Quan hệ thương mại của Đại Việt và Java thế kỷ XI-XIV
southeast asia 1400 CE Nguyễn Tiến Dũng Vị thế của Đại Việt và Java trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XI – XIV. 1.1. Vị thế của Java Như chúng ta đều biết, Java ngày nay là một bộ phận của nước Cộng hoà Indonesia, quốc gia “đa đảo” thuộc Nam ...
Nguyễn Tiến Dũng
- Vị thế của Đại Việt và Java trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XI – XIV.
1.1. Vị thế của Java
Như chúng ta đều biết, Java ngày nay là một bộ phận của nước Cộng hoà Indonesia, quốc gia “đa đảo” thuộc Nam Thái Bình Dương. Chính vì vậy, biển là nhân tố vô cùng quan trọng. Môi trường biển không chỉ là nơi dung dưỡng cho cư dân Java về mặt vật chất mà còn là tác nhân thúc đẩy Java sáng tạo nên những giá trị tinh thần. Đồng thời, “biển còn là biên giới bao bọc Indonesia, biển là nguồn hải sản phong phú bất tận, biển còn là đường thuỷ qua lại giữa các vùng và các đảo”[3]. Nhìn từ dòng chảy lịch sử, có thể coi Java là một “Thể chế biển” có mối liên hệ vô cùng mật thiết với các tuyến hải thương và kỹ năng khai thác biển. Trong quá trình chiếm lĩnh, khai thác và khẳng định chủ quyền trên biển, người dân Java từng bước tạo dựng truyền thống hải thương, ngoại thương cũng như các mối liên hệ và giao lưu quốc tế.
Nếu như ở thế kỷ IX, các nhà buôn Đông Java bắt đầu hoạt động mạnh trong thu thập hương liệu rồi đem ra các cảng của Srivijaya để bán cho các thương nhân nước ngoài[4], thì bước sang thế kỷ X, đặc biệt thế kỷ XI, khi bối cảnh thương mại ở Đông Nam Á có nhiều biến động, việc năm 1025, vương quốc Chola ở Nam Ấn Độ tấn công vào eo biểu Malacca làm tình hình chính trị và hoạt động thương mại của Srivijaya suy yếu[5], là cơ hội để “Đông Java trở thành trung tâm buôn bán quốc tế độc lập với Srivijaya”[6]. Điều đó chứng tỏ ảnh hưởng chính trị, cũng như sức mạnh hải quân của Srivijaya đối với hoạt động thương mại của Java ở Biển Đông.
Trong sự phát triển chung của toàn bộ quần đảo, miền Đông Java không chỉ là vùng sản xuất nông nghiệp trù phú, mà ngay ở thế kỷ XII, Java đã bắt đầu quan hệ thương mại với bên ngoài và là một trung tâm thương mại quốc tế[7]. Vị trí của Java ngày càng được khẳng định khi “hàng hoá xuất khẩu chủ yếu ở vùng eo Malacca là hồ tiêu chủ yếu được sản xuất từ Java, Sumatra và các loại hương vị khác của vùng phía đông Indonesia. Từ đầu thế kỷ XI, quốc vương Airlanga và những vương triều kế tục sự nghiệp của ông đã phục hồi vương quốc đông Java, thống nhất vùng biển phía Bắc với lòng chảo nội địa và nối thông chúng với tuyến đường phía đông Indonesia trên cơ sở sự lan tỏa tín ngưỡng Shiva – Phật giáo. Đến giữa thế kỷ XIII, vương triều Singosari (sau đó là vương triều Majapahit – TG) đã bành trướng quyền lực đến tận vùng eo Malacca”[8].
Sự ra đời của vương triều Majapahit (1293) với cương vực lãnh thổ rộng lớn[9], tạo điều kiện để Java đẩy mạnh buôn bán ở nội, ngoại vùng. Thời kỳ này, những người cai trị Majapahit đã mở rộng quyền lực ra tất cả các đảo và tàn phá các quốc gia láng giềng nhưng dường như mục tiêu của họ là nhằm kiểm soát và phân phối sự buôn bán trao đổi trong các quần đảo.
Dưới thời Majapahit, mặc dù kinh đô vương quốc được đặt tách biệt với các cảng thị[10] và nằm sâu trong nội địa, nhưng do tận dụng được hệ thống sông ngòi dày đặc, lại có mối liên hệ mật thiết với môi trường biển, cho nên không chỉ mạng lưới nội thương của Java là dòng chảy liên tục và thông suốt, mà các hoạt động ngoại thương cũng có những bước phát triển mang tính trội vượt. Để bù đắp sự thiếu hụt về hàng hoá và thoả mãn nhu cầu tiêu dùng những người cầm quyền Java đã chia sẻ nhiều quyền lợi với thủ lĩnh của các thế lực địa phương[11]. Thóc gạo trở thành mặt hàng buôn bán chính, được chở từ nội địa tức từ các châu thổ và thung lũng theo đường sông tới các hải cảng. Bên cạnh đó, các mặt hàng ngoại nhập cũng theo các tuyến sông chở vào nội vùng. Các cảng thị thời kỳ này không chỉ giữ vị trí chính trị và văn hoá quan trọng[12] mà với sự năng động của mình, các thương nhân Java chở lúa gạo từ các thương cảng đến miền Đông Indonesia để đổi lấy gia vị. Những gia vị này được mang trở lại Java, để trao đổi với các thương nhân phương Đông và phương Tây[13] về kim loại, thuốc nhuộm, gốm, sứ, tơ lụa, dệt bông … Đến đây, cấu trúc giao dịch thương mại tam giác được hình thành[14].
Kinh tế Java thời Majapahit đã phát triển cả về nông nghiệp, thủ công nghiệp, đây thực sự là tiền đề quan trọng để Java thúc đẩy các hoạt động ngoại thương. Thực tế cho thấy, “ở Java, việc mở rộng thuỷ nông ở các đồng bằng giữa Japara và Gresik là nhân tố chủ yếu trong sự phát triển liên tục của vương quốc hùng mạnh Kadiri, Singosari, Majapahit”[15]. Lúc này, không chỉ lái buôn Ấn Độ, Ảrập, Trung Quốc đến đây buôn bán hương liệu, gia vị mà “bản thân cư dân ở đây cũng vượt biển đi nhiều nơi để làm thương mại”[16]. Với những hoạt động tích cực và năng động, các thương nhân Java cho thấy họ có nền hải thương vào loại mạnh nhất Đông Nam Á thời bấy giờ.
Qua các mối liên hệ với thế giới bên ngoài, cư dân Java đã tiếp thu, thẩm thấu và tích hợp nên một nền văn hoá Java vừa giàu bản sắc, vừa lĩnh hội được những giá trị từ các yếu tố văn hóa bên ngoài. Đến thế kỷ XI – XIV, Java không chỉ là một thể chế mạnh và quan trọng của khu vực mà với truyền thống và nền hải thương mạnh của mình, Java đã tích cực tham gia các hoạt động thương mại ở Biển Đông. Các cảng thị của nó như Tuban, Gresik, Surabaya… có vai trò như các cảng thị quốc tế, thu hút đông đảo các tàu bè của thương nhân phương Đông và phương Tây đến trú ngụ, buôn bán.
Đặc biệt, dưới thời Majapahit, “thương mại không chỉ là nguồn thu nhập kinh tế quan trọng mà còn là động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở Java và khai thác các nguồn hương liệu ở các vùng đảo khác”[17]. Thực chất, Java không phải là quốc gia hướng nội, mà nó là vùng nội địa có cách nhìn hướng ngoại, kinh tế nông nghiệp kết hợp chặt chẽ với các hoạt động thương nghiệp. Java vừa là trạm trung gian, vừa là nơi cung cấp mặt hàng thương mại, nhưng đồng thời bản thân cư dân Java cũng tích cực, chủ động vượt biển tham gia vào các hoạt động giao thương. Tính tích cực, chủ động đó đã khiến cho Java có mối liên hệ rộng lớn với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới mà một trong số đó là Đại Việt – Quốc gia ở Đông Nam Á lục địa.
1.2. Vị thế của Đại Việt
Java với một truyền thống hải thương lâu đời, là một “Thể chế biển” điển hình ở Đông Nam Á, đây là vấn đề không thể phủ nhận, nhưng Việt Nam có hay không có truyền thống thương mại[18]? Trong khi vấn đề “Truyền thống ngoại thương Việt Nam” còn là chủ đề tranh luận của nhiều nhà nghiên cứu trong nước và ngày càng được chứng minh và làm sáng tỏ thì các học giả quốc tế có cách nhìn khá lạc quan về nền ngoại thương Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt dưới thời Lý – Trần. Trong số đó, nhà nghiên cứu John K. Whitmore cho rằng: “Cho đến nay, chúng ta thường thừa nhận rằng Việt Nam ít quan tâm đối với thương mại nhưng gần đây các học giả chú ý hơn về vị trí của Việt Nam, ít nhất từ thế kỷ XI, trên con đường ngang đến sông Mêkông theo đường Nghệ An và xuống dưới Campuchia, kết nối với vương quốc Angkor phồn thịnh”[19]. Sự nổi lên của các cảng thị và vùng lãnh thổ phía Nam Đại Việt – vùng biên viễn, dường như có mối liên hệ mật thiết với chính quyền trung ương vùng đồng bằng sông Hồng. Phải chăng “từ giữa thế kỷ XI, Đại Việt diễn ra sự thay đổi kinh tế, đi kèm với sự phát triển của cấu trúc xã hội. Sự thay đổi lớn đầu tiên đó là ở vùng trung tâm và bao quanh kinh thành Thăng Long. Vùng biến đổi thứ hai là khu vực hạ lưu sông và dọc theo khu vực duyên hải kết nối với sự mở rộng giao thương quốc tế của nhà Tống thời gian này”[20].
Cùng chia sẻ với quan điểm đó, học giả Li Tana phân tích: “Giao Châu và Quảng Châu là hai trung tâm buôn bán lớn trong kỷ nguyên thương mại thời Đường, nhưng những gì khác nhau giữa hai trung tâm này chưa bao giờ được nhìn nhận hoặc là nhìn nhận một cách thiếu chính xác. Trong khi hoạt động của Quảng Châu chủ yếu là hải thương thì Giao Châu thiết lập mạng lưới buôn bán nội địa nối liền với cư dân Khmer, Chăm, Lào và Vân Nam. Mạng lưới buôn bán này dựa vào sự kết nối của hệ thống sông – biển, trong đó miền Trung Việt Nam giữ vị trí quan trọng. Hệ quả tất yếu là, những hàng hóa nổi tiếng của Giao Chỉ trong những thế kỷ này chiếm số đông không phải là những sản phẩm bản địa, chẳng hạn như trong danh sách cống phẩm từ Ngưu Hống (khu vực Yên Châu, Sơn La ngày nay) và Ai Lao (Lào ngày nay) đến Đại Việt năm 1067: “vàng, bạc, dầu thơm, sừng tê giác và ngà voi”[21].
Đây là những nhận định rất đáng chú ý về hoạt động ngoại thương của quốc gia Đại Việt thời Lý – Trần, cách nhìn nhận đó khiến chúng ta cần xem xét lại và lý giải thấu triệt hơn về kinh tế thương mại của Việt Nam trong lịch sử. Những hạn chế[22] của hoạt động ngoại thương thời kỳ này là điều khó có thể phủ nhận, song kinh tế thương nghiệp mà cụ thể là các hoạt động ngoại thương tuy chưa thể là dòng kinh tế chủ đạo, chi phối và thúc đẩy các ngành kinh tế khác nhưng không phải vì thế mà phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại cũng như sự gia tăng của các hoạt động thương mại.
Có nên chăng khi tìm hiểu lịch sử ngoại thương Việt Nam nói chung, hoạt động ngoại thương thời đại Lý – Trần nói riêng, chúng ta nên hạn chế cách nhìn vùng, miền tức chỉ nhìn kinh tế thương mại Việt Nam qua lăng kính của khu vực đồng bằng Bắc bộ, qua thế ứng xử của cư dân nơi đây. Cũng nên tránh cách nhìn “mạt thương” của Nho giáo[23] về một thời kỳ mà Nho giáo vẫn chưa thật sự nắm vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội, cũng như cách nhìn định kiến về một xã hội nông nghiệp Đại Việt luôn đóng kín. Nếu giữ cách nhìn như vậy, chúng ta sẽ khó nhận thấy rằng: Việc các thương cảng của quốc gia Đại Việt thời Lý – Trần đã thu hút đông đảo các thuyền buôn ngoại quốc, xuất hiện một cách đều đặn và liên tục, là một vấn đề rất logic và gắn bó hữu cơ đối với nhu cầu phát triển của một nền kinh tế đang có xu hướng vận động và mở rộng giao lưu với bên ngoài?
Như vậy, có thể thấy rằng Đại Việt thời kỳ này về cơ bản là quốc gia lấy nông nghiệp làm chủ đạo, song với các hoạt động kinh tế đa dạng của một quốc gia, Đại Việt vẫn dự nhập vào hệ thống thương mại Biển Đông khi có điều kiện chủ quan và khách quan thuận lợi.
- Quan hệ thương mại của Đại Việt và Java
Khảo cứu hoạt động thương mại của Đại Việt và Java thế kỷ XI – XIV, chúng ta thấy rằng: Dường như quan hệ buôn bán chỉ “cầm chừng để hỗ trợ cho quan hệ ngoại giao”. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, quan hệ bang giao có thể đồng nghĩa với quan hệ thương mại và quan hệ bang giao dường như đã “hoà nhập” với quan hệ thương mại. Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Nhật Bản Momoki Shiro khi khảo sát quan hệ triều cống của Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á, ông cho rằng giá trị vật tặng mà triều đình Trung Quốc “ban lại” cho các phái đoàn triều cống cao hơn nhiều cống phẩm mà các nước “chư hầu” dâng tặng “thiên triều”[24]. Phải chăng trong quan hệ thương mại – bang giao giữa Đại Việt và Java điều đó đã từng xảy ra và là nhân tố thôi thúc Java thiết lập quan hệ bang giao với Đại Việt – một quốc gia tương đối xa xôi. Sự ghi chép ít ỏi trong các nguồn thư tịch cổ chưa cho phép chúng ta khẳng định điều đó nhưng cũng phải thấy rằng Đại Việt có vị trí đặc thù trong hệ thống giao thương châu Á bởi sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên, có tuyến biển rộng lớn và gần kề với khu vực thị trường miền Nam Trung Hoa.
Và quan hệ thương mại – bang giao của Đại Việt và Java thời Lý – Trần ghi chép trong các nguồn thư tịch cổ được coi là quan hệ chính thức – quan phương. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Thời Lý, thuyền buôn Java đến “triều cống”, buôn bán những năm 1066 và 1149[25] và thời Trần những năm 1349, 1360, 1394. Sử cũ đã chép: “Kỷ Sửu (1349), mùa hạ, tháng 5, nước Đại Oa sang cống sản vật địa phương và chim vẹt đỏ biết nói”[26]; “Canh Tý (1360), mùa đông, tháng 10, thuyền buôn của các nước Lộ Lạc, Trảo Oa, Xiêm La đến Vân Đồn buôn bán, tiến vật lạ”[27]; “Giáp Tuất (1394), mùa xuân, tháng Giêng, thuyền buôn nước Chà Bà tới dâng ngựa lạ”[28]. Sách Đại Việt sử ký cũng cho biết thêm về các hoạt động ngoại thương mà theo chúng tôi là có liên quan đến sự kiện lập trang Vân Đồn năm 1149: “Vua thấy hải thương có nhiều hàng quý và sản vật phương xa, tiện cho việc thông thương và thượng tiến, cho lập trang ở các nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn để cho họ ở”[29]. Như vậy, những ghi chép về quan hệ thương mại của Đại Việt và Java thời Lý – Trần trong các nguồn thư tịch cổ là không nhiều nhưng đây là cơ sở quan trọng xác nhận quan hệ thương mại giữa hai nước trong suốt thế kỷ XI – XIV.
Không chỉ các nguồn thư tịch cổ Việt Nam, mà các nguồn thư tịch cổ của Java cũng xác nhận mối quan hệ này. Nagarakertagama được biên soạn nửa cuối thế kỷ XIV là tập thơ, tập sử biên niên nổi tiếng của Java và Indonesia. Những ghi chép của Nagarakertagama về thương mại là không nhiều nhưng nó cho thấy tầm quan trọng của thương mại với sự phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng uy quyền của nhà vua trên hòn đảo Java. Hoạt động hải thương gắn liền với các lễ hội, đặc biệt là lễ hội Caitra – một lễ hội lớn trong năm, “ở đó thương nhân Ấn Độ, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Champa, Việt Nam và những nước khác tụ tập để bày tỏ lòng tôn kính và dâng tặng các món quà lên quốc vương của Majapahit”[30]. Đây là thông tin vô cùng quý giá song vẫn cần sự kiểm chứng vì tư liệu được sử dụng vẫn là nguồn tư liệu gián tiếp nhưng nếu đây là thông tin chuẩn xác thì sẽ góp phần ghi nhận khả năng vượt biển đến những vùng đất xa xôi của các thương nhân Đại Việt cũng như góp phần khẳng định quan hệ thương mại – bang giao giữa Đại Việt và Java thời kỳ này là quan phương và hai chiều.
Có hay không có sự hiện diện của thương nhân Đại Việt ở Java thời kỳ này? Do sự ghi chép ít ỏi của các nguồn thư tịch cổ Việt Nam cho nên đây vẫn là câu hỏi lớn đối với các nhà nghiên cứu. Nhưng, sự hiện diện và khả năng vượt biển của thương nhân Đại Việt đến đảo Hải Nam[31] và các vùng khác ở Nam Trung Hoa đã được các nguồn thư tịch cổ Trung Quốc ghi chép. Sách Tục tư trị thông giám trường biên của Lý Đào – người đời Nam Tống – có chép: “Tháng 6, Giáp Tý, niên hiệu Đại Trung Tường Phù thứ 5 đời Tống Chân Tông (1012), Chuyển vận sứ của Lộ Quảng Nam Tây tâu rằng: Lý Công Uẩn ở Giao Châu xin được đưa người và thuyền đến thẳng Ung Châu để buôn bán”[32]. Bộ sách Lĩnh ngoại đại đáp được biên soạn dưới thời Tống, còn chép thêm: “Tất cả các thứ doanh sinh của Giao Chỉ, đều trông cả vào Khâm Châu, thuyền bè đi lại không ngớt. Trường bác dịch ở trạm Giang Đông ngoài thành. Những người đem cá, trai đến đổi lấy đấu gạo, thước vải gọi là dân Đãn ở Giao Chỉ. Phú thương nước ấy lại đổi chác, tất phải từ châu Vĩnh Yên ở biên nước ấy đưa điệp sang Khâm thì gọi là “tiểu cương”; nước ấy sai sứ đến Khâm, nhân tiện để đổi chác, thì gọi là “đại cương”. Các thứ họ mang đều là vàng, bạc, đồng, tiền, trầm hương, quang hương, thục hương, chân châu, ngà voi, song tê. Tiểu thương của ta (Trung Quốc – TG) ở gần bán cho các thứ bút, giấy, gạo, vải”[33]. Những ghi chép này là nguồn bổ sung rất có giá trị cho các bộ chính sử Việt Nam, điều này cho thấy phần nào sự năng động, khả năng vượt biển cũng như hoạt động giao thương của thương nhân Đại Việt ở nước ngoài[34]. Từ đó, với cách nhìn đồng đại và đối sánh cho phép chúng ta có thể liên tưởng đến khả năng thương nhân Đại Việt đã vượt biển đến Java để tiến hành giao thương là điều rất có thể xảy ra.
Vậy thời Lý – Trần mặt hàng buôn bán chính giữa hai nước là gì? Và hoạt động thương mại diễn ra với cường độ như thế nào? Đây thật sự là một khoảng trống về nhận thức lịch sử, những ghi chép ít ỏi trong các nguồn thư tịch cổ, chưa cho chúng ta thấy rõ vấn đề này. Căn cứ vào hoạt động ngoại thương của Đại Việt thế kỷ XI – XIV “hàng xuất của ta thường là lâm thổ sản và hàng nhập khẩu là các sản phẩm như giấy bút, tơ vải, gấm, vóc”[35]. Đây là cứ liệu gián tiếp và cũng chưa thật sự cụ thể, trong tương quan buôn bán của Đại Việt với nhiều quốc gia thời kỳ này. Trong 5 lần đại diện của Java đến Đại Việt thời Lý – Trần[36], có thể liệt kê các mặt hàng mà họ mang đến để thiết lập quan hệ bang giao thương mại gồm: Ngọc châu dạ quang, chim vẹt đỏ biết nói, ngựa lạ, vật lạ, sản vật lạ. Trong Vân đài loại ngữ, học giả Lê Quý Đôn cũng cho biết thêm: “Đời nhà Trần, thuyền buôn thông thương các nước như: Vóc đoạn của các nước Tây dương[37]; vải hoa, trân châu, cánh trả, kim la (thanh la) của Trà Và; gấm, chim ưng, cá sấu, da tê, ngà voi, trầm hương, bạch đàn của Miên, Lào, không thiếu thứ gì, đều là những thứ đời sau ít có”[38]. Những ghi chép của Lê Quý Đôn là rất đáng ghi nhận, song Lê Quý Đôn là người không trực tiếp sinh sống ở thời Trần cho nên những số liệu trên vẫn cần được kiểm chứng. Tuy nhiên, nhận xét của Lê Quý Đôn, một học giả lớn thế kỷ XVIII, miêu tả hoạt động ngoại thương diễn ra từ nhiều thế kỷ trước khiến chúng ta có thể liên tưởng rằng hẳn hoạt động ngoại thương thời Trần phải là hoạt động phát triển nổi bật trong đó có giao thương với Java. Các nguồn thư tịch cổ tuy có chép nguồn hàng mà Java mang đến, nhưng tuyệt nhiên không ghi chép một chút nào số lượng hàng hoá, sản vật mà Đại Việt đem ra buôn bán và tặng lại.
Tuy nhiên, bên cạnh quan hệ quan phương – chính thức, chúng ta chắc chắn có thể khẳng định quan hệ buôn bán “phi quan phương” giữa Đại Việt và Java đã hình thành thời kỳ này. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép “Mậu Tý (1348) mùa đông, tháng 10, thuyền buôn nước Đồ Bồ đến hải trang Vân Đồn ngầm mua ngọc trai. Người Vân Đồn nhiều kẻ mò trộm ngọc trai bán cho họ. Chuyện này bị phát giác đều bị tội cả”[39]. Và quan hệ “phi quan phương” thực sự trở thành nhu cầu bức thiết, là cách thức để thương nhân Java hỗ trợ quan hệ triều cống, và còn để họ khắc phục sự thiếu hụt các mặt hàng quý hiếm và các vật dụng tiêu dùng. Phải chăng do hoạt động thương mại ngoài luồng (phi quan phương) diễn ra phổ biến và mạnh mẽ đến mức khiến nhà Trần ngay năm sau “năm Kỷ Sửu (1349), đặt quan trấn, quan lộ và sát hải sứ ở trấn Vân Đồn, lại đặt quân Bình Hải để trấn giữ”[40]. Hành động này của vương triều Trần dường như mục đích là nhằm bảo vệ an ninh của tổ quốc, nhưng hàm chứa trong đó là khát khao nắm giữ và kiểm soát độc quyền hoạt động kinh tế đối ngoại của đất nước, trong đó có quan hệ thương mại đối với Java.
Khi nghiên cứu quan hệ thương mại của Đại Việt và Java thời Lý – Trần, một mặt hàng không thể bỏ qua đó là gốm sứ. Với tính năng là một loại hình sản phẩm hàng hoá có khả năng chống trả mãnh liệt và bền bỉ tồn tại ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt nhất của tự nhiên, những phát hiện khảo cổ học về gốm sứ thời Trần là nguồn sử liệu vô cùng quan trọng, minh chứng cho quan hệ thương mại của hai nước. Điều đáng chú ý là loại hình hiện vật này đã bổ sung cho những ghi chép trong các nguồn sử liệu cổ. Ở Việt Nam, thời Lý “những vật liệu gốm từ thế kỷ XI về sau, đồ dùng trong việc ăn uống đã được phân định rõ ràng và đồ gốm tham gia nhiều hơn vào đời sống ẩm thực”[41]. Gốm thời Lý xuất hiện với đa dạng về loại hình và chủng loại như bát, đĩa, âu, ấm, cối, lon, bình vôi… với các hoạ tiết hoa văn phong phú, tinh tế, điều này góp phần cho thấy “nghề gốm men đã có bước phát triển cao cả về kỹ thuật và nghệ thuật”[42].
Kế tiếp thời Lý, những phát hiện khảo cổ mới đây cho chúng ta thấy gốm sứ thời Trần là mặt hàng buôn bán rất đáng chú ý trong hệ thống thương mại biển Đông. Hiện nay, người ta đã tìm thấy nhiều đồ gốm tráng men thời Trần rất đẹp điều đáng chú ý là trong lịch sử nhà Nguyên đã bắt vua Trần cống cả chén bát sứ[43]. Điều đó chứng tỏ rằng đồ gốm của Đại Việt thời bấy giờ khá độc đáo và tinh xảo. Chúng ta đều biết vào thời Trần “làng xã Đại Việt bắt đầu sản xuất gốm sứ và tơ lụa cho xuất khẩu và kỹ thuật cải tiến cuối thời Trần đã làm cho việc sản xuất đồ men nâu chìm mang kiểu dáng Nguyên vốn được giá trên thị trường quốc tế trở thành thực thi”[44]. Với đặc tính thông dụng và có thể sử dụng, bảo quản được lâu dài, gốm sứ trở thành mặt hàng ưa thích của giới quý tộc thời bấy giờ. “Từ thời Trần, chỗ đứng của đồ gốm Việt Nam trên thị trường Đông Nam Á dần trở nên vững chắc và ổn định”[45]. Theo nghiên cứu của các nhà Khảo cổ học, gốm Việt Nam dưới thời Trần, được sản xuất rộng rãi ở Thanh Hoá, Thiên Trường (Nam Định), đặc biệt là ở Chu Đậu – Hải Dương (vào cuối thời Trần).
Phải chăng “gốm màu lục và gốm màu trắng của Đại Việt được sản xuất là nhằm đáp ứng đòi hỏi của thị trường Tây Á, với những sản phẩm đẹp mắt được xuất khẩu đến Ba Tư (Persia), Ai Cập, và Thổ Nhĩ Kỳ…”[46]. Thật đáng tiếc là, gốm sứ thương mại của Đại Việt không được các sử gia phong kiến ghi chép cụ thể trong các bộ chính sử, để có thể khẳng định chắc chắn vấn đề này. Song với lượng gốm sứ thời Trần phát hiện được nhiều vùng trên thế giới có thể gốm sứ trở thành một trong những mặt hàng quan trọng để Đại Việt thiết lập quan hệ thương mại với nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Java.
Hiện nay, bằng những thành tựu khảo cổ học mới, các nhà khảo cổ học Việt Nam đang dần làm sáng tỏ vấn đề này. Nhà khảo cổ học Bùi Minh Trí cho rằng: “Trong số các di tích gốm Việt Nam ở Đông Nam Á, thì quần đảo Indonesia được xem là nơi nổi tiếng nhất tìm thấy đồ gốm quý của Việt Nam … Đáng chú ý nhất là những phát hiện ở Trowulan, trung tâm vương quốc Majapahit (1292-1500) nằm ở miền Đông Java… Xung quanh thủ đô của vương quốc này, người ta tìm thấy rất nhiều đồ gốm thương mại của Việt Nam, chủ yếu là gốm màu lam”[47].
Cùng với các phát hiện trên, một số công học giả quốc tế cũng cho rằng “các đồ gốm tráng men (của Đại Việt – TG) được sử dụng rộng rãi ở Đông Java, đối tác cung cấp cho triều đình Majapahit, các đồ gốm tráng men và gốm thô được chỉ ra rằng chúng được sản xuất ở vùng Hải Dương”[48].
Nhưng một khó khăn cho chúng tôi đó là, gốm sứ Việt Nam phát hiện ở châu Á nói chung và Java nói riêng chủ yếu vào giai đoạn từ cuối thời Trần trở về sau. Cho nên, vấn đề phân loại và sử dụng gốm sứ làm tài liệu trong quá trình phác dựng lại quan hệ thương mại hai nước thời Lý – Trần là công việc đòi hỏi sự thận trọng và tỉ mỉ. Bên cạnh đấy cũng cần lưu ý rằng, những hiện vật gốm sứ của Đại Việt tìm thấy xung quanh kinh đô của vương triều Majapahit cũng có thể là những hiện vật được mang đến vào thời kỳ sau này. Tuy nhiên, điều đặc biệt là, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hiện vật gốm sứ của Việt Nam ở Java không chỉ từ cuối thời Trần trở về sau mà tại cảng thị Tuban – thương cảng nổi tiếng ở miền Đông Java, gốm sứ Việt Nam khai quật được có niên đại xác định là của thế kỷ X[49]. Tuy số lượng tìm được không thật phong phú nhưng hiện vật gốm của Việt Nam đã khai quật ở Java có niên đại thế kỷ X cho thấy gốm sứ Việt Nam đã sớm tham gia vào thị trường gốm sứ khu vực và quốc tế. Qua đó, chúng ta cũng có thể liên tưởng đây có thể là một trong những mặt hàng giao dịch của Đại Việt và Java trong suốt thời đại Lý – Trần.
Điều này sẽ có nhiều cơ sở hơn khi chúng ta đặt giao dịch gốm sứ giữa Đại Việt và Java vào bối cảnh thương mại khu vực, trong các mối quan hệ – tương tác của giao lưu quốc tế thời kỳ này. Trong đó, Trung Quốc với vị thế là một trong những đế chế và trung tâm kinh tế lớn ở phương Đông, vì vậy, Trung Quốc – mà đặc biệt là vùng Nam Trung Hoa, là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu như đối với Java, thông qua quan hệ với Đại Việt, Java có thể tiếp xúc – thông thương thuận lợi hơn với vùng kinh tế Nam Trung Hoa; thì đối với Việt Nam quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc được coi là quan hệ có tính truyền thống nhất[50]. Buôn bán nhộn nhịp giữa hai nước không chỉ được diễn ra tại dọc biên giới trên bộ, đặc biệt dưới thời Lý thông qua các “bạc dịch trường”[51], mà còn diễn ra sôi động trên biển, tại hệ thống thương cảng Vân Đồn và dọc theo vùng duyên hải.
Không chỉ dừng lại đó, dường như, hoạt động của các Hoa thương thời kỳ này còn có ảnh hưởng đối với quan hệ thương mại của Đại Việt và Java, bởi bên cạnh quan hệ thương mại trực tiếp, hoạt động giao thương của Đại Việt và Java dường như còn diễn ra gián tiếp qua nhân tố Trung Hoa. Và với những hoạt động năng nổ và tích cực của mình, thương nhân Trung Hoa đã khẳng định: “sự phát triển của tiền đồng Trung Hoa trong buôn bán ở vùng eo Malacca, đã được kết nối với sự thịnh vượng của Java. Ở Đông Nam Á hải đảo, tiền đồng Trung Hoa nắm giữ được vị trí quan trọng ở ba địa điểm: Java, Kota Cina và Temasik. Trong đó, Java là một thể chế kinh tế và chính trị lớn ở Đông Nam Á hải đảo trong suốt thế kỷ XI – XIV. Sự khai quật các địa điểm khảo cổ học xác định từ thế kỷ XI, trong lưu vực đồng bằng sông Brantas (đồng bằng miền Đông Java – TG) đã cung cấp một số lượng lớn tiền đồng Trung Quốc”[52].
Trong khi chính sử Việt Nam ghi chép hạn chế về Java và các hoạt động thương mại với quốc gia này, thì các bộ thư tịch cổ Trung Quốc lại ghi chép khá cụ thể về Java. Như sách Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi có chép: “Nước Đồ Bà[53] lại có tên là Bồ Gia Long, ở phía Đông Nam biển. Địa thế thấp cho nên gọi là “Hạ Ngạn”. Ở Quảng Châu, từ khoảng tháng 11, tháng 12, thuyền buôn bắt đầu đi, thuận chiều gió, đi cả ngày đêm, thì một tháng có thể đến nơi. Quốc vương búi tóc ở sau gáy còn nhân dân thì cạo đầu để tóc ngắn. Họ thích dùng vải hoa để quấn mình. Lấy quả dừa cùng nước cây thát thụ làm rượu. Đường mía có sắc đỏ trắng, vị rất ngon ngọt. Dùng bạc, thau, thiếc nấu lẫn đúc làm tiền. Tiền ấy cứ 60 tiền tính là một lạng vàng, dùng 32 tiền là nửa lạng vàng. Thổ sản có hồ tiêu, đàn hương, đinh hương, bạch đậu khấu, nhục đậu khấu, trầm hương”[54]; “Các phiên quốc có nhiều hóa vật quý báu, không nước nào bằng nước Đại Thực (có thể là Ấn Độ – TG), thứ đến nước Đồ Bà, lại thứ đến nước Tam Phật Tề[55], rồi là các nước khác mà thôi. Nước Tam Phật Tề là nơi mà các nước đi lại đường biển phải qua. Tam Phật Tề mà lại Trung Quốc, thì đi thuyền theo hướng chính Bắc, qua các đảo Thương, Hạ Trúc và biển Giao Chỉ mới đến cõi của Trung Quốc. Còn muốn đến Quảng thì vào cửa Đồn Môn, muốn đến Tuyền Châu, thì vào từ cửa Giáp Tý. Đồ Bà mà lại, thì đi thuyền theo hướng hơi Tây Bắc, qua đá Thập nhị tử Thạch rồi nhập cùng đường biển của Tam Phật Tề ở dưới đảo Trúc Dữ”[56]. Sách Minh sử còn chép thêm: “Vĩnh Lạc, năm thứ ba (1405) , sai sứ theo sứ thần Qua Oa đến triều cống. Nước ấy còn có tên gọi là Miêu Lý Vụ ở gần Lữ Tống (có thể là vùng Luzon thuộc Philippines ngày nay – TG). Thuyền buôn qua lại dần dần trở thành đất giàu có. Người Hoa đến nước ấy, không dám bắt nạt, phép buôn bán rất sòng phẳng, cho nên người Hoa nói rằng: “Nếu muốn giàu có thì phải đến Miêu Lý Vụ”[57].
Như vậy, các nguồn thư tịch cổ Trung Quốc là những nguồn tư liệu rất có giá trị, bổ sung có hiệu quả cho các bộ chính sử Việt Nam. Qua việc tham khảo các nguồn thư tịch cổ đó, chúng ta không chỉ biết tới vị trí, đất nước, con người, văn hóa Java; mà chúng ta phần nào còn thấy lộ trình hải thương giữa Trung Quốc và Java nói riêng và lộ trình thương mại ven bờ ở biển Đông thời kỳ này nói chung. Trong đó, không chỉ diễn ra hoạt động giao thương đơn tuyến giữa Đại Việt – Java, Đại Việt – Trung Quốc, hay Trung Quốc – Java; mà dường như đã hình thành tam giác giao thương Đại Việt – Trung Quốc – Java. Đây là điều rất có cơ sở diễn ra vì theo An Nam hành ký của Từ Minh Thiện thì trong số đồ cống cho vua Nguyên năm 1289, có 20 súc vải trắng Java, 10 súc vải màu Java và 3 tấm đoạn lông vàng nước Tây dương[58]; thêm vào đó lại đặt trong bối cảnh “từ giữa thế kỷ XI, có sự đẩy mạnh buôn bán quốc tế giữa Đông Java và Nam Trung Quốc, điều này góp phần thúc đẩy tiếp xúc chính trị và văn hoá của những vùng xung quanh, như Angkor với Vijaya, Nam Trung Quốc với vùng duyên hải của Đại Việt”[59].Phải chăng thông qua việc thiết lập mối liên hệ mật thiết với Trung Quốc, quan hệ Đại Việt – Java có điều kiện tiếp xúc – thông thương thuận lợi hơn, trong đó có giao thương gốm sứ.
- Một số nhận xét
Như vậy, quan hệ của Đại Việt và Java thế kỷ XI-XIV là mối quan hệ diễn ra khá đa dạng dưới nhiều hình thức. Cùng với quan hệ chính trị – ngoại giao còn có quan hệ thương mại và những hoạt động buôn bán phi quan phương (thương mại ngoài luồng, giao lưu gốm sứ – hoạt động không được ghi chép trong các bộ chính sử). Tuy nhiên, thật khó có thể phân định một cách thật rõ ràng là, trong quan hệ của hai nước thời kỳ này đâu là quan hệ chính trị – bang giao, đâu là hoạt động thương mại thuần túy. Quan hệ thương mại và quan hệ chính trị – ngoại giao dường như có mối liên hệ mật thiết và trong nhiều trường hợp có sự giao hoà với nhau. Như Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa thu, tháng 9 (1066), lái buôn người nước Trảo Oa, dâng ngọc châu dạ quang, trả tiền giá 1 vạn quan tiền”[60]. Có thời điểm quan hệ chính trị – ngoại giao mở đường và hỗ trợ có hiệu quả cho các hoạt động thương mại[61]. Nhưng trong nhiều thời điểm, quan hệ thương mại giữa hai nước không chỉ hỗ trợ cho quan hệ ngoại giao mà nó trở thành một ngành kinh tế độc lập, thúc đẩy các mối quan hệ khác. Và trong tương quan quan hệ của Đại Việt với các quốc gia khu vực thời kỳ này, trong khi quan hệ của Đại Việt với Champa, Chân Lạp yếu tố chính trị – ngoại giao là nổi trội; thì quan hệ của Đại Việt với Java yếu tố thương mại có phần sâu đậm và điển hình hơn.
Đồng thời, khi nghiên cứu quan hệ ngoại thương của hai nước, chúng ta cũng nên nhìn nhận vị thế của Đại Việt và Java trong các hoạt động thương mại Biển Đông trong thế ứng xử của hai dân tộc với các đối tác trong khu vực. Vào thời này ở khu vực đã xuất hiện một số đế chế lớn cả về chính trị và kinh tế. Trong đó, Trung Quốc là một đối tác kinh tế lớn, là thị trường thu hút, hấp dẫn nhiều quốc gia. Và điều không thể không nhấn mạnh là vai trò trung gian quan trọng của Trung Quốc trong quan hệ thương mại của Đại Việt và Java thời kỳ này.
Bằng các nguồn tài liệu hiện có, chúng tôi cố gắng phác dựng lại mối quan hệ thương mại của Đại Việt với Java thời Lý – Trần. Hiện nay, các nguồn thư tịch cổ Việt Nam viết về quan hệ thương mại của hai dân tộc là không thật sự phong phú. Các nguồn tư liệu đó không thể hiện được quy mô, các mặt hàng buôn bán, số lượng trao đổi cụ thể giữa hai bên. Nhưng, dựa vào một số nguồn tư liệu quý trong Đại Việt sử ký toàn thư của Đại Việt và tập sử biên niên – tập thơ Nagarakertagama nổi tiếng của Java, chúng ta có thể khẳng định rằng từ đầu thời Lý quan hệ chính thức giữa hai nước đã thật sự được thiết lập. Đồng thời, đặt hai quốc gia trong bối cảnh khu vực, quốc tế và trong hoạt động thương mại ở Biển Đông thế kỷ XI – XIV, cùng với nguồn tư liệu gốm sứ phong phú kết hợp với mạng lưới buôn bán “phi quan phương” mở rộng là điều kiện để quan hệ thương mại của Đại Việt và Java thời Lý – Trần không chỉ được duy trì liên tục mà ngày càng có nhiều chuyển biến mới. Trong đó, quan hệ Đại việt – Java thời Lý có vai trò xác lập, tạo dựng nền tảng còn thời Trần là sự kế thừa và phát huy ở một tầm cao hơn. Từ đó có thể cho rằng bằng điều kiện và khả năng thích ứng, Đại Việt và Java đã hoà nhập vào hoạt động thương mại Biển Đông ở những mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy: từ thời Lý, Đại Việt đã có quan hệ tương đối thường xuyên và mật thiết với một số nước trong khu vực, trong số đó có Java một – Thể chế biển điển hình ở Đông Nam Á.
—
Chú thích:
[1] Xin xem cụ thể: Nguyễn Thị Phương Chi – Nguyễn Tiến Dũng: Về các mối giao thương của quốc gia Đại Việt thời Lý, Trần (thế kỷ XI – XIV), Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 7 – 2007, tr. 23 – 37.
[2] Nếu không tính một thời gian ngắn bị gián đoạn dưới thời Hồ: 1400 – 1407 và thời thuộc Minh: 1407 – 1428, Đại Việt liên tục là quốc hiệu của Việt Nam, kể từ khi Lý Thánh Tông đổi quốc hiệu từ Đại Cồ Việt sang Đại Việt năm 1054 cho đến khi vua Gia Long đổi quốc hiệu Đại Việt thành Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX.
[3] Ngô Văn Doanh: Inđônêxia những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 1995, tr. 14
[4] Ngô Văn Doanh: Inđônêxia những chặng đường lịch sử, sđd, tr. 55.
[5] Hoàng Anh Tuấn: Cù lao Chàm và hoạt động thương mại ở biển Đông thời vương quốc Chămpa, trong Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (1995 – 2000), Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2000, tr. 126.
[6] Ngô Văn Doanh: Inđônêxia những chặng đường lịch sử, sđd, tr. 55.
[7] Ngô Văn Doanh: Inđônêxia những chặng đường lịch sử, sđd, tr .83
[8] Sakurai Yumio: Thử phác dựng cấu trúc lịch sử của khu vực Đông Nam Á (thông qua mối liên hệ giữa biển và lục địa), Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4 – 1996, tr. 47
[9] Cho đến nay, phạm vi mà đế chế Majapahit cai trị vẫn còn mơ hồ, có nhiều ý kiến khác nhau được các học giả đưa ra; để xác định phạm vi cai trị của đế chế này, phần lớn các học giả dựa vào sự liệt kê trong tập thơ, tập sử biên niên nổi tiếng Nagarakertagama của Java được viết vào giữa thế kỷ XIV. Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng ý kiến được đa số các nhà nghiên cứu thống nhất, đó là: phạm vi của đế chế Majapahit bao gồm các cảng thị ở Java, Sumatra, bán đảo Malay, Borneo và những hòn đảo sản xuất gia vị ở miền Đông Indonesia. Về phạm vi lãnh thổ và sự phát triển của đế chế Majapahit, xin xem thêm: Paul Michel Munoz: Early kingdoms of the Indonesian archipelago and the Malay peninsula, Editions Didier Miller, Singapore, 2006, p. 268 – 305; Wang Gungwu: China and the Chinese overseas, Times Academic Press, 1990, p. 51, 108; O. W. Wolter: History, culture, and region in Southeast Asian perpective, Cornell Southeast Asia Program Publications, New York, 1999, p.27 – 28, 34 – 35, 47, 60, 100, 116, 139 – 142, 151, 157.
[10] J.Kathirithamby – Well, John Willierss: The Southeast Asian Port and Polity rise and demise, Singapore university press, 1990, pp. 4.
[11] Trong tiến trình lịch sử của mình, Java là một “thể chế biển” phát triển tương đối độc đáo. Thế kỷ X – XV, nền chính trị Java luôn diễn ra sự đấu tranh của hai khuynh hướng chính trị: khuynh hướng hướng tâm và khuynh hướng ly tâm. Điều này tạo nên bộ mặt đa diện của nền chính trị Java, khi chính quyền trung ương mạnh, Java là một thể chế biển mạnh và điển hình, khi chính quyền trung ương suy yếu ở Java diễn ra sự tranh giành của nhiều thế lực địa phương. Thực tế lịch sử cho thấy, giai đoạn cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X được coi là giai đoạn chuyển mình quan trọng lịch sử Java. Năm 929, Sindok lên ngôi vua, ông dời đô từ miền Trung về miền Đông Java. Từ đây, trung tâm chính trị, kinh tế, và văn hóa hoàn toàn chuyển về phía Đông của hòn đảo. Đến năm 1025, dưới sự trị vì của Airlanga, miền Đông và miền Trung Java được thống nhất; nhưng sự phân chia sau đó của hai người con thứ của ông dẫn đến sự ra đời của hai vương quốc độc lập tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau. Quá trình thống nhất Java phải đến hai thế kỷ sau, khi Rajasa (người được biết đến như Ken Angrok) thiết lập vương triều Singosari. Đến năm 1294, người kế tục vương triều Singosari là Kertarajasa (1294 – 1309) thiết lập vương triều Majapahit – đây là một đế chế biển rộng lớn trong lịch sử quốc đảo Indonesia. Thực sự thì, dưới thời Majapahit, vương quyền ở Java không phải là chế độ chuyên chế trung ương tập quyền mà là một vị Maharaja (vua) kiểm soát nhiều thế lực địa phương.
[12] Anthony Reid: Southeast Asia in the Age of Commerce 1460- 1680, vol I “ Expansion and Crisis”, Yale University press, London, 1993, p. 62.
[13] Thuật ngữ “phương Tây” sử dụng đối với niên đại trước thế kỷ XV, chúng tôi dùng để chỉ các quốc gia ở Tây Á ngày nay, mà chưa dùng để chỉ các quốc gia châu Âu.
[14] Kenneth R. Hall: Maritime trade and state development in Early Southest Asia, University of Hawaii Press. Honolulu, 1985, pp. 234
[15] D.G.E. Hall: Lịch sử Đông Nam Á, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 1997, tr. 342
[16] Mai Ngọc Chừ: Văn hoá Đông Nam Á, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H., 1999, tr. 54.
[17] Ngô Văn Doanh: Inđônêxia những chặng đường lịch sử, sđd, tr. 89.
[18] Về các ý kiến có hay không có truyền thống thương mại của Việt Nam, Xin xem thêm: Momoki Shiro: Đại Việt và thương mại ở biển Đông thế kỷ X – XV, trong: Đông Á và Đông Nam Á – Những vấn đề lịch sử và hiện tại, Nxb. Thế giới, H., 2004, tr. 309 – 330; Nguyễn Văn Kim – Nguyễn Mạnh Dũng: Truyền thống và hoạt động thương mại của người Việt – Thực tế lịch sử và nhận thức, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 8 – 2007, tr. 21 – 37, số 9 – 2007, tr. 42 – 54; Hoàng Anh Tuấn: Hải cảng miền Đông Bắc và hệ thống thương mại Đàng Ngoài thế kỷ XVII (qua các nguồn tư liệu phương Tây), Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 1 – 2007, tr. 54 – 64 và số 2 – 2007, tr. 54 – 63; Nguyễn Thị Phương Chi – Nguyễn Tiến Dũng: Về các mối giao thương của quốc gia Đại Việt thời Lý, Trần (thế kỷ XI – XIV), Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 7 – 2007, tr. 23 – 37 …
[19] John K. Whitmore: Vietnam and the Monetary flow of Easter Asia, thirteenh to eighteeth centuries, in: Precious metals in the later medieval and early Modoer worllds, Carolina Academic Press, 1986, pp. 373 – 374
[20] John K. Whitmore: The Rise of Coast: Trade, state, and Culture in Early Đại Việt, Journal of Southeast Asian studies, vol 37(1), United Kingdom, 2006, pp. 108
[21] Li Tana: A View from Sea: Perspectives on the Northern and Central Vietnamese coast, Journal of Southeast Asian studies, vol 37 (1), United Kingdom, 2006, p. 90
[22] Những hạn chế của nền ngoại thương Việt Nam như: thiếu đội ngũ thương nhân chuyên nghiệp, thiếu những hải thuyền lớn có khả năng vượt trùng khơi cao, tâm lý hướng về nông nghiệp của cư dân do những ưu đãi của tự nhiên mang lại… Về những hạn chế của ngoại thương Việt Nam, xin xem thêm: Momoki Shiro, Đại Việt và thương mại ở biển Đông thế kỷ X – XV, trong Đông Á và Đông Nam Á – Những vấn đề lịch sử và hiện tại, sđd, tr. 322 ; Nguyễn Văn Kim – Nguyễn Mạnh Dũng: Truyền thống và hoạt động thương mại của người Việt – Thực tế lịch sử và nhận thức, đã dẫn, tr. 51 – 52…
[23] Về cách nhìn “mạt thương” của Nho giáo, GS. Lương Ninh cho rằng: ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, trong đầu các nhà Nho thường có thái độ khinh nghề công, thương và kìm hãm hoạt động công, thương, vì có thể phương hại đến địa vị độc tôn “duy ngã độc thư cao” của các nhà Nho, của Nho giáo. Xin xem cụ thể: Lương Ninh: Tôn giáo và xã hội (châu Á), Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 1 – 2003, tr. 9.
[24] Xin xem thêm: Momoki Shiro: Đại Việt và hoạt dộng thương ở biển Đông thế kỷ X – XV, sđd, tr. 311 – 312.
[25] Sự ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư về quan hệ của Đại Việt và Java thời Lý, chúng tôi đã dẫn trong: Nguyễn Thị Phương Chi – Nguyễn Tiến Dũng: Về các mối giao thương của quốc gia Đại Việt thời Lý, Trần (thế kỷ XI – XIV), sđd, tr. 30.
[26] Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb. Khoa học Xã hội, H. 1998, tr. 131.
[27] Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hôi, H. 1998, tr. 313.
[28] Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, sđd, tr. 186.
[29] Đại Việt sử ký, dẫn theo Đào Duy Anh: Lịch sử cổ đại Việt Nam, Nxb. Văn hóa thông tin, H., 2003, tr. 574.
[30] Dẫn theo Kenneth R. Hall: Maritime trade and state development in Early Southest Asia, sđd, p. 246. Cũng theo Kenneth Hall, các thương nhân ngoại quốc đến Java trước khi bắt đầu lễ hội vào gió mùa mùa Tây (tháng 2, tháng 3) và trở lại lục địa châu Á vào gió mùa mùa Hạ; xin xem thêm tại chú thích 47, chương 9, p. 340.
[31] Theo truyền thuyết bản địa (Hải Nam – TG), nguồn gốc tộc người của Hải Nam có mối liên hệ mật thiết với cây gỗ lô hôi, với người dân Việt vượt biển đến – thông qua cuộc hôn nhân của người đàn ông Việt với Tổ mẫu của tộc người Li. Xin xem thêm: Li Tana: A view from sea: Perspectives on the Northern and Central Vietnamese coast,sđd p. 92.
[32] Lý Đào: Tục tư trị thông giám trường biên, Dẫn theo Nguyễn Hữu Tâm: Bác dịch trường: Quan hệ buôn bán biên giới Lý – Tống thế kỷ XI – XIII, trong Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI – XVII, Nxb. Thế giới, H., 2007, tr. 139.
[33] Chu Khứ Phi: Lĩnh ngoại đại đáp, Phan Duy Tiếp dịch, Tư liệu Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, Mã số ĐM 1006B, tr. 67.
[34] Sự khan hiếm tư liệu do sự ghi chép ít ỏi của các bộ chính sử Việt Nam (chịu những chi phối bởi lập trường chính trị, và cách thức ghi chép lịch sử), cho nên từ trước đến nay, nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ về truyền thống thương mại và khả năng vượt biển đi làm thương mại của người Việt, đặc biệt dưới thời phong kiến. Như: Dưới góc độ tiếp cận văn hoá học, nhà nghiên cứu Phan Ngọc còn cho rằng: “ở Việt Nam xưa buôn bán thực chất là cống nạp cho vua và có một hệ thống kiếm chác lừa bịp người khờ dại hay bắt bí kẻ cần thiết”. Có thể xem thêm: Phan Ngọc: Văn hoá Việt Nam và cách tiếp cận mới, Nxb. Văn hoá thông tin, H., 2005, tr. 87; Hay theo quan điểm của học giả Đào Duy Anh: “Việc buôn bán bằng ghe thuyền thì ở sông cũng chỉ do huyện này sang phủ khác, xa lắm do một tỉnh đi sang tỉnh bên mà thôi; còn ở biển thì ghe thuyền nhỏ không thể dời xa ven bờ, cho nên những nhà hàng hải táo bạo nhất cũng chỉ đi xứ này sang xứ khác ở trong phạm vi Trung, Nam, Bắc Bộ thôi”; Xin xem cụ thể: Đào Duy Anh: Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb. Văn hóa thông tin, H., 2006, tr. 73. Chính vì thế, việc tham khảo các nguồn thư tịch cổ của Trung Quốc là nguồn bổ sung quan trọng để các nhà nghiên cứu nhìn nhận lại, lý giải thấu triệt và thỏa đáng hơn hoạt động ngoại thương của người Việt trong lịch sử, trong đó có thời Lý – Trần.
[35] Trương Hữu Quýnh (chủ biên): Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb. Giáo dục, H., 2001, tr. 149.
[36] Xin xem cụ thể: Bảng thống kê các phái đoàn triều cống của Java đến Đại Việt thời Lý, Trần và Lê Sơ, trong: Nguyễn Thị Phương Chi – Nguyễn Tiến Dũng: Về các mối giao thương của quốc gia Đại Việt thời Lý, Trần (thế kỷ XI – XIV), sđd, tr. 32.
[37] Các nước Tây dương dùng trong thời kỳ này có thể là thuật ngữ chỉ các nước ở Ấn Độ Dương.
[38] Lê Quý Đôn: Vân Đài loại ngữ, Nxb. Văn hoá, H., 1962, tr. 156-157.
[39] Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, sđd, tr. 131
[40] Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, sđd, tr. 131
[41] Phạm Ngọc Dũng: Gốm trong đời sống xã hội xưa, Tạp chí Văn hoá – Nghệ thuật, số 5 – 2004, tr. 79.
[42] Bùi Minh Trí: Tìm hiểu ngoại thương Việt Nam qua “con đường gốm sứ trên biển“, Tạp chí Khảo cổ học, số 5 – 2003, tr. 29.
[43] Cương mục chính biên, q.7, tr. 2b; Nguyên sử, q. 209, An Nam truyện, dẫn theo Trần Quốc Vượng – Hà Văn Tấn: Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, Tập 1, Nxb. Giáo dục, H., 1963, tr. 288.
[44] Momoki Shiro: Đại Việt và thương mại ở biển Đông từ thế kỷ X đến XV, sđd, tr. 323.
[45] Trương Minh Hằng: Gốm thương mại Việt Nam trong hành trình mậu dịch gốm sứ châu Á,Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 1 – 2005, tr. 45.
[46] Li Tana: A View from Sea: Perspectives on the Northern and Central Vietnamese coast, sđd, p. 96
[47] Bùi Minh Trí: Tìm hiểu ngoại thương Việt Nam qua “con đường gốm sứ trên biển”, Tạp chí Khảo cổ học, số 5 – 2003, tr. 54.
[48] Xin xem thêm: Li Tana: A view from sea: Perspectives on the Northern and Central Vietnamese coast, sđd, p. 97
[49] Xin xem cụ thể: Bảng thống kê Những địa điểm tìm thấy đồ gốm Việt Nam từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI (cho đến tháng 2 – 1990), của Aoyagi Yoji: Đồ gốm Việt Nam đào được ở quần đảo Đông Nam Á, trong: Đô thị cổ Hội An, Nxb. Khoa học xã hội, H., 1991, tr. 123.
[50] Về quan hệ thương mại của Đại Việt với Trung Quốc thời Lý – Trần, Xin xem thêm: Nguyễn Thị Phương Chi – Nguyễn Tiến Dũng: Về các mối giao thương của quốc gia Đại Việt thời Lý, Trần (thế kỷ XI – XIV), sđd, tr. 24 – 28.
[51] Gần đây, một số nhà nghiên cứu còn cho rằng: “bạc dịch trường” còn được gọi là “bác dịch trường”, thuật ngữ dùng để chỉ các địa điểm diễn ra hoạt động giao thương giữa Đại Việt và Trung Quốc, tập trung chủ yếu ở bên kia biên giới Trung Quốc, nổi bật dưới thời Tống. Về hoạt động của “Bác dịch trường”, Xin xem thêm: Chu Khứ Phi: Lĩnh ngoại đại đáp, sđd, tr. 65 – 68; Nguyễn Hữu Tâm: Bác dịch trường: Quan hệ buôn bán biên giới Lý – Tống thế kỷ XI – XIII, sđd, tr. 138 –148; Trần Quốc Vượng – Hà Văn Tấn: Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, Tập 1, sđd, tr. 225 – 226…
[52] Xin xem thêm: Derek Thiam Soon Heng: Export commodity and Regional currency: The Role of Chinese copper coins in the Melaka straits, Tenth to fourtheenth centuries, Journal of Southeast Asian studies, vol 37 (1), United Kingdom, 2006, p. 185
[53