Những danh nhân Bắc Giang với sự nghiệp bang giao của đất nước
Làng cổ Thổ Hà (Bắc Giang) Khổng Đức Thiêm LỤC NAM – MỘT VÙNG SÔNG NÚI CÓ TRUYỀN THỐNG KHOA BẢNG VÀ BANG GIAO SỚM NHẤT BẮC GIANG Nho học – với tư cách của một thứ tôn giáo, du nhập vào Việt Nam khá sớm, gắn bó với quá trình bành trướng của các thế lực kinh tế và chính trị ...
Khổng Đức Thiêm
- LỤC NAM – MỘT VÙNG SÔNG NÚI CÓ TRUYỀN THỐNG KHOA BẢNG VÀ BANG GIAO SỚM NHẤT BẮC GIANG
Nho học – với tư cách của một thứ tôn giáo, du nhập vào Việt Nam khá sớm, gắn bó với quá trình bành trướng của các thế lực kinh tế và chính trị Trung Hoa. Liên tiếp trong nhiều thế kỷ, làn sóng các sĩ phu phương Bắc mang theo những mối quan hệ sẵn có đối với cư dân bản địa đã giúp cho việc truyền bá Nho học và Nho giáo trở nên dễ dàng hơn. Khi nhà Lý được thành lập, Nho giáo có bước phát triển vượt bậc, tạo ra sự lớn mạnh của tầng lớp nho sinh ở tất cả các địa phương, nhất là đối với hàng ngũ tù trưởng, châu mục ở các địa bàn quan trọng, có nền kinh tế phát đạt. Hơn thế nữa, nhà Lý còn tạo mọi điều kiện để thực thi chủ trương “tam giáo đồng tôn” với một chế độ thi cử đặc biệt nhằm tuyển chọn nhân tài trong tầng lớp học trò tam giáo là Nho, Phật, Đạo. Như vậy, nhà Lý thông qua việc tổ chức các cuộc thi cho nho sinh và nhờ thái độ ứng xử như nhau đối với cả 3 tôn giáo, các mâu thuẫn tôn giáo và xã hội đã dịu đi rất nhiều.
Thời điểm mở đầu cho lịch sử khoa cử Hán học ở Việt Nam đã đóng đinh vào năm 1075 khi Lý Nhân Tông mở khoa thi Nho học để chọn Minh kinh bác học và Nho học tam trường và thời điểm kết thúc lịch sử khoa cử Hán học ở Việt Nam là khoa Kỷ mùi thời Khải Định nhà Nguyễn – tức năm 1919. Trong 844 năm đó, các triều đại phong kiến Việt Nam đã tổ chức được 183 khoa thi, chọn ra được 2.898 vị đại khoa – trong đó có 47 vị giành học vị Trạng nguyên, 48 vị giành học vị Bảng nhãn và 75 vị giành học vị Thám hoa.
Từ trước tới nay hầu hết trong chúng ta đều thừa nhận những cứ liệu trên. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp cận với các tài liệu và chứng tích lịch sử, nhiều nhà nghiên cứu còn băn khoăn và chưa hoàn toàn chấp nhận thời điểm mở đầu cho lịch sử khoa cử Hán học ở Việt Nam, số lượng khoa thi cũng như số lượng các vị đại khoa. Cá nhân tôi khi được giao nghiên cứu chuyên đề này cũng cho rằng, vào thời Lý Thánh Tông (1054-1072) đã có thi cử Hán học để chọn nhân tài cho đất nước với các căn cứ sau:
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Mùa thu, tháng 8, Canh Tuất, Thần Vũ năm thứ 2 [1070] làm Văn miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng Thái tử đến học ở đây”.
Theo tôi, với thời điểm 1070 và sự kiện Văn miếu, chúng ta không nên quá cứng nhắc cho rằng việc đào tạo và khoa cử phải chỉ có thể diễn ra vào sau thời điểm và sự kiện đó. Khoa học nhất và mang tính thuyết phục nhất chỉ nên coi đó là thời điểm và sự kiện nhà Lý chính thức hóa việc thi hành chế độ khoa cử và tuyển chọn những người có học vấn vào Viện Hàn lâm, tặng hàm Học sĩ hàn lâm sau khi đã thí điểm một vài cuộc thi nhỏ lẻ hoặc các cuộc thi ở địa phương.
Hơn thế nữa, sách Đỉnh khế Đại Việt lịch đại đăng khoa lục do Thái phó Viên Quận công Nguyễn Hoãn hiệu đính; Liên khê hầu Vũ Miễn, Tứ Xuyên hầu Phan Trọng Phiên, Ngự sử đài Thiêm đô ngự sử Uông Sĩ Lãng đồng biên tập; Hàn Trung bá Nguyễn Hữu Hàm giám khắc năm Cảnh Hưng 40 (1779) đã từng ghi nhận trường hợp Lý Dụng Quang – không rõ quê quán, đỗ đầu khoa thi Văn học tuấn tú thời Lý Thánh Tông. Điều này nếu đúng và được thừa nhận thì những nhận định trên của chúng tôi hoàn toàn có cơ sở.
Sự xác thực Lý Dụng Quang đỗ đầu khoa thi Văn học tuấn tú triều Lý Thánh Tông cùng với việc bỏ sót nhiều khoa thi và tên tuổi nhiều nhà khoa học bảng thời Lý Anh Tông mà Trịnh Như Tấu đã bổ sung, ghi lại trong Bắc Giang địa chí xuất bản năm 1937 đã giúp chúng tôi mạnh dạn đưa vào danh sách các nhà khoa bảng Bắc Giang tên tuổi của Hà Chiếu và Dương An Quý quê ở Nghĩa Phương (nay thuộc Lục Nam) đã từng dự thi và trúng tuyển về Nho học, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bang giao của Đại Việt.
Theo Bắc Giang địa chí, cha mẹ của Hà Chiếu nhà nghèo, sống bằng nghề lên rừng hái củi nhưng tu nhân tích đức, hay làm việc thiện. Nhờ thông minh, ham học, Hà Chiếu đi thi Thái học sinh, trúng tam trường vào thời Lý Anh Tông, sau làm đến Hàn lâm học sĩ.
Cũng theo Bắc Giang địa chí, Dương An Quý còn gọi là Dương Hỗ, dự thi Thái học sinh đỗ Cống cử, làm quan đến Lệnh doãn.
Thần tích do Trịnh Như Tấu trích dịch kể lại rằng, vào thời Lý Anh Tông, có đảng giặc Đàm Hữu Lượng tàn phá vùng Quảng Uyên. Hà Chiếu được triều đình phái sang nhà Tống đàm đạo, nhờ đó tự thế giặc phải tan. Trở về nước Hà Chiếu được phong là Thắng Địch hầu.
Một thời gian sau, lại có việc Hộ Châu và Quảng Châu bên nhà Tống, Lý Thánh Tông cử Hà Chiếu và Dương An Quý đi sứ. Hà Chiếu ứng đối lưu loát nên được vua Tống rất tôn trọng. Chẳng may khi sứ bộ vẫn còn lưu trên đất khách, Hà Chiếu bị bệnh và mất. Vua Tống vô cùng thương xót, cho đúc quan tài bằng sắt rước linh cữu đưa về Đại Việt. Lý Anh Tông sai các quan dụ tế[1] và phong Hà Chiếu là Thắng Địch hướng thiên cư sĩ đại vương, lệnh triều thần tả sắc phong thần, cho 27 xã phụng sự.
Hà Chiếu được phụng thờ tại nghè Hàn lâm (còn gọi là Văn chỉ, thuộc thôn Cổng Xanh, Nghĩa Phương, Lục Nam). Hiện, nghè Hàn Lâm còn đôi câu đối:
Học sĩ thanh danh dương Bắc quốc
Bồng lai cung khuyết đối Nam sơn
(Đạo học tiếng tăm lừng đất Bắc
Cung tiên cao rộng ngất trời Nam).
Dương An Quý về sau mất tại quê nhà, được Trần Anh Tông sắc phong là Hoằng tán mỹ hóa Vĩnh Đạt đại vương, được thờ ở nghè Giếng (thôn Quỷnh, Nghĩa Phương, Lục Nam).
Những ghi chép kể trên khá phù hợp với Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư.
Việt sử lược cho biết: “Năm Quý hợi, hiệu Đại Định năm thứ 4 (1143) mùa thu, tháng 8, tên yêu nhân nhà Tống là Đàm Hữu Lượng vào châu Tư Lang (miền Trùng Khánh), Hạ Lang giáp Quảng Uyên (Cao Bằng), tự hiệu là Lữ Tiên sinh, đem quân cướp châu Quảng Nguyên (Quảng Uyên, Cao Bằng)”.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi cụ thể hơn, tuy thời điểm có muộn hơn 2 năm: “Ất Sửu, Đại Định năm thứ 6 (1145), tháng 8, có kẻ yêu thuật người nước Tống là Đàm Hữu Lượng trốn sang châu Tư Lang, tự xưng là Triệu Tiên sinh, nói dối là vâng lệnh đi sứ để dụ nước An Nam. Các khe động ở dọc biên giới nhiều người theo. Hữu Lượng bèn cho đồ đảng đến cướp châu Quảng Nguyên. Bấy giờ Kinh lược súy ty lộ Quảng Tây nước Tống đưa thư nhờ đuổi bắt Hữu Lượng. Vua xuống chiếu cho Phò mã lang Dương Tự Minh và văn thần là Nguyễn Nhữ Mai, Lý Nghĩa Vinh đi đánh. Không bao lâu lại sai Thái sư Mâu Du Đô đem quân đi các khe động dọc biên giới về đường bộ tiếp đánh. Khi ấy, Tự Minh đã lấy được ải Lũng Đồ, châu Thông Nông, bắt được bè đảng của Hữu Lượng và bọn Bá Đại 21 người, duy có Hữu Lượng chạy tháo, trốn vào núi Chằm. Xuống chiếu cho Quản quân sứ là Lý Nghĩa Vinh trông coi áp giải bọn Bá Đại giao trả về nước Tống. Trước đó, Ung Châu làm cáo sắc giả sai người đi gọi Hữu Lượng. Hữu Lượng cho là thực, cùng với bọn thủ lĩnh châu Tư Minh hơn 20 người mang ấn đồng, địa đồ và vật thổ sản quy tụ nhà Tống. Khi đến trại Dương Sơn, viên thủ Ung Châu là Triệu Nguyệt bắt Hữu Lượng và bè đảng giải đến súy ty. Người Tống thấy trong bọn ấy có Dương U, ở ngực có thích hình rồng đen và bọn thủ lĩnh ở châu Bồ 5 người, biết là người của nước Việt ta, đều trả về”.
Theo các nguồn sử liệu, dưới thời Lý Anh Tông (1136-1175) trong vòng 40 năm chỉ có tổ chức 2 kỳ thi vào các năm 1152 và 1165 nhưng lại không có danh sách đỗ đạt. Hà Chiếu và Dương An Quý dự thi Thái học sinh vào thời Lý Anh Tông, chắc chắn dự thi vào các khoa được tổ chức sớm hơn 2 khoa trên và khoa thi có mặt hai ông chắc sẽ được tổ chức vào khoảng 1136-1142, trước khi xảy ra sự kiện Đàm Hữu Lượng. Dù những sách về Đăng khoa lục còn bỏ sót tên tuổi và sự nghiệp của hai ông, nhưng căn cứ vào thần tích, di tích lịch sử và tư liệu lịch sử, chúng ta có thể khẳng định vào đầu thế kỷ XII, đội ngũ Nho học Lục Nam đã mở đầu lịch sử khoa cử Hán học, lịch sử bang giao của tỉnh Bắc Giang. Và đây là một điều cần được tìm hiểu kỹ hơn và lý giải một cách toàn diện, khoa học về cơ sở kinh tế và xã hội đã tạo nên niềm vinh dự ấy cho một vùng sông núi xa xôi của tỉnh.
Căn cứ vào kết quả nghiên cứu và các nguồn sử liệu để lại thì vào thời Lý, Nam Bình Giang là tên gọi dùng để chỉ sông Lục Nam. Bao quanh trường giang đẹp nhất vùng đông bắc này là những cánh cung đồ sộ, những thung lũng vươn dài và mở ra ở đấy là con đường thông thương nối liền kinh thành Thăng Long với Quảng Tây – Trung Hoa. Nam Bình Giang tuy có độ sâu, lại có nước thủy triều dâng cao đến tận chân dãy Bảo Đài nhưng dòng chảy êm ái, thuyền bè xuôi ngược quanh năm nên giúp nhiều cho việc giao lưu giữa thượng du với hạ du và miền đồng bằng duyên hải. Xa xưa, vùng thị trấn Đầm giữ một vị trí rất trọng yếu, được coi là kho vựa lương thực của cả khu vực; thị trấn Chũ là trung tâm bán buôn trao đổi rất sầm uất còn Nghĩa Phương – Cương Sơn, nơi Phật – Đạo – Nho sớm du nhập và hòa trộn với tín ngưỡng dân gian.
Phó giáo sư Mônoki Shiro (Đại học Osaka – Nhật Bản) trong bài Gia đình của các vua nhà Lý và sự xuất hiện của vương triều phụ hệ ở Việt Nam đã viết:
“Vai trò chính trị của các phụ nữ, kể cả các con gái nuôi, trong gia đình các vua Lý nhiều khi được coi là công cụ cho chính sách liên minh nhờ vào các cuộc cưới giả cho những nhân vật có thế lực ở địa phương (châu mục, thủ lĩnh v.v..). Qua việc này, vua có thể xây dựng và duy trì mối quan hệ đồng minh với các thế lực địa phương. Hiện tượng đồng minh hôn nhân với thế lực ở Lạng Châu (Bắc Giang và Lạng Sơn ngày nay) là thế lực khống chế đường bộ đi Quảng Tây, đã được các tài liệu ghi chép nhiều nhất”[2].
Nhiều nguồn sử liệu đã từng minh chứng Giáp Động, tức khu vực núi sông bao quanh dòng Lục Nam trở thành vùng đất khai khoa sớm nhất và hoạt động bang giao sớm nhất đối với sự nghiệp dựng đặt Đại Việt là hoàn toàn hợp lý. Hơn thế nữa, trong những năm gần đây, dấu vết các công trình kiến trúc của các Phò mã lang họ Thân, qua bàn tay các nhà khảo cổ đã xuất hiện dọc đôi bờ Nam Bình Giang. Khu vực Tòng Lệnh và Bồng Lai, nhiều di vật là gạch ngói, tảng hoa sen, bát đĩa men ngọc đã được tìm thấy. Lại xuất hiện lộ cả một khu Trại Quan ở Đông Hưng với nhiều viên gạch còn mang dòng chữ Hán dập nổi Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo (1057). Các ngôi chùa Chúc Thánh, Hưng Long (còn gọi là chùa Cao – Khám Lạng), Nhạn Tháp (Tiên Nha), Long Võ (Định Chế) còn nhiều dấu tích khơi dựng từ thời Lý. Cùng với Nho giáo và Phật giáo, Đạo giáo có mặt ở khu vực này khá sớm với nhiều đền mẫu ở Suối Mỡ, Tổng Lệnh, Hang Non, Từ Mận, Giáp Sơn.
Giáp Động cũng là nơi Đại sư Ẩn Không (còn gọi là Đại sư Na Ngạn) tu luyện và hoàn tất việc biên soạn tác phẩm Thiền Uyển tập anh vào cuối thời nhà Lý.
Không chỉ có vậy, Giáp Động còn là vùng đất linh thiêng chứng kiến những ngày cuối cùng của các cung nữ được chết theo vua. Việt sử lược ghi lại rằng: “Tháng chạp năm đầu hiệu Thiên Phù Khánh Thọ (1127) vua (Lý Thần Tông) lên ngôi ở trước linh cữu, mai táng vua Nhân Tông ở điện Hồ Thiên. Ngày Quý mùi, làm lễ thành phục (chịu tang); ngày Ất dậu, vua ngự coi triều ở điện Thiên An. Ngày đó, làm lễ trừ phục (bỏ tang), nhân đó vua ra Na Ngạn xem các cung nữ lên hỏa đàn chết theo vua Nhân Tông”.
Rõ ràng, vào thời Lý, Giáp Động là một trung tâm kinh tế, văn hóa và chính trị quan trọng của Đại Việt. Đặc biệt, Nho giáo đã có một vị trí đáng kể trong đời sống xã hội ở địa phương.
Sự phát đạt về kinh tế, văn hóa, đã giúp cho một vùng sông núi bao quanh dòng Lục Nam mà ngày nay bao gồm Lục Ngạn, Lục Nam và Phượng Nhãn (nay là phía bắc huyện Yên Dũng và một phần Lạng Giang) trở thành vùng đất sớm có người đỗ đạt khoa cử Hán học và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bang giao của Đại Việt. Chứng tích lịch sử còn cho biết vào năm 1208, Nguyễn Viết Chất, người thôn Phượng Nhãn, huyện Phượng Nhãn (nay thuộc Trí Yên, Yên Dũng) và Lý Trịnh Kiền – người Lạng Giang đã thi đậu Thái học sinh khoa Mậu thìn[3]. Từ lưu vực sông Lục Nam, đến thời Trần, Nho giáo tiếp tục khai hoa kết quả tại làng Song Khê (Yên Dũng) nằm ở khu vực sông Thương với các tên tuổi Đào Toàn Mân, Đào Sư Tích, Quách Nhẫn[4] và làng Châu Lỗ (Hiệp Hòa) nằm ven bờ sông Cầu với tên tuổi Đoàn Xuân Lôi[5].
- VỀ CON NGƯỜI KỲ TÀI GIÁP HẢI VÀ CÁC NHÀ BANG GIAO CỦA ĐẤT BẮC GIANG
Phan Huy Chú đã từng viết rằng:
“Trong việc trị nước, hòa hiếu với nước láng giềng là việc lớn, mà những khi ứng thù lại rất quan hệ, không thể xem thường, cho nên nghĩa sửa việc giao hiếu chép ở kinh Xuân Thu, đạo giao thiệp với nước láng giềng chép ở sách Mạnh Tử, chính là đem lòng tin thực mà kết giao, người có quyền trị nước phải nên cẩn thận.
Nước Việt ta có cả cõi đất phía nam mà thông hiếu với Trung Hoa, tuy muôn dân dựng nước có quy mô riêng, nhưng ở trong thì xưng đế mà đối ngoại thì xưng vương, vẫn chịu phong hiệu, xét lý thế thực phải như thế. Cho nên lễ sách phong, lễ cống sinh, việc bang giao các đời đều xem là quan trọng. Kỳ gian thể lệ có khinh có trọng, có giản có phiền, trước sau hoặc có khác nhau, không thể không biết rõ”.
Thấm đượm những nguyên lý bang giao của cha ông để lại và vận dụng nó vừa uyển chuyển, khôn khéo, vừa kiên quyết không khoan nhượng trong hoàn cảnh bất lợi những năm đầu triều Mạc trước một lân bang cường mạnh để giành thắng lợi từng bước mang tính quyết định hồi thế kỷ XVI, không ai khác ngoài Trạng nguyên Giáp Hải.
Nói tới Giáp Hải, không chỉ nói tới sự kỳ tài của một con người mà còn nói tới những dị thường mà không ít sách vở xa xưa đã chép lại. Giờ đây, nhờ những phát hiện mới mà chúng ta biết được rằng, phụ thân của ông là Giáp Hà, quê ở Dĩnh Kế – Phượng Nhỡn, sinh được 3 trai: Giáp Hãng với cụ bà họ Nguyễn, Giáp Hải và Giáp Thanh với cụ bà họ Đỗ[6]. Vậy mà, các sách Bản quốc di văn lục, Lịch triều hiến chương loại chí, Công dư tiệp ký, Dã sử tạp biên, Đại Nam kỳ truyện, Lịch đại danh thần sự trạng, Nam Hải dị nhân, Nam thiên trân dị tập, Phong tục sử, Quảng Lãm danh ngôn tạp lục, Thiên Nam long thủ lục, Việt Nam danh nhân sự tích liệt truyện v.v.. đều cho rằng Giáp Hải quê nội ở Bát Tràng, quê ngoại ở làng Công Luận, làm con nuôi người họ Giáp ở Dĩnh Kế, nhờ mẫu thân không tham vàng rơi nên được một thầy địa lý phương Bắc đạt mộ tổ tiên vào nơi vương phát để ông đỗ đạt cao. Phải chăng, những huyền thoại bao phủ quanh ông là tình cảm của dân vì quá yêu mến nên đã linh thiêng, huyền hoặc hóa một con người, một đời người sinh ra và lớn lên trong một khúc ngoặt đặc biệt của lịch sử, một giai đoạn lịch sử đầy cam go và bế tắc: nhà Lê đầy hiển hách, chỉ sau 100 năm – tức 4 thế hệ con người đã để mất vai trò lịch sử, nhà Mạc vừa được khởi dựng nhưng trong thì chưa được lòng dân, ngoài bị uy hiếp, đe dọa. Người trí thức đương thời như Giáp Hải một mặt vẫn nhớ nhung về một thời Lam Sơn vang bóng, một mặt không biết mình vùng vẫy ra sao khi quyền lực chỉ chuyển đổi từ con người này sang con người khác mà đường đi vẫn mù mịt những chông gai.
Năm 1538, vào lúc vừa tròn 23 tuổi và nhà Mạc tiếm quyền nhà Lê được hơn 10 năm, Giáp Hải thi đỗ Trạng nguyên. Đây cũng là thời điểm nhà Minh sai Hàm Ninh hầu Cửu Loan và Binh bộ Thượng thư Mao Bá Ôn dẫn quân đến biên giới Đại Việt, tuyên bố là để đánh họ Mạc. Đăng Doanh lo ngại liền cho tu sửa trại sách, luyện tập thủy quân, trưng cầu hết thảy các cựu thần lão tướng để cùng bàn việc nước, phục chức cho Thái bảo Vũ Hộ làm Tây quân tả đô đốc Chưởng phụ sự, vời tới triều đình bàn luận chính sự.
Đối với Giáp Hải, trước việc lớn của nước, “thường qua Nam Quan bàn việc, ứng đáp tinh nhanh, người Minh gọi là Giáp Tuyên phủ mà không gọi tên” (Lịch triều hiến chương loại chí). Một trong những cuộc ứng thù quan hệ nhiều đến vận mệnh đất nước thường được nhiều dã sử và huyền thoại ghi nhận là cuộc xướng họa giữa Mao Bá Ôn với ông xoay quanh chủ đề PHÙ BÌNH (cây bèo).
Cây bèo của Mao Bá Ôn là nước Đại Việt một cánh bèo trước gió gồm các câu sau:
“Nước trôi, sóng dạt cứ gieo kim
Mọc chẳng sâu và đứng chẳng im
Đã mấy gốc cây, đà mấy lá
Dám sinh cành ngọn, dám sinh tim
Tụ rồi nào biết còn khi tán
Nổi đó rồi ra cũng lúc chìm
Gặp độ chiều trời phong khí ác
Thổi về hồ bể hết phương tìm”
Ngược lại cây bèo của Giáp Hải khiến Mao Bá Ôn cảm nhận rõ nó là sức mạnh của Đại Việt và Đại Việt còn lắm người tài, gồm các câu sau:
“Dệt mau mắt gấm khó luồn kim
Cành rễ liền nhau mọc rất im
Mây trắng cùng đưa trên mặt nước
Vừng hồng khá dễ lọt sâu tìm
Sóng dồn nghìn lớp thường không vỡ
Gió thổi bao phen cũng chẳng chìm
Ẩn nấp dưới đáy rồng với cá
Cần câu Lã Vọng biết đâu tìm”[7].
Chính nhờ khí chất của Giáp Hải trong cuộc xướng họa cùng những cuộc thương thuyết, ứng đối tinh nhanh của ông ở Nam Quan mà Cừu Loan – Mao Bá Ôn đã phải chùn bước, tâu bày với nhà Minh để xin rút quân về.
Tiếc thay, cuộc bang giao đầy cam go để giành thắng lợi đó không được chính sử ghi lại một cách trung thực, công bằng mà thay vào đó là một thái độ hằn học, xuyên tạc.
Trước hết, việc Cừu Loan – Mao Bá Ôn đến biên giới Đại Việt xảy ra từ cuối năm Gia Tĩnh nhà Minh thứ 16 (1537) – điều mà Minh sử, Q.321 ghi nhận, đã bị Đại Việt sử ký toàn thư đẩy lên năm Gia Tĩnh thứ 13 (1534) – để chứng minh rằng cuộc xướng họa quanh cây bèo diễn ra từ khi Giáp Hải chưa thi đỗ và chưa có địa vị trong xã hội, cũng có nghĩa là ông không có tư cách gì để đến Nam Quan thù ứng và xướng họa PHÙ BÌNH THI của Mao Bá Ôn.
Tiếp đến là sự kiện tháng 10 năm Gia Khánh thứ 20 (1541) – diễn ra sau các cuộc thương thuyết và cuộc xướng họa PHÙ BÌNH THI, điều mà Mao Bá Ôn ngụy biện tâu bày với vua Minh rằng Mạc Đăng Dung tự trói mình đầu hàng ở cửa ải, xin theo chính sóc xóa bỏ tiếm hiệu, trả lại bốn động đã chiếm, xin nội thuộc xưng thần được Đại Việt sử ký toàn thư khai thác và sử dụng như một chứng lý về tội bán nước cầu vinh của vua tôi nhà Mạc, phủ nhận thành tựu lớn lao về bang giao do chính Giáp Hải giành được. Thật đáng tiếc cho một bậc kỳ tài, có nhiều công lao với đất nước và dân tộc, ít nhiều đã bị các sử gia phong kiến xuyên tạc và vùi dập. May sao, dã sử và Phan Huy Chú vẫn ghi nhận những công lao to lớn ấy và đã cải chính cho ông.
Dưới thời Mạc, Bắc Giang còn đóng góp một gương mặt ngoại giao khác và Vũ Cẩn.
Vũ Cẩn người xã Tiên Lát (Tiên Sơn – Việt Yên), sinh năm 1522, đỗ Đệ tam giác Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Bính thìn đời Mạc Phúc Nguyên (1556), làm đến Thượng thư, tước Dũng Quận công. Sử cũ ghi lại rằng: vào thời Thế Tông nhà Mạc, năm Diên Thành thứ 3 (1580), Mạc Mậu Hợp sai Vũ Cẩn cùng 16 sứ bộ sang cống nhà Minh và nộp bù số lễ vật thiếu trong những năm trước. Cuộc bang giao này của Vũ Cẩn có phần không vẻ vang gì lắm.
Đến thòi Lê Trung Hưng, Bắc Giang có 6 gương mặt ngoại giao dưới đây:
– Hoàng Công Phụ (1567-1644): quê xã Yên Ninh (Hoàng Ninh – Việt Yên) thi đậu Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa bảng Kỷ mùi (1619) được triều đình cử đi sứ nhà Minh hai lần (1626-1630).
– Thân Khuê (1593-1637), quê xã Phương Độ (Song Mai, thành phố Bắc Giang), thi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Mậu thìn (1628) làm đến chức Tham chính, năm 1637 cùng Nguyễn Duy Hiển, Giang Văn Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bính sang nhà Minh tiến cống, mất trên đường đi, được tặng Công bộ Hữu thị lang, tước Hầu.
– Thân Công Tài (1620-1683), quê xã Như Thiết (Hồng Thái – Việt Yên) làm đến Tri thị nội thư tả, Đề đốc các xứ Kinh Bắc, Thái Nguyên, Lạng Sơn, từng cùng Vi Đức Thắng lập ra chợ Kỳ Lừa, tạo mối giao lưu buôn bán với Trung Hoa, được gọi là Lưỡng quốc khách nhân. Sử cũ ghi lại rằng vào năm 1667, nhà Thanh sai Bảng nhãn Trình Phương Triều và Hoàng giáp Trương Dịch Bí sang phong Lê Huyền Tông làm An Nam quốc vương. Vua sai võ quan là Nguyễn Đức Trang và Thân Công Tài, văn quan là Bùi Đình Viên và Đỗ Thiện Chính đến cửa ải đón tiếp. Năm 1682, Hán Quận công Thân Công Tài lại phụng mệnh triều đình lên Nam Quan nhận tù binh nhà Mạc do nước Thanh giao cho.
– Thân Toàn, còn gọi là Thân Duệ, con trai Thân Khuê, sinh năm 1621, đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm thìn (1652), làm đến Đô ngự sử, Tả thị lang Bộ Hộ, năm 1682 cùng Đặng Công Chất đi sứ nhà Thanh, trở về được thăng Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại.
– Thân Hành, còn gọi là Nguyễn Hành, con trai Thân Toàn, con nuôi gia đình họ Nguyễn ở Hoa Cầu (Văn Giang), sinh năm 1656, đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ tỵ (1689), được cùng Hà Tông Mục, Nguyễn Công Đồng, Nguyễn Đương Bao đi sứ nhà Thanh vào năm 1702. Về nước làm đến Tả thị lang Bộ Lại.
– Nguyễn Đức Vinh (1667-1715), quê xã Phúc Tằng (Tăng Tiến, Việt Yên), làm đến Thiêm tri Thủy sư, được cử đi sứ nhà Thanh năm 1714, mất trên đường đi sứ cuối năm 1715 tại dịch trạm Hoài Âm (Giang Nam).
Như vậy là, trong hơn 800 năm cử nghiệp, Bắc Giang đã đóng góp cho sự nghiệp bang giao 8 nhà khoa bảng (cùng 2 nhà bang giao là võ quan). Số lượng không nhiều, nhà bang giao tài ba không lắm nhưng chỉ với một Giáp Tuyên phủ Giáp Hải thôi, chúng ta cũng đủ tự hào về sự tài danh và trí tuệ siêu phàm của những người con quê hương. Và vinh danh hơn cả, một vùng sông núi như Lục Nam, nơi giờ đây cũng chưa được coi là vùng kinh tế – văn hoá thật phát đạt, từ thế kỷ XII đã đóng góp những nhà khoa bảng, bang giao nổi tiếng một thời. Tên tuổi Hà Chiếu – Dương An Quý cũng như dấu tích nghè Hàn lâm, nghè Giếng ở Nghĩa Phương cần được nâng tầm để con người và di duệ của họ mãi mãi là biểu trưng cho lòng hiếu học, tài kinh bang tế của nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang.
Khép lại những dòng đã viết, tác giả chỉ mong rằng những gì tốt đẹp của người xưa luôn được trân trọng, giữ gìn, phát huy để nhân tài mãi mãi là nguyên khí của đất nước.
Chú thích:
[1] Dụ tế: viếng
[2] Các nhà Việt Nam học nước ngoài viết về Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2002, tập 1, tr.176.
[3] Nguyễn Viết Chất được chép tại Đỉnh Khế Đại Việt lịch đại đăng khoa lục (1779), Tam khôi lục (viết tay, không rõ thời điểm), Văn chỉ bi (Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang, lập khoảng năm 1859), Bắc Giang địa chí (1937). Lý Trịnh Kiền chỉ được chép lại Bắc Giang địa chí (1937).
[4] Đào Toàn Mân, sinh năm 1308, đỗ Đệ nhị giáp khoa thi Thái học sinh năm 1352, làm đến Thượng thư Bộ Lễ, mất năm 1834. Ông từng được vua Trần phong thái ấp ở Cổ Lễ (Nam Định) vì thế ông vẫn được địa phương phong hàm làm thần hoàng vì công lao khai hoang lập ấp.
Đào Sư Tích là con trai Đào Toàn Mân, sinh năm 1347, đỗ Trạng nguyên năm 1374, làm đến Nhập nội hành khiển, bị Hồ Quý Ly giáng xuống Trung thư Thị lang. Năm 1394, ông tham gia sứ bộ Đại Việt đi sứ Trung Hoa nhưng mất trên đường trở về (1396), thi hài được đưa về an táng tại Cổ Lễ (Nam Định). Quách Nhẫn, không rõ năm sinh, đỗ Thám hoa năm 1275, làm quan đến chức Hành khiển, cuối đời lập cư tại Nghệ An.
[5] Đoàn Xuân Lôi, không rõ năm sinh, đỗ đầu khoa Thái học sinh năm 1384 tổ chức tại Phật Tích (Tiên Du – Bắc Ninh), làm quan đến chức Trung thư Hoàng môn, Thị lang kiêm tri Ai Châu, Thông phán.
[6] Theo Tiên khảo Thái bảo Giáp Phủ quân mộ chí khắc năm Cảnh Lịch thứ 2 (1549) thì cụ nội củ Giáp Hải là Giáp Thuận Trung, gặp loạn nhà Minh, nhà ở phía Nam thành Xương Giang, vì không theo sai khiến phu dịch của người Minh, lánh cư ở xã Như Thiết Thượng, huyện Yên Dũng, rồi làm Mục trưởng hương ấy, khi chết an táng tại đó. Ông nội của Giáp Hải là Giáp Bảo Phúc, trở lại quê cũ lập nghiệp, lấy bà họ Ngô, năm Nhâm Dần, niên hiệu Hồng Đức thứ 13 (1482) sinh Giáp Hà – phụ thân của Giáp Hải. Ngoài 3 người con trai, Giáp Hà còn sinh với bà họ Nguyễn một trưởng nữ, gả cho Quốc tử giám xá sinh Trần Địch Triết.
[7] Nguyên âm chữ Hán của Phù bình thi như sau:
Mao Bá Ôn: “Tuỳ điền trục thuỷ mạc ương châm Đáo sứ khan lai thực bất thâm Không hữu căn miêu không hữu diệp Cảm sinh chi tiết cảm sinh tâm Đề tri tụ xử minh tri tán Đãn thúc phu thời ná thức trâm Đại để trung thiên phong khí ác Tảo quy hồ hải cánh nan tầm”. |
Giáp Hải: “Cẩm lân mật mật bất dung châm Đại diệp liên căn khởi kế thâm Thướng dứ bạch vân tranh thủy diện Khẳng dao hồng nhật trụy ba tâm Thiên trùng lãng đả thành nan phá Tan trận phong suy vĩnh bất trầm Đa thiểu ngư long tàng giá lý Thái Công vô kế hạ câu tầm” |