18/06/2018, 16:47

Đọc lại Hồng Lâu Mộng

Cảnh vườn Đại Quan Viên (tranh không rõ tác giả) Anh Nguyễn Lời nói đầu : Trong số Tứ đại danh tác, chỉ có duy nhất Hồng Lâu Mộng vinh dự có cả một ngành học riêng nghiên cứu về nó. “Hồng học,” hay Redology (theo tên tiếng Anh Dream of the Red Chamber) đã được khởi ...

hong-lau-mong-khung-canh

Cảnh vườn Đại Quan Viên (tranh không rõ tác giả)

Anh Nguyễn

Lời nói đầu: Trong số Tứ đại danh tác, chỉ có duy nhất Hồng Lâu Mộng vinh dự có cả một ngành học riêng nghiên cứu về nó.

“Hồng học,” hay Redology (theo tên tiếng Anh Dream of the Red Chamber) đã được khởi xướng từ ngay khi Tào Tuyết Cần còn sống và đang viết Hồng Lâu Mộng! Trong số những nhà Hồng học nổi tiếng có Lỗ Tấn, Trương Ái Linh, Vương Côn Luân (Chủ nhiệm Ban cố vấn cho bộ phim Hồng lâu mộng năm 1987,)…

Hồng Lâu Mộng là niềm tự hào văn chương cực lớn của Trung Hoa, một pho bách khoa toàn thư về thi ca, hội họa, âm nhạc, ẩm thực, kiến trúc, lễ nghi,… Người Trung Quốc có câu: “Khai đàm bất thuyết Hồng Lâu Mộng, độc tận thi thư diệc uổng nhiên!” (tạm dịch: Mở miệng ra mà không nói đến “Hồng Lâu Mộng” thì có đọc hết cả sách cũng uổng phí!). Mao Trạch Đông cũng từng nói:

”Mỗi người nên đọc cuốn tiểu thuyết này 5 lần trước khi muốn đưa ra bất kì một nhận xét gì về nó. Dẫu đã từng được cày nát qua nhiều thế kỉ, cuốn sách với hơn 600 nhân vật độc đáo và đa dạng Hồng Lâu Mộng vẫn là một kho chứa nhiều điều bí ẩn.”

Tình hình tài liệu nghiên cứu về Hồng Lâu Mộng ở Việt Nam vẫn còn ít ỏi và kém phổ cập, người Viết lại không biết tiếng Trung Quốc để có thể tiếp cận các văn bản Hồng học, nên chỉ muốn viết ra những điều tự mình ngẫm nghĩ và thu lượm bằng tiếng Anh. Nếu có thiếu sót hoặc trùng lặp, rất mong được những người yêu Hồng Lâu Mộng chỉ giáo thêm, mục đích để cùng nhau hiểu thêm về một tác phẩm kinh điển của văn học thế giới.

Tần Khả Khanh – kẻ lẳng lơ trong mộng

Trong số Kim Lăng thập nhị thoa chính sách (mười hai cô gái đầu bảng ở Kim Lăng – hiện giờ là Nam Kinh), Tần Khả Khanh là người có thân thế mơ hồ nhất, ra đi cũng sớm nhất (từ hồi thứ mười ba.) Sự xuất hiện của nhân vật này ngắn ngủi đến mức nhiều người không nhớ ra Tần Khả Khanh là ai trong số hơn 400 nhân vật của Hồng Lâu Mộng. Nhưng thật vô cùng thiếu sót nếu phủ nhận sự phức tạp và ngòi bút tinh tế của Tào Tuyết Cần trong việc mô tả nhân vật này, thậm chí nhà Hồng học Lưu Tâm Vũ còn đề xuất Tần học – chi nghiên cứu riêng về Tần Khả Khanh.

Cuộc sống và cái chết của Tần Khả Khanh có rất nhiều điều bí ẩn. Điều khiến nhiều người ngờ vực nhất là mối quan hệ loạn luân giữa Khả Khanh và bố chồng là Giả Trân, mặc dù không có một lời nào trong Hồng Lâu Mộng khẳng định chắc chắn điều đó. Trong bài viết này chúng ta hãy cùng xem lại một lượt những đầu mối của tác giả để xác định tính thật hư của giả thuyết trên.

*

Tần Khả Khanh xuất hiện từ hồi thứ năm, qua con mắt của chàng trai mới lớn Giả Bảo Ngọc, với vai trò là cháu họ.

Một lúc sau, Bảo Ngọc mệt, muốn về nghỉ trưa. Giả mẫu định sai người đưa về nghỉ một chốc rồi sẽ đến. Vợ Giả Dung là họ Tần, vội cười nói:

– Ở đây đã dọn một gian buồng để chú Bảo nghỉ rồi, xin cụ yên lòng, cứ giao chú ấy cho cháu là được.

Giả Bảo Ngọc sau đó được Tần thị (Khả Khanh) dẫn đến một căn phòng có bức vẽ Nhiên lê đồ và câu đối khuyên răn chăm học. Là kẻ lười biếng, ghét thi thư, cậu ta không thích, nằng nặc không chịu ngủ. Tần thị liền dẫn cậu ta tới buồng ngủ riêng của mình. Hành vi này không hẳn là thương phong bại tục, song cũng không tề chỉnh. Văn hóa Trung Quốc giới hạn quan hệ giới tính ngay cả trong gia đình cũng rất khắc nghiệt, có câu “chị dâu em chồng không được nói chuyện với nhau.” Tác giả khéo léo để người hầu lên tiếng bày tỏ sự không đồng tình, nhưng Tần thị liền mau chóng gạt đi.

Bảo Ngọc gật đầu mỉm cười, một bà già nói:

– Có lẽ nào chú lại đến ngủ ở buồng cháu dâu?

Tần thị cười nói:

– Ôi dào! Không sợ chú ấy phật ý. Chú ấy đã lớn đâu mà phải e dè?
 

Cần phải nhớ rằng, trong toàn bộ câu chuyện, đây là lần đầu tiên Giả Bảo Ngọc vào buồng ngủ của một người phụ nữ mà không phải bà và mẹ ruột. Đây là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời Bảo Ngọc, bởi nó là sàn diễn để gặp nàng tiên Thái Hư ảo cảnh, người đánh thức bản năng đàn ông trong người chàng ta. Trong toàn bộ Hồng Lâu Mộng, trừ phòng ngủ của chính Bảo Ngọc, có lẽ đây là căn phòng ngủ được miêu tả kỹ càng và khêu gợi nhất.

Đến buồng Tần thị, Bảo Ngọc vừa mới bước chân vào, đã thoảng có mùi thơm say sưa. Khi ấy mắt Bảo Ngọc dính lại, người nhủn ra, nói ngay:

– Mùi thơm thích nhỉ.

Trong buồng, trên tường treo bức họa “Hải đường xuân thụy” của Đường Bá Hổ vẽ, hai bên có đôi câu đối của học sĩ Tần Thái Hư đời Tống:

Lờ mờ giấc mộng hơi xuân lạnh,

Ngào ngạt mùi hương rượu khá nồng.

Trên án bày một cái gương quý của Vũ Tắc Thiên đời Đường. Một bên bày cái mâm vàng mà Triệu Phi Yến đã đứng lên múa, trên mâm để quả dưa mà An Lộc Sơn đã ném vào vú Dương Quý Phi. Đằng trước kê một cái giường báu của công chúa Thọ Xương nằm ở điện Hàm Chương, mắc cái màn liên châu của Công chúa Đồng Xương dệt ra.

Bảo Ngọc thấy vậy cười nói:

– Ở đây tốt! Ở đây tốt!

Tần thị cười:

– Cái buồng của tôi dù thần tiên cũng có thể ở được.

Nói xong, Tần Thị tự tay mở cái khăn lụa mà chính tay Tây Thi đã giặt, và đặt sẵn cái gối Uyên Ương của Hồng Nương đã ôm khi xưa.

Bằng ngòi bút, Tào Tuyết Cần vẽ nên một căn phòng có cả hương và sắc, đầy những chi tiết gợi cảm. Dường như phòng ngủ của Tần Khả Khanh là một địa điểm hoàn hảo để trải nghiệm những cảm xúc mê mệt. Những mỹ nhân được nêu lên trong đoạn trên gồm những ai? Chỉ cần một cái liếc mắt cũng đủ thấy: Triệu Phi Yến, Dương Quí Phi, Võ Tắc Thiên, Tây Thi. Không ngẫu nhiên mà họ toàn là những “hồng nhan họa thủy,” làm tan nát bao vương triều. Chẳng những thế, Dương Quí Phi và Võ Tắc Thiên còn là hai mỹ nhân nổi tiếng vì có quan hệ bất chính với bố chồng. Ngoài ra, tuy Tào Tuyết Cần cố tình không nói rõ, các nhà Hồng học đã chỉ ra bức vẽ “Hải đường xuân thụy” không phải vẽ hoa hải đường ngày xuân như tên gọi, mà vẽ một người đàn bà quần áo lả lơi nằm ngủ ngày. Là cậu bé mới lớn, dĩ nhiên Bảo Ngọc thích bức vẽ đó hơn bức tranh “khuyến học” Nhiên lê đồ. Có thể nói một cách hình tượng rằng qua việc chọn lựa này, Bảo Ngọc đã không vượt qua được thử thách đầu tiên của dục vọng. “Người làm sao của chiêm bao làm vậy,” trong Hồng Lâu Mộng điều này càng rõ hơn: nơi ở của một người chính là hiện thân tính cách người đó, như Đại Ngọc có Tiêu Tương quán sầu bi, Bảo Thoa có Hành Vu uyển thoáng đãng. Buồng ngủ của Tần Khả Khanh như vậy, nàng ta không thể là người đoan chính mẫu mực.

Đoạn sau mới thật là gây bất ngờ. Được ấp ủ trong những thứ chăn gối đã từng được các mỹ nhân sờ mó, ôm ấp, hít ngửi mùi thơm của Tần Khả Khanh, Bảo Ngọc nhanh chóng đi vào “giấc mơ ướt” đầu tiên trong đời. Điều đáng nói là chính Tần Khả Khanh là người dắt tay cậu ta vào cõi mơ.

Bảo Ngọc vừa nhắm mắt đã bàng hoàng ngủ say. Tưởng như Tần thị còn đứng trước mặt mình. Bảo Ngọc lững thững theo Tần Thị đi đến một chỗ lan can sơn đỏ, thềm xây bằng ngọc, cây xanh ngắt, suối trong veo, không có một tí dấu vết bụi trần.

Và sau đó, tiên cô đã gả cho Bảo Ngọc một nàng tiên có tên Kiêm Mỹ, tên chữ là Khả Khanh, vừa đẹp như Bảo Thoa, vừa dịu dàng như Đại Ngọc. Đây là người đầu tiên “mây mưa” cùng cậu Bảo. Cái tên “Kiêm Mỹ” có nghĩa là được cả hai cái đẹp, tác giả lại nhấn mạnh thêm bằng việc chỉ ra cô ta là người kết hợp tinh túy của Đại Ngọc và Bảo Thoa. Cái tên Khả Khanh là tên tục của Tần thị, cả nhà Giả phủ không ai biết, nhưng tác giả dùng giấc chiêm bao để nói lên rằng: Tần Khả Khanh chính là người bạn tình lý tưởng trong tiềm thức Bảo Ngọc. Freud sẽ nói gì về điều này? Quả thật là “Một hồi mộng kín chờ ai đấy? Nghìn thuở tình ngây một tớ thôi.” Kể từ đó, nhân vật Tần Khả Khanh đã nhuốm màu dục tính. Tuy nhiên để đi đến kết luận Tần Khả Khanh gian dâm với bố chồng, ta cần đi tiếp một vài chương nữa.

*

Đến hồi bảy, Giả Bảo Ngọc và Vương Hy Phượng sang thăm phủ nhà Tần thị. Khi ở đó, chúng ta được giới thiệu với Tiều Đại, một người nô bộc cũ của Ninh quốc công. Trước đã từng được trọng dụng, song về già, Tiều Đại dần trở nên ngang ngạnh, ngỗ ngược, phát ngôn không nể nang ai.

Mọi người thấy Tiều Đại càn rỡ quá, vật xuống trói lại, lôi nó bỏ vào chuồng ngựa. Tiều Đại càng tức, nói động cả đến Giả Trân. Nó thét ầm lên, đòi đến từ đường khóc với cụ tổ: “Ai ngờ bây giờ lại đẻ ra những giống súc sinh này! Hàng ngày trộm gà bắt chó, nào ‘Tiểu thúc’, nào ‘Ba hôi’, loạn luân cả lũ, tao lại không biết à? Thôi đừng đem cánh tay gãy giấu vào trong ống áo nữa!”

“Tiểu thúc” là gì? Là em chồng nằm với chị dâu. “Ba hôi” là gì? Là bố chồng nằm với con dâu. Tiều Đại chỉ xuất hiện đúng một lần, vai trò của y trong Hồng Lâu Mộng không có gì ngoài thốt lên những lời buộc tội sự bất luân của phủ Ninh. Tác giả thậm chí còn cố tình nhét tên Giả Trân vào đoạn này để người đọc “không chệch đi đâu được.” Liệu có thể gạt đi, coi là những lời Tiều Đại nói càn lúc say rượu chăng? Nên nhớ rằng, Hồng Lâu Mộng tưởng chừng toàn ghi chép những chuyện vụn vặt không đầu không cuối, song thực ra không có chi tiết nào là thừa. Tào Tuyết Cần để cho Tiều Đại ngang nhiên thốt ra những câu nhưng thế, không thể không có ẩn ý. Trong gia đình nhà Giả Trân, cặp bố chồng-con dâu duy nhất mà ta biết là Tần Khả Khanh-Giả Trân. Xem ra, mối quan hệ này không trong sáng lắm, đến nỗi kẻ trong truyện cũng bàn tán, xì xào. Tào Tuyết Cần đã mượn lời một người nô bộc hèn mọn để nói bóng gió về nội tình nhà Giả Trân.

*

Những hồi sau có thể tóm tắt như sau: Tần Thị ốm, rồi chết. Gia đình tổ chức đám ma linh đình. Một cái chết đơn giản? Không hẳn. Theo ý nhiều người, Tào Tuyết Cần đã khéo léo giấu đi một câu chuyện đen tối hơn giữa những con chữ: Tần Khả Khanh thực sự có quan hệ với bố chồng, bị hai tỳ nữ phát hiện, nên tự tử chết. Lúc chết còn có mang thai hai tháng. Các dẫn chứng sau cho thấy giả thuyết này không hoang đường như ta tưởng

… Tần Thị ốm, rồi chết. Gia đình tổ chức đám ma linh đình. Một cái chết đơn giản? Không hẳn. Theo ý nhiều người, Tào Tuyết Cần đã khéo léo giấu đi một câu chuyện đen tối hơn giữa những con chữ: Tần Khả Khanh thực sự có quan hệ với bố chồng, bị hai tỳ nữ phát hiện, nên tự tử chết. Lúc chết còn có mang thai hai tháng. Các dẫn chứng sau cho thấy giả thuyết này không hoang đường như ta tưởng.


5 dẫn chứng, xếp từ ít “đáng nghi” nhất:

1. Dẫn chứng một: thái độ của mẹ chồng Tần Khả Khanh.

Mẹ chồng Tần Khả Khanh là Vưu thị, qua lời nói có vẻ rất thương yêu con dâu. Ta hãy xem đoạn bà ta nói chuyện với Kim thị về bệnh tình Tần thị:

Tôi lại trông cho nó ăn hết nửa bát yến sào rồi mới về đây. Thím tính thế có sốt ruột không? Lại thêm bây giờ không có thầy thuốc nào hay. Nghĩ đến bệnh nó lúc nào, là ruột tôi đau như kim châm. Thím có biết ai chữa thuốc giỏi không?

Thật là mối quan hệ mẹ chồng-con dâu kiểu mẫu! Cũng không quá khó tin, vì tác giả đã thiết lập cho Tần Khả Khanh là con người dịu dàng khéo léo, rất được lòng người. Song khi con dâu chết thì bà ta thế nào? Không xuất hiện lấy một lần. Tác giả khéo léo để cho Vưu thị “bị bệnh dạ dày tái phát, ốm liệt giường,” không thốt ra một câu một chữ nào về con dâu nữa. Ngay cả trong đám tang Khả Khanh, Vưu thị vẫn ốm nằm trong buồng! Tác giả nhắc đến điều này ba lần, ắt phải có dụng ý. Sự IM LẶNG và VẮNG MẶT của Vưu thị tương phản rõ rệt với nỗi ai oán, gào khóc xé ruột gan của ông bố chồng.

Giả thuyết: Vưu thị phát hiện mối quan hệ nhơ nhuốc của chồng và con dâu, nhưng phải giữ thể diện, nên không thể làm rùm beng, đành chọn cách nghiến răng giấu mặt.

2. Dẫn chứng hai: thái độ của chồng Tần Khả Khanh.

Tần Khả Khanh là vợ của Giả Dung, cháu của Phượng Thư. Hồng Lâu Mộng xác lập Giả Dung là một thanh niên bảnh bao, khéo nói, lại rất hay đùa bỡn phụ nữ. Tuy nhiên trong toàn bộ câu chuyện, ta không hề thấy một giây phút ân cần nào giữa hai vợ chồng. Cách Tào Tuyết Cần viết khiến Giả Dung giống như một người câm điếc khi có mặt vợ vậy. Ngược lại, khi Giả Dung ở cùng Vương Hy Phượng, anh ta lả lướt, lúng liếng, sống động, nhấm nháy. Thái độ “đầu mày cuối mắt” của hai người không qua được mắt chồng Phượng Thư là Giả Liễn, càng không qua được mắt bạn đọc. Giả Dung và Vương Hy Phượng ngọt ngào với nhau thế nào? Xin xem đoạn Giả Dung đến mượn Phượng Thư cái bình phong pha lê:

Giả Dung nghe nói cười hì hì, quỳ lom khom ở trên bục nói:

– Nếu thím không cho mượn, cha cháu sẽ bảo cháu không khéo nói, lại bị một trận đòn thôi. Thím ơi! Thương cháu với.

– Không lẽ cái gì của nhà họ Vương cũng đều đẹp cả. Ở bên nhà cháu bao nhiêu đồ đẹp, nhưng hễ thấy cái gì của ta là chỉ chực cuỗm thôi.

Phải chăng Phượng Thư cố tình nói kháy, ví Khả Khanh là “đồ đẹp” nhà Giả Dung, còn nói móc chàng ta tham lam, cái gì cũng muốn “cuỗm về”? Chắc hẳn vậy, bởi chỉ vài câu sau, ta có đoạn văn đầy tình ý:

Phượng Thư chợt nghĩ đến một việc, vội ngoảnh ra cửa sổ gọi :

– Cháu Dung hãy trở lại đây.

Mấy người bên ngoài gọi theo:

– Cậu Dung hãy trở lại.

Giả Dung vội quay lại, buông thõng tay đứng đợi.

Phượng Thư cứ lẳng lặng uống nước, rồi ngẩn một lúc rồi mặt tự nhiên đỏ bừng lên, cười nói:

– Thôi cháu hãy về đi. Cơm chiều xong lại đây sẽ nói. Bây giờ đương có người, ta chẳng bụng nào nghĩ đến nữa.

Sao má nàng ta lại đỏ, sao lại không dám nói chỗ đông người mà hẹn đến cơm chiều xong gặp lại? Không cần nói cũng đoán được. Và khi Tần Khả Khanh chết thì sao? Xin thưa, trong ba chương nói về cái chết và đám tang của vợ, Giả Dung cũng không xuất hiện lấy một lần! Anh ta chỉ xuất hiện qua lời của ông bố, vì Giả Trân muốn mua cho con một chức quan để viết lên tờ phướn cho đẹp. Rõ thật đáng sợ chưa! Cũng như trên, sự lãnh đạm, vô tình, thậm chí bạc tình của Giả Dung đối nghịch rõ rệt với sự thương tiếc của Giả Trân. Đây không thể là một mối quan hệ vợ chồng bình thường được. Không những thế, sau khi vợ chết, anh ta liền mau chóng đi lấy vợ khác, lại tằng tịu cả với hai người em gái của Vưu thị.

Giả thuyết: Hoặc Giả Dung thờ ơ khiến Tần Khả Khanh ngoại tình, hoặc Tần Khả Khanh gian dâm khiến Giả Dung chán ghét vợ.

 


3. Dẫn chứng ba: thái độ của bố chồng Tần Khả Khanh

Đương nhiên đã tìm cách chứng minh Tần Khả Khanh thông gian với Giả Trân thì không thể nào bỏ qua sự “quá đà” của nhân vật này. Ai đọc Hồng Lâu Mộng chắc cũng phải cảm thấy “gờn gợn” vì sự vồ vập thái quá của Giả Trân đối với nàng dâu. Cũng như Giả Dung thờ ơ với vợ mình, Giả Trân cũng thờ ơ với Vưu thị, song lại hết sức hết lòng với Tần Khả Khanh. Gia đình Tần Khả Khanh không giàu có, về mặt môn đăng hộ đối không thể sánh với nhà họ Giả, song nàng ta được hết mực cưng chiều như nàng công chúa, thậm chí em trai là Tần Chung cũng được tự do ra vào trong phủ, đi học cùng Bảo Ngọc. So ra mà nói, Tần Chung còn được đối xử tốt hơn cả Giả Hoàn – em cùng cha khác mẹ của Bảo Ngọc. Sự phân biệt này là do đâu? Nếu chỉ vì Tần Khả Khanh tốt tính, tận hiếu với bố mẹ chồng, thì xem ra cũng chưa đủ.

Hãy xem một số ví dụ.

Khi Tần Khả Khanh bị ốm, Giả Dung thõng tay không can dự, còn bố chồng là Giả Trân thì xông xáo đi tìm thầy thuốc. So với thái độ thờ ơ, vô tâm với đàn bà trong nhà của Giả Kính, Giả Chính, Giả Xá, Giả Liễn thì thật khác một trời một vực! Đến khi Tần thị chết rồi, ông ta thế nào?

Giả Trân khóc sướt mướt, nói với bọn Giả Đại Nho:

– Tất cả lớn bé trong nhà, bè bạn gần xa, ai cũng khen con dâu tôi khôn ngoan hơn con trai nhiều. Nay nó mất đi, đủ biết nhành trưởng này lụn bại mất!

Nói xong lại khóc, mọi người khuyên giải:

– Người đã chết rồi, khóc cũng vô ích, ông nên lo liệu ngay việc ma chay là hơn.

Giả Trân đập tay, nói:

– Lo liệu gì! Chẳng qua có bao nhiêu tiền làm hết bấy nhiêu thì thôi!

Giả Trân thấy cha không nhìn đến tiền bạc, thì tha hồ phung phí. Lúc tìm áo quan, nghe Tiết Bàn gạ gẫm, liền mua ngay loại gỗ quý nhất, vốn chỉ dành cho bậc vương công. Có một câu vô cùng đáng nghi:

Giả Trân nghe nói, cảm tạ luôn mồm, sai cưa ra và gắn sơn ngay. Giả Kính khuyên:

– Người thường thì không nên dùng thứ này, tìm thứ gỗ tốt là được.

Giả Trân không thể chết thay cho Tần thị, khi nào lại chịu nghe.

Giả Trân lại còn “thương xót quá không ăn uống được,” rồi “đang ốm, lại vì quá thương xót, nên chống gậy bước vào.” Nếu một người không biết đầu đuôi câu chuyện, chỉ đọc mấy câu trên, ắt tưởng Giả Trân là tình nhân của Tần Khả Khanh, chứ nào phải cha con chồng! Qua những chương sau, ta lại càng thấy rõ bộ mặt của Giả Trân. Ông ta cùng con trai Giả Dung có quan hệ bất chính với hai cô em gái của Vưu thị, thậm chí ngay lúc để tang cha ruột còn mở xới đánh bạc, thuê kỹ nam trẻ tuổi về chơi bời. Tư cách của Giả Trân quả thực rất đáng khinh bỉ.

Giả thuyết: không cần nói cũng hiểu quan hệ của Giả Trân-Tần Khả Khanh không phải mối quan hệ cha con bình thường.


4. Dẫn chứng bốn: thái độ hai người hầu gái của Khả Khanh

Đến đây lại phải nhờ đến ông Du Bình Bá, một trong những nhà Hồng học kỳ cựu, lỗi lạc. Các tác phẩm nghiên cứu của ông đã mở ra một con đường mới của phái Tân Hồng học, đổi lại bản thân ông phải chịu không ít gian nan trong thời kỳ Cách mạng văn hóa. Trong phần bàn về cái chết của Tần Khả Khanh, ông có nêu lên một thuyết mới lạ, nhờ phân tích đoạn dưới đây:

Thấy Tần thị chết, a hoàn Thụy Châu cũng đập đầu vào cột chết theo, câu chuyện hiếm có ấy làm cho cả họ đều thở than khen ngợi. Giả Trân cho làm ma theo lễ “cháu gái”, cũng rước linh vào gác Đăng Tiên trong vườn Hội Phương. Lại có một a hoàn tên là Bảo Châu, thấy Tần thị không có con, xin làm con nuôi giữ tang lễ như con đẻ. Giả Trân mừng lắm, cho gọi là tiểu thư. Bảo Châu theo lễ con gái chưa gả chồng ngồi bên linh cữu khóc than thảm thiết.

Mới đọc qua, không có gì lạ. Nhưng một chữ “cũng” trong câu “Thấy Tần thị chết, a hoàn Thụy Châu cũng đập đầu vào cột chết theo, câu chuyện hiếm có ấy làm cho cả họ đều thở than khen ngợi.” khiến ta phải ngẫm nghĩ. Khi tôi kiểm tra lại, chữ “cũng” này có mặt trong cả nguyên bản tiếng Trung và bản dịch tiếng Anh nên không thể là do lỗi của dịch giả. Có thể bảo, ừ thì a hoàn cùng chết theo chủ, nhưng phải chăng Tào Tuyết Cần ngụ ý rằng Tần Khả Khanh đã tự vẫn trước? A hoàn thứ hai xin làm con nuôi, vì sao? Theo thuyết của Du Bình Bá, chính hai a hoàn này đã chứng kiến cảnh gian díu của Tần Khả Khanh với Giả Trân, dẫn đến việc Tần Khả Khanh xấu hổ tự sát. Vì quá hối hận, một a hoàn tự tử, a hoàn kia xin làm con nuôi để chuộc tội. Nếu không có gì bất thường, một a hoàn sao dễ làm con nuôi nhà chủ được, kể cả chủ có quy tiên đi chăng nữa! Sự “mừng lắm” của Giả Trân càng khiến ta phải nghi ngờ. Ở cuối hồi 15, a hoàn Bảo Châu còn không chịu về lại phủ, quyết ở lại chùa Thiết Hạm. Hoặc cô ta bị Giả Trân đe dọa, tống đi xa khuất mắt, hoặc chính cô ta sợ về phủ Giả nhiều cạm bẫy, tóm lại, chi tiết này cũng thật kỳ lạ.

Giả thuyết: hai nữ tỳ này góp phần không nhỏ dẫn tới kết cục thảm thương của Tần Khả Khanh.

5. Dẫn chứng năm: cuốn sổ Kim lăng thập nhị thoa chính sách

Đây là bằng chứng quan trọng nhất. Khi Bảo Ngọc lạc vào Thái Hư ảo cảnh, có được nàng tiên mở tủ cho xem cuốn sổ ghi số mệnh mười hai cô gái đẹp trong truyện. Lần lại, có thể đoán ra số phận từng người một. Ví dụ:

Giàu sang cũng thế thôi.
Từ bé mẹ cha bỏ đi rồi.
Nhìn bóng chiều ngậm ngùi,
Sông Tương nước chảy mây Sở trôi.

Là Sử Tương Vân

Chim phượng kìa sao đến lỗi thời,
Người đều yêu mến bực cao tài,
Một theo hai lệnh, ba thôi cả
Nhìn lại Kim Lăng luống ngậm ngùi.

Là Vương Hy Phượng

Than ôi có đức dừng thoi,
Thương ôi cô gái có tài vịnh bông.
Ai treo đai ngọc giữa rừng
Trâm vàng ai đã vùi trong tuyết dày?

Đích thị là Lâm Đại Ngọc

Thế nhưng trong quần thoa đó, không ai có số phận hợp với mỹ nhân cuối cùng:

Lại có một tòa lầu cao, trên có một mỹ nhân treo cổ tự tử. Có mấy câu phán:

Trời tình, bể tình là mộng ảo,
Mà tội dâm kia cũng bởi tình.
Đầu têu nào phải “Vinh” hư hỏng,
Mở lối khơi nguồn, thực tại “Ninh”.

Chiếu theo bài thơ này, thì Tần Khả Khanh là phù hợp nhất. Trong những chị em còn lại, không có ai tự tử. Cái chết của Tần Khả Khanh lại là cái chết đột ngột. Theo tiên lượng của thầy thuốc, nàng ta có thể cố trụ qua mùa đông, hơn nữa căn bệnh của Tần Khả Khanh (triệu chứng giống ho lao), không phải căn bệnh có thể đột tử qua đời. Chính vì thế mà khi nghe tin nàng chết, cả phủ đều “bàng hoàng, không ai tin là thật.” Phượng Thư nghe tin thì “thất kinh, toát mồ hôi, ngẩn người ra một lúc,” Giả Bảo Ngọc thì “vội vùng trở dậy, ruột đau như cắt, không ngờ ọe một cái, khạc ra một cục máu.” Nếu cái chết của Tần Khả Khanh không quá bất ngờ thì phản ứng của mọi người không thể dữ dội như vậy! Do đó nói Khả Khanh chết vì bệnh là vô lý. Trước khi mất, Tần Khả Khanh còn có các triệu chứng giống như đã mang thai. Vấn đề này được các bà các cô trong phủ suy đoán không ít, thậm chí Vưu thị còn bảo ít nhất một thầy thuốc bảo rằng cô ta có bầu. Vì vậy có thể loại bỏ khả năng Tần Khả Khanh bị lên cơn bệnh đột ngột mà chết. Ngược lại, trường hợp Khả Khanh có thai với bố chồng, lại bị người hầu phát hiện, quẫn trí tự sát rất có thể đã xảy ra.
 

Lại xét câu “Trời tình, bể tình là mộng ảo.” Nhân vật Khả Khanh trong giấc mơ Thái hư ảo cảnh của Bảo Ngọc chính là cái tôi thứ hai của Tần Khả Khanh (alter ego), cô ta cũng là đối tượng si mê trong mộng của Bảo Ngọc – một sự kéo dài từ tình yêu của Bảo Ngọc với chị ruột của cậu ta, Nguyên Xuân. Khả Khanh trong mơ và Khả Khanh ngoài đời tuy hai mà một, tuy một mà hai. Cái “tình” của Khả Khanh “thật” ở cõi diêm phù này cũng chỉ là một giấc mộng mà thôi.

Lại xét câu “Mà tội dâm kia cũng bởi tình.” Trong mười hai thoa, chỉ có duy nhất mỹ nhân này bị gắn chữ “dâm.” Trừ Tần Khả Khanh, mười một người kia, có kẻ độc ác, có kẻ vô tình, nhưng thật khó dùng chữ “dâm” để gán cho bất kỳ ai trong họ. Chính bởi chữ “dâm” này mà Tần Khả Khanh bị xếp hàng gần bét trong mười hai thoa, chỉ hơn có Giả Xảo Thư. Lật lại Hồng Lâu Mộng nguyên cảo còn có đề mục “Tần Khả Khanh dâm táng Thiên Hương Lầu” ở hồi mười ba, lúc Khả Khanh qua đời cơ mà! Đủ thấy ý Tào Tuyết Cần đã cho số phận Tần Khả Khanh không thoát khỏi chữ “dâm,” dù sống hay chết.

Xét hai câu cuối:

Đầu têu nào phải “Vinh” hư hỏng,
Mở lối khơi nguồn, thực tại “Ninh”.

Để dễ phân biệt, bên Giả Chính, Giả Bảo Ngọc là phủ Vinh, còn bên Giả Trân, Giả Dung là phủ Ninh. Hai câu này có thể hiểu rằng: Bảo Ngọc “hư hỏng” quan hệ với nàng Khả Khanh trong mộng, xong cái nghiệp của nàng ta là do phủ Ninh gây ra. Nếu không vì Giả Trân “đầu têu” làm nhơ nhuốc nàng thì nàng đã không trở thành một “dâm nữ” và phải tự kết liễu cuộc đời.

Kết thúc lại, khúc hát Hồng Lâu Mộng của Tần Khả Khanh nói rõ hơn hết:

Xuân đi hương vẫn còn rơi,
Nguyệt hoa gây vạ suy đồi vì ai ?
Nhà suy bởi tại Kính rồi,

Nhà tan trước hết tội thời tại Ninh.

Gây nên oan trái vì tình.

Em trai Tần Khả Khanh là Tần Chung rồi cũng chết vì trót yêu cô tiểu Trí Năng. Tên của hai chị em, Tần Thị – Tần Chung lại đồng âm với Tình Thủy (đầu) – Tình Chung (cuối), nên có thể coi họ là hai đầu của quang phổ tình ái vậy. Cái chết của Tần thị, Tần Chung, và Giả Thụy là những “câu chuyện cảnh giác” đầu tiên của Hồng Lâu Mộng, ám chỉ bóng gió đến những bi kịch còn ở phía trước. Tần Khả Khanh là một nhân vật mang tính biểu tượng hơn là thực tế, vừa như Vệ Nữ, vừa là kẻ đầu tiên hy sinh vì tình trong truyện.

Kết luận: dựa trên những dẫn chứng trên, có thể kết luận mười phần chắc đến tám, chín về sự thật đằng sau cuộc đời, số phận, và cái chết của Tần Khả Khanh. Tuy nhiên những tầng lớp vô cùng tinh tế của Hồng Lâu Mộng luôn là thử thách lớn cho những kẻ đam mê. Người viết xin được nhận sự góp ý, tranh luận của người đọc để chúng ta cùng phân tích, khám phá thêm tác phẩm này một cách trọn vẹn nhất có thể.

Hai chị em nhà họ Vưu: càng lăng loàn tợn càng đau vì tình

Hồng Lâu Mộng tuy là bức tranh gấm màu rực rỡ thêu vòng trong vòng ngoài, càng ngắm càng sâu, song sợi chỉ tơ xuyên suốt tác phẩm là nghiệp chướng của ái tình. Ngoại trừ Giả Mẫu ra, gần như cái chết nào trong chuyện cũng là chết vì tình. Ở bài trước ta đã bàn đến cái chết của Tần Khả Khanh, “Trời tình, bể tình là mộng ảo. Mà tội dâm kia cũng bởi tình.” Sang bài này, ta sẽ xem xét đến số phận hai chị em họ Vưu. Sở dĩ gộp chung lại vì tác giả cố ý cho họ làm chị em, vận mệnh của họ vốn không thể tách rời, ngay cả nguyên do đẩy họ đến cái chết cũng cùng một gốc rễ.

Vưu nhị thư và Vưu tam thư là hai cô em gái của Vưu thị, vợ hai Giả Trân bên phủ Đông. Giả Trân còn có một người con trai lớn là Giả Dung, chồng Tần Khả Khanh. Hai bố con này là người thế nào? Dâm ô, xấu xa, ăn chơi, bệ rạc, đủ trò không gì không làm, xem ra còn tệ hơn cả Tiết Bàn. Hai cô em gái Vưu thị cũng không phải loại vừa, vừa xinh đẹp phong lưu, lại lẳng lơ phóng đãng. Lần đầu họ xuất hiện trong truyện đã đùa cợt cùng Giả Dung:

Hắn vờ làm bộ run sợ, ôm đầu lăn xả vào lòng dì Hai xin tha tội. Dì Ba quay mặt đi, nói:

– Chờ chị về sẽ mách cho nó!

Giả Dung cười, quỳ xuống giường xin tha tội, làm cho cả hai người cười ồ lên. Giả Dung lại vồ nắm sa nhân của dì Hai để ăn. Dì Hai nhai bã sa nhân đầy mồm nhổ toẹt vào mặt, hắn thè lưỡi liếm hết. Bọn a hoàn thấy trái mắt, đều cười, nói:

– Cậu vừa có tang, bà ngoại lại mới ngủ. Hai cô tuy trẻ tuổi nhưng đều là bậc dì. Cậu không coi bà ra gì à! Khi ông về bà sẽ mách, liệu cậu chạy đằng nào cho thoát!

Đúng như Giả Liễn dự đoán, hai chị em họ Vưu đều có quan hệ bất chính với anh rể và cháu trai. Nhưng nếu nhà văn còn bóng gió chuyện của Tần Khả Khanh, thì đối hai chị em họ Vưu thì Tào Tuyết Cần tung hê hết ra. Nét đẹp của họ cũng khác hẳn với vẻ băng thanh ngọc khiết của các cô tiểu thư trong phủ Giả:

Dì Ba tháo đồ trang sức, cởi áo ngoài, vén tóc mai lên, chỉ mặc một cái áo lót đỏ, nửa kín nửa hở, cố ý để lộ bộ ngực trắng nõn ra, dưới mặc quần xanh, đi giày đỏ, trông rất lộng lẫy. Lúc đứng lúc ngồi, khi vui khi giận, không có một phút nghiêm trang, đôi khuyên cứ lủng lẳng như đánh đu; dưới ánh đèn, trông càng tỏ ra mày liễu xanh rờn, môi son đỏ chót, đôi mắt như nước mùa thu, lại uống mấy chén rượu, càng thêm lẳng lơ khêu gợi.

Thế nhưng điều khó ngờ nhất đã xảy ra. Hai chị em Vưu nhị thư, Vưu tam thư nếu cứ “ngoan ngoãn” làm “gái hư” thì đã đành. Họ sẽ được liệt vào hạng xấu xa vô loài, tác giả cũng không cần tốn thêm bút mực để viết về họ nữa. Vấn đề là họ lại vướng vào lưới tình, yêu thật sự, si mê thật sự! Đây là sự khởi đầu của hai tấn bi kịch.

Người mà Vưu nhị thư đem lòng yêu là ai? Chính là Giả Liễn.

Từ đầu truyện, hình ảnh Giả Liễn trong mắt độc giả vốn không được sáng sủa cho lắm. Chàng ta là kẻ thích mèo mỡ, nếu không vì sợ lọ “dấm chua” của Phượng Thư, ắt đã ăn chơi thỏa thích gấp mười. Tuy nhiên lúc nào hở ra được vợ cho ngủ riêng (khi Xảo Thư bị bệnh đậu mùa, phải kiêng chẳng hạn) là chàng ta chạy ngay đi tìm gái. Khi hai người mới gặp nhau, trai có ý mà gái cũng không vừa, tưởng đâu chỉ là chuyện gió trăng mà thôi. Nhưng ai ngờ lộng giả thành chân, Giả Liễn lén lút đưa Vưu nhị thư về làm vợ lẽ, đối xử chân tình thắm thiết. Lại mua cho nàng ta một gian nhà nhỏ, đặt tên là Tiểu Hoa Chi, ở giữa phủ Ninh và phủ Vinh. Như ta đã nhấn mạnh ở bài trước, nơi ở của nhân vật có gắn bó mật thiết với số phận của họ. “Tiểu Hoa Chi” – cành hoa nhỏ bị kẹp giữa hai tòa phủ, chẳng mấy chốc sẽ nát bấy. Tương lai của Vưu nhị thư ắt không lành.
 

Vưu nhị thư đã quen cảnh “dập dìu lá gió cành chim”. Phượng Thư thì ghen tuông, tàn nhẫn, khiến Giả Liễn cảm thấy ngột ngạt khó thở, lúc điên lên còn rủa cô ta chết đi. Mối quan hệ của Giả Liễn và Vưu nhị thư, tưởng là mạt cưa mướp đắng gặp nhau mà thôi, ai ngờ lại khiến họ trở nên tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Dường như chỉ trong mối quan hệ này, hai người mới nếm trải tình yêu thật sự. Lần này tác giả đã nhân hậu cho Vưu nhị thư được nếm trải cảm giác ngọt ngào của tình cảm đôi lứa, rũ bỏ lớp áo hư hỏng, lại khiến Giả Liễn biến thành một người chồng mẫu mực, độ lượng, không còn vẻ khinh bạc trước kia. Tương lai thật tươi sáng, hứa hẹn. Mấy câu sau đây, ngắn ngủi mà đủ ý đã diễn tả sự thay đổi tích cực của họ:

Chị Hai lại là người đa tình, cho Giả Liễn là người nương tựa suốt đời của mình, việc gì cũng chăm sóc hỏi han. Chị Hai lại có vẻ dịu dàng hòa thuận, không những mọi việc bàn bạc không dám lộng quyền mà dáng điệu và lời nói việc làm cũng hơn hẳn Phượng Thư. Nhưng đã trót lỡ bước mắc phải một chữ “dâm” rồi, thì bao nhiêu điều hay cũng vứt đi cả. Giả Liễn lại nghĩ: “Ai không có điều lầm lỗi? Nhưng biết lỗi mà sửa đổi đi thì tốt”. Cho nên hắn không nhắc đến việc dâm lúc trước, chỉ kể điều hay bây giờ thôi, thành ra hai người một lòng một dạ, dính như keo sơn, thề cùng sống chết với nhau, còn để ý gì đến Phượng Thư và cô Bình nữa.

Bởi vậy mới nói, tình yêu có thể cứu chuộc con người! Sau khi Vưu nhị thư tìm được ý trung nhân Giả Liễn, lại đến lượt Vưu tam thư. Hai chị em xinh đẹp này được chính Bảo Ngọc khen là một đôi “vưu vật”(nghĩa là đồ quý, lại chơi chữ “Vưu” là họ của họ.) Theo lời kể của Tào Tuyết Cần, Vưu tam thư không những đẹp hơn cả chị, mà tính tình cũng đanh đá, ghê gớm, sắc sảo hơn chị gấp nhiều lần. Theo kiểu “không đẹp được thì cho xấu luôn,” không những không ngượng ngập về tội “hư” của mình, nàng ta còn lấy đó làm cớ để ngang ngược, khêu gợi, vênh vang. Nàng ta mắng Giả Trân rất thẳng: “Anh đừng lú lấp ruột gan, tưởng chừng tôi không biết việc trong nhà các anh hay sao? Lần này anh em nhà anh định vung một ít tiền thối ra, coi chị em chúng tôi là đĩ thõa để mua vui.”

Hãy xem nàng ta đày đọa mấy ông tướng nhà họ Giả thế nào:

Chị Ba ngày nào cũng kén chọn thức ăn đồ mặc, đã đeo bạc lại muốn đeo vàng, có hạt châu lại đòi ngọc báu; ăn ngỗng xong lại đòi mổ vịt; có điều gì không bằng lòng, liền hất cả mâm đi. Quần áo không vừa ý thì bất cứ lụa là mới may cũng lấy kéo cắt vụn ra, vừa xé vừa mắng. Rút cục bọn Giả Trân có được ngày nào vừa ý đâu? Trái lại phải tiêu trộm mất bao nhiêu là tiền.

Đó là cách Vưu tam thư đối xử với những tên đàn ông bạc bẽo. Nàng không ngại gì khi lợi dụng lại họ. Công khai, thách thức, ngang nhiên lắm. Nói gì thì nói, rõ ràng nàng ở thế của kẻ chiến thắng, dù là theo kiểu không còn gì để mất. Nhưng khi nàng bắt đầu mong muốn xây dựng gia đình với người trong mộng thì lại khác hẳn. Hạt giống tình gieo từ năm năm trước, giờ được tưới bởi hy vọng nên nở bừng ra. Nàng trở nên đứng đắn, lễ độ, cốt cách không kém gì các tiểu thư con nhà gia giáo. Người đọc lại càng biết rõ, sự thay đổi của Vưu tam thư thực sự bắt nguồn từ bên trong, tuyệt đối không phải giả dối lừa người… Thậm chí nàng còn bẻ gãy cái trâm, thề nếu trái lời thì số phận cũng như cái trâm vậy.

Giống như Vưu nhị thư, Vưu tam thư lột xác nhờ tình yêu. Vưu nhị thư còn bảo với Giả Liễn: “Dì ấy đã nói: người ấy một năm không đến, thì chờ một năm; mười năm không đến thì chờ mười năm. Nếu người ấy chết đi, thì dì ấy đành cắt tóc đi tu, ăn chay niệm phật, chứ quyết không lấy ai nữa.

Người mà Vưu tam thư yêu là ai? Chính là Liễu Tương Liên, một chàng trai trẻ tuổi, đẹp đẽ, con nhà dòng dõi thi thư. Tuy nhiên Liễu Tương Liên lại là kẻ vô tình. Giả Liễn có nhận xét rất chuẩn xác về anh ta: “Em không biết, chàng trai Liễu này là người rất phong nhã, nhưng bụng rất lạnh nhạt, đối với nhiều người không có tình nghĩa gì cả.”
 

Lần đầu tiên Liễu Tương Liên xuất hiện ở hồi bốn mươi bảy, tại một bữa tiệc có nhiều anh em trong họ Giả. Tiết Bàn, vốn mắc bệnh “Long Dương” (đồng tính) nhìn thấy chàng ta là đã chết mê chết mệt, hẹn ra ngoài thành gặp. Liễu Tương Liên liền giả cách đồng ý, nhân đó nện cho Tiết Bàn một trận thừa sống thiếu chết vì cái tội dám tán tỉnh mình.

Nói xong, lại lấy roi ngựa, đánh ba bốn chục roi vào lưng và đùi.

Tiết Bàn đã gần tỉnh rượu, đau quá không chịu nổi, kêu lên một tiếng “úi chao”. Tương Liên cười nhạt nói:

– Mới có thế thôi! Tao cứ tưởng mày dạn đòn!

Vừa nói vừa kéo chân trái Tiết Bàn dìm xuống bãi sậy, bùn lấm be bét, đầy người, lại hỏi:

– Mày đã biết tay tao chưa?

Tiết Bàn không trả lời, chỉ nằm gục xuống rên hừ hừ. Tương Liên lại vất roi đi, nắm tay đấm mấy quả. Tiết Bàn kêu rối rít lên:

– Xương tôi gãy cả rồi! Tôi biết em là người đứng đắn, chỉ vì tôi nghe người ta đồn nhầm đấy thôi!

– Không được kéo người ta vào. Mày chỉ được nói chuyện hiện giờ thôi.

– Hiện giờ tôi không có gì đáng nói cả? Chẳng qua em là người đứng đắn, tôi trót nhầm đấy thôi!

– Phải nói nhũn nữa, tao mới tha cho.

Tiết Bàn rén hừ hừ, nói: “Bạn ơi”. – Tương Liên lại đấm cho một quả nữa. Tiết Bàn kêu lên một tiếng, rồi nói: “Ông anh ơi” – Tương Liên lại đấm luôn cho hai quả nữa. Tiết Bàn vội kêu lên “úi chao ơi”, rồi nói:

– Ông ơi! ông tha cho con là thằng mù không có mắt! Từ nay trở đi, con kinh người, sợ lắm rồi.

– Mày phải uống hai ngụm nước bùn này đi!

– Nước này bẩn quá, con uống thế nào được?

Tương Liên lại giơ tay lên đấm. Tiết Bàn vội nói:

– Con xin uống… Con xin uống…

Tiết Bàn là nhân vật thô bỉ, xấu tính bậc nhất trong truyện, ai ai cũng ghét, đọc đến đoạn này, nhiều người không khỏi sướng đến mức hoa chân múa tay. Nhưng ít ai dừng lại để tự hỏi xem:

Tiết Bàn có đáng bị Tương Liên đánh ác như vậy không? Nếu hắn ta dùng sức hoặc quyền lực cưỡng ép Tương Liên thì đã đành, đằng này Tiết Bàn đối với Tương Liên vô cùng tử tế, tôn trọng, thậm chí thích đến mê muội. Vụ này tác giả khéo bố trí từ trước để vẽ lên đặc tính cơ bản của Liễu Tương Liên: kiêu ngạo và vô tình. Đối với chàng ta, bất cứ tình cảm nào của con người cũng là xấu xí, hèn kém, yếu đuối. Trong tâm trí của Tương Liên, chữ “tình,” dù là tình yêu hay tình dục, tình nam hay tình nữ, đều dơ bẩn, không xứng với địa vị, con người anh ta. Sau này khi Tiết Bàn gặp nạn, Liễu Tương Liên lập tức ra tay cứu trợ, chứng tỏ cái anh ta khinh ghét không phải con người Tiết Bàn, mà chính là tình cảm của hắn.

Sau khi nghe Vưu tam thư thổ lộ, Giả Liễn bèn gặp Liễu Tương Liên để làm mối cho cô em vợ. Liễu Tương Liên đã định cưới Vưu tam thư, nhưng khi vừa thoáng nghe Bảo Ngọc lỡ miệng nhắc đến xuất xứ của Vưu tam thư, thái độ của anh ta thế nào?

Tương Liên nghe xong giậm chân nói:

– Việc này không xong rồi! Nhất định không thể lấy được! Trong phủ Đông nhà anh, ngoài hai con sư tử đá ra, dù con mèo, con chó cũng chẳng còn trong sạch nữa. Tôi không thèm làm anh chàng rùa đen đâu!

Bảo Ngọc nghe nói, đỏ bừng mặt.

Tình yêu của hai chị em họ Vưu trong sáng, mãnh liệt, song kết cục của họ thì sao? Có thể tóm tắt rằng, Tào Tuyết Cần đã dùng tình yêu “rửa tội” cho hai chị em nhà họ Vưu, song cũng đồng thời đẩy họ đến chỗ chết. Vưu nhị thư là người con gái hiền dịu, không tâm kế sâu xa, chẳng mấy chốc nàng đã ngây thơ nghe lời Phượng Thư, để bị đầy đọa cả thể xác lẫn tâm hồn. Cành hoa nhỏ đã bị chim phượng xéo nát, cái thai bị mất, nàng đành nuốt vàng mà chết, quả thực vô cùng đáng thương.

Vưu tam thư thì bị Liễu Tương Liên từ chối, nàng đau đớn dùng cây kiếm “Uyên” trong cặp “Uyên Ương” tự sát chết trước mặt người trong mộng.

Chim uyên ương là biểu tượng lứa đôi trong văn hóa Trung Quốc, cách Vưu tam thư kết liễu cuộc đời do đó có tính biểu tượng rõ rệt. Chính là tình yêu đã giết nàng, đâu phải tại Liễu Tương Liên lạnh lùng tàn nhẫn, lãnh diện lang quân. Anh ta chỉ là một đại diện, biểu tượng cho cái gọi là đàn ông “tử tế” trong xã hội. Vưu tam thư phải chết vì nàng đã đánh đồng bản thể của mình vào tình yêu, khi tình yêu mất đi thì nàng không thể tồn tại nữa. Đúng như Vưu nhị thư phải thừa nhận:” Người ta có ép buộc dì ấy đâu, tự dì ấy tìm lấy cái chết.” Hai chị em họ, một người bị tình từ trong phá ra, một người dùng cái chết để trả nợ tình, quả thực là hai “nữ thánh” tử vì đạo, nếu đạo ở đây là tình ái.

Ở đoạn cuối chương sáu mươi sáu, Liễu Tương Liên hội ngộ Vưu tam thư trong giấc mơ, nàng nói: ”Thiếp lại từ trời tình, đi từ đất tình. Kiếp trước đã lầm vì tình, kiếp này lại xấu hổ vì tình, nên mới được giác ngộ.” Câu này thực đã tóm hết nội dung của Hồng Lâu Mộng vậy. Trong cõi “mộng” đấy, quả thực không có kết cục tốt đẹp cho kẻ đa tình. Người đọc ngậm ngùi chỉ biết lắc đầu thở dài, nhưng thế giới hiện thực liệu có thực sự khác truyện kể chăng?

Giả Thám Xuân: con phượng hoàng sinh trong ổ quạ

Trong số những cô gái của Hồng Lâu Mộng, Giả Thám Xuân là cô gái có cá tính cứng cỏi nhất trong mười hai thoa, song vẫn giữ được khí chất cao đẹp của một vị thiên kim tiểu thư. Cái mạnh mẽ của Thám Xuân thật đường hoàng, hơn hẳn Vương Hy Phượng chỉ được cái khôn vặt, nham hiểm, trên đội dưới đạp. Vương Hy Phượng cũng rất thú vị, người ta muốn ghét nàng cũng không ghét nổi, muốn yêu nàng lại càng khó hơn, song con phượng hoàng thực sự trong Hồng Lâu Mộng là Giả Thám Xuân. Tào Tuyết Cần dụng công mô tả những mặt đối lập của nhân vật này, lại bày đặt những đầu mối giúp người đọc đoán được số phận nàng.

Giả Thám Xuân là cô ba trong “Giả Phủ Tứ Xuân”, về thứ tự nàng xếp sau Nguyên Xuân, Nghênh Xuân, trên Tích Xuân. Lần đầu Giả Thám Xuân xuất hiện đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Lâm Đại Ngọc:

Cô thứ hai, vóc dáng tròn trặn, người dong dỏng cao, mặt trái xoan, mắt sắc, lông mày dài, nhìn ngắm tình tứ, thanh tú khác thường, trông như thoát hẳn trần tục.

Trong bốn cô Xuân, trừ Nguyên Xuân đã vào cung không kể, nàng là cô gái đẹp nhất, thường được xếp chung với nhóm Đại Ngọc, Bảo Thoa, Tương Vân, Bảo Cầm. Không chỉ đẹp, Thám Xuân còn có khí độ vô cùng đặc biệt. Thám Xuân có con mắt tinh đời, khiếu thẩm mỹ rất tốt. Những đồ vật xa hoa nàng không coi vào đâu, ngược lại chỉ thích những thứ bình dị mà tinh xảo. Đoạn nàng nhờ Bảo Ngọc mua đồ chơi diễn tả rất khéo điều này:

– Mấy tháng nay em có dành dụm được mười quan tiền, anh cầm lấy, khi nào ra chơi phố, thấy có bức chữ hay vẽ đẹp, hoặc đồ chơi xinh xắn, anh mua hộ mang về cho em.

– Thỉnh thoảng anh cũng có đi qua các nhà, các miếu ở trong thành, ngoài thành, chẳng thấy cái gì mới lạ, xinh xắn cả, chỉ có những đồ vàng, ngọc, đồng, sứ, và những thứ đồ cổ không có chỗ vất; rồi đến các thứ vóc, nhiễu và các đồ ăn thức mặc thôi.

– Ai cần gì đến những thứ ấy! Như lần trước anh mua cái lẵng hoa bằng cành liễu, hộp phấn bằng rễ trúc, cái lồng ấp bằng đất thó, trông rất đẹp, em thích lắm. Mà chị em ai cũng thích cả. Họ coi những thứ này như của báu, có cái nào là cướp mất cái ấy.

– Nếu em thích những cái ấy, thì chẳng đáng mấy đồng tiền, cứ cho người nhà mang mấy quan tiền đi, sẽ mua được hàng xe.

– Bọn người nhà biết gì? Anh đi chọn lấy cái gì mộc mạc mà không tục, thì mua nhiều về cho em.
 

Thám Xuân có sở trường thư pháp. Khuê phòng của nàng được Tào lão gia miêu tả tinh tế mà vẫn phóng khoáng, thể hiện một trí tuệ mẫn tiệp, trong sáng:

Bọn Phượng Thư vào buồng Thám Xuân, thấy các chị em đang cười đùa. Thám Xuân vốn thích rộng rãi, ba gian nhà ở đều để thông luôn. Giữa nhà kê một cái bàn to bằng đá Đại Lý, trên bàn có các loại bút thiếp của cái bậc danh nhân, cùng mấy chục cái nghiên báu, và các thứ ống bút; bút cắm ở ống như rừng cây. Một bên bày cái lọ sứ Như Châu to bằng cái đấu, cắm đầy hoa cúc trắng như thủy tinh. Phía tường bên Tây treo một bức họa “Yên vũ đồ” của Mễ Tương Dương. Hai bên treo hai câu đối, bút tích của ông Nhan Lỗ công: Phong lưu cảnh đượm màu mây khói, chất phác người quen thú suối rừng. Trên án đặt một cái đỉnh lớn, trên cái giá gỗ đàn tía ở bên tả đặt một cái mâm sứ lớn, trên mâm bày mấy chục quả phật thủ vàng tươi; trên cái giá sơn ở bên hữu treo một cái khánh Tị Mục bằng ngọc trắng, bên cạnh treo một cái dùi nhỏ.

Khuê phòng như vậy, Giả Thám Xuân đương nhiên là người có năng khiếu văn chương. Vẫn biết Đại Ngọc, Bảo Thoa có tài làm thơ, nhưng phải nhờ đến Thám Xuân ra tay tập hợp, Đại Quan Viên mới có Hải Đườ

0