiều gia đình trong họ Đoàn còn phải rời bỏ quê hương lưu tán, gia phả bị huỷ, chỉ còn kịp đưa ra một vài mật ước đánh dấu ở nơi thờ cúng gia tiên để sau này tìm lại nhau, chắp nối họhàng (thứ bậc trên, dưới),và nhất là quy ước phải làm sai lạc họ tên, năm tháng sinh thành, quê hương bản quán để tránh bị tầm nã của triều đình khi đám quan lại lùng sục.

Qua tìm hiểu chúng tôi thấy rằng, tất cả những biến cố lịch sử được dòng họ Đoàn mật ước làm cho sai lạc đều được đẩy lên một khoảng cách như sau: đối với mỗi đời vua, sai lạc là một kỷ (thí dụ đời Minh Mệnh chuyển sang Thiệu Trị, Đệ nhị kỷ chuyển thành Đệ tam kỷ), còn đối với từng người trong dòng họ Đoàn thì ngày, tháng qua đời được giữ nguyên nhưng năm qua đời sai lạc trong vòng trên dưới 1 giáp (tức là trước hoặc sau con số 12 năm một chút). Trong một bài thơ dài mô tả về những biến cố trong dòng họ, cụ Trương Văn Lễ (đương thời gọi là Đoàn Văn Leo để tránh có mối liên hệ giữa Lễ – tên cụ, với Nghĩa – tên em trai cụ, tức Hoàng Hoa Thám) có đoạn sau đây:

Có người khởi nguỵ tung hoành

        Họ đương con cháu tan tành biệt ly

          Tiếng đồn còn có hay gì

Ở đời Thiệu Trị gặp khi vận hèn

          Tung hoành kể đã bao phen…

Hoặc:

Sơn Tây khởi nghĩa tung hoành

  Ba đời vì nước tan tành biệt ly

  Sa chân gặp bước lâm nguy

Họ hàng tan nát còn gì nữa đâu

Dấu nhà còn chút về sau

Họ Trương biến mất, bảo nhau họ Hoàng

  Có người cải lại họ Đoàn         

Họ Trương ai biết, họ Hoàng nào hay

  Nước non vẫn nước non này

Trăm năm tạc dạ đợi ngày vinh quang

  Bao giờ lên đến Bắc Giang

Họ Hoàng cùng với họ Đoàn là đây”.

Bài thơ tràng giang trên được cụ Đoàn Văn Leo (Trương Vân Lễ) truyền lại cho con trai là Đoàn Văn Hy. Cụ Hy, còn gọi là Phó Thông – lấy theo tên con trai cả, nhân một lần đi làm nhà thuê cho một gia đình ở Yên Thế, phát hiện ra dấu nhà tức mật ước đánh dấu trên bàn thờ gia tiên, hỏi ra mới biết đó là nhà con gái của Cả Trọng, liền về kể lại ngọn ngành dòng tộc và đọc cho con gái là Đoàn Thị Duân (1912-1985) nghe trọn vẹn và thuộc lòng bài thơ của ông nội để sau này lớp hậu sinh có dịp tìm lại nhau. Hàng chục năm sau đó, khi cụ Đoàn Văn Hy đã mất, ông Đoàn Văn Bính (1916-2002) mới được nghe chị gái kể lại và không rõ một sự tình cờ thế nào đó, mà Hoài Nam lại được nghe ông nói về gốc tích Đề Thám. Nhờ vậy, kể từ năm 1962 tới nay, chúng ta biết được nhiều điều hơn về người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám. Mặc dù đã ra sức tìm tòi, bà Đoàn Thị Duân, ông Đoàn Văn Bính và nhiều người trong nội tộc cho tới nay mới chỉ tìm ngược trở lại đến đời cụ Đoàn Văn Bính và tạm thời coi cụ là cụ tổ của họ Đoàn Dị Chế, như sơ đồ trên.

3. Chỉ có 3 sai số mà cuộc hành trình từ Hoài Nam đến chúng tôi phải trải qua trặng đường nửa thế kỷ [Đề Thám sinh năm 1846, gốc họ Trương và chưa biết cụ Đoàn Văn Leo (Trương Văn Lễ) là anh ruột của Trương Văn Nghĩa (Đề Thám) do đó nhầm lẫn ông Đoàn Văn Bính là cháu trực hệ của cụ Đoàn Văn Kính] nhưng những gì mà tác giả đóng góp đã thực sự cho phép chúng tôi rút ngắn thời gian trong việc tìm chốn neo đậu cho những ức thuyết vô định xoay quanh cuộc đời Đề Thám. Nếu không có Hoài Nam làm sao chúng tôi biết được có một nhân vật lịch sử Trương Văn Thận có mối quan hệ với họ Đoàn, làm sao biết được nơi chôn rau cắt rốn của người thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Không có sự mở đường của Hoài Nam, dù tra cứu được một Đoàn Danh Lại tức Trương Thận, quê Dị Chế – Tiên Lữ thì làm sao chúng tôi đã biết ngay được đó là thân phụ của Đề Thám và nhiều vấn đề khác nữa.

Đến nay, những phát hiện của chúng tôi cùng với những phát hiện của Hoài Nam đã giúp cho các ức thuyết vô định tìm được chốn neo đậu. Các nhà sử học đã có thể an tâm khi xếp Đề Thám vào danh sách những danh tướng Việt Nam sinh ra trong những năm 30 của thế kỷ XIX: Thủ khoa Huân (1830), Ông Ích Khiêm, Nguyễn Quang Bích (1832), Tống Duy Tân (1837), Nguyễn Trung Trực (1838), Tôn Thất Thuyết (1838).

Đó cũng là sự an tâm của các lớp hậu sinh sau bao năm đau đáu, trông chờ.

 Hà Nội, mùa đông Quý Tỵ

K.Đ.T

0