18/06/2018, 16:48

Người tình Hồ Xuân Hương

Nước mắt trên hoa là lối cũ, Mùi hương trong nệm cả đêm thâu (Hồ Xuân Hương) Phạm Trọng Chánh 1 . Hồ Xuân Hương Và Quan Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán Thi Tướng Tao Đàn Cổ Nguyệt Đường 1 Trần Ngọc Quán quê Nghệ An, trước làm quan Cai Bạ doanh Quảng ...

hoxuanhuong01

Nước mắt trên hoa là lối cũ,
Mùi hương trong nệm cả đêm thâu 

(Hồ Xuân Hương)

Phạm Trọng Chánh

1 . Hồ Xuân Hương Và Quan Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán Thi Tướng Tao Đàn Cổ Nguyệt Đường

1 Trần Ngọc Quán quê Nghệ An, trước làm quan Cai Bạ doanh Quảng Đức (Chức vụ đứng đầu một doanh, tỉnh Thừa Thiên ngày sau). Tháng 2 năm Ất Hợi (1815) được bổ nhậm chức Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng (Đại Nam Thực Lục 1/50/7a). Trấn này gồm hai tỉnh Hà Nội và Hưng Yên ngày sau và trị sở ở Châu Cầu (Phủ Lý). Trần Ngọc Quán nhậm tại chức được ba năm thì bị bệnh mất, tháng 5 năm Mậu Dần (1818), Cái chết còn nhiều nghi vấn vì nằm trong thời điểm một cuộc thanh trừng vây cánh Nguyễn Văn Thành tại Phú Xuân và Bắc Thành của phe Lê Văn Duyệt và Lê Chất.

Vừa đến Bắc Thành, Trần Ngọc Quán đã đến thăm Hồ Xuân Hương, người đồng hương và ra mắt bằng một bài thơ ca tụng nàng:

Tài cao nhả phượng thế gian kinh, May đến Long Thành được thấy danh.
Tài nàng viết ra, thốt ra như chim phượng múa, làm cả thế gian kinh ngạc, may mắn hôm nay đến thành Thăng Long, được thấy danh nàng vang dội như tiếng chuông.. Một vị quan lớn đứng đầu trấn mới đến đã tìm gặp nàng, ca tụng nàng như thế, chứng tỏ tiếng danh nàng đã vang dội đến kinh đô Phú Xuân như thế nào Trần Ngọc Quán khiêm nhường tài còn kém nàng, chạm con hạc hóa ra con cò. Nghề mổ rồng, ngề cao quý, không thiết thực, phép thuật chưa tinh. Nay đất khách được giao du với nàng thỏa lòng nguyện ước. Sắc đẹp và tài năng.vốn trời bẩm sinh. Gặp gỡ nhau đã quý huấn chi là người cùng một châu quận Thanh Nghệ Tĩnh. Thảo mấy vần thơ trên giấy ngư thư để ra mắt nàng.:

Thơ Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán tặng Hồ Xuân Hương

Tài cao nhả phượng, thế gian kinh,
May đến Long Thành được thấy danh.
Chạm hạc tự cười tài vốn kém,
Mổ rồng thêm thẹn thuật chưa tinh.
Giao du đất khách, lòng mơ thỏa,
Tài mạo khuê dung trời vốn sinh.
Gặp gỡ huấn chi người một quận.
Ngư thư thảo vội một tờ trình.

Thơ Trần Ngọc Quán trong Lưu Hương Ký

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt

Thổ phượng tài cao nhất thế kinh,
Long Thành hà hạnh thỉnh huyền linh.
Mỗi tàm khắc hộc tài do chuyết,
Tự tiếu đồ long kỷ vị tinh.
Khách địa giao du tùy xứ tại,
Khuê trang tài diện tự thiên sinh.
Tương phùng huống hựu tương đồng quận.
Lạc thảo ngư thư nhất đệ trình.

Chú thích:

Khắc hộc: chạm chim hạc hóa ra cò.
Đồ Long: Mổ rồng. Trang Tử có viết: Chu Phanh Manh đi học nghề mổ rồng ở nhà Chi Li Ích ba năm thành nghề, học xong chẳng có ai thuê mổ rồng cả, và chẳng có rồng để mổ, ý nói cái học không thực dụng.
Ngư thư: tờ giấy có in hình con cá ở đầu.

2. Hồ Xuân Hương đã họa đáp lễ bài thơ quan Hiệp Trấn: Tài tôi thẹn còn kém có ai kinh đâu, quan lớn khen quá lời. Chẳng qua mười năm qua tôi lận đận trong gió bụi phong trần tự dối mình như kẻ trộm bịt tai đi trộm chuông. Hồ Xuân Hương đối chữ « thỉnh huyền linh » bằng chữ « quán nhỉ linh » thật tài tình. Tiếng danh vang như chuông, đối với ăn trộm bịt tai đi trộm chuông, vừa dí dỏm, vừa khiêm nhường, tài nghệ chơi chữ Hồ Xuân Hương thật siêu việt, các chữ này không thể dịch ra thơ Việt được. Phải ngồi trước bàn cờ mới biết tay đối thủ, cần chi phải chọn chữ như Giả Đảo đắn đo mãi xem nên dùng chữ « thôi nguyệt » hay « sao nguyệt » mà khổ sở như người đang căng thẳng trong sáng tác nhạc. Là bánh xe hay là viên đạn tùy duyên tao ngộ (bánh xe chỡ người, đạn bắn người). Là chim phượng hay chim oanh là do tính trời sinh, chim phượng đậu cây ngô đồng, chim oanh đậu vườn nhà.Tạo vật đối với con người không cho tài năng cẩu thả. Là ngọc trai sáng, chắc có nơi dùng trang điểm cho đời, chứ không để xem trong bóng tối.

Hồ Xuân Hương họa thơ Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán

Tài tôi thẹn kém khiến ai kinh,
Lận đận mười năm tự dối mình.
Vào cuộc mới hay tay đối thủ,
Cần chi trau chuốt chữ cho tinh.
Là xe là đạn tùy tao ngộ,
Tùy phượng tùy oanh vốn bẩm sinh.
Tạo vật với người không cẩu thả.
Không mang ngọc sáng chốn u minh.

Thơ chữ Hán Hồ Xuân Hương trong Lưu Hương Ký
Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt

Quỷ vô tài diệu sử nhân kinh,
Thập tải phong trần quán nhỉ linh.
Dĩ thị lâm bình tri địch thủ,
Mạc tu sao nguyệt khổ đàn tinh.
Vị luân vị đạn tùy tao ngộ,
Thùy phượng thùy oanh nhậm phú sinh
Tạo vật ư nhân hà cẩu tích,
Minh châu hưu hướng ám trung trình.

Chú thích:

Quán nhỉ linh: Kẻ trộm bịt tai đi trộm chuông. Kẻ trộm bịt tai lại đi ăn trộm chuông, ngỡ không ai hay biết, nhưng tiếng chuông rung vang xa, mọi người đều hay.

Sao nguyệt: tích Giả Đảo làm được câu thơ: Điểu túc trì trung thụ. Tăng thôi nguyệt hạ môn. Đắn đo mãi nên dùng chữ thôi nguyệt hay sao nguyệt, từ đó chữ thôi nguyệt hay sao nguyệt chỉ việc lựa chọn chữ dùng trong thơ
Khổ đàn: lấy ý « khổ trung tác nhạc », khốn khổ trong việc sáng tác âm nhạc, ý nói cắng thẳng trong việc sáng tác thơ.
Luân: là bánh xe.

3. Một bài thơ chữ Hán ghi lại sự mệt mỏi, chán chường của Xuân Hương sau mười năm lận đận tâm sự cùng Trần Ngọc Quán. Cuộc sống mài mòn sự sáng suốt, giảm bớt những điều mắt thấy tai nghe.Giác quan mờ tối tấm thân như lá cỏ. Chỉ vì duyên phận mà tháng ngày phải long đong chạy vạy. Không thấy được tầm xa lúc nhục lúc vinh. Mái tóc điểm sương tinh thần mỏi mệt. Có ai bảo mùi vị cám bã dư thừa là thơm (đời Xuân Hương đã nhiều lần gian truân, như cám bã dư thừa) Thương tình quê hương còn say đắm lòng ta. Khêu ngọn đèn trong đêm lạnh thao thức chẳng yên giấc.

Tâm sự

Trí giảm thông minh, mắt kém tinh.
Thân như cây cỏ, mù u minh.
Nợ duyên tùy phận ngày rong ruổi,
Sao thấy tầm xa nỗi nhục vinh.
Mái tóc điểm sương hồn mỏi mệt,
Cám thừa ai bảo vị thơm lành,
Hồn quê say đắm tình ta nhỉ,
Đêm lạnh đèn khuya dạ chẳng an.

Thơ chữ Hán Hồ Xuân Hương trong Lưu Hương Ký
Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt

Ma diệt thông minh giảm kiến tinh,
Tắt mao tâm khiếu thặng như đình,
Chỉ duyên tùy phận cấp bôn tẩu,
Vị đắc phóng hoài tề nhục vinh.
Đầu thượng tuyết sương thần diệc quyện.
Ôn dư tào bạch vị phi hinh.
Lân hương tình chủng si ư ngã,
Tiễn tận hàng đăng bất yên canh.

Lúc này Xuân Hương đã tìm được tình yêu nơi Trần Phúc Hiển, nên đối với Trần Ngọc Quán, Xuân Hương tâm sự, nỗi lòng mình, đã trải qua bao nhiêu nỗi phong trần, nay tâm sự cùng anh, xem anh như người thân trong nhà, chúng ta quý nhau vì tình đồng hương mà thôi.

4. Với sự khuyến khích của Trần Ngọc Quán, khuyên Hồ Xuân Hương lập Hội Tao Đàn Cổ Nguyệt Đường, để cùng nhau xướng họa ngâm thơ. Hồ Xuân Hương mời các danh sĩ cùng về gặp nhau, Nay phận gái còn e lệ dám cất cờ, theo tục lệ thói đời chưa biết hay dỡ, đem lời vàng ngọc xướng họa cùng nhau, đem nợ tang bồng trả với thơ. Anh em bốn biển cùng chung một nhà, tứ hải giai huynh đệ, mình sẽ không hổ thẹn với tiền nhân ngày trước, như Vua Lê Thánh Tôn từng lập Hội Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú, nay chúng ta cùng ngồi lại xướng họa ngâm thơ, được bao nhiêu bài thì vui bấy nhiêu còn hơn không. Đây là bài thơ xướng, Xuân Hương gửi mời các bạn:

Xuân Hương xướng
E lệ đàn tao, dám cất cờ,
Phong tình chước ấy đã hay chưa.
Đem lời vàng ngọc gieo nên tiếng,
Sẽ nợ tang bồng trả với thơ.
Gặp gỡ cùng là trong bốn bể.
Phao tung kẻo thẹn trước nghìn xưa.
Sau này dầu có bao nhiêu nữa,
Dẫu có bao nhiêu mặc bấy giờ.

Thơ chữ Nôm Hồ Xuân Hương trong Lưu Hương Ký

5. Không phải Xuân Hương dễ dàng trong việc mời các danh sĩ đến Cổ Nguyệt Đường cùng xướng họa. Người thì vui vẻ nhận lời dễ dàng, nhưng cũng có kẻ cười nàng là « thèo đảnh », đàn bà mà dám cất cờ mời nam giới đến uống rượu ngâm thơ. Có lẽ cũng phải đủ 28 người mới ra Hội Tao Đàn. Trong một bài thơ gửi Trần Ngọc Quán. Hồ Xuân Hương « báo cáo » tình hình mời các danh sĩ đồng hương Nghệ Tĩnh. Vác cắm lên Tao Đàn ngọn cờ mời các thi nhân. Anh, em xem như người thân trong nhà. Gom hết gió trăng trong bầu rượu, Kể chuyện phiêu lưu trên sông hồ vào lời thơ. Nơi Cổ Nguyệt Đường góp người cùng chung chí hướng, làm cho quê hương Hoan Châu được nở mặt nở mày. Có bao nhiêu tài tử đến đây, nhưng cũng có kẻ xấu miệng đặt cho em là « thèo đảnh ».

Ký Sơn Nam Thượng Hiệp Trấn Trần Hầu
Vác cắm đàn tao một ngọn cờ,
Ấy người thân đấy phải hay chưa.
Lắc đầy phong nguyệt lưng bầu rượu,
Giắt lỏng giang hồ nửa túi thơ.
Đình nguyệt góp người chung đỉnh lại,
Trời Hoan mở mặt nước non xưa,
Bấy nay tài tử bao nhiêu tá ?
Thèo đảnh khen ai khéo đặt cho.

Thơ chữ Nôm Hồ Xuân Hương trong Lưu Hương Ký

Chú thích:
Chung đỉnh: nhà quyền quý ngày xưa, thức ăn để trong đỉnh sứ có nắp đậy lại, đến giờ ăn rung tiếng chuông.
Hoan Châu: vùng Nghệ An, Hà Tĩnh.
Thèo đảnh: lắm chuyện, ngày nay còn chữ đỏng đảnh, mụ đảnh.

6. Lưu Hương Ký chép bài thơ Hiệp Trấn Trần Ngọc Quán họa thơ Hồ Xuân Hương: Trận bút Hội Tao Đàn xông pha quyết giật cờ, tài tình ai đó đã biết hay chưa. Tôi mơ đến giấc Vu Sơn như Sở Trang Vương cùng Thần Nữ núi Vu nơi Dương Đài suốt năm canh trăng sáng. Nên theo dòng nước vào cung như chàng Vu Hựu thả lá đề thơ cùng cung nữ Hàn Thúy Tần. Nàng đã khoe tài lạ trước thì tôi nay như Lưu Thần, Nguyễn Triệu tìm về chốn Đào Nguyên. Bao nhiêu tài tử, giai nhân đến đây, nhưng tôi với nàng có duyên nợ chưa trả xong.. Bài thơ cho thấy Trần Ngọc Quán trêu chọc tỏ tình. Dĩ nhiên là quan Hiệp Trấn, mọi người phải nhường bước bầu làm Thi Tướng.

Quan Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán họa thơ Hồ Xuân Hương

Trận bút xông pha quyết giật cờ,
Tài tình ai đã biết cho chưa.
Giấc Vu man mác năm canh nguyệt,
Duềnh Ngự lênh dênh một lá thơ.
Tơ liễu đã khoe tài lạ trước,
Nguồn đào học hỏi lối quen xưa,
Giai nhân tài tử dường nào đấy,
Hay nợ bình sinh chửa giả cho.

Thơ chữ Nôm Trần Ngọc Quán chép trong Lưu Hương Ký

7. Hồ Xuân Hương đã họa lại bài thơ quan Hiệp Trấn: Bao nhiêu người đến đây cùng xướng họa thơ, quan lớn được bầu làm Thi Tướng Tao Đàn. Tiếc rằng em là phận gái, hận không uống rượu được nhiều. Duyên em đã có bến hết là phận hoa trôi bèo lạc với dòng thơ. Em đã vâng lời quan Tham Hiệp Trần Phúc Hiển sẽ về nơi non cao bể rộng Vịnh Hạ Long, nhưng tình đồng hương chúng ta vẫn ý xưa, anh em một nhà. Còn nợ thi phú nơi trần gian phải trả, chúng ta còn tiếp tục xướng họa ngâm thơ.

Hồ Xuân Hương họa thơ Trần Ngọc Quán

Đàn tao từng mấy mặt treo cờ,
Thua được lần nhau phải thế chưa.
Tả hận phấn son cùng chén rượu,
Ngưng duyên bèo lạc với dòng thơ.
Non cao bể rộng vâng lời cả,
Nước chảy hoa trôi vẫn ý xưa,
Còn nợ trần gian còn phải trả,
Dẫu bao giờ hết liệu bây giờ.

Năm 1974 GS Nguyễn Huệ Chi có tìm ra ở Thanh Hóa trong một quyển sách đã mục nát một bài thơ khác nhan đề Hà Nội tỉnh Hiệp Quận tặng Hồ Xuân Hương , bài thơ chỉ còn lại bốn câu:

Một khóm mây xanh cắm ngọn cờ,
Hỏi người đồng quận ấy hay chưa ?
Rót nghiêng phong nguyệt lưng bầu rượu,
Dệt sóng giang hồ nửa túi thơ .

Năm 1831 Vua Minh Mạng mới chia Sơn Nam Thượng ra hai tỉnh Hà Nội và Hưng Yên. Bài thơ có lẽ do một nhân vật trong tao đàn dưới quyền Hiệp Trấn Trần Ngọc Quán phụ trách riêng cố kinh Thăng Long chăng ?

8. Các cuộc họp thơ tao đàn không chỉ tổ chức tại Cổ Nguyệt Đường mà còn tổ chức tại phủ đường Châu Cầu nơi trấn nhậm của Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán. Bài thơ này là một trong bốn bài do GS Nguyễn Huệ Chi và GS Hồ Tuấn Nhậm tìm ra ở Thanh Hóa công bố trên Tạp Chí Văn Học số tháng 3 năm 1974. Bài thơ có ý như sau :

Xuân Hương hứa với quan Hiệp Trấn sẽ dự hội thơ vào rằm tháng 7 năm 1815 (trung thu) tại trấn lỵ Châu Cầu, nhưng sợ bà Hiệp Trấn ghen, nên mặc dầu nhiều thư dục tới nhưng nàng không đi, nên viết bài thơ này để xin lỗi: « Tôi lỡ hẹn đến với mùa thu, với trăng tròn, nên bây giờ lòng ăn năn. Thật cái kiếp mong manh này nợ hứa hẹn nhiều. Nếu tôi về Châu Cầu chơi vài hôm thì gặp bà Hiệp Trấn bà sẽ ghen đối xử với tôi « mát mẻ », tử tế nhưng sẽ châm biếm, còn tôi tránh mặt ngụ tại quán khách, lòng bà sẽ không yên. Cám ơn quan lớn đã viết thơ nhờ nguời thư lại mang đến dục nhiều lần, muốn viết thư phúc đáp nhưng bút ngại ngần. Tôi là thân phận đàn bà dám đâu so ngọn bút cùng nam giới. Nhờ quan là Thi tướng trong làng thơ cân nhắc đồng cân thẩm định.

Thế là Xuân Hương, không tham dự, lại tránh được lời ghen tuông và nghi ngờ của bà Hiệp Trấn. Bài thơ này thật là bài thơ nôm tuyệt tác, chứa đựng nhiều tín hiệu thông tin phức tạp, tế nhị. Thật ra lúc này nàng đã yêu Tham Hiệp Trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển, nên tránh tiếng, không tham dự, nhưng gửi bài thơ tham dự thay nàng.

Xuân Hương tặng Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán

Hẹn thu, hẹn nguyệt luống ăn năn,
Cái kiếp phù sinh những nợ nần.
Cửa viện xuân về hoa mát mẻ,
Đài trang nương náu nguyệt băn khoăn.
Duềnh xanh nước chảy tin lai láng,
Lá thắm gieo thơ, bút ngại ngần.
Son phấn dám đâu so ngọn bút,
Mượn tay thi tướng nhắc đồng cân.

9. Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán chết bất ngờ năm 1818, trong lúc Tham Hiệp Yên Quảng Trần Phúc Hiển, chồng Hồ Xuân Hương bị bắt, vua Gia Long phê án tử hình.

Mối quan hệ Trần Ngọc Quán với vụ án Nguyễn Văn Thuyên, và cha là Trung Quân Nguyễn Văn Thành thống lĩnh toàn quân đội dưới triều Vua Gia Long như thế nào ?. Bản án và cái chết của Binh Bộ Thương Thư Đặng Trần Thường cùng Tham Tri Bộ Lễ Nguyễn Gia Cát, Thiêm Sự Bộ Lễ Vũ Quý Đĩnh như thế nào ? Dưới cặp mắt soi mói của Tổng Trấn Lê Chất cùng Lê Văn Duyệt đang triệt hạ toàn bộ vây cánh Nguyễn Văn Thành. Chỉ cần một quan hệ nhỏ: Nguyễn Văn Thuyên đến dự Hội Tao Đàn do Trần Ngọc Quán tổ chức, hay Trần Ngọc Quán từng được Nguyễn Văn Thành che chỡ cũng đủ làm Trần Ngọc Quán mất ăn, mất ngủ lo âu mà chết. Những liên hệ đó nếu có chỉ là việc bình thường, nhưng trong tình thế Vua Gia Long đang nghi ngờ các tướng, thì thật là một thảm họa.

Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử LượcTTHL. Bộ Giáo Dục Sàigòn 1971 dịch bài thơ của Nguyễn Văn Thuyên và kể lại sự kiện:

Ái Châu nghe nói lắm người hay,
Ao ước cầu hiền đã bấy nay.
Ngọc phách Kinh Sơn tài sẵn đó,
Ngựa kỳ Ký Bắc biết lâu thay.
Mùi hương hang tối xa nghìn dậm,
Tiếng phượng gò cao suốt chín mây,
Sơn tể phen này dù gặp gỡ,
Giúp nhau xoay đổi hội cơ này.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

Văn đạo Ái Châu đa tuấn kiệt
Hư hoài trắc tịch dục cầu ty.
Vô âm cửu bảo Kinh Sơn phác,
Thiên tướng phương tri Ký Bắc kỳ.
U cốc hữu hương thiên lý viễn,
Cao cương minh phượng cửu thiên tri,
Thư hồi nhược đắc sơn trung tể,
Tác ngã kinh luân chuyển hóa ky.

Bài thơ nguyên Nguyễn Văn Thuyên nghe người ở Thanh Hóa Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Đức Nhuận có tiếng là hay chữ. Văn Thuyên làm bài thơ sai tên Nguyễn Trương Hiệu cầm đi mời vào chơi. Tưởng bài thơ này chẳng qua lời lẽ của người thiếu niên nói ngông mà thôi, không ngờ tên Hiệu đưa cho Nguyễn Hữu Nghi xem, Hữu Nghi xui tên Hiệu đi cáo với Lê Văn Duyệt. Lê Văn Duyệt vốn ganh ghét Nguyễn Văn Thành, nay thấy bài thơ này, nắm lấy đem vào tâu vua Gia Long, vua sai bắt Nguyễn Văn Thuyên đem bỏ ngục. Bọn nịnh thần vin vào ngôn từ bài thơ bắt bẻ tội tâu với vua Gia Long là Nguyễn Văn Thành có ý làm phản.

Một hôm bãi triều rồi, ông Thành chạy theo nắm lấy áo vua mà kêu khóc rằng: « Thần theo bệ hạ từ nhỏ đến bây giờ, nay không có tội gì mà bị người ta cấu xé. Bệ hạ nỡ lòng nào ngồi nhìn để người ta giết thần mà không cứu. » Vua Thế Tổ giật áo ra đi vào cung, rồi từ đó cấm không cho ông Thành vào chầu nữa và sai Lê Văn Duyệt đem con Nguyễn Văn Thành ra tra hỏi, bắt phải nhận tội. Nguyễn Văn Thành sợ tội uống thuốc độc mà chết, còn Nguyễn Văn Thuyên bị chém. Tiến Sĩ Vũ Trinh, anh rễ Nguyễn Du (chồng Nguyễn thị Diên, chị cùng cha cùng mẹ), người viết tựa Truyện Kiều đầu tiên, thầy dạy Nguyễn Văn Thuyên đang làm Hữu Tham Tri Bộ Hình bị đày đi Quảng Nam từ năm 1816 đến 12 năm sau năm 1828 mới được ân xá.

Cái chết Nguyễn Văn Thành, chỉ là một cái chết nối dài danh sách các công thần hàng đầu của vua Gia Long. Trước đó Đỗ Thành Nhơn, bị ám sát giữa bàn tiệc. Võ Tánh, Ngô Tùng Chu bị bỏ rơi tại thành Bình Định, hai mươi ngày sau khi Gia Long chiếm Phú Xuân, đợi khi họ hết lương tự vẫn rồi, Gia Long mới đem quân chiếm lại. Binh Bộ Thượng Thư Đặng Trần Thường, người từng là quan Tào Binh, chỉ huy toàn quân đội Bắc Thành dưới quyền Nguyễn Văn Thành bị xử thắt cổ, vì những tội vớ vẫn.

Nguyễn Văn Thành, trên đỉnh cao danh vọng, Trung Quân chỉ huy toàn quân đội, kiêm Tổng Tài Quốc Sử Quán, Soạn Luật Gia Long. Đọc bài Văn Tế Trận Vong Chiến Sĩ cả nước sụt sùi khóc. Một người văn võ toàn tài (dù bài văn tế do Phan Huy Ích, hay Nguyễn Huy Lượng làm hộ). Nguyễn Văn Thành có thể « đảo chánh », vua Gia Long như chơi. Chỉ có vua mới cầu hiền, tìm người tài, như tìm ngọc trong đá, tìm ngựa Ký Bắc chạy xa ngàn dậm, tìm nhân tài như hoa lan trong hang tối hương xa ngàn dậm, tìm người tài, nơi Ngọa Long Cương như Khổng Minh hay tìm Phượng Sồ. Gặp gỡ nơi núi cao để ăn thề làm loạn chăng ? Triều đình đã bền vững, nay còn muốn xoay đổi, nhân cơ hội cha Chỉ huy toàn quân đội mà lật đổ triều đình chăng ? Nguyễn Văn Thuyên, nếu cha làm vua thì hắn sẽ làm Thái tử nối ngôi. Cha con Nguyễn Văn Thành phải tội chết. Công lao trăm trận vào ra chiến trường bị xóa sạch.

Tại Bắc Thành, Tổng Trấn Lê Chất, cùng phe phái với Lê Văn Duyệt diễn dịch lời thơ: Nguyễn Văn Thuyên cầu hiền người Châu Ái (Thanh Hóa). Trần Ngọc Quán tụ tập người đồng hương Nghệ Tĩnh lập Hội Tao Đàn cùng Hồ Xuân Hương. Xưa nay Châu Hoan, châu Ái, Thanh Nghệ Tĩnh nơi phát xuất nhiều nhân tài, các triều đại Trần, Hồ, Lê đều phát xuất từ nơi này. Trần Ngọc Quán từng là Quan Cai Bạ Quảng Đức bao trùm cả kinh đô Phú Xuân, liên hệ hẵn mật thiết với Trung Quân Nguyễn Văn Thành. Nguyễn Văn Thuyên thường ra Bắc Hà cư trú nơi đâu ? Tổng Trấn Lê Chất chỉ cần gọi Trần Ngọc Quán đến tằng hắng mấy câu cũng đủ quan Hiệp Trấn chết đứng. Khi Trần Ngọc Quán chết rồi, thì bà Hiệp Trấn cũng đem thơ ra đốt, các danh sĩ tham gia Tao Đàn Cổ Nguyệt Đường cũng thi nhau đốt thơ văn. May thay có một nhân vật trong gia đình cụ Cử Nguyễn Văn Tú làng Hành Thiện, Nam Định còn cất giữ một văn bản thơ Lưu Hương Ký mang chú dẫn của Hoan Trung Cổ Nguyệt Đường Xuân Hương nữ xử tập. Cái may thứ hai ông Đào Thái Tôn sau 40 năm cất giữ Lưu Hương Ký làm của riêng đã trả lại cho Viện Văn Học.

2 . Mối Tình Hồ Xuân Hương Và Hiệp Trấn Sơn Nam Hạ Trần Quang Tĩnh

Trong Lưu Hương Ký có một bài thơ chữ Hán tuyệt bút của Hồ Xuân Hương , đó là bài thơ Dữ Sơn Nam Hạ Hiệp Trấn Quan Trần Hầu. Bài hoạ nguyên vận Quan Hiệp Trấn Sơn Nam Hạ Trần Quang Tĩnh. Bài thơ dùng điễn tích lạ và tài tình, chỉ dùng ít chữ mà tả được những tâm sự, tình ý uẩn khúc của nàng, đúng như lời khen của Cư Đình: « Học rộng mà thuần thục, dùng chữ ít mà đầy đủ, từ mới lạ mà đẹp đẽ, thơ đúng phép mà văn hoa, thật là một bậc tài nữ. »

Theo Đại Nam Thực Lục kỷ 1 quyển 31 trang 3b.: Trần Quang Tĩnh nguyên làm quan Hiệp Trấn, trấn Bình Định, tháng giêng năm Đinh Hợi (1807), được bổ làm Hiệp Trấn Sơn Nam Hạ vùng Nam Định và Thái Bình ngày nay. Quang Tĩnh ở trấn được hai năm bốn tháng. Tháng 4 năm Kỷ Tỵ (1809), ông cáo bệnh và xin về nghỉ. Có thể rằng ông lên Thăng Long cáo từ quan Tổng Trấn Bắc Thành và nhân đó đến từ biệt Xuân Hương.

Theo Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược qu 2. Bộ Giáo Dục. Saigon 1971 tr 172. Đời Gia Long đến trước năm 1831 Đất Bắc Phần gọi chung là Bắc Thành, đặt dưới sự cai trị Tổng Trấn Bắc Thành, vị quan đầu tiên là Hữu Quân Nguyễn Văn Thành (1802-1809). Sau đó ông về kinh đô Phú Xuân giữ chức Trung Quân thống lĩnh toàn quân đội, làm Tổng Tài Sử Quán và soạn luật Gia Long. Nguyễn Huỳnh Đức thay thế (1810-1816). Lê Chất làm Tổng Hiệp Trấn. Từ năm 1818 đến 1826 Lê Chất làm Tổng Trấn, Phạm Văn Đăng làm Tổng Hiệp Trấn.. Thời kỳ Lê Chất làm Tổng Trấn là thời kỳ phe phái của Nguyễn Văn Thành bị vu tội và thanh trừng. Tại Huế Nguyễn Văn Thuyên vì một bài thơ gửi bạn có câu « Giúp nhau thay đổi hội cơ này. » bị án chém, cha là Nguyễn Văn Thành phải uống thuốc độc tự tử. Tại Bắc Thành những người được xem là vây cánh Nguyễn Văn Thành cũng bị triệt hạ: Binh Bộ Thượng Thư (Bộ Trưởng) Đặng Trần Thường bị khui tội làm sắc phong thần cho tướng nhà Trịnh, Hoàng Ngũ Phúc (người chỉ huy đánh dẹp các Chúa Nguyễn) và tội ẩn lậu ao đầm, ruộng, ông bị giam và xử tội giảo (thắt cổ), Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán chết bất ngờ năm 1818 có lẽ tự tử. Và Trần Phúc Hiển, chồng Hồ Xuân Hương, Tham Hiệp trấn Yên Quảng, bị Án Thủ Dung xui dân tố cáo tham nhũng 700 quan tiền, bị tử hình..

Bắc Thành chia làm 11 trấn: gồm năm nội trấn: Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Dương, Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, sáu ngoại trấn: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hưng Hóa, Yên Quảng ngoài ra dó đạo Thanh Bình (Ninh Bình) và Hoà Bình còn gọi là Thanh Hoa ngoại trấn và Phủ Hoài Đức gồm Thăng Long và vùng phụ cận.

Gia Định Thành chia làm 5 trấn: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Vĩnh Tường và Hà Tiên. Tổng Trấn Gia Định Thành là Tả quân Lê Văn Duyệt. Sau khi Lê Văn Duyệt mất, con nuôi Lê Văn Khôi khởi loạn. Vụ khởi loạn bị triệt hạ toàn bộ tay chân Lê Văn Khôi đều bị giết, mộ Lê Văn Duyệt bị san bằng mang xích sắt.. Các chức Tổng Trấn bị Vua Minh Mạng bãi bỏ.
Đất kinh kỳ có 7 trấn và 4 doanh: 7 trấn là Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nghĩa, Bình Định, Phú Yên, Bình Hòa (Khánh Hòa) và Bình Thuận. 4 doanh là Quảng Đức (Thừa Thiên) Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Bình. Cầm đầu các doanh có quan Cai Bạ và quan Ký lục. Nguyễn Du giữ chức Quan Cai Bạ Doanh Quảng Bình từ năm 1809 đến 1813. (Các sách và bài viết ngày nay thường lầm lẫn Nguyễn Du làm Cai Bạ là một chức quan coi sổ ruộng đất, bị các quan trên chèn ép. Thật ra Cai Bạ là chức quan tương đương với Hiệp Trấn, đứng đầu một doanh, không dưới quyền một ai trong doanh.)

Cầm đầu một trấn về an ninh có viên quan Trấn Thủ, một quan võ cao cấp. Ở một trấn nhỏ như Yên Quảng không có quan Hiệp Trấn mà đứng đầu là quan Tham Hiệp, và về an ninh có quan Án Thủ. Từ năm 1831 Vua Minh Mạng cải cách hành chánh, đặt ra tỉnh thay trấn, nhiều trấn được chia làm hai tỉnh, như Sơn Nam Thượng được chia làm hai tỉnh: Hà Nội và Hưng Yên. Sơn Nam Hạ được chia làm Nam Định và Thái Bình. Tỉnh lớn có quan Tổng Đốc, tỉnh nhỏ có quan Tuần Vũ bên cạnh có quan Bố Chánh lo về hành chánh, Án Sát lo về hình pháp và Đốc Học lo về giáo dục. Trước năm 1831 Quan Hiệp Trấn lo hết mọi việc, có quan Tham Hiệp phụ tá đứng trên hàng Tri Phủ, Tri Huyện, vùng dân tộc thiểu số miền núi gọi là Tri Châu.

Theo GS Hoàng Xuân Hãn trong Hồ Xuân Hương với Vịnh Hạ Long. Tạp Chí Khoa Học Xã Hội số 11-12 tháng 12 năm 1983 Paris. Tr 94.: Cơ quan trung ương cai trị toàn bộ Bắc Thành cầm đầu bởi Quan Tổng Trấn và Quan Tổng Hiệp Trấn còn gọi là Phó Tổng Trấn là một vị Đại Tướng trong Ngũ Quân: (Trung, Tiền, Hậu, Tả, Hữu). Tổng Hiệp Trấn là quan văn vào hàng Thượng Thư. Được tán trợ bởi ba tào: Tào Hình lo về hình sự, Tào Binh lo bề binh bị, Tào Hộ lo về tài chánh, thuế má.. Ba người giữ chức tam Tào đầu tiên là Nguyễn Văn Khiêm, Đặng Trần Thường và Phạm Văn Đăng..Năm 1817 Trần Quang Tĩnh được cử ra làm Quan Tào Binh Bắc Thành.

Trần Quang Tĩnh, vốn quê ở Gia Định, nguyên là quan Hiệp Trấn Bình Định được đổi ra làm quan Hiệp Trấn Sơn Nam Hạ đổi ra Bắc Hà lần đầu. Được nghe tiếng Xuân Hương đã tới thăm và tỏ tinh qua lại nhiều lần, nhưng vì một lý do nào đó không cưới nàng ? Xuân Hương có thể từng mang sách đến bán cho các quan, các phú hộ tại Trấn lỵ Nam Định. Tháng 3 năm Kỷ Tỹ 1809, nhân dịp lên Thăng Long cáo từ quan Tổng Trấn đã ghé thăm Cổ Nguyệt Đường. Hồ Xuân Hương bày tiệc dưới trăng tiễn đưa. Trần Quang Tĩnh xướng bài thơ:

Trần Hiệp Trấn gửi Hồ Xuân Hương
Nâng chén dưới đèn tiệc tiễn chân,
Tơ sầu dằng dặc lặng câm buồn.
Cây lặng gió yên, chim vắng tiếng,
Ngoài rèm trăng xế, khách kêu ồn.
Ta thẹn không tài thơ Bạch Tuyết,
Khen bạn duyên cao sinh Chu môn.
Trùng phùng còn còn biết ngày nao gặp,
Ngơ ngẩn tình say vướng mộng hồn.

Thơ chữ Hán Trần Quang Tĩnh,
Hồ Xuân Hương chép trong Lưu Hương Ký,
Nhất Uyên dịch thơ.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

Trần Hiệp Trấn xướng gửi Hồ Xuân Hương
Tống biệt đăng tiền bả tửu tôn,
Sầu ti lũ lũ dục vô ngôn,
Thụ biên phong tế điểu thanh cấp,
Liêm ngoại nguyệt tà nhân ngữ huyên.
Lân ngã bất tài hư Bạch Tuyết,
Hân quân hữu ohận thách Chu Môn.
Trùng phùng thử hậu tri hà nhật,
Thác đác tình si nhạ mộng hồn.

Điển tích:
Khách: chim khách, kêu khách khách báo hiệu có khách đến.
Bạch Tuyết và Dương Xuân: là hai khúc hát do Sư Khoáng đời Xuân Thu Chiến Quốc sáng tác. Tống Ngọc viết: khi hai khúc hát này hát ra cả nước chỉ năm ba người họa theo được, ý nói khúc hát hay nhưng khó hát, khó làm. Ý nói Xuân Hương làm thơ khó ai hoạ theo được.
Chu Môn là cửa son, gia đình danh vọng, dòng họ Hồ có nhiều người đỗ đạt danh vọng đầu triều như Hồ Tông Thốc, Hồ Sĩ Đống, Hồ Phi Tích…

Cố nhân từ biệt nhau, bạn tiễn chén rượu này đến chén khác, lòng bâng khuâng, tơ sầu dằng dặc không nói được.Gió im, cây chẳng lay động, chim đã ngủ im tiếng. Bên ngoài rèm trăng xế chỉ còn nghe có tiếng chim khách kêu. Quang Tĩnh khách sáo cho rằng mình tài mọn, nên không nhiều thi tứ, không làm được khúc hát Bạch Tuyết. Khen Hồ Xuân Hương duyên cao nàng dòng dõi nhà quan Hồ Sĩ Đống. Không biết lúc nào còn gặp lại nàng nữa. Tình đã nặng, đêm mộng chắc khó nguôi được. Bài thơ bốn vế đầu Quang Tĩnh cảm động trước sự đưa tiễn của Xuân Hương, nhưng bốn vế sau, tình không đậm nữa chỉ nhạt dần.

Xuân Hương đã họa ngay trên bàn tiệc bài thơ của Hiệp Trấn Trần Quang Tĩnh:

Họa nguyên vận quan Hiệp Trấn Sơn Nam Hạ Trần Hầu
Gặp gỡ bèo mây dưới nguyệt tròn,
Ngỗn ngang sầu vọng nói gì hơn.
Phượng Cầu ai gảy đàn đưa ý,
Chim Khách kêu chi ngõ vắng buồn.
Ai chuộc tiếng kèn về Hán khuyết,
Lòng ta luống thẹn biệt Hồ môn.
Chia tay giữa tiệc tình lưu luyến,
Ngây ngát hồn tan mộng Sảnh Nương.

Thơ chữ Hán Hồ Xuân Hương
Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt

Dữ Sơn Nam Hạ Hiệp Trấn Trần Hầu
Bình thủy tương phùng nguyệt hạ tôn,
Cương trường phiến phiến thuộc nan ngôn.
Khiêu cầu hữu ý minh hoàng xướng,
Nhiễu thụ vô đoan ngữ thước huyên.
Thùy tục già thanh qui Hán khuyết,
Tự tu liên bộ xuất Hồ môn.
Bán diên biệt hậu tình đa thiếu,
Mạch mạch không ly Sảnh Nữ hồn.

Điển tích:
Bình thủy: Bèo trên nước, khi hợp khi tan?
Khiêu cầu: Tích Tư Mã Tương Như gảy khúc Phượng cầu kỳ hoàng, (Chim phượng trống tìm con mái) để quyến rũ Trác Văn Quân, một gái góa chồng.
Ngữ thước: chim khách kêu ngoài ngõ báo tin khách tới.
Hán khuyết: Điển tích nàng Thái Diệm con gái nước Hán có tài thổi kèn,bị phiêu bạt vào đất Hung Nô miền Tân Cương bây giờ, phải lấy trai Hồ. Tào Tháo mến tiếng kèn nàng bèn chuộc về đất Hán.
Hồ Môn: cửa ải đi từ đất Hung Nô về. Hồ Xuân Hương chơi chữ có nghĩa là dòng dõi họ Hồ, danh gia vọng tộc.
Sảnh Nương, chuyện Liêu Trai Chí Dị: Nàng họ Sảnh và Vương Trụ yêu nhau, nhưng cha mẹ nàng không bằng lòng, nàng lâm bệnh bất tỉnh. Vương Trụ buồn bỏ làng đi xa làm ăn, một hôm Vương Trụ dừng thuyền, chợt thấy Sảnh Nương khăn gói bước xuống. Hai người lấy nhau và đêm đi xa làm ăn. Năm năm sau vợ chồng về làng. Vương Trụ tới nhà trước xin lỗi cha mẹ nàng đã làm trái ý ông bà. Cha mẹ nàng sửng sốt vì Sảnh Nương ốm nặng bất tỉnh nằm trong buồng suốt 5 năm qua. Khi vợ chàng vào đến sân, Sảnh Nương lìa buồng chạy ra đón. Hai Sảnh Nương ôm lấy nhau nhập làm một, thì ra hồn Sảnh Nương đã lìa xác theo Vương Trụ đã năm năm.

Ông Bùi Hạnh Cẩn trong Hồ Xuân Hương. Thơ chữ Hán, chữ Nôm và giao thoại, nxb VHTT Hà nội 1995 tr 108 dịch là Thiển Nữ.

Tôi chép sau đây các bài dịch của Học giả Trần Thanh Mại và Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn

Bản dịch Học giả Trần Thanh Mại

Gặp gỡ dưới trăng chuốt chén mời,
Lòng son đòi đoạn chẳng nên lời.
Khúc đàn ai gảy đà đưa ý,
Ngoài ngõ khách kêu chẳng thấy người.
Ai chuộc tiếng kèn về Hán đó ?
Tủi lê gót ngọc đất Hồ rối !
Biệt ly dỡ tiệc tình lưu luyến.,
Hồn Sảnh sầu đau mạch mạch khơi.

GS Hoàng Xuân Hãn dịch ra thơ lục bát:

Nước bèo nâng chén dưới trăng,
Ngổn ngang lòng thắm nói năng được nào !
Đàn xưa gảy khúc Phượng Cầu,
Trên cây khách gọi nhưng sầu không ai!
Ai mê kèn Hán chuộc người ?
Ta đây luống thẹn đã rời Hồ Môn.
Chia tay giữa tiệc tình còn,
Nghẹn ngào ngây ngất tan hồn Sảnh Nương.

Từng quen nhau, nay gặp lại như bèo trên nước tan rồi hợp, giây phút tao ngộ cùng nâng chén rượu dưới trăng tròn mời nhau, lòng ngỗn ngang không nói được nên lời. Xuân Hương trách Quang Tĩnh xưa đã ngỏ ý quyến dụ xin cưới nàng như Tư Mã Tương Như gảy khúc Phượng cầu kỳ hoàng. Nàng đợi chàng tới như chàng đã hứa hẹn, như lời chim khách báo tin trước ngõ, nhưng chàng không tới. Chàng đã yêu thơ thiếp như yêu tiếng kèn nàng Thái Diệm sao không như Tào Tháo chuộc nàng về đất Hán, sao chàng không cưới thiếp. Lòng thiếp tự thẹn đã vượt ra ngoài khuôn mẫu vọng tộc họ Hồ. Hán khuyết đối với Hồ Môn thật khéo léo tài tình. Chia tay nhau hôm nay, lòng còn lưu luyến. Hồn ngây ngất muốn thoát xác như nàng Sảnh Nương, để đi theo cùng chàng. Bài thơ cực mạnh với điển tích Sảnh Nương, nói lên tấm lòng nàng. Thật là một bài thơ chữ Hán tuyệt bút, của Hồ Xuân Hương, chỉ tám câu thôi mà dùng bao điển tích thật khéo léo kết hợp nhau tài tình. Hồ Xuân Hương không chỉ là bà Chúa Thơ Nôm mà thơ chữ Hán cũng vào bậc thi hào.

Bài thơ này còn được chép trong Tục Hoàng Việt thi tuyển của Nguyễn Đình Hồ, một nho gia người huyện Nam Trực tỉnh Nam Định, sách cốt nối tiếp Hoàng Việt thi tuyển của Bùi Huy Bích. Cuối năm 1960, ông Nguyễn Đình Hồ gửi tác phẩm mình cho Viện Văn Học, nhưng không dẫn bài thơ lấy từ đâu. Ông Trần Thanh Mại cố tìm hỏi thẳng nhưng tác giả đã mất.

Mối tình Hồ Xuân Hương và Trần Quang Tĩnh chỉ còn để lại hai bài thơ. Sau đó rồi mỗi người mỗi ngã, cuộc đời phủ phàng. Khi Trần Quang Tĩnh được thăng chức Tào Binh, Thống lĩnh toàn quân đội Bắc Thành dưới quyền Tổng Trấn Lê Chất, trong khi Trần Phúc Hiển, chồng Hồ Xuân Hương bị bắt, vị vu cáo, Hồ Xuân Hương có đến tìm Quang Tĩnh để nhờ cứu giúp. Quang Tĩnh chẳng làm được gì nên chẳng dám chường mặt gặp người tình cũ, chỉ sai lính đuổi nàng đi, để Hồ Xuân Hương chua chát:

Ngâm khách thế thần đâu sắc tướng,
Tình ma không sức đuổi sầu binh.

Và trái tim Trần Quang Tĩnh có lẽ đã hóa đá, trên khán đài ra lệnh cho đao phủ thủ chém Trần Phúc Hiển và khi nghe tiếng nàng Hồ Xuân Hương ôm thây chồng khóc cười điên dại:

Hạt sương dưới chiếu chau mày khóc,
Giọt máu trên tay mỉm miệng cười.

Hai câu thơ này trong văn bản cổ nhất của bài Khóc ông Phủ Vĩnh Tường, bài thơ này bị sửa đổi nhiều thời Pháp thuộc. Câu: « Cán cân tạo hóa rơi đâu mất, » cán cân là hình ảnh nữ thần Công Lý cầm cán cân tiểu ly, đắp nổi trên các toà án thời Pháp thuộc. Thời Hồ Xuân Hương dùng chữ : đồng cân : cân có cán dài, có dĩa cân, để hàng hóa, khi cân nhấc đồng cân trên vạch, Âm công nhắc một đồng cân cũng vừa (Kiều). Mượn tay thi tướng nhắc đồng cân (Thơ Hồ Xuân Hương tặng Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán).

3 . Hồ Xuân Hương Và Tốn Phong, Người Tình Si

1. Tốn Phong họ Phan, cùng họ với nữ sĩ Phan My Anh. Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn, đoán tên là Huân, nghĩa là Nam Phong, Gió Nam, hay Tốn Phong nhưng chữ phong trong bài tựa Lưu Hương Ký lại có nghĩa là núi. Tốn Phong tên thật là Phan Nam Sơn chăng ?. Tiếc là chưa tìm được gia phả để truy nguyên Tốn Phong là Phan Huy Huân hay Phan Nam Sơn. Trong bài tựa cho Lưu Hương Ký, Tốn Phong còn xưng danh hiệu Nham Giác Phu, nghĩa là Người ẩn. trong núi mà hiểu sự đời. Bài thơ số 10 trong 31 bài thơ tặng Hồ Xuân Hương, Tốn Phong cho địa chỉ:

Trường đình từ biệt nàng còn nhớ,
Ghi lấy, Hoan Nam, Thạch Ẩn nhi.

Tốn Phong quê ở Hoan Nam (Nghệ Tĩnh), nhà ở gần núi Huyện Thạch Hà, nơi chánh quán dòng họ Phan Huy Ích.

Sau khi Vua Gia Long lên ngôi, triều đình Huế mở khoa thi đầu tiên năm 1807 và sáu năm sau mới mở khoa thi thứ hai năm 1813. Tốn Phong đi thi trường Nghệ và cả hai khoa đều hỏng. Tốn Phong không lưu lại tên trong các kỳ thi Hương, nhưng để lại trên đời bài tựa Lưu Hương Ký, và 31 bài thơ chữ Hán riêng tặng Hồ Xuân Hương. Năm 1963 ông Trần Thanh Mại phát hiện tại Thư Viện Khoa Học Trung Ương Hà Nội đóng lẫn với bài Du Hương Tích động ký của Chu Mạnh Trinh. Ông Trần Thanh Mại đã dịch và xét cẩn thận bài tựa và công bố trên Tạp Chí Văn Học.*

2. Bài tựa tập thơ Lưu Hương Ký

« Làm thơ có phải dễ đâu ! Vì trong lúc ngâm vịnh có thể xuất phát từ mối tình (cảm hứng), nhưng phải biết dừng lại trong phạm vi lễ nghĩa. Cho nên thơ có thể làm cho trời đất chuyển động, quỷ thần cảm xúc, giáo hóa tốt lành, nhân luân đầy đủ. Vì vậy mà Khổng Tử khen thơ Quan Thư (Kinh Thi), đã có câu: ‘Vui mà không đến nỗi buông tuồng, buồn mà không đến nỗi đau thương’ chính là như thế. Sau thơ Quan Thư, không nghe có thơ nào được như thế nữa.

Đời xưa Ban Thái Cơ tiếp tục công việc của anh, là Ban Cố đã chép nối Hán Sử. Tô Tiểu Muội (em Tô Thức đời Tống) cùng với cha và anh đã trở thành nhà đại gia; hai nàng đáng gọi la tay nữ sử vậy.

Nước ta có tiếng là đất văn hiến, nhưng phụ nữ nhiều người không được học. Khoảng giữa đời Lê có bà Hồng Hà nữ tử (Đoàn Thị Điểm) chép sách Truyền Kỳ (Tục Truyền Kỳ Tân Phả), nhưng lời văn đều thiên về gịọng trào phúng đùa bỡn. Duy có bà Phan My Anh, người trong họ tôi, có tiếng giỏi thơ văn, các bậc tiền bối đều khen ngợi, My Anh không thích ghi chép lại thơ văn của mình. Tôi thường được các tài tử văn nhân, đọc lại cho nghe thơ của bà, thì thấy đều là xuất phát từ mối tình mà đều dừng lại trong lễ nghĩa. Tuy vậy tôi không thấy được toàn tập thơ văn bà, thường rất lấy làm ân hận !

Mùa xuân năm Đinh Mão (1807), tôi đến thành Thăng Long, nhân cùng bạn là Cư Đình nói chuyện về các tài nữ xưa nay, bạn ấy nói cho biết cùng quận với tôi, có người phụ nữ là Cổ Nguyệt Đường Xuân Hương, học rộng mà thuần thục, dùng chữ ít mà đầy đủ, từ mới lạ mà đẹp đẽ, thơ đúng phép tắc mà văn hoa, thực là một bậc tài nữ.

Tôi liền tới nơi hỏi thăm. Khi hỏi đến tên họ, mới biết cô ta là em gái ông lớn họ Hồ, đậu Hoàng Giáp, người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu. Chúng tôi mới tình cờ gặp nhau lần đầu mà đã thành ra đôi bạn thân thiết. Trong những khi uống rượu ngâm thơ, kẻ xướng người họa, tứ thơ dồi dào, nhưng vẫn tỏ ra vui mà không buông tuồng, buồn mà không đau thương, khốn mà không lo phiền, cùng mà không bức bách. Thật là do tính tình nghiêm chỉnh mà ra, cho nên khi hát lên, ngâm lên những thơ ấy, thì tay muốn múa, chân cứ muốn giậm mà không tự biết.

Từ dó, có những lúc tôi phải bôn ba vào Nam ra Bắc, không thể cùng nhau sớm hôm xướng họa. Còn Xuân Hương cũng vì mẹ già nhà túng, mà ăn ở cũng không được yên ổn.

Sang mùa xuân năm Giáp Tuất (1814), tôi tìm đến chổ ở cũ của cô, hai bên vừa mừng vừa tủi. Xuân Hương liền cầm tập Lưu Hương Ký, đưa cho tôi xem mà bảo tôi rằng: ‘Đây là tất cả thơ văn trong đời tôi từ trước đến nay, nhờ anh làm cho bài tựa.’. Tôi mở tập ấy ra xem thì thấy những bài thơ năm chữ, bảy chữ, những điệu ca phú và từ chép đầy trong một quyển. Thoạt đầu tôi hết sức kinh ngạc lạ lùng. Hồi dần dần càng đọc, càng thầy lòng thư thái mà trở nên vui thích khoái trá. Tôi thường nghe: người đất Nghệ An thuần tú và ham học. Đúng như thế thật.! Đàn ông tuấn kiệt thì có các bậc khoa bảng đời trước, đàn bà tinh anh thì có những người như Phan My Anh và Hồ Xuân Hương. Người ta nói núi cao sông sâu sinh ra nhân tài tuấn kiệt, quả không sai vậy.

Bởi vậy tập Lưu Hương Ký tuy đầy vẻ gió trăng mây móc, nhưng đều tự đáy lòng mà phát ra, biểu hiện thành lời nói, lại cũng đều đúng với cái ý đã nói trên là: xuất phát từ mối tình mà biết dừng lại trên lễ nghĩa.

Bởi thế tôi xin nêu rõ ra đây để ngày sau có dịp chọn lựa thơ ấy làm thơ dân phong chăng . Nay đề tựa.

Thăng Long, năm Giáp Tuất (1814) tháng Trọng Xuân (tháng hai)
Người đồng quận là Nham Giác Phu

Tốn Phong Thị viết ở nơi ngồi dạy học. . »

Theo bài tựa và các bài thơ, Tốn Phong sau khi hỏng thi kỳ thi Hương Trường Nghệ năm 1807 và 1814, ra Thăng Long dạy học tại gần Hồ Kim Âu, trước Văn Miếu Quốc Tử Giám. Trong Dụ Am Ngâm Lục, Phan Huy Ích cũng có nói ông mở nhà Học nơi đây, phải chăng Tốn Phong đã dạy thuê nơi người anh cùng họ.(Phan Huy Ích là bậc tiến sĩ dạy các lớp các thí sinh sắp đi thi và Tốn Phong dạy lớp nhỏ và vỡ lòng) Tốn Phong đến chơi cùng Cư Đình bàn chuyện văn thơ xưa nay, nói đến thơ ngày nay Cư Đình có giới thiệu đến Hồ Xuân Hương. Người cùng quê Hoan Châu, Tốn Phong hỏi thăm địa chỉ và đến thăm hiệu sách của nàng ở Phố Nam thành Thăng Long gần đền Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không. Trong thơ văn Cao Bá Quát 20 năm sau có nhiều bài thơ nhắc đến Cư Đình. Cư Đình có nghĩa là người ở nơi đình làng, có lẽ ông đang cư ngụ làm ông từ lo hương khói, hay coi thẻ xin xăm, coi bói phong thủy nơi một đình nào đó tại Thăng Long nên lấy Cư Đình làm bút hiệu.

Tốn Phong được biết Hồ Xuân Hương là em ông Hoàng Giáp Hồ Sĩ Đống đậu đầu Song Nguyên hai kỳ thi Hội và Thi Đình, làm Thượng Thư triều Lê-Trịnh. Ông Đào Thái Tôn dựa vào từ em mà đoán rằng Hồ Xuân Hương cùng cha khác mẹ với Hồ Sĩ Đống., con Hồ Sĩ Danh. Trong khi theo gia phả thì nếu Hồ Xuân Hương con Hồ Phi Diễn thì cùng ông tổ cách bốn đời là Hồ Sĩ Anh. Theo Gs Hoàng Xuân Hãn, ngày xưa cách nhau 3, 4 đời là gần, từ em họ cũng thường chỉ nói em, nhất là khi anh chị là bậc sang.(khác với ngày nay họ hàng chỉ biết nhau 2, 3 đời).

Năm 1807, Tốn Phong đến thăm Hồ Xuân Hương nơi hiệu sách ở Phố Nam, sau đó nàng ‘mẹ già nhà túng nên ăn ở không yên ổn’. Hiệu sách không có lời nàng phải đi buôn, đem sách vở, tơ lụa, lĩnh, bán tại các hội làng, các trấn. Năm 1814, Tốn Phong đến thăm Xuân Hương tại Cổ Nguyệt Đường, làng Nghi Tàm và viết tựa Lưu Hương Ký, mẹ Xuân Hương còn đó, lúc này Xuân Hương thôi đi buôn và dạy học lớp học do Tử Minh mất năm 1811 để lại và sau đó mẹ mất nên Xuân Hương phải cư tang mẹ một năm, nên đến đầu năm 1816 mới về về Vịnh Hạ Long cùng Tham Hiệp Trần Phúc Hiển.

3. Hồ Xuân Hương tả buổi đầu gặp gỡ Tốn Phong qua bài Ngụ ý Tốn Phong thị: Gặp anh chàng dáng đi lật dật, ăn diện bảnh bao, chàng đến sớm sương còn ướt áo tơ xanh lục, chàng xức dầu thơm ‘made in annam’ mùi trầm, mùi xạ hương, hay mùi củ xã.?. chàng xưng là đồng hương đến tán mình, Xuân Hương có cảm tình, nhưng nhìn đùa với nửa con mắt, không biết là duyên hay nợ. Nếu nàng mềm lòng hay bị tiếng sét ái tình chắc không hỏi thế. . Chàng bước đi thơn thớt như gió lọt cành lê, gió lướt mặt hồ. Anh chàng muốn cầu duyên, chắp chỉ đào thêu trướng gấm nên làm thơ tặng nàng như chuyện chàng Vu Hựu thả lá đề thơ với nàng cung nữ Hàn Thúy Tần. Thăng Long có sông Tô Lịch chảy qua cống thành vào hào thành và chảy ra sông Hồng thật hợp tình hợp cảnh. Tốn Phong ăn nói lưu loát điệu đàng quá, khiến nàng đâm ra nghi ngờ nghĩ rằng phải tinh con mắt mới biết ngọc hay đá.

Ngụ ý Tốn Phong thị
Bài I

Chồn bước may đâu khéo hẹn hò,
Duyên chi hay bởi nợ chi ru ?
Sương xoa áo lục nhồi hơi xạ,
Gió lọt cành lê lướt mặt hồ.
Muốn chấp chỉ đào thêu trướng gấm,
Mà đem là thắm thả dòng Tô.
Trong trần mấy kẻ tinh con mắt,
Biết ngọc mà trao mới kể cho.

4. Từ đó Tốn Phong thường lui tới hiệu sách nàng, như gió đông thổi trên đường hoa, nghĩ ra chàng cũng có công đi tìm thơm. Từ kẻ lạ mặt, không ai giới thiệu mà đến làm quen không ngượng ngùng chi cả. Vì nặng lòng thăm nàng, nên nhẹ đến chuyện công danh thi cử gánh vác chuyện non sông. Khi thì cùng nàng trong vườn nắng nhuộm màu xanh biếc, khi thì trong phòng khách trăng soi trải hồng ấm cúng. Nàng tự hỏi ai nh

0