18/06/2018, 16:47

Chuyện chiếc Ấn Truyền Quốc của Nhà Nguyễn

Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo (Hình : Kienthuc.net) Võ Hương An Đ ọc lại Tam Quốc Trung Quốc, đất nước của huyền thoại, nên chuyện cái ấn truyền quốc cũng không ra ngoài bối cảnh đó. Ai đã từng đọc Tam Quốc Chí hẳn không quên đoạn nói về việc Tôn Kiên bắt được ...

antruyenquoc

Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo (Hình : Kienthuc.net)

Võ Hương An

Đọc lại Tam Quốc

Trung Quốc, đất nước của huyền thoại, nên chuyện cái ấn truyền quốc cũng không ra ngoài bối cảnh đó. Ai đã từng đọc Tam Quốc Chí hẳn không quên đoạn nói về việc Tôn Kiên bắt được cái ấn quí hiếm này khi mang quân về Lạc Dương trừ Đổng Trác.

Lần đó, khi thấy Đổng Trác lộng quyền thái quá, Viên Thiệu bèn hội chư hầu về Lạc Dương bắt giặc. Trước sức tấn công mạnh mẽ của chư hầu, Đổng Trác liệu thế chống không nổi, phải lo tìm đường tháo chạy về Tràng An, không quên bắt ép vua Hán Hiến Đế phải đi theo như một con tin, và cũng không quên đốt phá tan hoang cái kinh đô xinh đẹp này để đối thủ không hưởng lợi chi được. Một đêm nọ, đang buồn bã trước cảnh hoang tàn, Tôn Kiên được quân hầu báo cho biết ở phía nam điện Kiến Chương, có hào quang năm sắc phát ra từ một cái giếng. Kiên cho quân xuống giếng mò lặn thì vớt được xác một cung nữ, dưới cổ đeo một túi gấm, trong túi gấm có một cái hộp sơn son, có khóa và chìa bằng vàng. Mở hộp ra, thấy có một cái ấn bằng ngọc, hình vuông, mỗi cạnh 4 tấc (khoảng 16cm), núm chạm hình 5 con rồng, bị mẻ một góc, được vá lại bằng vàng. Mặt ấn có khắc tám chữ triện Thụ Mạng Vu Thiên Ký Thọ Vĩnh Xương (Nhận mệnh Trời, đời đời thịnh trị). Kiên không biết là ấn gì, hỏi Trình Phổ. Ông quan bác học này liền kể ngay lai lịch chiếc ấn tức thì:

Đây chính là cái ấn ngọc “Truyền quốc”. Nguyên xưa kia Biện Hòa đứng dưới núi Kỳ sơn, thấy phượng hoàng đậu trên một hòn đá, Hòa chở đá ấy đến dâng Sở Văn Vương. Lúc phá đá ra, quả thấy hòn ngọc rất lớn. (1) Ngọc này sau về tay Tần Thủy Hoàng (2); năm thứ 25 nhà Tần sai thợ khéo mài giũa thành cái ấn này. Chính tay Thừa tướng Lý Tư đã viết tám chữ triện này lên ấn cho thợ khắc. Đến năm thứ 28, Thủy Hoàng đi tuần thú qua hồ Động Đình, bỗng gió nổi sóng dâng dữ dội, thuyền rồng muốn nghiêng đắm. Thủy Hoàng vội ném ấn ngọc xuống hồ, tự nhiên gió im sóng lặng. Đến năm thứ 38, Thủy Hoàng đi tuần thú tới Hoa Am bỗng gặp một người cầm ấn ngọc này đón đường, trao cho quân hầu mà nói rằng: “Đem vật này trả cho Tổ Long.” Nói rồi biến đâu mất. Ngọc tỉ về lại nhà Tần. Liền năm sau đó Thủy Hoàng băng hà. Về sau, con Thủy Hoàng là Tử Anh đem ấn dâng Hán Cao Tổ. Đến đời Hiếu Bình Đế, Vương Mãng cướp ngôi Hán. Vương Tầm, Tô Hiến vào cung đoạt ấn để dâng Mãng. Bà Hiếu Nguyên Hoàng Thái hậu cầm ấn này đập vào mặt Tô Hiến nên ấn bị rớt mẻ một góc, phải lấy vàng vá lại. Vua Quang Vũ trung hưng, được ấn này ở Nghi Dương và truyền đến bây giờ. Gần đây, bọn Thập Thường Thị làm loạn, ép Thiếu Đế chạy ra Bắc Mang. Khi hồi cung thấy mất ngọc tỉ truyền quốc này. Nay trời xui vào tay Chúa công ắt là Chúa công lên ngôi Cửu Ngũ. Vậy không nên ở đây lâu nữa, kíp trở về Giang Đông, mưu đồ việc lớn là hơn.(3)

Tôn Kiên nghe nói vậy mừng quá, đồng ý ngay, ra lệnh cho tả hữu và quân hầu không được tiết lộ chuyện bắt được ngọc tỉ truyền quốc ra ngoài, rồi ngày hôm sau lấy cớ trong người có bệnh, xin Viên Thiệu cho rút quân về. Không ngờ, Viên Thiệu biết hết, vì có người lính cùng quê mách chuyện. Bị bắt nọn, Tôn Kiên chối phăng về chuyện được ngọc tỉ và thề độc rằng nếu có như vậy thì sẽ chết thảm dưới gươm đao. Nhờ chư hầu tin lời thề độc, khuyên can Viên Thiệu nên Tôn Kiên mới được cho phép kéo quân về để mưu đại sự, nhưng đó là chuyện về sau. (4)

Đọc tới đoạn này, Kim Thánh Thán có lời bình rằng “Cái ấn ngọc ‘Truyền quốc’ khắc tự đời Tần, quí thật đấy. Nhưng thử hỏi trước đời Tần, đã có những đời Đường, Nghiêu, Ngu, Thuấn, Hạ, Thương, Chu…không có ấn ấy sao vẫn cai trị được thiên hạ! Cho đến Tần Thủy Hoàng mất ấn ấy, rồi khi vừa tìm lại được một năm đã chết ngay. Xem thế thì ấn ngọc ấy cũng chẳng có sức mạnh ‘huyền diệu’ gì, chẳng quí hóa ‘tuyệt trần’ khiến cho người có nó ‘tràng sanh bất lão’ hoặc ‘nắm vững mạng Trời’ như nhiều người tham lam đã tưởng. Viên Thiệu, Viên Thuật, Lưu Biểu, tối mắt coi ngọc làm trọng đã đành, chứ đến như Tôn Kiên trung nghĩa, anh dũng là thế mà cũng tham ấn ngọc và tin ở sức mạnh của vật vô tri đó, thì thật buồn lắm vậy.”(Sách đã dẫn, tr.119)

Nhà Nguyễn có ấn truyền quốc không ?

Lời bình của Kim Thánh Thán không phải là không có lý, nhưng điều đó không ngăn cản đời sau tiếp tục bắt chước làm theo. Các chúa Nguyễn có ấn truyền quốc và các vua Nhà Nguyễn cũng có ấn truyền quốc.

Năm 1558, khi Nguyễn Hoàng vâng lệnh vua Lê vào giữ chức Trấn thủ Thuận Hóa, ông đã mở đầu một triều đại mới ở phương Nam qua hai giai đoạn với 9 chúa (1558-1777) và 13 vua (1802-1945). Phải trải qua 5 đời chúa, đến đời Nguyễn Phúc Chu (chúa Minh, 1691-1725) mới đúc ấn truyền quốc.

Vào năm 1702, « Mùa đông, tháng 12, ngày Nhâm Dần, đúc Quốc bảo. Sai Lại bộ Đồng tri Qua Tuệ Thư coi việc chế tạo. Ấn khắc chữ Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo. Năm ấy đúc xong, về sau liệt thánh [các chúa Nguyễn] truyền nhau lấy làm quốc bảo. Đến khi Duệ Tông Hiếu Định Hoàng đế [Nguyễn Phúc Thuần, 1765-1777] vào Nam cũng đem ấn ấy đi theo. Duệ Tông Hiếu Định Hoàng đế băng thì để lại cho Thế Tổ Cao Hoàng đế [Gia Long, 1802-1819] . (5)

antruyen1

Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo. 大越國阮主永鎮之寶

Ở đây cũng cần nói qua về chữ nghĩa một chút. Hán Việt Từ Điển của Thiều Chữu giải thích rằng “ ‘tỉ’ là cái ấn của vua, còn ‘bảo’ là cái ấn , con dấu”, và nói rõ thêm , “Các vua đời xưa dùng ngọc khuê ngọc bích làm cái ấn cái dấu. Nhà Tần gọi là tỉ 璽, nhà Đường đổi là bảo 寶.”

Nhà Nguyễn cũng dùng cả hai chữ đó nhưng mặc cho chúng một ý nghĩa riêng, theo qui định của họ. Theo đó, bảo tỉ 寶璽 là từ chung, chỉ các loại ấn của vua. Bảohay bửu là ấn đúc bằng vàng; tỉ là ấn chế tạo bằng ngọc. Vì vậy, cũng gọi là ngọc tỉ 玉璽 (ấn ngọc) và kim bảo 金寶 (ấn vàng).

Năm 1775. khi bị quân họ Trịnh, rồi Tây Sơn truy đuổi, Định Vương Nguyễn Phúc Thuần phải chạy vào Gia Định và không quên mang theo ấn này. Mùa đông năm 1776, khi chạy đến Ba Giòng (thuộc Định Tường), chúa giao cho Cai đội Lê Chữ giữ một cuốn kim sách 4 tờ (sắc phong chạm trên sách bằng vàng), chiếc ấn vàng truyền quốc và 3 quả ấn đồng quan trọng khác. Đến sông Tra giang, gặp quân Tây Sơn ví đuổi, Chữ sợ chạy đến nỗi quăng cả ấn và kim sách xuống sông; sau đó, khi tạm yên, lại trở về mò lặn và tìm lại được. Năm 1777, Định Vương bị Tây Sơn bắt giết ở Long Xuyên. Nguyễn Ánh, tức vua Gia Long sau này, cháu gọi Định Vương bằng chú ruột, khởi nghĩa ở Long Xuyên năm 1778, được các tướng tôn làm Đại Nguyên soái, quyền coi việc nước. Lê Chữ nghe tin, đem ấn và kim sách đến nộp. Mọi người đều cho rằng đó là điềm lành, quốc bảo tưởng đã mất đi, nay lại trở về cố chủ.

Năm 1782, quân Tây Sơn đánh Gia Định, Nguyễn Vương đại bại, phải chạy ra đảo Phú Quốc. Điều khiển Ngô Công Quí (6) được giao giữ ấn, thì lại chạy lạc mất. Đến khi Châu Văn Tiếp thu phục được Gia Định, rước Nguyễn Vương từ Vọng Các trở về nước. Ngô Công Quí ở Long Hồ nghe tin, bèn đem ấn vàng nộp lại. Đó là may mắn thứ hai.

Trong một lần khác, bị quân Tây Sơn rượt đuổi rất gấp, chúa tôi mỗi người chạy một nẻo. Viên cận thần giữ quốc bảo trong khi lội sông thoát thân, đã đánh rơi xuống nước. Người lội sau đạp nhằm, mò lượm lên và mang đến chỗ Nguyễn Vương đóng quân dâng nộp. Đó là lần hên thứ ba.

Năm 1784, cũng trong một lần bại trận và bị Tây Sơn rượt đuổi, Nguyễn Vương phải đem gia quyến chạy ra trốn ở đảo Thổ Châu. Vua Xiêm cho người đem thuyền ra đảo rước Nguyễn Vương về Vọng Các. Chưa biết ý người Xiêm thế nào, Nguyễn Vương sai một bầy tôi tín cẩn tên Hựu đem quốc bảo lên bờ giấu kín một nơi. Đến khi ở Vọng Các, thấy người Xiêm đối xử tốt, Nguyễn Vương mới cho người về Thổ Châu rước gia quyến đến Xiêm lánh nạn, đồng thời thu hồi nguyên vẹn ấn vàng đã chôn giấu.

Chính qua những lần tưởng như quốc bảo mất đi mà lại tìm lại được nên vua Gia Long càng tin ở thiên mệnh và xem Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo là ấn truyền quốc trời ban cho dòng họ. Vua đã ân cần dặn dò Thái tử Đởm (vua Minh Mạng) rằng:

Ấn báu này, các đời truyền nhau, ngày xưa đã trải qua nhiều phen binh lửa, người chẳng chắc còn, mà ấn này vẫn giữ trọn trước sau, chiếu văn và bổ dụng quan lại đều dùng ấn này, giữ tín trong nước, ai cũng hưởng ứng. Ấn này quan hệ tới quốc gia không nhỏ, thực là ngôi báu trời cho mà vẫn có quỉ thần giúp đở, khiến cho ngọc bích của Triệu lại trở về để truyền cho con cháu…Từ nay về sau nên lấy ấn này làm vật báu truyền ngôi. Con cháu ta phải đời đời để lại cho nhau, đừng làm mất đi mà truyền đến ức muôn năm dài lâu mãi mãi.” (7) [người viết nhấn mạnh]

Chính vì những lời dặn dò chí thiết như thế nên mặc dầu là một người thích tổ chức và canh cải, vua Minh Mạng cũng không dám nghĩ đến việc làm một cái ấn khác để thay thế, thậm chí đến cả khi thay đổi quốc hiệu từ Việt Nam sang Đại Nam vào năm 1839, vẫn giữ nguyên ấn cũ như lời vua cha dặn. Trong tư tưởng của hai vua đầu triều Nguyễn là Gia Long và Minh Mạng, cái ấn truyền quốc Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo — tuy ra đời từ khi đang còn là nghiệp vương (làm chúa) chứ chưa phải nghiệp đế (làm vua), danh xưng của nước cũng không thích hợp (Đại Việt Quốc), và ấn lại làm bằng vàng (bảo) chứ không phải bằng ngọc (tỷ) như truyền thống xưa nay – nhưng là một cái ấn thiêng liêng trời cho, mang lại may mắn cho dòng họ nên phải trân trọng gìn giữ và lưu truyền, nghĩa là không thể đem ra dùng hàng ngày như các thứ ấn khác. Chính vì lẽ đó, hai vua Gia Long và Minh Mạng đã cho đúc rất nhiều ấn khác thay thế để làm việc, nào Sắc Mạng Chi Bảo 敕命之寶 (đóng vào các sắc phong quan lại và thần linh), nào Ngự Tiền Chi Bảo 御前之寶 (đóng vào các văn kiện hành chánh ban hành từ văn phòng của vua), Quốc Gia Tín Bảo 國家信寶 (đóng vào các chiếu chỉ ra lệnh động binh, triệu tập tướng súy), Sắc Chánh Vạn Dân Chi Bảo 敕政萬民之寶 (đóng vào các chiếu chỉ răn dạy dân chúng); Hoàng Đế Tôn Thân Chi Bảo 皇帝尊親之寶 (đóng vào các sách văn tôn phong cha mẹ, ông bà, tổ tiên) Trị Lịch Minh Thời Chi Bảo治厤明時之寶 (đóng vào các cuốn lịch do vua ban hành hàng năm vào lễ ban sóc), ấn Hoàng đế Chi Bảo 皇帝之寶 (đóng vào văn thư giao dịch nước ngoài, lệnh ban ân xá tội, ra lệnh cho các công thần tôn thất, ra lệnh khi vua đi tuần thú xem xét các địa phương) v.v.

Sau khi tiếp nhận quốc bảo để nối ngôi, ngay trong năm Minh Mạng nguyên niên (1820) vua đem ấn ra tự tay phong kin và cất đi. Qua năm Minh Mạng thứ 18 (1817) vua lại đem ấn ra xem một lần nữa, rồi cũng tự tay phong kín, viết chữ son niêm lại, để « truyền cho ức muôn đời ». Nhưng qua đến đời Thiệu Trị thì Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo mất thiêng.  

Ấn truyền quốc đời Thiệu Trị trở đi

Năm Thiệu Trị 6 (1846), nhân dịp mừng sinh nhật vua được 40 tuổi (Tứ tuần đại khánh), có người dâng lên “ một viên ngọc quí to lớn, bền rắn thuần túy, tinh nhuận sáng sủa, thực là viên ngọc ít thấy.” (8) Vua ra lệnh mài thành hình quả ấn, chạm khắc núm hình rồng, vuông cạnh 3 tấc 1 phân ( 124mm), cao 3 tấc 2 phân (128mm). Nhân lễ tế Nam Giao năm đó, vua đem quả ấn (thô) khấn với Trời Đất, rồi lại đem khấn với tổ tiên tại các miếu, xong ra lệnh thợ ngọc khắc 9 chữ Đại Nam Thọ Thiên Vĩnh Mạng Truyền Quốc Tỉ để làm ấn truyền quốc muôn đời.

Lý do chế tạo quả ngọc tỉ này để làm ấn truyền quốc, theo nhà vua, là vì “tự cổ đế vương dấy lên, tất có phù ấn để tỏ ra chức mệnh. Vì thế các đời cùng truyền có kim bảo, có ngọc tỉ. Kim bảo để làm việc, ra cáo mệnh cho bốn phương, ngọc tỉ thì tôn kính cất đi, để truyền cho muôn đời.” (9)

Sau khi ấn hoàn thành, vua đóng thử, thấy hoàn toàn ưng ý – vì “dấu tỉ ấy năm màu rạng vẻ, nhị ngọc rực sáng lên 9 chữ triện nên văn, điềm trời hợp số.” (10) — liền ra lệnh cho Bộ lễ tổ chức một lễ trình ấn rất long trọng trước Thế miếu. Tất cả vua quan đều phải mặc phẩm phục đại triều để làm lễ, xong rước ấn về điện Càn Thành để cho trăm quan chiêm ngưỡng lạy mừng.

 

antruyen2

Đại Nam Thọ Thiên Vĩnh Mạng Truyền Quốc Tỉ (Hình của Phúc Hưng trong http://www.vtc.vn/2-264469/xa-hoi/nhung-bau-vat-vo-gia-cua-trieu-nguyen-lan-dau-cong-bo.htm )

Từ đấy, nghĩa là từ vua Tự Đức (1848-1883) trở về sau, hễ hoàng tử nào được chánh thức nối ngôi thì trước khi làm lễ đăng quang phải qua lễ tiếp nhận quốc bảo, là 4 món quí đặc biệt sau đây chỉ dành cho người làm vua:

– Thứ nhất, là ấn truyền quốc, ở đây là Thọ Thiên Vĩnh Mạng Truyền Quốc Tỉ;
– Thứ hai, bộ long bào;
– Thứ ba, hốt ngọc trấn khuê có khắc hai chữ Vương mạng;
– Và thứ tư là Thánh chế Mạng danh Kim sách, là sách vàng trong đó có khắc tên vua mới.

Vua Bảo Đại lên ngôi vào tháng 1 năm 1926 lúc mới 13 tuổi, cũng không qua lệ này.

Vua Bảo Đại thoái vị, có giao ấn truyền quốc không ?

Ấn truyền quốc là ấn tượng trưng cho vương quyền; người nào tiếp nhận ấn này có nghĩa là tiếp nhận vương quyền, tiếp nhận thiên mệnh, chính ngôi thiên tử, với sự công nhận của trời và người.

Khi vua Bảo Đại (1926-1945) tuyên bố thoái vị trước lầu Ngọ Môn vào ngày 30/8/1945 để “làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ”, ông đã trao ấn và kiếm tượng trưng vương quyền cho đại diện Chính phủ Việt Minh. Nhưng đó là chiếc ấn Hoàng Đế Chi Bảo bằng vàng ròng (vàng 10) nặng chừng 10Kg500.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1945), ấn và kiếm này đã lưu lạc nhiều nơi. Trong một may mắn tình cờ qua một cuộc hành quân, quân đội Pháp đã thu hồi được ấn kiếm này và chính thức trao trả cho vua Bảo Đại vào năm 1952. Người đứng ra tiếp nhận là ông Lê Thanh Cảnh, bấy giờ đang giữ chức Đại diện Văn phòng Đức Quốc Trưởng tại Bắc Phần ở Hà Nội.

Như ta đã biết, theo Hội Điển, ấn Hoàng Đế Chi Bảo không phải là ấn truyền quốc. Cái được chính thức công nhận ấn truyền quốc là Đại Nam Thọ Thiên Vĩnh Mạng Truyền Quốc Tỉ.

Vậy tại sao vua Bảo Đại không trao Thọ Thiên Vĩnh Mạng Truyền Quốc Tỉ, vật tượng trưng cho vương quyền chính thống cho chính quyền mới, mà lại trao Hoàng Đế Chi Bửu, vật để dùng làm việc thường ngày ?

Không thể nói rằng vua Bảo Đại không biết, vì khi vua Bảo Đại lên ngôi năm 1926, thủ tục cũng y như thời ông cha đời trước. Nay vua không còn nữa để có thể trả lời câu hỏi này. Các nhân chứng đương thời cũng không còn nữa. Mọi giải thích, nếu có, cũng chỉ là phỏng đoán, giả thuyết.

Theo thiển ý, vàng có giá trị thiết thực hơn ngọc, mặc dù thế nhân thường nói là ngọc vô giá. Công chúng và chính quyền mới không cần biết đến cái ngọc tỉ với điển lễ nhiêu khê của một chế độ đã tới hồi cáo chung, mà chỉ dễ bị thuyết phục bởi một khối vàng ròng với bốn chữ Hoàng Đế Chi Bảo rất cụ thể và rất ấn tượng mà thôi. Cho nên đưa ấn vàng ra để làm lễ bàn giao là rất hợp lẽ.

Dù trao ấn vàng hay ấn ngọc thì ước nguyện truyền lại muôn đời cho con cháu của các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị cũng đều là những ước mơ không thực, bị thực tế phá vỡ một cách phũ phàng. Người lắm chuyện, tin điều thiêng liêng nhảm nhí có thể đổ lỗi tại vua Thiệu Trị, rằng vì vua đành hanh chế ra ấn truyền quốc mới, Đại Nam Thọ Thiên Vĩnh Mạng Truyền Quốc Tỉ khiến Trời không bằng lòng nên mới xui ra vương triều sớm chấm dứt; phải chi vẫn giữ nguyên Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo, biết đâu vương vị bền vững muôn đời. Thử hỏi, cổ kim, Đông Tây, có chế độ nào bền vững muôn đời ?

Chú thích:

(1) Theo Cổ học tinh hoa của Nguyễn Văn Ngọc, trích từ Hàn Phi Tử, thì ban đầu Biện Hòa đem tảng đá có ngọc quí dâng cho Sở Lê Vương, bị chặt chân trái về tội nói láo. Sau đó dâng cho Sở Văn Vương, bị chặt luôn chân phải cũng vì tội nói láo. Đến đời con của Văn Vương là Võ Vương làm vua, Biện Hòa ôm ngọc ngồi khóc, nhờ vậy Võ Vương mới khám phá ra khối ngọc của họ Hòa đem dâng là ngọc thật và rất quí. Ngọc này sau về tay nước Triệu, vua Tần nghe tiếng, đề nghị đem 15 thành đổi lấy ngọc mà không được. Sau Thái tử Đan đem dâng cho Tần Thủy Hoàng để tạo cơ hội Kinh Kha tiếp cận vua Tần mà mưu sát nhưng không thành.

(2) Khi dịch Đại Nam Điển Lệ Toát Yếu ra tiếng Việt (Đại Học Luật Khoa, Sàigòn, 1962), đến mục Bảo tỷ, dịch giả, Nguyễn Sĩ Giác đã chú thích như sau: “(4) Ấn bửu là ấn của nhà vua, làm bằng ngọc, có khắc tám chữ ‘Thụ mạnh vu thiên ký thọ vĩnh xương’ nghĩa là ‘Chịu mạnh ở trời đã thọ lại được cường thịnh’ Đây là ấn của Nhà Nguyễn truyền từ đời Gia Long.” (tr.335). Dịch giả đã nhầm. Nhà Nguyễn không có chiếc ấn nào như thế cả, đó là ấn của Tần Thủy Hoàng chế ra, như ta đã biết.

(3) Tam Quốc Chí diễn nghĩa, Tập I, bản dịch của Tử Vi Lang, nxb Ngôn Luận, bản in lại không đề năm, tr. 113.

(4) Bộ phim Tam Quốc Chí của Trung Quốc phát hành trong năm 2005 có diễn cảnh này.

(5) Đại Nam Thực Lục (ĐNTL), Tập I, tr.124

(6) Điều khiển là một chức quan dưới thời các chúa Nguyễn.

(7) ĐNTL, Tập I, tr. 125. Người viết in đậm để nhấn mạnh.

(8) Sđd., tr. 191

(9) Sđd., tr.191

(10) Sđd., tr. 192

Nguồn bài đăng

0