18/06/2018, 16:48

Văn miếu Khánh Hòa

Văn miếu Diên Khánh Nguyễn Văn Nghệ Đi tìm dấu tích Văn miếu dinh Bình Khang Có người đặt câu hỏi: Dưới thời các chúa Nguyễn,vùng đất dinh Bình Khang( sau đổi thành dinh Bình Hòa, trấn Bình Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã có xây dựng Văn miếu để thờ tự Đức Khổng tử và các bậc ...

hinh2-vm

Văn miếu Diên Khánh

Nguyễn Văn Nghệ

    Đi tìm dấu tích Văn miếu dinh Bình Khang

    Có người đặt câu hỏi: Dưới thời các chúa Nguyễn,vùng đất dinh Bình Khang( sau đổi thành dinh Bình Hòa, trấn Bình Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã có xây dựng Văn miếu để thờ tự Đức Khổng tử và các bậc tiên hiền,tiên nho chưa? Trả lời câu hỏi trên,các bậc cố lão cũng chỉ căn cứ vào sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn và bảo là chưa có. Ngoài ra các bậc cố lão còn cho biết thêm là dưới thời các chúa Nguyễn, ở Đàng Trong chỉ có Phú Xuân(Huế), Trấn Biên( Biên Hòa) và Quảng Nam có Văn miếu mà thôi. (1)

    Nhưng khi đọc sách Đại Nam thực lục tôi lại thấy ghi vào tháng 10 năm Quý Sửu(1793) Nguyễn vương (Phúc Ánh) “đặt 25 miếu phu cho Văn miếu Bình Khang” (2)

    Qua chi tiết trên cho ta biết là dưới thời các chúa Nguyễn vùng đất dinh Bình Khang(nay là tỉnh Khánh Hòa) đã có Văn miếu rồi chứ không phải đợi đến thời vua Gia Long mới xây dựng.

    Vấn đề được đặt ra là Văn miếu Bình Khang được xây dựng tại địa điểm nào và vào năm nào?

    Nghi vấn được đặt ra trước tiên là Văn miếu Bình Khang phải được xây dựng gần lỵ sở của dinh Bình Khang. Lỵ sở của dinh Bình Khang trước năm 1802 đóng tại xã Phước Đa, huyện Quảng Phước (nay thuộc Trung tâm Thị xã Ninh Hòa, bên bờ bắc sông Dinh) (3).Ngoài sách Đại Nam nhất thống chí, tôi tìm đọc Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định soạn. Đây là cuốn địa chí có thể xem là xưa nhất dưới triều Nguyễn. Sách được soạn xong và dâng lên vua vào tháng 11 năm Bính Dần(1806) (4). Gần đây sách được xuất bản nhưng chỉ có phần dịch nghĩa và nguyên văn chữ Hán, không có phiên âm. Trong phần Trạm Hòa Mỹ xin phiên âm: “ nhị thập tầm chí Toàn Thạnh cựu dịch (5), lưỡng bàng khô thổ, hữu cư dân trù mật, tây biên bát thập tầm, tiền triều ký lục dinh tại thử, nhất bách cửu thập tầm chí cựu Văn Thánh miếu, kim miếu di kiến tại Diên Khánh thành phụng sự”  (hai mươi tầm đến trạm Toàn Thạnh cũ, hai bên đất khô, dân cư rất trù mật, qua hướng tây 80 tầm là nơi lỵ sở dinh ký lục của tiền triều, đi 191 tầm đến miếu Văn Thánh cũ, nay miếu này được di chuyển đến thờ tại thành Diên Khánh) (6).

     Về phía tây của lỵ sở dinh Bình Khang xưa là xã Phước An (sau đổi thành Phước Lý, nay thuộc xã Ninh Bình) có Văn chỉ huyện Tân Định (sau đổi thành Văn chỉ Ninh Hòa) được xây dựng vào năm Thiệu Trị thứ 4 (1844).Lần theo dấu vết tôi tìm đến thăm Văn chỉ Ninh Hòa và được Ban Quản lý Văn chỉ Ninh Hòa tặng cho tập sách Tìm hiểu Khổng miếu Ninh Hòa ,trong đó có bài viết Văn miếu ở Ninh Hòa có phiên âm và dịch thoát tờ giấy đất  của Văn chỉ Ninh Hòa: “…Sự duyên bổn xã địa phận gò Miếu xứ nhất khoảnh nội hữu hoang nhàn nhất sở, đông cận…,tây cận…Cựu hữu Văn miếu thiết lập tại thử thượng. Thượng niên phụng dị, miếu vũ hồi tỉnh sùng tự; kỳ gò Miếu xứ lưu vi hoang nhàn. Tư, bổn huyện, cử nhân ,tú tài, thừa tỉnh chương trùng tu miếu vũ tại gò Miếu cựu chỉ… Tư cung tờ.

     “ Thiệu Trị tứ niên, bát nguyệt ,sơ ngũ nhật” (Lý trưởng Mai Văn Bửu ký, áp triện).

   Xin dịch thoát:

  “…Nguyên vùng gò Miếu thuộc địa phận làng chúng tôi, trong đó có một khoảnh đất bỏ hoang, đông giáp…,tây giáp…Trước đã có Văn miếu thiết lập trên đất ấy. Đầu năm nay, thể theo sự ngưỡng vọng, coi xét lại miếu vũ để thờ cúng cho trang nghiêm, mà gò Miếu vẫn bỏ hoang.Nay các vị cử nhân, tú tài của huyện ta, vâng theo công văn tỉnh trùng tu lại ngôi miếu trên nền cũ tại gò Miếu… Nay làm giấy để cung cấp” (7).Giấy đất này làm vào ngày mùng 5, tháng 8 ,năm Thiệu Trị thứ 4 (1844).

   Điểm đáng lưu ý trong tờ giấy đất ấy là : “ Cựu hữu Văn miếu thiết lập tại thử thượng” (Trước đã có Văn miếu thiết lập trên đất ấy). Vậy có thể là Văn miếu dinh Bình Khang chăng? Để chắc chắn tôi xin được xem nguyên bản bằng chữ Hán tờ giấy đất ấy và Ban Quản lý Văn chỉ Ninh Hòa đã vui vẻ cho xem, ngoài ra còn tặng tôi một bản photocopy để nghiên cứu. Sau khi nghiên cứu tờ giấy đất bằng chữ Hán ấy, tôi nhận thấy trong khi phiên âm từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ, người phiên âm và dịch nghĩa đã ngắt câu sai, dẫn đến là khi dịch nghĩa sai theo. Tác giả bài viết đã ngắt câu như sau: “Cựu hữu Văn miếu thiết lập tại thử thượng/ Thượng niên phụng dị, miếu vũ hồi tỉnh sùng tự” (Trước đã có Văn miếu thiết lập trên đất ấy. Đầu năm nay, thể theo sự ngưỡng vọng, coi xét lại miếu vũ để thờ cúng cho trang nghiêm). Ngắt câu đúng sẽ như sau: “Cựu hữu Văn miếu thiết lập tại thử/ Thượng thượng niên phụng di miếu vũ hồi tỉnh sùng tự” (Xưa có Văn miếu thiết lập tại đây. Năm xưa di dời Văn miếu về tỉnh thờ tự). Cụm từ “thượng thượng niên” dùng để chỉ về quá khứ, về năm xa xưa. Với chi tiết : “Cựu hữu Văn miếu thiết lập tại thử. Thượng thượng niên phụng di miếu vũ hồi tỉnh sùng tự” rất là khớp với Hoàng Việt nhất thống dư địa chí: “Cựu Văn Thánh miếu, kim miếu di kiến tại Diên Khánh thành phụng sự”. Như vậy chúng ta xác định được địa điểm xây dựng Văn miếu dinh Bình Khang.

   Hiện nay du khách đi trên Quốc lộ 26 (trước gọi là Quốc lộ 21) từ Ninh Hòa đi Buôn Ma Thuột, sau khi băng qua khỏi đường xe lửa khoảng vài trăm mét nhìn về vùng ruộng phía Nam sẽ thấy mặt sau của Văn chỉ Ninh Hòa. Văn chỉ Ninh Hòa hiện nay được xây dựng trên nền cũ của Văn miếu dinh Bình Khang.

   Vấn đề còn lại là xác định mốc thời gian xây dựng Văn miếu dinh Bình Khang. Đây là một vấn đề nan giải, vì trong sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn không thấy ghi chi tiết này!

      Cũng theo Hoàng Việt nhất thống dư địa chí trong phần ghi chép về Trạm Hòa Mỹ, xin phiên âm: “Tam thập nhị tầm chí cựu Trù Thành tự, tiền triều Cai bạ Cẩm Long hầu sở lập, tiền diện hữu thạch hôi tường nhất bức, chí Bính Thìn niên triệt thử tường, thủ chuyên doanh trúc Văn Thánh miếu, kim tự hủ tệ” (Ba mươi hai tầm đến chùa Trù Thành cũ, chùa do Cai bạ Cẩm Long hầu lập nên từ thời tiền triều, mặt trước có bức tường đá vôi, đến năm Bính Thìn (1796) lệnh phá bức tường này lấy đá xây Văn miếu, nay chùa ấy đã hư hỏng” (8)

     Trong bản dịch, dịch giả lại chua năm Bính Thìn là năm 1796. Ấy là do dịch giả suy luận một cách võ đoán mà thôi. Vì vào năm 1793 Nguyễn vương(Phúc Ánh) đã “đặt 25 miếu phu cho Văn miếu Bình Khang” rồi! Vậy, Văn miếu dinh Bình Khang phải được xây dựng vào những năm Bính Thìn trước đó.

     Người Việt đến định cư tại vùng đất hiện nay gọi là Khánh Hòa vào năm Quý Tỵ(1653). Từ năm Quý Tỵ(1653) đến năm Bính Thìn(1796) có hai năm Bính Thìn là năm Bính Thìn (1676) và Bính Thìn (1736).

    Theo phương pháp loại suy, ta có thể loại bỏ năm Bính Thìn (1676), vì năm này chỉ cách thời điểm người Việt bắt đầu đến định cư ở vùng đất mới chỉ có 23 năm mà thôi, cho nên chưa thể xây dựng Văn miếu được. Vả lại đá để xây dựng Văn miếu được lấy từ một bức tường của chùa Trù Thành được Cai bạ Cẩm Long hầu cho xây dựng trước đó. Vậy chỉ còn lại năm Bính Thìn (1736) mà thôi. Năm Bính Thìn (1736) chính là năm xây dựng Văn miếu dinh Bình Khang.

    Văn miếu dinh Bình Khang được di kiến từ xã Phước An, huyện Tân Định vào xã Phú Lộc, huyện Hoa Châu

   Năm 1802, sau khi thống nhất đất nước , vua Gia Long cho dời lỵ sở dinh Bình Khang từ xã Phước Đa, huyện Quảng Phước vào đóng tại thành Diên Khánh.

    Tháng giêng nhuận năm Quý Hợi (1803) vua Gia Long “sai các dinh trấn đều lập nhà Văn miếu, mỗi miếu đặt 2 người điển hiệu, lễ sinh và miếu phu đều 30 người” (9)

    Tháng 3 năm Quý Hợi (1803) vua Gia Long đổi dinh Bình Khang thành dinh Bình Hòa (10). Văn miếu dinh Bình Khang được đổi thành Văn miếu dinh Bình Hòa.

    Đại Nam nhất thống chí soạn dưới thời vua Duy Tân đã viết về Văn miếu Khánh Hòa: “ Ở xã Phú Lộc, phía tây bắc tỉnh thành, dựng năm Gia Long thứ 2 (1803), trùng tu năm Tự Đức thứ 2 (1849)” (11).

    Vua Gia Long cho “di kiến” Văn miếu dinh Bình Khang từ xã Phước An, huyện Tân Định vào địa điểm mới là xã Phú Lộc, huyện Hoa Châu (sau năm 1832, huyện Hoa Châu được sáp nhập vào chung với huyện Phước Điền)

      Tháng 7 năm Mậu Thìn (1808) đổi dinh Bình Hòa thành trấn Bình     Hòa (12), Văn miếu cũng được đổi thành Văn miếu trấn Bình Hòa. Năm 1832 trấn Bình Hòa được đổi thành tỉnh Khánh Hòa (13) và Văn miếu cũng được đổi thành Văn miếu tỉnh Khánh Hòa.

   Trong tác phẩm Xứ Trầm Hương, cụ Quách Tấn đã viết về Văn miếu Khánh Hòa: “ Xây cất năm Gia Long thứ hai (1803). Trước kia ở phía trên nổng gò tục gọi Hòn Tháp. Sau bị lụt sông Cái lở vào tận chân miếu,        nên phải dời miếu xuống hướng Đông. Đó là vào năm Tự Đức thứ             hai (1849)” (14)

    Bài viết Văn miếu Diên Khánh của nhà nghiên cứu Nguyễn Man Nhiên đăng trên trang ninhhoatoday.net ở mục “Sưu tầm biên khảo” có đề cập đến  Văn miếu trấn Bình Hòa: “Theo ký ức các vị bô lão ở địa phương, văn miếu trấn Bình Hòa xưa xây dựng tại chân núi Hòn Tháp, ở đầu làng Phú Lộc về phía tây nam, gần bờ sông Cái. Lúc mới lập có miếu chính và miếu Khải Thánh, lợp cỏ tranh.

  “ Do nơi đây gần bờ sông, mùa mưa nước lũ xâm thực, đất bị sạt lở vào tận chân miếu, nên đến năm Tự Đức thứ 2 (1849) địa phương di dời Văn miếu đến chỗ mới cách địa điểm cũ khoảng 1.000 mét về hướng đông. Lần này miếu được tu bổ và dựng thêm Tả vu, Hữu vu”

   Theo Nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban viết về việc di dời Văn miếu Bình Khang về Diên Khánh: “ …xây dựng ở Phú Lộc( nay thuộc thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh) vào năm Gia Long thứ 2(1803), đó là Văn miếu Bình Hòa. Ban đầu Văn miếu tỉnh được xây dựng ở khu vực Hòn Tháp, nhưng do nước sông Cái Nha Trang thường làm xói lở nên đến năm 1849 (đời vua Tự Đức năm thứ 2), dời xuống phía đông, ngay nơi Văn miếu Diên Khánh hiện nay” (15)

  Riêng nhà nghiên cứu Nguyễn Man Nhiên thì dựa vào “ký ức các vị bô lão địa phương”, còn nhà nghiên cứu Quách Tấn và Ngô Văn Ban không biết dựa vào tài liệu nào mà lại khẳng định Văn miếu dời vào vùng đất Diên Khánh được xây dựng đầu tiên lại Hòn Tháp và đến năm 1849 dời xuống địa điểm mà hiện nay là Văn miếu Diên Khánh?

  Trước tiên ta xét Hòn Tháp là đất thuộc xã Đại An (sau đổi thành xã Đại Điền, và sau đó phân thành tứ thôn và Hòn Tháp thuộc thôn Đại Điền Tây), chứ không phải thuộc xã Phú Lộc. Hòn Tháp thuộc phía tây của xã Phú Lộc và thành Diên Khánh. Đại Nam nhất thống chí soạn thời vua Tự Đức ghi chép về Văn miếu Khánh Hòa: “Ở phía tây bắc ngoài tỉnh thành, thuộc địa phận xã Phú Lộc” (16)

   Sau khi di kiến từ xã Phước An, huyện Tân Định thì dựng ngay tại đất xã Phú Lộc, chứ không hề xây dựng ở khu vực Hòn Tháp nào cả! Theo Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định soạn xong năm 1806 viết về Văn miếu tại xã Phú Lộc: “ Chí đại giang, giang bắc thuộc Hoa Châu huyện, phụ lũy Phú Lộc xã địa phận, tự bắc nhi thượng, cửu bách lục thập ngũ tầm, hữu tân kiến Văn Thánh miếu tam tòa, hôi tường, mao cái, lễ sanh tam thập tam nhân, phụ lũy dân tam thập nhân, tự thừa nhất nhân” (Đến sông lớn[sông Phú Lộc, nơi có cầu Hoa Bông, nay là cầu Thành- TG],phía bắc sông là xã Phụ lũy Phú Lộc thuộc huyện Hoa Châu. Từ phía bắc đi lên 965 tầm có 3 tòa miếu Văn Thánh mới lập, tường vôi mái tranh, lệ cắt cử lễ sanh 33 người và dân phụ lũy 30 người, từ phu 1 người) (17)

   Từ cầu Hoa Bông (nay là cầu Thành) lên đến Văn Thánh miếu là 965 tầm (mỗi tầm tương đương 2,12m) . Như vậy chiều dài quy ra mét là 2.045m. Đó là đường đi quanh co thời ấy, hiện nay từ cầu Thành lên đến địa điểm có Văn miếu Khánh Hòa trước đây khoảng 1500m .

    Theo Địa bạ Gia Long năm 1811 khu vực đất có Văn Thánh miếu trên địa phận xã phụ lũy Phú Lộc là 3 mẫu, 4 sào( 1 khoảnh) (18).

   Như vậy thông tin cho rằng Văn miếu Khánh Hòa dựng lúc đầu vào năm 1803 tại địa điểm Hòn Tháp và đến năm 1849 cho di dời về phía đông là hoàn toàn sai lạc không có căn cứ.

   Chúng ta cũng cần phân biệt là miếu được di dời từ địa điểm A sang địa điểm B gọi là “di kiến”, còn ở tại vị trí cũ được sửa sang lại gọi là “trùng tu” hoặc “tu bổ”.

   Đầu năm 1948 theo lệnh “tiêu thổ kháng chiến” của Việt Minh, Văn miếu Khánh Hòa bị đốt cháy hoàn toàn, nhưng may thay chiếc đại hồng chung không để trong Văn miếu nên thoát khỏi biển lửa và hiện nay Văn miếu Diên Khánh đang kế thừa đại hồng chung ấy (trên thân đại hồng chung không có khắc chữ nào cả nên không thể biết niên đại của nó).

   Từ năm 1948 đến năm 1959, diện tích 3 mẫu 4 sào đất của Văn miếu Khánh Hòa trở thành công thổ của làng Phú Lộc, nền Văn miếu Khánh Hòa trở nên hoang vu, một số hộ dân Công giáo xung quanh đã đến đống gạch đổ nát ấy để thu nhặt những viên gạch vồ còn nguyên vẹn đem về sử dụng.

    Ngoài ra trong tác phẩm Xứ Trầm hương cho độc giả biết về Văn miếu Khánh Hòa: “Hiện nay miếu chỉ còn là một ngôi nhà ngói ba gian hai chái, trung trung, và cũ kỹ” (19). Xin khẳng định là sau năm 1948 Văn miếu Khánh Hòa tại làng Phú Lộc chỉ là một đống hoang tàn. Những điều mà cụ Quách Tấn mô tả ở trên, đó là những cơ sở của Văn miếu Diên Khánh được di dời từ địa điểm ở Gò Sòng thuộc làng Phước Tuy (xã Diên Phước) về cất trên nền bỏ hoang của Văn miếu Khánh Hòa tại làng Phú Lộc (xã Diên Thủy)vào năm 1959.

    Văn miếu Khánh Hòa thời hiện đại 

  Năm 1958 Tỉnh Hội Khổng Học Khánh Hòa được thành lập và do Văn miếu tỉnh Khánh Hòa bị thiêu hủy vào năm 1948 nên chưa có nơi để Tỉnh hội tổ chức tế tự, hàng năm việc cử hành lễ Thánh đản(ngày 27/08 âm lịch là ngày sinh Đức Khổng tử), Tỉnh hội phải nhờ địa điểm Văn chỉ Vĩnh Xương (thôn Phương Sài, xã Nha Trang Tây, nay là 123 đường Phương Sài, phường Phương Sơn, Nha Trang).

   Ngày 23.10.1963 Thiếu tá Tỉnh trưởng Khánh Hòa là Lê Tập cấp giấy phép cho Tỉnh hội Khổng học Khánh Hòa làm sở hữu chủ một khu đất với diện tích 1980 mét vuông tại thôn Phước Hải (nay ở số 30 đường Lê Hồng Phong).

    Ngày 19.08.1964 Thiếu tá Tỉnh trưởng Khánh Hòa là Nguyễn Thọ Lộc cấp giấy phép xây dựng Văn miếu tỉnh Khánh Hòa. Ngày 31.08.1964 lễ mở móng khởi công xây dựng Văn miếu tỉnh Khánh Hòa và đến tháng 07.1965 công việc xây cất được hoàn tất (20). Từ đây Văn miếu tỉnh Khánh Hòa trở thành nơi cúng tế và sinh hoạt của Tỉnh hội Khổng học Khánh Hòa. Việc cúng tế và sinh hoạt của Văn miếu Khánh Hòa kéo dài đến ngày 02.04.1975 thì chấm dứt. Văn miếu tỉnh Khánh Hòa được chính quyền cộng sản dùng làm Trụ sở Ủy ban Phường Phước Hải. Hiện nay đi ngang qua Ủy ban Phường Phước Hải số 30 đường Lê Hồng Phong ta sẽ thấy những họa tiết trang trí trên nóc mái Văn miếu tỉnh Khánh Hòa vẫn còn lưu giữ tới hôm nay.

    Những đồ từ khí ở Văn miếu tỉnh Khánh Hòa đi về đâu?

   Sau ngày 02.04.1975 chế độ cộng sản tự động tịch thu Văn miếu tỉnh Khánh Hòa ở đường Lữ Gia (nay là Lê Hồng Phong), tất cả đồ từ khí trong Văn miếu tỉnh Khánh Hòa vẫn giữ y nguyên. Sau khi biến Văn miếu tỉnh Khánh Hòa thành Trụ sở Ủy ban phường Phước Hải thì không biết những đồ từ khí ấy lưu lạc về đâu?

   Trung tuần tháng 10.2014 tôi đi tham quan đình Phước Hải, kế cận bên tay phải của đình Phước Hải là miếu Bà Thiên Y. Trong miếu Bà Thiên Y có một cái đại hồng chung, tôi đến bên để quan sát và thấy trên 4 ô hình chữ nhật trên cùng của thân đại hồng chung có khắc sâu vào 4 đại tự bằng chữ Hán: KHỔNG HỌC TỈNH HỘI  và một ô chính giữa thân đại hồng chung có khắc 4 chữ Hán nhỏ hơn cũng cùng nét chữ như bốn chữ “ Khổng học Tỉnh hội” : ĐINH VỊ (MÙI) THU TẠO . (Tạo vào mùa thu năm Đinh Mùi). Như vậy chúng ta có thể khẳng định, đại hồng chung này được Văn miếu Khánh Hòa làm sở hữu chủ vào năm 1967 sau khi Văn miếu xây cất xong. Đại hồng chung này không phải của Văn miếu đặt đúc mà mua lại của cơ sở đúc chuông, bởi vì trên vòng thân đại hồng chung có đúc nổi các chữ : Phật nhật tăng huy, Pháp luân thường chuyển.

    Tôi hỏi ông từ giữ đình : Đại hồng chung của Văn miếu Khánh Hòa ở đường Lữ Gia sao lại ở miếu Bà Thiên Y vậy? Ông từ đình cũng là dân sinh sống lâu đời ở phường Phước Hải vui vẻ trả lời: Cách nay khoảng 10 năm, ông Nguyên lúc ấy làm Chủ tịch phường Phước Hải đem cái đại hồng chung này tặng cho miếu Bà Thiên Y làng Phước Hải. Hiện nay ông Nguyên làm Bí thư phường Phước Hải.

    Đại hồng chung của Văn miếu tỉnh Khánh Hòa đang lưu lạc tại miếu Bà Thiên Y làng Phước Hải, còn những đồ từ khí khác thì hiện đang lưu lạc về phương trời nào? Ngẫm mà đau xót!

    Văn miếu tỉnh Khánh Hòa giống như con chim đầu đàn, mà con chim đầu đàn đã mất thì mọi sinh hoạt về Nho học trong tỉnh bị tàn lụi như Văn chỉ Vĩnh Xương, hoặc hoạt động một cách tự phát như Văn miếu Diên Khánh, Văn chỉ Ninh Hòa mà không được sự chỉ đạo của chính quyền tỉnh.                                            

          

        Chú thích:

  • Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa, tập 1 , trang 25; tập 2, trang 384; tập 5, trang 74.
  • Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục,trang 300.
  • Đại Nam nhất thống chí tập 3, Sđd, trang 93.
  • Đại Nam thực lục tập 1, Sđd, trang 684.
  • Trạm cũ Toàn Thạnh tọa lạc tại xã Toàn Thạnh( sau đổi thành xa Mỹ Hiệp. Gần khu vực ga xe lửa Ninh Hòa hiện nay.
  • Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (Phan Đăng dịch và chú giải), Nxb Thuận Hóa. Phần chữ Hán trang 1681(9b); Phần dịch nghĩa trang 48.
  • Ban Quản lý Văn chỉ Ninh Hòa, Tìm hiểu Khổng miếu Ninh Hòa, Tập san lưu hành nội bộ số 1, 2003, trang 54.
  • Lê Quang Định, Sđd. Phần chữ Hán trang 1681(9b); Phần dịch nghĩa trang 48.
  • Đại Nam thực lục tập 1, Sđd,trang 546.
  • Đại Nam thực lục tập 1, Sđd , trang 552.
  • Đại Nam nhất thống chí Quyển 10&11 Tỉnh Phú Yên&Khánh Hòa. Nha Văn hóa, Bộ Văn hóa Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, 1964,trang 95.
  • Đại Nam thực lục tập 1,Sđd, trang 733.
  • Đại Nam thực lục tập 3, Sđd trang
  • Quách Tấn, Xứ Trầm Hương, Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa, trang 229.
  • Ngô Văn Ban,Lịch sử- Văn hóa Khánh Hòa những ghi chép,Nxb Đà Nẵng, trang 212.
  • Đại Nam nhất thống chí tập 3, Sđd, trang 117.
  • Lê Quang Định ,Sđd, Phần chữ Hán trang 1673(13b); Phần dịch nghĩa trang 51-52.
  • Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn- Khánh Hòa, Nxb TP.HCM, 1997, trang 210.
  • Quách Tấn, Sđd, trang 229
  • Xem tập sách Kỷ niệm khánh thành Văn miếu Khánh Hòa mùa hè 1967

 

 

 

  

 

 

0