25/05/2018, 16:11

Văn 6 - Bài 8: Cuốn sách của bạn tôi

Bài 8 Cuốn sách của bạn tôi Giới thiệu ngắn Người biên soạn bài này, André Menras, là công dân Pháp, từng dạy tiếng Pháp bậc Trung học ở Việt Nam trước năm 1975. Ông cũng thành công dân Việt Nam năm 2009 sau quyết định của Chủ tịch ...

Bài 8

Cuốn sách của bạn tôi

Giới thiệu ngắn

       Người biên soạn bài này, André Menras, là công dân Pháp, từng dạy tiếng Pháp bậc Trung học ở Việt Nam trước năm 1975. Ông cũng thành công dân Việt Nam năm 2009 sau quyết định của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.  

       Tham gia soạn sách Văn lớp Sáu theo định hướng của nhóm Cánh Buồm, André viết: “Tôi rất vinh dự được mời góp phần vào cuốn sách giáo khoa này, tôi vốn xưa chỉ là một thầy giáo quèn, một anh học trò mèng, và sau bốn mươi năm làm nghề vẫn băn khoăn về những phẩm chất của việc giáo dục “học đường” từ trên bục giảng trước tấm bảng đen câm lặng… Sự hiện diện nhỏ nhoi này trong cuốn sách đổi mới của các bạn có rất nhiều ý nghĩa đối với tôi…”

Hướng dẫn học

1. Bài tậpnày gồm ba phần, bạn sẽ phải đọc kỹ cả ba phần đó, gồm có: (a) Lời giới thiệu của A. Menras; (b) Năm đoạn trích rất ngắn do A. Menras chọn; (c) Một đoạn trích khác nữa do Ban biên tập chọn.

2. Bạn cần đọc kỹ phần (a). Phần này tạo thành một tiểu luận với cách viết rất văn chương, rất hấp dẫn. Đọc những lời giới thiệu dù rất ngắn gọn của A. Menras, bạn cần biết chắc là mình đã hiểu về con người nhà văn Anatole France – một con người dấn thân và hoài nghi.

             Tự trả lời và tham khảo ý kiến trong thảo luận nhóm:

a.      Dấn thân khi xông pha làm những việc gì?

b.      Hoài nghi như thế nào trước những vấn đề gì?

3. Tiếp theo, bạn hãy sang phần (b) gồm năm đoạn trích ngắn và hãy làm đầy đủ bài tập được giao. Việc đó sẽ giúp bạn làm việc tiếp sang phần (c) Đọc thêm phần mở  đầu cuốn Sách của bạn tôido nhà văn Hướng Minh dịch và in ở Hà Nội năm 1988.

Chú ý

       Ghi riêng những nhận xét tác giả và tác phẩm trong những bài tập khác. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn khi chọn đề tài và khi viết tiểu luận.

Lời giới thiệu của A. Menras                                                                         

       Ông bạn X… của tôi đã đề nghị lấy Cuốn sách của bạn tôi, tác phẩm của Anatole France, làm điểm xuất phát cho một cuộc lang thang văn chương, có tính sư phạm, hơi nhuốm tí triết lí một chút. Được thôi. Vậy thì chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ mấy đoạn của tác phẩm, mỗi người trong chúng ta với cái nhìn của mình vào chính lúc đó và qua trải nghiệm duy nhất  từng nghiệm sinh của mình. Bởi vì theo ông già Anatole đôn hậu ấy: “Một cuốn sách là gì? Một chuỗi những tín hiệu nhỏ. Không có gì hơn. Phận sự của người đọc là tự mình rút ra những hình thái, màu sắc và tình cảm tương ứng với những tín hiệu ấy.” “Khi ta đọc một cuốn sách, ta làm cho nó chuyển sang ta. Mọi cuốn sách có bao nhiêu người đọc thì có ngần nấy bản khác nhau… Và một bài thơ, cũng như một phong cảnh, thay hình đổi dạng trong mọi con mắt nhìn thấy nó, trong mọi tâm hồn đón nhận nó.”. Hãy thử theo bí quyết của ông – bí quyết của một người đọc hạnh phúc: “Sách chỉ làm ta sung sướng nếu ta thích ve vuốt chúng”.

       Tôi được yêu cầu giới thiệu ngắn gọn tác giả bằng một vài dòng. Tôi đây, đến cái đời của chính mình còn không tóm tắt nổi, huống hồ là tóm tắt đời một người khác, nhất là với một cuộc đời vĩ đại đến thế. Vậy thì tôi sẽ giới thiệu ông theo cách của tôi. Những ai muốn biết thêm có thể tự sưu tầm tài liệu chi tiết về ông.

       Trước tiên, phải nói rằng văn nhân này là một trong những nhà văn Pháp lớn nhất cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Một thi sĩ, một tiểu thuyết gia, một nhà viết tựa sách, một nhà phê bình văn học, và về cuối đời là nhà văn “dấn thân”, là viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp, và đã được tặng giải Nobel văn học. Ông đã đấu tranh bên cạnh Émile Zola chống lại vụ án bất công khép người vô tội vào tội phản quốc[1]. Ông là người thân cận với Jean Jaurès, người sáng lập nhật báo Humanité[2], đã bị ám sát vì chống chiến tranh. Ông đã tham gia sáng lập Liên minh Quyền Con Người. Nhưng mặc dù là bạn chiến đấu của Jean Jaurès, người ủng hộ nhiệt thành cho Dreyfus và phát ngôn của cánh Tả cuồng nhiệt chống giáo quyền tận trong tâm, Anatole France, trong suốt lịch sử đời mình và trên mọi phương diện, vẫn nguyên vẹn và kiên định là người hoài nghi chủ nghĩa.

       Để giới thiệu Ông lớn này mà không phản lại ông, tôi đã chọn cách để ông nói bằng những trước tác của mình hoặc bằng những gì ông đặt vào miệng những nhân vật trong những tiểu thuyết khác nhau của ông, với việc trình tới các bạn một hợp tuyển nhỏ những trích dẫn dưới đây.

       Tôi đã nói với các bạn đây là một người hoài nghi chủ nghĩa, lòng chất chứa nghi ngờ: “Tất cả bọn họ[3] đều biến đổi hoàn toàn trong đấu tranh, đến nỗi sau khi chiến thắng, họ chỉ còn lưu lại được chút tên tuổi cho bản thân mình, và một vài biểu trưng cho tư tưởng đã mất của mình…”.

       Hay: “Cũng như một xứ sở rộng lớn có những khí hậu rất mực đa dạng, chẳng mấy khi có một trí tuệ bao la mà không chứa nhiều mâu thuẫn”, …

       Hoặc nữa: “Sự cố chấp có ở mọi thời. Không một tôn giáo nào không có những kẻ cuồng tín. Tất cả chúng ta đều có khuynh hướng sùng bái. Trong những gì chúng ta yêu, mọi thứ đều tuyệt hảo, khi người ta chỉ ra cho chúng ta thấy khiếm khuyết nơi những thần tượng của chúng ta, chúng ta nổi cáu. Con người rất khó mà đưa chút ít phê phán vào nguồn gốc những tín ngưỡng của họ, vào căn nguyên đức tin của họ.”.

       Hoặc sau cùng: “Chính sự xác tín rằng mình nắm chân lí khiến con người trở nên tàn ác.” “Chúng ta đều lầm lẫn tuốt và vào mọi lúc. Lí do khiến ta sai lầm thật nhiều vô kể. Những cảm thụ của giác quan và những nhận định của trí não là những nguồn gốc gây ảo tưởng, những nguyên nhân của sự không xác thực. Không nên tin vào lời chứng của một người - Testis unus, testis nullus.[4]” “Lẽ thường bảo ta rằng Trái Đất là cố định, rằng mặt trời xoay xung quanh và rằng ở vị trí hai đầu đối nhau (của Trái Đất, Người dịch thêm), những người sống ở đó đều đang bước chân đi mà đầu thì lộn xuống.”.

       Hồi nhỏ, cậu bé Anatole không nhồi nhét kiến thức sách vở như kiểu học trò. Cậu thích học hỏi nơi đường phố, nơi trò chơi: “Trong tất cả các loại trường học, tôi thấy trường ở bờ ở bụi[5] là loại trường tốt nhất.” Vốn được bao bọc trong tình thương yêu của người cha, người mẹ rất ân cần, không hề thiếu thốn về vật chất, cậu đã thực sự tự cho phép mình làm điều ấy.

       Về tính độc lập trí tuệ và cái đẹp: “Sung sướng thay kẻ nào, giống như Ulysse[6], đã trải một cuộc lãng du đẹp! Khi con đường đầy hoa nở, đừng có hỏi nó dẫn tới đâu… Tôi đã hỏi đường tất cả những ai tự cho là mình biết đường dẫn tới Cái-Chưa-Biết, dù người đó là giáo sĩ, bác học, phù thủy hay triết gia. Không ai chỉ chính xác cho tôi con đường đúng cả. Cho nên con đường tôi ưng nhất là con đường có những cây du non vút lên rậm rạp nhất dưới bầu trời tươi vui nhất. Ý thức về cái đẹp dẫn dắt tôi đi.”.

       Về người giàu và người nghèo: “Nên thương hại những người giàu: cả của cải bao quanh họ mà có nhập được vào họ đâu.” “Tôi coi lòng thương hại của kẻ giàu đối với người nghèo là thóa mạ và trái với tình huynh đệ giữa con người với nhau. Nếu các vị muốn tôi nói với những người giàu, tôi sẽ bảo họ như thế này - Hãy tha cho những người nghèo, đừng thương hại họ, họ không biết làm gì với cái lòng thương hại ấy đâu!”, hoặc giả: “Không nên cải thiện mà phải xóa bỏ thân phận người nghèo. Tôi sẽ không xui người giàu làm bố thí, bởi vì của bố thí của họ bị nhiễm độc, bởi vì của bố thí đem lại điều tốt cho người cho và điều xấu cho kẻ nhận, và sau rốt, bởi vì sự giàu có tự thân nó là khắc nghiệt và tàn ác, không nên khoác cho nó cái bề ngoài dịu dàng lừa mị.”.

       Về công lí và luật pháp: “Bảo vệ sự sở hữu chống lại kẻ thù của nó là đúng. Nhiệm vụ cao nghiêm của quan tòa là đảm bảo cho mỗi người những gì thuộc về họ, đảm bảo cho người giàu vẫn giàu, và người nghèo vẫn nghèo”. Hay: “Sự uy nghiêm của luật lệ cấm người giàu cũng như người nghèo không được ngủ dưới gầm cầu, ăn xin ngoài đường phố và ăn cắp bánh mì.” “Khi người làm chứng được vũ trang bằng một thanh gươm thì nên nghe thanh gươm thay vì nghe người đó.” “Công lí là sự quản lí của sức mạnh.”.

       Về những đam mê: “Tôi vẫn luôn thích sự điên cuồng của đam mê hơn sự khôn ngoan của dửng dưng.” “Trong cuộc đời, chỉ có đam mê là đẹp, và những đam mê vốn là phi lí, đam mê đẹp nhất trong tất cả và bất chấp lí trí nhất, đó chính là ái tình.”.

       Về ý chí và mơ ước: “Chính niềm tin ở hoa hồng khiến người ta làm cho nó nở.

       Về nghệ sĩ: “Người nghệ sĩ phải yêu cuộc sống và chỉ cho ta thấy cuộc sống là đẹp. Không có nghệ sĩ, chúng ta sẽ nghi ngờ điều đó.

       Về chủ nghĩa thực dân: “Sự phát hiện ra các nước Nam Á và Đông Nam Á, những cuộc khai thác châu Phi, sự thông thương trên Thái Bình Dương, mở ra trước lòng tham của người châu Âu những lãnh thổ mênh mông. Những người da trắng tranh chấp nhau triệt hạ các chủng tộc da đỏ, da vàng và da đen, và trong bốn thế kỉ, ráo riết cướp bóc ba bộ phận lớn đó của thế giới. Ngày nay, những người da trắng vẫn chỉ giao lưu với người da vàng để nô dịch họ và tàn sát họ…” Hoặc giả: “Chúng ta đã giết hai phần ba cư dân để bắt số còn lại phải mua những chiếc dù và những dây đeo quần của chúng ta.” “Ngày nay, không một đế quốc nào có thể tham vọng làm bá chủ các vùng đất và các đại dương.”.

       Về nạn nhân của các cuộc chiến tranh: “Nhân loại không muốn người ta có sự phân biệt giữa các nạn nhân chiến tranh.”.

       Về quá khứ: “Đừng có để mất chút gì của quá khứ. Chính bằng quá khứ mà người ta xây dựng tương lai.”.

       Sau cùng, về sự châm biếm: “Sự Châm Biếm mà tôi viện đến không hề tàn nhẫn. Nó không nhạo tình yêu cũng chẳng mỉa mai cái đẹp. Nó dịu dàng và từ tâm. Cái cười của nó xoa dịu cơn nóng giận và chính nó dạy ta chế giễu những kẻ độc ác và những người ngốc dại mà nếu không có nó, chúng ta có thể đem lòng ghét bỏ”.“Thiếu chất châm biếm, thế giới sẽ như một khu rừng không có chim chóc.”.

       Có lẽ do ông theo chủ nghĩa hoài nghi, khinh thường thói theo thời, ngược ngạo với uy quyền chính trị cũng như tôn giáo, cay độc với “chế độ đầu sỏ tài chính”, có lẽ vì ông làm rầy uy quyền, thậm chí đôi khi cả bạn bè mình, vì người ta không thể xếp ông dứt khoát vào bất kì loại nào, văn nhân lỗi lạc này không được giới giáo dục Pháp hiện nay chú ý một cách thích đáng.

*   *   *

       Với nguồn gốc xuất thân khiêm tốn, ông bước những bước đầu tiên của người đọc trong hiệu sách nhỏ của cha, chuyên bán sách và tài liệu về cách mạng Pháp. “Hãy cầu phước cho sách nếu cuộc đời có thể trôi theo một dòng ấu thơ dài êm đềm giữa những cuốn sách!”. Sách của bạn tôi là một phần của bộ tự truyện ba tập gồm “Cậu bé Pierre”, “Pierre Nozières” và “Cuộc đời nở hoa”. Một chuỗi nối tiếp những bức tranh gợi không khí, chuyển động, những chân dung, những đoạn đời được gợi lại, những đoạn trò chuyện, những suy tư triết học. Tất cả rút ra từ cái tủ cũ của một quá khứ tuổi thơ, thường là một cách hào hứng và tinh quái, đôi khi xúc động e thẹn.

       (Tại sao Anatole France viết bộ sách này? – Người dịch thêm). Nhu cầu phải điểm lại tình hình khi đến “giữa chừng đường đời”? Nỗi hoài nhớ của kẻ trưởng thành chán ngán hoặc mất phương hướng vì những điều trải nghiệm, đi tìm cái tươi mát đã mất của những khám phá đầu tiên, những mơ ước đầu tiên của mình? Tiếc nuối? “Cái chú bé ấy– là tôi hồi bấy giờ – khi chú đang hiện hữu, tôi không hề lưu tâm đến, nhưng giờ đây khi chú không còn nữa, tôi lại thấy rất yêu chú.” Với những bình luận của người trưởng thành tạo cho mình một khoảng cách, tác giả mời chúng ta theo chân Pierre Nozières, bản sao văn học của chính ông. Qua những lớp ngắn, chúng ta chia sẻ những thời điểm hoặc tình cảm mà mỗi chúng ta từng trải qua vì chúng vượt qua mọi thời kì, mọi văn hóa, mọi giai cấp xã hội: sự trằn trọc khó ngủ, sự ghen tuông của người lớn, nỗi thèm muốn tự do và giải phóng, nhu cầu được vui chơi không thể kìm nén, sự gặp gỡ với cái chết, sự ngưỡng mộ các anh hùng, phép thuật của những cuốn sách và ước mơ thi ca, những thầy giáo được phác họa một cách hài hước, những xao xuyến đầu tiên trước người khác giới tính, tình bạn chung thủy đầu tiên… Chẳng có gì phi thường, thế mà chẳng có gì lại không đánh thức những vang âm trong mỗi chúng ta.

       Nhân những lang bang này trong Sách của bạn tôi, tôi đề nghị các bạn hãy thả cho trí tò mò mặc sức bay bổng, “bôi phứa lên mặt giấy những mơ ước”, những bất ngờ, những lo âu, những nhận xét và suy nghĩ của các bạn… Tôi sẽ không đặt ra những câu hỏi. Chính các bạn là người đặt câu hỏi và, riêng từng người hoặc cùng nhau, gợi ý trả lời. Để ngỏ, bao giờ cũng để ngỏ, như ông già Anatole ắt muốn thế. Bằng cách làm theo, nếu các bạn viết, bí quyết viết thư của ông: “Hãy vuốt ve thật lâu câu chữ của mình rồi cuối cùng, nó sẽ mỉm cười.”.

       Đoạn trích thứ nhất

       “Tôi ăn sung ở sướng, rất sung sướng, ấy vậy mà tôi vẫn thèm muốn được như một thằng bé khác. Nó tên là Alphonse. Tôi không biết nó có tên nào khác và rất có thể nó chỉ có cái tên ấy. Mẹ nó là thợ giặt.

       Alphonse lang thang suốt ngày trong sân và trên bến tàu. Và từ cửa sổ nhà mình, tôi quan sát bộ mặt lem luốc, mớ tóc bù xù vàng khè, cái quần đùi lùng thùng và đôi giày cà tàng mà nó kéo lê trong những rãnh nước. Tôi cũng muốn được tự do lê la trong những rãnh nước.

       Alphonse thường hay đến chỗ các phụ nữ nấu bếp và ở bên họ, nó ăn khối cái tạt tai kèm mấy cùi patê cũ mèm. Thi thoàng, đám phu coi ngựa sai nó ra vòi bơm lấy một xô nước và nó hãnh diện xách về, mặt đỏ bừng bừng, lưỡi thè lè khỏi miệng. Tôi thèm được như nó. Nó không phải học những bài ngụ ngôn La Fontaine. Nó, nó đâu có sợ bị mắng vì một vết bẩn trên áo!

       Nó không buộc phải “bonjour monsieur, bonjour madame”[7] với những người mà những ban ngày, những buổi tối của họ, dù tốt dù xấu, cũng chẳng khiến nó mảy may quan tâm. Và nếu nó không có một chiếc thuyền Noé[8] và một con ngựa chạy bằng dây cót như tôi, thì nó tung tẩy chơi theo tưởng tượng ngông cuồng của mình với bầy chim sẻ, với lũ chó cũng lang thang như nó, với vẫn những con ngựa ấy trong tàu ngựa, cho đến khi bác xà-ích cầm chổi xua nó ra ngoài. Nó tự do và táo bạo. Từ cái sân, lãnh địa của nó, nó nhìn tôi đứng ở cửa sổ như nhìn một con chim trong lồng.”

 Dừng lại, thảo luận, ngẫm nghĩ

  1. 1.      Bạn tự đặt mình vào vị trí nhân vật Tôi, bạn đứng sau khung cửa sổ, bạn theo dõi cậu bé Alphonse cùng cỡ tuổi mình… Bạn nhớ lại: thân hình cậu ta, quần áo giày dép của cậu ta,  một việc làm của cậu bé đó.
  2. 2.      Nhân vật Tôi nghĩ về Alphonse: “Nó tự do và táo bạo. Từ cái sân, lãnh địa của nó, nó nhìn tôi đứng ở cửa sổ như nhìn một con chim trong lồng”. Theo ý bạn, Alphonse có nghĩ về “tôi” như vậy không? Hay đó chính là “tôi” nghĩ về “tôi”?
  3. 3.      Hãy lục lọi trong ký ức tuổi thơ của bạn và viết về một kỷ niệm nho nhỏ nào giông giống như vậy.

 

Đoạn trích thứ hai

       “Ôi những ông già Do Thái nhớp nhúa trên phố Cherche-Midi, những chủ quán sách hồn nhiên, những ông thầy của tôi! Cháu phải hàm ơn các ông biết bao! Ngang bằng và còn hơn cả các giáo sư ở trường Đại học, các ông đã hoàn thiện giáo dục trí tuệ cho cháu. Là những con người đôn hậu, các ông đã bày ra trước con mắt vui sướng của cháu những hình thái bí ẩn của đời sống đã qua và mọi thứ đền đài của tư tưởng nhân loại. Chính nhờ lục lọi trong các hộp của các ông, ngắm nghía các sạp bụi bặm chất đầy những thánh tích và những tư tưởng đẹp của cha ông ta, mà từ lúc nào không biết, cháu thấm nhuần thứ triết học lành mạnh nhất.”

 Dừng lại, thảo luận, ngẫm nghĩ

1. Bạn tự tìm hiểu về những quán sách bên bờ sông Seine ở thủ đô Paris và trao đổi trong nhóm với nhau về những quán sách, hình ảnh sưu tập, những tên tuổi lớn thường la cà ở những quán sách đó…

2. Các bạn đọc thầm rồi đọc to đoạn văn để thưởng thức cái nội dung phù hợp với âm điệu câu văn (dù là văn dịch).

 Đoạn trích thứ ba

       “Người ưu tú nhất và thông thái nhất, ông Littré, những muốn mỗi gia đình đều có tư liệu riêng và lịch sử tinh thần của mình. Ông nói: “Từ khi một triết học tốt dạy tôi đánh giá cao truyền thống và sự bảo tồn, tôi đã nhiều lần tiếc rằng trong thời Trung cổ, các gia đình trung lưu ở thành thị đã không nghĩ đến việc lập những sổ ghi lại những sự biến chính trong đời sống nội bộ để truyền lại chừng nào gia đình còn tồn tại. Những bộ sử kí đó sẽ kì lạ biết bao nếu tới được thời chúng ta, cho dù những ghi chú có ngắn gọn đến mấy chăng nữa! Biết bao khái niệm và kinh nghiệm bị mất đi mà lẽ ra chỉ cần chú tâm và có đầu óc kiên trì liên tục là cứu được! Ấy vậy thì về phần mình, tôi sẽ thực hiện mong muốn của ông già minh triết: cái này sẽ được giữ lại và sẽ mở đầu sổ sử kí của gia đình Nozière. Đừng để mất gì của quá khứ. Chính bằng quá khứ mà người ta xây dựng tương lai.”

 Dừng lại, thảo luận, ngẫm nghĩ

1. Bạn nghĩ gì về ý tưởng của nhà văn A. France về “mỗi gia đình cần có sổ ghi lại những sự kiện trong đời sống nội bộ…”?

2. Có phải đời sống hạnh phúc trong gia đình và nền giáo dục gia đình đã dẫn tác giả tới ý nghĩ đó không? Bạn nghĩ thế nào về điều đó?

3. Bạn có biết ở Việt Nam xưa những gia tộc lớn thường vẫn có “sổ sử kí của gia đình” với tên gọi “gia phổ”?

 Đoạn trích thứ tư

       “Chất thơ trong sáng nhất là chất thơ của những dân tộc trẻ thơ. Các dân tộc giống như chim họa mi ca hát: họ hát chừng nào trái tim mình vui. Khi già đi, họ trở nên nghiêm trang, thông thái, lo âu, và những thi sĩ ưu tú nhất của họ chỉ là những nhà hùng biện tuyệt vời. Thật vậy, “Người Đẹp Ngủ Trong Rừng” là trẻ con. Đó là điều khiến nó giống một ca khúc trong Odyssée. Cái chất giản dị đẹp đẽ ấy, cái hồn-nhiên-chẳng-biết-gì thần tiên ấy của tuổi ban đầu mà người ta không tìm lại được trong những giai đoạn văn học của những thời cổ điển, được lưu giữ như hoa ngát hương trong truyện cổ tích và dân ca. Ta hãy, như Octave, mau nói thêm rằng những truyện cổ tích là phi lí. Nếu chúng không phi lí thì chúng đã chẳng dễ thương

       Hãy tự nhủ rằng những điều phi lí là những điều duy nhất dễ chịu, những điều duy nhất đẹp, những điều duy nhất đem lại duyên dáng cho cuộc đời và ngăn ta khỏi chết vì buồn chán. Một bài thơ, một pho tượng, một bức tranh hợp li sẽ làm cho người ta ngáp dài, ngay cả những người duy lí”.

                            

Dừng lại, thảo luận, ngẫm nghĩ

1.      Bạn hiểu gì về “các dân tộc trẻ thơ”? Tại sao A. France nói đến “dân tộc trẻ thơ” xong thì lại lấy dẫn chứng bằng cổ tích, huyền thoại, thần thoại?

2.      Bạn nghĩ gì về ý này “Truyện cổ tích là phi lí. Nếu chúng không phi lí thì chúng đã chẳng dễ thương”?

 Đoạn trích thứ năm

       Để tôi kể bạn nghe những gì nhắc nhớ tôi hằng năm khi trên bầu trời thu mây xốn xang, khi những bữa ăn tối cả nhà bắt đầu phải lên đèn, và khi những chiếc lá ngả vàng trong tán cây đang run rẩy.

       Để tôi kể bạn nghe những gì lọt mắt tôi lúc đi ngang vườn Luxembourg vào những ngày đầu tháng mười, khu vườn đìu hiu và đẹp hơn bao giờ hết, vì đấy là thời kỳ lá rơi từng chiếc từng chiếc lên những bờ vai trắng ngần của các pho tượng.

        Tôi nhìn rõ lúc bấy giờ có một chú bé trong khu vườn, tay đút túi, cặp sách đeo quàng ra sau lưng, đang trên đường tới trường, chân nhảy nhót như con chim sẻ. Chỉ sâu kín trong lòng tôi nhìn thấy chú, vì chú bé ấy chính là cái bóng của tôi hai mươi lăm năm về trước.

 Dừng lại, ngẫm nghĩ

Các bạn Lớp 6 thân yêu! Thế hệ học sinh Lớp 6 già hơn các bạn bảy tám chục tuổi, thế hệ còn lại không nhiều người kịp thấy cuốn sách Văn này của các bạn – thế hệ ấy đã học và đọc thuộc lòng với nhau đoạn văn nghe như một bài thơ vừa dẫn trên.

Các bạn cũng thử như vậy đi… và đừng quên những người bạn già lớp Sáu của mình…



[1] Muốn nói đến vụ án oan năm 1894 – một vụ án chính trị bài Do Thái. Viên đại úy pháo binh Alfred Dreyfus gốc Do Thái bị kết tội gián điệp chuyển tài liệu bí mật quốc gia cho sứ quán Đức. Dreyfus bị kết án tù chung thân và bị đưa đi giam ở nhà tù khổ sai khét tiếng ở Guyana thuộc Pháp. Các nhân sĩ, trí thức, những người Pháp chân chính đã đấu tranh đòi thả Dreyfus. Và đến năm 1906 thì cuộc đấu tranh thành công, Dreyfus được trả tự do. (Người dịch chú thích).

[2] Tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Pháp.

[3] Hiểu là “Tất cả những nhân vật chính trị hay tôn giáo đó” (Người dịch chú thích).

[4] Tiếng Latin nghĩa là: Một lời chứng duy nhất là một lời chứng vô giá trị.

[5] Nguyên văn: l’école buissonnière, trường học mở ngay giữa cánh đồng vào thời Trung cổ - với những bụi cây (buisson). Từ chữ “buisson” có thành ngữ faire l’école buissonnière nghĩa là trốn học đi chơi. (Người dịch chú thích).

[6] Mời bạn tự tìm tài liệu tham khảo thần thoại Iliad và Ulysse (hoặc Odysseus).

[7] Tiếng Pháp “Chào ông, chào bà”. Cách chào hỏi bắt Tôi thực hiện với những người xa lạ Tôi không ưa.

[8] Mời các bạn tự giải thích nghĩa của “chiếc thuyền Noé” (phát âm Nô-ê).

0