Văn 6 - Bài 4: Cảm hứng dấn thân của tác giả bài thơ “Cánh buồm”
Bài 4 Cảm hứng dấn thân của tác giả bài thơ “Cánh buồm” 1. Các nhà Tháng Chạp Để hiểu thơ Nga, đừng vội nhớ riêng Pushkin và Lermontov. Có một cái tên khác nữa các bạn cần nhớ trước hết: những nhà Tháng Chạp. ...
Bài 4
Cảm hứng dấn thân của
tác giả bài thơ “Cánh buồm”
1. Các nhà Tháng Chạp
Để hiểu thơ Nga, đừng vội nhớ riêng Pushkin và Lermontov.
Có một cái tên khác nữa các bạn cần nhớ trước hết: những nhà Tháng Chạp.
Tháng Chạp, có chuyện gì ở Nga? Tháng 11 năm 1825 hoàng đế Nga Aleksandr đệ I từ trần. Nhân thời cơ đó, các nhà cách mạng quý tộc Nga khởi nghĩa vũ trang vào 11 giờ trưa ngày 14 tháng Chạp năm 1825 ở Quảng trường Senat, Xanh Peterburg. Nhưng cuộc khởi nghĩa đã bị dập tắt nhanh chóng. Hình bên: Bia tưởng niệm 5 nhà Tháng Chạp bị tử hình: Pavel Ivanovitch Pestel Kondrati Ryleïev Mikhail Bestoujev-Rioumine Sergueï Ivanovitch Mouraviov-Apostol Piotr Grigorievich Kakhovski |
---|
Sau vụ nổi dậy tháng 12 năm 1825, ngoài 5 án tử hình trên, còn 11 kiểu tù đầy khác. Kiểu 1 là chung thân khổ sai cho 33 nhà Tháng Chạp. Kiểu 2 là 20 năm khổ sai cho 8 nhà Tháng Chạp khác.... Kiểu 3, kiểu 4, kiểu 5... cho tới kiểu hình phạt thứ 11 là 5 năm khổ sai.
Có hai chiến sĩ đã tự sát. Người thứ nhất tên là Alexandr Mikhailovich Boulatov, từng tham gia chiến dịch chống quân xâm lược Pháp năm 1812, Thiếu tướng trung đoàn trưởng trung đoàn 12 tiên phong... nhưng lại là Phó chỉ huy khởi nghĩa năm 1825. Khi bị bắt, tướng Boulatov tuyệt thực, sau đó đập đầu vào tưởng, rồi chết trong bệnh viện vì thương tích ở đầu. Người tự sát thứ hai là Ippolit Ivanovich Mouraviov-Apostol, là em út của ba anh em cùng tham gia khởi nghĩa. Ông bị thương vào tay, từ chối trình diện đầu hàng, tự bắn vào đầu, được chôn trong hố chung với các đồng chí Tháng Chạp.
2. Những nhà thơ dấn thân
Trong số các nhà Tháng Chạp, có nhiều người là thi sĩ, nhà viết kịch, nhà phê bình nghệ thuật. Đó là nhà thơ Vassili Lvovich Davydov; đó còn là Fiodor Fiodorovich Vadkovski, nhà thơ, nhạc sĩ, giáo viên của Trung đoàn Tiên phong số 18; và đó cũng là Pavel Alexandrovich Katenin, nhà thơ, nhà soạn kịch, dịch giả và diễn viên kịch, viện sĩ Hàn Lâm Nga. Những nhà cách mạng quý tộc đó đều có học, có lý tưởng, và phần lớn các nhà Tháng Chạp đều là thành viên của một Hội bí mật đấu tranh đòi thay đổi thể chế, đòi noi gương nước Pháp chuyển từ chế độ chuyên chế phong kiến sang chế độ cộng hòa.
Có một câu chuyện rất thú vị. Nga hoàng Nicolai đệ I (thay Nga hoàng mới chết) đã cho triệu nhà thơ Pushkin tới, và hỏi thẳng: “Nếu ông có mặt ở Xanh-Petersburg ngày 14 tháng Chạp năm 1825, ông sẽ làm gì?” Các bạn có đoán được câu trả lời của Pushkin không? Nhà thơ Pushkin đã đáp lại Nicolai đệ I như sau: “Nếu hôm 14 tháng Chạp tôi ở đó thì tôi sẽ tham gia cuộc khởi nghĩa”.
Về sau, Pushkin đã viết một bài thơ tặng những người Tháng Chạp bị kết án tù khổ sai ở Sibiri. Một trong những người tù đã làm thơ gửi tặng lại Pushkin. Chính các bạn, nếu ban nào thấy hứng thú, sẽ tự mình tìm những bài thơ đó...
Mikhail Iurevich Lermontov (1814-1841) là nhà thơ trẻ cùng thời với A. S. Pushkin (1799-1837). Chàng trai rất yêu mến, lấy thần tượng là nhà thơ đàn anh, đã vô cùng xúc động trước cái chết của Pushkin mà viết nên bài thơ Cái chết của nhà thơ (1837). Lermontov được coi là người kế tục xuất sắc của nhà thơ Pushkin, để lại nhiều tác phẩm có giá trị: những bài thơ trữ tình, trường ca, kịch và thậm chí ông còn vẽ rất nhiều nữa. Lermontov trở thành niềm tự hào của thi ca Nga, cho dù ông qua đời rất sớm, ở tuổi 27, cũng trong một cuộc đấu súng như nhà thơ tiền bối Pushkin mà ông rất ngưỡng mộ.
Bài thơ Cánh buồm là tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ, được sáng tác năm 1832. Bấy giờ, những năm sau cuộc khởi nghĩa của những người Tháng Chạp dấy lên những cuộc đàn áp trí thức của Nga hoàng. Lermontov thôi học trường Đại học tổng hợp Matxcơva, về Petersburg, nhưng cũng không được vào học ở trường đại học tổng hợp thành phố mà lại vào học ở trường võ bị, nơi cuộc đời của Lermontov bị gò bó vào kỷ luật khắt khe của quân đội. Buồn chán, cảm thấy bị bó buộc, lo lắng mơ hồ cho tương lai, cô đơn và khao khát một cuộc sống khác, phóng khoáng và có ý nghĩa hơn – đó là tâm trạng của chàng thi sĩ. Thi thoảng chàng trai đi dạo ở bờ biển vịnh Phần Lan. Bài thơ Cánh buồm ra đời ở đây.
Bài thơ được sáng tác bên bờ biển, trong một vài tích tắc khi tác giả ngắm một cánh buồm. Làm thơ là một cách bày tỏ tâm trạng, cảm xúc, ước mơ và chính kiến của bản thân mình cũng như nói hộ cho nhiều người giống mình, đôi khi là cả một thế hệ. Mời các bạn đọc hai bản dịch, để các bạn dễ tìm những ý thơ cùng được nhấn mạnhở các văn bản.
Nhà thơ Lermontov
CÁNH BUỒM
Dưới nước dòng xanh tuôn lóng lánh,
Trên trời tia nắng rực ánh vàng:
Mà người nổi loạn đòi giông tố,
Tưởng chừng giông tố có bình an!
Thụy Anh dịch
CÁNH BUỒM
Đơn độc cánh buồm trắng
Trong sương mờ biển xanh
Tìm chi nơi xa vắng
Mà lảng tránh đất lành?
Biển dâng gió gào rú
Cột buồm vặn đớn đau
Nơi nào có hạnh phúc
Hạnh phúc biết tìm đâu!
Lấp lóa buồm căng lướt
Ánh vàng mặt trời lên
Cánh buồm trong bão tố
Sóng gió chốn bình yên
Châu Diên dịch
Thảo luận nhóm
- Thế nào là “dấn thân”?
- Các nhà thơ Nga đã dấn thân vào sự nghiệp gì?
- Câu thơ nào nói được ý tưởng “hạnh phúc là ở sự dấn thân” của nhà thơ?
Viết tiểu luận
Bạn có ý kiến gì với hai cách dịch một ý tưởng nằm ở cuối bài thơ Cánh buồm
a. Mà người nổi loạn đòi giông tố,
Tưởng chừng giông tố có bình an!
b. Cánh buồm trong bão tố
Sóng gió chốn bình yên