18/06/2018, 16:48

Sự thích ứng của làng nghề Mây tre đan Bao La trong bối cảnh hiện nay

Lê Văn Viện [2] Đặt vấn đề Làng Bao La là một làng quê nổi tiếng với làng nghề truyền thống đan lát sản phẩm bằng mây, tre, chế tác đồ dân dụng và mỹ nghệ, thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cơ chế thị trường và cuộc sống hiện đại đã ...

13689479_593043547521687_690485267_n.jpg

Lê Văn Viện[2]

 

  1. Đặt vấn đề

Làng Bao La là một làng quê nổi tiếng với làng nghề truyền thống đan lát sản phẩm bằng mây, tre, chế tác đồ dân dụng và mỹ nghệ, thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cơ chế thị trường và cuộc sống hiện đại đã tác động vào nghề đan lát truyền thống của làng Bao La. Vì thế, hiện nay ở làng xuất hiện nhiều sản phẩm mây tre đan mỹ nghệ mang dáng dấp hiện đại bên cạnh những sản phẩm mây tre đan gia dụng truyền thống. Bên cạnh sản xuất theo các gia đình và hộ gia đình, người dân làng Bao La còn tham gia vào sản xuất các sản phẩm do Hợp tác xã mây tre đan Bao La đứng ra tổ chức và bao tiêu sản phẩm. Cách thức tổ chức sản xuất cũng khác đi đểtheo kịp với xu hướng sản xuất theo dây chuyền công nghệ thiết bị hiện đại. Điều đó nói lên sự thích ứng của làng nghề mây tre đan Bao La trong bối cảnh hiện nay.

  1. Nội dung vấn đề

13689627_593043340855041_1008688766_n.jpg

Làng Bao La nằm ở bờ Bắc sông Bồ, cách Huế khoảng 30km, bao gồm phần đồng bằng các xóm: Đình, Hóp, Đông, Cầu, Chùa, Chợ và một phần là vùng cát nội đồng (Bao La Phường) ven phá Tam Giang. Sáu xóm của làng Bao La liền nhau tạo thành một hình vòng cung ôm lấy cánh đồng làng. Người đầu tiên khai phá lập làng là Nguyễn Bá Linh (Nguyễn Quý Công húy Bá Linh), Thái Thư Thiên và Nguyễn Mặc Nghị, đều người gốc Nghệ An, 9 họ tiếp theo có công lập làng gồm: Võ, Phạm, Ngô, Dương, Hồ, Hà, Hoàng, Trần, Lê.[3]

Trong lịch sử mở đất về phương Nam, đại bộ phận những lưu dân tiến về bờ cõi phía Nam sinh sống được coi là yếu tố quyết định cho công cuộc mở đất và giữ đất được toàn vẹn như ngày nay. Trong công cuộc Nam tiến của những lưu dân có thể nói hành trang lúc ấy ngoài sức lao động, kinh nghiệm sản xuất, còn có những nét văn hóa. Và trong quá trình khai canh lập ấp những nhóm lưu dân hình thành nên những làng nghề đòi hỏi phù hợp với điều kiện cũng như nhu cầu cho cuộc sống ở vùng đất mới. Làng nghề mây tre đan Bao La thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế ra đời trong hoàn cảnh như thế.[4]

Nói về nghề mây tre đan của làng, tên của làng nghề gắn liền với đặc trưng sản phẩm đến mức tên của sản phẩm luôn kèm theo tên gọi của làng, làng nghề mây tre đan Bao La. Nhiều cụ cao tuổi cho biết, ngày xưa cả làng Bao La đều làm nghề đan. Hễ cứ xong mùa vụ, khi gieo cấy hoặc gặt hái xong là nhà nhà mang tre ra để đan.

Nghề đan lát ở Bao La rất phổ biến, mọi người trong làng từ già đến trẻ đều có thể tham gia các khâu trong nghề như chẻ tre, vót (chuốt), đan, lát, nạp, lận, nứt… Các loại sản phẩm đan bằng tre ở làng Bao La gồm: thúng, mủng, nang, trẹt, thuộc loại đan theo kiểu lòng thúng (bắt 2 múi, đè 3 múi, kế đến bắt 4 múi, đè 3 múi), rổ rá đan theo kiểu lòng mốt; dần, sàn, lồng bàn đan theo kiểu lòng hai. Đan lòng xong người ta để 4 góc khoảng từ 5cm đến 10cm để đát dày theo công thức bết 3 múi đè 3 múi. Sau đó là khâu lận, lận là động tác dùng hai vành để kẹp phên theo độ sâu đã định. Các loại nia, nong, dần, sàn, trẹt thì lận cạn; rổ, rá, thúng, mủng, lồng bàn thì lận sâu. Nứt là động tác buộc cố định vành vào phên theo kĩ thuật. Người thợ nứt lợt khi làm trẹt, nứt khuốc khi làm nia, nong, thúng, mủng, dần, sàn và nứt đôi khi làm những sản phẩm cần chắc bền do yêu cầu của người dùng.[5]

Ở Bao La người ta sản xuất nhiều chiếc nong lớn có đường kính từ 1-2m. Thúng, mủng gồm các loại có đường kính từ 0,5-0,8m. Trong đó có những món đứng theo bộ như rổ bộ 3, rá bộ 8…[6]

Để đứng ra sản xuất một mặt hàng hay dù đan gì đi nữa thì người thợ đan cũng thường trải qua 6 bước kĩ thuật sau để hoàn thành một sản phẩm gồm: Vót nan, gầy, đan, đát, lận, nứt.

Vót nan: là làm ra nan để đan. Người ta thường chọn loại tre già dài lóng, để làm nan. Tùy theo kích thước sản phẩm to hay nhỏ mà người ta cưa tre thành từng đoạn dài ngắn khác nhau, rồi dùng rựa hay mác để chẻ tre thành từng thanh mỏng, gọi là nan, độ dày mỏng với bề ngang to nhỏ khác nhau của nan hoàn toàn tùy thuộc theo loại sản phẩm. Bởi vậy nan đan rổ không giống nan giần, sàng, nan đan rá không giống nan đan thúng, mủng. Chẳng hạn để đan loại rổ thì người ta làm nan với bề ngang chừng 5mm, dày non 1mm, còn nan đan rá thì có hình tròn với đường kính chừng 2mm, nếu là loại rổ đặt hay rổ gia dụng thì người ta dùng toàn tre cật để cho được bền bĩ hơn.

Bề ngoài của thân tre được gọi là cật tre, có màu xanh lục, cứng, có sức đàn hồi lớn, độ bền cao; bên trong của thân tre là ruột tre, màu trắng, càng gần trung tâm càng xốp, vì vậy phần ruột tre ở trong cùng thường được vứt bỏ. Nếu dùng toàn cật tre để làm nan thì sản phẩm bền chắc hơn nhưng cũng tốn nhiều tre hơn nên giá thành cao. Nan ra rồi thì phải trau chuốt cho có độ dày mỏng trơn láng thích hợp rồi mới đan, công việc này gọi là vót nan, người ta dùng rựa, đôi khi dùng mác, để vót nan, nhưng rựa vẫn thông dụng hơn, nan làm kỹ thì sản phẩm làm ra càng đẹp.

Gầy: muốn đan thì trước hết phải gầy, nghĩa là sắp xếp những nan đầu tiên với nhau theo một lề lối riêng để tạo thành đường nét căn bản của sản phẩm.

Đan: sau khi đã gầy được rồi thì dựa vào đó để mà đan tiếp. Đan nghĩa là gài cái nan này với những cái nan khác theo một nguyên tắc chồng chéo trên dưới nào đó để cho chúng tự giữ chặt với nhau. Có nhiều cách đan, nhưng thông dụng nhất vẫn là đan lòng mốt, đan lòng hai, đan lục giác… Đan thưa, đan dày hay đan bít là tùy theo công dụng của sản phẩm. Chẳng hạn rổ sưa (thưa) và rổ dày có cùng một cách đan nhưng khoảng cách giữa các nan trong rổ sưa (thưa) lớn hơn, cỡ lọt ngón tay út, thích hợp với những vật khi rửa xong cần thông thoáng cho mau ráo nước như tôm, cá hay rau… Giần và sàng cũng thế, cùng một cách đan nhưng sàng lỗ thưa hơn để cho hột gạo dễ rơi xuống. Còn như thúng, mủng thì dùng để đựng lúa, gạo… thì đan bít để vật đựng không thể rơi rớt được.

Đát: đát cũng là đan, nhưng theo một lối khác, nghĩa là đan với nan nhỏ hơn và đan dày hơn; sau khi đã đan xong phần chính của sản phẩm, trên cái mảng đan bằng tre, người ta gọi là cái mê. Để dễ phân biệt giữa đan và đát, nếu quan sát kĩ một chiếc rổ thì chung quanh bốn phía của phần đan là những nan nhỏ hơn được đan khít với nhau, đây chính là phần đát; ở giữa là một mặt hình vuông, nan được xếp cách đều nhau, tạo ra những ô vuông trống hở, là mặt chính của rổ và đó là phần đan; đát bao giờ cũng lâu hơn và cần tỉ mỉ hơn đan.

Lận: lận là làm cho cái mê hình phẳng trở thành hình dạng của sản phẩm. Ví như cái rổ thưa: dẫu sau khi đan và đát đã hoàn tất, nó vẫn chỉ là một cái mê, chưa ra vật dụng gì cả, phải lận thì mê mới thành rổ. Trước khi lận phải chuẩn bị cặp vành, gồm vành trong và vành ngoài, thường làm bằng tre cật.Khi lận thì chỉ dùng vành ngoài, lận xong mới dùng đến vành trong, một cách mạnh mẽ nhưng khéo léo, người ta buộc cái mê phải nằm lọt vào bên trong cái vành để lấy hình dáng của sản phẩm.

Với những thứ như giần, sàng, mẹt (trẹt), mủng, rổ rá, có độ sâu không bao nhiêu, kích thước lại nhỏ, thì việc lận không khó lắm. Với các loại thúng có độ sâu trên 3 tấc[7], đường kính cũng lớn hơn, khó lận hơn nên có khi người ta đào một cái hố tròn để cho mê dễ lọt xuống, giúp cho việc lận dễ hơn. Đối với các loại nong hay nia, đường kính từ một đến hai thước[8] thì mê dày và cứng hơn, thì khi lận người ta phải đóng cọc để giúp giữ vành cho vững, nhờ vậy mới đủ sức ép làm cho cái mê đi vào khuôn khổ. Khi cái mê đã lọt vào trong vành, phải sửa sang uốn nắn để cho mê nằm ngay ngắn đúng vị trí thích hợp rồi bỏ vành trong vào. Người ta tạm thời buộc chặt vành trong vành ngoài và mê lại với nhau bằng một sợi lạt, cứ cách chừng 10-20cm (tùy theo kích thước để buộc) lại buộc một nút; buộc đó là tạm thời vì các nút buộc sẽ lần lượt được cắt bỏ khi nứt.

Nứt: nứt là dùng mây để buộc vành trong, vành ngoài và cái mê lại với nhau theo một cách riêng, vừa đẹp vừa bền. Có nhiều cách nứt, trong đó có hai lối chính là nứt đơn và nứt kép, nếu nứt không kỹ thì vành sẽ mau sút (nghĩa là sản phẩm bị phế thải). Khi nứt người ta không dùng lạt tre mà dùng mây vì mây dẻo dai và cho sợi dài, mây được chẻ nhỏ làm tư hay làm sáu và vót rất công phu để trở thành một sợi dây mây mỏng với bề ngang chừng 2mm thì phù hợp với khâu nứt. Hiện nay, đã có máy chẻ và chuốt mây rất tiện, người dân ở các hộ gia đình và hợp tác xã mua mây từ các xưởng sản xuất mây.

Phải sau khi nứt xong thì sản phẩm mới hoàn thiện.Khi ra tre để đan, thường là tre tươi để dễ chẻ tre, dễ vót.Vì vậy, sau khi đan xong, người dân thường đem sản phẩm phơi nắng cho khô. Có một số gia đình kỹ lưỡng và do trời mưa thì đem treo ở bếp để hun khói, hơi lửa từ nhà bếp trong hoạt động nấu nướng sẽ làm cho tre khô dần, khói bếp sẽ phủ lên một lớp, rất hiệu quả cho việc chống mối mọt, ẩm mốc. Ngày nay, ngoài cách truyền thống ấy vẫn còn sử dụng thì hợp tác xã đã áp sử dụng dầu toa để phủ lên sản phẩm hoặc máy sấy để bảo quản sản phẩm được tốt hơn.

Bung vành là những chuyện thông thường của các loại thúng, mủng đã qua sử dụng cũng như do làm không kĩ; tuy cái thúng mủng, rổ rá bung vành nhưng cái vành chưa gãy, cái mê vẫn còn tốt, bỏ đi thì phí, nếu chịu khó sửa chữa thì đồ cũ sẽ thành đồ mới, việc làm mới lại, sửa lại các rổ rá bị hư này người dân trong làng gọi là cạp. Khi rổ, rá, thúng, mủng được cạp lại thì đồ cũ, hư sẽ thành đồ mới, đồ lành.

Trước đây hoạt động thủ công tuy nằm trong phạm vi gia đình, những vẫn có sự chi phối của làng xã, hoặc có những ràng buộc bằng khẩu ước trong hoạt động tổ chức sản xuất được phân định theo ranh giới của các xóm. Bởi vậy làng nghề Bao La có sự tổ chức sản xuất đặc trưng theo địa phận các xóm chuyên sản xuất một vài loại sản phẩm như sự phân bố theo cung cầu hợp lý của người tiêu dùng lúc bấy giờ, mà không còn sự tồn đọng, cụ thể như sự sắp xếp của làng nghề:Xóm Nguyên Tự (Xóm Chùa): chuyên sản xuất các sản phẩm rá, mủng các loại.Xóm Vĩnh Thạnh (Xóm Đình): chuyên sản xuất lồng bàn, rổ lồng hai, mẹt ray.Xóm Đại Phu Tiên (Xóm Hóp): chuyên sản xuất các sản phẩm rổ lồng mốt, rổ lồng phân, quạt gắp, kiềng (rế).Xóm Đại Phu Hậu (Xóm Đông): chuyên sản xuất nong, nia, thúng, xề.Xóm Lý Nhơn (Xóm Chợ): Chuyên sản xuất dần sàn các loại.

Trong quá trình tồn tại và phát triển, làng nghề luôn chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan.Điều đó đòi hỏi làng nghề luôn thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh mới nếu không muốn bị mai một và đi đến thất truyền. Trong bối cảnh hiện nay,có thể đề cập đến một số yếu tố chủ yếu sau:

Thứ nhất: Sự xuất hiện, cạnh tranh của các mặt hàng gia dụng bằng nhựa.

Cách đây hơn nữa thế kỉ khi mặt hàng gia dụng bằng nhựa chưa xuất hiện thì đây là giai đoạn có thể nói là hoàng kim của các làng nghề mây tre đan như làng Bao La. Hàng mây tre đan Bao La từ chợ Đông Ba tỏa đi khắp các tỉnh thành trên đất nước Việt Nam.

Có một thời gian được cho là trầm lặng nhất của làng nghề là khi đồ gia dụng bằng nhựa xuất hiện ngày càng nhiều ồ ạt chiếm lĩnh thị trường, được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, mẫu mã đa dạng, phong phú, giá cả lại hợp lí khiến cho các sản phẩm mây tre đan của làng nghề bị cạnh tranh, trong khi đó nghề sản xuất mây tre đan làng Bao La chậm cải tiến kĩ thuật, mẫu mã, không đáp ứng được yêu cầu của một bộ phận thị trường mới như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm trang trí, trưng bày… và được xem như là những thứ bỏ đi. Tuy không thể xóa bỏ một làng nghề nhưng không còn đảm bảo cho sự phát triển của làng nghề cũng như cuộc sống của người làm nghề.Điều đó đòi hỏi một sự cải tiến trong kĩ thuật cũng như sự đa dạng của sản phẩm, sự tập trung có quy mô và hướng ra thị trường rộng hơn.

Năm 2007, Hợp tác xã mây tre đan Bao La được thành lập như một hướng đi mới cho làng nghề. Tính đến năm 2015, Hợp tác xã có khoảng gần 100 lao động vừa sản xuất hàng gia dụng vừa sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ cho khách du lịch cũng như xuất khẩu.

Thứ hai: Do nhu cầu của thị trường, thị hiếu của khách hàng thay đổi.

Chất lượng đời sống của người dân tăng cao, nhu cầu cũng theo đó mà vượt hơn trước rất nhiều, thị hiếu của khách hàng không chỉ là những sản phẩm mây tre đan gia dụng mà còn đòi hỏi về tính thẩm mĩ, hay là kết hợp cả hai. Vì vậy để có thể giới thiệu, quảng bá sản phẩm của làng mình, những người dân làng nghề mây tre đan Bao La buộc phải phát triển thêm nhiều sản phẩm thiên hướng về thủ công mĩ nghệ và thay đổi luôn cách thức tổ chức sản xuất để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng về số lượng lẫn chất lượng trong bối cảnh mới.

Cơ chế và nhu cầu của thị trường trong cuộc sống hiện đại đã tác động mạnh mẽ đến cách thức tổ chức sản xuất của làng nghề, đã dần dần xóa bỏ những ranh giới phân chia sản xuất theo địa phận thôn xóm. Nên việc sản xuất theo địa phận thôn xóm như trước đây không còn nữa mà thay vào đó hiện nay duy trì hai cách thức tổ chức sản xuất là sản xuất theo gia đình, các hộ gia đình và sản xuất do Hợp tác xã mây tre đan Bao La đứng ra tổ chức.

Sản xuất theo hộ gia đình thì nghề trong làng đã bước đầu chuyên môn hóa từng công đoạn cho các nhóm gia đình, thành viên trong quá trình sản xuất. Ví như để sản xuất một cái quạt theo thầy Võ Văn Hoàng cho biết: “Để làm một cái quạt hoàn chỉnh, nhóm gia đình phân chia từng công đoạn với nhau, trong một gia đình tùy vào mức độ công việc và kinh nghiệm lại có sự phân công phù hợp giữa các thành viên, có người chẻ tre, bó nan, khoan lỗ, người mài nhẵn quạt…sản xuất theo dây chuyền, nhưng dây chuyền ấy không phải là tập trung sản xuất mà tranh thủ thời gian rảnh để làm và khoáng cho nhau”.[9]

Sản xuất theo Hợp tác xã, Ông Võ Văn Dinh, chủ nhiệm Hợp tác xã mây tre đan Bao La cho hay: “Tổ chức sản xuất của hợp tác xã theo dạng dây chuyền, phân chia theo tổ để kèm cặp nhau làm, trong đó có hai tổ dành cho phụ nữ và hai tổ dành cho đàn ông, có tổ chuyên làm đèn trang trí, có tổ làm rổ, có tổ làm mành… trong tổ lại bố trí phân chia công việc cho các thành viên, mỗi người một công đoạn như có người nứt, người lận, người đan lát…”.[10]

Trước đây, các sản phẩm của làng nghề chủ yếu mây tre đan gia dụng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong mỗi gia đình, những sản phẩm này được xem là các sản phẩm truyền thống như: các loại dần, sàn, các loại rổ, rá, trẹt, nong, nia, thúng, xề… Ngày nay, theo định hướng khôi phục nghành nghề truyền thống, các cấp chính quyền địa phương đã tổ chức cho người dân các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật đan lát sản phẩm mới, đáp ứng thị hiếu xã hội như lẵng đơm hoa, lẵng trang trí, các loại giá treo đèn v.v…[11], đặc biệt từ sau khi Hợp tác xã mây tre đan Bao La được thành lập năm 2007 thì ngày càng có nhiều sản phẩm mây tre đan thủ công mỹ nghệ mang dáng dấp hiện đại, các loại đèn trang trí với hình dáng và kích cỡ khác nhau: đèn lục bình, đèn lục giác, đèn ống tre, đèn bát, đèn trái lựu… các sản phẩm ngư nghệ như: ghe đua, ghe buồm, chơm cá… phục vụ cho các nhà hàng, khách sạn, quán cafe và phục vụ khách du lịch. Mẫu mã các loại đèn mây tre đáp ứng nhu cầu của thị trường, thị hiếu của người sử dụng trong xã hội hiện nay chính là minh chứng cho những sản phẩm “cứu vãn” cho nghề truyền thống của làng không bị mai một và tàn lùi dần theo thời gian trước sự cạnh tranh của các sản phẩm bằng nhựa, giá rẻ và phần nào đó giúp danh tiếng của làng nghề được quảng bá, biết đến không chỉ trong nước mà còn ngoài nước.

Thứ ba: Sự quan tâm của nhà nước, của ban nghành các cấp về khôi phục các làng nghề truyền thống, đặc biệt sự nổ lực của người dân làng nghề.

Ngày nay, được sự quan tâm chỉ đạo của nhà nước, ban nghành các cấp về chính sách khôi phục các nghành nghề và làng nghề truyền thống. Đồng thời, một số tổ chức có các dự án hỗ trợ đào tạo, phát triển làng nghề như: chương trình tiếp cận thị trường Việt Nam do Liên minh Châu Âu và tổ chức Traidcraift của vương quốc Anh tài trợ về thiết kế mẫu đáp ứng thị hiếu của Châu Âu và tham gia hội chợ quốc tế quảng bá sản phẩm tại Anh, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã tổ chức khảo sát để đưa làng nghề Bao La thành điểm tham quan du lịch… Cùng với đó từ tháng 5 năm 2007 Hợp tác xã mây tre đan Bao La được thành lập, đó như là một hướng đi mới cho công cuộc khôi phục làng nghề, thông qua Hợp tác xã, việc sản xuất được tập trung, có quy mô và đầu ra cho sản phẩm, sản xuất ra nhiều mặt hàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Từ sự hỗ trợ các cấp ban nghành cùng với sự nổ lực nội tại của người dân làm nghề đã đưa làng nghề mây tre đan Bao La dần dần có những bước phục hồi và khởi sắc hơn.

Trong quá trình thích ứng ấy, song song với những mặt thuận lợi, nhất là những sản phẩm thủ công mĩ nghệ của làng nghề đã được thị trường đón nhận rộng rãi không chỉ trong và ngoài nước, lẽ tất nhiên luôn đi kèm với những khó khăn đang đặt ra trước mắt.

Việc xã hội ngày càng phát triển, du nhập nhiều hình thức giải trí mới mẻ đã làm cho giới trẻ hiện nay không còn mặn mà với những giá trị văn hóa truyền thống. Trong khi đó làng nghề mây tre đan Bao La muốn bảo tồn và phát huy hết giá trị của nó rất cần những người có tâm với nghề, theo Ông Võ Văn Dinh “Những người làm nghề hiện tại ở làng Bao La chủ yếu là người già và phụ nữ, thu nhập chưa cao cộng với gắn bó với nghề phải cần sự chịu khó nên giới trẻ vẫn chưa mặn mà với nghề truyền thống”.[12]Bên cạnh đó, cơ sở vật chất còn thiếu thốn dẫn đến công tác bảo quản nguyên liệu, sản phẩm gặp nhiều khó khăn nhất là mùa mưa. Hiện tại sản phẩm phơi, sấy nhờ vào năng lượng mặt trời hoặc nong trên than, quá trình phơi sấy phụ thuộc vào thời tiết, không kiểm soát được, do đó sản phẩm sản xuất ra dễ bị ẩm mốc, mối mọt. Quá trình sản xuất vẫn còn làm thủ công, người dân chưa quan tâm đầu tư máy móc để tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm tính cạnh tranh. Ngoài ra, nguồn nguyên liệu cũng gặp không ít khó khăn, hằng năm phải mua nguyên liệu từ các huyện trong tỉnh và chưa có vùng trồng nguyên liệu.[13]

Thông qua quá trình nhìn nhận, tiếp xúc thực tiễn với làng nghề, tôi thử mạnh dạn đề xuất một số phương hướng để đóng góp một phần nào đó cho công cuộc phát triển của làng nghề:

Thứ nhất: Phải khai thác triệt để kinh nghiệm, tri thức của các nghệ nhân, có tay nghề caođặc biệt hai nghệ nhân Võ Chức, Thái Phi Hùng, Bác Nguyễn Trí là những người đã lớn tuổi, thời gian gắn bó với nghề không còn bao lâu để ứng dụng và lưu truyền cho các thế hệ sau.

Thứ hai: Cần hơn nữa những chính sách, biện pháp để thu hút lao động trẻ tuổi giúp cho họ hiểu hơn về những giá trị của nghề truyền thống bởi vì họ chính là những người giữ vai trò quyết định đối với việc bảo tồn và phát triển nghề mây tre đan trong tương lai.

Thứ ba: Thiết kế mẫu, mã cho sản phẩm vừa mang phong cách truyền thống, vừa mang phong cách hiện đại, nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Tập trung phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm phục vụ các tiện ích sinh hoạt hằng ngày của cá nhân và gia đình, các mặt hàng trang trí nội thất,hàng cao cấp làm bằng song mây, tre nứa (như bàn, ghế các loại), sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch…Phát triển thêm các sản phẩm mà xã hội đang có nhu cầu như: khung tre, sọt tre cắm hoa, giỏ đựng trong siêu thị, sản phẩm phục vụ du lịch như: quạt tre, mủ nón, gối tre.

Thứ tư: Quảng bá được thương hiệu của làng nghề thông qua việc tích cực tham gia các hội chợ làng nghề, nghề thủ công, các kỳ Festival làng nghề truyền thống, triển lãm, hội chợ thương mại, các phương tiện thông tin đại chúng qua đó vừa bán hàng vừa quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, ký kết các hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp, đặc biệt xây dựng khu công nghiệp làng nghề thành địa điểm du lịch hấp dẫn.

  1. Kết luận

Ở Thừa Thiên có hai làng nghề nổi tiếng về nghề đan lát, ấy là Bầu La (Bao La) và Dạ Lê, Bao La được tín nhiệm về thúng, mủng, rổ rá, còn Dạ Lê thì được tiếng về cót (gót). Đứng trước sự biến đổi của bao nhiêu thời đại, làng nghề mây tre đan Bao La đã trải qua biết bao nhiêu bước thăng bước trầm, có lúc đạt đến đến độ hưng thịnh nức tiếng ở xứ Huế một thời, có giai đoạn lại trầm lắng khi mà mặt hàng gia dụng bằng nhựa xuất hiện, giai đoạn ấy, sản phẩm Bao La còn được xem như là những thứ “bỏ đi”, cứ ngỡ làng nghề sẽ dần dần bị mai một nhưng mây tre đan làng Bao La đã sống dậy, từng bước khôi phục và có nhiều triển vọng trong tương lai.

Trong công cuộc khôi phục các làng nghề truyền thống ở Huế thì làng nghề mây tre đan Bao La là một điển hình tiêu biểu cho sự thích ứng và phát triển phù hợp với bối cảnh mới. Đứng trước những khó khăn chung bối cảnh xã hội, những người thợ thủ công của làng Bao La đã không từ bỏ mà ngược lại luôn trăn trở để tìm những cách đi phù hợp.

Sản phẩm mây tre đan hôm nay không còn là hàng đan mây, tre với nghĩa thông thường nữa mà là những tác phẩm nghệ thuật, giá trị văn hóa kết tinh ở trong đó. Với bàn tay khéo léo và tài tình, sự mày mò, sánh tạo từng bước đi, từ mây, tre người thợ, người dân làm nghề đã tạo ra những sản phẩm mang nét tự nhiên hết sức quyến rũ, vừa mang giá trị sử dụng vừa coi trọng yếu tố thẩm mĩ.

Chỉ có sự yêu nghề, gắn bó với nghề đã làm động lực để gắn kết sức sáng tạo, những bàn tay nghệ nhân, thợ thủ công, người dân làm nghề tiếp tục tìm ra một hướng đi mới cho sản phẩm đan lát Bao La.

Thành công của làng nghề đến từ sự kết hợp của hai yếu tố đó là sự thích ứng với xu thế phát triển của thời đại nhưng vẫn coi trọng những giá trị truyền thống. Đây có thể là kinh nghiệm quý giá mà các làng nghề truyền thống khác tham khảo và vận dụng trên hành trình khôi phục và làm sống lạinhững làng nghề đặc trưng của Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tài liệu thành văn:
  2. Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Lê Thanh Minh, Trương Thị Diệu (2015), Du lịch làng nghề truyền thống Huế: hướng phát triển bền vững, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Dấu ấn Huế, bản sắc Việt trong sản phẩm thủ công truyền thống”, Uỷ ban Nhân dân thành phố Huế.
  3. Nguyễn Hữu Thông (1994), Huế – Nghề và làng nghề thủ công truyền thống, Nxb Thuận Hóa, Huế.
  4. Bảo Trân (2012), Nhân Festival Huế:Một làng nghề truyền thống có hơn 600 năm, 15-9-2016,http://kyluc.vn/tin-tuc/tin-ky-luc/nhan-festival-hue-mot-lang-nghe-truyen thong-co-hon-600-nam.
  5. Lê Văn Viện (2016), Nghề mây tre đan làng Bao La quá khứ và hiện tại, Tạp chí Huế Xưa & Nay, số 137, tr.66-69.

B.Tài liệu nhân chứng điền dã:

DSC_0095.JPG

  1. Ông Võ Văn Dinh, 60 tuổi, xóm Hóp, làng Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
  2. Ông Võ Văn Hoàng, 33 tuổi, xóm Chùa, làng Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
  3. Ông Nguyễn Trí, 82 tuổi, xóm Hóp, làng Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chú thích:

[1]Đây là kết quả đề tài khoa học và công nghệ cấp khoa của sinh viên năm 2016.

[2]Sinh viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế.

[3]Nguyễn Hữu Thông (1994), Huế – Nghề và làng nghề thủ công truyền thống, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.47.

[4]Bảo Trân (2012), Nhân Festival Huế:Một làng nghề truyền thống có hơn 600 năm, 15-9-2016, http://kyluc.vn/tin-tuc/tin-ky-luc/nhan-festival-hue-mot-lang-nghe-truyen thong-co-hon-600-nam.

[5]Nguyễn Hữu Thông (1994), Huế – Nghề và làng nghề thủ công truyền thống…, Sđd, tr.47.

[6]Nguyễn Hữu Thông (1994), Huế – Nghề và làng nghề thủ công truyền thống…, Sđd, tr.48.

[7]1 tấc = 1dm=10cm

[8]1 thước = 1m = 100cm

[9]Tư liệu phỏng vấn ngày 30 tháng 7 năm 2016.

[10]Tư liệu phỏng vấn ngày 04 tháng 09 năm 2016.

[11]Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Lê Thanh Minh, Trương Thị Diệu (2015), Du lịch làng nghề truyền thống Huế: hướng phát triển bền vững, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Dấu ấn Huế, bản sắc Việt trong sản phẩm thủ công truyền thống”, Uỷ ban Nhân dân thành phố Huế, tr.208.

[12]Tư liệu phỏng vấn ngày 04 tháng 09 năm 2016.

[13]Lê Văn Viện (2016), Nghề mây tre đan làng Bao La quá khứ và hiện tại, Tạp chí Huế Xưa & Nay, số 137, tr.68.

0