Chức quan của Nguyễn Trãi và vị thế của ông trong triều đình Nhà Lê
Đinh Khắc Thuân Nguyễn Trãi – người anh hùng dân tộc, huân nghiệp của ông gắn liền với sự nghiệp vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam thế kỷ XV. Cống hiến của Nguyễn Trãi trong sự nghiệp vệ quốc này vô cùng lớn lao, song lẽ cuộc đời công danh của ông lại hết sức thăng trầm, thậm chí ...
Đinh Khắc Thuân
Nguyễn Trãi – người anh hùng dân tộc, huân nghiệp của ông gắn liền với sự nghiệp vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam thế kỷ XV. Cống hiến của Nguyễn Trãi trong sự nghiệp vệ quốc này vô cùng lớn lao, song lẽ cuộc đời công danh của ông lại hết sức thăng trầm, thậm chí kết cục phải chịu oan án “chu di tam tộc”. Đã có không ít công trình nghiên cứu xung quanh vấn đề này(1), nhân 560 năm tròn xảy ra cái oan án cay nghiệt này đối với một thiên tài có một không hai của đất nước, chúng tôi mong muốn được góp bàn đôi điều, thay vì thắp một nén nhang cho vong linh người khuất.
Về tiểu sử và nhất là chức quan của Nguyễn Trãi, chúng ta hầu như chỉ đọc được đôi chỗ ghi chép không thật chi tiết trong các chính sử, trong đó tiêu biểu là trong Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư). Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận ra được những chức quan chủ yếu của ông trong từng giai đoạn cụ thể.
Chức quan của Nguyễn Trãi được Toàn thư ghi lại lần đầu tiên vào năm 1427, qua đoạn văn sau đây: “Lấy Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ Nguyễn Trãi làm Triều liệt đại phu, Nhập nội hành khiển, Lại bộ Thượng thư, kiêm hành Khu mật viện sự”(2). Như vậy là thời kì đầu đến với khởi nghĩa Lam Sơn (khoảng 1416 – 1418), dâng Bình Ngô sách(3), Nguyễn Trãi đã được phong chức Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ.
Như chúng ta đã biết, Hàn lâm viện ngày trước không phải là cơ quan khoa học, mà là nơi bao gồm người có tài văn học, giúp vua soạn thảo thơ văn, chiếu chỉ, được thiết lập ở Việt Nam từ thời Lí(4). Thừa chỉ là chức quan đứng đầu của Hàn lâm viện, như Đinh Củng Viên, Thái sư đời Trần Nhân Tông từng giữ chức Hàn lâm học sĩ Phụng chỉ, soạn tờ chiếu thay vua(5). Chức quan Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ của Nguyễn Trãi ở thời kì đầu nhà Lê là theo chế độ thời Trần. Có vị thế rất lớn trong triều đình, như một quan đầu triều. Với cương vị này, Nguyễn Trãi đã mang hết tài năng, góp sức với Lê Lợi chỉ huy kháng chiến thắng lợi và đấu tranh ngoại giao với nhà Minh. Thực tế, chính Nguyễn Trãi được giao soạn thảo và trao đổi các công văn, thư từ với nhà Minh(6).
Khi kháng chiến đang tiến dần đến thắng lợi hoàn toàn, Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ Nguyễn Trãi được phong làm “Triều liệt đại phu, Nhập nội hành khiển, Lại bộ Thượng thư, kiêm hành Khu mật viện sự”(7).
Trong các chức danh trên, thì Triều liệt đại phu là hàm tản quan, tương đương Tòng tam phẩm. Hành khiển là chức quan có từ thời Lý – Trần. Lúc đầu chức này dùng cho các hoạn quan, điều hành việc hành chính trong cung, như Lý Thường Kiệt, Lý Thường Hiến thời Lý từng được ban chức này. Sau đó từ năm 1267 thời Trần, chức Hành khiển bắt đầu được dùng cho người có văn học. Còn Nhập nội là danh xưng của các chức quan thân tín của vua, như Nhập nội Hành khiển, Nhập nội Đại Tư mã, Nhập nội Đô đốc, Nhập nội Kiểm hiệu,… Nhập nội hành khiển thực chất là chức danh của á tướng có từ thời Lý – Trần, như Trần Khắc Chung từng giữ chức Nhập nội Hành khiển Đồng bình chương sự, năm 1348(8). Nguyễn Trãi trong suốt cuộc kháng chiến, luôn ở bên cạnh vua trù tính mọi việc từ việc quân cơ đến việc ngoại giao: “Bấy giờ vua dựng lầu nhiều tầng ở dinh Bồ Đề. Hàng ngày vua ngự trên lầu nhìn vào thành để quan sát mọi hành vi của giặc; cho Trãi ngồi hầu ở tầng hai, nhận lệnh soạn thảo thư từ đi lại”(9). Nhập nội hành khiển tuy là chức á tướng, nhưng trong giai đoạn này, khi mà có rất nhiều chức quan đại thần khác như “Tả hữu tướng quốc, Thái phó, Thái bảo vẫn còn chưa đặt”(10), thì vai trò của Nguyễn Trãi càng vô cùng quan trọng.
Lại bộ là bộ đứng đầu trong Lục bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công, cơ quan hành chính trực tiếp giúp vua điều hành chính sự. Chức trách của Thượng thư bộ Lại là bổ dụng quan lại trong cả nước. Tuy nhiên lúc này khi cuộc kháng chiến đang dần đến thắng lợi hoàn toàn, việc bổ dụng quan lại, về thực chất là thiết lập bộ máy Nhà nước ngày càng hoàn thiện tương xứng với vị thế của một vương triều mới được ra đời bằng chiến công chống ngoại xâm oanh liệt.
Kiêm hành Khu mật viện sự, là sự kiêm nhiệm công việc của Khu mật viện. “Kiêm” là từ dùng chỉ chức quan này kiêm nhiệm thêm chức danh khác mà không có sự phân biệt cao thấp, sang hèn. Còn “hành” thì dùng chỉ chức quan cao đảm nhận thêm công việc của chức quan khác thấp hơn(11) – Khu mật viện. Khu mật viện vốn được đổi từ Sùng chính viện vào năm 923 thời Hậu Đường. Khu mật viện được thiết lập ở Việt Nam qua các đời Lý, Trần, Lê, sau cùng được đổi thành Cơ mật viện vào thời Nguyễn, là cơ quan quân sự tối cao, nắm quân quốc cơ vụ, biên bị, binh mã… Như vậy là chức quan ở Khu mật viện thấp hơn chức quan mà Nguyễn Trãi đang giữ là Thượng thư bộ Lại và Nhập nội Hành khiển. Vì thế khi nhắc đến Nguyễn Trãi, người ta thường chỉ nhắc đến chức quan cao nhất của ông là Hành khiển, hoặc Thừa chỉ, nên thường gọi là Hành khiển Nguyễn Trãi, hoặc Thừa chỉ Nguyễn Trãi. Với các chức danh trên, Nguyễn Trãi là quan đại thần thân tín của vua Lê, giúp vua điều hành cả việc quân và chính sự.
Sau chiến thắng ban thưởng công danh, năm 1428 Nguyễn Trãi được phong tước “Quan phục hầu”, và các chức danh đầy đủ của ông là “Tuyên phụng đại phu, Nhập nội hành khiển Môn hạ Hữu gián nghị đại phu, Đồng Trung thư lệnh sự, tứ Kim tử ngư đại, Thượng hộ quốc, Quan phục hầu, tứ tính Lê Trãi”(12).
“Tuyên phụng đại phu” là hàm tản quan, nhưng cũng có ý nghĩa của quan đại phu phụng mệnh vua tuyên đọc các chiếu chỉ. Trong các chức tiếp sau, có “Môn hạ” và “Trung thư” tức “Môn hạ sảnh” và “Trung thư sảnh”, hai trong Tam sảnh (Trung thư sảnh, Môn hạ sảnh và Thượng thư sảnh), cơ quan văn phòng của vua. Theo quan chế nhà Trần và đầu nhà Lê, thì Môn hạ sảnh chia làm Tả ty và Hữu ty. Trong đó có Hữu Gián nghị đại phu là chức quan giám sát, có chức năng can gián vua được đặt ở đây để nắm việc bổ nhiệm đúng sai, nghị luận việc triều chính khuyết sót. “Đồng Trung thư lệnh sự” chỉ sự kiêm nhiệm công việc của Trung thư lệnh, chức trưởng quan giúp vua bàn việc chính sự lớn. “Tứ Kim ngư đại” là được ban cái túi thêu con cá vàng, một đặc ân đối với đại thần từ quan tam phẩm trở lên. “Thượng hộ quốc” là một huân hàm dùng để tặng riêng cho người có công lao lớn. Quan phục hầu là phẩm tước gia ban mà cao nhất là Huyện Thượng hầu, cũng thời gian này được ban cho Lê Vấn, á Thượng hầu ban cho Lê Ngân, hai vị khai quốc công thần của nhà Lê(13). Tứ tính Lê Trãi là Nguyễn Trãi được đặc ân ban quốc tính, tức được đổi theo họ của nhà vua.
Với những chức tước nêu trên ở thời điểm ngay sau chiến thắng ngoại xâm, Nguyễn Trãi đã có một vị thế lớn trong triều đình nhà Lê, như một trong những vị khai quốc công thần.
Tuy nhiên sau đó không lâu, nhất là sau sự kiện tự trẫm của Trần Nguyễn Hãn và cái chết của Phạm Văn Xảo, hai vị đại thần và là người thân tín của Nguyễn Trãi, ông dần dần bị hạn chế quyền hành. Chẳng vậy mà trong lạc khoản bài văn bia soạn cho lăng mộ Lê Thái Tổ năm Thuận Thiên thứ 6 (1433), Nguyễn Trãi chỉ tự đề là: “Vinh lộc đại phu, Nhập nội hành khiển tri Tam quán sự, thần Nguyễn Trãi vâng soạn”(14). Chúng ta biết rằng, Tam quán tức Chiêu văn quán, Tập hiền viện và Sử quán, coi việc sưu tập điển tịch, đồ thư và soạn sử. Rõ ràng là Nguyễn Trãi chỉ đảm nhận những chức vị hết sức khiêm tốn. Ngay cả đặc ân ban quốc tính, cũng không thấy nêu ở đây. Trong những năm cuối của vua Lê Thái Tổ và những năm đầu của Lê Thái Tông, quyền hành trong triều đình rơi cả vào tay bọn lộng thần, nhất là Đại tư đồ Lê Sát và Đô đốc Lê Vấn. Nguyễn Trãi chủ yếu chỉ được giao cho san định lễ nhạc, sử sách, như từng hiệu đính nhã nhạc, định quy chế mũ áo… Tuy nhiên đây lại là dịp tốt để ông thực hiện một số đường lối cải cách văn hóa, giáo dục.
Nhưng rồi sau đó, với nhân cách và tài năng của mình, Nguyễn Trãi đã được Lê Thái Tông khôi phục quyền chức và được trọng dụng mà trong biểu tạ ơn năm 1439 ghi là “Vinh lộc đại phu, Nhập nội hành khiển Môn hạ sảnh Tả ty Hữu gián nghị đại phu kiêm Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ, tri Tam quán sự, đề cử Côn Sơn Tư Phúc tự, á đại trí tự, tứ quốc tính Lê Trãi”(15). Như vậy, hầu như các chức tước cũ của Nguyễn Trãi đã được khôi phục, trừ chức Lại bộ Thượng thư, bởi chức này đã do người khác đảm trách. á đại trí tự là tước phong cao thứ hai, sau Đại trí tự. Ngoài ra, ông còn được giao chức danh mới là “đề cử Côn Sơn Tư Phúc tự”, chức trách quản lí chùa Tư Phúc ở Côn Sơn, một danh thắng từng được ông ngoại của Nguyễn Trãi là Tư đồ Trần Nguyên Đán tu tạo và là nơi chính Nguyễn Trãi đã ở khi nhỏ và lúc tuổi già. Trong bài biểu tạ ơn, Nguyễn Trãi tỏ ra rất xúc động “Chức giữ Đông đài, thực việc triều đình rất trọng; việc kiêm Tam quán, ấy điều Nho giả cực vinh. Huống ban quốc tính, dễ rạng tông môn; lại với công thần xếp cùng hàng liệt. Cảm mà chảy nước mắt, mừng mà sợ trong lòng…”(16). Nguyễn Trãi đã coi việc “kiêm Tam quán”, công việc về văn hóa, giáo dục là cực vinh. Đây chính là ý thức về lòng tự hào nền văn hiến của dân tộc và trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng thế hệ mai sau. Chính năm 1442, triều đình nhà Lê đã mở khoa thi Tiến sĩ đầu tiên, trong đó vua Lê Thái Tông thân hành ra đề sách vấn và Nguyễn Trãi làm “độc quyển” (người duyệt bài thi lần cuối cùng để trình lên vua quyết định thứ hạng cao thấp). Lệ thi cử, tuyển chọn nhân tài ở nước ta trong lịch sử được định hình từ đây, có một phần không nhỏ xây nền đặt móng của Nguyễn Trãi.
Cũng chính vì sự trọng dụng của vua Lê Thái Tông đối với Nguyễn Trãi mà nhiều lộng thần ghen ghét, đố kị. Và, cái oan án Lệ Chi Viên cũng không ngoài bàn tay tạo dựng bởi sự ghen ghét, đố kị này. Vì thế, sau khi lên ngôi, năm 1464 Lê Thánh Tông đã rửa oan cho ông. Tuy nhiên, cái oan nghiệt là ở chỗ thảm họa lại rơi vào chính bậc hiền tài, vị khai quốc công thần của triều đình.
CHÚ THÍCH:
(1) Ngô Thế Long: Những chức tước của Nguyễn Trãi trong cuộc đời tận tụy vì nước vì dân của ông, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3/1980, tr.33-41.
(2) Đại Việt sử kí toàn thư, Bản Chính Hòa 1697 (Bản dịch), tập 2, KHXH, H. 1998, tr. 263.
(3) Bình Ngô sách là kế sách đánh quân Minh. Kế sách này nhằm vào việc đánh thành quân đội Minh, nhưng không phải là “công thành”, mà là đánh vào lòng người, tức là gọi hàng địch. Chính kế sách này đã từng dụ hàng nhiều thành lũy giặc như thành Nghệ An, Thuận Hóa.
(4) Dinh Khac Thuan, L’Académie au Vietnam sous les Mac: 1527-1592 (Hàn lâm viện ở Việt Nam dưới thời Mạc), Revue de Moussons (Tạp chí Gió Mùa), 2/2001, tr.74-82.
(5) Đỗ Văn Ninh, Từ điển chức quan Việt Nam, Nxb. Thanh Niên, H. 2002, tr.279.
(6) Các thư từ, công văn này hiện được sưu tập trong Quân trung từ mệnh. Xem Nguyễn Văn Nguyên, Những vấn đề văn bản học Quân trung từ mệnh của Nguyễn Trãi, Văn học, H.1999, tr. 287-368.
(7) Đại Việt sử kí toàn thư, Sđd. tr. 263.
(8) Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Thời Trần, tập 2, Q. Thượng, Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viện Văn học Đại học Trung Chính, 2002, tr.337.
(9), (10) Đại Việt sử kí toàn thư, Sđd. tr. 264, 270.
(11) Quan chế điển lệ (Sách chữ Hán), kí hiệu: A.56/1, tờ 4a. Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
(12) Nguyễn Trãi toàn tập, in lần thứ 2, KHXH, H. 1976, tr. 25.
(13) Đại Việt sử kí toàn thư, Sđd., tr. 301.
(14) Nguyễn Trãi toàn tập, Sđd., tr. 93.
(15), (16) Biểu tạ ơn của Gián nghị đại phu kiêm tri Tam quán sự. Xem, Nguyễn Trãi toàn tập, Sđd., tr. 94, 208.
Nguồn bài đăng